Vi diệu

Trao đổi về phong tục, tín ngưỡng
KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1741
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Vi diệu

Gửi bài gửi bởi KMD »

道意
明月照古井,
井水無波濤。
不被人牽扯,
此心終不搖。
縱被人牽扯,
一搖還復止。
湛湛一片心,
明月古井水。


Đạo ý
Tố Như tiên sinh

Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh,
Tỉnh thuỷ vô ba đào.
Bất bị nhân khiên xả,
Thử tâm chung bất dao.
Túng bị nhân khiên xã,
Nhất dao hoàn phục chỉ.
Trạm trạm nhất phiến tâm,
Minh nguyệt cổ tỉnh thuỷ.



Dịch nghĩa

Trăng sáng chiếu giếng xưa,
Nước giếng không nổi sóng.
Không bị người khuấy lên,
Lòng này không xao động.
Dù bị khuấy lên,
Dao động một lúc lại lặng ngay.
Tấm lòng trong vằng vặc,
Như ánh trăng sáng chiếu giếng nước năm xưa.


https://www.youtube.com/watch?v=7JWgfSn ... 1tNg%C3%B4
Được cảm ơn bởi: Tudotutronghanhphuc
Đầu trang

Tudotutronghanhphuc
Lục đẳng
Lục đẳng
Bài viết: 4404
Tham gia: 18:54, 02/12/22

Re: Vi diệu

Gửi bài gửi bởi Tudotutronghanhphuc »

月亮光今年
星星點好燈
聽音樂吃餅
家家團團園

菩薩在上面
好好上個香
保佑我家人
年年能團隊。

中秋节快乐,叔叔🥰
Được cảm ơn bởi: KMD
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1741
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Re: Vi diệu

Gửi bài gửi bởi KMD »

Tudotutronghanhphuc đã viết: 05:44, 24/08/23 月亮光今年
星星點好燈
聽音樂吃餅
家家團團園

菩薩在上面
好好上個香
保佑我家人
年年能團隊。

中秋节快乐,叔叔🥰
Cảm ơn bài thơ của cháu. Chúng ta đón Trung Thu này giống như mấy em bé thì còn gì bằng. ;)

Quay lại thời gian ...


山村
萬山深處絕風塵,
錯落柴門閉暮雲。
長者衣冠猶是漢,
山中甲子迥非秦。
牧兒角搥荒郊暮,
汲女筒連玉井春。
那得跳離浮世外,
長松樹下最宜人。

Sơn thôn
Tố Như tiên sinh

Vạn sơn thâm xứ tuyệt phong trần,
Thác lạc sài môn bế mộ vân.
Trưởng giả y quan do thị Hán,
Sơn trung giáp tí quýnh phi Tần.
Mục nhi giác chuỷ hoang giao mộ,
Cấp nữ đồng liên ngọc tỉnh xuân.
Ná đắc khiêu ly phù thế ngoại,
Trường tùng thụ hạ tối nghi nhân.



Dịch nghĩa

Ở giữa muôn ngọn núi, xa cách gió bụi,
Mây chiều che kín những cái cổng rải rác đó đây.
Áo mũ các cụ già vẫn theo kiểu đời Hán,
Năm tháng ở trong núi khác hẳn đời Tần.
Buổi chiều mục đồng gõ sừng trâu dưới đồng hoang,
Ngày xuân các cô gái kéo gàu múc nước ở giếng ngọc.
Ước gì thoát được trần tục,
Mà ngồi dưới gốc cây tùng, thú biết bao nhiêu!
Được cảm ơn bởi: Tudotutronghanhphuc
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1741
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Vi diệu

Gửi bài gửi bởi KMD »

Kiếp nhân sinh (I)
Uy Viễn tướng công

Ba vạn sáu nghìn ngày thấm thoắt,
Từ mọc răng cho tới bạc đầu.
Cõi nhục vinh góp lại chửa bao lâu,
Ngồi thử ngẫm thợ trời kia khéo quá!
Núi tự tại, cớ sao sông bất xả?
Chim thì lông, hoa thì cánh, công đâu tạo hoá khéo thừa trừ.
Từ nghìn trước đến nghìn sau,
Kết cục lại mỗi người riêng một kiếp.
Nhập thế cục bất khả vô công nghiệp,
Xuất mẫu hoài tiện thị hữu quân thân.
Mà chữ “danh” liền với chữ “thân”
Thân đã có ắt danh âu phải có!
Này phút chốc kim rồi lại cổ,
Có hẹn gì sau chẳng bằng nay.
Râu mày kia hỡi râu mày!

https://www.youtube.com/watch?v=0NiG-Ki ... NguyenTran
Được cảm ơn bởi: Tudotutronghanhphuc
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1741
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Vi diệu

Gửi bài gửi bởi KMD »

NAM QUỐC DÂN TU TRI
Sào Nam tiên sinh

CHƯƠNG THỨ V
N. 14.- Nghĩa vụ đối với gia đình

Nhóm muôn ức nhà, mới nên một nước. Gia đình hoà lạc, là nước tiểu khang. Ta phải lo lường, gia đình cho tốt. Dưới thì em út, trên thì ông bà. Giữa thì mẹ cha, với anh với chị. Dựa theo đạo lý, ta hết lòng ta. Hiếu với người già, ơn cùng người trẻ. Hiếu cho phải lẽ, cốt ở tinh thần. Ơn cho có nhân, cốt đường dạy dỗ. Trong nhà khuôn khổ, nên kiệm nên cần. Rộng lối làm ăn, gây nên tự lập. Trong nhà mọi bực, thằng ở con hầu. Ta phải thương yêu, dắt dìu dạy bảo. Chia cơm sẻ áo, ân ý chu toàn. Chớ lạm quyền trên, chớ kiêu người dưới. Đàn bà con gái, là gốc tề gia. Nhà có phép nhà, càng nên chỉnh đốn. Gia đình mĩ mãn, tiếng lành đồn xa. Chòm xóm lân la, gần đèn thì sáng. Một nhà nhân nhượng, một nước cũng vầy. Nghĩa vụ ta đây, mới là trọn vẹn.

TIỂU KHANG: kha khá.

https://www.youtube.com/watch?v=BSv1wor ... %E1%BB%86T
Được cảm ơn bởi: Tudotutronghanhphuc
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1741
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Vi diệu

Gửi bài gửi bởi KMD »

Kinh Vu Lan Bồn - Hòa Thượng Thích Trí Quảng soạn và tụng.

https://www.youtube.com/watch?v=2WRLnxh ... h%E1%BB%95
Được cảm ơn bởi: Tudotutronghanhphuc
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1741
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Vi diệu

Gửi bài gửi bởi KMD »

Tiểu hiếu, trung hiếu và đại hiếu - Hòa Thượng Thích Giác Khang

https://www.youtube.com/watch?v=Bh8-9Ex ... HISTMANTRA
Được cảm ơn bởi: Tudotutronghanhphuc
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1741
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Vi diệu

Gửi bài gửi bởi KMD »

Rằm tháng Bảy
Hòa Thượng Thích Thiện Siêu

I. Ý NGHĨA

Rằm tháng Bảy theo tục lệ nhân gian Việt Nam gọi là ngày xá tội vong nhân. Ngày rằm tháng Bảy có nhiều ý nghĩa:

Thứ nhất, ngày Phật hoan hỷ. Ngày rằm tháng bảy gọi là ngày đức Phật hoan hỷ, bởi lẽ trong thất chúng đệ tử của Phật, chúng Tỷ-kheo là chúng đệ tử gần gũi nhất, chúng thừa đương Phật pháp để truyền bá giáo hóa cho chúng sinh, chúng mang hình dáng của Phật làm gương mẫu ở thế gian, chúng mà trong ba tháng an cư kiết hạ đã viên mãn và kết thúc vào ngày rằm tháng bảy âm lịch. Thông thường, khi chư Tăng thọ giới pháp xong là tu niệm, nhưng vì Phật sự đa đoan nên sự tu niệm ấy không được chuyên cần bằng ba tháng an cư. Ba tháng an cư theo luật Phật chế, chúng Tỷ-kheo phải cấm túc ở yên, hạn chế tối đa sự đi lại. Một là vì phong thổ Ấn Độ lúc bây giờ mùa hạ là mùa mưa, các loại côn trùng sinh sản ra nhiều, mà chúng Tăng đi khất thực sẽ dẫm đạp lên nhiều loại côn trùng, làm tổn thương đến lòng từ bi tế vật. Thứ hai là, chúng Tăng đi khất thực thì y, áo, bình bát sẽ bị thấm ướt, mất trang nghiêm, nên thế gian có phần chê trách. Vì vậy, nên đức Phật dạy chúng Tỷ-kheo trong ba tháng mùa mưa phải cấm túc an cư, hạn chế việc đi ra ngoài để tập trung vào sự tu niệm, củng cố sự sống chung thanh tịnh hòa hợp, cảnh tỉnh thân tâm để tinh tấn trên con đường đạo hạnh. Cho nên một khi đệ tử của Phật tu hành trong ba tháng viên mãn thanh tịnh, kết thúc ba tháng an cư, đức Phật vui mừng lắm. Mừng cho đệ tử của mình đã hoàn thành ba tháng an cư thanh tịnh, cho nên gọi là ngày Phật hoan hỷ tức ngày Phật vui mừng.

Thứ hai, ngày Tăng Tự tứ. Ngày chúng Tăng sau ba tháng an cư tu tập nghĩ rằng: Tuy mình đã gắng tu như thế nhưng không chắc đã tránh hết lỗi lầm, nên ngày rằm tháng bảy cùng nhau tập trung lại, cầu mong những vị có giới đức thanh tịnh hơn mình chỉ lỗi lầm cho. Nếu mình tự thấy mắc phải lỗi lầm đó, phải phát lộ sám hối. Đó là một việc hết sức đặc biệt trong ngày Tự tứ.

Thông thường, mỗi khi có lỗi là tìm cách né tránh, tìm cách che dấu kẻo sợ người khác biết thì xấu hổ, hoặc sợ nếu biết lỗi của mình thì lần sau mình không làm lại được nữa, cho nên thường thường là che dấu, không bộc lộ, trừ khi có ai hỏi đến, kẹt lắm mới nói tới có phạm, có vấp lỗi nọ lỗi kia. Hoặc giả, có phát lộ sám hối chăng thì cũng phát lộ âm thầm trước ngôi Tam Bảo, chứ ít khi công khai nhờ người chỉ lỗi cho mình ra giữa Đại chúng. Nhưng theo đạo Phật, ba tháng hạ an cư xong rồi, đức Phật dạy hàng Tỷ-kheo phải cầu người khác chỉ lỗi cho mình, nghĩa là không phải để đợi người khác chỉ mà tự mình phải cầu người khác tự do chỉ cho, mình phải đối trước người đó mà thưa: “Thưa Đại đức, ngày nay chúng Tăng Tự tứ, tôi cũng Tự tứ, tôi có điều gì sai phạm mà Đại đức thấy, nghe hoặc nghi, xin đại đức thương xót chỉ cho, nếu tôi thấy có phạm thì xin như Pháp sám hối”. Nói như vậy ngầm ý rằng: Tôi không phàn nàn, không thắc mắc và tôi không có oán trách chi Đại đức hết! Đó chính là ý nghĩa mà mình phát tâm cầu mong được thanh tịnh, không có chút nào che dấu, thành tâm cầu người khác tự do nói không e dè chi hết, nếu thấy có lỗi thì cứ chỉ cho. Đó là một thái độ rất cao thượng cởi mở để làm cho mình hết sạch tội lỗi. Vì vậy trong ngày đó gọi là ngày Tăng Tự tứ. Tự tứ nghĩa là cầu người khác không ngần ngại chỉ lỗi mình ra, để cho mình biết mà sám hối, nên gọi là Tăng Tự tứ.

Thứ ba, ngày Tăng Thọ tuế. Thọ tuế là nhận tuổi. Theo thế gian, nếu cha mẹ sinh ra đủ năm 12 tháng thì mới gọi là tròn một tuổi. Nhưng trong luật Phật chế, hàng xuất gia thọ giới của đức Phật không tính tuổi theo năm tháng kiểu thế gian trên - mà tính tuổi theo hạ lạp. Nghĩa là năm nào có an cư kiết hạ được trọn vẹn thì được tính một tuổi. Thí dụ: Vị nào an cư kiết hạ từ 15.4 âm lịch đến 15.7 âm lịch là mãn hạ, như vậy được tính một năm hạ, tức một tuổi hạ. Ai đã thọ Cụ túc giới nhưng không an cư thì không tính tuổi hạ, còn ai kiết hạ an cư liên tục thì được tính nhiều tuổi hạ. Cho nên chúng ta thường nghe ở các chùa khi đọc tiểu sử của một vị Tăng nào viên tịch, thường nhắc đến tuổi đời và hạ lạp. Thí dụ: vị đó 80 tuổi đời và 60 hạ lạp, nghĩa là vị đó có tuổi cha mẹ sinh là 80 năm, còn tuổi hạ là 60 hạ lạp. Hạ lạp được tính vào ngày rằm Tự tứ, sau khi đã tu hành tròn ba tháng hạ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, đúng theo luật Phật chế, 20 tuổi thì được thọ giới Tỷ-kheo, nhưng vì thiếu duyên, có vị 25 tuổi mới thọ giới Tỷ-kheo và sau khi thọ giới mỗi năm đều có kiết hạ. Nếu vị ấy viên tịch vào tuổi 70, thì vị ấy được 45 tuổi hạ và 70 tuổi đời. Nếu một vị Tỷ-kheo thọ giới rồi mà không an cư lần nào cả thì coi như vị ấy hoàn toàn không có tuổi hạ, khác với cha mẹ sinh ta ra, dù ta có làm hay không làm gì đi nữa hoặc giả có ngủ cả năm đi nữa thì tròn một năm cũng vẫn được tính tuổi từng năm một. Trái lại, vị Tỷ-kheo thì phải có kiết giới an cư thì mới nhận tuổi, còn không an cư, thì không tính hạ lạp cũng gọi là giới lạp, pháp lạp. Đó là ý nghĩa của ngày Phật hoan hỷ, Tăng Tự tứ và Tăng Thọ tuế.

Thứ tư, ngày Vu Lan là ngày xá tội vong nhân. Vu Lan là ngày cầu siêu độ cho tiền nhân quá cố của người con Phật. Tích Vu Lan bắt nguồn từ việc báo hiếu của Tôn giả Mục Kiền Liên. Tích này được chép trong kinh Vu Lan bồn. Chứ Vu Lan bồn phiên âm từ chữ Sanskrit (Phạn) là Ulambana. Người Trung Hoa dịch nghĩa là Giải đảo huyền (Giải cái tội bị treo ngược). Câu chuyện trên ý nói rằng, những người nào tạo tội ác thì phải thọ quả báo nơi cõi địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, chịu sự hành hạ thống khổ cùng cực giống như người bị treo ngược. Nghĩ đến công ơn cha mẹ, khi ngày Vu Lan đến, Phật tử thường đem tâm chí thành, chí hiếu sắm sửa vật dụng cúng dường Tam Bảo để cầu nguyện cùng với chư Tăng sau ba tháng an cư chú nguyện cho thân nhân, tiên vong của mình thoát khỏi cảnh khổ đau cùng cực y như giải tội bị treo ngược. Như vậy, ngày Vu Lan là ngày của Phật tử đền ơn đáp nghĩa bằng cách đến chùa cầu thỉnh chư Tăng sau ba tháng an cư thanh tịnh, chú nguyện cho vong nhân của mình thoát khỏi cảnh đọa đày tăm tối của địa ngục, ngạ quỉ và súc sinh, đồng thời cầu nguyện cho tất cả người khác cũng thoát khỏi tội khổ đau cùng cực như Tôn giả Mục Kiền Liên đã làm khi cứu mẹ.

II. TÍCH MỤC KIỀN LIÊN CỨU MẸ

Tôn giả Mục-kíên-liên là vị đệ tử xuất chúng của đức Phật. Tôn giả đã chứng được Lục thông.

- Thiên nhãn thông: Được con mắt như con mắt trời, thấy khắp tất cả.

- Thiên nhĩ thông: Được lỗ tai như tai trời, nghe khắp tất cả.

- Tha tâm thông: Với tâm của mình biết được tâm của người khác muốn gì, ưa gì.

- Túc mạng thông: Là biết đời trước của mình...

- Thần túc thông: Được thần thông đi dưới đất hay bay trên không đều tự tại vô ngại. Cũng gọi là Thần cảnh thông.

- Lậu tận thông: Dứt trừ mọi lậu hoặc, vượt thoát ra khỏi vòng sinh tử.

Ngoài ra, Tôn giả còn chứng được tuệ nhãn (trong ngũ nhãn là nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn) tức là con mắt thấy được sự vật và tự tính của nó. Chúng sinh chỉ có con mắt thịt, chỉ thấy những cái trước mắt, vừa tầm, còn những cái xa quá, nhỏ quá, lớn quá không thấy được. Khi Tôn giả chứng được lục Thông và tuệ nhãn liền nhớ đến cha mẹ mình, Tôn giả dùng tuệ nhãn nhìn khắp bốn phương, xem vong mẫu của mình hiện đang ở đâu? Khi thấy vong mẫu của mình đang ở trong loài ngạ quỷ hết sức đau khổ và đói khát, Tôn giả buồn bã vô cùng. Tôn giả liền bưng bát cơm đến dâng mẹ, nhưng mẹ Tôn giả vì tâm xan lẫn từ kiếp trước quá nặng nề khơi lên, sợ người khác trông thấy mà đến giành giật hoặc xin bớt, cho nên bà một tay che bát cơm lại, một tay bổc ăn. Nhưng cơm chưa tới miệng đã hóa thành than lửa không thể nào ăn được. Tôn giả thấy vậy, vô cùng đau xót, không biết làm sao cứu vớt mẹ được, bèn về bạch với đức Phật. Ngài dạy: “Tội lỗi của mẹ ngươi, dù có dùng thần thông phép lạ của hàng thiên thần địa kỳ cũng không cứu được đâu! Duy chỉ có dùng thần lực của chúng Tăng sau ba tháng an cư, tinh tấn tu hành thanh tịnh tập trung chú nguyện cho, may ra mới chuyển hóa được nghiệp lực của mẹ ngươi, thì mẹ ngươi mới được thoát khổ cảnh mà thôi”.

Nghe vậy, Tôn giả Mục Kiền Liên thưa với đức Phật: “Bạch Thế Tôn, con nay làm sao mà mời chư Tăng mười phương cúng dường một lúc như vậy được? Đức Phật dạy rằng: Trong ngày Vu Lan là ngày Tự tứ của chư Tăng, ông nên sắm các thứ cúng dường chư Tăng trong ngày Tự tứ, ngày đó dầu các vị đang ở trong thiền định, hay thọ hạ kinh hành, hay hóa độ nhân gian, cũng tập trung lại để Tự tứ và cầu nguyện cho mẹ ngươi, thì mẹ ngươi sẽ được thoát khổ”. Tôn giả thực hành theo lời dạy của đức Phật và chính trong ngày đó, mẹ Tôn giả thoát được cảnh ngạ quỷ mà hưởng phước báu chư Thiên. Do vậy, Tôn giả hết sức vui mừng và thưa với đức Thế Tôn, nếu sau này có chúng sinh nào muốn phát tâm hiếu để mà cầu nguyện cho cha mẹ thoát khổ được vui thì có làm như con được không? Đức Phật dạy là có thể làm được như vậy trong ngày Tự tứ. Do đó, mà trong Phật giáo truyền lại một Pháp cứu độ cho tiền nhân trong ngày Tăng Tự tứ.

Tôn giả Mục Kiền Liên làm như vậy là đã nêu một tấm gương chí hiếu lớn lao cho tất cả Phật tử noi theo muôn đời. Tôn giả không những có hiếu trong đời Phật hiện tại mà tiền thân Ngài cũng đã là một người con chí hiếu. Trong một tiền kiếp, Tôn giả sinh trong một gia dinh nông dân. Cha mẹ chỉ có Tôn giả là con trai độc nhất, nên vô cùng thương yêu chiều chuộng, và Tôn giả cũng thương yêu cha mẹ không kém. Tôn giả biết cha mẹ chỉ sinh có một mình Ngài là con duy nhất. Tôn giả nghĩ đến ngày cha mẹ tuổi già, không biết trông cậy vào ai, nên Tôn giả nguyện ở độc thân suốt đời để phụng thờ cha mẹ, chứ không muốn lập gia đình. Nhưng trong khi đó cha mẹ lại vì thương con không muốn con ở như vậy, sợ con cô độc, sau này không có ai giúp đỡ lúc trở về già, nên luôn luôn ép con lập gia đình. Trước sự thúc ép ấy, Tôn giả đành chiều ý cha mẹ. Không may khi lập gia đình, Tôn giả gặp một người vợ không tâm đầu ý hiệp, nàng ta không phải là mẫu người phụ nữ thuần lương. Lúc mới cưới nàng về, Tôn giả dạy vẽ cho vợ thay mình hầu hạ cha mẹ hôm sớm, cơm nước dâng lên cha mạ đầy đủ như khi Tôn giả vẫn thường làm. Lúc đầu người vợ ngoan ngoãn tuân theo, nhưng một thời gian sau nàng tỏ ra lạnh nhạt và thờ ơ với cha mẹ chồng. Vì lẽ, thói thường con trong ruột sinh ra đôi khi còn chưa thương cha mẹ ruột một cách hết lòng huống gì là con dâu, làm sao thương ông bà già như thương cha mẹ ruột! Ngài vì sinh kế phải đi làm ăn, nàng ở nhà càng tỏ ra chểnh mảng trong việc hầu hạ cha mẹ chồng. Khi đã chểnh mảng, muốn từ bỏ thì phải tìm kế, lập mưu. Một hôm, Tôn giả đi làm về thấy nước đổ lênh láng giữa nhà và hỏi nước đâu vậy. Người vợ bèn chỉ vào ông già mà nói rằng: Ông chướng quá, tôi bưng nước lên dâng ông, ông vung vằng, chê nước nóng nước lạnh không chịu uống rồi vung tay đổ cả ra giữa nhà như vậy đó, tôi chịu hết nổi ! Rồi một bữa khác, Tôn giả đi làm về thấy cơm vãi ra giữa nhà và hỏi: Cơm đâu vung vãi ra đầy nhà như vậy? Người vợ liền chỉ vào bà già trả lời: Bà đó, bà chướng quá, tôi nấu cơm để cho nguội, xới dâng lên cho bà, nhưng bà chê cơm trưa cơm sớm rồi vung vãi ra cùng nhà như vậy đó, tôi chịu hết nổi! Cứ một điệp khúc ấy bà vợ tỉ tê mãi, riết rồi chồng cũng phải xiêu lòng nghe theo. Tôn giả nghĩ rằng như thế thì cha mẹ mình quá chướng nên nói với vợ: “Thôi được, ta sẽ có cách!”.

Hôm sau, Tôn giả thuê một chiếc xe ngựa, nói dối với cha mẹ rằng, mấy lâu nay cha mẹ không về thăm Từ đường bên ngoại, nay mời cha mẹ về thăm một chuyến, để sau này già yếu có nhắm mắt cũng khỏi ân hận. Cha mẹ nghe có lý nên đồng ý đi. Tôn giả cầm dây cương cho xe ngựa lên đường, khi đi đến một đoạn vắng, đường gồ ghề, Tôn giả nhảy xuống ngựa và nói dối với cha mẹ hãy cầm cương hờ để con đi sau bảo vệ kẻo chỗ này cướp bóc nhiều lắm. Nhưng thật ra, Tôn giả chẳng bảo vệ gì, mà cốt ý lấy roi quất vào cha chẹ mà nói: “Đã chừa chưa? Hết chướng chưa? Hết chướng chưa?”. Dẫu bị đánh như vậy, nhưng cha mẹ không nghĩ là mình bị đánh mà lại chỉ nghĩ đến con, mà la lên: Con ơi, lo chạy đi kẻo nó đánh chết, lo chạy đi con ơi! Chính trong khi bị đánh mà cha mẹ không nghĩ đến mình đau lại cứ nghĩ con bị đánh chết mà la lên, nên hai chữ “Con ơi” khi ấy nó đã đánh thức Tôn giả, khiến Tôn giả nghe hai tiếng đó nó thiêng liêng, mặn nồng, tha thiết trìu mến và thắm thiết một cách lạ kỳ. Tôn giả sực tỉnh ra là mình bất hiếu quá sức! Cha mẹ thương mình như vậy mà mình lại bất nhân, thiếu đức, nên Tôn giả liền hồi tâm và vội vã cho xe quay về, sám hối cha mẹ. Khi về tới nhà Tôn giả quyết định ly thân, cho vợ về quê của nàng và nguyện sống ở độc thân như vậy suốt đời với cha mẹ. Đó là một tiền kiếp của Tôn giả.

Còn kiếp hiện tại, Tôn giả có tên là Mục Kiền Liên, một người con chí hiếu, muốn thực hiện sự báo hiếu cho cha mẹ mà lúc ở nhà chưa thực hiện được. Nên trong đời sống xuất gia, Tôn giả quyết tâm thực hiện để đưa cha mẹ mình đến cảnh an vui. Câu chuyện của Tôn giả Mục Kiền Liên trong quá khứ và hiện tại như vậy là một bài học cho chúng ta, cho những người con còn biết có mẹ có cha. Phần nhiều ai cũng có lòng hiếu với cha mẹ, nhưng vì không được un đúc, nhắc nhở, không gặp thầy hay bạn tốt nên có khi tâm bị lung lay trở thành bất hiếu. Có trường hợp bất hiếu vì nghe theo bạn ác, có khi nghe theo danh lợi, quyền thế, theo cờ bạc, rượu chè, hoặc có khi làm nên ông này bà nọ rồi lên mặt với cha mẹ, anh em, coi thường bà con cô bác, láng giềng mà trở thành bất hiếu. Chẳng hạn có một anh nọ gặp may trở thành một quan chức lớn. Lúc đó chưa có xe đưa rước, về nhà cha mẹ nói đâu dạ đó. Nhưng khi làm một chức quan to rồi thì không thèm dạ như xưa nữa vì sợ mất thể diện ông quan. Như vậy là vì nghe theo quyền thế mà trở nên bất hiếu.

Lại có người mù quáng học đòi theo thói văn minh vật chất tự do ích kỷ, mà không biết đến văn minh đạo đức hiếu để, cho nên trở thành bất hiếu.

Như vậy, sự tích của Tôn giả Mục Kiền Liên là một gương quí nhắc nhở chúng ta vun bồi lòng hiếu thảo của mình, đừng để lòng hiếu thảo bị các thứ khác làm vẩn đục, làm cho mù quáng, mà đánh mất đi. Trong kiếp quá khứ, Tôn giả Mục Kiền Liên thiếu cảnh tỉnh nên trở thành bất hiếu chỉ vì nghe theo lời vợ. Trong xã hội xưa cũng như nay, có những người con rất có hiếu với cha mẹ, nhưng khi ra chung đụng với xã hội, gặp hoàn cảnh không tốt, ít thân cận bạn hiền, bị tác động bởi sự xấu xa nên khi trở về nhà, cha mẹ nói không nghe, anh chị khuyên bảo không chịu, lại còn cãi lại, cha không hiểu đâu, mẹ không biết đâu, còn mình đây mới hiểu, mới sáng suốt, mới có học. Đó là một thái độ thiếu cảnh tỉnh nên bất hiếu.

Do đó, cho nên ai có gần gũi bạn lành, lo tinh tấn tu niệm thì mới trở thành những người con có hiếu. Trong Kinh Trường A-hàm, đức Phật có chỉ cho chúng ta cách báo hiếu tốt nhất là: Nếu gia đình nào có những người con mà biết Bố thí, biết Ái ngữ, biết Lợi hành và biết Đồng sự thì cha mẹ mới nhận được sự hiếu kính của con. Nếu người con nào không biết Bố thí, không biết Ái ngữ, không biết Lợi hành và không biết Đồng sự thì cha mẹ không hưởng được sự hiếu kính của con. Vậy Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự theo đức Phật dạy, ý nghĩa như thế nào?

Thứ nhất là Bố thí: Kinh A-hàm dạy người hiếu kính cha mẹ là người biết tu hạnh Bố thí. Người biết bố thí thì luôn luôn đem tâm hoan hỷ bố thí cho mọi người, dù chỉ là một nụ cười, một cử chỉ cung kính. Nụ cười, cử chỉ cung kính, sự dịu dàng, cách ăn nói ôn hòa ấy là của mình, nhưng nếu mình không làm, không thể hiện là không có bố thí. Khi mình làm và thể hiện thì sẽ đem an vui đến cho mọi người, chứ không nhất thiết phải hạn cuộc ở bố thí tiền bạc. Đôi lúc một nụ cười khiến cho người ta tiêu tan đau khổ, trong khi mình đem một túi tiền cho họ chưa chắc họ đã hết đau khổ. Như vậy, người con biết bố thí thì cha mẹ mới hưởng được sự hiếu kính của con, còn nếu con chỉ biết quí tiền của, xan tham, chỉ muốn bòn rút của cha mẹ, thì chắc chắn cha mẹ không hưởng được sự hiếu kính của con.

Đã có trường hợp như sau. Một bà mẹ thiếu thốn, già yếu, người con không thèm hỏi tới. Khi mẹ đau ốm mặc kệ, ăn ngủ không được cũng chẳng hề quan tâm. Người mẹ buồn chán đi ở với bà con hàng xóm. Hàng ngày, bà đi bán nước chè và đi mót lúa giành dụm mua được tấm vé số khi dò số may sao bà trúng. Khi nghe mẹ trúng số thì người con lật đật tới nói với mẹ: “Thôi mẹ về ở với con cho vui, con ở xa nhớ mẹ, đêm hôm đau ốm không ai lo cho mẹ!”. Như vậy người con khi thấy mẹ thiếu thốn không có gì thì hất hủi, khi thấy mẹ có rồi thì hỷ hả, vì sao? Vì người con thiếu tu, xem của cải, miếng ăn nặng hơn ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Cho nên trong một gia đình, nếu vì tâm bỏn xẻn, anh em giành nhau, nghi nhau, không có tâm bố thí thì cha mẹ sẽ không hưởng được sự lợi ích từ con cái. Và ngược lại, con cái có tâm bố thí thì sẽ đem lại an lạc cho cha mẹ. Đó là lợi ích của bố thí.

Thứ hai là Ái ngữ: Ái ngữ là một điều hết sức cần thiết, nó cũng rất dễ làm mà cũng rất khó làm. Ái ngữ là nói lời dịu dàng, thân ái. Có người cho rằng: Lời nói dịu dàng có chi đâu mà khó làm. Thế nhưng khó vô cùng, nếu không tu không thể nói ái ngữ được, như câu chuyện sau đây:

Ngày xưa, một người chỉ nuôi sống gia đình với một con ngựa chở thuê, nhờ nó mà hàng ngày gia đình có ăn có mặc. Ngày kia, người thuê chở đem đồ đến trễ quá, đợi đến chiều mới có đồ chở về. Sẵn bực tức trong lòng, nên vừa bỏ đồ lên xe ngựa, anh liền đánh con ngựa một cái và nói: “Đồ nhãi ranh, đi đi, đồ ăn hại, đồ chết bằm“. Nghe vậy, con ngựa ì ra đó, không đi, đánh mấy cũng cứ ì ra đó. Anh đành chịu và xuống xe suy nghĩ. Một hồi sau, cơn nóng giận trôi qua, anh dịu dàng đến vuốt ve con ngựa, âu yếm nói với nó: “Thôi gắng đi đi con, còn ít giờ nữa là về nhà, giúp ta chở về nhà đi con”. Con vật nghe vậy, nó nhẹ nhàng dùng sức kéo chiếc xe đi ngay. Qua câu chuyện, chúng ta biết con vật mà cũng biết được giá trị của ái ngữ huống nữa là người ta. Do đó, đối với cha mẹ, ta phải dùng lời ái ngữ, nếu không sẽ trở thành bất hiếu.

Thứ ba là Lợi hành: Lợi hành là làm việc lợi ích. Chúng ta khoan nói lợi ích cho xóm làng, cho xã hội mà hãy nói lợi ích cho mình, cho gia đình mình. Có những người con coi việc gia đình mình như việc ai đâu, không liên quan đến mình, không thèm sờ tay tới, thậm chí như bưng chén nước chén cơm cho cha già mẹ yếu cũng không hề làm tới. Đó là những việc lợi hành mà không làm, không làm như vậy thì cha mẹ làm sao hưởng được sự hiếu kính của con!

Thứ tư là Đồng sự: Cùng làm chung với nhau, cùng làm lụng đồng sự với nhau, gây cảm tình thương yêu vui vẻ lẫn nhau, còn không thì không làm sao gây tình cảm hiếu kính với cha mẹ được. Cho nên Phật dạy một cách thấm thía rằng: Người nào biết Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự thì cha mẹ mới hưởng được sự hiếu kính cùa người con.

Như vậy, báo hiếu cha mẹ bằng cách biết công ơn cha mẹ sâu dày như non cao bể cả, mà tiền nhân của chúng ra đã nhắc tới là một nghĩa vụ thiêng liêng, là lời di huấn của người xưa để lại cho hậu thế noi theo.

"Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông,
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi”,


Tiền nhân chúng ta nói thiết tha lắm; cù lao chín chữ ghi lòng con ơi, cốt ghi chín chữ cù lao là chúng ta có hiếu rồi. Nhưng báo hiếu cha mẹ bằng hình thức chưa đủ mà còn phải báo hiếu bằng tinh thần nữa.

Trong kinh đức Phật dạy rằng: Cha mẹ chưa an trú trong Chính Pháp, làm sao giúp đỡ, dắt dẫn cha mẹ an trú trong Chính Pháp, cha mẹ chưa an trú trong điều Lành thì làm sao cho cha mẹ an trú trong điều Lành, cha mẹ chưa Quy y Tam Bảo thì nên đưa cha mẹ an trú trong Quy y Tam Bảo. Như vậy, cha mẹ không những hưởng được phúc lạc vật chất bên ngoài mà còn hưởng được phúc lạc trong tâm hồn, giải thoát bớt phiền trược, xa lánh được thế gian chấp trước, vọng tưởng luân hồi sinh tử, mà đức Phật đã nhắc nhở. Khi cha mẹ giải thoát, an vui thì sự báo hiếu của người con mới thành tựu. Nên cổ đức có câu: “Phụ mẫu đắc ly trần, hiếu đạo phương thành tựu”. (Cha mẹ được giải thoát, lìa khỏi trần ai thì người con mới tròn hiếu đạo).

Là người Phật tử, hãy ghi nhớ lời Phật dạy như vậy để hàng ngày tu niệm, hàng ngày hồi hướng công đức về cho tiền nhân cùa mình, nhất là trong ngày lễ Vu Lan, thành tâm chí kính, niệm Phật, tụng Kinh, lạy Phật, cúng dường Tam Bảo, cúng dường chư Tăng Tự tứ, để cầu mong sự chú nguyện của chư Tăng cho tiền vong của mình thoát khỏi u đồ mà siêu sinh Lạc quốc. Đó mới tạm gọi là con hiếu, là người Phật tử thuần thành trong mùa báo hiếu vậy.
Được cảm ơn bởi: Tudotutronghanhphuc
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1741
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Vi diệu

Gửi bài gửi bởi KMD »

bông hồng cài áo
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Để dâng mẹ,
và để làm quà Vu Lan cho những người nào có diễm phúc còn mẹ Medford, tháng tám 1962.

Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không lớn lên được. Cằn cỗi, héo mòn. Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: tai nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến cách mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, những bài thơ ca tụng tình mẹ, bài nào cũng dễ hát, cũng hay. Người viết, dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngày từ thu chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ, đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài ấy thì sợ sệt, lo âu... sợ sệt lo âu cho một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chắc chắn phải đến:

Năm xưa tôi còn nhỏ
mẹ tôi đã qua đời!
lần đầu tiên tôi hiểu
thân phận trẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
để dòng nước mắt chảy
là bớt khổ đi rồi...
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
mất cả một bầu trời.

Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt Nam không ưa nói cách cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là một kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách giản dị vừa đúng mức:

Mẹ già như chuối Ba Hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.


Ngon biết bao nhiêu! Những lúc miệng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lại ngực cho ta, đặt bàn tay trên trán nóng ta và than thở: "Khổ chưa, con tôi", ta mới thấy cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy, không bao giờ cùng tận. Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm thương yêu. Mẹ là giáo sư dạy về thương yêu, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của tôn giáo vốn cũng dạy về tình thương. Đạo Phật có đức Quán Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền, làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, Thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có Thánh Mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bở vì chỉ cần nghe đến danh từ mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương đi tới tín ngưỡng và hành động thì không xa, chỉ mấy bước.

Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân, tới nhà sách khu Ginza, Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc, khốn nạn nào; chúng tôi không có được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước, áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.

Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi, mới nói: "Trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào 'nhìn kỹ' được mặt mẹ". Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya, dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời, lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất, mình có cảm nghĩ: thật như là mình chưa bao giờ thật có ý thức rằng mình có mẹ.

Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên, và sẽ hỏi em, vừa cười vừa hỏi: "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ hỏi tiếp: "Mẹ có biết là con thương mẹ không?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi, cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.

Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Kiền Liên và về sự hiếu để. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương, hiếu chỉ là giả tạo, khó khăn, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ hết rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận. Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát nước thì uống. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên đi tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. Con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ, là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa, thầy giáo hỏi rằng: "con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?". Tôi trả lời: "Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi". Bây giờ thì tôi biết rằng: "con thương mẹ thì không phải "làm thế nào" gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi làm thế nào nữa!

Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị đừng có than thở rằng: "Đời ta không còn gì cả". Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì hoạ chăng có làm Ngọc Hoàng Thượng Đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc Hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc Hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.

Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng lẽ chị tôi không nên đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu; người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi. Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói: "Mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn một nhà khác". Chị tôi gục đầu xuống mâm cơm, khóc. Chị nói: "Thôi con không lấy chồng nữa". Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. Các ái từ sở thân, là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào là không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu, nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi, nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng quí báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau.

Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ. Tôi đã nói là tôi không khuyên răn ai hết, tôi không giảng luân lý đạo đức rồi mà. Tôi chỉ nhắc anh: mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương. Để anh đừng quên. Để chị đừng quên. Để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn: Cũng phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, vô tình mà bị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi.

Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh như thế này. Chiều nay, khi đi học về, hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên, và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: "Biết gì?". Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: "Mẹ có biết là con thương mẹ không?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi thì cũng hỏi câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em đều là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ được sống trong ý thức tình thương bất diệt. Và ngày mai, mẹ mất, anh sẽ không hối hận, đau lòng, tiếc rằng anh không có mẹ.

Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca, em hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi!

https://www.youtube.com/watch?v=1ffr9I_ ... i%C3%AAnBi
Được cảm ơn bởi: Tudotutronghanhphuc
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1741
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Vi diệu

Gửi bài gửi bởi KMD »

Được cảm ơn bởi: Tudotutronghanhphuc
Đầu trang

Trả lời bài viết

Quay về “Phong tục - Tín ngưỡng”