Những câu phú Tử Vi ứng nghiệm thế nào?

Chia sẻ các loại tài liệu, sách, phần mềm
Trả lời bài viết
succinum
Nhị đẳng
Nhị đẳng
Bài viết: 459
Tham gia: 17:21, 08/05/12

Những câu phú Tử Vi ứng nghiệm thế nào?

Gửi bài gửi bởi succinum »

[TẠP CHÍ KHHB RA NGÀY 18/02/1973]
TẠP GHI TỬ VI

NHỮNG CÂU PHÚ TỬ VI ỨNG NGHIỆM THẾ NÀO?
• Đẩu quân ở Tử Tức
• Nhật Nguyệt đồng minh Sửu Mùi
• Khôi Việt phùng Không
(Phong Nguyên)
Xin chớ lầm vì một số những câu phú, dù là những câu phú đã “nổi tiếng” như:
• Đẩu quân ở Tử Tức cung
Đến già không thấy tay bồng con thơ.
• Mấy người bất hiển công danh
Bởi vì Nhật, Nguyệt đồng minh Sửu, Mùi
• Chỉ hiềm Khôi, Việt phùng Không.

Ông Phong Nguyên kể mấy câu chuyện lý thú về những cách đó để tặng quý bạn.

1) Đẩu Quân ở cung Tử Tức.
Tất cả những ai đã biết về Tử Vi, dù chưa giỏi, cũng đều biết câu phú
Đẩu Quân kỵ Tử Tức cung
Đến già chẳng thấy tay bồng con thơ.

Cũng chỉ vì câu phú này mà tôi đã bị một người bạn chê trách và giận tôi khá lâu. Tôi còn nhớ rõ hồi anh bạn tôi mới lấy vợ có nhờ tôi coi số Tử Vi cho cả hai vợ chồng để xem tương lai có tốt đẹp không, nhất là về phương diện con cái vì anh bạn tôi rất chú trọng đến vấn đề nối dõi. Trong phần này tôi chỉ nói đến cung Tử Tức. Qua lá số của anh, tôi thấy cung Tử Tức có Cô Quả, Riêu Hình Kỵ, Kình Đà Linh, còn lá số của vợ anh có Đẩu Quân, Cự, Kỵ…. ở cung Tử Tức. Sau một phút đắn đo, tôi đi tới kết luận là số anh rất hiếm con, nếu không muốn nói là tuyệt tự. Anh ta thất sắc và hỏi gặng lại xem có đúng thế không. Hồi đó tôi mới biết sơ về Tử Vi nên chỉ biết căn cứ vào mấy cuốn sách thông thường (như cuốn Tử Vi Lập thành của Nguyễn Phúc Ấm chẳng hạn), và do đó tôi liền mở một cuốn ra cho anh ta coi về đoạn nói về câu phú kể trên để xác định lời quyết đoán của mình. Vì thấy sách nói rõ như vậy nên anh ta đành phải tin và vẻ mặt trông thẫn thờ, thật tội nghiệp…
Cách độ mười năm sau, tình cờ tôi gặp lại anh bạn tôi và xem ý anh ta không niềm nở mấy trong khi tôi tay bắt mặt mừng. Nhưng chỉ một phút sau là tôi hiểu lý do, vì anh ta có “mạt sát” tôi liền về lời giải đoán của tôi hồi trước và cho biết rằng anh đã có hai con trai khôi ngô đĩnh ngộ. Anh còn nói thêm là nếu không kiêng cữ thì có lẽ lúc anh gặp tôi ít ra anh cũng có năm sáu con rồi. Bị trách móc nặng nề như vậy tôi rất lúng túng và chỉ còn biết thú tội là tôi đâu có rành về Tử vi mà tin quá vậy, nhưng anh lại trách thêm là nếu không có khả năng thì đoán làm chi. Sau khi nói chuyện với nhau một cách bình thường tôi bèn bảo anh ta đưa lại hai lá số của anh và vợ xem tại sao lại có sự sai lầm nặng nề như vậy, không lẽ giờ sanh của hai người cùng sai. Vừa mới nhìn sơ qua lá số của vợ anh tôi giật mình là hồi trước mình chỉ biết một mà chẳng biết hai, cứ áp dụng câu phú “Đẩu Quân kỵ Tử Tức cung…” một cách máy móc. Vì thực ra, bất cứ ai đã theo dõi, chú trọng đến các câu chú đều biết câu:
“Hiếm hoi gặp được Thiên Hình
Cát tinh trước cửa lại sinh quý hòe”

Câu này cũng không phải là câu xa lạ gì lắm vì tôi có được đọc trong một hai cuốn sách Tử vi đã xuất bản nhưng những người mới học Tử Vi có lẽ không thể hiểu rõ nổi câu này.
Hai chữ “hiếm hoi” ứng vào sao Đẩu Quân (vì sao này nếu không có Thiên Hình thì hiếm thật) và khi đã có Thiên Hình đồng cung (tam hợp không ứng nghiệm) mà lại được tam phương có cát tinh củng chiếu (như Quang Quý, Long Phượng, Thai Tọa, Nhật Nguyệt thành bộ) thì nhất định là vẫn sinh nhiều con như thường, không những thế, con cái lại thành danh (quý hòa). Đây chính là trường hợp lá số của vợ bạn tôi, do đó, lời giải đoán hổi trước của tôi sai lầm một trăm phần trăm rồi. Tuy nhiên về cung Tử Tức của anh và vợ anh vẫn có điểm khác đúng vì các sao Cô Quả Kình Đà Linh Kỵ nếu nói theo một cách thực thế thì thường chủ về vấn đề kiêng cữ sinh đẻ hữu hiệu (bởi thế mình đừng nên nói là mình có thể cải được số bằng cách kiêng cữ, vì nếu không có sao tiết chế thì còn lâu mới chống lại được số), do đó anh ta mới chỉ có sanh 2 con thôi, còn lá số của người vợ có Cự Kỵ Hình nên con anh ta có đứa chết hụt về nước và còn bị té gẫy tay nay đã lành, một đứa bị té muốn nứt đầu…
Cũng về sao Đẩu Quân ở cung Tử Tức, có vị (cụ Song An Đỗ Văn Lưu) lại nói với tôi rằng câu phú đầu tiên phải đọc là
Đẩu Quân kỵ Tử Tức cung
Đến già còn thấy tay bồng con thơ

(Tức là chữ “còn” thay cho chữ “chẳng”)
Vì cụ cho rằng người nào cung Tử Tức có cách đó thì sanh con trễ chứ không hiếm, nếu không sẽ sinh nhiều và tới già còn sanh nữa. Tôi đã chiêm nghiệm nhiều lần thì thấy nhận định của cụ Song An không đúng chút nào. Có nhiều người cung Tử Tức có rất nhiều sao tốt, chỉ vì bị sao Đẩu Quân mà không có Thiên Hình nên không có người con nào, hoặc cùng lắm thì chỉ có một hai người con gái (thường theo Tử Vi ít ai tính tới con gái). Tuy nhiên, quý bạn cũng nên chiêm nghiệm xem ý kiến của cụ Song An có đúng trong trường hợp nào không?
Vì bị sai lầm nặng nề như trên cho nên tôi ít khi thích trưng câu phú ra để thuyết phục những người coi, chỉ sợ rằng lại có những câu khác “chế hóa” lại mà mình không được biết chăng.


2) Nhật Nguyệt đồng minh Sửu Mùi
Nếu có người cho rằng Nhật Nguyệt đồng cung tại Sửu hoặc Mùi thì công thành danh toại, chắc chắn quý bạn nghĩ là trái hẳn với câu phú:
Mấy người bất hiển công danh
Bởi vì Nhật, Nguyệt đồng minh Sửu Mùi

(có sách ghi là “đồng tranh”)
Đây không phải là ý kiến của tôi mà chính là của một người có căn bản về Tử Vi hiện đang sống tại Sài Gòn (mà tôi xin giấu tên). Vị đó có nêu ra câu:
Nhật Nguyệt đồng minh Sửu Mùi, công danh phỉ hiển
(xin ấn công (người in báo) nhớ để dấu hỏi trên chữ “PHỈ” để khỏi hiểu lầm) để chứng minh và bảo rằng chữ “PHỈ” có nghĩa là được thỏa mãn, đầy đủ, nhưng vì bị lầm với chữ “phi” (không có dấu) có nghĩa là không (như trong chữ phi nghĩa, phi dân tộc…) cho nên mới có người đặt ra là “bất hiển” vì chữ “bất” cũng có nghĩa giống như chữ “phi”.
Về phần tôi, tuy nhận thấy ý kiến của vị đó rất hợp lý nhưng tôi nghiệm thấy không ứng vào trường hợp nào cả vì tình cờ trong số bạn bè và cả trong gia đình, họ hàng của tôi có rất nhiều người có cách Nhật Nguyệt đồng minh Sửu Mùi mà chẳng có ai làm nên gì hết. Tôi nghĩ rằng có lẽ câu “phỉ hiển” chỉ ứng nghiệm khi Nhật Nguyệt ở cung xung chiếu, nghĩa là khi mệnh vô chính diệu tại Sửu có Nhật Nguyệt đồng cung tại Mùi hoặc ngược lại, nhất là đối vơi tuổi Bính Tân. Tôi xin ghi nơi đây câu phú liên hệ để quý bạn tiện đối chiếu:
“Nhật Nguyệt đồng cung Sửu, Mệnh an Mùi,
Bính Tân nhân cát hầu bá chi tài”

Bởi vậy, nói chung quý bạn cần lấy nhiều lá số và theo dõi, kiểm chứng thì mới mau giỏi về Tử Vi chứ nhiều khi có căn bản vững mà không có kinh nghiệm thì vẫn đoán sai trật như thường, và điều quan trọng bao giờ cũng vẫn là vấn đề giải đoán chính xác.


3) Chỉ hiềm Khôi Việt phùng Không
Tôi có thể nói rằng chỉ vì câu “Khôi Việt phùng Không” mà tôi đã đem hết tâm trí vào việc nghiên cứu khoa Tử Vi. Tôi hãy còn nhớ rõ hồi tôi còn ít tuổi tôi cùng với một người bạn thân đi coi một thầy Tử Vi già ở ngoài Bắc về phương diện học vấn. Tôi ngồi nghe thầy đó đoán cho anh bạn tôi, còn tôi không coi vì hồi đó tôi không tin về khoa tướng số, tử vi. Sau chừng một phút bấm Tử Vi trên bàn tay (vì thiếu thị giác) thầy đó chép miệng cho anh bạn tôi hay rằng anh ta khó có thể học được tới đích cao khoa và kỳ thì sắp tới bị trục trặc nhưng không rớt. Vì hồi đó tôi chưa biết gì về Tử Vi nên tôi chỉ nhớ sơ qua thầy ấy nói rằng mạng anh bạn tôi thiếu văn tinh (tức là Xương Khúc, Khôi Việt, Hóa Khoa, v.v…) mà đại hạn tuy có Khôi Việt nhưng lại ngộ Thiên Không và xung chiếu có Triệt trong khi tiểu hạn lại trùng phùng với đại hạn. Rồi cuối cùng thầy đó cứ nhắc đi nhắc lại câu “chỉ hiềm Khôi Việt phùng Không” để đi đến kết luận như trên.
Một tháng sau, anh bạn tôi đi thi trung học đệ nhất cấp (hồi đó quen gọi là “diplôme”) với tinh thần hơi xáo trộn vì bị ám ảnh bởi lời giải đoán của thầy Tử Vi đó. Nhưng rồi anh ta làm bài vở rất ngon lành và đã đậu kỳ thi viết khiến anh ra rất đỗi vui mừng và nghĩ là thầy đó đoán trật. Đến khi thi vấn đáp anh ta không còn lo âu nữa và trong thâm tâm rất lạc quan, nhưng không ngờ anh ta lại rớt chỉ vì một môn chính bị số không. Lúc đó tôi mới khâm phục thầy Tử vi đó và mới bắt đầu quan tâm đến khoa lý số.
Bây giờ, sau khi đã có chút vốn liếng về Tử vi, tôi lập lại lá số của anh bạn tôi (mà tôi còn giữ ngày giờ sanh để chiêm nghiệm) thì thấy rằng khía cạnh đó cũng không có gì khó đoán. Sở dĩ anh bạn tôi chỉ bị trục trặc về kỳ thi vấn đáp (sau anh đậu kỳ nhì) vì Thiên Không tuy cũng ứng vào câu phú, tức là hại cho Khôi Việt, nhưng không ngăn trở mạnh bằng Triệt, Tuần, hơn nữa mạng anh bạn tôi là Hỏa tương hợp với Thiên Không là hỏa nên không bị trở ngại mạnh mẽ, cho nên tuy rớt kỳ nhất nhưng đậu kỳ nhì. Anh ta bị phá ngang vì mệnh thiếu sao văn học, chứ không do đại hạn bị Thiên Không. Tôi còn cần nói thêm là trong đại hạn này còn có Song Hỉ, Cáo-Phụ, Quan Phúc, Đào Hồng là những sao chủ về may mắn, thành công, công danh nhẹ bước, như thế làm gì mà bị cản trở mạnh.
Ngoài ra, tôi cũng còn cần lưu ý quý bạn về một điểm chung là không phải trường hợp nào Khôi Việt cũng sợ Tuần, Triệt, Thiên Không. Nếu Khôi Việt ở chỗ hãm địa như Sửu chẳng hạn) thì lại rất cần gặp Không thì mới thành đạt về khoa cử được. Tôi đã chiêm nghiệm thấy rất đúng vì tôi có vài người bạn đã đậu rất cao ở ngoại quốc nhờ có Khôi Việt ngộ Triệt ngay tại Mệnh.
Được cảm ơn bởi: huonggiang86, kimthoa_0412, MrLucky
Đầu trang

tranhuy_hth
Mới gia nhập
Mới gia nhập
Bài viết: 6
Tham gia: 21:04, 17/08/12

TL: Những câu phú Tử Vi ứng nghiệm thế nào?

Gửi bài gửi bởi tranhuy_hth »

Bác ơi, "phi" hay "phỉ" thì em không rõ nhưng đồng "tranh" khác với đồng "chiếu" chứ.
Đầu trang

hoahuongduong1
Tam đẳng
Tam đẳng
Bài viết: 571
Tham gia: 00:11, 21/04/13

TL: Những câu phú Tử Vi ứng nghiệm thế nào?

Gửi bài gửi bởi hoahuongduong1 »

Vậy có phải mình không có con huhu
Hình ảnh
Đầu trang

hoahuongduong1
Tam đẳng
Tam đẳng
Bài viết: 571
Tham gia: 00:11, 21/04/13

TL: Những câu phú Tử Vi ứng nghiệm thế nào?

Gửi bài gửi bởi hoahuongduong1 »

Đầu trang

thatsat275
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1739
Tham gia: 11:10, 15/08/16

Re: TL: Những câu phú Tử Vi ứng nghiệm thế nào?

Gửi bài gửi bởi thatsat275 »

hoahuongduong1 đã viết: 23:29, 02/04/14 Vậy có phải mình không có con huhu
Hình ảnh
Cung tử tức này theo tôi là đẹp.
Đầu trang

Trả lời bài viết

Quay về “Thư viện”