Trang 1 trên 1

HỌC THUYẾT NGŨ HÀNH CÓ CẤU TRÚC TIÊN ĐỀ

Đã gửi: 16:05, 24/06/15
gửi bởi lytranle
Học Thuyết Ngũ Hành có cấu trúc Tiên đề


A/ Giới thiệu vài nét về Hệ Tiên Đề

Ngày nay, nhiều Bộ Môn Khoa Học được xây dựng theo Phương Pháp Tiên Đề, đặc biệt là các môn Toán Học.
Học sinh Cấp II đã được làm quen với vài Tiên Đề về Hình Học của Euclide. Học sinh cấp III đã được biết khá đầy đủ về cấu trúc của một Hệ Tiên Đề , qua Môn Hình Học lớp 11. Hầu như, các Bộ Môn Toán Học Cao Cấp và Toán Học Hiện Đại đều được xây dựng bằng Phương Pháp Tiên Đề.

I/ Hệ Tiên Đề :

1/ Cấu trúc của một Hệ Tiên Đề :

Một Hệ Tiên Đề gồm ba phần :

a/ Những Khái Niệm Cơ Bản.
Những Khái Niệm này không được Định Nghĩa. Chúng được hiểu qua các Tiên Đề.
Ví dụ :
Trong Hình Học thì các Khái Niệm Cơ Bàn là :
Điểm , Đường thẳng , Mặt phẳng.

b/ Tính Chất của các Khái Niệm Cơ Bản :
Mỗi Tính Chất của các Khái Niệm được cho dưới dạng một Tiên đề. Những Tiên Đề này chỉ thừa nhận mà không chứng minh, thực tế là không chứng minh được.
Ví dụ :
+ Qua hai điểm phân biệt xác định một đường thẳng.
+ Qua ba điểm phân biệt không thẳng hàng xác định một mặt phẳng.
+ Qua một điểm không thuộc một đường thẳng đã cho, có một và chỉ một đường thẳng song song với đường thẳng đó. …

2/ Mô Hình :

Sau khi có Hệ Tiên Đề, ta cần phải thiết lập một Mô Hình cho Hệ Tiên Đề đó, để chứng tỏ Hệ Tiên Đề tồn tại.
Có Mô Hình rồi, ta còn phải chứng minh rằng, Mô Hình đó thỏa mãn Hệ Tiên Đề ( Chú ý : Không phải chứng minh Hệ Tiên Đề ).

II/ Những yêu cầu về một Hệ Tiên Đề :

Một hệ Tiên Đề phải đầy đủ, không thừa và không có mâu thuẫn. Về tiêu chí không mâu thuẫn phải hiểu là, không chỉ là các Tiên Đề không được mâu thuẫn nhau mà tất cả các kết quả được suy diễn ra từ Hệ Tiên Đề cũng không được mâu thuẫn , mãi mãi về sau, những suy diễn tiếp theo cũng không được mâu thuẫn.

Giải thích về sự không định nghĩa các Khái niệm Cơ Bản:

Các Khái Niệm Cơ Bản trong Hệ Tiên Đề không được Định Nghĩa, mục đích là để cho Người Đọc mặc sức tưởng tượng, muốn hiểu chúng là cái gì cũng được, do đó, có thể có nhiều cách hiểu khác nhau, và từ đó, có thể có nhiều Mô Hình khác nhau cho một Hệ Tiên Đề. Tuy nhiên, những Mô Hình đó phải thỏa mãn tất cả những Tính Chất của Hệ Tiên Đề ; hơn nữa chúng phải có tính thực tiễn, tức là phải trực tiếp hoặc gián tiếp giải quyết được những vấn đề do cuộc sống đặt ra, vì xét cho cùng, mọi Học Thuyết dù có cao siêu đến đâu thì cuối cùng cũng phải trở về với Con Người, nếu không, chúng chẳng có giá trị gì và nhanh chóng bị lãng quên.

Ví dụ :
Điểm :
Do không định nghĩa nên đã có nhiều cách hiểu. Điểm có thể hiểu là một dấu “ Chấm “ nhỏ , một Ngôi Sao , một Hòn Đảo , một Con Số, một Cặp số ( x , y ) , một Bộ n số ( a1, a2, …, an ) ...
Đường thẳng :
Có thể hiểu là , một sợi chỉ được căng ra , một tia nắng , một nét vẽ được vạch ra bởi một chiếc bút chì và một cái thước ; một Phương Trình Bậc Nhất 2 Ẩn dạng Ax + By + C = 0 , một Phương trình Bậc Nhất 3 Ẩn dạng Ax + By + Cz + D = 0 , một Phương trình Bậc nhất n ần …
Từ đó, ta có một số Mô Hình cho Bộ Môn Hình Học :
@/ Nếu hiểu một dấu Chấm nhỏ là một Điểm , một sợi chỉ được căng ra là một đường thẳng ; mặt bàn, mặt gương là một phần của Mặt Phằng , thì ta có một Mô Hình Hình Học Thuần Túy.
@/ Nếu hiểu Điểm là một Cặp Số, Đường thẳng là một Phương Trình bậc nhất hai ẩn thì ta có Mô Hình Hình Học Giải Tích trong Mặt Phẳng.
@/ Nếu hiểu Điểm là một Bộ 3 Số , Mặt Phẳng là một Phương Trình Bậc Nhất 3 Ẩn thì ta thiết lập được Mô Hình Hình Học Giải Tích trong Không Gian.
Những Mô Hình này có giá trị thực tiễn lớn, nên chúng được giảng dạy trong các Trường Phổ Thông và Đại Học.
Từ những hiểu biết về Hệ Tiên Đề, mỗi chúng ta đều có thể sáng tạo ra một Học Thuyết thỏa một Hệ Tiên Đề nào đó. Tuy nhiên, Học Thuyết đó phải có giá trị thực tiễn thì nó mới tồn tại được.



B/ Hệ Tiên Đề của Học Thuyết Ngũ Hành


I/ Hệ Tiên Đề :


Các Sách Kinh Điển về Triết Lý Phương Đông đã cho ta một Hệ Tiên Đề về Ngũ hành như sau:


1/ Các Khái Niệm Cơ Bản :

Vũ Trụ được tạo bởi 5 “ Chất ” – Ngũ Hành :

Thủy , Hỏa , Mộc , Kim , Thổ.

Những khái niệm này không được định nghĩa.

2/ Tính Chất của các Khái Niệm Cơ Bản :

a/ Ngũ Hành Tương Sinh :

+ Thủy sinh Mộc ,
+ Mộc sinh Hỏa,
+ Hỏa sinh Thổ,
+ Thổ sinh Kim,
+ Kim sinh Thủy.

b/ Ngũ Hành Tương Khắc :

+ Thủy khắc Hỏa,
+ Hỏa khắc Kim,
+ Kim khắc Mộc,
+ Mộc khắc Thổ,
+ Thổ khắc Thủy.

Mỗi Tính Chất đó là một Tiên Đề.
Mỗi Tiên Đề này chỉ thừa nhận mà không chứng minh, không giải thích .
Mỗi Tiên Đề được xem như một Định Luật khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn của Con Người , không ai giải thích được và cũng không ai làm thay đổi chúng được.


II/ Mô Hình cho Hệ Tiên đề của Học Thuyết Ngũ Hành.

Cổ Nhân đã xây dựng cho ta một Mô Hình về Học Thuyết Ngũ Hành ( như chúng ta đã biết ).

1/ Mô Hình cho các Khái Niệm Cơ Bản :

+ Thủy : Đại diện cho Thủy là Nước
( Nước là chất lỏng có chứa H2O )
+ Hỏa : Đại diện cho Hỏa là Lửa.
+ Mộc : Đại diện cho Mộc là Cây.
+ Kim : Đại diện cho Kim là Kim loại
+ Thổ : Đại diện cho Thổ là Đất.


2/ Giải thích Mô Hình thỏa Hệ Tiên Đề :

Các Vị Tiền Bối đã giải thích các điều nêu ra trong Mô Hình như sau.

a/ Ngũ Hành Tương Sinh :

+ Mộc sinh Hỏa : Vì Hỏa lấy Mộc làm nguyên liệu để đốt cháy, Mộc cháy tận, Hỏa sẽ tự động tắt.

+ Hỏa sinh Thổ : Vì Hỏa sau khi đốt cháy sự vật, vật thể hóa thành tro bụi, tro bụi đó vùi đắp thành Thổ .

+ Thổ sinh Kim : Vì Kim ẩn trong Thổ, Đá, sau khi kết tinh mới chắt lọc, lấy ra được.
+ Kim sinh Thủy : Vì Kim nếu bị nung chảy sẽ hóa thành dạng dịch thể, dịch thể thuộc Thủy, Thủy phải nhờ vào các loại công cụ khơi thông mương cống mới có thể chảy được.

+ Thủy sinh Mộc : Vì Thủy tưới cho Mộc, nên cây cối xum xuê tươi tốt.

b/ Ngũ Hành Tương Khắc :

+ Thủy khắc Hỏa : Chúng ( đông , nhiều ) thắng Quả ( ít ), nên Thủy thắng Hỏa, vì Hỏa gặp Thủy sẽ tắt ngóm.
+ Hỏa khắc Kim : Tinh thắng Kiên nên Hỏa thắng Kim, vì Hỏa nóng mạnh sẽ nung chảy Kim.
+ Kim khắc Mộc : Cương khắc nhu, nên Kim thắng Mộc, vì Kim là cái để chế tạo ra công cụ có thể khoan cắt Mộc.
+ Mộc khắc Thổ : Chuyên thắng Tán, nên Mộc thắng Thổ, vì mầm gốc của Cây có sức mạnh mẽ, có thể phá trở ngại của Đất.
+ Thổ khắc Thủy : Thực thắng Hư, nên Thổ thắng Thủy, Thổ có thể ngăn chặn Thủy.
( Các Sách Cổ Kim và các Diễn Đàn Mạng đều giải thích như vậy ).



C / Nhận xét về những lời giải thích về Mô Hình

Ta hãy phân tích xem những lời giải thích của Cổ Nhân đã gắn kết Mô Hình với Hệ Tiên Đề chưa, đã chứng minh được Mô Hình thỏa Hệ Tiên Đề chưa.

1/ Trước tiên cần thống nhất một số quan điểm sau :


a/ Điều kiện tồn tại của Ngũ Hành :

Mỗi Hành của Ngũ Hành có thể tồn tại trong những điều kiện riêng của nó, nhưng khi nói đến Ngũ Hành tức là nói đến một Tập hợp thì tất cả các Phần Tử của nó (Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thủy ) phải cùng tồn tại trong một điều kiện chung , như cùng thời gian, cùng không gian, cùng môi trường ( cùng thời tiết, cùng nhiệt độ, … ).
Ví dụ :
+ Giả sử ta đang nói về Hành Mộc mà Mộc đang trong tháng Mão thì 4 Hành kia cũng phải tồn tại trong Tháng Mão . Khi đó thì Mộc Vượng, Hỏa Tướng, Thủy Hưu, Kim Tù, Thổ Tử.
+ Nếu ta đang nói về Kim ở thể lỏng (Kim ở nhiệt độ cao, bị nóng chảy) thì khi đó : Thủy bị bốc hơi, cạn khô ; Mộc bị cháy hết ; Thổ bị nung đỏ, biến thành sành gốm ; Kim chảy tới đâu thì Lửa bốc lên ngùn ngụt tới đó , mọi sự sống đều bị hủy diệt.

b/ Cần hiểu Khái Niệm Tương Sinh, Tương khắc của Ngũ Hành như thế nào cho đúng ?

@ Về Tương Sinh :

“ Sinh ” nói ở đây không mang ý nghĩa là sinh sản, sinh ra, biến hóa thành ; không thể hiểu là, Hành A sinh ra Hành B, Hành C biến thành Hành D.
Vì, theo Dịch Học, mỗi Hành, tự nó đã được sinh ra một cách độc lập từ Thái Cực – Âm Dương. Đầu tiên Hành Thủy ( 1 ) được sinh ra , tiếp theo là Hành Hỏa ( 2 ), rồi đến Hành Mộc ( 3 ), Hành Kim ( 4 ) và cuối cùng là Hành Thổ ( 5 ).
Như vậy, không thể nói Kim sinh ra Thủy , Hỏa sinh ra Thổ … theo ý nghĩa sinh sản ra hoặc biến hóa thành.
Vậy, cần hiểu chữ Sinh như thế nào ?
Chữ Sinh trong Tương Sinh cần được hiểu là : Truyền năng lượng cho, tạo điều kiện, giúp cho đối phương phát huy bản tính của mình .

@ Về Tương Khắc :

Chúng ta dễ dàng thống nhất với Kim Thư, Cổ Thư rằng, Tương khắc : là ức chế , là bài trừ, là kìm hãm sự phát triển của đối phương.

Tính chất tương sinh, tương khắc của Ngũ Hành là thuộc tính, là thiên hướng bên trong của Ngũ Hành, là sự biểu hiện tự nhiên, vô thức. Tính tương sinh, tương khắc luôn luôn thường trực trong từng Hành, hễ gặp điều kiện là chúng biểu hiện ra ngay lập tức và sự biểu hiện đó là thường xuyên, liên tục, mãi mãi, không phải là chỉ diễn ra một vài lần rồi thôi.
Ví như, một vật để cạnh đống lửa thì vật đó “tự nhiên” nóng dần lên . Một đống lửa ngoài Trời , nếu gặp cơn mưa thì “tự nhiên” đống lửa bị tắt dần, tắt dần.

c/ Không đưa sự can thiệp của Con Người vào việc giải thích quan hệ sinh khắc của Ngũ Hành.

Tính Tương Sinh, Tương Khắc của Ngũ Hành là thuộc tính của Ngũ hành, chúng biểu hiện ra một cách khách quan mà không có sự can thiệp của Con Người.
Không nên nhầm lẫn thuộc tính tự nhiên của Ngũ hành với sự ứng dụng tính Sinh Khắc của Ngũ Hành do Con Người tác động vào. Bởi vì sau khi hiểu được Tính Chất của Ngũ Hành, Con Người mới đem ra ứng dụng. Ứng dụng là giai đoạn sau của nhận thức.
Ví dụ :
a/ Không lấy việc đắp đê chống lụt để giải thích cho thuộc tính Thổ khắc Thủy, mà nên giải thích rằng, Con Người đã lợi dụng tính chất Thổ khắc Thủy để đắp đê chống lụt.
b/ Không thể lấy hiện tượng : Người dùng dao chặt đứt cành cây, dùng búa đốn đổ cây – để giải thích Kim khắc Mộc. Vì rằng, nếu chỉ có dao và búa mà không có bàn tay Con Người tác động vào thì ắt rằng cành cây không thể bị đứt lìa, cây không thể bị đổ . Bản chất của hiện tượng này là , Con Người đã lợi dụng Tính Tương Khắc của Kim mà sáng tạo nên các Công Cụ bằng Kim Loại để phục vụ Con Người. Đây chính là sự tác động của Con Người.

Sau khi đã thống nhất các quan điểm a/, b/ c/ nói trên, chúng ta hãy tìm hiểu và phân tích những lời giải thích về Mô Hình của các Vị Tiền Nhân.

2/ Nhận xét

@ Ngũ Hành Tương Sinh :

1/ Về câu : Hỏa sinh Thổ .

+/ Tiền Nhân giải thích : Vì Hỏa sau khi đốt cháy sự vật, vật thể hóa thành tro bụi, tro bụi đó vùi đắp thành Thổ .

Bình luận : Những chất cháy được chủ yếu là Mộc. Sau khi cháy, Mộc tỏa ra khí CO, CO2 và còn lại là Than. Tất cả những thứ đó đều là Mộc. Nếu chúng có trộn lẫn vào Đất thì chúng vẫn là Mộc, không thể biến thành Thổ được.

Vậy, nên giải thích Tính chất Hỏa sinh Thổ như thế nào ?

Có lẽ, nên giải thích như sau :

Hỏa ở đây phải hiểu là ánh sáng , là nhiệt năng , là Lửa , là Mặt Trời.
Trái Đất thường xuyên và liên tục hấp thu năng lượng từ Mặt Trời. Mặt Trời soi sáng khắp nơi, muôn loài sinh sôi phát triển. Không có Mặt Trời thì Trái Đất chỉ là một Hành Tinh chết, một Hành Tinh tối đen lạnh giá.


2/ Về Câu : Thổ sinh Kim .
Tiền Nhân nói : Vì Kim ẩn trong Thổ, Đá, sau khi kết tinh mới chắt lọc, lấy ra được.

Bình luận :
Có lẽ nên hiểu là : Kim nói ở đây là Kim loại nói chung, không hẳn chỉ là Vàng. Đại Diện cho Kim phải là Quặng – Dạng tự nhiên của Kim. Quặng tự nó được sinh ra và lẫn vào trong Đất, không phải là Đất sinh ra Quặng.
Vậy, nên hiểu Thổ sinh Kim như sau : Thổ chứa chất Kim, Thổ bao bọc Kim, giúp cho Kim tồn tại.

3/ Về Câu : Kim sinh Thủy .
Tiền nhân nói : Vì Kim nếu bị nung chảy sẽ hóa thành dạng dịch thể, dịch thể thuộc Thủy, Thủy phải nhờ vào các loại công cụ khơi thông mương cống mới có thể chảy được.
Bình luận :
Trong câu này, Tiền Nhân nêu lên hai ý :
+ Kim nóng chảy hóa thành Thủy.
+ Phải có công cụ khơi thông thì Thủy mới chảy được.

@/ Về ý thứ nhất : Tiền Nhân nói : Kim nóng chảy hóa thành Thủy.
Bình luận :
a/ Không thể giải thích là Kim hóa thành Thủy hoặc Kim sinh ra Thủy – Xem Mục III 1 b/ ở trên.
b/ Kim bị nung chảy thì nó vẫn là Kim chứ không phải Thủy. Cho nên không thể hiểu : Chất lỏng đó là Thủy. Thủy Ngân, dầu hỏa là chất lỏng nhưng chúng không phải là Thủy, vì chúng không có tính chất của Nước. Thủy Ngân là Kim loại, Dầu Hỏa thuộc Mộc.
c/ Loại Thủy từ Kim nóng chảy ra không thỏa các Tính Chất của Hệ Tiên Đề :
+ Không sinh Mộc mà ngược lại, hủy diệt Mộc.
+ Không khắc Hỏa mà ngược lại, sinh cho Hỏa , làm cho Hỏa cường vượng thêm.
+ Thổ không thể khắc được loại Thủy này, mà ngược còn bị nó làm cho nóng lên, khô cằn , mất tính thuần nhuận, bị biến thành sành gốm.
+ Loại Thủy này không thể cùng tồn tại với các Hành Thủy, Mộc , Kim, Thổ trong điều kiện mà Thủy nóng chảy này đang tồn tại, nên nó không thể là một thành viên của Ngũ hành.
Tất cả những điều đó nói lên rằng, Chất lỏng do Kim nóng chảy ra không thỏa những tính chất của Hành Thủy nói trong Hệ Tiên Đề .
Do vậy, ta không thể chấp nhận cách giải thích của Tiền Nhân mà phải tìm cách giải thích khác cho phù hợp với Hệ Tiên Đề.

Vậy, phải giải thích Kim sinh Thủy như thế nào cho hợp lý ?
Trước tiên, cần khẳng định lại rằng,
+/ Ta không thể giải thích theo hướng Kim sinh ra Thủy vì Thủy đã được sinh ra từ Âm Dương và hơn nữa Thủy đã được sinh ra trước Kim ( Xem Mục III 1 b/ ở trên).
+/ Ta phải giải thích theo hướng : Kim giúp Thủy phát huy được bản tính của mình.

Giải thích vấn đề này quả rất khó.

+/ Có một Tài liệu giải thích điều đó như sau :
“ Nguyên lý Kim sinh Thủy của Cổ Nhân là vì lấy quẻ CÀN là biểu hiện của Trời, mà Trời sinh ra mưa để tưới nhuần vạn vật, nên Thủy được phát sinh từ Trời. Mà quẻ CÀN có hành Kim nên mới nói Kim sinh Thủy là vậy ”.

Bình luận :

Lời giải thích này có vẻ dễ nghe, nhưng vẫn chưa thể chấp nhận được vì nó vẫn chứa cái ý “ Kim sinh ra Thủy ”.

+ / Một Cổ Thư của Trung Quốc có cách giải thích khác :
Núi có hình chữ Kim ( 金 ). Nước từ trong Núi chảy ra, nên gọi là Kim sinh Thủy.

Bình luận : Lời giải thích này chỉ là sự gán ghép khiên cưỡng và vẫn chứa cái ý
“ Kim sinh ra Thủy ”.



@/ Về ý thứ hai : Tiền Nhân nói : Phải có công cụ khơi thông thì Thủy mới chảy được.
Bình luân : Dùng công cụ, cho dù công cụ bằng Kim Loại, để khơi thông Thủy : Hiện tượng này không thể nói là Kim sinh Thủy được. Kết quả của việc Thủy được lưu thông chủ yếu là do sự tác động của Con Người chứ không phải do Kim Loại. Con Người có thể không dùng công cụ, hoặc sử dụng các dụng cụ bằng đá hoặc bằng gỗ, tre vẫn có thể khơi thông dòng nước được ; tuy nhiên, nếu dụng cụ bằng Kim loại thì hiệu quả cao hơn.


Giải thích Tính chất “Kim sinh Thủy” theo ý nghĩa là “ giúp đỡ, tạo điều kiện, truyền năng lượng cho… ” , tôi chỉ mới suy nghĩ được vài ý như sau. Xin giới thiệu với Quý Bạn.
1/ Thủy có đặc tính là len lỏi, chảy xuôi, chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp. Kim không hút Thủy vào trong mình như Thổ. Khi gặp Thủy thì Kim chìm xuống dưới, nâng Thủy lên cao, làm cho Thủy dễ dàng chảy xuôi ( đặc tính của Thủy ). Kim luôn luôn nằm dưới đáy tận cùng của Thủy.
2/ Quặng ở trong Đất, Quặng cùng với Đất giữ nước, tích nước. Đồng thời, Quặng có những khe nhỏ cho nước len lỏi qua rồi chảy xuống lạch, xuống suối.
3/ Kim lạnh, nên có khả năng ngưng đọng những hạt nước trong không khí và tích tụ thành nước.
Trân trọng Đề nghị Quý Bạn giải thích thêm.

@ Ngũ Hành Tương Khắc :

1/ Về câu Thủy khắc Hỏa : Chúng ( đông , nhiều ) thắng Quả ( ít ), nên Thủy thắng Hỏa, vì Hỏa gặp Thủy sẽ tắt ngóm.
Bình luận :
Cách giải thích này chưa nói lên được cái bản chất Thủy khắc Hỏa.
Cần giải thích rằng, hễ Thủy Hỏa gặp nhau là lập tức Thủy khắc Hỏa, cho dù Thủy ít hoặc Thủy nhiều thì Thủy vẫn cứ khắc Hỏa. Ở đây chưa bàn đến chuyện thắng thua.
Giải thích : Hỏa tồn tại nhờ có nhiệt độ cao. Thủy gặp Hỏa thì Thủy bị bốc hơi. Thủy bốc hơi kéo nhiệt năng bay theo, làm cho môi trường bị hạ nhiệt. Nhiệt độ xuống thấp thì Hỏa sẽ bị tắt.
( Chú thích thêm : Giữa Thủy và Hỏa có mối quan hệ rất đặc biệt, Chúng tương khắc lẫn nhau rất khốc liệt, nhưng lại rất cần đến nhau : Thủy Hỏa bất tương xạ – Thủy Hỏa không tiêu diệt nhau. Nhờ có Thủy Hỏa mà Trái đất mới có Sự Sống. Bởi vậy mà, trong Dịch Học, Hệ 64 Quẻ được mở đầu bằng hai Quẻ Càn Khôn và kết thúc bởi hai Quẻ Ly, Khảm, tức là Quẻ Ký Tế và Quẻ Vị Tế ).
2/ Về câu : Hỏa khắc Kim : Tinh thắng Kiên nên Hỏa thắng Kim, vì Hỏa nóng mạnh sẽ nung chảy Kim.
Bình luận :
Cũng như trên, ở đây chưa bàn đến chuyện thắng thua, mà bàn về cái bản chất chất : Hễ Kim Hỏa gặp nhau thì lập tức Hỏa khắc Kim.
Chúng ta dễ nhận ra tính chất này qua hoạt động thực tiễn.
Ta có thể giải thích theo khoa học như sau. Kim có khả năng truyền nhiệt mạnh. Nếu gặp Hỏa thì cả thanh Kim Loại nóng dần lên mau chóng. Nhiệt năng làm cho các Phân Tử Kim loại dao động mạnh, do dao động mạnh mà khoảng cách giũa các Phân Tử lớn dần lên, kéo theo lực liên kết giữa chúng giảm dần, nên thanh Kim Loại bị mềm ra rồi nóng chảy.
3/ Về câu : Kim khắc Mộc : Cương khắc nhu, nên Kim thắng Mộc, vì Kim là cái để chế tạo ra công cụ có thể khoan cắt Mộc.
Bình luận :
Câu giải thích này chưa bóc ra được cái bản chất là Kim khắc Mộc, lại đi lạc vào kết quả thắng thua và lẫn lộn với sự ứng dụng. Ta đã nói nhiều về vấn đề này.
Vậy thì phải hiểu Kim khắc Mộc là như thế nào ?
Có lẽ , có thể giải thích như sau :
Đại diện cho Kim phải là Quặng – Kim Loại Tự Nhiên, chứ không hẳn là các công cụ bằng Kim Loại do Con Người sáng chế ra.
Thổ, Thủy giúp cho Mộc sự sống, nhưng Kim thì không. Các loại thảo mộc sống trên những miền Đất nhiều Quặng thì cây cối phát triển không tự nhiên, khẳng khiu, vàng úa, tàn lụi. Kim loại hấp thu nhiệt năng của Mặt Trời rất mạnh, làm cho cây khô héo và chết dần. ( Các nhà Địa Chất đã quan sát đặc điểm của cây cối mà phát hiện ra mỏ Quặng và còn nhận biết được đó là Quặng gì ).
Trân trọng đề nghị Quý Bạn giải thích thêm .

4/ Về câu : Mộc khắc Thổ : Chuyên thắng Tán, nên Mộc thắng Thổ, vì mầm gốc của cây có sức mạnh mẽ, có thể phá trở ngại của Đất.
Bình luận :
+/ Cách giải thích của Cổ Thư vẫn cùng một kiểu như trên nên không phân tích nữa.
+/ Đại diện cho Mộc là Thực vật, là những cây cỏ xanh tươi. Tính chất của Mộc là hướng thượng, vươn thẳng về hướng Mặt Trời. Hạt mầm chọc thủng Đất để vươn lên phía Mặt Trời. Rễ cây len lỏi trong Đất để tìm kiếm thức ăn. Cây cỏ làm cho Đất khô cằn.
Hễ có Thổ là có Mộc. Ngay cả những nơi khô cằn nhất, nhiệt độ cực cao như ở một Sa Mạc ở Chi Lê, không bao giờ có mưa, ấy thế mà người ta vẩn phát hiện ra có những loại Thực Vật sống len lỏi trong các khe đá. Cây sẽ làm cho đất đá bị nứt ra, làm giảm chất lượng các công trình xây dựng.
5/ Về câu : Thổ khắc Thủy : Thực thắng Hư, nên Thổ thắng Thủy, Thổ có thể ngăn chặn Thủy.
Bình luận :
Tính chất của Thủy là len lỏi, chảy xuôi. Tính chất của Thổ là dày đặc vững chắc, cố định.
Thổ ngăn cản không cho Nước chảy xuôi. Đó là Thổ khắc Thủy.
Lợi dụng Tính Chất của Thủy và Thổ người ta đắp đê chống lũ lụt, nắn dòng sông, đắp mương để lấy nước tưới tiêu. Đây là những ứng dụng sau khi đã hiểu được tính tương khắc của Thổ và Thủy.

Kết luận :

Đối với một Hệ Tiên Đề, thường là, chúng ta thừa nhận mà không có ý kiến gì. Đối với một Mô Hình, chúng ta phải xem xét, phân tích xem Mô Hình có thỏa Hệ Tiên Đề hay không, những lời giải thích trong đó có hợp lý, hợp Thục Tiễn hay không.
Đối với Hệ Tiên Đề của Học Thuyết Ngũ Hành, chúng ta thừa nhận. Đối với Mô Hình của Hệ Tiên Đề mà Cổ Nhân đề xuất, chúng ta cũng chấp nhận. Nhưng những lời giải thích để chứng minh cho sự phù hợp của Mô Hình với Hệ Tiên Đề thì chưa thể hoàn toàn chấp nhận. Vì cách giải thích chưa nêu bật được Bản Tính Tự Nhiên về Quan Hệ sinh khắc của Ngũ Hành, thường lẫn lộn với điều kiện để sinh khắc, kết quả sinh khăc và sự ứng dụng của Con Người khi lợi dụng tính sinh khắc của Ngũ hành. Để có những lời giải thích sáng sủa và hợp lý hơn, có lẽ Hậu Thế phải làm việc đó.
Trên đây là những ý kiến rất riêng và rất chủ quan của tôi. Chắc chắn, Quý Bạn Đọc sẽ có nhiều ý kiến sâu sắc, tuyệt mỹ hơn. Đề nghị Quý Bạn cùng trao đổi, thảo luận.
Tôi nghĩ rằng, chúng ta có những quan điểm khác nhau, nhưng chúng ta cũng có một nhận thức chung : Quá trình tích lũy Tri Thức là một quá trình liên tục Phủ định, Kế thừa ; Phủ định, Kế Thừa ; … ”.

Theo ý nghĩa của Tiên Đề, mỗi một chúng ta có thể xây dựng cho mình một Mô Hình về Ngũ Hành. Nếu ta tìm được 5 “ Chất ” nào đó thỏa tất cả các Tính Chất được nêu trong Hệ Tiên Đề thì đó là một Hệ Ngũ Hành. Tuy nhiên Hệ Ngũ Hành đó phải có ý nghĩa thực tiễn, phải giải thích được các hoạt động của con người thì nó mới được “Thiên Hạ ” chấp nhận và do đó nó mới tồn tại được.
Khi đó, những cái Tên Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ chỉ là những “ Nickname” mà thôi, chúng không còn mang những nội dung cụ thể là Nước, Lửa, Cây Cối, Khoáng Sản , Đất.
Cũng theo Phương pháp Tiên Đề, chúng ta có thể xây dựng một Môn Học, một Học Thuyết. Cũng không loại trừ khả năng sẽ có ai đó công bố một Học Thuyết về Cấu Trúc Vũ Trụ mà trong đó Vũ Trụ được cấu trúc bởi Tứ “Hành” hoặc Lục “Hành”.

Chú ý : Học Thuyết Âm Dương cũng có cấu trúc theo Tiên Đề. Bạn Đọc hãy tự nghiên cứu.
Kính chào Thân Ái
LyTranLe

TL: HỌC THUYẾT NGŨ HÀNH CÓ CẤU TRÚC TIÊN ĐỀ

Đã gửi: 16:55, 28/07/15
gửi bởi vothuong236
Xin gửi lời chào tới lytranle!

Rỗi rãi ngồi đọc bài viết của bạn, có một vài quan điểm muốn đưa ra để trao đổi cùng bạn:

Một hệ tiên đề, hay một tiên đề chỉ được coi là hệ tiên đề hay tiên đề khi nó không thể chứng minh được với các giả thiết là tiên đề khác. Nếu như phát biểu một tiên đề (B) mà có thể dùng các tiên đề khác (A) để chưng minh tiên đề đó (B) thì nó (B) sẽ chỉ là một định lý (của A) mà thôi.

Tôi cứ tạm coi học thuyết Ngũ hành có cấu trúc hệ tiên đề. Tôi sẽ xây dựng một Tiên đề khác, mà từ tiên đề này tôi sẽ chứng minh được học thuyết Ngũ hành.

Phát biểu về tiên đề của tôi chính là cấu trúc tiên đề Âm Dương hay Lưỡng Nghi.

Tiên đề: Vũ Trụ, vạn vật được cấu trúc từ 2 yếu tố là Âm và Dương. (ÂM DƯƠNG: -+)
Tính chất:
1. Âm Dương là 2 mặt đối lập luôn tồn tại thống nhất trong vật, không tách rời nhau.
2. Âm Dương tiêu trưởng. Âm thịnh thì Dương suy, Âm suy thì Dương thịnh. Âm Dương luôn vận động không ngừng.

(2 quy luật của Âm Dương.) Để diễn giải tính cấu trúc của tiên đề trên là rất dài, tôi sẽ không đi chi tiết diễn giải như thế nào là thống nhất, không tách rời, thịnh, suy... nghiễm nhiên khi đọc những bài học thuật mọi người sẽ phải hiểu kiến thức cơ bản này.

Từ tiên đề trên, tôi phát biểu một định lý như sau:


Âm Dương sinh ra Ngũ hành: Thủy, hỏa, mộc, kim, thổ.

Để chứng minh tôi dùng phương pháp quy nạp.

1: Âm Dương thống nhất không tách rời nhau do vậy nó mới nằm ở trong một hình tròn. Định lý trên nếu đúng phải thỏa mãn đầu tiên điều kiện này. Do vậy, Thủy, hỏa, mộc, kim, thổ phải nằm ở trong một vòng tròn khép kín.

2:Âm thịnh dương suy, dương thịnh âm suy thể hiện quy luật tiêu trưởng của vòng tròn âm dương. Do vậy, định lý trên nếu đúng phải thỏa mãn điều kiện là ví dụ: Nếu hành thủy thịnh thì phải có hành khác suy, nếu hành thủy suy phải có hành khác thịnh. Ở đây, khi nói về tính vận động của Âm Dương, ta không nói âm sinh ra dương hay dương sinh ra âm. Do vậy, khi nói về tính thịnh suy của các hành thì cũng có nghĩa không phải hành nọ sinh ra hành kia...

3:Âm dương đối lập nhau, tức là luôn triệt tiêu nhau (mâu thuẫn). Nhưng không có tính biến mất của một bên. Dương cực thì âm sinh và ngược lại. Do vậy, định lý ngũ hành nếu đúng thì sẽ phải thỏa mãn về tính triệt tiêu nhau, nhưng dù triệt tiêu thế nào thì cũng không thể triệt tiêu hết.

4:Quy nạp điều 2 và điều 3. Ta khái quát lên 2 tính chất tương sinh và tương khắc của Ngũ Hành. Ngũ hành trình bày 2 tính chất này qua một vòng tròn có ngôi sao 5 cánh, 5 đỉnh của ngôi sao là 5 hành, có mũi tên theo vòng tròn là tương sinh, dấu x theo cánh sao là tương khắc (tôi không vẽ được hình nên miêu tả vậy).

....

Do hết thời gian nên tôi sẽ không thể trình bày chứng minh chi tiết. Tuy nhiên, tất cả những gì mà Ngũ Hành có đều có thể chứng minh được từ Âm Dương. Do vậy, Ngũ hành không thể là một hệ tiên đề mà chỉ là một định lý. Tại sao tôi nói vậy, vì nếu ta công nhận ngũ hành là một tiên đề, âm dương là một định lý thì ta sẽ không thể chứng minh được định lý âm dương. Ta chỉ có thể phát biểu âm dương dưới dạng 1 tiên đề. Mà âm dương lại chứng minh được ngũ hành thì ngũ hành không thể là tiên đề được.


Vấn đề tôi muốn nêu ra ở đây là liệu Âm Dương đã là hệ tiên đề gốc chưa. Liệu có một hệ tiên đề khác có thể chứng minh được âm dương hay không. Giả sử như hệ tiên đề Thái cực chẳng hạn...

Khi có thời gian sẽ trở lại vấn đề này.

Thân
vothuong