5. THIỀN ÐỊNH

Trao đổi về phong tục, tín ngưỡng
KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1721
Tham gia: 11:03, 25/04/14

5. THIỀN ÐỊNH

Gửi bài gửi bởi KMD »

PHPT1 K.IV - BÀI THỨ 8: LỤC ÐỘ TIẾP THEO - THIỀN ĐỊNH BA LA MẬT & TRÍ HUỆ BA LA MẬT
PHẬT HỌC PHỔ THÔNG QUYỂN 1

Sa môn THÍCH THIỆN HOA

KHÓA IV: DUYÊN GIÁC VÀ BỒ TÁT THỪA PHẬT GIÁO

Bài thứ 8: LỤC ÐỘ tiếp theo (THIỀN ĐỊNH BA LA MẬT & TRÍ HUỆ BA LA MẬT)

ÐỘ THỨ NĂM: THIỀN ÐỊNH BA LA MẬT

A. MỞ ÐỀ


Kẻ tu hành muốn đến bờ giải thoát hoàn toàn, cần phải tu cả phước lẫn huệ. Trong bốn độ trước của lục độ mà chúng ta đã học, chỉ nói về tu phước. Trong hai độ cưối cùng là Thiền định và Trí huệ, chúng ta sẽ học về tu huệ.

Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu tánh cách quan trọng và giá trị của Thiền định.

B. CHÁNH ÐỀ

I. ÐỊNH NGHĨA

Thiền định là gì? Thiền phiên âm theo tiếng Phạn là Thiền na, xưa dịch là tư duy, nay các học giả dịch là Tĩnh lự. Tu Tư duy có nghĩa là tu tập bằng phương pháp suy nghiệm, nghiên tầm và suy cứu về những đối tượng của tâm thức. Tĩnh lự có nghĩa là dùng tâm thể vắng lặng để thẩm sát các vấn đề đạo pháp.

Còn chữ Ðịnh phiên âm theo tiếng Phạn là Tam muội (Samadhi), có nghĩa là tập trung tâm ý vào một đối tượng duy nhất, không để cho tâm ý tán loạn. Hợp hai chữ Thiền và Ðịnh lại, ta có một định nghĩa chung: Tập trung tâm ý vào một đối tượng duy nhất không cho tán loạn, để tâm thể được vắng lặng và cho tâm dụng được mạnh mẽ, hầu quan sát và suy nghiệm chân lý.

II. CÁC LOẠI THIỀN ĐỊNH

Thiền định có thể gọi là một trạng thái của tâm lý, trạng thái ấy gọi là trạng thái Tĩnh lự. Song ở Dục giới, tâm lý không thể có được trạng thái ấy, vì nó chỉ phát hiện ở Sắc giới, và Vô sắc giới. Rõ hơn nữa là Thiền thuộc về Sắc giới và Ðịnh thuộc về Vô sắc giới. Ở mỗi giới, Thiền và Ðịnh đều phân làm bốn cấp bực từ thấp lên cao, cho nên có danh từ là Tứ thiền và Tứ định.

Tứ thiền và Tứ định này, tuy là kết quả của công phu tu tập Thiền định, hay gieo trồng thiện căn, nhưng cũng là chung cho cả Phật pháp, cả Thế gian pháp, cả Thánh cả Phàm. Nói rõ hơn, là dù theo phương pháp đạo Phật hay phương pháp nào, nếu có đường lối, có công phu thì đều có thể đạt đến Tứ thiền và Tứ định; nhưng đây cũng chỉ là Thế gian pháp mà thôi.

Còn nói về pháp Ðịnh của chư Phật, Bồ tát và A-la-hán thì khác. Ðó là Thiền định thuộc Xuất thế gian pháp, không thể phát hiện trong phạm vi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới được. Muốn đạt đến trạng thái Tĩnh lự của các bậc ấy, người ta phải đạt đến sự thoát ly tam giới. Còn lẩn quẩn trong tam giới thì tâm ý chỉ có thể đạt đến Tứ định là cùng.

Muốn có được Tứ thiền và Tứ định, chỉ phải thoát ly và đoạn diệt phiền não ở Dục giới. Nhưng nếu muốn đạt các pháp Ðịnh vô lậu, thì phải diệt trừ tất cả các phiền não của Vô sắc giới.

Trước khi mong đến được Ðịnh vô lậu, phải cần đến Thiền, bởi vì Thiền là căn bản của Ðịnh. Có được ngũ nhãn, lục thông cũng nhờ Thiền. Vả lại, Thiền có công dụng thẩm sát, nghiên cứu. Nếu muốn quan niệm chân lý, tất phải nhờ đến Thiền do đó Thiền là pháp tối yếu cho kẻ học đạo.

Ðứng về phương diện các trình độ của Thiền, kinh sách có dạy như sau:

1. Thế gian thiền. Thiền này có hai loại: Căn bản vị thiền và Căn bản tịnh thiền. Căn bản vị thiền gồm có mười hai phẩm, phân làm ba: Tứ thiền, Tứ vô lượng và Tứ không.

Người phàm chán cảnh tán loạn của Dục giới thì tu Tứ thiền. Người muốn phước lớn thì tu Tứ vô lượng. Kẻ nhàm chán cảnh sắc giới chật hẹp thì tu Tứ không. Vì mười hai phẩm Thiền này có thể làm căn bản cho thiện pháp xuất thế gian, nên gọi là Căn bản thiền. Với lại, an trú trong mười hai phẩm ấy, người tu Thiền còn ưa thích cảm giác lạc thọ của Thiền, nên gọi là Căn bản vị thiền.

Căn bản vị thiền, phân làm hai: Lục diệu môn và Thập lục đặc thắng. Ai có huệ tánh nhiều thì tu Lục diệu môn, kẻ nào có định tánh nhiều thì tu Thập lục đặc thắng. Những ai có huệ tánh và định tánh đều nhau thì có thể tu cả hai loại. Vì người ta có thể căn cứ vào pháp Thiền này để phát sinh vô lậu trí, không phải chỉ thuần hữu lậu, như ở Căn bản vị thiền, nên gọi là Căn bản tịnh thiền.

Tuy nhiên, cả hai loại đều chỉ là thế gian thiền mà thôi, vì trước thời Phật giáng thế, phép Thiền này đã có.

2. Xuất thế gian thiền. Pháp Thiền này là của bậc xuất thế. Có bốn thứ Thiền quán: Cửu tướng quán, Bát bối xả quán, Bát thắng xứ quán và Thập nhất thiết xứ quán. Tu bốn Thiền quán này, tuy là lấy các pháp hữu vi làm đối tượng suy nghiệm, nhưng có thể đi đến kết quả ly dục, phát sinh vô lậu trí, nên gọi là Xuất thế gian thiền.

3. Xuất thế gian thượng thượng thiền. Ðây là pháp Thiền cao tột của các bậc đại nhân. Kinh Ðịa trì có giải về chín môn đại thiền này như sau:

- Một là "Tự tánh thiền", nghĩa là quán sát thật tướng của tự tâm, không cần lấy đối tượng ngoại cảnh.

- Hai là "Nhất thiết thiền", có công năng tự hành và hóa tha.

- Ba là "Nan thiền", môn Thiền gian nan, thâm diệu, khó tu.

- Bốn là "Nhất thiết môn thiền", có nghĩa là tất cả các pháp Thiền định đều do môn (cửa) này mà phát xuất.

- Năm là "Thiện nhân thiền", môn Thiền của những chúng sinh có đại thiện căn cùng tu.

- Sáu là "Nhất thiết hạnh thiền", bao nhiếp tất cả hạnh pháp của Ðại thừa.

- Bảy là "Trừ não thiền", có năng lực trừ diệt phiền não, khổ đau cho chúng sinh.

- Tám là "Thử thế tha thế lạc thiền", có năng lực làm cho chúng sinh an lạc trong hiện tại và tương lai.

- Chín là "Thanh tịnh tịnh thiền", có năng lực đoạn trừ hoàn toàn các hoặc nghiệp, và chứng được Tịnh báo đại Bồ đề. Ðến môn Thiền này, tâm ý hoàn toàn thanh tịnh và lại cũng không còn thấy cái tướng thanh tịnh ấy nữa, nên gọi là Tịnh báo.

III. CÔNG NĂNG CỦA THIỀN ĐỊNH

Theo Bồ tát hạnh, có thể tu tập Thiền định và đạt đến mười kết quả tốt đẹp sau đây:

- Một là được an trụ trong pháp thức uy nghi. Tu Thiền định phải theo pháp thức mà hành trì, như vậy trải qua một thời gian khá lâu, thì ngũ căn được tịch tịnh, chánh định phát khởi, không cần có sự cố gắng mà vẫn được an trụ trong pháp thức oai nghi.

- Hai là được thực hành cảnh giới từ bi. Khi tu Thiền định, thì giữ được tâm từ bi, thương yêu chúng sinh, muốn cho tất cả được an ổn.

- Ba là không còn phiền não. Nhờ năng lực Thiền định mà các phiền não tham, sân, si, không còn phát sinh nữa.

- Bốn là gìn giữ được các giác quan. Không cho sắc, thanh, hương, vị, xúc lay động.

- Năm là vui vẻ lạc thú. Xem Thiền định là một món ăn ngon lành hơn tất cả các món ăn khác trong thế gian.

- Sáu là xa lìa được ái dục. Một khi tâm niệm đã lắng yên, ái dục không còn phát sinh và làm nhiễm trước được nữa.

- Bảy là tuy chứng được chân không, nhưng không bao giờ bị rơi vào chỗ chấp đoạn diệt hư vô.

- Tám là cởi mở được tất cả những dây trói buộc sự giải thoát.

- Chín là khai phát được trí huệ vô lượng và an trú trong cảnh giới của chư Phật.

- Mười là đạt đến sự giải thoát thành thục, đến chỗ mà tất cả các hoặc nghiệp không còn nhiễu loạn được nữa.

C. KẾT LUẬN:

Chúng ta có thể tóm tắt thành quả tốt đẹp của Thiền định như sau:

Ngũ căn được tự tại, phiền não được dứt trừ, từ bi được mở rộng, trí huệ được phát chiếu, cảnh giới giải thoát được phô bày ra trước mắt. Một pháp môn có công năng quí báu, có diệu dụng phi thường như thế, làm sao chúng ta có thể bỏ qua được?

Mong rằng vì những lợi ích thiết thực nói trên, quí vị Phật tử hãy gắng công tu tập pháp môn Thiền định này cho chóng có kết quả.
Được cảm ơn bởi: Thanhthanh2022
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1721
Tham gia: 11:03, 25/04/14

5. THIỀN ÐỊNH

Gửi bài gửi bởi KMD »

"Kệ kết thúc" được trích từ "trái tim của Trúc Lâm Đại Sĩ" của thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Kệ kết thúc
KỆ KẾT THÚC

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên.
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch;
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.




BÌNH GIẢNG

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Nếu muốn thực tập theo tinh thần Cư Trần Lạc Đạo, tức là ở trong chốn bụi bặm mà có hạnh phúc với chánh pháp thì phải biết áp dụng nguyên tắc tùy duyên. Tùy duyên tức là ta phải hội nhập vào hoàn cảnh đó mà đừng có đòi hỏi điều kiện này hay điều kiện khác. Tùy duyên là tùy theo những điều kiện đang có đó, đừng có nói rằng: “Nếu không có những điều kiện này thì tôi sẽ không ở đây! Tôi sẽ không có hạnh phúc.” Nói như vậy là không có tùy duyên. Phải biết chấp nhận và hạnh phúc với những điều kiện sẵn có, gọi là tùy duyên. Chỉ cần biết chấp nhận là thấy khoẻ liền, là lạc đạo liền. Nếu không biết chấp nhận thì đi đâu ta cũng không có hạnh phúc. Đó là nguyên tắc đầu của Cư Trần Lạc Đạo.

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Đây là nguyên tắc thức hai: Đói thì ăn, khát thì uống. Cái chữ đói ăn khát uống trong thiền môn không có nghĩa là mình sống theo cái bản năng của mình đâu. Nếu ai hiểu như vậy là chết thiền! Đói ăn khát uống tức tức là ta phải thật sự ăn, ta phải thật sự uống. Tại vì đã có những người chết khát ở bên bờ sông. Chúng ta mỗi người đều có những nhu yếu đích thực, và tu tập trước hết là tìm ra được những nhu yếu nào là những nhu yếu đích thực của mình, như là đói thì phải ăn, khát thì phải uống. Tại vì có những nhu yếu không đích thực, ta có thỏa mãn nó hay không thỏa mãn nó cũng không có quan trọng. Mà đôi khi chạy theo những nhu yếu không đích thực này, chúng ta còn làm tan nát cuộc đời của chúng ta. Những cái không cần mà chúng ta cứ tưởng là cần rồi chạy theo chúng thì mất hết đời của chúng ta, mà nắm được chúng trong tay thì chúng làm bỏng tay ta, phá tan cơ thể và tâm hồn của chúng ta. Đó là những nhu yếu không đích thực.

Khi thấy được những nhu yếu nào là đích thực và những nhu yếu nào là không đích thực thì ta đã đi một bước khá lớn ở trên con đường tu học rồi. Phải quán chiếu để thấy cho rõ những nhu yếu đích thực của mình. Và khi quán chiếu thấy được đó là nhu yếu cần thiết để có được vững chãi, có thảnh thơi, có an lạc, thì tự nhiên ta sẽ thực tập theo nguyên tắc đói ăn khát uống. Tức là hằng ngày ta chỉ ăn và uống cái đó thôi, còn thì ta từ chối tất cả những cái khác. Ta cần vững chãi, ta cần thảnh thơi, ta cần an lạc, thì ta phải biết bản chất và phương pháp để làm thỏa mãn những nhu yếu đó của ta. Khi nào buồn thì ta biết làm thế nào để cho bớt buồn, khi nào giận thì ta biết làm thế nào để cho bớt giận, khi nào cô đơn thì ta biết làm thế nào để cho hết cô đơn, khi nào thiếu vững chãi thì ta biết làm thế nào để đem vào tâm hồn mình những chất liệu vững chãi… Đó là đói ăn khát uống. Nếu không có đói thì đừng có ăn, ăn vào là chết đó! Nếu không khát thì đừng có uống, uống những cái đó vào là chết!

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Đây là nguyên tắc thứ ba: Trong nhà chúng ta đã sẵn có châu báu, đừng có đi tìm ở đâu xa nữa. Gia trung là trong nhà. Hữu bảo là có châu báu. Hưu là ngưng lại. Tầm mịch là tìm tòi, tìm kiếm. Đừng có chạy đi đâu để tìm kiếm nữa hết vì những cái ta cần đã có sẵn ở trong ta rồi.

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

Đối cảnh vô tâm là nguyên tắc thứ tư. Cảnh là những cái gì đang xảy ra ở trước mặt ta. Những gì xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của ta thì ta phải biết đáp ứng lại với những sự kiện đó bằng thái độ vô tâm. Vô tâm không có nghĩa là không có chánh niệm. Theo phương pháp tu chánh niệm là cái gì đang xảy ra thì ta biết là cái gì đang xảy ra, đang xảy ra trong lòng ta hay đang xảy ra xung quanh ta, và ta phải ý thức được nó với phương pháp vô tâm. Vô tâm ở đây có nghĩa là không vướng mắc cũng không chán ghét. Tức là ta không bị vướng vào trong hai cực: tham đắm và chán ghét. Chán ghét là một thái cực và tham đắm là một thái cực khác. Một bên là dính như múi mít, một bên là sợ bỏ chạy, thoát ra khỏi cả hai cực này thì tự nhiên ta sẽ có an, có lạc. Cái đó gọi là xả. Đó là chất liệu của tự do. Nếu ta muốn thật sự có hạnh phúc, có tự do thì ta phải có thái độ vô tâm. Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền: nếu ta có thể đối cảnh vô tâm thì đừng có hỏi tới thiền làm gì nữa! Ta đã nắm thiền quá vững rồi. Mạc vấn thiền là đừng có hỏi về thiền nữa.

Nếu chúng ta có thể làm được bốn nguyên tắc trên thì hỏi về thiền làm gì nữa !



TỔNG LUẬN

Chúng ta thấy bài Cư trần Lạc đạo của Trúc Lâm Đại Sĩ rất có giá trị thực tiễn, không phải là lý thuyết. Cố nhiên bài này nói lên được cái thái độ và phương pháp tu học của Trúc Lâm Đại Sĩ, một ông vua đã xuất gia, đã thành đạo và đã sáng lập ra được một tông phái thiền rất có tính cách thiền học. Đó là thiền phái Trúc Lâm.

Chúng ta may mắn được đọc tác phẩm này chung với nhau. Phần sau được dịch theo văn mới để con cháu ta đọc có thể hiểu được dễ dàng. Chúng ta cũng có thể dịch ra tiếng Anh hay tiếng Pháp.
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1721
Tham gia: 11:03, 25/04/14

5. THIỀN ÐỊNH

Gửi bài gửi bởi KMD »

Mục đích, ý nghĩa & hướng dẫn ngồi thiền (HT Thích Thanh Từ giảng)

https://www.youtube.com/watch?v=UG2VjNx ... DucBNguyen
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1721
Tham gia: 11:03, 25/04/14

5. THIỀN ÐỊNH

Gửi bài gửi bởi KMD »

Khi Thiền Ni Chiyono chứng ngộ
Bởi Nguyên Giác - 7 Tháng Một, 2020

(Dịch theo bản Anh dịch “The Enlightenment of Chiyono” của Anne Dutton, từ các trang 173-179 của sách “Zen Sourcebook: Traditional Documents from China, Korea, and Japan” – ấn bản 2008 của nxb Hackett Publishing Company.

Thiền ni Mugai Nyodai (?-1298), thường được gọi theo thế danh là Chiyono, là một trong những phụ nữ Nhật Bản đầu tiên nhận ấn khả tâm truyền từ một dòng Thiền; trường hợp của bà là nhận ấn khả từ Thiền sư Trung Hoa Wu-hsueh Tsu-yuan sang Nhật hoằng pháp.

Thiền ni Chiyono sau đó trở thành một bậc thầy dạy Thiền nổi tiếng, lập ra nhiều trung tâm dạy Thiền tại Kyoto, trong đó có Chùa Keiai-ji, nơi được xem là Thiền viện hàng đầu cho các Thiền ni trong thời trung cổ Nhật Bản.

Chuyện kể dưới đây cho thấy bà sinh từ giai cấp quý tộc, nhưng đã vào một chùa Thiền làm việc cực nhọc, nhiều phần hệt như Lục Tổ Huệ Năng.

Chuyện về Thiền ni được kể qua nhiều thế kỷ, và xuất hiện trong nhiều ấn phẩm Phật học, kể cả các lời dạy về công án. Chuyện kể cho thấy đây là tổng hợp từ nhiều mẩu chuyện trước đó về Thiền ni Chiyono.)
.
Trong ngôi làng Hiromi ở huyện Mugi, có ba vị ni sư xây lên một Thiền tự, và tận lực tu học Phật pháp. Cùng với một số vị ni khác từ nhiều nơi khác tới, và trong một số sự kiện, cùng với nhiều đệ tử cư sĩ, họ xây dựng được một cộng đồng tu hành theo Thiền Tông.

Lúc đó có một thiếu nữ khoảng 24 hay 25 tuổi đã nhiều năm vào tự viện này làm những việc nặng nhọc. Tên cô là Chiyono. Người ta kể rằng cô là con gái của một gia đình quý tộc. Khi khát vọng giải thoát tràn ngập trong lòng cô, tức khắc cô rời nhà ba mẹ và vào tự viện này, nhận công việc công quả nặng nhọc, kể cả chẻ củi và xách nước.

Chiyono quan sát các ni sư thực tập Thiền. Cô nghe và trân trọng tất cả những lời dạy và đối thoại của các ni sư. Cô thường nhìn ngắm các ni sư xuyên qua các kẽ hở từ các tấm màn treo nơi lối vào cửa, và rồi trở về phòng cô, bắt chước bằng cách ngồi nhìn vào vách – nhưng chưa thấy ích lợi nào.

Một hôm, Chiyono tới hỏi một ni sư trẻ. Cô nài nỉ, “Xin làm ơn dạy cho cốt tủy của pháp tọa thiền.”

Ni sư trả lời cô, “Pháp hành của ngươi chỉ đơn giản là phục vụ các ni sư trong tự viện này ở mức có thể, mà đừng nghĩ ngợi gì về khó nhọc hay mở lời than van. Đó là pháp tọa thiền của ngươi.”

Choyono tự suy nghĩ, “Thiệt là đau đớn! Mình bước vào thế giới này như một người thấp kém và bất tài, sống trong đau đớn và khổ não. Nếu mình tiếp tục thế này, mình cũng sẽ đau khổ trong kiếp sau vậy. Thời gian sẽ trôi qua, nhưng khi nào sẽ có cơ duyên cho mình đạt được giải thoát? Hành động xấu nào đã dẫn tới nghiệp quả này vậy?” Nỗi đau đớn của cô là vô cùng tận.

Đêm về, ẩn dưới ánh trăng mờ, cô tới gần thiền đường và nhìn vào trong. Cô quan sát thấy nhiều người ngồi thiền, cả các ni sư và người đời thường, cả nam và nữ cư sĩ, cả già và trẻ. Rời bỏ hoàn toàn những quan tâm chuyện đời, họ ngồi miên mật tọa thiền. Hình ảnh thực sự là trang nghiêm.

Chiyono suy nghĩ, trong khi nước mắt tự nhiên ràn rụa, “Ngay cả các cô gái trẻ cũng biết dị biệt giữa chơn và vọng trong việc tu theo nội quy tự viện để xả bỏ chuyện đời. Họ có khát vọng vĩ đại là muốn xả bỏ thế giới si mê này. Tự khép mình tu tập gian nan hơn, họ ngồi suốt đêm trong tịch lặng nhất tâm mà không ngủ gục. Làm sao mình có thể thiếu những quyết tâm như thế để làm như họ?

Nơi đây là những cư sĩ tự vui với chính họ ngày và đêm, không vướng bận gì về các thứ, và rồi họ ngồi trên các tấm đệm đó, rời bỏ tất cả các niệm về thế giới, không bao giờ ngả đầu lên gối.

Thân của họ gầy yếu, tinh thần của họ cạn kiệt, nhưng họ không bận tâm rằng sinh mạng của họ đã gặp nguy hiểm. Họ có tâm nguyện rất mực thâm sâu. Họ xứng đáng được gọi là đệ tử của Đức Phật.”

Bấy giờ, có một Thiền ni già trong tự viện rất mực từ bi. Một hôm, Chiyono tới gặp Thiền ni già và nói, “Con có khát vọng tu pháp tọa Thiền, nhưng con sinh ra đã bất hạnh. Con không biết đọc hay viết. Con cũng không thông minh. Nếu con có mang tâm nguyện [giải thoát], có thể nào con thành tựu Phật pháp cho dù con không có kỹ năng nào?”

Thiền ni già trả lời Chiyono, “Tuyệt vời đó, con ơi! Thực sự, có cái gì nơi đó đâu mà thành tựu? Trong Phật pháp, không hề phân biệt gì giữa một người nam và một người nữ, giữa một cư sĩ đời thường và một tu sĩ.

Cũng thế, không hề có dị biệt nào giữa quý tộc và thường dân, giữa già và trẻ. Chỉ có thế này thôi – mỗi người phải giữ chặt lấy đại nguyện và bước theo đường Bồ Tát Hạnh.

Không có con đường nào cao hơn đường này.

“Con đừng có lý thuyết hóa về lời dạy hay về giáo pháp của chư Phật và của các Thiền sư.

Theo kinh điển, mục tiêu là thành tựu cõi Phật nơi chính con. Giáo pháp dạy rằng tọa thiền nghĩa là ‘tìm Phật trong chính tâm của con.’ Theo lời cổ đức, lời dạy trong kinh điển y hệt ngón tay chỉ vào mặt trăng. Lời của các tổ chỉ là chìa khóa để mở cổng.

Nếu con nhìn trực tiếp vào mặt trăng, sẽ không cần tới ngón tay nữa. Nếu cửa đã mở xong, chìa khóa sẽ không cần nữa. Một tu sĩ quen thuộc với mười triệu bản kinh thực sự không xài tới một chữ nào trong tọa thiền.

Kiến thức rộng và học nhiều chỉ là chướng ngại cho việc vào cửa pháp; chúng dẫn tới việc triết lý hóa và chữ thôi. Nếu con biết được tâm của con, lời dạy nào trong kinh mà con cần nữa chớ? Trong việc vào Đạo, chúng ta phải dựa riêng toàn thân của chúng ta thôi.

“Thêm nữa, những người muốn tu tập tọa thiền hãy khởi đại bi tâm với ước nguyện cứu tất cả chúng sinh. Đừng tìm giác ngộ cho riêng mình. Hãy tới một nơi vắng lặng, ngồi theo tư thế hoa sen, đặt bàn tay này trên bàn tay kia. Thân không nghiêng về phía nào, hai tai thẳng với hai vai. Mở mắt he hé, chú ý vào đầu mũi. Đặt lưỡi thoải mái nơi hàm miệng trên. Buông xả hết toàn bộ thân tâm và toàn bộ những gì trong đời ngươi. Nhìn từ bên trong, sẽ thấy chính ngươi không có tâm nào hết.

Hãy quên tất cả những gì liên hệ của ngươi với mọi người, mọi chuyện khác. Nhìn từ bên ngoài, sẽ thấy không có tâm nào ở bất kỳ đâu để được tìm ra. Khi bất chợt có niệm nào khởi lên, hãy để niệm đó trôi đi.

Chớ đi theo các niệm. Đó là kỹ thuật cốt yếu của tọa thiền. Hãy tin lời dạy này, và làm theo như thế, cứ y như thế chờ đợi.” Vị ni sư từ bi giải thích chi tiết như thế.

Chiyono đón nhận lời dạy với tín tâm, và hạnh phúc quỳ lạy vị Thiền ni. “Khi con mới bắt đầu tọa thiền, nhiều thứ con đã thấy và đã nghe trong quá khứ cứ hiện trở lại trong tâm con. Khi con tìm cách ngăn chận, chúng cứ tăng thêm. Lời Sư Bà mới dạy mà con vừa nghe, cho con hiểu rằng khi niệm khởi bất chợt trong tâm, con nên để chúng tự tịch lặng. Con không nên làm nỗ lực nào để ngăn cản các niệm.”

Vị Ni sư già đáp, “Đúng vậy. Nếu không, thì chỉ y như dùng máu để rửa vết máu. Lời dạy cổ đức là, ‘Đốn ngộ là thuốc chữa trị các chứng bệnh bất tận của chúng ta.’”

Chiyono nói, “Nếu con tiếp tục tu theo lời dạy này, kết quả thiện lành chắc chắn sẽ tới.

Chắc chắn rằng con sẽ thấy tánh Phật rõ ràng và sẽ chân thực thành tựu quả Phật trong một khoảnh khắc.”

Vị Ni sư trả lời bằng giọng mạnh mẽ, “Con bây giờ đã hiểu rằng tất cả chúng sinh đều là Phật đã thành. Thế giới sinh và tử (sinh diệt), và Niết Bàn (vô sinh diệt) thực ra y hệt như một giấc mơ.”

Chiyono nói, “Con đã nghe rằng Đức Phật phóng quang từ tướng lông trắng giữa hai chân mày, chiếu sáng khắp mười phương. Nhìn ngắm vào chúng y hệt như nhìn vào lòng bàn tay của ni sư. Con có thể tự chỉ vào thân thấp hèn của con và nói rằng con có Phật tánh hay là con tự ảo tưởng về chính mình?”

Vị Ni sư trả lời, “Hãy nghe kỹ nhé. Các Thiền sư cổ thời đã nói rằng tất cả mọi người đều đã hoàn hảo y hệt như quý Thầy. Mỗi người đều đã hoàn hảo; không hề cách biệt dù là một sợi lông mày chia cắt ai ra khỏi toàn thiện này. Tất cả chúng sinh đều đã có đầy đủ trí tuệ và giới đức của Đức Phật. Nhưng vì người ta bị tràn ngập bởi vọng niệm và dính mắc, họ không thể hiển lộ [các phẩm tính đó] ra.”

Chiyono hỏi, “Những vọng niệm này là gì?”

Ni sư trả lời, “Sự kiện là, khi con chạy theo các niệm khởi lên trong tâm là đã che lấp Phật tánh của con. Đó là lý do vì sao chúng ta nói về ‘vọng niệm.’ Y hệt như mình lấy vàng và dùng vàng làm nón hay đôi giày, gọi cái con che đầu là ‘nón’ và gọi cái con mang nơi chân là ‘giày’. Cho dù con dùng tên gọi khác nào cho sản phẩm, vàng vẫn là vàng.

Cái con mang trên đầu không phải là cao quý. Cái con mang dưới chân không phải là thấp hèn. Khi dùng ẩn dụ này cho Phật pháp, vàng là biểu tượng cho Đức Phật — tức là, nhận ra bản tánh cốt tủy của con. Những ai bị sai lạc về bản tánh cốt tủy này của họ, thì chúng ta gọi là chúng sanh. Khi chúng ta gọi ai đó là một Đức Phật, bản tánh cốt tủy đó của họ không tăng thêm. Khi chúng ta gọi ai đó là chúng sanh, bản tánh cốt tủy của họ không suy giảm. Phật hay chúng sanh — chỉ vì vọng niệm, người ta chọn điểm nhìn rằng có hai thứ khác nhau. Nếu con không rơi vào vọng niệm, sẽ không có Phật và cũng không có chúng sanh. Chỉ có duy một bản tánh, y hệt như thế chỉ có một thế giới hoàn hảo, mặc dù chúng ta nói là thế giới của mười phương.”

“Đức Phật một lần nói, “Khi con xa lìa tất cả sở duyên [dính mắc], thì con sẽ thấy Đức Phật.’ Ngài cũng nói, ‘Con phải buông bỏ ngay cả pháp.’ Cái gì gọi là pháp như thế? Nếu con thực sự muốn biết tự tánh của con, con phải tự hướng mình về tận cội nguồn vọng niệm và nhìn thấu tận đáy nguồn. Khi con nghe một âm thanh, đừng hướng tâm về cái đang được con nghe, mà thay vào đó, hãy chú tâm vào tận nguồn chính cái [năng lực] nghe của con. Nếu con thực tập cách này với tất cả mọi thứ, con chắc chắn sẽ hiển lộ minh bạch tự tánh chân thực của con.”

Chiyono hỏi, “Cái gi là tâm thấu suốt cội nguồn các pháp?”

Vị Ni sư trả lời, “Câu con vừa hỏi ta — đó là một điển hình về cách suy nghĩ của con. Hãy quan sát về nơi khi niệm đó chưa khởi dậy. Hãy tận lực tự sách tấn chính con. Đừng dính theo cho dù một chút mảy may của niệm —đó là cái chúng ta gọi là thấu suốt cội nguồn.”
Chiyono nói, “Có nghĩa là, bất kể mình đang làm cái gì, khi chúng ta làm mọi việc trong đời sống hàng ngày, chúng ta không nên chạy theo vật, nhưng hãy tự quay ngược về quan sát tận nguồn tâm niệm của mình, và liên tục cố gắng nhìn cho thấu suốt?”

Vị Ni sư nói, “Đúng vậy. Đó gọi là tọa thiền.”

Chiyono nói, “Những lời con vừa được dạy mang cho con hạnh phúc lớn vô cùng. Con không thể nào ngồi tọa thiền ngày và đêm được, vì con cứ luôn luôn phải lượm củi và xách nước về, và nhiệm vụ công quả của con nhiều lắm. Nhưng như con vừa được nghe dạy, không có gì bất khả để thành tựu trong 12 giờ đó (ghi chú: 1 giờ thời xưa là 2 giờ bây giờ). Quan sát tận nguồn tâm niệm của con, cả về phía phải và về phía trái (thiện/ác), tùy theo thời gian và tùy theo hoàn cảnh, làm sao con xao nhãng bổn phận của con được? Với cách thực tập như thế, con có thể làm như thế trong mọi việc trong ngày. Khi con thức dậy là thực tập, và khi đêm về ngủ là thực tập, trở ngại nào có thể có nữa?” Cô Chiyono vui mừng bước đi.

Vị Ni sư già gọi tên cô trong khi cô bước đi. Chiyono đáp, và quay trở lại. Vị Ni sư nói, “Khát vọng tu tập của con rõ ràng là rất sâu và không dời đổi.”

Chiyono trả lời, “Khi nói về tu tập, con chưa bao giờ quan tâm về chuyện tổn thương hay mất mạng. Con chưa bao giờ tự nêu câu hỏi như thế. Nếu như Sư Bà nói, con không được để một khoảnh khắc nào chệch ra khỏi pháp thực tập đó. Tất cả mọi hành động đều là một hình thức của thực tập pháp. Làm sao con xao nhãng được?”

Vị Ni sư già nói, “Như vừa rồi, khi ta gọi ra tiếng ‘Chiyono,’ tại sao con dính vào âm thanh [cách nói] của giọng ta nói? Con hãy nên chỉ lắng nghe và trở về trực tiếp tận nguồn tâm niệm. Đừng bao giờ quên: sinh tử là chuyện lớn. Tất cả mọi thứ trôi qua nhanh vô cùng.

Đừng chờ đợi — với từng hơi thở vào, với từng hơi thở ra, trong mọi thời hãy dựa vào pháp tu tập của con. Khi có chuyện gì tới với con, con chớ nắm giữ đau đớn hay dính vào nó, ngay cho dù con có thể sau đó sẽ ân hận. Hãy kiên tâm tu mãi pháp này.”

Sau khi thọ nhận bài học này, Chiyono thở dài và im lặng. Cô chưa đi quá xa, trước khi vị Ni sư một lần nữa gọi tên cô. Chiyono quay đầu lại một chút, nhưng không còn để tâm dính mắc vào giọng của Ni sư, cô quay trở về trực tiếp tận nguồn tâm niệm của cô. Với cách này, cô tiếp tục tu tâp như thế, ngày qua ngày, tháng qua tháng. Có ngày, cô về nhà và quên ăn. Đôi khi, cô đi lấy nước và quên múc nước vào thùng. Đôi khi cô đi lượm củi và quên rằng cô đã vào trong một thung lũng dốc. Đôi khi cô đi trọn ngày mà không ăn hay nói gì, và đi cả đêm mà không ngả lưng nằm xuống. Mặc dù cô có mắt, cô không thấy; và cho dù cô có tai, cô không nghe. Cử động của cô y hệt như một người gỗ. Các vị ni trong chùa bắt đầu nói về cô, nói rằng cô sắp đạt ngộ.

Vị Ni sư già nghe chuyện như thế, liền lặng lẽ tới nhìn từ bên ngoài phòng ngủ của cô Chiyono. Phía sau tấm màn tre, cô Chiyono, với tóc búi cao trên đầu, ngồi nhìn vào vách. Trông cô như đã quen với việc ngồi thiền, ngó hệt như một vị tọa thiền lâu năm. Cô ngồi trong khi mở ra thế giới của sự thật lớn, trong đó tất cả hư vọng đã bị xả bỏ. Hướng tâm tự nhìn vào mình, cô Chiyono thực hành việc quan trọng nhất trong hoàn cảnh khi đó, quan sát tâm không dừng nghỉ. Thân của cô là thân của một phụ nữ chân thực hiển lộ sức mạnh của một bậc chân tu. Ngay cả trong thời xa xưa, một người như thế rất là hiếm hoi. Những ai thiếu vắng sức tu khẩn cấp như thế nên tự thấy xấu hổ.

Vị Ni sư hỏi cô Chiyono, “Nơi nào con đang hướng mặt như thế?” Chiyono quay nhìn về vị Ni sư, rồi quay trở lại, ngồi nhìn vào vách y hệt như một cội cây. Vị Ni sư hỏi cô Chiyono tiếp, “Cái gì? Cái gì?” Lần này, cô Chiyono không quay đầu lại. Như thế, cô đã [vào định sâu] không thấy chính cô nữa trong việc tọa thiền.

Trong tháng thứ 8 âm lịch năm kế tiếp, vào buổi tối ngày rằm, mặt trăng tròn chiếu sáng. Nhân dịp bầu trời đêm không mây, cô Chiyono đi ra giếng xách nước. Trong khi như thế, đáy thùng nước của cô đột nhiên thủng, và ảnh của mặt trăng phản chiếu biến mất theo nước. Khi thấy như thế, cô đột nhiên đạt ngộ hoàn toàn. Mang thùng theo, cô trở về chùa.
Trước đó [trước khi đạt ngộ], cô đã tới gặp vị Ni sư già, người dạy cô Thiền, và nói, “Bệnh của con là hết chữa, và con sẽ chết trong đêm. Con muốn cạo đầu và chết trong hình thức này. Con được cho phép như thế không?” Vị Ni sư già đã cạo trọc cho cô Chiyono.

Thêm nữa, vị Ni sư già trước đó từng nghe Thiền sư Wu-hsueh nói, “Cô Chiyono tuy có vị trí thấp trong chùa, nhưng cá tính cô không bình thường đâu. Tâm nguyện của cô rất sâu – vượt xa hơn những người khác.” Vị Ni sư nghĩ rằng Thầy Wu-hsueh nghĩ đúng.

Khi về gặp vị Ni sư già, cô Chiyono đứng chắp tay và nói, “Ni trưởng đã dạy con với tâm từ bi và rất mực tử tế. Nhờ đó, trong canh ba của đêm, mặt trăng tự tánh đã chói sáng một ngàn cửa pháp.” Khi cô nói xong, cô quỳ lạy ba lạy trước vị Ni sư già, và rồi đứng kính cẩn.

Vị Ni sư già nói, “Con đã đạt được cái chết lớn, thực sự cái chết đó nó làm chúng ta sống sinh động. Từ bây giờ trở đi, con sẽ theo học Thầy Wu-hsueh — con phải đi tìm gặp Thiền sư đó.”

Sau đó, Chiyono được gọi là Ni trưởng Nyodai. Khi người ta tới hỏi pháp, Thiền ni này luôn luôn trả lời, “Đức Phật người có khuôn mặt là mặt trăng.” Thiền ni Chiyono đã gặp Thiền sư Wu-hsueh và đã nhận ấn khả truyền tâm, trở thành người nối pháp Thầy này. Pháp danh của Thiền ni là Mujaku Nyodai. Thiền ni là người tài trợ cho ngôi chùa Rokuon-ji tại thị trấn Kitayama ở kinh đô Kyoto, trong tinh Yamashiro, nơi bây giờ được gọi là Kinkakujoi.

Bài thơ của Thiền ni Chiyono khi bừng ngộ là:

Với này và kia, tôi đã tận lực
Và rồi đáy thùng bể văng ra
Khi nước chảy tuôn trào
Mặt trăng không nơi để trụ.

Anh dịch: Anne Dutton, Việt dịch: Nguyên Giác
Được cảm ơn bởi: thanhmai8558
Đầu trang

thanhmai8558
Tam đẳng
Tam đẳng
Bài viết: 742
Tham gia: 18:37, 31/12/19

Re: 5. THIỀN ÐỊNH

Gửi bài gửi bởi thanhmai8558 »

Phật vẫn là bậc thầy chữa bệnh cả thân và tâm
Được cảm ơn bởi: Tudotutronghanhphuc, KMD
Đầu trang

Tudotutronghanhphuc
Lục đẳng
Lục đẳng
Bài viết: 4404
Tham gia: 18:54, 02/12/22

Re: 5. THIỀN ÐỊNH

Gửi bài gửi bởi Tudotutronghanhphuc »

thanhmai8558 đã viết: 22:17, 13/03/23 Phật vẫn là bậc thầy chữa bệnh cả thân và tâm
Chị ngủ ngon 😘
Em thấy tinh thần chị tốt hơn lúc trước nhiều lắm, mừng quá
Hạnh phúc vui vẻ chị
Năm mới vui vẻ 🙂
Đầu trang

K54
Nhất đẳng
Nhất đẳng
Bài viết: 157
Tham gia: 18:06, 28/08/22

Re: 5. THIỀN ÐỊNH

Gửi bài gửi bởi K54 »

Ngày xưa chưa biết gì nghĩ thiền định sẽ đưa đến giải thoát. Sau này được minh sư A LA HÁN THÍCH THÔNG LẠC giảng pháp mới biết tu theo giới luật mới là con đường đúng, không thì chẳng bao giờ có thiền định cả. phật giáo đại thừa ở trung quốc toàn vẽ cho con người đi vào lối cụt và ngu xuẩn hại biết bao người muốn tìm con đường giải thoát. HÃY ĐỌC Đường về xứ phật của trưởng lão Thích Thông Lạc
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1721
Tham gia: 11:03, 25/04/14

5. THIỀN ÐỊNH

Gửi bài gửi bởi KMD »

HT Thích Thông Triệt: Sơ lược tiểu sử TỔ BỒ ĐỀ ĐẠT MA

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ
TỔ BỒ ĐỀ ĐẠT MA


Bồ Đề Đạt Ma – Bodhidharma (k. 440? - 528?)

Tuy gốc người Nam Ấn, nhưng tại Ấn không ai nhớ đến tên Ngài; trái lại, ở Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, và Việt Nam, từ hơn 1000 năm qua cho đến nay, Ngài đã là khuôn mặt vĩ đại đối với nền thiền học và văn hóa Phật giáo tại các nước này.

Truyền thống Thiền Tông

Lịch sử Thiền Tông Trung Hoa được mở đầu bằng vị Tổ thứ Hai Mươi Tám của Ấn độ là Bồ Đề Đạt Ma. Theo truyền thống tổ truyền Y-Bát của Phật trong lịch sử Thiền Tông Trung Hoa, gồm sáu vị:

1. Tổ Đạt Ma được xếp là Sơ Tổ.
2. Huệ Khả (487-593) là Nhị Tổ.
3. Tăng Xán (?-606) là Tam Tổ.
4. Đạo Tín (580-651) là Tứ Tổ.
5. Hoàng Nhẫn (602-675) là Ngũ Tổ.
6. Huệ Năng (668-713) là Lục Tổ.

Tổ đã mở màn một kỷ nguyên mới về Thiền bằng bốn câu kệ bất hủ:

Bất lập văn tự;
Giáo ngoại biệt truyền;
Trực chỉ nhơn tâm;
Kiến tánh thành Phật.

(Xem Giải thích thuật ngữ ở cuối bài)*

Chính bốn câu kệ này đã làm khởi sắc và hưng thịnh dòng Thiền Trung Hoa. Mãi thế kỷ thứ IX, ngài Khuê Phong Tông Mật* (780-841) xếp thiền do Tổ khai sáng là Tối Thượng Thừa Thiền*. Để rồi sau đó chư Thiền Đức Trung Hoa bắt đầu khai triển thông điệp đặc sắc nói trên để dụng công. Thực sự, thông điệp nói trên đã đặc biệt cho thấy nguyên tắc cơ bản của Thiền Tông là muốn đi đến nơi tối hậu của con đường đưa đến thoát khổ, giác ngộ, và giải thoát, tức thành Phật. Người thực hành thiền phải kiến tánh* như đức Phật Thích Ca ngày xưa đã kiến tánh vậy (xem thêm Tiến Trình Tu Chứng của Đức Phật). Từ sau đó, kiến tánh đã trở thành chủ đề nồng cốt trong lịch sử phát triển Tổ Sư Thiền* của Thiền Tông Trung Hoa.

Từng thế hệ đi qua – gần 15 thế kỷ – âm ba của Tổ vẫn còn vang dội trong nhiệt tâm của người tu thiền muốn tìm cầu thoát khổ, giác ngộ, và giải thoát tích cực với bốn câu kệ nói trên.

Vì phương pháp tu thẳng của Tổ, nên lịch sử của Tổ mang rất nhiều huyền thoại. Tác dụng huyền thoại đó đã làm nổi bật con người đặc biệt của Tổ mà không nhà sử học nào gọi Tổ là A La Hán hay Bồ Tát như truyền thống Phật giáo trước thời Tổ thuộc hai hệ Nguyên Thủy và Phát Triển. Tên tuổi của Tổ cho đến nay vẫn còn được giới thiền học Đông phương cũng như Tây phương và giới võ lâm thế giới đều nhắc đến vị Tổ khai sáng môn phái Thiếu Lâm với niềm tôn kính sâu xa. Bốn câu kệ nói trên, tuy trong hai sử liệu Cao Tăng Truyện (hoàn thành năm 645) và Truyền Đăng Lục (hoàn thành năm 1002) không thấy ghi; trái lại, bốn câu kệ đó được thấy ghi trong “Pháp Chánh Truyền của Phật Thích Ca” do sử gia Tsung-Chien ghi lại vào năm 1257, gán cho Nam Tuyền Phổ Nguyện (748-834) là tác giả. (tr. 176, Thiền Luận quyển Thượng của Suzuki, bản tiếng Anh). Đúng hay sai, cho tới nay không có sử liệu nào chứng minh, nhưng cho đến đây – theo truyền thuyết sử Tổ Sư Thiền – tất cả người tu Thiền phương Đông cũng như phương Tây đều thừa nhận bốn câu kệ nói trên là thông điệp của Tổ Bồ Đề Dạt Ma truyền cho hậu thế phương hướng thực hành đạo thiền của Phật Thích Ca bằng những lối đơn giản nhất, thiết thực nhất, nhưng vô cùng khó khăn nhất. Đó là cách chỉ thẳng tâm người để “kiến tánh”. Vậy tâm đó là tâm gì? Tánh đó là tánh gì? Làm thế nào để kiến? Nếu không được giải thích rõ ràng, thông điệp nói trên sẽ là chủ đề thuộc phạm vi công án như những công án trong Bích Nham Lục đã được thiền sư Viên Ngộ (1063-1135) biên soạn và hoàn thành từ thế kỷ 12 (năm 1125) trước đây…

Sơ lược tiểu sử

Về năm sinh và năm tịch của Tổ Bồ Đề Đạt Ma, có nhiều truyền thuyết khác nhau: có sách ghi ngài sinh vào năm 470, tịch năm 543; sách khác lại ghi sinh năm 440, đến nam Trung Hoa năm 475, vào lúc nước Tàu chia ra làm hai miền Nam Bắc, gọi là Nam Triều, Bắc Triều. Tuy nhiên, có hai nguồn tài liệu ghi lại về hành trạng của Tổ Bồ Đề Đạt Ma là Truyền Đăng Lục của thiền sư Đạo Nguyên soạn vào năm 1004, trong đó ghi rằng Bồ Đề Đạt Ma đến đất Lương vào năm 520, cuối cùng tịch vào năm 528 vào ngày mùng 5 tháng 10, vì bị đánh thuốc độc. Trong lúc đó, theo Cao Tăng Truyện, do ngài Đạo Tuyên soạn, được hoàn thành vào năm 645 thì Tổ Bồ Đề Đạt Ma thọ trên 150 tuổi, tịch ở Lô Giang, và không ghi ngày tháng cùng nguyên nhân tịch. Còn theo ngài Đạo Nguyên ghi trong Truyền Đăng Lục, sau khi truyền Y Bát cho Tổ Huệ Khả, Bồ Đề Đạt Ma tịch vào ngày mùng 9 tháng 10 vì bị đánh thuốc độc, được mai táng tại Chùa Tinglin trên núi Tai Gấu (Hùng Nhĩ sơn) ở huyện Lư Thị, tỉnh Hà Nam. Ba năm sau, Tống Vân* (Sung Yun) thỉnh kinh từ Ấn Độ trở về, gặp sư tại rặng núi Thông Lãnh (Turkestan, núi này ở Trung Á), chỉ quảy trên vai một gậy và treo một chiếc dép trên đó, nói rằng sư trở về Ấn Độ, và còn thông báo cho Tống Vân biết là “Chúa của ông đã chán đời rồi”. Khi Tống Vân về triều thì quả nhiên vua Hiếu Minh Đế (Đông Ngụy) đã băng hà. Vua Hiếu Trung lên nối ngôi. Tống Vân đem việc ấy tâu lại, Vua ra lệnh mở cửa tháp… Dở quan tài ra, quả nhiên trong quan tài chỉ còn lại một chiếc dép. Vua ra lệnh đưa dép về chùa Thiếu Lâm. Đến đời Đường, năm 728, môn đồ lại dời chiếc dép về chùa Hoa Nghiêm.

Sinh quán của ngài ở Kanchi (Hương Chí), kinh đô miền nam Ấn, vương quốc Pallava. Ngài gốc Bà La Môn và là con thứ ba của vua Simhavarman. Khi còn trẻ, ngài tên là Bồ Đề Đa La (Bodhitāra/Bodhidhana), sau theo học Phật pháp với Tổ thứ 27 là Bát Nhã Đa La (Prajñatāra) (?-457) do chính phụ vương của ngài mời từ trung tâm Phật giáo nước Ma Kiệt Đà (Magadha). Sau khi vua cha băng hà, ngài quyết chí xuất gia, cầu xin Tổ Bát Nhã Đa La (Prajñatāra) nhận làm đệ tử. Tổ hoan hỷ nhận và làm lễ thế phát và truyền giới cụ túc. Tổ đặt pháp danh lại là Bồ Đề Đạt Ma.

Một hôm, Tổ Bát Nhã Đa La hỏi sư:
– Giữa muôn pháp (all things), có cái gì là không sắc (formless)?
Sư đáp:
– Không khởi vọng là không sắc.
Tổ hỏi:
– Giữa muôn pháp, cái gì là lớn nhất?
Sư đáp:
– Tánh của pháp là lớn nhất.

Sau đó sư được Tổ Bát Nhã Đa La thừa nhận là rất đúng và trao truyền Y Bát của Phật cho sư. Sư chính thức được Tổ Bát Nhã Đa La công nhận là người kế vị.

Tổ dặn: Ngươi tạm giáo hóa ở nước này, sau sang Trung Hoa mới thật là nhơn duyên lớn. Song đợi ta diệt độ khoảng 60 năm sau sẽ đi. Nếu ngươi đi sớm, sau e có việc không tốt.

Tổ tịch rồi, ngài vẫn ở lại nước nhà giáo hóa. Người đồng sư với ngài là Phật Đại Tiên (Buddhamahàrishi) cùng chung sức giáo hóa. Người đương thời gọi hai ngài là “Hai Đệ Tử Cam Lồ” (the Two Nectar Disciples) của Tổ Bát Nhã Đa La có khả năng “Mở cửa cam lồ” (Mở cửa bất diệt) (Cam lồ: Skt: Amrta: bất diệt).

Đến Trung Hoa

Về sau, ngài được vua Dị Kiến thỉnh vào cung giáo hóa. Thấy đã đến lúc cần phải sang Trung Hoa, ngài đem lời huyền ký của Tổ Bát Nhã Đa La thuật lại với nhà vua rằng ngài cần phải sang Trung Hoa để truyền bá Phật pháp. Thấy không thể giữ ngài lại được, nhà vua đồng ý.

Vào thời đó, đường bộ bị rợ Hung Nô ngăn chận và vì nước Pallava giao lưu thương mãi với các nước Đông Nam Á nên ngài đi bằng thuyền buôn từ cảng Mahaballipu-ram. Phải mất ba năm sau ngài mới đến miền nam Trung Hoa vào năm 520.

Lúc bấy giờ nước Tàu chia ra hai vùng rộng lớn đối lập nhau, gọi là Nam Triều và Bắc Triều. Nước Lương thuộc Nam Triều. Lương Vũ Đế (464-549) là vị vua thâm tín Phật giáo. Trong 48 năm trị vì, nhà vua đã áp dụng giáo lý nhà Phật để chăn dân với hạnh bồ tát.

Trước khi gặp Tổ Bồ Đề Đạt Ma, nhà vua đã mời ba đại pháp sư là ngài Pháp Vân, Trí Tạng, và Tăng Mân đến giảng Phật lý. Ngoài ra, nhà vua cũng mời các vị cao tăng khác phụ trách dịch kinh, như các ngài Tăng Già Ba La (Sanghapāla), Mạn Đa La Tiên (Mandrarisi). Năm 504, nhà vua đã cử hành lễ “Xả Đạo Phụng Phật”, tức là bỏ đạo Nho, đạo Lão để phụng sự đạo Phật. Liên tiếp trong nhiều năm, nhà vua đã tỏ ra tích cực phụng sự Phật pháp trên nhiều mặt, nhất là việc làm phúc thiện, và tự mình thực hành giữ giới. Năm 511, chính thức từ bỏ rượu thịt. Năm 517, ra sắc lệnh cấm dân chúng cúng tế bằng rượu thịt, chỉ bằng các thứ hoa quả. Đặc biệt, nhà vua ra lệnh dẹp bỏ các đạo quan (chùa miếu) của đạo Lão và các đạo sĩ hoàn tục. Năm 519, thọ Bồ Tát Giới tại chùa Thảo Đường với ngài Tuệ Ước. Ngoài ra, nhà vua cũng cho dựng lên nhiều chùa khắp nơi và mở nhiều Pháp hội, như “Vô Giá Đại Hội”, “Bình Đẳng Pháp Hội”, “Cứu Khổ trai Đàn”, “Đại Pháp Hội”.

Khi Bodhidharma đến Trung Hoa vào thế kỷ thứ 6, nước Tàu có khoảng 2000 ngôi chùa Phật giáo và 36000 tăng lữ ở miền nam. Còn miền bắc có khoảng 36000 ngôi chùa và khoảng 80000 tăng lữ.

Gặp Lương Vũ Đế

Khi đến huyện Phiên Ngung, tỉnh Quảng Châu, vua Lương Vũ Đế (Liang Wu Ti) đón sư về Kim Lăng (kinh đô nhà Lương) (có sách ghi Kiến Nghiệp, Nam Kinh). Theo Truyền Đăng Lục do ngài Đạo Nguyên soạn vào năm 1004, ghi lại cuộc tiếp kiến như sau:

Lương Vũ Đế hỏi:

– Từ ngày lên ngôi vua đến nay, trẫm cất chùa, chép kinh, độ tăng không biết sao kể xiết, như vậy có công đức gì không?

Sư đáp:

– Chẳng có công đức gì cả.

Hoàng đế hỏi:

– Vì sao không công đức?

Sư đáp:

– Tất cả những việc đó chỉ là nhân hữu lậu, chỉ đem đến quả nhỏ trong cõi trời, cõi người, như bóng theo hình. Tuy có, nhưng không thực.

Đế hỏi:

– Thế thì công đức nào là công đức chân thực?

Sư đáp:

– Biết phải thanh tịnh, diệu và tròn đầy. Thể của nó là không (śūnyatā: emptiness). Ta không thể đạt được công đức như thế bằng phương tiện thế gian.

Đế hỏi:

– Ý nghĩa cao nhất của thánh đế là gì?

Sư đáp:

– Rỗng không, chẳng có gì là thánh!

Đế hỏi:

– Trước mặt trẫm là ai?

Sư đáp:

– Không biết!

Vì thiên trọng về hình tướng và phước hữu lậu, chưa có dịp tìm hiểu và học hỏi tư tưởng Không trong học thuyết Bát Nhã, nên sau khi nghe Bồ Đề Đạt Ma nói về Không, bằng cách phủ nhận giá trị công đức lập chùa, dịch kinh, chép kinh, bố thí, trì giới của mình, Lương Võ Đế hoàn toàn không hiểu biết về ý nghĩa Không. Đến khi Bồ Đề Đạt Ma đi rồi, sau này Lương Võ Đế mới nhận ra được nghĩa lý thâm sâu về Không Công Đức, Không Thánh Đế, nhà vua bắt đầu nghiên cứu hệ thống kinh Bát Nhã. Cuối cùng, nhà vua thông suốt tinh thần Bát Nhã, chú giải được 50 quyển trong bộ Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Tư Chú kinh. Năm 533, nhà vua giảng kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật tại chùa Đồng Thái.

Diện bích

Thấy Lương Vũ Đế chưa đủ khả năng lãnh hội tư tưởng Không trong học thuyết Bát Nhã, Sư đành cáo từ, vượt Trường Giang sang nước Ngụy, và dừng lại ở Thiếu Lâm Tự (Shao-Lin-Ssu) núi Tung Sơn (tỉnh Hà Nam). Trong chín năm, Sư thường tọa thiền xoay mặt vào vách (diện bích), người đương thời không hiểu phương cách tọa thiền của Sư, nên gọi sư là “Bích Quán Bà La môn” (the “Wall-Gazing Brāman”).

Đệ tử

Lúc bấy giờ có ông tăng tên là Thần Quang (Shen-Kuang, 487-593) nghe danh Tổ, đến xin cầu Tổ dạy đạo, nhưng Tổ không nhìn tới. Thần Quang không nản chí, nghĩ rằng: “Người xưa cầu đạo chẳng tiếc thân mạng, nay ta chưa được một trong muôn phần của các ngài”. Một hôm, nhằm tiết mùa đông, ban đêm tuyết rơi nhiều, Thần Quang vẫn đứng dầm mình trong tuyết, chắp tay hướng về Tổ, hy vọng được Tổ chú ý. Đến sáng, tuyết lên khỏi đầu gối. Quả nhiên, Tổ quay đầu hỏi:

– Ông muốn cầu gì?

Thần Quang đáp:

– Ngưỡng mong Hòa Thượng từ bi mở cửa cam lồ, rộng độ chúng con.

Tổ nói:

– Diệu đạo vô thượng của chư Phật dù trải qua nhiều kiếp cố gắng, hay làm được việc khó làm, hay nhịn được việc khó nhịn, còn không thể đến thay! Huống là dùng chút công lao nhỏ này mà cầu được pháp chân thừa sao?

Thần Quang nghe quở, bèn lấy đao chặt cánh tay trái đưa lên trước mặt Tổ để tỏ lòng thiết tha cầu đạo.

Tổ biết đây là bậc pháp khí (người có ý chí mạnh mẽ, có khả năng tu đến thành công), bèn nói:

– Chư Phật lúc ban đầu cầu đạo, vì pháp quên thân. Nay ông chặt cánh tay để trước tôi, tâm cầu đạo như vậy cũng khá.

Thần Quang hỏi:

– Pháp ấn (pháp chân thực, không thay đổi, có chuẩn mực) của chư Phật con có thể được nghe chăng?

Sư nói:

– Pháp ấn của chư Phật không phải từ người khác mà được.

Thần Quang thưa:

– Nhưng tâm con không an, xin thầy dạy pháp an tâm.

Sư bảo:

– Đưa tâm đây, ta an cho.

Thần Quang thưa:

– Con tìm tâm không được.

Sư nói:

– Thế là ta đã an tâm cho ông rồi đó.

Thần Quang nhân câu nói này của Tổ liền nhận ra (ngộ) ý nghĩa. Tổ liền đổi tên lại là Huệ Khả.



Theo Truyền Đăng Lục ghi: Tổ Bồ Đề Đạt Ma có hai đệ tử tuy nhỏ mà tuấn tú (particularly brilliant) là Đạo Dục (Tao-yu) và Huệ Khả (Hui-k’o). Tổ đã dạy hai vị này bốn pháp đặc biệt:
1. Pháp An Tâm,
2. Pháp Phát Hạnh,
3. Pháp Thuận Vật, và
4. Pháp Phương Tiện.


Về An Tâm, Tổ dạy Bích quán. Ngưng lặng nhìn vách, không mình, không người, phàm thánh như một. Đó là an tâm.

Về Phát Hạnh, Tổ dạy Tứ hành.

Về Thuận Vật, Tổ dạy Phòng ngừa sự chê bai, gièm siểm.

Về Phương Tiện, Tổ dạy Đừng chấp trước.

Ngoài ra trong đoạn khác, Truyền Đăng Lục ghi thêm mẫu chuyên dạy đạo của Tổ với ngài Huệ Khả như sau:
Sư lúc đầu ở Thiếu Lâm Tự chín năm, vì Nhị Tổ nói pháp, chỉ dạy rằng:

Ngoài dứt các duyên,
Trong bặt nghĩ tưởng[1],
Tâm như tường vách,
Mới vào được Đạo.


Huệ Khả trình bày đủ mọi cách về tánh lý của tâm, nhưng lần nào sư cũng đáp “chẳng phải”, nhưng không nói gì về tâm thể vô niệm[2].

Một hôm, Huệ Khả đến gặp Tổ, nói:

– Con đã dứt hết các duyên bên ngoài rồi.

Tổ hỏi:

– Có đoạn diệt[3] không?

Khả đáp:

– Chẳng thành đoạn diệt.

Tổ hỏi:

– Lấy gì để tin chẳng phải là đoạn diệt?

Khả đáp:

– Con thường biết rõ ràng, còn nói thì không thể được.

Tổ đáp:

– Đó là chỗ bí quyết tâm truyền của chư Phật, ngươi chớ hồ nghi”.

Người kế thừa

Ni Tổng Trì: họ Tiêu, tên Minh Luyện, vốn là công chúa, con gái vua Lương Vũ Đế. Ni sư theo học với Tổ Đạt Ma cùng với Đạo Phó, Đạo Dục, và Huệ Khả.

Theo Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, sau khi ở chùa Thiếu Lâm gần chín năm, thấy cơ duyên đã đến gần, Tổ gọi môn nhân đến bảo:

– Ngày ta trở về sắp đến, các người thử trình lên chỗ sở đắc[4] của mình.

Đạo Phó thưa: Theo chỗ thấy của con, chẳng chấp văn tự, chẳng lìa văn tự, đây là dụng của Đạo.
Tổ ấn khả (Tổ ấn chứng, thừa nhận cho là được, hoặc là đúng): Ông được phần da của ta.
Bà ni Tổng Trì thưa: Nay chỗ hiểu của con, như Tổ A Nan thấy nước Phật A Súc[5] chỉ một lần, không thấy lại nữa.
Tổ ấn khả: Bà được phần thịt của ta.
Đạo Dục thưa: Bốn đại vốn không, năm ấm (uẩn) chẳng thật, chỗ thấy của con không có một pháp có thể được (khả đắc).
Tổ ấn khả: Ông được phần xương của ta.
Chót hết đến Huệ Khả, ngài bước ra đảnh lễ, rồi lui lại, đứng im.
Tổ nhìn hồi lâu, rồi ấn khả: Ông được phần tủy của ta.


Một hôm, Tổ gọi Huệ Khả đến bảo:

– Xưa Như Lai đem Đại Pháp Nhãn tạng trao cho Tổ Ca Diếp*, lần lượt truyền đến ta. Nay ta đem trao lại cho ngươi, ngươi phải truyền trao không để dứt mất. Cùng trao cho ngươi y tăng già lê và bát báu để làm pháp tín. Mỗi thứ tiêu biểu cho một việc, ngươi nên biết.

Huệ Khả thưa: Xin thầy từ bi chỉ dạy mọi việc.

Tổ dạy: Trong truyền tâm ấn để khế hợp chỗ tâm chứng, ngoài trao ca sa để định tông chỉ. Đời sau có nhiều người cạnh tranh nghi ngờ, họ sẽ nói: “Ta là người Ấn, ngươi là người Hoa, căn cứ vào đâu mà được pháp, lấy gì để minh chứng?” Ngươi gìn giữ pháp y này, nếu gặp tai nạn, ngươi đem ra làm biểu tín thì sự giáo hóa không bị trở ngại. Hai trăm năm sau khi ta diệt độ, y bát này dừng lại, không truyền vì lúc đó Phật pháp rất thạnh hành. Chính khi ấy người biết đạo thật nhiều, người hành đạo quá ít, người nói lý thì nhiều, người ngộ lý thì ít. Tuy nhiên, người thẩm thông lặng chứng có hơn ngàn vạn. Ngươi gắng xiển dương, chớ khinh người chưa ngộ. Nghe ta nói kệ:

Ta sang đến cõi này,
Truyền pháp cứu mê tình.
Một hoa nở năm cánh,
Nụ trái tự nhiên thành.


Tổ lại bảo: Ta có bộ kinh Lăng Già bốn quyển là Phật nói tột pháp yếu, cũng giúp cho chúng sanh mở, bày, ngộ, nhập kho tri kiến Phật[6]. Nay ta trao luôn cho ngươi. Ta từ Nam Ấn sang đây đã năm phen bị thuốc độc mà không chết, vì thấy xứ này tuy có khí Đại Thừa mà chưa ứng hợp nên ta lặng lẽ ngồi lâu chờ đợi. Nay đã truyền trao xong, đã có thủy, ắt phải có chung vậy.

Sau đó, Ngài cùng đồ chúng đi đến Võ Môn ở chùa Thiên Thanh. Ngài lưu lại đây ba hôm, rồi ngồi an nhiên thị tịch, vào ngày mùng 9 tháng 10 năm Bính Thìn (năm 529). Hơn hai tháng sau, đến ngày 18 tháng chạp chùa cử hành lễ đưa nhục thân của ngài nhập tháp tại chùa Định Lâm, núi Hùng Nhĩ.

Đời Đường Đại Tông, sư được ban thụy là Viên Giác Đại Sư. Sư được Thiền Tông Trung Quốc xem là Sơ Tổ Thiền Tông, tức Tổ thứ nhất của Thiền Tông Trung quốc.

(Tổng hợp các sách: The Zen Teaching of Bodhidharma, bản dịch của Red Pine, tr. ix-xiii; Sử 33 Vị Tổ Thiền Tông Ấn Hoa, của thiền Sư Thanh Từ, tr. 160-170; Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, của soạn giả H.T. Thích Thanh Kiểm; Essay in Zen Buddhism của Suzuki, tập I, tr. 20, 37, 86, 95, 107, 108, 169, 232, 365; Zen Training của Katsuki Sekida, tr. 36-37; Chan Insights and Oversights, tr. 129-135, của Bernard Faure; Zen Buddhism: A History, tr. 85-98).


GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ

1. Bất lập văn tự: Không dùng lời văn chữ viết. Đây là sự mô tả của Tổ Đạt Ma, nội dung nói lên phương tiện dụng công đến nơi cuối cùng là “ngoài lời” hay “không lời”. Điều này phù hợp với sự mô tả của đức Phật Thích Ca là sự thành đạo của đức Phật dựa trên “atakkāvacara”. Thiền tông mô tả nội dung đưa đến giác ngộ không có chữ nghĩa lời nói nào có thể dùng để chỉ dạy được; trái lại, phải từ nơi tâm tĩnh lặng của thầy truyền thẳng đến tâm tĩnh lặng của trò. Cho nên mở đầu thông điệp đặc sắc trên, Thiền Tông mới đưa ra mẫu “Bất lập văn tự” (the non-use of writing).

Sau này, trong Ngũ Đăng Hội Nguyên và Vô Môn Quan có ghi chép việc đức Phật truyền pháp môn tối hậu, không dựa vào văn tự, truyền riêng ngoài giáo cho ngài Đại Ca Diếp. Đó là chuyện tích “Niêm hoa vi tiếu trên hội Linh Sơn”. Nội dung ghi lại chuyện xảy ra trên núi Linh Thứu, đức Phật thăng tòa, đưa cành hoa lên trước đại chúng, rồi im lặng. Mọi người đều ngơ ngác, không hiểu ý Phật muốn nói điều gì. Cùng ngay khi đó, Tôn Giả Ca Diếp nhìn hoa, rồi mỉm cười. Đức Phật liền tuyên bố trước đại chúng: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, vi diệu pháp môn, không lập văn tự, nay phó chúc cho Đại Ca Diếp”. Chuyện này được ghi lại trong tác phẩm Liên Đăng Hội Yếu, do ngài Hội Ông Ngô Minh, một nhà Phật học thâm sâu, biên soạn vào năm 1220, hoặc 1227, tại Trung Hoa. Từ sau đó, tích Niêm Hoa Vi Tiếu được truyền sâu rộng trong giới tu thiền Á châu, gồm các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam.

Bộ sách Liên Đăng Hội Yếu gồm 30 quyển, nội dung ghi lại về sử của bảy vị cổ Phật, sử của Ngũ Gia Thiền tông, gồm năm tông phái Thiền – vốn là do pháp hệ Thiền từ Lục Tổ Huệ Năng truyền xuống – hoạt động sâu rộng tại các tỉnh thuộc miền nam Trung Quốc:

Quy Ngưỡng Tông, do đệ tử ngài Quy Sơn Linh Hựu (771-853) là Huệ Tịch (840-916) đến núi Ngưỡng Sơn (tỉnh Quảng Tây) thành lập thiền viện, xiển dương tông phong của thầy mình, lập ra tông Quy Ngưỡng.

b. Lâm Tế Tông, do ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền (?-867) thành lập.

c. Tào Động Tông, do hai ngài Động Sơn Lương Giới (807-869) và Tào Sơn Bổn Tịch (840-991) thành lập.

d. Vân Môn Tông, do ngài Vân Môn Văn Yến (864-949) thành lập.

e. Pháp Nhãn Tông, do ngài Pháp Nhãn Văn Ích (885-958) thành lập.

2. Giáo ngoại biệt truyền: Truyền ngoài giáo lý (Special transmission outside the teachings), tức không dựa vào văn tự ngữ ngôn trong kinh để truyền dạy người tu thực hành. Trái lại, chỉ thẳng vào tâm và tính, giúp người tu thiền có khả năng kinh nghiệm trạng thái tâm và tính đó như thế nào. Đây là pháp thiền của Tổ Đạt Ma. Về sau, giáo ngoại biệt truyền trở thành chủ trương của Tổ Sư Thiền, tức Thiền Tông.

Thiền Tông xếp phương thức tu tập của mình là “giáo ngoại”. Còn các tông phái khác là “giáo nội” vì dựa theo kinh, luật, luận để tu tập.

3. Trực chỉ nhân tâm: Chỉ thẳng tâm người (Pointing directly to the human’s mind).

4. Kiến tánh thành Phật: Thấy tánh thành Phật (Attainment of buddhahood by realizing or perceiving the true nature of the world phenomena). Nhận ra chân tánh hiện tượng thế gian gồm pháp giới tánh là tathatā và pháp tánh là idappacayatā (điều kiện tính riêng biệt) và những nguyên lý tương quan nhân quả trong thế giới hiện tượng. Thiền Tông chủ trương muốn thành Phật, thành Tổ, người tu thiền dùng trí huệ Bát Nhã để thấu suốt chân tánh của hiện tượng thế gian.

5. Tổ Sư Thiền: Pháp thiền do Sơ Tổ Đạt Ma truyền dạy tại chùa Thiếu Lâm, núi Tung Sơn (Trung Hoa), gồm tiến trình của bốn câu kệ nêu trên. Bốn kệ này mới thực sự chính là chủ trương của Tổ Sư Thiền mà bắt đầu là Tổ Đạt Ma.

Sau đó tiếp nối đến Lục Tổ Huệ Năng và những hệ thống thuộc dòng thiền của đệ tử Lục Tổ thiết lập, gọi là Ngũ Gia Thất Tông*. Đặc biệt, điểm trọng yếu của Tổ Sư Thiền mà chúng ta cần lưu ý gồm hai điểm:

Một là chỉ thẳng vào tâm người. Phần chỉ thẳng này lại không được áp dụng rộng rãi cho đại chúng mà chỉ có vị thầy sáng đạo, hay đã kiến tánh, nhận ra trong số đệ tử của mình có người học trò nào có căn cơ cao, có kinh nghiệm tu tập thiền định, có pháp khí đại thừa (quyết tâm tiếp tục độ sinh) mới trực tiếp truyền riêng cách nhận ra tâm người, thực sự là tâm gì trong số ba loại tâm: (1) tâm phàm phu, (2) tâm bậc thánh và (3) tâm Phật, tức tâm Tathā.

Hai là, khi người học trò đã nhận ra được bản tâm của mình, thực sự là tâm Phật rồi, vị thầy mới hướng dẫn tiếp cách thực hành để nhận ra chân tánh hiện tượng thế gian như Phật Thích Ca đã trải qua giai đoạn đó trong tuần lễ thứ năm.

Riêng phần Sơ Tổ Đạt Ma, ngài còn dạy thêm nhiều pháp cho đệ tử. Trong đó có pháp Nhị Nhập Tứ Hạnh được xem như phương tiện hướng dẫn đệ tử đến nơi kiến tánh.

Vào thế kỷ thứ IX, trong quyển Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự, thiền sư Tông Mật đã xếp thiền của Tổ Đạt Ma là Tối Thượng Thừa Thiền trong số năm loại thiền đương thời hoạt động tại Trung Hoa, gồm:

Ngoại Đạo Thiền: Người tu thiền thích cảnh giới trên, chán cảnh giới dưới.

Phàm Phu Thiền: Người tu thiền tin lý nhân quả một cách chân thật, nhưng cũng do tâm thích, chán mà tu tập.

Tiểu Thừa Thiền: Người tu thiền này chỉ ngộ lý ngã không.

Đại Thừa Thiền: Người tu thiền này chỉ ngộ lý ngã không, pháp không.

Tối Thượng Thừa Thiền: Người tu thiền này đốn ngộ tâm mình vốn xưa nay thanh tịnh, vốn không phiền não, vốn đầy đủ trí tính vô lậu, tâm này là Phật, rốt ráo không khác; nương theo đó mà tu, gọi là Tối Thượng Thừa Thiền. Tối Thượng Thừa Thiền này là cội gốc của tất cả pháp thiền khác. Nó là do môn đệ của Tổ Đạt Ma truyền nối. Nếu có thể tu tập dần dần thì chứng được trăm nghìn tam muội.

Ngài kết luận, Thiền do ngài Đạt Ma truyền chính là Tối Thượng Thừa Thiền, cũng gọi là Như Lai Thanh Tịnh Thiền (gọi tắt: Như Lai Thiền) hay gọi là Nhất Hạnh Tam Muội (Ekavyūha-Samādhi), hoặc Chân Như Tam Muội (Tathatā-Samādhi).

Trong lịch sử Thiền Tông Trung quốc, qua lối nhận định trên của ngài Tông Mật về thiền truyền lại cho đệ tử, chúng ta thấy ngài Tông Mật là một thiền sư thật sự trình bày đầy đủ và rốt ráo thiền của Tổ Đạt Ma. Nhưng vì ngài đặt nặng thiền và giáo cần đi đôi hay thành một, và đặt nặng về tu Chân Như Định, xem đó là Tam muội vương căn bản mà Phật đã qua đó mà thành đạo, trở thành vị Phật lịch sử, nên bị một số tông phái thiền khác xem Như Lai Thanh Tịnh Thiền không phải là Tổ Sư Thiền. Thứ nhất là đặt nặng giáo nội, chớ không nhắm đến giáo ngoại. Thứ hai là ngài Tông Mật xem Nhất Hạnh Tam Muội hay Chân Như Tam Muội là phương tiện tối hậu của Như Lai Thiền. Trong lúc đó, giữa thế kỷ thứ IX, thiền hét, đánh... lại bắt đầu thịnh hành. Trong đó, nổi bật nhất là thiền do ngài Lâm Tế (?-867) hướng dẫn bằng tiếng hét. Còn ngài Đức Sơn (782-865) thì dùng gậy để khai ngộ người học. Từ hai lý do này Thiền của Tổ Đạt Ma phải bị mai một tại Trung Hoa.

Đến thế kỷ thứ X, người đầu tiên dùng từ “Tổ Sư Thiền” có lẽ bắt đầu từ ngài Quy Sơn và người được ghi lại về từ “Tổ Sư Thiền” là ngài Ngưỡng Sơn Huệ Tịch, học trò ngài Quy Sơn.

Dưới đây chúng tôi trích dẫn một đoạn ngắn trong việc xác định Tổ Sư Thiền của ngài Huệ Tịch đối với ngài Hương Nghiêm Trí Nhàn.

Hương Nghiêm Trí Nhàn: Hsiang Yen (802-898). Thọ 96 tuổi. Đệ tử ngài Quy Sơn.

Sư quê ở Thanh Châu, chán tục, xuất gia, đi tham vấn các nơi để học Thiền. Sư trụ lại tại thiền viện ở núi Quy. Thiền sư Quy Sơn nhận ra sư có khả năng trở thành một nhà học Phật cỡ lớn, và cố ý làm cho sư tỉnh ngộ. Một hôm, Quy Sơn bảo:

– Ta nghe ngươi hồi ở chỗ tiên sư Bá Trượng, ngươi có khả năng hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp trăm. Điều này có thể được vì ngươi thông minh lanh lợi, và do sức hiểu và suy nghĩ của ngươi; nhưng tất cả điều này là cội gốc của sanh tử. Giờ đây thử nói một câu khi cha mẹ chưa sanh xem? Bản lai của ngươi là gì trước khi cha mẹ sanh?

Sư bị câu hỏi này làm mờ mịt, không đáp được. Trở về liêu, sư soạn hết sách vở đã học qua, tìm một câu đáp, trọn không thể có. Sư than:

– Bánh vẽ chẳng no bụng đói.

Sư đến cầu Quy Sơn nói phải cho sư biết rõ. Quy Sơn bảo:

– Nếu ta nói cho ngươi, về sau ngươi sẽ chửi ta; ta nói là việc của ta, đâu can hệ gì đến ngươi.

Sư bèn đem những sách vở đã thu thập được, đốt hết. Sư nói:

– Đời này chẳng học Phật pháp nữa, chỉ làm tăng thường, làm việc cơm cháo, khỏi nhọc tâm thần.

Sư khóc, từ giã Quy Sơn, ra đi. Thẳng đến Nam Dương, chỗ ngôi mộ của quốc sư Huệ Trung, sư trụ tại đây.

Một hôm, nhân giẫy cỏ, sư lượm hòn gạch, ném trúng cây tre, vang lên tiếng kêu. Ngay đó, sư liền tỉnh ngộ, phá lên cười. Sư trở về am, tắm gội, thắp hương, nhắm hướng núi Quy, đảnh lễ, tán thán ngài:

– Hòa Thượng từ bi, ơn hơn cha mẹ. Nếu ngày đó nói hết cho con thì sao có việc này xảy ra?

Sau đó sư làm một bài tụng:

“Tiếng dội lùm tre quên sở tri
Có gì đối trị giả tu trì
Đổi thay thần sắc nêu đường cổ
Nếp cũ tiêu điều chẳng trệ si
Chốn chốn dạo qua không dấu vết
Sắc thanh nào nhiễm được uy nghi
Mười phương đạt giả đều như vậy
Tối thượng là đây hết nói gì”.

Quy Sơn nghe được, nói với Ngưỡng Sơn:

– Kẻ này đã ngộ.

Ngưỡng Sơn thưa:

– Điều này có lẽ máy tâm trí trước thuật được, hoặc kết quả của quán tính đọc và viết làm ra. Xin đợi con đến dò xét mới chắc.

Sau đó, Ngưỡng Sơn đến thăm Trí Nhàn, bảo:

– Hòa Thượng khen ngợi sư đệ đã phát minh đại sự. Thử nói về điều đó xem.

Trí Nhàn ngâm bài tụng trước cho Ngưỡng Sơn nghe. Ngưỡng Sơn bảo:

– Đó là do trước kia học tập ghi nhớ mà thành; nếu thật chánh ngộ, hãy làm bài tụng khác.

Trí Nhàn nói tụng:

– “Năm xưa nghèo chưa thật nghèo
Năm nay nghèo mới thật nghèo
Năm xưa nghèo vẫn còn có đất cắm dùi
Năm nay nghèo, dùi cũng không”.

Ngưỡng Sơn bảo:

– Sư đệ ngộ Như Lai Thiền, mà chưa ngộ Tổ Sư Thiền.

Trí Nhàn ngâm bài tụng khác:

– “Ta có một cơ
Chớp mắt chỉ y
Nếu người chẳng hội
Riêng gọi Sa di”.

Ngưỡng Sơn trở về, thưa lại Quy Sơn:

- Con mừng sư đệ Trí Nhàn đã ngộ Tổ Sư Thiền.

Từ chỗ ngộ đạo này, về sau sư dạy lại kinh nghiệm của sư cho đại chúng:

– Đạo do ngộ từ nội tâm mình mà được, chứ chẳng tại ngữ ngôn. Hãy nhìn vào cái vô hình và vô biên. Ngươi có tìm thấy tình trạng gián đoạn nào ở đó không? Sao ngươi lại có thể nhọc tâm trí để đến đó? Nó chỉ là hồi quang phản chiếu và đó là toàn bộ công việc hằng ngày của ngươi. Chỉ có những kẻ mê, thì đi trái hướng.

* * *

6. Tống Vân: Sứ thần vua Hiếu Minh Đế (Bắc Ngụy), năm 518, từ Lạc Dương, sư cùng với hai vị sư khác là Pháp Lực và Huệ Sinh vâng mệnh vua đi truyền bá Phật pháp tại nhiều nơi ngoài nước Tàu, quen gọi là Tây Vực. Hai năm sau (năm 520), sư đến Ấn Độ, chiêm bái Phật tích tại Bồ Đề đạo tràng và những nơi khác. Tại Ấn Độ, sư đã thỉnh được 170 bộ kinh Đại Thừa (bằng tiếng Sanskrit). Tháng 2 năm 522 hoặc 523, sư trở lại Lạc Dương. Trên đường về, sư soạn quyển “Tống Vân Hành Ký”. Trong quyển sách này không có ghi chuyện tích Tống Vân gặp Tổ Đạt Ma tại Thông Lãnh như Cảnh Đức Truyền Đăng Lục đã ghi. Do đó, nhiều sử gia đã cho rằng chuyện tích Tống Vân gặp Tổ Đạt Ma là hư cấu.

7. Khuê Phong Tông Mật (780-841): Thiền sư Trung Hoa, hiệu Định Tuệ thiền sư, Tổ thứ năm của Tông Hoa Nghiêm, sống vào đời Đường, họ Hà, quê ở Quí Châu, hiện nay là huyện Tây Sung, tỉnh Tứ Xuyên. Năm 807, trên đường đến kinh đô để dự thi, khi đến Toại Châu, nhân duyên đúng lúc, sư bỏ ý nguyện thi cử để ra làm quan mà xin xuất gia làm tăng với thiền sư Đạo Viên, sau khi sư nghe Hòa Thượng giảng pháp.

Về Pháp hệ, sư thuộc đời thứ bốn của dòng thiền Hà Trạch Thần Hội (668-760):

a. Pháp Như,
b. Duy Trung hoặc Nam Ấn,
c. Đạo Viên,
d. Tông Mật.

Là đệ tử đời thứ tư của ngài Thần Hội, ngài Tông Mật dùng yếu chỉ của ngài Thần Hội để đại biểu cho Thiền học thời bấy giờ (cuối đời Đường), kết hợp với Giáo lý Hoa Nghiêm, chủ trương Thiền Giáo Đồng Hành.

Yếu chỉ dạy thiền của ngài Thần Hội: “Một chữ biết” (Tri). Ngài giải thích: tri tức linh tri, là cái tâm rỗng lặng do Tổ Đạt Ma truyền thụ. Vì mê nên mất linh tri, nên khởi ngã tướng, vọng chấp “có ta, của ta”, nhận các đối tượng khách quan bên ngoài là sở hữu của ta, nên bị vướng mắc trong thế giới đối đãi tự-tha (mình-người), thiện ác. Nếu liễu ngộ cái linh tri tịch diệt thì bi trí thêm sáng, tội ác đoạn trừ, công hạnh tự nhiên tinh tiến.

8. Tâm ấn: Thuật ngữ của Thiền Tông. Thiền Tông chủ trương: chữ viết (văn tự) và lời nói (ngôn ngữ) là hai phương tiện tuy rất hữu ích trên phương diện truyền thông, nhưng cả hai không thể giúp ta hiểu thấu được trạng thái tâm, tức pháp tự nội chứng của Phật như thế nào. Đó là trạng thái Như (Tathā). Thiền Tông dùng trạng thái Như mà Phật tự nội chứng gọi là Phật tâm. Ấn chỉ cho chân lý do Phật chứng ngộ, được Tổ dùng để chỉ như dấu ấn mà trong thế gian dùng; quyết định không thay đổi.

9. Thất Tông: Bảy tông. Ngoài Ngũ tông đã nêu, trong đó có hai tông, vốn từ tông Lâm Tế hình thành:

a) Dương Kỳ Phương Hội (996-1049). Tổ khai sáng thiền phái Dương Kỳ, một trong Ngũ Gia Thất Tông. Đệ tử nối pháp của ngài Thạch Sương Sở Viên (986-1039).

b) Hoàng Long Tuệ Nam (1002-1069). Tổ khai sáng thiền phái Hoàng Long. Đệ tử nối pháp cuả ngài Thạch Sương Sở Viên.

Pháp Thiền của Tổ

Luận Nhị nhập Tứ Hạnh (the Treatise of Two Entrances and Four Deeds/Practices). (Tư liệu này đào lên được tại động Đôn Hoàng, hiện được tàng trữ tại bảo tàng viện Luân đôn, Anh quốc). Đây là Luận của Tổ Đạt Ma trình bày yếu chỉ tu thiền mà Tổ đã dạy đệ tử tại chùa Thiếu Lâm.

NHỊ NHẬP gồm hai phần vào Đạo: Lý nhập và Hành nhập. Cả hai cần kết hợp. Lý là lý luận. Hành là thực hành lời dạy của Phật trong kinh, gọi là giáo. Đạo là chân lý tối hậu. Nó ngoài lời, nhưng mượn lời để dẫn đến Đạo.

i. Lý Nhập. Trọng tâm phần này Tổ dạy đại ý như sau:

Nhờ vào giáo nghĩa của kinh mà ngộ được tâm tông. Tin sâu rằng tất cả chúng sinh (all living beings) từ phàm đến thánh đều có cùng chân tánh (the same true nature), nhưng vì do khách trần phiền não ngăn che, nên không hiển lộ được. Nếu có thể bỏ vọng về chân, lắng tâm quán xét, không thấy có mình, có người, phàm thánh đồng nhất, kiên cố không dời đổi, không theo ngôn giáo, văn tự; như vậy, tức thầm hợp với chân lý, không còn phân biệt, vắng lặng vô vi, gọi là lý nhập.

Tổ dạy:

Nhiều đường dẫn đến Đạo, nhưng cơ bản chỉ có Lý (reason) và Hành (practice). Vào bằng lý có nghĩa ngộ (realize) cốt tùy của Đạo qua giáo (instruction) và tin rằng tất cả chúng sanh đều có cùng chân tánh (true nature). Nhưng chân tánh này nó chưa hiển lộ (apparent) vì nó bị che lấp (shrouded) bởi vọng tình (sensation and delusion). Người nào chuyển mê (delusion) đến thực tại, ai bích quán (meditate on walls), mất (the absence of) ngã (self) và ngã sở (other)... và ai duy trì trạng thái bất động kể cả do kinh được đầy đủ và không nói một lời với lý, tâm không động, không cố gắng, họ vào, ta nói do Lý.

ii. Hành Nhập. Vào do hành chỉ cho bốn cách thực hành (Tứ hành):

Báo oan hành (the Deed of Retribution of Evil)
Nội dung phần này, Tổ dạy: Người tu hành, khi tu, nếu gặp điều oan ức, nghịch cảnh, khổ nạn thì nên xem đó là quả báo của ác nghiệp mà mình đã tạo ra trong kiếp trước hay thời gian trước đó, nay tuy đã xuất gia tu rồi, không tạo ác nghiệp nữa mà bỗng dưng chịu nhiều điều oan ức, nên biết đó là quả báo, nên kham nhẫn chịu đựng, chớ phàn nàn, chớ kêu oan. Khi tâm kham nhẫn chịu đựng được những oan ức đó thì phù hợp với lý, hóa giải được oan nghiệt, vững tiến trên đường đạo. Đó gọi là báo oan hành.

Tùy duyên hạnh (the Deed of Dependence upon Causation)
Chúng sinh vô ngã, sống trên đời đều do nghiệp chuyển, khổ vui cùng chịu, đều từ duyên sinh. Nếu được quả báo thù thắng, vinh dự đều do nhân đời trước mang lại. Khi duyên hết thì hoàn không. Được mất tùy duyên, tâm không thêm bớt, gió vui chẳng động; ngầm thuận với Đạo. Đó là tùy duyên hạnh.

Vô sở cầu hạnh (the Deed of Non-seeking)
Kinh nói: “Cầu là khổ. Cầu không có gì là vui”. Khi ngươi cầu không có gì, ngươi trên Đạo. Người đời mê đắm, luôn luôn dính mắc với tham, gọi là Cầu. Người trí hiểu lý chân thực an tâm vô vi, nhận ra rằng vạn pháp thực sự đều không (all things are essentially empty: śūnya). Vì vậy, khi đã phát tâm tu thì không mong cầu tất cả thú vui, danh tiếng, lợi lộc thế gian. Chỉ có một lòng trên đạt được giác ngộ dưới giáo hóa chúng sinh, chứ không mong cầu gì khác nữa. Đó gọi là Vô sở cầu hạnh.

Xứng pháp hành (the Deed of Accordance with the Dharma)
Lý tính thanh tịnh gọi là Pháp. Xứng pháp hành là thực hành đúng pháp. Pháp này là không có các tướng, không nhiễm, không dính, chủ thể và khách thể đều không hiện hữu. Kinh nói: “Pháp gồm phi hữu vì nó thoát ra khỏi bất tịnh của hữu, và pháp vô ngã vì nó thoát ra khỏi bất tịnh của ngã”. Người trí tin hiểu lý này nên thực hành đúng.

Hòa Thượng Thích Thông Triệt

__________________________

[1] Về câu này, trong quyển Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự, ngài Khuê Phong Tông Mật ghi là “Ngoài dứt các duyên, trong tâm không thở, tâm như tường vách, mới vào được Đạo”.

[2] Tâm thể vô niệm = bản thể vô niệm của tâm = tâm như = nhận thức biết không lời.

[3] đoạn diệt = trơ trơ không biết gì.

[4] Sở đắc của mình = điều mà mình đã được.

[5] Phật A Súc = Akṣobhya Buddha = Bất động Phật, hay Vô Sân Phật; tên của vị Phật trong Tông Tịnh độ và Mật tông, gọi đủ là A Súc Bệ Phật. Tên vị Phật này được thấy ghi trong kinh A Súc Phật Quốc Kinh (Akṣobhya-tathāgatasya); hiện nay không còn lưu hành.

[6] Tri kiến Phật = trí Phật = Buddha-Jñāna = Buddha’s knowledge = Nhất thiết trí. Khi kinh Pháp Hoa đề cập tri kiến Phật, thuật ngữ này là tri kiến của Như lai (Tathāgatajñāna-darśana) = Đây là sự thấy biết của Như Lai về pháp giới tánh và pháp tánh. Đại ý của kinh muốn nêu lên: Phật xuất hiện ở đời vì đại sự nhân duyên là muốn giúp cho chúng sinh khai mở tri kiến Phật; chỉ bày cho chúng sinh thấy tri kiến Phật; ngộ được tri kiến Phật, và sau cùng là giúp cho chúng sinh nhập vào tri kiến Phật.
Được cảm ơn bởi: Tudotutronghanhphuc
Đầu trang

K54
Nhất đẳng
Nhất đẳng
Bài viết: 157
Tham gia: 18:06, 28/08/22

Re: 5. THIỀN ÐỊNH

Gửi bài gửi bởi K54 »

Các tổ thiền tông tu sai pháp, chỉ đưa đến ảo tưởng, hý luận. gieo rắc thiền tông là hại phật tử, hại những người đi tìm giải thoát. KMD hãy dừng lại thôi
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1721
Tham gia: 11:03, 25/04/14

5. THIỀN ÐỊNH

Gửi bài gửi bởi KMD »

GIÓ ĐỘNG, PHƯỚN ĐỘNG HAY TÂM ĐỘNG

Tổ Huệ Năng sau một thời gian ở ẩn, sống cùng đám thợ săn, một hôm thấy thời cơ đã đến, Ngài bèn tìm đến chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu, gặp lúc Pháp sư Ấn Tông đang giảng kinh Niết bàn.

Khi ấy gió thổi, lá phướn lay động. Một vị tăng nói gió động, vị kia nói phướn động, cãi nhau mãi không thôi.

Ngài tiến tới bảo “Không phải gió động, không phải phướn động, tâm các ông động”.

Đại chúng nghe vậy đều vô cùng ngạc nhiên, đến nỗi Pháp sư phải ngừng giảng, mời Ngài lên chiếu gạn hỏi áo nghĩa Phật pháp. Ấn Tông nghe xong hoan hỷ chắp tay thưa: “Tôi giảng kinh ví như ngói gạch, nhân giả luận nghĩa ví như vàng ròng”. Sau đó Pháp sư cạo tóc cho Tổ Huệ Năng và thờ ngài làm Thầy.

~ Kinh Pháp Bảo Đàn
Đầu trang

Trả lời bài viết

Quay về “Phong tục - Tín ngưỡng”