Tây Hồ

Trao đổi về lĩnh vực văn hóa và các môn cổ học khác
Mẫu Đơn
Nhị đẳng
Nhị đẳng
Bài viết: 261
Tham gia: 11:35, 24/12/09

Tây Hồ

Gửi bài gửi bởi Mẫu Đơn »

Sáng nay MĐ đi qua Lạc Long Quân, có một đoạn Hồ Tây chưa kè còn nguyên bờ đất. Bỗng giật mình vì phong cảnh đẹp kỳ lạ. Mặt hồ mù sương, mưa bay lất phất bàng bạc đủ che đi nhưng tòa nhà cao tầng mới mọc, loáng thoáng rặng liễu mới trồng... tiếc là không có máy ảnh!, nhưng có lẽ cũng chẳng máy nào chụp nổi cái cảnh thần tiên ấy!

Lần về lịch sử Hồ Tây, mỗi nơi nói 1 kiểu và MĐ không ưng với bài nào. MĐ nghĩ ra có một cách thú vị hơn là lần theo dấu trong bài phú Tụng Tây Hồ Phú nổi tiếng của Phạm Thái.

Nguyên văn bài Phú:

Chiến "Tụng Tây Hồ Phú"

Ngán nhẽ tụng Tây hồ;
Ngán nhẽ tụng Tây hồ!
Vốn trước đã lở hầm toang hoác vũng;
Có lẽ đâu mọc đá nhấp nhô gò?
Người rằng nơi Long tử khoét làm vũng, bởi được bùa quái chú Huyền trao, vậy cáo trắng hách hơi vào đại trạch,
Kẻ bảo ấy Cao vương đào chặn mạch, vì mảng tiếng chuông thầy Khổng nện, nên trâu vàng theo dấu đến trung đô.
Bốn mặt chứa châu cung, kim điện;
Một doành thâu băng chử, ngọc hồ.
Bãi
Dâm Đàm gió thét trận Trưng Vương, khi chướng vụ khua ran đầu lính ngất;
Gò Lãng Bạc tuyết tan đồn Bắc tướng, đàn lộ âu tắm lẩn bóng trăng nhò.
Có thu nguyệt mới nước trời in sắc;
Chửa xuân thiên sao hoa cỏ theo mùa?
Cát xô lên mỏ phượng lù sù, hình thu nữ thẹn lên lầu nguyệt kính;
Nước chảy xuống hàm rồng róc rách, dáng xâu lang rót lại chén đồ tô.
Toà thạch tháp đã tan bình xá lị;
Đống thổ đôi đà nát dấu linh phù.
Lưới Mục lang âu nát mất cả giềng, gian chẳng bắt, nữa hoài công bắt hổ;
Gươm Trấn Võ chỉ còn trơ những sống, giặc không giam mà cố sức giam rùa.
Thiên niên nếu được lâu, sao quán nát;
Vạn bảo nào có báu, để ghềnh nhô.
Ngắm tăng ni thơ thẩn khổ tu hành, anh xe vóc, chị mũ vàng, đảnh đảnh thế, ở làm trò Phạm Vũ;
Xem đồng quan dở dang chiều lý thú, đứa dải đào, thằng khăn thắm, láo lức thay, chạy đến quấy Nghi Vu.
Ông Đá dãi dầu hình tượng miếu;
Bà Đanh vắng ngắt tiếng chuông chùa.
Nhà tranh đua đều khấn bụt cầu ma, đường Quan thánh khéo lăng nhăng lít nhít;
Chợ xao xác những buôn hùm bán quỷ, mái Trương Lương nghe lếu láo y o.
Khói lò gạch thổi lưng trời ngùn ngụt;
Sóng cánh hàn xô sườn đá ồ ồ.
Bãi Đuôi nheo tanh ngắt giống tinh chiên, nước trong hồn vẻ nguyệt chẳng còn ưa, thuyền du tử lái chạy ra cho chóng;
Hồ cổ ngựa thối hoăng mùi đại tiểu, hoa thơm giận chiều xuân sao nỡ phụ, lều cư nhân tranh nát đã như vò.
Yên công tử ắt đà long cổ nối;
Mộc vũ thần âu hẳn gẫy ta co.
Thoi oanh dầu dệt liễu nên tơ, cửa nam khó xỏ kim thêu túi;
Đèn đóm dẫu soi sen thấy lửa, quân Tây khôn hút điếu hun lò.
Quyên oán hạ thiên đà khắc khoải;
Ve hờn nam địa mới rì rù.
Chùa Châu long hương cúng khét mù, nghe mõ cá đã rúc vang cầu Trúc;
Hồ Bạch mã sen bay mất cả, làm giấy hoa đem bán dải sông Tô.
Ngắm cảnh trí cũng mảng vui mấy thú;
Xem phong quang nào có vẻ một khu.
Cái cô đình cho gió lọt hoa kề, lơ thơ cảnh đượm màu sương, đường tạo hoá đã in chân thuý bích;
Con tiểu đĩnh đã mây che nước chở, lóng lánh sóng in sắc nguyệt, ngỡ khuôn trời còn đúc bạc đào châu.
Góp cảnh vật đủ tháng ngày cũng hó;
Lấy cỏ hoa làm bầu bạn mà no.
Cành dưới trên sương hãy nhuộm màu xanh, ca ngư tử đã xua tan vầng ngọc thỏ;
Cây ngang dọch tuyết vừa đông bãi bạc, địch mụch nhi đã thổi sáng bóng kim ô.
Truyện Tần Hán kẻ kia cười lả lướt;
Giấc Hi Hoàng người nọ ngáy phi pho.
Cuộc doanh thâu bàn bạc bắc nam chơi, khúc lưu thuỷ gảy vài cung réo rắt;
thơ thanh nhã đề ngâm phong nguyệt mới, rượu càn khôn rót mấy chén thơm tho.
Vuông đất tròn trời, thu về chặt túi;
Ngang sông dọc núi, chở lại đầy kho.
Hóng thanh phong nằm khểnh tót Tam sơn, phơi bụng trí để đãi đoàn ong kiến;
Chở minh nguyệt tếch về ngay Nhị thuỷ, gương mắt thần mà ngắm thế trai cò.
Bấy nhiêu đã lấy chi làm thắng khải;
Còn những đâu mà dám nói nhàn ngu?
Cao minh chi mà biết phép quan ngư, nào có phải
Ba La cổ sắt ;
Tài cán ấy khó làm mưu dụ tượng, dễ mà như
Hư Tĩnh thư phù.
Đường ngoạn thưởng lờ mờ móng ngựa;
Cung du quan mù mịt bòng dù.
Đồ ăn thức mặc, ngán nỗi phố phường, xem phong vị khó như đời đại hữu;
Kẻ ám người gian, gớm thay quân tướng, ngẫm minh lương nào phải đạo trung phu.
Chữ lối cua bò, lằng nhằng thư thảo;
Thơ ròng chó chạy, láo nháo xướng thù.
Nhạc tiêu thiều còn lõm bõm khúc xưa, tiếng thanh điểu gọi người đi kẻ lại;
Sắc chương phủ hãy lờ mờ dấu cũ, ngọn kim phong lay lá rụng chồi khô.
Con túc vụ mờ mờ về lĩnh quạnh;
Cái cô hồng thăm thẳm tếch sương mù.
Chốn thi đình ve giục mới hè sang bốn vách in sầu
thơ bạch nhạn ;
Mái cầm viện dế kêu liền thu đến, vài gian kết thảm lưới thanh thù.
Đàn dế rúc sương, cung ánh ỏi;
Lửa huỳnh đưa gió, bóng tù mù.
Cát xô lên mặt nước trắng phau phau, nghĩ ấy thầy Tân đem hạc múa;
Trăng lạnh xuống đáy hồ trong vằng vặc, tưởng rằng ông Lý cưỡi kình mò.
Khóc khí vận tối căm con đỗ vũ;
Kêu cơ hoang sớm tủi cái hà mô.
Quyên thét lâu thì luống để hờn lâu, bên cầu vồng nghe nhịp trống khua trăng, vì Nam tướng phải căm lòng Bắc sĩ;
Ếch kêu mãi lại càng thêm oán mãi, trên thành trì lắng ngọn còi huýt gió, bởi Tây triều mà ghét chí Đông phu.
Than với đất cả đoàn ong lũ kiến;
Thở cùng trời từ cái cốc đàn cò.

Thưởng nghiên trà cho cá lội hạc bay, khi hứng vịnh nguyệt dòm quanh bóng quế;

Nhớ thuần lư sẵn ngòi sâu nước rộng, buổi quy lai gió thổi rụng cành ngô.
Kẻ cao sĩ ắt nhiều nơi trực bút;
Đứa tiểu nhân âu lắm lúc hàm hồ.
Phường Khán sơn hoa kết võng vừa rồi, đoàn kỹ nữ bẻ bai hình đến phố;
Chợ Võng thị rượu nồng hương mới chín, lỹ tuý ông tất tưởi dáng sang đò.
Khói viễn thôn khi ngọn gió ra vào, trông thấp thoáng ngỡ nhà ma cửa lấp;
Trông cổ quán lúc tấm mây cuốn mở, thấy xa xa dường núi ngất cây rù.
Chim bay nhảy đầu non vì vụt;
Cá xuống lên mặt nước thập thò.
Cảnh vưa khi quân tướng những ta xưa, thú cỏ hoa thì ai cũng chiều chơi, nào ngờ tuyết lạnh sương tan, lòng dạ ấy phải biết cho người với;
Người đến buổi quan hà về kẻ khác, thù non sống nghĩ mình chưa trả được, dẫu có trăng trong gió mát, mặt mũi nào mà vui với cảnh ru!
Quảy cả văn chương hòn đất lấp;
Chảy băng danh vọng khúc sông nhô.
Quỷ dạ xoa quấy bụt xuống chi đây, người bách nghệ đến đâu đều khổ não;
Thần hạn bạt nát ai ra đấy tá, kẻ tam nông mong chẳng được tô nhu.
Cơn binh lửa trải mấy tao dời đổi;
Buổi phong trần thêm mấy dịp tranh đua.
Lớp tang thương rơi rụng tựa hoa tàn, ngẫm thiên đạo cũng vui thay cảnh thú;
Cuộc Nam Bắc được chăng dường chớp giật, nghĩ thời cơ thêm ngán nỗi khuông phù!
Đường vinh nhục nọ dòng nước chảy;
Áng lợi danh kìa đá lửa khua.
Gánh quân thân ai đã mỏi vai rồi, kẻ tráng sĩ làm thinh đi chẳng dứt;
Vạc quốc bảo khách còn dang cánh kéo, đứa nhâm nhân gắng sức lại mà hò.
Du hồ dễ mấy ai Phạm Lãi;
Phù hải âu chẳng một Tử Do.
Cửa âm dương khép mở sớm khuya liền, cơ huyền diệu khó lường sinh với tử;
Xe nhật nguyệt dẩy dun xuôi ngược mãi, kiếp phù hư khôn tính hữu hay vô.
Vầng trăng nọ tròn rồi lại khuyết;
Bình nước kia đấy lắm có khi rò.
Nhớ khi thanh dạ tần trăng, sen thoang thoảng đưa phong trà ướp mộc;
Tưởng buổi đoan dương quạt gió, lửa bừng bừng đun ấm rượu ngâm bồ.
Thanh cung khi hạ tới nắng đương nồng, nhồi phấn phun hương, so thanh lãnh với đông kia chẳng kém;
Lãng uyển buổi thu tàn hoa chửa rã, thêu hồng kết lục, vi phân phương cùng xuân ấy không thua.
Thủa ngự du đưa đĩnh phượng thuyền rồng, thẻ thanh hồng hoa cắm chặt áo tiên, thu được cả vương hầu khanh tướng;
Khi tứ yến bầy đàn loan quân phượng, khúc vũ nghê gió thổi lên cung nguyệt, vui mừng đều thành thị hải ngu.
Nông nỗi ấy kể càng thêm thảm nhỉ;
Cơn cớ này ai hầu dễ biết cho.
Đến nay:
Tan tành phong cảnh;
Nát bét qui mô!
Cơn thảo muội những gặp điều biến cải;
Lúc phong trần khôn thấy hội đô du.
Nhận cố cung phai nhạt màu xưa, tới mộc thạch cũng đeo sầu tiêu xác;
Xem hồ thuỷ thẹn cùng sắc nước, đến cỏ hoa đều ê ủ phân phu.
Thấy địa trận lắm nơi xoay gió lốc;
Xem thiên văn đương lúc thẳng sao rua.
Thuở bát chuyên độn lại thêm phiền, Canh Thân ấy ắt còn bền tựa đá;
Quẻ lục hợp bói ra cũng phải, Nhâm Tuất kia âu hẳn nát như tro.
Vận hội ấy nghĩ cũng đà nên biến;
Công lao kia xem chứa chút nào bù.
Nếu ra tay thì núi lở sông reo, thề chí ấy để vững ngôi nhân thế;
Hễ chớp mắt hẳn trời xoay đất chuyển, quyết gan này đem lại đứng thiên khu.
Có trung nghĩa hẳn không cùng lưỡng lập;
Để tinh thần cho thấu đến cửu u.
Rửa quan hà sạch dấu tanh hôi, vạn vũ được nhờ ca hữu tượng;
Quét thành thi hết loài gai góc, bốn phương đều đội đức vô ngu.
Bởi con Tạo có tơ gây lắm mối;
Vậy thợ Trời không thắm nhuộm nên ngù.

Kèn Thọ Xương đưa khách bắc nam về, thổi vu ký vu quy hồ hi hí;

Văn Quảng Bá viếng người khanh tướng chết, khó vô cô vô cố vi ô hô!
Kèn thổi thế dễ ai đua ngón được;
Văn khóc kia mấy kẻ đặt lời so.
Nghĩ thời cơ mà thêm cám cảnh thay, thử liếc mắt ngắm cùng con âu lộ;
Ngắm thế sự mới cùng ngao ngán nhẽ, sẽ rỉ tai bàn với lũ mục sô .
Rằng thiện ác vì ai dùi đứt lưới;
Hỏi thịnh suy nào kẻ đạp toang lò.
Vận hoang niên nào có ít tử hung, được vui thoả hẳn quên câu oán nhạn;
Người loạn thế biết bao nhiêu cơ cận, lúc no say đà gợi khúc ca phù.
Máy trời đất chẳng khác chi bàn rối;
Vòng cổ kim xem tựa giống đèn cù.
Chính sự này đừng nói với ta chi, nỏ kim quy để nhằm con quái thỏ;
Văn chương ấy chớ khoe cùng tớ nữa, cung mộc tinh dành bắn cái yêu hồ.
Gẫm nhân sự biết rằng cơ trị loạn; Xem hồ quang đã không dấu thanh du.
Con lộc kia nào có phép toàn đâu, ông ngồi mã thượng hãy rình theo, còn quen thói nịnh tà mà chỉ lộc;
Khóm do nọ hẳn đến ngày thì cắt, kẻ muốn tình chung mà rửa sạch, bỗng buông tuồng gian ác lại sùng do.
Đá khiết bạch khó mài mầu xiểm nịnh;
Nước thanh quang khôn lọt vết tham ô.
Quốc đã nguy mà tướng lại không tài, phép đâu biết rằng cơ trị loạn;
Quân thì ám vả thần du chỉ nịnh, lẽ nào hay đến chốn điều trù.
Nẻo tiên cũng khó tìm nơi hoá;
Dấu phật du khôn xuống đấy tu.
Võ sự xem ra khổ man di, thẳng bước tới đứa chen vào, chiến trận thế cũng cờ giong trống giục;
Đạo học ngẫm chẳng theo hiền thánh, kẻ bày lời người thưa dịch, thi cử gì mà cửa lệch sân xô.
Khí tượng ấycũng chưa vương được nhỏ;
Anh uy này toan lại đế cho to.
Đây nay:
Chơi thì đã trải;
Ở cũng không thô.
Nghĩ cước sợ lây hơi chung đỉnh;
Nên mình còn nhẫn dấu phần du.
Giận vì thằng sao nỡ đặt "Tụng Hồ", bênh nguỵ tặc bỏ ơn đời đế thế;
Cho nên đây phải hoạ vần "Chiến tụng", nguyện ngô quân đem lại nếp hoàng đồ.


---------------

Bài phú này được làm vào năm 1800. Phạm Thái đến chơi nhà bạn ở kinh đô, nghe đọc bài "Tụng Tây hồ phú", hỏi ra là do Chương Lĩnh hầu Nguyễn Huy Lượng sáng tác. Lượng vốn là tôi nhà Lê, sau làm quan với Tây Sơn, viết bài "Tụng Tây hồ phú" để ca ngợi vua Quang Trung. Phạm nhân đó hoạ lại bằng bài này để bày tỏ lòng trung của mình với nhà Lê.
Mỗi câu thật ngắn nhưng để hiểu cũng phải tìm nhiều. Mời các bạn có nhã hứng !
Đầu trang

Mẫu Đơn
Nhị đẳng
Nhị đẳng
Bài viết: 261
Tham gia: 11:35, 24/12/09

TL: Tây Hồ

Gửi bài gửi bởi Mẫu Đơn »

Người rằng nơi Long tử khoét làm vũng, bởi được bùa quái chú Huyền trao, vậy cáo trắng hách hơi vào đại trạch,
Kẻ bảo ấy Cao vương đào chặn mạch, vì mảng tiếng chuông thầy Khổng nện, nên trâu vàng theo dấu đến trung đô.


Theo truyện "Hồ Tinh" thì hồ có tên là hồ (hoặc đầm) Xác Cáo vì truyện kể là có con cáo chín đuôi ẩn nấp ở đây làm hại dân. Long Quân dâng nước lên phá hang cáo, hang sập ra thành hồ.

Theo truyện "Không Lộ đúc chuông" thì hồ lại có tên là Trâu Vàng. Truyện kể rằng nhà sư Không Lộ có tài thu hết đồng đen của phương Bắc đem đúc thành chuông. Chuông đánh lên tiếng vang sang bên Bắc. Vì đồng đen là mẹ vàng nên con trâu vàng phương Bắc nghe tiếng chuông liền chạy đi tìm mẹ. Tới đây tiếng chuông dứt, nó không biết đi đâu, quần thảo mãi khiến đất sụt thành hồ.

Còn "Cao Vương đào chặn mạch" thì thế nào nhỉ?
Đầu trang

tuetvnb
Thượng khách
Thượng khách
Bài viết: 1502
Tham gia: 12:44, 25/12/08

TL: Tây Hồ

Gửi bài gửi bởi tuetvnb »

Thời nhà Đường, Cao Biền được cử sang làm Tiết độ sứ, cai quản đất giao châu, xưng là Cao Vương. Cao Biền là một người rất tinh thông học thuật Địa Lý, cho nên khi sang Giao Châu, ông đã bỏ nhiều thời gia và công sức để đi xem xét, tìm kiếm các kiểu đất. Và ông nhận thấy Giao Châu có rất nhiều quý địa, xuất thần đồng, thánh nhân, vì thế ông ra tay trấn yểm các kiểu đất này để phục vụ mục đích đô hộ lâu dài. Truyền thuyết kể rằng, ông đã xem xét thế đất Thăng Long, thấy đây là một thế đất cực lớn, nên đã ra tay trấn yểm bằng nhiều phương pháp, mà Hồ Tây ngày nay là sản phẩm của việc trấn yểm ấy, truyền thuyết cho rằng Cao Vương đã Đào Hồ Tây để chặn đứt long mạch của Thăng Long.
Tuy nhiên, đấy mới chỉ là phương diện TRUYỀN THUYẾT, còn thực tế, Hồ Tây là vết tích của một đoạn sông Hồng, khi sông Hồng đổi dòng, đã tạo nên Hồ Tây.

Cám ơn Mẫu Đơn, Bài Phú hay quá!

Ta thích câu này :

...Cát xô lên mặt nước trắng phau phau, nghĩ ấy thầy Tân đem hạc múa;
Trăng lạnh xuống đáy hồ trong vằng vặc, tưởng rằng ông Lý cưỡi kình mò....
Được cảm ơn bởi: Mẫu Đơn
Đầu trang

Mẫu Đơn
Nhị đẳng
Nhị đẳng
Bài viết: 261
Tham gia: 11:35, 24/12/09

TL: Tây Hồ

Gửi bài gửi bởi Mẫu Đơn »

Ở đây cũng lắm người hoài cổ thật!

tuetvnb cám ơn thì cám ơn ông Phạm Thái, sao lại cám ơn Mẫu Đơn. Nhưng quả là bài đáp trả này của Phạm Thái trội hơn hẳn bài Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng. Cảnh Cát xô trăng lạnh .. hồi xưa Mẫu Đơn cũng đã được thấy nhiều lần, có lẽ đến 20 năm có lẻ. Tuy nhiên khi ấy còn bé nên chỉ nhớ chứ không thành văn thơ ... mà cái cảnh trăng lạnh Hồ Tây sao mà nó lanh lẽo đến rợn người. Cứ cảm giác khi ấy bao nhiêu hồn ma cung tần mỹ nữ bị giam trong lầu son gác tía của những Hành cung vua chúa ven Hồ, một đời hồng nhan cá chậu chim lồng phẫn uất mà trầm mình tự vẫn, bao nhiêu những hồn ma ấy mò lên chơi cả... lạnh lẽo đến rợn người! Có lần ta ngồi uống rượu với bạn, nâng 1 chén lại đổ 1 chén xuống hồ mời các Nàng, lúc ấy nghe như vẳng vẳng có tiếng người râm ran xung quanh... hahaha tuetvnb tin không?

Ờ... mở đầu bằng chuyện Lạc Long Quân trừ yêu tinh, Cao Vương trấn yểm.. hay hay!

Đến đoạn này:

Bốn mặt chứa châu cung, kim điện;
Một doành thâu băng chử, ngọc hồ
Bãi Dâm Đàm gió thét trận Trưng Vương, khi chướng vụ khua ran đầu lính ngất;
Gò Lãng Bạc tuyết tan đồn Bắc tướng, đàn lộ âu tắm lẩn bóng trăng nhờ. .


Theo thư tịch thì thế kỷ XI, hồ này đi vào lịch sử với tên là Dâm Đàm (Đầm mù sương), tới thế kỷ XV thì đã gọi là Tây Hồ. Hồ còn có tên là Lãng Bạc, trùng với tên nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quân của Hai Bà Trưng và quân Hán ở vùng Tiên Sơn tỉnh Bắc Ninh

Hồ Tây từ lâu lắm đã là thắng cảnh. Thời Lý - Trần, các vua chúa lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí, như cung Thúy Hoa thời Lý, điện Hàm Nguyên thời Trần nay là khu chùa Trấn Quốc, cung Từ Hoa thời Lý nay là khu chùa Kim Liên, điện Thuỵ Chương thời Lê nay là khu trường Chu Văn An...

Đọc đến đoạn này thì hiểu nghĩa chứ không hiểu ý. Thế nào là "doành thâu băng chử, ngọc hồ"., "khi chướng vụ khua ran đầu lính ngất" rồi "đàn lộ âu tắm lẩn bóng trăng nhờ". Hay chuyển ngữ sai nhỉ :)
Đầu trang

tuetvnb
Thượng khách
Thượng khách
Bài viết: 1502
Tham gia: 12:44, 25/12/08

TL: Tây Hồ

Gửi bài gửi bởi tuetvnb »

Bốn mặt chứa Châu cung, kim điện – Bốn mặt đều có Cung Ngọc, Điện Vàng (là nơi hành lạc của vua chúa) – đầy mùi tục lụy, nơi đây chôn vùi biết bao cung nữ tài sắc, trở thành đổ chơi cho bọn hôn quân, quỷ chúa.


Một doành thâu băng chử, ngọc hồ - Chữ “doành” hay “duềnh” là từ Việt cổ, có nghĩa là dòng nước chảy tự nhiên. Băng là lạnh giá, Chử là người đánh cả (Chử Đồng Tử = thằng bé đánh cá :( ) => Băng Chử ý nói đến những người đánh cá lần mò trên dòng nước lạnh. Ngọc là Đá quý, nhưng cũng có nghĩa là rắn, cứng. Ngọc Hồ là cái hồ đầy đá cứng. Ý cả câu nói đến cái cảnh vất vả khó nhọc, cái cảnh trớ trêu của những con người khổ ải kiếm ăn lần mò ven hồ, để đối lại với câu trên là cảnh Điện vàng, cung ngọc của vua chúa.


Bãi Dâm Đàm gió thét trận Trưng Vương, khi chướng vụ khua ran đầu lính ngất : Bãi Dâm Đàm (trước thời Trưng Vương, khu vực Tây Hồ là bãi sông Hồng, nơi diễn ra trận đánh của nghĩa quân Hai Bà), nghe tiếng gió mà tưởng như tiếng la hét trong trận chiến Trưng Vương với quân Hán. Và mỗi khi “chướng vụ” (trái gió trở trời) thì lại thấy hiện lên đoàn quân không đầu chết trận ngày xưa.


Gò Lãng Bạc tuyết tan đồn Bắc tướng, đàn lộ âu tắm lẩn bóng trăng nhờ - Gò Lãng Bạc bên Hồ tây, là nơi đóng đồn của tướng giặc phương Bắc (ko biết thời nào), mỗi khi đêm trăng lờ mờ oan hồn thường hiện lên thành những đàn cò (lộ âu – cò vạc) lêu đêu tắm trăng.
Vì Bài Phú này Phạm Thái đặt tên là “Chiến Tụng Tây Hồ Phú” làm để “chiến” lại bài Tụng Tây Hồ Phú của Nguyễn Huy Lượng, cho nên đại ý cả bài là “chê” những cảnh Tây Hồ mà Lượng đã tả rằng đẹp, cũng là “chê” lại chính Lượng.

Đoạn này, Nguyễn Huy Lượng viết trong “Tụng Tây Hồ Phú” như sau :

Tiếng nghe gọi Dâm Đàm, Lãng Bạc
Cảnh ngó in tinh chử, băng hồ
Sắc dờn dờn nhuộm thức lam xanh, ngỡ động bích nổi lên dòng lẻo lẻo
Hình lượn lượn uốn vòng câu bạc, tưởng vầng ngân rơi xuống mảnh nhò nhò




Hazzzz... Luận văn thế này, giá có vài chén rượu, thêm mỹ nhân rót nữa thì ...tuyệt cú mèo.





Mời tao nhân mặc khách tứ phương vào đây đàm văn với bọn ta, thỉnh!
Được cảm ơn bởi: Mẫu Đơn
Đầu trang

Mẫu Đơn
Nhị đẳng
Nhị đẳng
Bài viết: 261
Tham gia: 11:35, 24/12/09

TL: Tây Hồ

Gửi bài gửi bởi Mẫu Đơn »

"Tháng Giêng năm Nhâm Dần, Mã Viện tiến theo đường ven biển, san núi làm đường hơn nghìn dặm, đến Lãng Bạc (ở phía tây Tây Nhai của La Thành)[5] đánh nhau với vua. Hai bà thấy thế giặc mạnh lắm, tự nghĩ quân mình ô hợp, sợ không chống nổi, lui quân về giữ Cấm Khê (sử chép là Kim Khê). Quân cũng cho vua là đàn bà, sợ không đánh nổi địch, bèn tan chạy"

Đồn anh Mã Viện huynh ạ!

Chỗ nào bảo Lãng bạc nơi đánh nhau của Hai Bà Trưng với Mã Viện là ở Bắc Ninh là sai rồi... rõ ràng ở tây Tây Nhai của La Thành. hà hà.

Chữ "lộ âu" là cò, "doành" là vùng nước thì đệ công nhận, còn băng chử, ngọc hồ nghe có vẻ ép thế nào ấy. Bài chiến này đệ thấy sắc hơn bài Tụng kia. Vậy mà mọi người hay trích bài Tụng kia hơn. Cũng là 1 Chuyện Làng Văn hay ho.
Đầu trang

cvd
Tứ đẳng
Tứ đẳng
Bài viết: 954
Tham gia: 14:33, 10/07/09

TL: Tây Hồ

Gửi bài gửi bởi cvd »

Oh, nghe tên Mẫu Đơn cứ ngỡ là một quý công nương, phu nhân cao sang quyền quý, không ngờ là một bậc trượng phu. Có lẽ huynh đài rất yêu thích hoa mẫu đơn chăng?
Đầu trang

Mẫu Đơn
Nhị đẳng
Nhị đẳng
Bài viết: 261
Tham gia: 11:35, 24/12/09

TL: Tây Hồ

Gửi bài gửi bởi Mẫu Đơn »

tuetvnb đã viết:Bốn mặt chứa Châu cung, kim điện – Bốn mặt đều có Cung Ngọc, Điện Vàng (là nơi hành lạc của vua chúa) – đầy mùi tục lụy, nơi đây chôn vùi biết bao cung nữ tài sắc, trở thành đổ chơi cho bọn hôn quân, quỷ chúa.


Một doành thâu băng chử, ngọc hồ - Chữ “doành” hay “duềnh” là từ Việt cổ, có nghĩa là dòng nước chảy tự nhiên. Băng là lạnh giá, Chử là người đánh cả (Chử Đồng Tử = thằng bé đánh cá :( ) => Băng Chử ý nói đến những người đánh cá lần mò trên dòng nước lạnh. Ngọc là Đá quý, nhưng cũng có nghĩa là rắn, cứng. Ngọc Hồ là cái hồ đầy đá cứng. Ý cả câu nói đến cái cảnh vất vả khó nhọc, cái cảnh trớ trêu của những con người khổ ải kiếm ăn lần mò ven hồ, để đối lại với câu trên là cảnh Điện vàng, cung ngọc của vua chúa.


Mời tao nhân mặc khách tứ phương vào đây đàm văn với bọn ta, thỉnh!
Chỗ này đệ đang hiểu khác... chữ "Chử" còn có nghĩa là "bãi nhỏ". Ý 2 câu trên không phải là để đối nghịch như ý huynh mà chỉ để tả cảnh: Bốn mặt chứa cung vàng điện ngọc, Một dải nước thu gom cả bãi trong như băng, hồ đẹp như ngọc

Đệ suy từ câu của Nguyễn Huy Lượng: Cảnh ngó in tinh chử băng hồ... chữ Chử ở đây nếu hiểu là người đánh cá thì có lẽ không thoát lắm. Vả lại cặp băng - ngọc hay đi với nhau nghe thuận hơn là tinh - ngọc. Chê văn nhau có nhẽ ở chỗ này chăng?

Àh mà Nguyễn Huy Lượng là tôi nhà Tây Sơn, Phạm Thái vẫn là trung thần nhà Lê nên làm bài Chiến Tụng tây hồ phú để than (khéo) cho cái sự nuối tiếc Lê triều thôi và tất nhiên đọ tài văn chương. Đệ nghĩ sự tình không căng thẳng lắm như ý huynh đâu!

Phản biện huynh mấy lời, mong đựoc học hỏi thêm!
Đầu trang

Mẫu Đơn
Nhị đẳng
Nhị đẳng
Bài viết: 261
Tham gia: 11:35, 24/12/09

TL: Tây Hồ

Gửi bài gửi bởi Mẫu Đơn »

@cvd: Hân hạnh được tỷ vào ghé thăm topic, đệ hoa nào cũng yêu, duy có Mẫu đơn có phần hơi trội do khâm phục cái ý chí kiên cường. Tỷ biết truyền thuyết Mẫu Đơn chống lệnh Võ Hậu không chịu nở nên bị biếm đi Giang Nam chứ? Oh, đọc chữ ký của tỷ chắc cũng bậc anh thư quần hồng đây.

Hân hạnh! Hân hạnh!
Đầu trang

cvd
Tứ đẳng
Tứ đẳng
Bài viết: 954
Tham gia: 14:33, 10/07/09

TL: Tây Hồ

Gửi bài gửi bởi cvd »

Võ Tắc Thiên với hoa Mẫu Đơn

Hình ảnh

Tương truyền, vào một mùa đông sau khi bà Võ Tắc Thiên lên làm Nữ Hoàng, bà bỗng rất phấn khởi thích thú dẫn các cung tần mỹ nữ đi một quán uống rượu ngắm trăng. Lúc này tuyết vừa ngừng rơi, chỉ thấy bên ngoài một màu trắng xóa, cảnh vật như khoác trên mình chiếc áo choàng trắng phau; cây cối hoa cỏ trông như muôn ngàn cành bạc lá ngọc, hết sức đẹp mắt. Bà Võ Tắc Thiên ngắm cảnh tuyết ngoài trời mà trong lòng mê say, bỗng, bà phát hiện trong cảnh trắng phau một màu có những đốm màu đỏ nhảy nhót như những đốm lửa đang cháy. Nhìn kỹ , thì ra là những bông hoa Mai đỏ đang nở rộ. Bà cảm thấy rất đỗi vui mừng. Bất giác bà liền hứng khẩu thành thơ, bày tỏ tâm trạng hân hoan của mình. Các cung tần mỹ nữ tháp tùng bà đến đây uống rượu thấy bà phấn khởi như vậy, liền tranh nhau dâng rượu cho bà.
Lúc này, một Tần phi thưa với bà rằng: "Muôn tâu Võ hậu, hoa Mai đẹp mấy đi nữa, chẳng qua cũng chỉ là hoa nở một loài. Nếu như Võ hậu ra chỉ lệnh, khiến vườn hoa trước mặt thành trăm hoa đua nở, chẳng phải sẽ càng phù hợp với ý muốn của Võ hoàng hay sao? "
Một Tần phi khác lắc đầu nói: "Lúc này là mùa đông giá lạnh, chỉ hợp với hoa mai nở mà thôi. Nếu như trăm hoa đua nở thì chỉ có thể chờ đến mùa xuân sang năm."
Bà Võ Tắc Thiên nghe vậy cười ha hả nói: "Hoa nở mùa xuân, không lấy gì làm lạ. Trăm hoa đua nở, mới hợp với ý ta."
Cung nữ dìu bà trở về cung điện. Thế nhưng cơn say rượu của bà chưa dứt, bà vẫn nghĩ đến chuyện trăm hoa đua nở giữa mùa tuyết trắng. Thế là, bà liền lệnh cho cung nữ mang giấy bút nghiên mực đến cho bà, bà cầm bút lông, chấm ngay mực đen, viết lên tờ giấy trắng bài thơ ngũ ngôn sau đây:
Minh triều du thượng uyển Hình ảnh
Hỏa tốc báo xuân tri
Hoa tu liên dạ phóng
Mạc đãi hiểu phong xuy
Tạm dịch như sau:
Sáng mai dạo vườn hoa
Báo nhanh mùa xuân biết
Hoa phải nở ban đêm
Chớ chờ gió mai thổi

Viết xong, bà lệnh cho cung nữ mang ra ngoài vườn hoa đốt đi, để báo tin cho Thần Hoa biết.
Các nàng tiên trăm hoa biết chuyện rất đỗi lo sợ. Mọi người liền tập chung lại để bàn đối sách.
Nàng tiên hoa Đào nhút nhát, bẽn lẽn rụt rè nói rằng: "Võ Tắc Thiên là một người đàn bà rất cay độc, việc gì bà ta cũng có thể làm ra, chúng ta không thể làm trái lòng bà ta được đâu."
Có mấy nàng tiên hoa cũng nhút nhát thỏ thẻ nói họa theo: "Đúng đấy, hay là chúng ta hãy chuẩn bị cho sớm, nở trước mùa đi thôi."
Tiên nữ Mẫu Đơn không đồng ý với ý kiến của các nàng tiên hoa: "Bà Võ Tắc Thiên quá ngang ngược. Bà ta quản lý mọi việc trần gian, nay lại muốn quản cả chị em mình nữa à. Trăm hoa nở rộ, phải thuận theo thời mùa, khai thiên lập địa, bốn mùa khác nhau. Làm sao mà có thể trái mùa, trái ý trời được? Hỡi các chị em, chúng mình không nên thuận theo ý bà ta." Nghe Tiên nữ Mẫu Đơn nói vậy, các nàng Tiên Hoa đều cảm thấy câu nào cũng đúng lẽ. Thế nhưng hễ nghĩ đến sự tàn bạo của bà Võ Tắc Thiên, ai nấy lại đều trở nên do dự rụt rè.
Lúc này đã nghe tiếng trống báo canh tư, màn trời bắt đầu hửng sáng. Các nàng Tiên Hoa thấy lòng quyết tâm vững chắc của Tiên Nữ Mẫu Đơn, đành vội vã ra về, rồi ai nấy cứ cho hoa nở rộ.

Hình ảnh



Sáng sớm hôm sau, bà Võ Tắc Thiên thức dậy, đã hoàn toàn tỉnh rượu. Sau khi ăn vận song xuôi, bà ngồi trước tấm gương để A hoàn chải chuốt. Vừa vặn lúc đó, cung nữ đẩy cửa bước vào, hớn hở báo cho bà biết rằng: "Muôn tâu Vạn tuế, ngoài vườn hoa trăm hoa đua nở rồi ạ."
Bà Võ Tắc Thiên nghe vậy, trong lòng rất phấn khởi, chẳng qua chỉ là "nói vui sau tuần rượu", vậy mà trăm hoa ngoài vườn đã nở theo lệnh của bà. Bà liền tất tưởi bước ra ngoài cung, đến trước vườn hoa. Đưa mắt nhìn ra, đã thấy hoa Đào, hoa Lê, hoa Ngọc lan, hoa Hải đường, hoa Phù dung, hoa Đinh hương đã nở rộ, khoe màu đua sắc. Ánh bình minh rực sáng rọi chiếu vườn hoa, trong màu trắng tuyết phủ hiện lên màu xanh của lá, muôn màu của hoa đung đưa trước gió, thật là quyến rũ biết nhường nào.
Lúc này, các quan triều đình lũ lượt kéo đến, ngắm nhìn quang cảnh kỳ lạ trước mắt. Bà Võ Tắc Thiên nhìn chúng khanh, đắc ý hết đỗi, bà rảo bước đến chỗ vườn hoa Mẫu Đơn trơ trụi. Thấy duy chỉ mỗi cây hoa Mẫu Đơn là không nở, cơn giận của bà nổi lên tức khắc. Bà nghĩ bụng, thế này làm sao được ! Ngay cả lệnh vua mà hoa không tuân, thì ta làm sao mà lãnh đạo được cả triều đình cơ chứ? Hơn nữa trước mặt các quan văn tướng võ, chẳng phải là bẽ mặt lắm sao? Thế là bà ta liền hét lên: "Hỡi hoa Mẫu Đơn, người sao mà to gan lớn mật, dám chống lệnh ta. Hãy châm lửa đốt hết, không để chừa một gốc nào!" Nói rồi bà hầm hầm bỏ đi.
Các võ sĩ sau khi được lệnh, liền châm lửa vứt vào vườn Mẫu Đơn mà đốt. Chỉ trong chốc lát, khói bốc lênnghi ngút, lửa cháy bừng bừng, chỉ nghe tiếng cháy tí ta tí tách từ những gốc hoa Mẫu Đơn. Nàng tiên nữ Mẫu Đơn thấy mảnh vườn Mẫu Đơn bị đốt cháy hết, không khỏi nước mắt đầm đìa, uất ức hết đỗi.
Đến giữa trưa, vườn hoa Mẫu Đơn bị lửa thiêu đốt sạch, biến thành đống tro tàn. Quan hầu liền tâu báo với bà Tắc Thiên: Xin tâu Vạn Tuế, hoa Mẫu Đơn đã bị đốt sạch thành tro rồi ạ.
Bà Võ Tắc Thiên vẫn chưa nguôi cơn giận, bà nói một cách hằn học rằng: "Nhổ hết cả gốc lẫn rễ đi, quẳng chúng ra khỏi thành Trường An, vứt chúng đến núi Mang Lạc Dương, triệt hết giống nòi gia phả nhà chúng đi!"



Hình ảnh

Trong núi Mang có nhiều thung lũng đan chéo nhau, lại thêm xa xôi hẻo lánh thê lương. Các võ sĩ liền giơ cao cuốc thuổng quật hoa Mẫu Đơn cả gốc lẫn rễ lên, chở đi Lạc Dương vào ngay đêm đó, rồi đem vứt hết trên sườn núi Mang. Ai ngờ rằng, gốc rễ hoa Mẫu Đơn vừa gặp đất mới đã ăn sâu bén rễ. Mùa xuân sang năm, hoa nở đầy núi. Người dân núi Mang liền yêu thích cây hoa Mẫu Đơn, nhà nào nhà nấy cũng mang vài gốc về nhân giống trồng trong nhà. Về sau, người trong thành Lạc Dương nghe tin cũng lũ lượt đến đây để bứt mấy gốc mang về nhà trồng.
Tiên nữ Mẫu Đơn thấy người dân thành Lạc Dương yêu thích hoa Mẫu Đơn như vậy, hết sức phấn khởi. Từ đó, cứ đến mùa xuân, hoa Mẫu Đơn nở rộ, muôn màu vạn trạng. Rất nhiều người dân, bất kể là già trẻ gái trai lũ lượt rủ nhau đến ngắm hoa, suốt từ sáng đến tối không ngớt, rừng hoa rừng người thật là hết sức hoành tráng chưa từng có.
Hoa Mẫu Đơn nở rộ tại thành Lạc Dương, đây là loài hoa Mẫu Đơn có ý chí bất di bất dịch, cho dù xương tro lòng sắt trong ngọn lửa bừng bừng của bà Võ Tắc Thiên cũng không chịu khuất phục, người Lạc Dương khen hoa là "Mẫu Đơn xương tro". Về sau, người dân Lạc Dương dày công chăm bón, hoa càng mọc càng rực đỏ, về sau nữa, mọi người lại gọi hoa Mẫu Đơn là "Lạc Dương Hồng".

(Sưu tầm)
Đầu trang

Trả lời bài viết

Quay về “Văn hóa - Cổ học”