Học Phật

Trao đổi về phong tục, tín ngưỡng
KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1743
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Học Phật

Gửi bài gửi bởi KMD »

Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ

Thi Ca 14

Dịch:

BẢO TU NGHIỆP TÂY PHƯƠNG

Thân báu Di-đà ở nội tâm
Đông Tây Nam Bắc pháp thân trùm.
Bầu trời chỉ thấy vầng trăng lẻ
Trong vắt đêm thu cả biển chùa.

Giảng:


Đa số người tu, niệm Phật là cầu sanh về Tây phương, mà ở đây Thượng Sĩ nói tu nghiệp Tây phương, nên có nhiều người không chịu. Chúng ta phải biết nghiệp có ba loại: nghiệp thiện, nghiệp ác, và nghiệp tịnh. Làm lành, nói lành, nghĩ lành là nghiệp thiện; làm dữ, nói dữ, nghĩ dữ là nghiệp ác. Chuyên niệm danh hiệu Phật để tâm được thanh tịnh là nghiệp tịnh. Tại sao gọi là nghiệp tịnh? Vì còn tác động là còn tạo nghiệp, tác động lành thì tạo nghiệp lành, tác động dữ thì tạo nghiệp ác, tác động tịnh thì tạo nghiệp tịnh. Thế nên Thượng Sĩ mới bảo tu nghiệp Tây phương tức là tu nghiệp tịnh để về cõi Tây phương.

Thân báu Di-đà ở nội tâm.

Đối với các Thiền sư thì niệm Phật không phải để nhớ đức Phật ở cõi Cực Lạc phương Tây mà niệm Phật là nhớ Phật ngay nơi tâm mình. Đa số người tu theo pháp môn Tịnh độ niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà để cầu sanh về cõi Cực Lạc ở phương Tây. Đó chỉ là quan niệm của những người tu theo Tịnh độ mà chưa thấu suốt lý cứu kính của pháp tu này. Bây giờ chúng ta phải tìm hiểu chữ Di-đà là gì? Nam-mô A-di-đà Phật là đọc trại âm chữ Phạn, nếu đọc đúng âm tiếng Phạn phải đọc Na-mô A-mi-ta Bu-đa. A-di-đà là dịch âm, nếu dịch nghĩa là Vô lượng thọ, Vô lượng quang. Vô lượng thọ là tuổi thọ không lường, Vô lượng quang là ánh sáng không lường. Như vậy, Phật A-di-đà là một vị Phật có tuổi thọ vô lượng, ánh sáng vô lượng. Nhưng theo Thiền tông thì Phật tánh có sẵn nơi mỗi người là Thể tánh sáng suốt trùm khắp không hình tướng không sanh diệt. Phật tánh không tướng mạo không sanh diệt thì tuổi thọ bao nhiêu? Làm sao tính đếm? Nên nói Vô lượng thọ. Phật tánh sáng suốt không có giới hạn nên nói Vô lượng quang.

Ai ai cũng đều có Phật tánh nên Thượng Sĩ nói: “Thân báu Di-đà ở nội tâm.” Thiền tông nhận ra Phật ở ngay tâm mình chớ không nhận Phật ở ngoài. Trong kinh A-di-đà có đoạn nói rằng: “Nếu người nào niệm danh hiệu Phật A-di-đà được nhất tâm bất loạn, từ một ngày cho đến bảy ngày thì người đó khi lâm chung sẽ thấy Phật hiện trước.” Như vậy khi niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, tức là tâm không còn dấy niệm, tâm không dấy niệm lặng lẽ hoàn toàn thì Phật tánh hiện tiền, cho nên nói thấy Phật hiện. Hiểu như thế mới phù hợp với cái lý niệm Phật. Tu pháp nào cũng vậy sự lý phải viên dung, chớ không thể chấp sự mà bỏ lý được. Chúng ta niệm danh hiệu Phật A-di-đà để cho tâm thanh tịnh, mà tâm thanh tịnh thì nhắm mắt thấy Phật, đó là thấy ông Phật của chính mình.

Có một vị Sư tu Thiền hỏi vị Sư tu Tịnh độ:

- Anh tu pháp môn gì?

- Tôi tu pháp môn Tịnh độ.

- Đức Phật A-di-đà bao nhiêu tuổi?

- Bằng tuổi của tôi.

- Anh bao nhiêu tuổi?

- Bằng tuổi Phật A-di-đà.

Nghe câu trả lời của vị ấy, chúng ta thấy như đùa cợt bất kính Phật, nhưng lại phù hợp với lý này. Phật A-di-đà là Tự tánh thanh tịnh của mình. Tự tánh ấy trùm khắp chớ không riêng ở nơi nào, nên nói:

Đông Tây Nam Bắc pháp thân trùm.

Hai câu này Thượng Sĩ xác định rằng Phật tức tâm chớ không phải ở ngoài, Phật A-di-đà chính là Tánh giác bất sanh bất diệt sáng suốt có sẵn nơi mỗi người.

Bầu trời chỉ thấy vầng trăng lẻ
Trong vắt trăng thu khắp đất trời.

Cả bầu trời đêm mười sáu nếu không mây thì nhìn lên chỉ thấy có một vầng trăng, nhưng nhìn xuống dưới biển thì thấy đầy cả biển trăng. Đêm trăng có một trăm chiếc thuyền đi trên biển, mỗi người ngồi trên thuyền của mình nhìn xuống biển thì thấy có một mặt trăng, một trăm người ngồi trên một trăm chiếc thuyền thì thấy có một trăm bóng mặt trăng đi theo. Nhưng nhìn lên bầu trời chỉ thấy có một vầng trăng thôi. Như vậy một trăm bóng trăng đó là thật hay giả? Bóng là bóng mặt trăng chớ không phải mặt trăng thật. Bóng mặt trăng thì nhiều mà mặt trăng thật thì không có hai. Cũng vậy, Pháp thân của chúng ta không hai, nhưng khi mê nó dấy lên bao nhiêu thứ tâm, lường không hết tính không được. Chúng ta tu cốt là buông bỏ những niệm lăng xăng, để trở về với Thể chân thật không hai. Trong nhà Phật thường gọi là lý bất nhị; bất nhị là không còn hai vì còn hai là chưa tới lẽ thật. Thế nên người tu theo pháp môn Tịnh độ là phải đạt tới chỗ nhất tâm, nhất tâm thì Phật tánh mới hiển bày đó là Phật A-di-đà của chính mình nên nói Phật tức tâm.
Được cảm ơn bởi: Tudotutronghanhphuc
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1743
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Học Phật

Gửi bài gửi bởi KMD »

Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ

Thi Ca 14

Dịch:

BẢO HỌC TRÒ

Niệm khởi tâm tâm khởi
Tâm quên niệm niệm quên.
Muốn biết ý đích thực
Cọp đá cắn dê vàng.
Đất trời ngón tay khảy
Sông núi tiếng ho khàn.
Tạm thời mưa gió động
Gà gáy canh năm sang.

Giảng:


“Bảo học trò” là khuyên những người học trò học đạo với Ngài. Mở đầu Ngài nói:

Niệm khởi tâm tâm khởi.

Vừa khởi niệm thì tâm yêu, ghét, hờn giận... khởi lên.

Tâm quên niệm niệm quên.

Niệm là động cơ khiến cho buồn thương giận ghét theo đó dấy khởi; nếu buông xả tâm không chấp chứa thì những niệm khởi cũng theo đó mà hết. Như vậy tâm và niệm hai cái đó nó liên hệ nhau; cái là ngọn cái là gốc. Niệm khởi là gốc, thương ghét là ngọn, nếu cái gốc khởi thì ngọn theo đó sum sê, nếu cái ngọn tàn thì cái gốc lần lần cũng diệt, nên nói “tâm quên niệm niệm quên”.

Muốn biết ý đích thực
Cọp đá cắn dê vàng.


Cọp bằng đá dê bằng vàng cắn nhau được không? Cọp đá và dê vàng cả hai đều vô tình làm sao cắn nhau? Chúng ta tu muốn thấu tột chỗ chân thật cứu kính thì tâm niệm phải sạch hết. Tâm niệm lăng xăng lặng hết rồi, chúng ta giống như vô tình như cây đá. Song, sự thật không vô tình. Vì:

Đất trời ngón tay khảy
Sông núi tiếng ho khàn.


Chỉ cần khảy móng tay thì đất trời rúng động, chỉ một tiếng ho khàn thì sông núi ngả nghiêng. Ý Thượng Sĩ nói, khi chúng ta tu đến chỗ rốt ráo dường như không còn niệm không còn tâm, nên dụ như cọp đá dê vàng. Đạt được chỗ không còn tâm không còn niệm thì diệu dụng không thể lường nổi. Vì vậy mà khi Tổ Bồ-đề-đạt-ma đạt đến chỗ này Ngài chỉ cần bẻ một cành lau ném xuống nước làm thuyền cỡi sóng vượt biển khơi. Thượng Sĩ dẫn ý này để nhắc chúng ta tu đừng lo sau khi tâm niệm vắng lặng rồi rơi vào không, tức là không còn gì hết.

Tạm thời mưa gió động
Gà gáy canh năm sang.


Người tu tới chỗ này tuy còn ở trong thế gian tới lui qua lại, nhưng thấy sanh hoạt hằng ngày chỉ là tạm bợ, chớ không thật. Thấy có mưa có gió... chẳng khác nào sáng nghe tiếng gà gáy rộ thì biết là canh năm mặt trời sắp mọc. Khi tu đạt tới chỗ đó tuy chưa phải là Phật là Tổ nhưng đã bước vào cảnh giới xán lạn; tức là từ cảnh giới mê lầm bước sang cảnh giới giác ngộ. Đến đây rồi vẫn còn ăn còn ngủ còn nói năng sanh hoạt như kẻ phàm tục, nhưng trí tuệ thì sáng ngời khác hơn kẻ phàm tục vậy.
Được cảm ơn bởi: Tudotutronghanhphuc
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1743
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Học Phật

Gửi bài gửi bởi KMD »

Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ

Thi Ca 9

Dịch:

CHĂN TRÂU ĐẤT

Một con trâu đất, một mình chăn
Xỏ mũi lôi về chẳng khó khăn.
Đem đến Tào Khê buông thả quách
Mênh mông nước chảy đánh cầu tròn.

Giảng:


Theo chữ Hán con trâu và con bò viết cùng một chữ “ngưu” nhưng chữ “ngưu” thường chỉ con bò, còn chữ “thủy ngưu” thường chỉ con trâu. Con bò thì màu vàng sừng ngắn, ở trên khô không lội nước, con trâu màu đen sừng dài và cong lội nước được, nên nói trâu nước.

Ở đây Thượng Sĩ nói chăn con trâu đất. Vậy trâu đất là trâu hay bò? Đúng ra là trâu chớ không phải bò. Vì ở Việt Nam trâu hay nằm ở vũng bùn tẩm đất đầy mình nên gọi là trâu đất, thay vì ở Trung Hoa gọi là trâu nước. Vậy nói theo Việt Nam là chăn trâu chớ không phải chăn bò. Chúng ta đừng hiểu lầm con trâu đất là con trâu làm bằng đất, trâu bằng đất thì vô tri làm sao chăn? Như vậy con trâu đất là con trâu dính bùn đầy mình, vì chữ “nê” là bùn chớ không phải đất.

Một con trâu đất một mình chăn.

Một con trâu đất một mình chăn thì dễ quá, chăn con trâu của mình chớ không phải của ai. Nhưng chăn bằng cách nào?

Xỏ mũi lôi về chẳng khó khăn.

Xỏ mũi lôi đầu nó chuyện đó không khó. Như vậy muốn con trâu thuần thục và qui thuận thì phải xỏ mũi lôi đầu nó mới đi, chớ chăn mà không xỏ mũi thì không được. Cũng vậy, những vọng tưởng của chúng ta nhà Thiền tạm gọi con trâu, nó không có hình tướng chợt sanh chợt diệt. Nếu chăn mà không có phương tiện thì làm sao chăn? Vì vậy phải dùng phương tiện. Phương tiện ở đây dùng cho người sơ cơ là quán hơi thở, người thuần thục thì vọng tưởng khởi nhìn cho nó lặng xuống, không để nó tự do hoạt động. Nếu chúng ta chăn thật kỹ thì con trâu dễ điều phục. Con trâu chúng ta đang chăn có ai biết hình dáng nó thế nào không? Nó có bốn chân hai sừng phải không? - Thật ra, con trâu Thượng Sĩ nói không có hình dáng cụ thể, chẳng qua do người xưa nương lời dạy của đức Phật trong kinh Di Giáo về việc kềm chế năm căn không cho buông lung chạy theo năm dục. Ví như người chăn trâu coi chừng trâu không cho nó xâm phạm lúa mạ của người. Mượn hình ảnh con trâu để soạn ra mười bức tranh với ý chỉ hàng phục những vọng tưởng loạn động của mình gọi là chăn trâu.

Đem đến Tào Khê buông thả quách.

Thả quách là buông tay chớ không còn nắm mũi, không còn kềm chế, nghĩa là để cho nó tự do. Nhưng muốn thả thì phải chăn cho thuần thục rồi mới thả. Chừng nào chúng ta được Nhất hạnh tam-muội và Nhất tướng tam-muội, như lời Lục Tổ dạy trong kinh Pháp Bảo Đàn thì mới thả cho con trâu tự do. Nhất tướng tam-muội là đối với tất cả tướng dù đẹp dù xấu, dù lớn dù nhỏ, chúng ta đều không dính mắc, tức là nhìn thấy tất cả tướng tâm không dấy động, luôn luôn ở trong chánh định. Nhất hạnh tam-muội là trong bốn oai nghi đi đứng ngồi nằm, khi tiếp duyên xúc cảnh tâm vẫn an nhiên tự tại, không dính không kẹt với sáu trần bên ngoài. Như vậy nếu người tu hành đạt được hai tam-muội này thì không còn phải chăn trâu, nên nói đem đến Tào Khê buông thả quách.

Mênh mông nước chảy đánh cầu tròn.

Câu kết hơi khó. Ở trong dòng nước chảy xiết mà đánh cầu. Để dễ hiểu tôi dẫn câu chuyện mang ý này:

Có vị Tăng đến hỏi ngài Triệu Châu: “Trẻ con mới sanh có đủ sáu thức chăng?” Triệu Châu đáp: “Trên dòng nước chảy xiết đá cầu.” Sau vị Tăng ấy đến hỏi ngài Đại Đồng Đầu Tử: “Trên dòng nước chảy xiết đá cầu, ý nghĩa thế nào?” Sư đáp: “Niệm niệm chẳng tạm dừng.”

Chúng ta thường nghĩ người lớn có ý thức phân biệt thế này thế kia, con nít thì ý thức còn non nớt nên không phân biệt. Ở đây, vị Tăng này hỏi: “Con nít có đủ sáu thức không?” Ngài Triệu Châu trả lời: “Trên dòng nước chảy xiết đá cầu.” Nghe qua vị Tăng không hiểu mới đến hỏi Thiền sư Đại Đồng, Ngài đáp: “Niệm niệm chẳng tạm dừng.” Qua câu đáp của Thiền sư Đại Đồng chúng ta mới hiểu câu trả lời của ngài Triệu Châu “trên dòng nước chảy xiết đá cầu”. Ý nói sáu thức nơi con nít đang trên dòng phát triển liên tục từ sơ sanh dần dần lớn lên. Như khi còn bé chúng ta cũng thấy nghe mà chưa khởi phân biệt đẹp xấu hay dở. Tuy nói chưa khởi phân biệt, chớ đứa bé thấy cái gì có màu sắc nó cũng đưa tay chụp, cái gì không thích thì nó giẫy nẩy không chịu, nghe tiếng nói ngọt ngào nó cười vui vẻ, nghe tiếng nói nặng nề mắng mỏ nó cũng biết tủi biết buồn. Như vậy tuy nó có cái biết phân biệt nhưng rất sơ khai chưa rõ ràng. Từ từ lớn lên cái thấy nghe hiểu biết nó càng rõ ràng hơn. Ngài Triệu Châu nói đứa bé vẫn có đủ sáu thức, nhưng phát triển dần dần từ sơ khai đến trưởng thành, liên tục như dòng nước chảy xiết, hạt nước này tiếp nối hạt nước kia chảy liên tục. Chúng ta thấy như một dòng nước nhưng thật ra nó biến chuyển không dừng.

Còn đá cầu, nghĩa là sao? Chính nhờ Thượng Sĩ mà chúng ta hiểu được ý này. Xin nhắc lại hai câu:

Đem đến Tào Khê buông thả quách
Mênh mông nước chảy đánh cầu tròn.


Nếu chúng ta tu điều phục được con trâu của mình rồi, nó không còn kéo lôi chống trả nữa, lúc đó chúng ta được tự do. Như vậy là trong dòng biến chuyển của sáu thức chúng ta được tự tại. Giống như người đánh cầu trên dòng nước chảy xiết. Đánh cầu hay đá cầu của ngài Triệu Châu, ý nói người tu Thiền thì không bị sự biến chuyển của sáu thức lôi kéo nhận chìm. Giống như người đứng trên dòng nước chảy xiết mà đánh cầu một cách tự do, việc này ngoài sức tưởng tượng của con người. Vì người thế gian luôn luôn bị sáu thức kéo lôi nhận chìm. Hiểu được ý này chúng ta mới thấy giá trị của bài thơ. Bài thơ chỉ có bốn câu mà Ngài nói lên được tiến trình tu tập từ khi bắt đầu dụng tâm tu cho đến khi đạt được kết quả.

Tôi xin nhắc lại toàn bài để quí vị nắm cho vững:

Một con trâu đất một mình chăn.

Mấy hôm rồi quí vị chăn một mình hay có ai phụ không?

Xỏ mũi lôi về chẳng khó khăn.

Quí vị xỏ mũi được chưa hay vẫn còn cay đắng gian nan? Tuy đã xỏ mũi rồi có khi lôi nó không chịu đi, vì sức mình yếu nên lắm lúc cũng bị nó lôi lại. Như vậy đối với quí vị thì “xỏ mũi lôi về rất khó khăn”. Nếu “chẳng khó khăn” thì sẽ:

Đem đến Tào Khê buông thả quách.

Khi trâu thuần thục thì mình nằm ngủ khò chẳng còn lo lắng gì nữa, bấy giờ thì:

Mênh mông nước chảy đánh cầu tròn.

Tuy ở trong dòng sanh diệt mà chúng ta an nhiên, không lo sợ không dính mắc gì cả. Chỉ tóm gọn trong bốn câu thơ mà Ngài nói lên được tiến trình tu tập của một hành giả từ khi bắt đầu cho đến khi viên mãn. Chúng ta nên ghi nhớ để mà tu tập.
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1743
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Học Phật

Gửi bài gửi bởi KMD »

Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ

Thi Ca 12

Dịch:

BẢO CHÚNG (1)

Thôi tìm Thiếu Thất với Tào Khê
Thể tánh sáng ngời chửa từng mê.
Trăng cổ chiếu soi nào cận viễn
Gió trời thổi mát thấp cao chê.
Ánh thu đen trắng tùy duyên sắc
Sen nở thơm hồng bùn chẳng hề.
Diệu khúc xưa nay cần cứ hát
Chớ tìm nam bắc với đông tê.

Giảng:


Bài này Thượng Sĩ nhắc nhở chúng ta tu, nên gọi là Bảo Chúng. Chúng ở đây gồm có hai hạng xuất gia và tại gia, là những người đến học với Ngài. Ngài khuyên rằng:

Thôi tìm Thiếu Thất với Tào Khê
Thể tánh sáng ngời chửa từng mê.


Thượng Sĩ khuyên chúng ta muốn tu muốn đạt được đạo, không phải tìm tới Thiếu Lâm chỗ Tổ Bồ-đề-đạt-ma ở, hay phải tìm tới Tào Khê chỗ Lục tổ Huệ Năng trụ xứ giáo hóa mới tu được. Vì hai nơi đó tuy là chỗ của Sơ Tổ và Lục Tổ nhưng nó là cảnh tướng, có chỗ nơi không phải là gốc của sự giác ngộ. Gốc của sự giác ngộ là “Thể tánh sáng ngời chửa từng mê”. Mỗi chúng ta ai cũng có Thể tánh sáng suốt lúc nào cũng hiện tiền chưa từng bị mê, vậy mà chúng ta không nhận ra. Sở dĩ chúng ta không nhận ra Thể tánh sáng suốt của chính mình là, tại những vọng niệm lăng xăng tiếp nối lôi kéo chúng ta cứ chạy theo nó, mà quên mất Thể tánh sáng suốt của mình. Như vậy muốn được giác ngộ không phải tới Tào Khê hay Thiếu Thất, mà phải khéo buông bỏ những vọng niệm lăng xăng nơi tâm mình thì Thể tánh sáng ngời hiện tiền, chớ không tìm kiếm đâu xa.

Trăng cổ chiếu soi nào cận viễn
Gió trời thổi mát thấp cao chê.


Mặt trăng xưa chiếu ánh sáng xuống mọi vật một cách đầy đủ và bình đẳng, không câu nệ xa gần. Gió từ phương trời thổi lại, nó không chê chỗ thấp chọn chỗ cao, cao thấp nó đều thổi bình đẳng. Tuy nhiên, chỗ khuất lấp thì gió thổi tạt lên chỗ cao, đó là tại chỗ nơi chớ không phải tại gió lựa chọn. Đó là hai hình ảnh trăng cổ gió trời không phân biệt xa gần cao thấp.

Ánh thu đen trắng tùy duyên sắc
Sen nở thơm hồng bùn chẳng hề.


Bầu trời mùa Thu có ánh trăng sáng trong, nhưng ánh sáng ấy không nhất định màu vàng, màu xanh hay màu trắng, mà tùy duyên. Nếu cảnh vật trắng thì nó hiện sắc trắng. Cảnh vật xanh nó hiện sắc xanh, đỏ thì nó hiện sắc đỏ. Ánh sáng vàng, xanh v.v... là tại những hình sắc bên ngoài: Như ánh sáng đang chiếu mà chúng ta để hạt lưu-ly ở trên miếng giấy đỏ thì thấy ánh sáng màu đỏ, để trên miếng giấy xanh thấy ánh sáng màu xanh v.v... Như vậy phản ảnh màu này màu nọ là tại màu sắc chớ ánh sáng không có màu này màu nọ. Hoa sen nở ra từ dưới bùn mà nó không hề bị bùn làm cho hôi hám. Đó là những hình ảnh trăng cổ, gió trời, ánh sáng mùa thu, hoa sen nở, tất cả những thứ đó đều không có phân biệt so sánh gần xa, cao thấp, trắng đen và thơm hôi. Nghĩa là nó không bị sự so sánh làm cho mất đi tính chất bình đẳng. Thượng Sĩ mượn cái bình đẳng để nói lên Thể sáng ngời của chúng ta nó cũng không phân biệt xa gần, cao thấp, trắng đen hay thơm hôi. Sở dĩ có những cái phân biệt đó là do tùy duyên bên ngoài như thế nào thấy như thế ấy. Ý Thượng Sĩ nói: nơi mọi người chúng ta có sẵn cái Thể tánh bình đẳng trong sáng, chưa bao giờ có niệm phân biệt so sánh. Nếu khởi niệm phân biệt so sánh là thiếu bình đẳng tự nhiên.

Diệu khúc xưa nay cần cứ hát
Chớ tìm nam bắc với đông tê.


Diệu khúc là bản nhạc nhiệm mầu có sẵn từ xưa tới nay, nếu cần thì cứ hát, chớ đừng tìm tới phương Nam, phương Tây, phương Bắc. Theo Thượng Sĩ bản nhạc nhiệm mầu này chỉ cho Thể tánh sáng ngời hằng hữu nơi mỗi chúng ta. Cứ sống với Thể tánh ấy đừng chạy nơi này nơi nọ tìm kiếm vô ích.

Bài thơ này Thượng Sĩ dạy chúng ta, là người học đạo muốn sáng được đạo thì phải nhận nơi mình có Thể tánh sáng suốt bình đẳng, không bị cái so sánh phân biệt che lấp. Nó đã có sẵn cứ ngay đó mà sống, đừng tìm kiếm phí công.

Vậy quí vị đã hát được bản nhạc nhiệm mầu mà Thượng Sĩ nói chưa, hay chỉ hát những bài ca thế tục? Những bản nhạc thế tục thì dễ nhớ, còn diệu khúc này thì mau quên! Tại chúng ta chạy theo sáu trần mà quên nó chớ nó đâu có mất.

Tóm lại, bài này Thượng Sĩ khuyên người tu Phật, phải trực nhận nơi mình có sẵn cái Thể tánh sáng suốt không bao giờ mê mờ, tại chúng ta chạy theo vọng tưởng quên nó mà thôi. Biết rồi thì đừng thắc mắc rằng mình ở đây tu lâu ngộ, phải tới Thiếu Lâm hay Tào Khê tu mới mau ngộ. Đừng có khao khát ước mơ tìm kiếm đâu xa, mà phải quay lại nơi mình nhận ra tánh sáng suốt của mình và hằng sống với nó. Nếu khởi niệm phân biệt so sánh thì Thể tánh sáng suốt bị che khuất, Thượng Sĩ muốn cụ thể hóa cho nên nói bản nhạc xưa có sẵn, muốn hát lúc nào thì hát, đừng tìm kiếm ở đâu xa. Đó là lời nhắc nhở của Thượng Sĩ, ai là người học đạo phải mau hiểu lấy.
Đầu trang

Trả lời bài viết

Quay về “Phong tục - Tín ngưỡng”