Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Trao đổi về phong tục, tín ngưỡng
KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1721
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Gửi bài gửi bởi KMD »

Lời vàng của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh để lại cho đời

1- Hãy khoan hồng tha thứ, biết thiện thì làm, tới đâu thì tới.
2- Sống trong cuộc đời, muốn được thong thả rảnh rang thì đừng dính đến quyền lợi.
3- Làm việc hễ thuận duyên thì làm, không thuận thì phải khéo léo nhẫn nhịn để vượt qua.
4- Ăn chay, thương người, thương vật, tụng kinh.
5- Việc ác chớ để phạm, điều lành phải nên làm.
6- Thương người cùng thương vật, niệm Phật và tham thiền.
7- Chánh niệm đứng đầu là 3 niệm : Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
8- "Hằng ngày ăn thịt chúng sanh mà mong giải thoát, điều đó không bao giờ có điều đó được".
9- Mót thời gian để tu, đừng bỏ qua, gặp việc thì làm; rảnh việc thì nhiếp tâm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
10- Thông minh hiểu biết nhiều, coi chừng không bằng ông già bà lão ăn chay niệm Phật.
Được cảm ơn bởi: LLLLLLA, thanhmai8558
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1721
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Gửi bài gửi bởi KMD »

LỜI VÀNG CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ TỊNH ĐỂ LẠI CHO ĐỜI

** Mình sống trong thời Mạt Pháp , lấy sức người để tu hành cũng giống như đang ở nơi giữa dòng sông, chẳng những chung quanh toàn là nước mà còn có sóng lớn nữa hoặc nhiều khi còn xuất hiện những chỗ xoáy trũng. Do đó phải học bơi lội và phải bơi lội giỏi nghĩa là lúc nào cũng cần phải cố gắng tinh tấn đừng để phóng dật . Lại phải lập chí nguyện lớn , chí nguyện càng dõng mãnh thì nghị lực mới phi thường .

*** Và nhớ là đừng bỏ qua tu mót
Tu mót là chớ để thời gian trôi qua khi gặp được cơ hội để tu
Gặp việc thì làm việc
Rảnh việc thì nhiếp tâm niệm Phật , niệm Pháp, niệm Tâm

***Dù còn trong sinh tử luân hồi , nếu cố gắng mót tu , mót phước thì cũng đầy đủ đạo pháp , nuôi lớn được thân Huệ mạng của chính mình
Nếu ai đã từng thực hành một thời gian rồi sẽ thấy :
"Tu mót đôi khi lại lợi lạc nhiều hơn các khoá tu hành chính “

*** Người xuất gia có sự nghiệp của người xuất gia
Cư sĩ tại gia có sự nghiệp của người tu tại gia
Chỉ là LỚN hay NHỎ mà thôi
Tuy nhiên nếu đã tạo sự nghiệp thì hãy như con NHỆN chứ đừng như con TẰM NHẢ TƠ rồi chết trong cái kén của nó
Và cuối cùng nên giữ lại trong tâm chúng ta lời vàng ngọc quý giá vô cùng như sau từ bậc chân tu nhiều kiếp
“Ngày tháng trôi qua nhanh lắm , một năm không mấy chốc đã hết rồi "

GIÀ, BỊNH, CHẾT không chừa một ai . Dù vô thường sinh tử , thân này tuy không bền lâu , nhưng mình phải cố gắng nương theo thân người này để tu hành, vượt qua biển sinh tử lên đến bờ giải thoát .

Nếu chưa được như vậy thì cũng làm nhân duyên thù thắng cho những đời sau bằng cách GIỮ ĐẠO TÂM KIÊN CỐ VÀ GIEO NHIỀU CĂN LÀNH VÀ LÀM CHO NÓ TĂNG TRƯỞNG

Pháp của Phật rất rõ ràng chỉ cầu ở nơi mình có chí nguyện và thực hành hay không thực hành mà thôi !

Hoà Thượng Thích Trí Tịnh
Được cảm ơn bởi: LLLLLLA, thanhmai8558
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1721
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Gửi bài gửi bởi KMD »

Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1721
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Gửi bài gửi bởi KMD »

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh

Phẩm Thứ Tư: Nghiệp Cảm Của Chúng Sanh

1) Bồ Tát Vâng Chỉ - Lúc đó, Ngài Địa-Tạng Bồ Tát bạch cùng đức Phật rằng: 'Bạch Thế-Tôn! Con nương sức oai thần của đức Như-Lai, nên chia thần này ở khắp trăm nghìn muôn ức thế giới, để cứu vớt tất cả chúng sanh bị nghiệp báo.

Nếu không nhờ sức đại từ của đức Như-Lai, thời chẳng có thể biến hóa ra như thế được. Nay con lại được Như-Lai phó chúc: từ nay đến khi Ngài A Dật Đa thành Phật, làm cho chúng sanh trong sáu đường đều đặng độ thoát. Xin vâng! Bạch đức Thế-Tôn! Xin đức Thế-Tôn chớ lo!'.

Bấy giờ đức Phật bảo Ngài Địa-Tạng Bồ Tát rằng: 'Những chúng sanh mà chưa được giải thoát, tánh thức của nó không định, hễ quen làm dữ thời kết thành nghiệp báo dữ, còn quen làm lành thời kết thành quả báo lành.

Làm lành cùng làm dữ tùy theo cảnh duyên mà sanh ra lăn mãi trong năm đường không lúc nào tạm ngừng ngớt, mê lầm chướng nạn trải đến kiếp số nhiều như vi trần.

Ví như loài cá bơi lội trong lưới theo dòng nước chảy, thoạt hoặc tạm được ra, rồi lại mắc vào lưới. Vì thế nên ta phải lo nghĩ đến những chúng sanh đó.

Đời trước ông trót đã lập nguyện trải qua nhiều kiếp phát thệ rộng lớn độ hết cả hàng chúng sanh bị tội khổ, thời Ta còn lo gì!'

2) Định Tự Tại Vương Bạch Hỏi - Khi đức Phật dạy lời như thế xong, trong Pháp hội có vị đại Bồ Tát hiệu là Định-Tự-Tại-Vương ra bạch cùng đức Phật rằng:

'Bạch Thế-Tôn! Từ nhiều kiếp đến nay, Ngài Địa-Tạng Bồ Tát đã phát thệ nguyện gì, mà nay được đức Thế-Tôn ân cần ngợi khen như thế? Cúi mong đức Thế-Tôn lược nói cho'.

Bấy giờ, đức Thế-Tôn bảo Ngài Định-Tự-Tại-Vương Bồ Tát: 'Lóng nghe! lóng nghe! Phải khéo suy xét đó, Ta sẽ vì ông mà giải bày rõ ràng.'

3) Ông Vua Nước Lân Cận - Vô lượng vô số na-do-tha bất khả thuyết kiếp về thuở trước. Lúc đó, có đức Phật ra đời hiệu là Nhất-Thiết-Trí-Thành-Tựu Như-Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế-Tôn.

Đức Phật đó thọ sáu muôn kiếp. Khi Ngài chưa xuất gia, thời Ngài làm Vua một nước nhỏ kia, kết bạn cùng với Vua nước lân cận; hai Vua đồng thật hành mười hạnh lành làm lợi ích cho nhơn dân.

Nhơn dân trong nước lân cận đó phần nhiều tạo những việc ác. Hai Vua cùng nhau bàn tính tìm những phương chước để dắt dìu dân chúng ấy.

Một ông phát nguyện: 'Tôi nguyện sớm thành Phật sẽ độ dân chúng ấy làm cho đều được giải thoát không còn thừa'.

Một ông phát nguyện: 'Như tôi chẳng trước độ những kẻ tội khổ làm cho đều đặng an vui chứng quả Bồ Đề, thời tôi nguyện chưa chịu thành Phật'.

Đức Phật bảo Ngài Định-Tự-Tại-Vương rằng: 'Ông Vua phát nguyện sớm thành Phật đó, chính là đức Nhứt-Thiết-Trí-Thành-Tựu Như-Lai.

Còn ông Vua phát nguyện độ chưa hết những chúng sanh tội khổ thời chưa nguyện thành Phật đó, chính là Ngài Địa-Tạng Bồ Tát đây vậy.'

4) Quang Mục Cứu Mẹ - Lại vô lượng vô số kiếp về thuở trước, có đức Phật ra đời, hiệu là Liên-Hoa-Mục Như-Lai. Đức Phật đó thọ bốn mươi kiếp.

Trong thời mạt pháp, có một vị La-Hán phước đức cứu độ chúng sanh. Nhơn vì đi tuần tự giáo hóa mọi người, La-Hán gặp một người nữ tên là Quang Mục, nàng này sắm sửa đồ ăn cúng dường La-Hán.

La-Hán thọ cúng rồi hỏi: 'Nàng muốn những gì?'.

Quang Mục thưa rằng: 'Ngày thân mẫu tôi khuất, tôi làm việc phước thiện để nhờ đó mà cứu vớt thân mẫu tôi, chẳng rõ thân mẫu tôi thác sanh vào đường nào?'

La-Hán nghe nói cảm thương bèn nhập định quan sát, thời thấy bà mẹ của Quang Mục đọa vào chốn địa ngục rất khổ sở.

La-Hán hỏi Quang Mục rằng: 'Thân Mẫu ngươi lúc sanh tiền đã làm những hạnh nghiệp gì, mà nay phải đọa vào chốn địa ngục rất khổ sở như thế?'

Quang Mục thưa rằng: 'Ngày còn sống, thân mẫu tôi chỉ ưa ăn thịt loài cá trạnh, phần nhiều là hay ăn cá con và trạnh con, hoặc chiên, hoặc nấu, tha hồ mà ăn cho thỏa mãn.

Nếu tính đếm số cá trạnh của người đã ăn thời đến hơn nghìn muôn. Xin Tôn Giả thương xót chỉ dạy phải làm cách nào để cứu thân mẫu tôi?'

La-Hán xót thương bèn dạy phương chước, ngài khuyên Quang Mục rằng:

'Ngươi phải đem lòng chí thành mà niệm đức Thanh-Tịnh-Liên-Hoa-Mục Như-Lai, và vẽ đắp hình tượng đức Phật, thời kẻ còn cùng người mất đều được phước lợi!'

Quang Mục nghe xong, liền xuất tiền của, họa tượng Phật mà thờ cúng. Nàng lại đem lòng cung kính, khóc than chiêm ngưỡng đảnh lễ tượng Phật.

Đêm đó, nàng chiêm bao thấy thân của đức Phật sắc vàng sáng chói như hòn núi Tu-Di. Đức Phật phóng ánh sáng mà bảo Quang Mục rằng: 'Chẳng bao lâu đây thân mẫu ngươi sẽ thác sanh vào trong nhà của ngươi, khi vừa biết đói lạnh thời liền biết nói'.

Sau đó, đứa tớ gái trong nhà sanh một đứa con trai, chưa đầy ba ngày đã biết nói. Trẻ đó buồn khóc mà nói với Quang Mục rằng:

'Nghiệp duyên trong vòng sanh tử phải tự lãnh lấy quả báo. Tôi là mẹ của người, lâu nay ở chốn tối tăm. Từ khi vĩnh biệt người, tôi phải đọa vào đại địa ngục.

Nhờ phước lực của người, nên nay được thọ sanh làm kẻ hạ tiện, lại thêm số mạng ngắn ngủi, năm mười ba tuổi đây sẽ bị đọa vào địa ngục nữa. Người có phương thế gì làm cho tôi được thoát khỏi nỗi khổ sở?'

Nghe đứa trẻ nói, Quang Mục biết chắc là mẹ mình. Nàng nghẹn ngào khóc lóc mà nói với đứa trẻ rằng: 'Đã là mẹ của tôi, thời phải biết tội của mình, đã gây tạo hạnh nghiệp chi mà bị đọa vào địa ngục như thế?'

Đứa trẻ đáp rằng: 'Do hai nghiệp: giết hại sinh vật và chê bai mắng nhiếc, mà thọ báo khổ. Nếu không nhờ phước đức của người cứu nạn tôi, thời cứ theo tội nghiệp đó vẫn còn chưa được thoát khổ'.

Quang Mục hỏi rằng: 'Những việc tội báo trong địa ngục ra làm sao?'

Đứa trẻ đáp rằng: 'Những việc tội khổ nói ra càng bất nhẫn, dẫu đến trăm nghìn năm cũng không thuật hết được'.

Quang Mục nghe xong, than khóc rơi lệ mà bạch cùng giữa hư không rằng:

'Nguyện cho thân mẫu tôi khỏi hẳn địa ngục khi mãn mười ba tuổi không còn có trọng tội cùng không còn đọa vào ác đạo nữa.

Xin chư Phật trong mười phương thương xót chứng minh cho tôi, vì mẹ mà tôi phát nguyện rộng lớn như vầy:

Như thân mẫu tôi khỏi hẳn chốn tam đồ và hạng hạ tiện cùng thân gái, cùng kiếp không còn thọ những quả báo xấu đó nữa, tôi đối trước tượng của đức Thanh-Tịnh Liên-Hoa-Mục Như-Lai mà phát lời nguyện rằng: Từ ngày nay nhẫn về sau đến trăm nghìn muôn ức kiếp, trong những thế giới nào mà các hàng chúng sanh bị tội khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo, tôi nguyện cứu vớt chúng đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo: địa ngục, súc sanh và ngạ quỉ, v.v...

Những kẻ mắc phải tội báo như thế thành Phật cả rồi, vậy sau tôi mới thành bậc Chánh Giác'.

Quang Mục phát nguyện đó xong, liền nghe tiếng của Đức Phật Thanh-Tịnh Liên-Hoa-Mục Như-Lai dạy rằng: 'Này Quang Mục! Nhà ngươi rất có lòng từ mẫn, vì mẹ mà phát ra lời thệ nguyện rộng lớn như thế thật là hay lắm!

Ta quan sát thấy mẹ nhà ngươi lúc mãn mười ba tuổi, khi bỏ báo thân này sẽ thác sanh làm người Phạm Chí sống lâu trăm tuổi.

Sau đó vãng sanh về cõi nước Vô Ưu sống lâu đến số không thể tính kể.

Sau rốt sẽ thành Phật độ nhiều hạng người, trời, số đông như số cát sông Hằng'.

Đức Phật bảo Ngài Định-Tự-Tại-Vương Bồ Tát rằng: 'Vị La-Hán phước lành độ Quang Mục thuở đó, chính là Vô-Tận-Ý Bồ Tát. Thân mẫu của Quang Mục là Ngài Giải Thoát Bồ Tát.

Còn Quang Mục thời là Ngài Địa-Tạng Bồ Tát đây vậy. Trong nhiều kiếp lâu xa về trước Ngài có lòng từ mẫn, phát ra hằng hà sa số lời thệ nguyện độ khắp chúng sanh như thế.

Trong đời sau, như có chúng sanh không làm lành, mà làm ác, nhẫn đến kẻ chẳng tin luật nhân quả, kẻ tà dâm, vọng ngữ, kẻ lưỡng thiệt, ác khẩu, kẻ hủy báng Đại Thừa. Những chúng sanh có tội nghiệp như thế chắc phải bị đọa vào ác đạo.

Nếu gặp được hàng thiện tri thức khuyên bảo quy y với Ngài Địa Tạng Bồ Tát chừng trong khoảng khảy móng tay, những chúng sanh đó liền đặng thoát khỏi báo khổ nơi ba ác đạo.

Nếu người nào có thể quy kính và chiêm ngưỡng đảnh lễ ngợi khen, cùng dưng cúng những y phục, đồ ăn vật uống, các thứ trân bảo.... Thời người đó, trong trăm nghìn muôn ức kiếp sau, thường ở cõi trời hưởng thọ sự vui thắng diệu.

Hoặc lúc phước trời hết, sanh xuống chốn nhơn gian, vẫn còn thường làm vị Đế Vương trong trăm nghìn kiếp; lại nhớ được cội ngành nhơn quả trong các đời trước của mình.

Này Định-Tự-Tại-Vương! Ngài Địa-Tạng Bồ Tát có sức oai thần rất lớn không thể nghĩ bàn, nhiều sự lợi ích cho chúng sanh như thế. Các ông, những bực Bồ Tát, phải ghi nhớ kinh này hầu tuyên truyền lưu bố rộng ra'.

Ngài Định-Tự-Tại-Vương bạch Đức Phật rằng: 'Bạch đức Thế-Tôn! xin Phật chớ lo! Nghìn muôn ức đại Bồ Tát chúng con đều có thể nương oai thần của Phật mà tuyên lưu rộng kinh này nơi cõi Diêm-Phù-Đề để cho lợi ích chúng sanh'.

Ngài Định-Tự-Tại-Vương Bồ Tát bạch với Đức Phật xong, bèn cung kính chắp tay lễ Phật mà lui ra.

5) Tứ Thiên Vương Hỏi Phật - Bấy giờ, bốn ông Thiên Vương đồng từ chỗ ngồi đứng dậy cung kính chắp tay mà bạch cùng Đức Phật rằng: 'Bạch đức Thế-Tôn! Ngài Địa-Tạng Bồ Tát từ kiếp lâu xa nhẫn lại đã phát nguyện rộng lớn như thế, tại sao ngày nay mà vẫn độ chưa hết, Ngài lại còn phải phát lời nguyện rộng lớn nữa? Cúi mong đức Thế-Tôn dạy cho chúng con rõ'.

Đức Phật bảo bốn vị Thiên Vương rằng: 'Hay thay! Hay thay! Nay vì muốn được sự lợi cho chúng sanh. Ta vì các ông cùng chúng thiên nhơn ở hiện tại và vị lai, mà nói những sự phương tiện của Ngài Địa-Tạng Bồ Tát ở trong đường sanh tử nơi Diêm-Phù-Đề ở Ta-Bà thế giới này, vì lòng từ mẫn xót thương mà cứu vớt, độ thoát tất cả chúng sanh mắc phải tội khổ'.

Bốn ông Thiên Vương bạch rằng: 'Vâng! Bạch đức Thế-Tôn! Chúng con xin muốn được nghe'.

6) Phương Tiện Giáo Hóa - Đức Phật bảo bốn ông Thiên Vương rằng:

'Từ kiếp lâu xa nhẫn đến ngày nay, Ngài Địa-Tạng Bồ Tát độ thoát chúng sanh vẫn còn chưa mãn nguyện, Ngài thương xót chúng sanh mắc tội khổ đời này, lại quan sát vô lượng kiếp về sau, tội khổ cứ lây dây mãi không dứt.

Vì lẽ đó nên Ngài phát ra lời trọng nguyện.

Địa-Tạng Bồ Tát ở trong cõi Diêm-Phù-Đề nơi thế giới Ta-Bà, dùng trăm nghìn muôn ức phương chước để giáo hóa chúng sanh.

Nầy bốn ông Thiên Vương! Ngài Địa-Tạng Bồ Tát nếu gặp kẻ sát hại loài sanh vật, thời dạy rõ quả báo vì ương lụy đời trước mà phải bị chết yểu.- Nếu gặp kẻ trộm cắp, thời Ngài dạy rõ quả báo nghèo- khốn khổ sở.- Nếu gặp kẻ tà dâm thời Ngài dạy rõ quả báo làm chim se-sẻ, bồ câu, uyên-ương.

- Nếu gặp kẻ nói lời thô ác, thời Ngài dạy rõ quả báo quyến thuộc kình chống nhau.- Nếu gặp kẻ hay khinh chê, thời Ngài dạy rõ quả báo không lưỡi, miệng lở.- Nếu gặp kẻ nóng giận, thời Ngài dạy rõ quả báo thân hình xấu xí tàn tật.

- Nếu gặp kẻ bỏn xẻn, thời Ngài dạy rõ quả báo cầu muốn không được toại nguyện.- Nếu gặp kẻ buông lung săn bắn, thời Ngài dạy rõ quả báo kinh hãi điên cuồng mất mạng.

- Nếu gặp kẻ trái nghịch cha mẹ, thời Ngài dạy rõ quả báo trời đất tru lục.- Nếu gặp kẻ đốt núi rừng cây cỏ, thời Ngài dạy rõ quả báo cuồng mê đến chết.- Nếu gặp cha ghẻ, mẹ ghẻ ăn ở độc ác, thời Ngài dạy rõ quả báo thác sanh trở lại hiện đời bị roi vọt.

- Nếu gặp kẻ dùng lưới bắt chim non, thời Ngài dạy rõ quả báo cốt nhục chia lìa.- Nếu gặp kẻ hủy báng Tam-Bảo, thời Ngài dạy rõ quả báo đui, điếc, câm, ngọng.

- Nếu gặp kẻ khinh chê giáo pháp thời Ngài dạy rõ quả báo ở mãi trong ác đạo.- Nếu gặp kẻ lạm phá của thường trụ, thời Ngài dạy rõ quả báo ức kiếp luân hồi nơi địa ngục.- Nếu gặp kẻ ô nhục người hạnh thanh tịnh và vu báng Tăng già, thời Ngài dạy rõ quả báo ở mãi trong loài súc sanh.

- Nếu gặp kẻ dùng nước sôi hay lửa, chém chặt, giết hại sinh vật, thời Ngài dạy rõ quả báo phải luân hồi thường mạng lẫn nhau. - Nếu gặp kẻ phá giới phạm trai, thời Ngài dạy rõ quả báo cầm thú đói khát.

- Nếu gặp kẻ phung phí phá tổn của cải một cách phi lý, thời Ngài dạy rõ quả báo tiêu dùng thiếu hụt.- Nếu gặp kẻ tao ta kiêu mạn cống cao, thời Ngài dạy rõ quả báo hèn hạ bị người sai khiến.

- Nếu gặp kẻ đâm chọc gây gỗ, thời Ngài dạy rõ quả báo không lưỡi hay trăm lưỡi.- Nếu gặp kẻ tà kiến mê tín, thời Ngài dạy rõ quả báo thọ sanh vào chốn hẻo lánh.

Những chúng sanh trong cõi Diêm-Phù-Đề, từ nơi thân khẩu ý tạo ác, kết quả trăm nghìn muôn sự báo ứng như thế, nay chỉ nói sơ lược đó thôi.

Những nghiệp cảm sai khác của chúng sanh trong chốn Diêm-Phù-Đề như thế, Địa-Tạng Bồ Tát dùng trăm nghìn phương chước để giáo hóa đó.

Những chúng sanh ấy trước phải chịu phải chịu lấy các quả báo như thế, sau lại đọa vào địa ngục trải qua nhiều kiếp không lúc nào thoát khỏi.

Vì thế nên các ông là bậc hộ vệ người cùng bảo trợ cõi nước, chớ để những nghiệp chướng đó nó làm mê hoặc chúng sanh.

Bốn ông Thiên Vương nghe xong, rơi lệ than thở chấp tay lễ Phật mà lui ra.

****************
Được cảm ơn bởi: LLLLLLA, thanhmai8558
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1721
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Gửi bài gửi bởi KMD »

Đừng dính đến quyền lợi
Đại lão HT. Thích Trí Tịnh

Sống trong cuộc đời, muốn được thong thả rảnh rang thì đừng dính đến quyền lợi. Làm việc hễ thuận duyên thì làm, không thuận thì phải khéo léo nhẫn chịu để vượt qua.

Không phải hàng xuất gia không bị dính mắc vào quyền lợi. Huống nữa, chính quyền lợi đó sẽ đem đến những tai họa cho thân mình. Mấy huynh đệ tuổi còn trẻ, đường còn dài, phải lưu ý lắm mới được.

Nói đến đây, tôi nhớ lúc còn học tại chùa Báo Quốc ở Huế, nhân đọc Đại tạng đến quyển Trúc Song Tùy Bút của Đại sư Liên Trì, phần nói về “Con nhện con tằm”. Trong ấy nói hai con vật này đều nhả tơ, giăng lưới. Nhưng một con phải chết vì sự nhả tơ đó, còn một con thì lợi dụng sự nhả tơ để bắt mồi. Con tằm nhả tơ rồi bị đem đi luộc, còn con nhện cũng nhả tơ nhưng lại tự tại qua lại trên những sợi tơ đó, không bị vướng kẹt.

Đại sư Liên Trì đưa ví dụ này nhằm để khuyên nhắc tất cả mọi người. Vì ai nấy đều có sự nghiệp. Người đời cũng có sự nghiệp, mà người xuất gia cũng có sự nghiệp; chỉ là lớn hay nhỏ mà thôi. Tuy vậy, mình nhớ tạo sự nghiệp phải được như con nhện, đừng như con tằm nhả tơ rồi phải chết trong kén.

Tôi nhận thấy bài đó hay, lấy làm thích thú, luôn nhớ và đem ứng dụng tu hành. Nghĩ lại, từ năm 1946 tôi lập Liên Hải Phật Học đường, các Phật Học viện, thành lập chùa, ra làm việc cho Giáo hội như: Trưởng ban Giáo dục, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự, rồi Viện trưởng Phật học viện Huệ Nghiêm… nhưng làm việc mà không bị ràng buộc.

Lúc làm Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự, đã 4 tháng mà tôi vẫn chưa mở văn phòng. Mấy thầy thấy vậy thắc mắc hỏi thăm, riêng tôi lại nghĩ hễ lập thì bị kẹt phải vào ở đó. Về sau, tôi đích thân xuống thỉnh HT. Từ Nhơn giữ chức Phó Tổng vụ Tăng sự và đặt sẵn văn phòng tại chùa Ấn Quang. Thế là tôi mở văn phòng từ đó, nhưng chỉ đứng ở ngoài để lo tinh thần mà giảng kinh cho mấy huynh đệ học.

Tôi không phải mong cầu những cái lợi như người đời thường nghĩ, chỉ luôn luôn cầu công đức. Cái lợi của người tu chính là thiện căn công đức, đâu phải là tiền bạc vật chất. Mấy huynh đệ phải nhớ mình ở chỗ nào nơi nào cũng phải gây tạo thiện căn công đức, đừng chạy theo những vật chất bên ngoài.

Lúc giữ chức Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự tất cả là 10 năm. Trong thời gian đó hễ thầy nào muốn du học qua Hồng Kông..., hễ đến tôi thì tôi ký. Mà phải trực tiếp đến mới được, nếu qua trung gian thì người khác sẽ nghĩ mình làm việc có điều không tốt, chẳng hạn như vì tiền. Tôi chỉ nghĩ, phải trợ giúp cho mấy thầy được thuận duyên tu học, làm được việc này cũng chính là vun bồi căn lành công đức cho mình, không bao giờ dính đến tiền bạc.

Điều thứ hai: Tôi luôn làm theo khẩu hiệu ngầm của riêng mình: Những việc đúng pháp, về mặt tinh thần hoặc vật chất thì “Không cầu cũng không từ”. Đây là khẩu hiệu để tôi lập thân, nghĩa là “Không tìm cầu cũng không từ chối”. Chẳng hạn, nếu có duyên cất chùa, mà cái duyên đó nó tự đến, nhận thấy đáng thì không từ chối. Cho đến tứ sự cúng dường cũng vậy, những vật gì không dùng, nhưng cũng không từ chối. Mình không sử dụng thì chuyển đến người khác, cho đại chúng dùng. Lúc trùng tu chùa Vạn Đức cũng vậy, tôi không cho đi quyên góp, ai hay biết thì đến cúng dường, còn “tìm cầu” thì nhất định không.

Ngoài ra, nếu làm việc gì, dù có cái lợi lớn trước mắt nhưng khi làm có cái hại xen vô trong hiện tại hoặc tương lai thì tôi quyết không làm, không tham dự. Ví dụ như: Danh vị, tiền bạc, lời khen tặng… Nếu được lợi thì phải xem có cái hại hay không, nếu có phải tránh xa, thấy hại mà vẫn chạy vô thì bị nghiệp dẫn.

Tôi thấy việc tu hành đã trải qua mấy mươi năm, nhờ ứng dụng hai điều trên nên không bị tổn thất chịu cái hại lớn, mà lại thấy việc nhẹ nhàng thảnh thơi. Tuy vẫn có sự lo lắng cực nhọc, nhưng ít thôi, còn kết quả cũng khá nhiều.

Ở đây tôi đã nói tận đáy lòng, mấy huynh đệ thấy đúng lý thì nên bắt chước làm theo, để sự tu hành không bị vướng kẹt, thiện căn công đức luôn được tăng trưởng. Đó là điều tôi luôn mong muốn ở nơi tất cả mấy huynh đệ!

(Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay số 12)
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1721
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Gửi bài gửi bởi KMD »

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA

Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập Hán Dịch
Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh Việt Dịch
Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản 1988 – PL 2530

QUYỂN THỨ SÁU

18. PHẨM “TÙY-HỶ CÔNG-ĐỨC”

1. Lúc bấy giờ, Ngài Di-Lặc Bồ-Tát bạch Phật rằng: Thế-Tôn! Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhơn nào nghe kinh Pháp-Hoa này mà tuỳ hỷ đó, được bao nhiêu phước đức? Liền nói kệ rằng:

Sau khi Phật diệt độ
Có người nghe kinh nầy
Nếu hay tùy hỷ đó (1)

2. Lại được bao nhiêu phước? Khi đó Phật bảo ngài Di-Lặc Bồ-Tát rằng: A-Dật-Đa! Sau khi Như-Lai diệt độ nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-ba-tắc, Ưu-bà-di và người trí khác, hoặc lớn, hoặc nhỏ nghe kinh này mà tùy hỷ rồi, từ trong pháp hội ra đến chỗ khác, hoặc tại tăng phường, hoặc chỗ vắng vẻ, hoặc thành ấp, đường xá, xóm làng, ruộng rẫy, đem pháp đúng như chỗ đã nghe mà vì cha mẹ tôn thân, thiện hữu tri thức tuỳ sức diễn nói. Các người đó nghe rồi tùy hỷ lại đi truyền dạy người khác nghe rồi cũng tuỳ hỷ truyền dạy, xoay vần như thế đến người thứ năm mươi.

3. A-Dật-Đa! Công đức tùy hỷ của thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhơn thứ năm mươi đó, ta nay nói, ông phải lóng nghe.

Nếu có trăm muôn ức vô số thế giới có sáu đường chúng sanh trong bốn loài sanh; noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hoá sanh, hoặc có hình, không hình, có tưởng, không tưởng, chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng, không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân, tất cả trong số chúng sanh như thế, có người cầu phước tuỳ theo đồ ưa thích của chúng muốn diều cung cấp cho đó. Mỗi mỗi chúng sanh cho các trân bảo tốt: vàng, bạc, lưu ly, xa-cừ, mã-não, san-hô, hổ-phách đầy cả Diêm-phu-đề và voi, ngựa, xe cộ, bảy báu làm thành những cung điện lầu gác v.v…

Vị đại thí chủ đó bố thí như thế đủ tám mươi năm rồi mà nghĩ rằng : “Ta đã ban cho chúng sanh những đồ ưa thích tuỳ theo ý muốn, những chúng sanh nầy đều già suy tuổi quá tám mươi, tóc bạc mặt nhăn gần chết chẳng lâu, ta phải dùng Phật Pháp mà dạy bảo diù dắt chúng”. Liền nhóm chúng sanh đó tuyên bày pháp giáo hóa, chỉ dạy lợi ích vui mừng. Đồng thời được đạo Tu-đa-hoàn, đạo Tư-đà-hàm, đạo A-na-hàm, đạo A-la-hán dứt hết cả hữu lậu, với những thiền định sâu đều được tự tại, đủ tám giải thoát.

Ý ông nghĩ sao? Công đức của vị đại thí chủ đó được, có nhiều chăng?

Ngài Di-Lặc bạch Phật rằng: Thế-Tôn! “Công đức của người đó rất nhiều vô lượng vô biên. Nếu vị thí chủ đó chỉ thí tất cả đồ ưa thích cho chúng sanh công đức đã vô lượng rồi, huống làm cho đều được quả A-la-hán”.

Phật bảo ngài Di-Lặc: ” Ta nay rành rẽ nói cùng ông, người đó đem tất cả đồ vui thích thí cho sáu đường chúng sanh trong bốn trăm ức vô số thế giới lại khiến được quả A-la-hán, công đức của người đó chẳng được bằng công đức của người thứ năm mươi kia nghe một bài kệ kinh Pháp-Hoa mà tùy hỷ, trăm phần nghìn phần, muôn ức phần chẳng bằng một phần, nhẫn đến tính, đếm, thí dụ không thể biết được”.

A-Dật-Đa! Người thứ năm mươi như thế, xoay vần nghe kinh Pháp-Hoa, công đức tuỳ hỷ còn vô lượng vô biên a-tăng-kỳ, huống là người tối sơ ở trong hội nghe kinh mà tuỳ hỷ, phước đó lại hơn vô lượng vô biên a-tăng-kỳ không thể sánh được.

4. A-Dật-Da! Nếu có người vì kinh này mà qua đến tăng phường, hoặc ngồi, hoặc đứng, trong chốc lát nghe nhận, nhờ công đức đó chuyển thân sanh ra được voi, ngựa, xe cộ, kiệu, cáng bằng trân bảo tốt đẹp bậc thượng và ở thiên cung. Nếu có người ngồi trong chỗ giảng pháp, sau lại có người đến bèn khuyên mời ngồi nghe, hoặc chia chỗ cho ngồi, công đức của người đó chuyển thân được chỗ ngồi của Đế-Thích hoặc chỗ ngồi của Phạm-vương hoặc chỗ ngồi của Chuyển-luân-thánh-vương.

5. A-Dật-Đa! Nếu lại có người nói với người khác rằng: ” Có kinh tên Pháp-Hoa nên cùng nhau qua nghe”. Liền nhận lời bảo nhẫn đến nghe trong giây lát, công đức của người đó, chuyển thân đặng với Đa-la-ni Bồ-Tát, sanh chung một chỗ, căn tánh lanh lợi, có trí huệ, trăm nghìn muôn đời, trọn chẳng ngọng câm, hơi miệng chẳng hôi, lưỡi thường không bịnh, miệng cũng không bịnh, răng chẳng đen dơ, chẳng vàng, chẳng thưa, cũng chẳng thiếu rụng, chẳng so le, chẳng sếu gãy, môi chẳng trớt, cũng chẳng rút túm, chẳng thô rít, chẳng ghẻ mụt, cũng chẳng sứt hư, cũng chẳng cong vẹo, cũng dày chẳng lớn, cũng chẳng đen nám, không có các tướng đáng chê.

Mũi chẳng xẹp giẹp, cũng chẳng cong gãy, sắc mặt chẳng đen, chẳng hẹp dài cũng chẳng hóm gãy, không có tất cả tướng chẳng đáng ư, môi lưỡi răng nướu thảy điều nghiêm tốt, mũi lớn cao thẳng, diện mạo tròn đầy, mày cao mà dài, trán rộng bằng thẳng, tướng người đầy đủ, đời sanh ra thấy Phật, nghe pháp tin nhận lời dạy bảo.

A-Dật-Đa! Người hãy xem khuyên nơi một người khiến qua nghe pháp mà công đức như thế, huống là một lòng nghe, nói, đọc, tụng, lại ở trong đại chúng vì người phân biệt, đúng như lời dạy mà tu hành.

Khi đó, đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

Nếu người trong pháp hội
Được nghe kinh điển này
Nhẫn đến một bài kệ
Tùy hỷ vì người nói
Xoay vần lại như thế
Đến người thứ năm mươi
Người rốt sau được phước
Nay sẽ phân biệt đó.
Như có đại thí chủ
Cung cấp vô lượng chúng
Đầy đủ tám mươi năm
Tùy ý chúng ưa muốn
Thấy chúng: Tướng già suy
Tóc bạc và mặt nhăn
Răng thưa, thân khô gầy
Nghĩ họ sắp phải chết
Ta nay phải nên dạy
Cho chúng được đạo quả
Liền vì phương tiện nói
Pháp Niết-bàn chân thật
Đời đều chẳng bền chắc
Như bọt bóng ánh nắng
Các ngươi đều nên phải
Mau sanh lòng nhàm lìa.
Các người nghe pháp đó
Đều được A-la-hán
Đầy đủ sáu thần thông
Ba minh tám giải thoát.
Người năm mươi rốt sau
Nghe một kệ tùy hỷ
Người này phước hơn kia.
Không thể thí dụ được
Xoay vần nghe như thế.
Phúc đó còn vô lượng
Huống là trong pháp hội
Người tuỳ hỷ ban đầu.
Nếu có khuyên một người
Dắt đến nghe Pháp-Hoa
Rằng: Kinh nầy rất mầu
Nghìn muôn kiếp khó gặp
Liền nhận lời qua nghe
Nhẫn đến nghe giây lát
Phước báo của người đó
Nay nên phân biệt nói.
Đời đời miệng không bệnh
Răng chẳng thưa, vàng, đen,
Môi chẳng dày teo thiếu
Không có tướng đáng chê.
Lưỡi chẳng khô đen ngắn
Mũi cao lớn mà ngay
Trán rộng và bằng phẳng
Mặt, mắt đều đoan nghiêm
Được người thấy ưa mến
Hơi miệng không hôi nhơ
Mùi thơm bông ưu-bát
Thường từ trong miệng ra.
Nếu cố đến tăng phường
Muốn nghe kinh Pháp-Hoa
Giây lát nghe vui mừng
Nay sẽ nói phước đó:
Sau sanh trong trời người
Được voi, xe, ngựa tốt
Kiệu, cáng bằng trân báu,
Cùng ở cung điện trời.
Nếu trong chỗ giảng pháp
Khuyên người ngồi nghe kinh
Nhân vì phước đó được
Tòa Thích, Phạm, Chuyển Luân
Huống là một lòng nghe
Giải nói nghĩa thú kinh
Đúng như pháp mà tu
Phước đó chẳng lường được.
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1721
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Re: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Gửi bài gửi bởi KMD »

Pháp môn niệm Phật trong lời dạy của HT. Thích Trí Tịnh

TT Thích Hoằng Tri

Một số hành giả niệm Phật thường lo sợ rằng niệm Phật là pháp môn thấp, không có khả năng giải thoát. Phatgiao.org.vn xin gửi tới quý độc giả bài phỏng vấn HT. Thích Trí Tịnh, Hòa thượng đã chứng minh ngược lại rằng đây là pháp môn đơn giản, dễ hành trì nhưng hiệu quả tâm linh rất lớn.

HT. Thích Trí Tịnh dạy về pháp môn niệm Phật

Thực tập theo các hướng dẫn cặn kẽ của Hòa thượng về pháp môn niệm Phật, hành giả sẽ đạt được nhất tâm bất loạn, trải nghiệm chất liệu và chất lượng an vui trong cuộc sống.

PV: Kinh thường dạy có đến 84.000 pháp môn. Phật tử tại gia không có thời gian nghiên cứu kinh điển Phật dạy nên không biết nội dung của các pháp môn là gì. Kính xin Sư ông trình bày trọng tâm của pháp Phật cho mọi người có thể thực tập để có được an vui và lợi ích?

- Pháp môn của Phật dạy rất nhiều, không pháp nào dễ đạt được kết quả hết. Chỉ có pháp dễ tu hay khó tu mà thôi. Phật dạy thân người khó được, đã được rồi không khéo tu để mất thân này thì muôn đời khó đặng lại. Thời gian qua mau, đừng để luống qua mà uổng phí một đời.

Căn bản của sự tu hành là Giới, Định, Huệ. Từ nơi Giới hạnh được tinh nghiêm mà tâm tĩnh lặng. Tâm được tĩnh lặng thì trần lao phiền não không chi phối được. Do được tĩnh lặng đó mà phát sanh ra Định. Và từ nơi Định mới sanh ra Huệ. Huệ này do có Định mới phát, chớ không phải do tạo tác mà thành. Nếu do tạo tác thì đó chỉ là phân biệt hơn thua, phải quấy, hay dở. Và đó chỉ là ở trong vòng sanh tử mà thôi. Huệ từ nơi Định sanh, Huệ đó mới là giác, là giải thoát. Người đời không biết quý trọng nơi sự giải thoát mà chỉ lo làm cho mạnh thêm cái phân biệt hay dở nên không quan tâm gì đến Giới, Định, Huệ. Tu pháp môn Trì danh niệm Phật cũng là cách đạt được Định và Huệ.

Do đó, đại chúng hãy giữ vững đạo tâm, tinh tấn tu hành, để căn lành mỗi ngày một thêm lớn, đạo lực được tăng trưởng thì mới tiến trên đường giải thoát. Phải dày công tu tập, nhiều thời gian lắm mới có kết quả được.

PV: Pháp môn niệm Phật là pháp tu phổ biến nhất hiện nay. Là bậc tổ sư của pháp môn này trong thời hiện đại, xin Sư ông chỉ dạy về tôn chỉ trì danh niệm Phật?

- Pháp môn nào của Phật dạy muốn đạt được đều rất là khó, chỉ có dễ tu hay khó tu mà thôi. Pháp Trì danh niệm Phật thì rất dễ tu. Nghĩa là mình đang đi bộ, hay đi trên xe niệm Phật cũng được. Mình đang đứng ngắm cảnh cũng niệm được. Mình đang ngồi làm việc cũng niệm được và khi mệt mỏi quá nằm niệm cũng được. Chỉ trừ lúc nói chuyện là không niệm được mà thôi. Còn các pháp môn khác phải ở nơi vắng lặng hay thiết lập đạo tràng thì mới thực hiện được, đại khái là như thế.

Khi thực hiện pháp Trì danh niệm Phật thì lòng tin phải cho sâu chắc; tâm nguyện phải thiết tha và công hạnh phải chuyên cần. Khi niệm Phật, tâm và tiếng phải hiệp khắn nhau. Nghĩa là tâm phải duyên theo tiếng, tiếng phải ở trong tâm, đừng để nó xao lãng theo một tiếng gì khác, hễ nó rời ra thì phải kéo nó lại. Muốn được vậy, tiếng niệm phải cho rõ ràng, rành rẽ.

Niệm như vậy phải chuyên cần, phải nhiều thời gian, phải đều đặn, phải tinh tấn lắm thì mới đắc lực. Khi niệm đã đắc lực thì tự nhiên trong tâm mình nổi lên tiếng niệm Phật mà mình không cần đề khởi, không cần nghĩ đến, nó vẫn tự niệm. Ban đầu thì lúc được lúc mất, được thì ít mà mất thì nhiều. Cố gắng thêm thì được nhiều mất ít, cho đến không còn gián đoạn nữa thì gọi là niệm lực tương tục. Và như vậy mới đúng nghĩa “chấp trì danh hiệu”. Đó mới là nhơn của Niệm Phật Tam-muội. Được vậy thì sự vãng sanh mới bảo đảm. Bởi được Thánh chúng vây quanh tiếp rước không phải chuyện dễ dàng. Có tương ưng với đại nguyện của đức Phật A-Mi-Đà thì mới có cảm ứng.

Người được gọi là “chấp trì danh hiệu”, nếu hạng lợi căn thì hoặc một ngày, chậm lắm là bảy ngày sẽ được Niệm Phật Tam-muội. Được Niệm Phật Tam-muội thì thấy được đức Phật A-Mi-Đà. Thấy Phật A-Mi-Đà thì thấy được mười phương chư Phật.

Pháp môn Trì danh niệm Phật là pháp môn dùng âm thanh làm phương tiện, nên dù niệm lớn hay nhỏ, hoặc niệm thầm cũng đều là âm thanh. Cho nên, chỉ có khi nói chuyện mới không thực hành được. Vì vậy, Bồ-tát Giác Minh Diệu Hạnh có dạy:

“Ít nói một câu chuyện

Nhiều niệm một câu Phật…”.

Vì thế, ta phải bớt đi những duyên lăng xăng chung quanh để dành nhiều thời gian mà niệm Phật. Nếu lăng xăng tạp nhạp nhiều quá mà niệm Phật ít quá thì sẽ không đủ lực để lấn áp vọng tưởng, khó mà nhiếp tâm được.

PV: Sư ông thường dạy rằng pháp môn niệm Phật đơn giản và dễ thực hành. Xin Sư ông cho biết kinh nghiệm niệm Phật của Sư ông khi còn là một tu sĩ trẻ.

- Thuở nhỏ ở nhà khoảng 14 tuổi, tôi đã tự mình niệm Phật. Nhân đọc được quyển Tây Phương Trực Chỉ, thấy có nói hễ niệm Phật 300 ngàn câu thì được vãng sanh Cực Lạc. Tôi tin làm theo. Tôi lấy quyển sách quảng cáo thuốc của ông anh (anh tôi làm chủ tiệm thuốc Bắc), đem về đặt trên gối ở đầu giường, cứ mở sách ra rồi niệm Phật. Niệm được 100 câu Phật thì lật 1 tờ. Mọi người trong nhà tưởng tôi đọc truyện, bởi người ta có in kèm truyện trong sách. Tôi niệm Phật lén như vậy, không ai hay biết. Nhưng vô chùa không được, vì thời gian đó chùa lúc nào cũng tối om, tượng thì ông nào cũng đội khăn đỏ trên đầu, chỉ có một đốm sáng nơi lỗ mũi mà thôi. Ngoài đường thì có một ông thầy đi trước, thằng nhỏ theo sau, đầu đội cái thúng, trong đó để chuông mõ, tượng Phật và giấy tiền vàng mã để đốt. Tôi chỉ nghĩ tu hành gì kỳ lạ vậy?

Cho đến năm 21 tuổi, tôi bỏ nhà lên núi Cấm, xuất gia tu học tại chùa Vạn Linh. Trong vòng 2 tháng, tôi thuộc lòng mấy thời công phu trong chùa. Tôi vì không có áo dài mặc lễ Phật, sau có một Phật tử phát tâm cúng 4 thước vải nâu, nhưng họ yêu cầu tôi tụng 60 biến kinh Phổ Môn. Mấy huynh đệ thấy tôi không có áo dài mặc nên bảo tôi tụng. Do đó mà tôi thuộc lòng phẩm Phổ Môn đầu tiên.

Xét lại từ trước đến giờ, tôi luôn lấy pháp môn niệm Phật trọn đời tu hành và hướng dẫn mấy huynh đệ.

PV: Tín và Nguyện là hai yếu tố khởi đầu của pháp môn Niệm Phật. Xin Sư ông hướng dẫn khái quát về nội dung của Tín và Nguyện trong niệm Phật.

- Pháp môn trì danh niệm Phật đơn giản lắm! Trước hết luôn luôn phải có lòng tin. Tin ở nơi lời giới thiệu của đức Phật Thích Ca về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà là chân thật. Tin vào y báo, chánh báo của cõi nước ấy, vì đó là chỗ mà tất cả chúng sanh và các bậc thánh đều phải nên về. Có thể đưa mình đến quả vị Bồ tát, thành Phật, không bị ngưng trệ hoặc thối lui. Tiếp theo là tin ở nơi pháp tu mà đức Phật Thích Ca đã dạy, niệm Phật nhất định vãng sanh Cực Lạc không nghi ngờ.

Đã sanh lòng tin thì phải ưa muốn được về Cực Lạc. Đó gọi là phát nguyện, là mục đích của sự tu hành. Chỉ luôn mong muốn được về Tịnh độ, để chấm dứt sanh tử luân hồi, thành Phật độ chúng sanh. Cho nên sau mỗi thời niệm Phật đều phải tha thiết phát nguyện, cho đến làm mọi việc lành cũng hồi hướng về Cực Lạc.

Tín – Nguyện đã có, kế đến là Hạnh. Là sự thực hành, cũng như người muốn tới nơi nào thì nhất định phải cất bước đi. Có nhiều cách, song phương pháp trì danh là đơn giản nhất. Bởi theo danh tự mà niệm thì dễ, còn quán tưởng thì trí lực của người rất khó đến. Trong khi trì danh thì mọi căn cơ, mọi tầng lớp trong xã hội đều có thể thực hành.

PV: Ngoài việc trì danh hiệu Phật, còn có pháp quán tưởng niệm Phật. Xin Sư ông cho biết cách quán tưởng niệm Phật thế nào để chuyển hóa được vọng niệm?

- Quý huynh đệ thấy, nếu quán về 32 tướng tốt của Phật, ngay như tướng lông trắng giữa chặng mày của đức Phật A Di Đà thôi cũng đã lớn bằng năm hòn núi Tu Di, như vậy thì làm sao nghĩ tới? Ở đây, ánh sáng lại tỏa ra khắp mười phương. Còn cặp mắt của Ngài thì bằng 4 đại hải (đại hải đó không phải như biển ở đây, biển ở đây so ra chỉ là một cái cù lao mà thôi) vậy thì quán tưởng sao nổi?

Vả lại, tướng lông trắng của bất kỳ vị Phật nào cũng đều đụng tới gót. Theo kinh, bề cao của thân Phật A Di Đà là 60 muôn ức Na do tha số cát sông Hằng. Thử nghĩ sông Hằng có bao nhiêu hột cát, bao nhiêu do tuần. Do đó tướng lông trắng của Phật A Di Đà xoắn tròn lại thì lớn bằng năm hòn núi Tu Di.

Đó không phải là cách nói tượng trưng đâu, mà Phật Thích Ca nói đúng thật như vậy. Nếu chỉ quán tưởng thân Ngài cao như tượng mình thờ thì không chính xác. Còn nếu quán Thật tướng Chân Như lại càng khó hơn nữa. Dù cũng có người làm được, nhưng chỉ là bậc Hiền Thánh hiện thân. Do vậy, trì danh được xem là dễ thực hành nhất, mọi căn cơ đều ứng dụng được. Mình đang đi bộ hay đi trên xe niệm Phật cũng được. Mình đang đứng ngắm cảnh cũng niệm được. Mình đang ngồi làm việc cũng niệm được. Và khi mỏi mệt quá nằm niệm cũng được. Chỉ trừ lúc nói chuyện là không niệm được thôi! Ở chỗ sạch sẽ trang nghiêm thì niệm thầm hoặc ra tiếng đều được, riêng những chỗ không sạch sẽ hoặc khi nằm ngủ thì chỉ nên niệm thầm, nếu niệm ra tiếng thì thiếu sự tôn kính.

PV: Thỉnh thoảng Sư ông có nhắc đến khái niệm khẩu niệm và tâm niệm. Tại sao hành giả niệm Phật phải sử dụng cả hai?

- Khi niệm Phật thì tâm và tiếng phải hiệp khắn nhau, đây là điều cốt yếu. Nghĩa là tâm phải duyên theo tiếng, tiếng phải ở trong tâm, đừng để nó xao lãng theo một tiếng gì khác, hễ nó rời ra thì phải kéo nó trở lại.

Nói cho dễ hiểu hơn, miệng niệm Phật rành rẽ rõ ràng, tai nghe lấy tiếng niệm Phật của chính mình cho rành rẽ rõ ràng. Cần phải chuyên cần, phải đều đặn, phải tinh tấn. Khi đã đắc lực thì tự nhiên trong tâm mình tự nổi lên tiếng niệm Phật mà mình không cần đề khởi, không cần nghĩ đến mà nó vẫn tự niệm.

Lúc đầu thì lúc được lúc mất. Nhưng càng cố gắng thì được nhiều mất ít, cho đến khi không còn gián đoạn nữa thì gọi là niệm lực tương tục. Và như vậy mới đúng nghĩa “chấp trì danh hiệu”. Đó là nhân của Niệm Phật Tam – muội. Được vậy thì sự vãng sanh mới đảm bảo.

PV: Thế giới Cực Lạc của Phật A-Di-Đà có thật không? Niệm Phật thế nào để được vãng sanh Tây Phương?

- Gần đây, có nhiều vị lên thuyết giảng cho rằng kinh A Di Đà không phải của Phật nói, mà do người sau tự đặt ra. Tôi khẳng định rằng nói như thế là sai lời Phật, hay còn lại gọi là ma nói. Mấy huynh đệ có trách nhiệm phải dẫn dắt mọi người đi đúng hướng, đúng đường lối như Phật đã dạy, không nên tự theo ý riêng của mình.

Khi tôi dịch các kinh điển Đại thừa nhận thấy đều có nói đến cõi nước Cực Lạc của đức Phật A Di Đà. Như trong kinh Hoa Nghiêm, ngay cả các vị đại Bồ tát còn phát nguyện vãng sanh Tịnh độ. Bởi vì cảnh duyên ở cõi đó đâu có nơi nào sánh bằng. Vậy nên tôi khuyên tất cả các huynh đệ ai nấy cũng đều chuyên tâm niệm Phật, tinh tấn tu hành.

Người niệm Phật hiện tại tâm chuyên chú theo nơi danh hiệu Phật, thì không nghĩ nhớ về quá khứ, không nghĩ nhớ về tương lai, an trụ nơi một câu A Di Đà Phật. Như vậy là đang tập định, tâm sẽ bớt dần phiền não vọng tưởng, ngoại cảnh không chi phối được. Tức là không khác với pháp tu Thiền. Chỉ có khác ở chỗ, người tu niệm Phật đã hết sức tinh tấn tu hành, nhưng cái chết chợt đến thì nương vào sức Tín, Nguyện, Hạnh lúc bình thường huân tập và sức mạnh đại nguyện tiếp dẫn của đức Phật A Di Đà vãng sanh Cực Lạc. Hễ một khi vãng sanh thì chấm dứt sanh tử luân hồi, tiến thẳng đến quả vị Phật.
Được cảm ơn bởi: trangross, thanhmai8558
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1721
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Gửi bài gửi bởi KMD »

Cảnh tỉnh vô thường - Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

https://www.youtube.com/watch?v=1sxeHcW ... B%A9cMedia
Được cảm ơn bởi: trangross
Đầu trang

Hình đại diện của thành viên
begauhn
Lục đẳng
Lục đẳng
Bài viết: 3095
Tham gia: 19:03, 29/12/12
Đến từ: Zalo O867856261

Re: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Gửi bài gửi bởi begauhn »

Mọi pháp môn trên thế giới đều khuyên người ta bỏ dữ làm lành .
Nói tới trí tuệ để thông làu tất cả pháp môn trên đời , e là ko mấy người trên đời làm đc .
Đơn giản chúng ta chỉ cần sống tốt , biết nhẫn biết nhịn , sẵn sàng phò trợ cứu vớt nếu có duyên , vậy là đắc , nói tới pháp môn nào ta cũng vẫn đúng vẫn đắc . vậy là đủ . đó là cach nhanh nhất để độ hóa .
Đó là chân lý của vạn pháp quy tông . trăm sông r cũng đổ về 1 biển !
Được cảm ơn bởi: KMD
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1721
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Gửi bài gửi bởi KMD »

CHỈ RÕ CÔNG PHU NIỆM PHẬT - Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

https://www.youtube.com/watch?v=iGmBOZ9 ... B%A9cMedia
Đầu trang

Trả lời bài viết

Quay về “Phong tục - Tín ngưỡng”