Khiêm đức

Trao đổi về lĩnh vực văn hóa và các môn cổ học khác
Trả lời bài viết
Hình đại diện của thành viên
Si Nguyen
Nhất đẳng
Nhất đẳng
Bài viết: 130
Tham gia: 07:47, 30/04/12

Khiêm đức

Gửi bài gửi bởi Si Nguyen »

I. Mãn (tự mãn) có hại, khiêm có lợi
Kinh Dịch nói thiên đạo và địa đạo không ưu doanh (doanh mãn) mà làm lợi cho khiêm (khiêm hư) là muốn biến cải con người để tự biết sửa mình, bởi thế nên phàm làm việc gì mà kiêu ngạo tự mãn (doanh) thì sẽ chuốc lấy tổn thất, còn nhún nhường (khiêm) coi mình như không thì lại được lợi ích, như trái núi quá cao thì dễ bị lở, chỗ trũng thường được nước chảy tới làm đầy; quỷ thần cũng thường gây hại cho người tự kiêu, và làm lợi ích cho người khiêm tốn nhũn nhặn. Khiêm hư là điều mà trời đất, quỷ thần và người đều trọng. Trong Kinh Dịch có quẻ khiêm là một quẻ đại cát vì lục nào cũng đều tốt cả. Kinh Thư nói tự mãn chuốc lấy tổn hại, tự khiêm được lợi ích. Theo Kinh Dịch và Kinh Thư thì khiêm là điều tốt nhất.
Ta nhiều lần cùng các sĩ tử đi thi, cứ mỗi lần thấy một hàn sĩ nào mà diện mạo, dung quang biểu lộ lòng tự khiêm của họ một cách rõ ràng như tỏa ra một ánh hào quang có thể nắm bắt được thì biết ngay người ấy sẽ đỗ đạt.
Năm Tân Mùi, mở khoa thi hội ở kinh thành, bọn chúng ta gồm có 10 người đồng hương thuộc huyện Gia Thiện cùng đi, duy chỉ có Đinh Kính Vũ, tên Tân, tuổi trẻ nhất bọn mà cực kì khiêm tốn. Ta nói với Phi Cẩm Pha, một người bạn đồng hành, là anh bạn họ Đinh này năm nay tất nhiên trúng cử. Họ Phi hỏi thấy sao mà biết được, thì ta bảo rằng chỉ có khiêm hư là được phúc. Huynh coi xem trong bọn 10 người chúng ta không ai thành tín chất phác, thực thà, nhường nhịn người, không làm mất lòng người như Kính Vũ cả; không ai cung kính, thuận hòa cẩn thận để ý khiêm nhường như Kính Vũ cả, không ai bị chế nhạo, cười chê, chỉ trích mà chẳng hề đối đáp, tranh cãi, lại cứ thản nhiên chịu đựng như Kính Vũ cả. Con người được như thế thì thiên địa quỷ thần đều trợ giúp cho, há chẳng phát đạt hay sao! Kịp đến khi yết bảng quả nhiên họ Đinh được trúng cử.
Năm Đinh Sửu, ta ở kinh cùng với Phùng Khai Chi, thấy con người của họ Phùng cực kì khiêm hư, nghiêm chỉnh, cung kính, là do thói quen tập từ thời thơ ấu biến thành. Phùng Khai Chi có người bạn tốt tên Lý Tệ Nham thực thà, trực tính, hễ gặp điều gì mà Khai Chi làm trái là nói thẳng ngay, chê trách ngay tận mặt mà Khai Chi vẫn bình tâm an hòa, thuận chịu không một lời phản đối, không để bụng giận. Ta có bảo cho biết là họa phúc đều có triệu chứng, người được hưởng phúc nhất định là do đã có sẵn căn nguyên của phúc rồi, có họa cũng do triệu chứng báo trước mà có; chỉ cần tâm thực khiêm hư thì trời đất ắt sẽ tương trợ. Huynh năm nay nhất định cập đệ. Sau thực quả nhiên đúng như vậy.
Triệu Dụ Phong, tên Quang Viễn, người huyện Quán, tỉnh Sơn Đông, lúc trẻ thi hương mãi không đậu. Thân phụ của Dụ Phong được bổ làm Tam Doãn ở huyện Gia Thiện nên y tháp tùng. Ở huyện có Tiền Kính Ngô là người có văn tài, học thức rộng. Dụ Phong ngưỡng mộ đem văn bài của mình tới nhờ chỉ giáo. Kính Ngô xem và gạch xóa, sửa bỏ nhiều chỗ. Dụ Phong không những không buồn lòng mà còn bội phục, để ý đổi cách hành văn ngay nên năm sau đi thi được trúng cử. Đó cũng là do biết khiêm tốn, nhũn nhặn, sửa mình mà đạt thành quả.
Năm Nhâm Thìn, nhân dịp vào kinh yết kiến hoàng đế, ta gặp Hạ Kiến Sở, thấy người này cực kì cung kính, nhún nhường, lòng khiêm hư biểu lộ rõ ràng khiến ai cũng phải nể; khi về ta nói cùng các bạn hữu là phàm người nào được trời giúp thì khi chưa được phát phúc, trước hết trí tuệ sẽ được khai mở; khi trí tuệ đã mở mang thì người phù phiếm trôi nổi, bất định sẽ tự nhiên biến thành thiết thực, sự phóng túng tự nhiên giảm thiểu. Kiến Sở là người ôn hòa, hiền lương như vậy nhất định sẽ được trời cho phát phúc. Đến khi yết bảng quả nhiên trúng tuyển.
Trương Úy Nham, người huyện Giang Âm, tỉnh Giang Tô, là người học rộng, đọc nhiều, văn hay nổi tiếng, năm Giáp Ngọ đi thi hương ở Nam Kinh ngụ tại một ngôi chùa nọ; khi yết bảng không có tên nên lớn tiếng nhục mạ khảo quan là mắt không tròng, không biết người. Lúc đó có một đạo sĩ ở bên cạnh nghe được bèn cười. Úy Nham liền trút cơn giận ngay sang vị đạo sĩ nọ thì đạo sĩ nói: Chắc văn bài của ông nhất định không được hay.
Lời nói này lại càng làm cho Úy Nham thêm giận mắng lớn: Ngươi có đọc văn của ta đâu mà biết là không hay? Đạo sĩ nói: Ta nghe nói hành văn quý nhất ở chỗ tâm bình, khí hòa, nay thấy ông hết lời mạ lỵ khảo quan, lòng bất bình cao ngạo thật quá đáng thì văn làm sao mà hay được? Úy Nham nghe lời bất giác phục thiện, nhân đấy xin thỉnh giáo đạo sĩ nọ.
Đạo sĩ nói: Trúng cử hay có công danh hoàn toàn do số mệnh định, số chưa được đỗ thì dù văn có hay cũng vô ích thôi, nên tự mình sửa đổi biến cải. Úy Nham nói: Đã do số mệnh như vậy thì làm sao sửa đổi? Đạo sĩ nói: Sáng tạo ra mệnh là do trời, lập mệnh là do ta, gắng sức hành thiện, tích âm đức cho thật sâu rộng thì phúc nào mà chẳng cầu được. Úy Nham lại hỏi: Tại hạ là học trò nghèo thì làm sao làm được?
Đạo sĩ bảo: Làm việc thiện, tích âm đức đều do tâm tạo ra, thường phải giữ vững tấm lòng hành thiện này thì công đức vô lượng, chẳng hạn như chỉ một việc khiêm tốn nhũn nhặn thì không phải phí tiền gì cả, sao ngươi không tự phản tỉnh, tự trách lấy mình, mà lại mạ lỵ khảo quan ư?
Do đó, Úy Nham tự hạ mình giữ gìn tu sửa, gia công hành thiện ngày một nhiều, gắng sức tu đức ngày một dày; đến năm Đinh Dậu mộng thấy đi tới một tòa nhà phòng ốc cao, được một quyển sổ ghi danh sách các thí sinh được trúng tuyển trong kỳ thi, thấy nhiều hàng bỏ trống mới hỏi người ở kế bên: Xin hỏi danh sách khóa thi này, sao lại có nhiều hàng tên bỏ trống vậy? Thì người đó đáp rằng: Ở cõi âm đối với danh sách thí sinh của khóa thi thì cứ mỗi ba năm lại cứu xét một lần, người nào tu hành, tích đức không tội lỗi gì thì có tên trong sổ, còn những hàng bỏ trống đều có liên quan tới việc trước đây thí sinh đáng lẽ đã được ghi tên vào sổ nhưng sau vì phúc bạc, phạm lỗi lầm nên bị loại bỏ ra; sau đó lại chỉ một hàng mà bảo: Nhà ngươi trong ba năm tới nên giữ thân tu tỉnh cẩn thận, họa may có thể được điền tên vào đấy, mong rằng nhà ngươi nên lưu tâm đừng phạm lỗi lầm. Khóa thi năm đó, Úy Nham trúng cử vào danh sách một trăm lẻ năm người.

II. Lòng khiêm tốn, nhún nhường, nguồn gốc của phúc
Theo đấy mà xét , chỉ ngửng đầu cao ba thước ắt đã có thần minh soi xét, muốn tránh hung hiểm họa tai, hay muốn mong được sự việc tốt lành, hẳn nhiên đều do tự ở nơi ta biết giữ lấy thiện tâm, một mực làm lành tránh ác, không một chút nào đắc tội với thiên địa quỷ thần, lại biết khiêm tốn nhũn nhặn, không tự cao, tự đại, khiến thiên địa quỷ thần thường có lòng thương mới mong có được hưởng phúc. Người mà đầy lòng kiêu ngạo, tự mãn, nhất định khí lượng hẹp hòi, dù cho có phát đạt cũng chỉ một thời mà thôi, chẳng được lâu bền và cũng chẳng được phúc. Người đã có chút kiến thức ắt phải có độ lượng rộng rãi, bụng dạ không hẹp hòi mới không tự mình bỏ lỡ cơ hội được hưởng phúc, huống chi người khiêm tốn tự hạ mình thường hay được người đời vui lòng chỉ đường hay lẽ phải cho, lợi ích thực vô cùng tận. Đây là điều mà những người tu học không thể không hiểu biết và không thể thiếu được vậy.
Lời người xưa có nói: người có chí hướng cũng như cây có gốc rễ thì mới sinh trưởng ra hoa, ra trái. Người có chí muốn lập công danh thì nhất định sẽ được công danh, muốn được phú quý ắt hẳn sẽ được phú quý. Đã lập chí thì nên thường tự nhắc nhở lấy mình cần phải khiêm hư nhún nhường dù có chuyện thật nhỏ nhặt, đối với mọi người cũng phải để ý cư xử nhũn nhặn thì mới cảm ứng được với trời đất, và cũng nên hiểu rằng việc tạo phúc là do tự mình thành tâm mà tạo nên, chẳng hạn như muốn cầu được đỗ đạt ắt phải giữ vững ý chí chân thành buổi ban đầu, chứ không phải chỉ nay hứng chí thì cầu, mai không hứng thì lại thôi.
Mạnh phu tử nói về Tề Tuyên Vương: Nhà vua rất ưa nghe nhạc mà vui thích, đại để có thể làm cho nước Tề được thịnh vượng. Đó là câu trích dẫn trong sách Mạnh Tử, Thiên Lương Huệ Vương, chương cú hạ, đại ý nói nhà vua ưu thích nhạc mà lấy làm vui, đó là niềm vui cho riêng mình, sao bằng biết đem cái lòng vui thích nhạc đó chuyển đổi sang làm cho bách tính cũng được hoan hỷ cùng với nhà vua, thì dân ắt sẽ vì vua tận lực phụng sự, nước Tề ắt phải thịnh.
Ta đối với việc khoa cử đề danh cũng tựa như vậy, nghĩa là cũng đem lòng chân thành cầu danh đó với ý định thiết thực tận tâm, tận lực làm việc thiện và giúp đỡ mọi người ngõ hầu mới biến đổi được số đã định để được hưởng phúc bởi một vận mệnh do mình tự tạo ra.
Được cảm ơn bởi: Nguyen A, TiT_TinhKhong_TiT
Đầu trang

Hình đại diện của thành viên
Si Nguyen
Nhất đẳng
Nhất đẳng
Bài viết: 130
Tham gia: 07:47, 30/04/12

TL: Khiêm đức

Gửi bài gửi bởi Si Nguyen »

Đức khiêm nhường của bậc chí nhân
Nguyễn Bình Phương

Những người thực tài, lại có bề dày văn hóa thì luôn khiêm tốn. Bậc chí nhân bao giờ cũng nhún nhường. Điều này có thể lấy dẫn chứng từ hai bức thư của hai con người nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.
Bức thư thứ nhất là của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cụ Bùi Bằng Đoàn về việc thảo lời điếu cụ Nguyễn Văn Tố. Toàn văn bức thư như sau:

“Kính gửi cụ Bùi,
trưởng Ban Thường trực Quốc hội
Tôi muốn có một bài truy điệu cụ Tố. Nhưng nhờ người viết thì không biết nhờ ai. Tự viết lấy thì viết không được, vì xưa nay tôi chưa hề tập viết văn tế.
Vậy tôi cứ bạo dạn thảo ra đây, trình cụ xem. Nếu có thể sửa được thì xin cụ sửa giùm. Nếu không thể sửa, thì ta làm văn xuôi vậy.
Khi tôi thảo xong, đọc lại, nghe khá chướng tai. Vì đối với cụ, tôi không dám giấu dốt, nên cứ gửi để cụ xem.
Mong kỳ hội đồng sau sẽ được gặp cụ. Kính chúc cụ mạnh khoẻ và xin cụ chuyển lời tôi hỏi thăm cụ Phan và cụ Vi.
Chào thân ái và quyết thắng
Tháng 5 năm 1948
Hồ Chí Minh”
(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 - Nxb. Chính trị Quốc gia,1995)

Chỉ cần so sánh địa vị của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cụ Bùi Bằng Đoàn tại thời điểm viết bức thư, ta sẽ thấy đức khiêm tốn của Hồ Chí Minh quả là đáng trọng. Đáng trọng hơn nữa, đây lại là bức thư của tác giả Nhật ký trong tù. Lời lẽ trong thư nhún nhường, khiêm cung, mang tinh thần cầu thị, đặc biệt là khả năng dám nhìn nhận, đánh giá đúng thực lực tác phẩm của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tự viết lấy thì không viết được, vì xưa nay tôi chưa hề tập viết văn tế”. Đó là lời nói thẳng, nói thật, nói rõ ràng về hạn chế của mình mà không viện bất kỳ lý do nào để che giấu cái hạn chế ấy. Xét theo xu hướng chung là xưa nay thiên hạ vốn thích che cái xấu lại, phô cái tốt đẹp ra thì đây thật là một thái độ can đảm. Không chỉ dừng lại ở việc nhìn nhận ra mặt hạn chế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mạnh bạo tự đánh giá kết quả công việc của mình một cách công khai, sòng phẳng. Nhà thơ hiện nay có mấy ai đủ can đảm và bản lĩnh nhận xét về sản phẩm của mình như thế này: “Khi tôi thảo xong, đọc lại, nghe khá chướng tai.” Để hạ được câu tự nhận xét “nặng ký” ấy với một người địa vị, danh tiếng thấp hơn mình thì không chỉ phải là người thực sự cầu thị mà còn phải là người có tầm văn hoá, trên hết phải là người có bản lĩnh vững vàng, tin ở sự tiến bộ phía trước. Nhân gian tổng kết: “văn mình vợ người”. Văn mình bao giờ cũng hay, cũng nhất. Thoát khỏi được cái tổng kết chết người ấy thật chẳng dễ nếu thiếu đi sự tỉnh táo, sáng suốt. Tiến thêm được một bước nữa, là phục người khác, lại là điều khó khăn. Rõ ràng ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng kính phục cụ Bùi Bằng Đoàn, thái độ kính phục được thể hiện qua những câu chữ như: “trình cụ xem”, “Nếu có thể sửa được thì xin cụ sửa giùm.”, “Vì đối với cụ, tôi không dám giấu dốt...” Đọc những câu chữ ấy ta hiểu thêm rằng vì sao Hồ Chí Minh được gọi là danh nhân văn hoá thế giới.

Bức thư thứ hai là của bậc chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu gửi cho nhà thơ Hàn Mặc Tử. Thư được viết năm 1932, sau khi Phan Bội Châu đọc được ba bài thơ của Hàn Mặc Tử đăng trên báo Thực nghiệp.

“Kính thưa tác giả P.T tiên sinh,
Tác giả cho tôi đọc ba bài thơ, tôi lấy làm hân hạnh cho “Mộng du thi xã” lắm. Xem trong thâm oán cao tình, thanh tân nhã điệu, tôi chỉ phàn nàn rằng, người oán quá cao, tất nhiên người họa phải ít, cho nên tôi chỉ tục điếu ba bài mà thôi, còn như nói rằng tôi nói thơ được với tác giả thì tôi không dám. Ôi! Hồn giao nghìn dặm, biết làm sao bắt tay nhau mà cười lớn một tiếng, mới là thỏa hồn thơ đó”.
(Báo Tin tức Sài Gòn số 9, ngày 24-2-1940)

Phan Bội Châu sinh năm 1867, còn Hàn Mặc Tử sinh năm 1912, nghĩa là cụ Phan hơn Hàn Mặc Tử tới 47 tuổi, thế mà trong thư ta không thấy sự chênh lệch quá lớn ấy, chỉ có thái độ lịch sự “kính thưa... tiên sinh... tôi lấy làm hân hạnh”, và một vẻ nhún nhường hạ mình tràn đầy văn hóa “còn như nói rằng tôi nói thơ được với tác giả thì tôi không dám”. Nên nhớ Phan Bội Châu cũng là một bậc thi sĩ tài hoa, học cao hiểu rộng và thời điểm thư viết thì danh tiếng của cụ trong xã hội nổi hơn Hàn Mặc Tử. Trước một thái độ tràn đầy văn hóa và sự khiêm tốn như vậy, quả thực chỉ còn biết ngả mũ cúi chào, không bàn gì thêm được nữa.

Xin mở ngoặc thêm chút nữa: Đối với bản thân thì cả hai đều khiêm tốn vậy, nhưng họ nhận xét về nhau thì lại không tiếc lời. Hồ Chí Minh đánh giá Phan Bội Châu là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập”. Trong khi đó Phan Bội Châu viết thư cho Hồ Chí Minh, lúc ấy còn gọi là Lý Thụy, với tư cách vừa là người cùng chí hướng, vừa là bậc cha chú (vì là bạn của cụ Nguyễn Sinh Sắc) bày tỏ tinh thần tôn trọng hết mực: “... tôi cũng chẳng ngờ rằng rồi cháu lại giỏi đến thế này. Bây giờ tôi bì với cháu thì xấu hổ nhiều lắm... Cháu là người học rộng hiểu biết nhiều, hơn tôi không biết bao nhiêu...”

Qua thái độ từ hai bức thư trên còn thấy một điều nữa: những bậc chí nhân, chí thánh, những người có khả năng nhìn xa trông rộng luôn hiểu rõ và coi trọng cái quyền uy của văn chương, chữ nghĩa.

(Nguồn: Vanvn.net)
Được cảm ơn bởi: Nguyen A
Đầu trang

Nguyen A
Tam đẳng
Tam đẳng
Bài viết: 503
Tham gia: 12:37, 12/06/12

TL: Khiêm đức

Gửi bài gửi bởi Nguyen A »

Những bài viết bác posted cháu thấy rất hay và ý nghĩa :-bd . Cám ơn bác nhiều lắm! Mong tiếp tục được thưởng ngoạn những bài viết mới của bác :)
Đầu trang

Trả lời bài viết

Quay về “Văn hóa - Cổ học”