5. THIỀN ÐỊNH

Trao đổi về phong tục, tín ngưỡng
KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1743
Tham gia: 11:03, 25/04/14

5. THIỀN ÐỊNH

Gửi bài gửi bởi KMD »

Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ

Đối Cơ 5 (Trả Lời Người Hỏi)

Dịch:

Xin hỏi:

- Thế nào là gia phong của Thượng Sĩ?

Thầy đáp:

Nhàn ném trái rừng kêu vượn tiếp
Lười câu cá suối khiến hạc tranh.

Lại hỏi:

- Tổ ý cùng giáo ý là đồng hay khác?

Thầy đáp:

Sóng, nước tên tuy khác
Búp, nở một đóa hoa.

Lại hỏi:

- Bồ-đề, phiền não đồng khác thế nào?

Thầy đáp:

Vị muối trong nước
Chất keo trong màu.

Lại hỏi:

- Thế nào là nghiệp sanh tử?

Thầy đáp:

Sương thu lấm tấm phủ hoa lau
Đêm tuyết tung tăng trời trăng sáng.

Lại hỏi:

- Ngài Dật-đa (Di-lặc) không tu định tuệ, vì sao thành Phật không nghi?

Thầy đáp:

Đào đỏ trên cây đúng thời tiết,
Cúc vàng bên giậu nào phải Xuân.

Lại hỏi:

- Tọa thiền tập định thì thế nào?

Thầy đáp:

- Vua chúa xuống xe chọi ếch nhái.

Lại hỏi:

- Chẳng tọa thiền tập định thì thế nào?

Thầy đáp:

- Thuyền Phạm Lãi sông hồ vui thú.

Giảng:


Hỏi “thế nào là gia phong của Thượng Sĩ” là hỏi nếp sống trong nhà của Ngài, được Thượng Sĩ đáp:

Nhàn ném trái rừng kêu vượn tiếp
Lười câu cá suối khiến hạc tranh.


Nghĩa là khi rảnh rang thì ném trái cây rừng kêu vượn khỉ tới ăn. Và, khi lười thì ngồi câu bên bờ suối, được cá thì kêu hạc tới mổ ăn. Ý nói tất cả những gì Thượng Sĩ được thảy trao cho chúng sanh hết; làm tất cả việc cho chúng sanh, mà không bận không rối vẫn thường tự tại là gia phong của Thượng Sĩ. Chúng ta ngày nay sở dĩ chao đảo là vì không biết nhàn không biết lười, làm việc gì cũng thấy quan trọng, nên lo lắng không yên.

Hỏi:

- Tổ ý cùng giáo ý là đồng hay khác?

Tức là ý Tổ và ý kinh là đồng hay khác? Thượng Sĩ đáp:

Sóng, nước tên tuy khác
Búp, nở một đóa hoa.


Nghĩa là sóng và nước tên tuy khác nhưng thể không hai. Đóa hoa khi còn búp và khi nở tên tuy khác nhưng thể không hai.

Hỏi:

- Bồ-đề phiền não đồng khác thế nào?

Ở trên nói ý Tổ và ý kinh không khác thì dễ hiểu, tới đây hỏi Bồ-đề và phiền não đồng hay khác thì khó trả lời, nhưng Thượng Sĩ đáp:

Vị muối trong nước
Chất keo trong màu.


Nước thì không mặn, nhưng có muối tan trong nước thì nước mặn. Vậy vị mặn của nước biển và nước biển là một hay khác? Con người trong cõi đời này đang khổ, nên thích Bồ-đề ghét phiền não, vì vậy đi tu để thoát khổ. Nhưng Bồ-đề và phiền não có cách xa không? Tôi ví dụ có ai đó tới nói vài lời xúc chạm mình thì mình nổi giận. Khi cơn giận nổi lên thì lúc đó mình phiền não. Nhưng nếu người chọc mình, cười, nói “ê, mắc mưu tôi rồi”, mình chợt tỉnh, hết buồn, phiền não lặng, lúc đó Bồ-đề hiện. Vậy, phiền não và Bồ-đề có tách rời nhau không? Thật ra phiền não và Bồ-đề không hai, nhưng vì chúng ta cố chấp phân biệt nên thấy có hai. Từ lâu chúng ta quen có quan niệm những tật xấu là phiền não, những tánh tốt là Bồ-đề. Nếu có một chút phiền não khởi lên là chúng ta buồn khổ, muốn vất đi, nhưng vất cho ai cũng không được. Vậy phải làm sao?

Tôi xin hỏi quí vị khi nào chúng ta phiền não? Lúc tâm yên lặng có phiền não, hay tâm dấy niệm chạy theo sắc, thanh... mới có tham sân khởi lên? - Khi tâm dấy niệm chạy theo sắc thanh... mới có phiền não; mắt thấy sắc đẹp khởi tâm tham, muốn chiếm đoạt cho mình, không được thì buồn khổ, tai nghe tiếng không êm dịu xúc chạm đến mình thì bực tức sân giận đỏ cả mặt mày. Vậy, khi nghe người nói xúc chạm đến mình liền quán xét: thân này do đất nước gió lửa hợp thành không phải là ta, ý niệm chợt khởi chợt mất cũng không phải là ta thì xúc chạm ai? Lời nói như gió thổi qua tai thì có gì xúc chạm? Mình không thật, lời nói không thật, phiền não cũng không thật, nghe qua, nằm cười chơi, không ngồi dậy đi ăn thua với người, thì đâu có phiền não. Thế thì những thứ buồn giận... gọi là tâm phiền não, chúng ta thấy nó không thật nó tự mất, tâm lặng yên, lúc đó là Bồ-đề. Nhìn đúng thì tất cả là Bồ-đề, nhìn sai thì phiền não khởi dậy ầm ầm. Tóm lại, do chấp, thấy sai, nên phiền não khởi, tỉnh giác thấy đúng, phiền não tự lặng tức Bồ-đề. Như vậy phiền não Bồ-đề vốn không hai, từ tâm dấy động là phiền não, tâm lặng yên là Bồ-đề, vì vậy mà Thượng Sĩ nói “vị muối trong nước, chất keo trong màu”. Trong màu xanh, vàng, đỏ, trắng... pha chất keo lẫn trong màu sơn mới dính. Keo và màu không rời nhau, cũng như vị mặn và nước biển không hai. Như vậy là Thượng Sĩ trả lời phiền não Bồ-đề không hai.

Hỏi:

- Thế nào là nghiệp sanh tử?

Thượng Sĩ đáp:

Sương thu lấm tấm phủ hoa lau
Đêm tuyết tung tăng trời trăng sáng.


Chúng ta ai cũng sợ nghiệp sanh tử, song nghe Thượng Sĩ nói sao thảnh thơi quá, đẹp vô cùng. Người tu ai cũng có quan niệm tu là để thoát khỏi nghiệp sanh tử, được Niết-bàn giải thoát. Nhưng hỏi thế nào là nghiệp sanh tử, Thượng Sĩ trả lời “sương thu lấm tấm phủ hoa lau”. Về đêm sương rơi phủ lấm tấm trên hoa lau sáng ngày mặt trời mọc, rọi ánh nắng thì sương tan mất. Và “đêm tuyết tung tăng trời trăng sáng”. Ban đêm trời lạnh tuyết rơi cả bầu trời, sáng ngày mặt trời lên nắng ấm thì tuyết tan hết. Ý Thượng Sĩ nói nghiệp sanh tử có đó rồi mất đó không thật, giống như sương hay tuyết đêm rơi ngày tan vậy. Đối với nghiệp sanh tử, trong Chứng Đạo Ca Thiền sư Huyền Giác nói rằng: “Liễu tức nghiệp chướng bản lai không, vị liễu ưng tu hoàn túc trái.” Nghĩa là tu đã liễu ngộ thì thấy nghiệp chướng sanh tử xưa nay là không thật. Nếu chưa liễu ngộ, còn mê thì tạo nghiệp nào phải đền trả quả nấy không trốn tránh được.

Thiền sư Hạo Nguyệt hỏi Thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm rằng:

- Cổ đức nói: “Liễu tức nghiệp chướng bản lai không, vị liễu ưng tu hoàn túc trái.” Như Tổ Sư Tử và Tổ Huệ Khả vì sao lại đền nợ trước?

Trường Sa bảo:

- Đại đức chẳng biết bản lai không.

- Thế nào là bản lai không?

- Nghiệp chướng.

- Thế nào là nghiệp chướng?

- Bản lai không.

Với con mắt mê của chúng ta thì thấy Tổ Sư Tử và vua Kế-tân có nợ trước nên phải trả. Và Tổ Huệ Khả có nợ trước nên phải trả là bị tù rồi chết trong khám. Nhưng đối với Tổ Sư Tử và Tổ Huệ Khả thì thấy thân này là duyên hợp không thật, chết sống như trò chơi có gì thật đâu mà trả, nên khi vua Kế-tân hỏi Tổ Sư Tử:

- Thầy được không tướng chưa?

- Đã được.

- Đã được, thì còn sợ sống chết chăng?

- Đã lìa sống chết thì đâu có sợ.

- Chẳng sợ có thể cho ta cái đầu chăng?

- Thân chẳng phải cái của ta, huống nữa là đầu.

Vua liền chặt đầu Ngài rơi xuống đất. Nơi cổ phun lên tia sữa trắng cao chừng một trượng. Cánh tay mặt của vua Kế-tân cũng đứt lìa. Bảy ngày sau Vua băng hà.

Tôi thường dùng ví dụ, khi xưa chưa biết đạo, chúng ta là người có quyền thế lấn hiếp kẻ dưới tay mình, họ thù oán mình nhưng vì yếu thế không trả thù được. Khi hết thời mất quyền thế, chúng ta thức tỉnh phát nguyện tu hành. Học đạo thấm nhuần lý Bát-nhã, biết tất cả pháp đều không thật, thân năm uẩn này không thật. Người bị lấn hiếp ngày xưa bây giờ có quyền thế tìm chúng ta để trả thù. Khi xưa chúng ta lấn hiếp họ chừng năm, sáu phần, vì họ không biết đạo nên họ kết oán thù. Ngày nay họ lấn hiếp chúng ta tới chín, mười phần, nhưng nhờ chúng ta biết đạo thấy rõ các pháp không thật nên không giận, chỉ cười thôi. Như vậy thì có gì là trả! Còn họ thì thấy có trả, vì họ đã làm được những việc để thỏa mãn lòng oán hận đã ôm ấp bấy lâu nay. Như vậy, còn mê thì thấy có đền có trả nghiệp thật. Nếu giác ngộ rồi thì thấy nghiệp sanh tử vốn là không. Thế nên Thượng Sĩ nói “sương thu lấm tấm phủ hoa lau, tuyết đêm tung tăng trời trăng sáng” để nói lên nghiệp sanh tử không có thật. Nghiệp không thật thì sanh tử đâu có gì quan trọng.

Hỏi:

Ngài A-dật-đa (Di-lặc) không tu định tuệ, vì sao thành Phật không nghi?

Người hỏi dẫn một đoạn trong kinh Pháp Hoa kể giai thoại khi xưa Bồ-tát Di-lặc cũng là bạn đồng tu với đức Phật Thích-ca, nhưng vì Bồ-tát Di-lặc thích dạo xóm làng, thân cận với các vị trưởng giả, nên có biệt hiệu là Cầu Danh. Ngài không lo tu Thiền định, vậy mà Phật vẫn thọ ký cho Ngài sau sẽ thành Phật. Đó là cái nghi của người đưa ra hỏi. Thượng Sĩ đáp:

Đào đỏ trên cây đúng thời tiết,
Cúc vàng bên giậu nào phải Xuân.


Ở Trung Hoa cúc nở vàng rực bên hàng rào không phải là mùa Xuân, nhưng đào nở hoa đỏ trên cây đó là đúng tiết Xuân. Ý Thượng Sĩ nói tuy Bồ-tát Di-lặc không chuyên tu định tuệ, nhưng có trì tụng kinh nên khi công đức tích lũy đầy đủ rồi, nhân duyên thời tiết đến thì Ngài thành Phật. Sở dĩ Phật Thích-ca dẫn chuyện Bồ-tát Di-lặc cùng tu một lượt với Ngài, mà Ngài đã thành Phật, còn Bồ-tát Di-lặc thì chưa thành Phật để nói lên người tu tinh tấn và người tu giải đãi kết quả khác nhau. Thời gian tu của người giải đãi phải trải qua bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp, không thể nói năm năm hay mười năm. Nhưng, dù sao người tu giải đãi cũng đã gieo chủng tử, nhân đã gieo rồi quả ắt sẽ đến, tuy thời gian tu rất lâu, song rồi cũng sẽ thành Phật. Vậy, quí vị tu học ai tinh tấn thì tới nhanh, ai giải đãi rồi cũng tới, mà tới chậm, đừng nói người đó giải đãi là tu không được. Ở đây Tăng Ni cũng vậy, ai tu tinh tấn thì tiến nhanh, ai giải đãi thì tiến chậm.

Hỏi:

- Tọa thiền tập định thì thế nào?

Thượng Sĩ đáp:

- Vua chúa xuống xe chọi ếch nhái.

Câu này lấy từ điển tích: Vua nước Việt là Câu Tiễn đi đánh nước Ngô, trên đường đi Vua thấy có con ếch to phùng mang có vẻ chống lại xe. Vua bảo dừng xe bước xuống, kính cẩn chào con ếch rồi lên xe đi lại. Khi đó những người hầu cận hỏi: “Tại sao Bệ hạ xuống xe chào con ếch?” Vua đáp: “Vì con ếch dũng cảm dám chống lại xe.” Ếch nhái là loài thấp hèn, tại sao vua chúa phải xuống xe chào? Vua xuống xe là vì trọng dũng khí của con ếch. Người tu cũng vậy, không phải tọa thiền tập định là thành Phật, nhưng đó là dũng khí của người tu. Nhờ có dũng khí mới gan dạ ngồi bất động không cựa quậy suốt hai ba giờ đồng hồ. Do dũng khí mới khả dĩ vươn lên tiến đạo.

Hỏi:

- Chẳng tọa thiền tập định thì thế nào?

Thượng Sĩ đáp:

- Thuyền Phạm Lãi sông hồ vui thú.

Người tu đến lúc thấy không cần phải tọa thiền tập định, đi đứng nằm ngồi thấy tất cả pháp như tất cả pháp; thấy cái nhà là cái nhà, thấy con chim là con chim, thấy cái hoa là cái hoa, không có một niệm nào khác khởi thì như ông Phạm Lãi ngồi thuyền dạo chơi trên sông hồ rất vui thú. Ý này dẫn từ điển tích Phạm Lãi là người sống trong thời Xuân Thu. Ông giúp Việt vương Câu Tiễn diệt được Ngô Phù Sai, khôi phục lại nước Việt. Việc nước lo xong ông từ bỏ quan chức, lênh đênh trên con thuyền dạo chơi vùng Ngũ Hồ, nên nói “thuyền Phạm Lãi sông hồ vui thú” là vậy.
Đầu trang

Trả lời bài viết

Quay về “Phong tục - Tín ngưỡng”