Hiểu đúng về việc “của đi thay người” ( nguồn : phatgiao.org.vn)

Hỏi đáp, luận giải về tử vi
Trả lời bài viết
Hình đại diện của thành viên
thanhthanh2013
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1320
Tham gia: 19:01, 05/07/13

Hiểu đúng về việc “của đi thay người” ( nguồn : phatgiao.org.vn)

Gửi bài gửi bởi thanhthanh2013 »

Cuộc sống luôn công bằng, cho bạn cái này thì sẽ lấy đi cái khác. Vừa có may mắn thì lại sẽ có vận xui rủi. Không sao cả, chúng ta cứ bình thản đối mặt và tìm cách giải quyết nó dù mọi chuyện thế nào. Chỉ khi bạn thật sự thông suốt vấn đề, mọi chuyện mới trở nên dễ giải quyết hơn.

“Của đi thay người” đây là câu thành ngữ khá quen thuộc trong đời sống hàng ngày, nó thường dùng để an ủi một người nào đó mới bị mất của. Câu thành ngữ để người ta nhận ra sự quan trọng giữa tính mạng và của cải. Vì sinh mạng đáng giá hơn nên “Của đi thay người” được xem là một chuyện may mắn. Của cải mất đi còn kiếm lại được chứ người chết rồi thì không cách nào sống dậy.

Thông thường khi tiền bạc của cải mất đi chúng ta sẽ rất tiếc nuối, gây ra đau khổ về điều đó. Nhưng khi nghĩ được tích cực rằng sự mất mát đó không ảnh hưởng đến tánh mạng của mình thì chúng ta sẽ thấy an tâm hơn. Và chúng ta cũng quán chiếu được rằng, cuộc đời là vô thường, cái gì có được thì do điều kiện sẽ mất đi, được - mất là quy luật của cuộc đời.

Khi trong tay có tiền, nếu không biết làm chủ bản thân, tư tưởng hưởng thụ bất chính bắt đầu trỗi dậy. Không ít các trò đua đòi chưng diện xa hoa, ăn chơi trác táng và tệ hại hơn là quan niệm sống hưởng thụ, trụy lạc, sa đọa bắt đầu từ đây.

Người hiểu đạo sẽ khao khát bố thí như người mù khao khát được mắt sáng
Có tiền sanh ra đủ tật: ăn nhậu, bài bạc, chơi bời, chim chuột… và để bù cho những khoản chi vì các tật xấu ấy nên mới có tham quan, hối lộ, bòn rút của công hoặc không có chức quyền thì trộm cướp, buôn lậu, lừa đảo. Và hậu quả là không ít gia đình tan vỡ hạnh phúc vì cái giàu, tù tội và hối hận vì sự ham giàu, mất niềm tin với cuộc sống dù cho giàu có, dư dật.

Thực tế cho thấy không phải hễ “có tiền thì mua tiên cũng được”. Sự đổi đời, giàu lên nhanh chóng dễ dàng tạo ra chênh vênh, lúng túng thậm chí lệch lạc trong nhận thức cũng như hành động và đem đến không ít bất hạnh trong đời, thậm chí là gây ra những tai họa lớn.

Cuộc sống luôn công bằng, cho bạn cái này thì sẽ lấy đi cái khác. Vừa có may mắn thì lại sẽ có vận xui rủi. Không sao cả, chúng ta cứ bình thản đối mặt và tìm cách giải quyết nó dù mọi chuyện thế nào. Chỉ khi bạn thật sự thông suốt vấn đề, mọi chuyện mới trở nên dễ giải quyết hơn.

Dân gian có câu: “Có phước có đức thì mặc sức mà hưởng” đã khẳng định tầm quan trọng của phước báo. Do vậy, vun trồng cội phước với đầy đủ ba phương diện lòng tin, vật bố thí trong sạch và người nhận xứng đáng là một pháp tu, điều không thể thiếu trong hành trang tu học của những người con Phật.

Bố thí là một pháp tu quan trọng, phổ biến, dễ thực hành đối với hàng Phật tử nhằm cải thiện và tăng thượng phước báo cho tự thân. Điều mà ai cũng biết là bố thí sẽ mang lại phước báo tốt lành trong hiện tại và mai sau.

Cây phước lớn dần lên nhờ sẻ chia, bố thí, cúng dường. Luôn mở rộng vòng tay đối với người nghèo khổ và cung kính phụng hiến những bậc trưởng thượng, cao đức, hiền thiện. Thương kính luôn được biểu hiện gắn liền với ban tặng, phụng cúng. Chính những việc làm cụ thể này sẽ vun bồi cội phước, trưởng dưỡng thân cành, hoa trái phước đức tươi tốt xum xuê.

Quan trọng hơn là việc bố thí đúng đối tượng, cúng dường cho người xứng đáng có đầy đủ giới đức. Hộ trì bậc đức hạnh, trí tuệ chắc chắn thành tựu phước đức. Như cây được chăm sóc đúng mức cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ lớn mạnh thêm và chắc chắn trĩu quả. Cũng vậy, cây phước nếu được vun trồng đúng thời, đúng việc và đúng đối tượng sẽ cho quả phước như ý.

Tu tập bố thí muốn đạt được lợi ích lớn và kết quả lớn thì tâm phải rộng lớn, không mong cầu, không trói buộc, bố thí để trang nghiêm tâm; bố thí như vậy mới đạt được công đức, phước báo vô lượng.

>> Kính mời quý vị cùng xem video "Vì sao nói bố thí tài có thể tránh được tai họa?" qua bài trả lời phỏng vấn của Hòa Thượng Tịnh Không để hiểu thêm về vấn đề này:
https://youtu.be/Us6U-du2rkk
Tập tin đính kèm
abophatgiaoorgvn-1452.jpg
abophatgiaoorgvn-1452.jpg (40.79 KiB) Đã xem 489 lần
Được cảm ơn bởi: hysshu
Đầu trang

Hình đại diện của thành viên
thanhthanh2013
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1320
Tham gia: 19:01, 05/07/13

Re: Hiểu đúng về việc “của đi thay người” ( nguồn : phatgiao.org.vn)

Gửi bài gửi bởi thanhthanh2013 »

Công đức phóng sinh
Kinh Phạm Võng dạy rằng “Người Phật tử nếu lấy tâm từ mà làm việc phóng sinh thì thấy tất cả người nam đều là cha mình, tất cả người nữ đều là mẹ mình. Vì mình trải qua nhiều đời đều do đó mà sinh ra, nên chúng sinh trong sáu đường đều là cha mẹ của mình. Nếu giết hại sinh mạng để ăn thịt tức là tự giết cha mẹ mình, cũng là giết thân cũ của mình. Tất cả đất, nước là thân trước của mình. Tất cả gió lửa là bản thể của mình. Cho nên, thường thực hành phóng sinh thì đời đời sinh ra thường gặp Chánh pháp. Khuyên dạy người làm việc phóng sinh, nếu thấy người đời giết hại súc vật, nên tìm phương tiện để giải cứu, khiến cho chúng được thoát khổ nạn.”

Đức Phật có trí tuệ vô thượng, trong kinh Phạm Võng đã sớm có lời ân cần khẩn thiết khuyên răn chúng ta. Giới sát phóng sinh thì tiêu trừ nghiệp chướng, lại trưởng dưỡng được tâm từ bi. Đức Phật còn nói rõ rằng: “Chúng sinh trong sáu đường đều là cha mẹ ta, cứu vật sống được tức là cứu được cha mẹ ta.”
Mỗi một chúng sinh đều là anh em, thân quyến, cha mẹ, con cái từ nhiều kiếp đến nay của chúng ta. Nếu đem nhãn quan của mình mở rộng đến chân tướng vô hạn của không gian, thời gian, của vũ trụ, đối diện với thân quyến của mình lúc bị bắt, bị nhốt, bị giết, bị ăn thịt... vẫn không cố gắng tận tâm mà rụt rè do dự; không gấp rút mà giải cứu họ, thật chẳng bằng loài cầm thú.

Trong nghĩa cử cao đẹp của việc phóng sinh, bao nhiêu những chứng bệnh ung thư, ác tật đều tiêu mất trong vô hình. Bao nhiêu sự kiện cảm ứng nhiệm mầu thật chứng, từ miệng các cư sĩ thường xuyên kể lại. Bao nhiêu hình ảnh của loài vật cảm ơn thị hiện trước mắt. Quyển sách Công đức phóng sinh này hy vọng có thể khiến cho càng nhiều người hiểu rõ được sự thù thắng của việc phóng sinh, từ đó mà tự mình cố gắng làm công việc từ bi phóng sinh. Cũng hy vọng khiến cho những người đối với việc phóng sinh có sự nghi ngờ và phê bình, qua sự giảng giải trong sách này có thể cải chính một số thiên kiến của chính mình, không cản trở kẻ khác phóng sinh nữa; lại tiến thêm một bước để bỏ ác làm lành, rộng khuyên người đời phóng sinh.


Kinh Dược Sư Lưu Ly bổn nguyện công đức dạy rằng: “Cứu thả các sinh mạng được tiêu trừ bệnh tật, thoát khỏi các tai nạn.” Người phóng sinh tu phước, cứu giúp muôn loài thoát khỏi khổ ách thì bản thân không gặp các tai nạn.

Công đức phóng sinh rộng lớn vô biên, không thể tính đếm. Nay xin nói đại lược như sau:
1. Phóng sinh là cứu mạng chúng sinh:
Phóng sinh là cứu mạng của những chúng sinh đang lâm vào cảnh nguy hiểm, bị bắt, bị giam cầm trong lồng, chuồng, sắp bị đem giết, làm thịt. Sinh mạng của chúng sanh rất là quí trọng, nếu chúng được cứu mạng thì chúng rất cảm kích và biết ơn, vì vậy phóng sinh có công đức rất lớn.
2. Phóng sinh là trả nợ sát sinh:
Chúng ta từ nhiều kiếp cho đến ngày nay đã tạo vô lượng vô biên nghiệp sát sinh, phóng sinh là chúng ta bỏ ra ít tiền, chút công sức để cứu chuộc mạng sống của chúng sinh, để đền trả cái nợ sát sinh mà chúng ta đã gây tạo trong quá khứ cũng như hiện tại. Vì vậy phóng sinh là trả nợ sát sinh.
3. Phóng sinh là việc làm cần gấp cứu sống sinh mạng:
Phóng sinh không giống như những việc làm công đức khác, cứu mạng chúng sinh cần phải gấp rút chỉ trong phút chốc, không được trì hoãn do dự, vì không biết lúc nào mạng sống của chúng sinh sẽ bị giết, làm thịt. Cũng giống như việc cấp cứu bịnh nặng, chỉ trong 1 sát na, 1 hành động đúng lúc chúng ta có thể cứu sống hàng vạn sinh mạng của chúng sinh. Vì vậy phóng sinh là công đức rất lớn.
4. Phóng sinh là Từ bi:
Tâm đại từ bi là tâm của Chư Phật, tâm từ bi là tâm căn bản của người học Phật, khởi tâm phóngsinh là phát khởi từ bi tâm để cứu mạng sống chúng sinh, là hành động cứu độ giải thoát khổ nạn cho chúng sinh. Phóng sinh làm cho tâm từ bi của chúng ta ngày một thêm lớn, trong quá trình hành trì pháp phóng sinh tức là đang trưởng dưỡng tâm từ bi, nếu thường phóng sinh thì làm cho tâm từ bi ngày thêm tăng trưởng, cùng với tâm từ bi của Phật khế hợp, từ đó dẫn đến tâm ta và tâm Phật tương ưng, rất dễ cảm ứng. Vì vậy tạo thành thuận duyên, dễ thành tựu đạo nghiệp.
5. Phóng sinh là giác ngộ:
Phật tính của tất cả chúng sinh so với chúng ta đều có đủ và không chút khiếm khuyết, không hai không sai biệt, vì vậy mỗi mạng sống đều phải quí trọng và bình đẳng như nhau. Khi phóng sinh chúng ta ai ai cũng đều ý thức được tất cả chúng sinh cũng như chúng ta, đều tham sống sợ chết, đều hướng lành lánh dữ, đều có vui buồn mừng giận, hết thảy đều hoàn toàn giống nhau. Chúng sinh cũng có đầy đủ chơn như Phật tánh, đến 1 ngày nào khi nghiệp báo đã hết đều có khả năng thành Phật, cho nên cứu một chúng sinh cũng đồng nghĩa cứu một Phật tử và thành tựu một vị Phật ở tương lai vậy.

Hơn nữa chúng sinh tức là Phật, giết 1 chúng sinh tức là giết Phật, cứu chúng sinh tức là cứu Phật. Luận Đại Trí Độ chép rằng: “chúng sinh quí trọng thân mạng, chư Phật yêu quí chúng sinh, nếu có thể cứu chúng sinh tức có thể thành tựu được tâm nguyện của chư Phật”. Ngài Ấn Quang Đại Sư nói rằng: “Đối với tất cả chúng sinh Phật đều xem như con mình, cứu một sinh mạng chúng sinh tức là cứu một Phật tử, vì vậy chư Phật đều hoan hỷ”.

Tất cả chúng sinh trên cạn dưới nước, mỗi tâm niệm đều đồng với ba đời chư Phật không hai, không khác. Chỉ vì vô minh nghiệp chướng luân hồi thọ khổ mà sinh vào loài hạ liệt làm súc sanh, ngày nào đó khi nghiệp báo đoạn tận, nhơn duyên đầy đủ tự nhiên sẽ siêu thoát khỏi tam đồ lục đạo, đồng chứng Phật quả. Ngày nay chúng ta có được diễm phúc làm người, chúng sinh bất hạnh phải làm thân súc sinh luân hồi trong lục đạo, trầm luân khổ hải, có ai biết được rằng, mình sẽ không chịu luân hồi quả báo lục đạo trong tương lai, chúng sinh cũng như vậy trong tương lai cũng đều có thể siêu thoát khỏi lục đạo, thành Phật chứng quả. Chúng ta cầu nguyện đức đại từ bi cứu độ cho mình, thì đâu dám khinh xuất mà tạo nghiệp sát sinh.
6. Phóng sinh là thực tiễn:
Chúng ta thường nghe câu “năng thuyết bất năng hành” tức là hay nói mà chẳng hay làm. Đối với người học Phật quan trọng chỗ hành động thực tiễn, không quan trọng ở lời nói. Phóng sinh là việc làm chân chánh trưởng dưỡng tâm từ bi, phát tâm chân thật giải cứu sinh mạng chúng sinh, phát nguyện chân thành sám hối quy y cho chúng sinh, vì chúng sinh mà hồi hướng công đức, như vậy thể nhập được pháp giới chúng sinh bình đẳng nhất như, đầy đủ tánh Phật và đều có thể thành Phật, tâm chân chánh làm những việc lợi mình lợi người. Phát tâm tu hành chân chánh như vậy mới thật là có lợi ích.

7. Phóng sinh là tích cực:
Ăn chay và phóng sinh là hai điều kiện quan trọng của người học Phật. Ăn chay chỉ là không làm ác (chỉ ác) mà thôi, là hành động tiêu cực không còn tạo nghiệp sát sinh nữa, không còn tạo tác tích chứa cái nợ sát sinh mới; còn phóng sinh tức là siển dương điều thiện, là tích cực cứu mạng sống của chúng sanh, để đền trả cái nợ sát sinh trước kia. Nếu ăn chay mà không phóng sinh thì còn phải chịu quả báo sát sinh trước đã vay mượn; Nếu phóng sinh mà không ăn chay thì chỉ có công đức, nhưng vì còn ăn thịt sát sinh nên đều phải đền trả nợ sát sinh. Phóng sinh và ăn chay tuy 2 nhưng mà là một thể, cùng hỗ trợ bù đắp cho nhau thì mới thành tựu, cho nên cần phải cùng lúc tu tập cả 2, thì mới có lợi ích hiệu quả.

8. Phóng sinh là phương tiện:
Hôm nay chúng ta phóng sinh, thì lập tức những chúng sinh đang bị giam cầm được tự do, vô số chúng sinh ngay lập tức được trao cho cơ hội sống, công đức ấy thật vô hạn. Không kể là 1 người hay nhiều người, có ít tiền hay nhiều tiền, bất kể thời gian hay địa điểm chỉ cần chúng ta phát tâm từ bi, thì bất cứ ai cũng có thể phóng sinh. Phóng sinh không giống như làm những công đức khác, không cần phải đợi có cơ hội mà chúng ta có thể chủ động làm; không cần phải nhờ cậy ai mà tự mình có thể độc lập làm; có hàng ngàn vạn người cả đời không biết tạo công đức, chúng ta có thể qua việc phóng sinh của mình mà đề xướng, quảng bá rộng rãi pháp tu phóng sinh, thì công đức không thể nghĩ bàn. Thế nên công đức phóng sinh rất lớn, và thù thắng hơn so với những việc thiện nhỏ khác.

9. Phóng sinh là cải mạng:
Vận mạng chúng ta gặp phải trong đời này là kết quả của những nhân duyên thiện ác đã tạo tác trong nhiều đời mà ra, nếu tạo nhân thiện thì được quả báo thiện, nếu tạo nhân ác thì bị quả báo ác. Vận mạng chúng ta trong tương lai phụ thuộc và nằm trong tay của chúng ta, qua việc tích phước hành thiện, thành tâm sám hối, vận mạng chúng ta có thể hoàn toàn thay đổi ở tương lai, mà phóng sinh công đức lực về thay đổi mạng vận rất lớn, trực tiếp mà lại nhanh, nên sự thay đổi vận mạng là rất rõ ràng.

10. Phóng sinh là giải tỏa oán thù:
Mỗi chúng ta từ nhiều kiếp đến nay, đều đã từng gây thù kết oán, oán thù đã kết thì luôn cất giữ trong lòng, đợi có cơ hội sẽ báo thù, mà phóng sinh là có thể giải oan thích kết, hóa thù thành bạn, tránh được thù hận oan oan tương báo.

Kinh Lăng Nghiêm chép rằng: “Vì người ăn thịt dê, dê chết trở lại làm người, người chết trở lại làm dê, như vậy trãi qua 10 đời, chết rồi sống, sống rồi chết ăn nuốt lẫn nhau, sanh ra ác nghiệp, cùng tận trong tương lai mình nợ mạng người, người nợ mạng mình, vì nhân duyên đó trải qua trăm ngàn kiếp luân hồi sinh tử”. Lại nói: “giết mạng chúng sinh khác hoặc là ăn thịt, trãi qua số kiếp nhiều như vi trần, ăn giết lẫn nhau, do vậy luân chuyển lên xuống không dứt”.

Tục ngữ có câu: “Oan gia nên giải không nên kết”. Ngày nay có duyên hội ngộ nhau, đã biết tạo nghiệp sát sinh sẽ gặp quả báo sát sinh, nhân quả báo ứng như bóng theo hình, đó là chân lý không chút sai chạy, cho nên phải tận lực mà giải oan thích kết, ngăn dứt việc sát sinh mà phóng sinh, như vậy mới có cơ may tiêu diệt những oán nghiệp, mới mong kẻ oán người thân cùng chúng ta vãng sinh thế giới Tây Phương Cực Lạc, thoát khỏi quả báo luân hồi thọ khổ trong lục đạo.

11. Phóng sinh là tiêu tai:
Sở dĩ cuộc sống chúng ta phát sinh những tai nạn bất hạnh, đều do những ác nghiệp, nhất là nghiệp sát sinh mà chúng ta đã kết từ trước mà ra. Làm việc phóng sinh để cứu mạng chúng sinh thoát khỏi nạn chết, đồng thời tiêu trừ những túc nghiệp của chúng ta, cũng diệt trừ những nguyên nhân dẫn đến nghiệp báo phải chịu bất hạnh. Đây là đạo lý nhân quả tất nhiên ở đời vậy.

12. Phóng sinh là trị bệnh:
Thật ra sở dĩ phát sinh những bệnh tật khó trị là do những nghiệp sát sinh của chúng ta từ trước đây chiêu cảm nghiệp báo vậy. Đã tạo nhân sát sinh thì phải kết cái quả sát sinh, đã tạo nghiệp sát sinh thì phải chịu quả báo sát sinh, để giải quyết điều này con đường duy nhất là phóng sinh, đền trả cái nợ sát sinh, tiêu trừ nhân sát sinh là căn bản sinh ra bệnh tật, khi ấy bệnh khổ sẽ chuyển biến tốt hơn.

13. Phóng sinh là cứu thân quyến:
Mỗi chúng sinh luân hồi trong vô thủy kiếp đã từng làm cha mẹ, con cái, thân bằng quyến thuộc nhau, chỉ vì nghiệp duyên của chúng ta và họ bất đồng, đời nay chúng ta có diễm phúc làm người, chúng sinh bất hạnh phải thọ thân súc sinh, làm việc phóng sinh là chúng ta cứu bạt quyến thuộc bạn bè của chúng ta từ nhiều kiếp đến nay, cho họ có cơ hội sống an hưởng tuổi thọ.
14. Phóng sinh là trường thọ:
Mỗi người ai cũng mong được trường thọ, phóng sinh là cứu chuộc sinh mạng chúng sinh, sinh mạng của vô số chúng sinh được trường thọ, thì đồng thời thọ mạng của chúng ta cũng được trường thọ. Đây là đạo lý nhân quả bất biến vậy.

15. Phóng sinh là phước thiện:
Người đời thường nói cứu một mạng người hơn xây tháp bảy tầng, mỗi một sinh mạng đều quí trọng bình đẳng như nhau, cho nên cứu một chúng sinh công đức đã vô lượng vô biên huống chi là cứu vô số sinh mạng chúng sanh! Phóng sinh tức là tích tập phước lớn, phóng sinh cũng chính là hành điều thiện lớn, tích phước hành thiện công đức chẳng gì hơn phóng sinh!

16. Phóng sinh để trợ giúp vãng sinh Tây phương:
Người tu hành lấy niệm Phật làm chánh hạnh, lấy phóng sinh làm trợ hạnh, niệm Phật là chính còn pháp phóng sinh là trợ duyên, như vậy người hành trì pháp phóng sinh như buồm thuận gió, như thuyền xuôi dòng, dùng sức ít mà hiệu quả được nhiều, đem vô lượng công đức thù thắng này hồi hướng về thế giới Tây phương Cực Lạc.

Phóng sinh có thể nuôi dưỡng lòng từ bi của chúng ta. Trong khi thực hiện việc phóng sinh, chúng ta nhân đó có thể thấu hiểu được chân lý vạn vật đều bình đẳng, đều có cảm giác, đều có tánh Phật, đều có thể thành Phật. Nhờ đó, chúng ta có thể khởi tâm từ bi với hết thảy chúng sinh, lại còn tôn trọng trân quí. Tiến thêm một bước nữa, trong cuộc sống hằng ngày có thể thực hiện việc giới sát, ăn chay, cứu giúp sinh mạng muôn loài; các điều ác không làm, các điều thiện cố gắng làm; khởi tâm từ bi đối với tất cả muôn loài trên thế gian.
Tập tin đính kèm
Phóng sinh.jpg
Phóng sinh.jpg (134.39 KiB) Đã xem 404 lần
tinybabyfor500-57e0ea14f235d-880-1474881736736.jpg
tinybabyfor500-57e0ea14f235d-880-1474881736736.jpg (33.44 KiB) Đã xem 404 lần
Đầu trang

Trả lời bài viết

Quay về “Luận giải Tử vi”