Nghiệp quả và Dĩa cơm sườn

Trao đổi về phong tục, tín ngưỡng
Trả lời bài viết
lucatyno
Mới gia nhập
Mới gia nhập
Bài viết: 5
Tham gia: 08:26, 21/07/14

Nghiệp quả và Dĩa cơm sườn

Gửi bài gửi bởi lucatyno »

Đặt vài bước chân ra đường, thỉnh thoảng ta sẽ nghe một câu nói ở đâu đó vọng về “Chà việc này dễ như ăn cơm sườn”. Cái dĩa cơm sườn, chắc là ngon lành và quá quen thuộc với mọi người đến nỗi được vinh dự góp phần trong câu so sánh đầy tính…gợi cảm như vậy. Thật vậy, vị nào có định lực lắm mới không bị các xúc giác và tư tưởng ‘xô đẩy’ nếu lỡ đi ngang qua một quán cơm sáng với sườn nướng xì xèo trên than hồng và chiếc quạt cỡ bự đang thổi hết tốc lực hướng mùi hương dập thẳng ra giữa đường.

Còn đối với tôi, dĩa cơm sườn lại gợi nhớ tới một kỷ niệm nho nhỏ thời ấu thơ mà có phần nào liên quan đến nghiệp quả. Tất cả chỉ là sự so sánh tượng trưng mà không phê phán , nên mong bạn lượng thứ nếu tôi có vô tình đánh thức ông thần ẩm thực trong bạn nhé.

Số là hồi đó trong nhà tôi là “nam tử” duy nhất nên cũng hay sang chơi với thằng em họ chú bác. Những cuổi sáng có tôi sang chú tôi hay dắt hai anh em đi ăn sáng. Khi thì phở, lúc thì bánh canh, bữa thì mì vắt… Nhưng ký ức rõ ràng nhất chính là bữa ăn sáng có dĩa cơm sườn.

Gia đình chú có khá giả hơn nhà tôi nên thằng em họ cũng được cưng. Ăn uống thì tuỳ sở thích cu cậu. Mà hắn thì là một tay ăn thịt có hạng, có thể ăn thịt trừ cơm, 3 buổi trong ngày toàn là thịt mà không ngán. Bà bán cơm vì thế cũng quen với sở thích ẩm thực của thằng nhỏ: luôn luôn là cơm đặc biệt sườn+đùi gà. 2 đĩa cơm giống nhau được bưng ra. Tôi thì có thói quen ăn hết cơm trước, còn nửa phần thịt chừa lại ăn sau cùng, như để có động lực ‘về đích’ hơn. Thằng em thì chén sạch cả sườn và gà rồi ngồi ngả ngớn với phần cơm không và xà lách. Chú tôi ngồi quan sát nãy giờ mới kết luận “nhìn cách ăn biết thằng anh thích cực trước sướng sau còn thằng em thì ngược lại”… Câu nói “cực trước sướng sau” như ghim vào tâm trí tôi từ đó

Thời gian trôi qua, tôi cực thì chỉ hơi hơi mà cũng chưa tới nỗi khổ bằng người. Nhưng tôi chợt nhận thấy mối liên hệ gì đó giữa câu nói của ông chú với những băn khoăn về nghiệp quả trong kiếp người.

Con người ta buổi sáng sau khi thức dậy sau một giấc mộng dài, bước ra quán gọi một dĩa cơm sườn. Những dĩa cơm được bưng ra thoạt nhìn có vẻ giống nhau nhưng thực ra lại không hẳn. Cũng có cơm, có sườn đấy nhưng có dĩa này cô bán hàng múc ít cơm mà miếng sườn to, dĩa kia cơm vừa mà sườn nhỏ lại toàn xương, còn người nào ‘may mắn’ nhận được dĩa cơm ít mà lại được ưu ái miếng sườn to nhất. Dĩa cơm là vậy, đến tuần tự ăn mỗi người cũng lại khác. Người thích dung hoà nên vừa ăn cơm vừa ăn sườn. Người thì giống em tôi, còn lại có người thích “cực trước sướng sau” như tôi vậy. Đúng là đủ kiểu

Ngẫm lại một kiếp người với bao hỷ nộ ái ố, chẳng qua cũng như người khách ăn cơm sườn vậy. Chẳng ai được phát cho một phần toàn sung sướng, cũng chẳng có vị nào quá đen đủi với một dĩa toàn khổ đau. Có chăng người này may mắn hơn người kia nên ít khổ hơn đôi chút. Như bác kia làm ăn phất lên được năm mười năm lại dính anh quý tử chơi bời nghiện hút. Cô nhà nghèo thiếu nợ, bệnh tật lại có đứa con biết hiếu thảo mà lại chăm học. Anh nhà nghèo gần chết đói bẵng đi vài năm bỗng trở thành tỷ phú… Thật là muôn hình vạn trạng.

Xu hướng thường là người ‘sướng’ thì ít khoe cái khổ còn ít ai thấy được cái hỷ lạc của kẻ ‘bần cùng’. Để rồi người được ‘phát nhầm’ một dĩa toàn ‘cơm trắng khổ đau’ thì than trời trách đất sao cuộc đời bất công. Trong khi đó, người may mắn hưởng được dĩa “sung sướng Sườn” thì quá bận rộn với việc cảm nhận cái vị ngọt, béo của những gì mình đang tận hưởng. Khi còn nửa phần thịt trong dĩa thì ngó nghiêng, tìm cách để có thêm vài miếng khác nữa...Người thiếu may mắn thường than thở so đo, chứ biết đâu hôm qua ngủ rồi quên mất rằng mình lười nhác không làm đủ đế hôm nay có tiền kêu một dĩa có sườn thật lớn.

Thôi thì ăn cơm cũng no bụng, có sức đứng dậy làm lụng để ngày mai có dĩa cơm tốt đẹp hơn. Nếu may mắn có dư chút đỉnh thì sao lại không mua thêm một phần tặng cho người thiếu thốn nhỉ? ‘Cô bán hàng’ nhân hậu biết hết đấy, lỡ ngày mai mình túng thiếu, năn nỉ cổ cũng thương tình cho mình một phần đàng hoàng tử tế. Thực hành được vậy có lẽ còn ích lợi hơn là ngao ngán với sự thiệt hơn và cách người ta phung phí dĩa cơm của họ.

Những ai đang khổ sở nuốt từng ngụm cơm trắng, xin hãy vui lên. Vì hết phần cơm ‘đau khổ’ kia thì bạn cũng sẽ tận hưởng được vị ngon của miếng sườn. Còn những ai đang mê đắm trong vị ngọt bùi, xin đừng quên rằng có thể bạn chưa đụng tới phần cơm trắng đầy tràn trước mắt đó.

Ngủ mê rồi dậy ăn cơm sườn. Ăn xong rồi lại ngủ vùi. Lăn trôi mãi cũng mệt. Thôi thì ăn chay luôn cho khoẻ cái tâm, khỏi lo nghĩ cơm với sườn, bạn nhỉ???
Đầu trang

Trả lời bài viết

Quay về “Phong tục - Tín ngưỡng”