Trang 1 trên 1

Cách tính Trùng tang - Nhập mộ cho người mất

Đã gửi: 18:32, 01/05/09
gửi bởi nncuong
Dân gian Á Đông xưa rất quan tâm đến nghi thức an táng cho người vừa mới mất. Người xưa cho rằng người ruột thịt vừa mất có ảnh hưởng tốt, xấu tới những người thân cùng huyết thống đang sống. Do vậy, họ có nhiều nghi thức tế lễ, an táng cho người mới ra đi vào cõi vĩnh hằng. Một trong những nghi lễ quan trọng hàng đầu đó là tính xem tuổi, tháng, ngày, giờ của người mất có hợp với quy luật cuộc đời của “chính họ” hay không. Dựa vào tuổi của người mất và ngày, tháng, giờ mất của họ để tính xem: người đó có được “nhập mộ” hay gặp phải “thiên di”, “trùng tang”.
- “Nhập mộ”: là người mất “ra đi” và được “nằm xuống” vĩnh viễn , không còn vương vấn trần ai. Thể hiện sự an lành, yên nghỉ. Chỉ cần một “nhập mộ” của tuổi hoặc tháng, ngày giờ là được coi là tốt.
- “Thiên di”: là dấu hiệu ra đi do “trời định”, người mất lúc đó được trời đưa đi. Sự ra đi này nằm ngoài mong muốn của người mất, nhưng cũng là hợp với lẽ trời.
- “Trùng tang”: là dấu hiệu ra đi không hợp số phận, không dứt khoát, có nhiều ảnh hưởng tới người ở lại. Theo quan niệm xưa, nếu gặp phải trùng tang mà không có “nhập mộ” nào thì cần phải mời người có kinh nghiệm làm lễ “trấn trùng tang”.

Cách tính trùng tang phổ biến như sau:
- Dùng 12 cung địa chi trên bàn tay để tính. Nam khởi từ Dần tính theo chiều thuận, Nữ khởi từ Thân tính theo chiều nghịch.
- Bắt đầu là 10 tuổi, cung tiếp theo là 20 tuổi, … tính đến tuổi chẵn của tuổi người mất. Sau đó cung tiếp theo là tuổi lẻ tính đến tuổi của người mất, gặp ở cung nào thì tính là cung tuổi.
- Từ cung tuổi, tính cung tiếp theo là tháng 1, tính lần lượt đến tháng mất, gặp cung nào thì cung đó là cung tháng.
- Từ cung tháng, tính cung tiếp theo là ngày 1, tính lần lượt đến ngày mất, gặp cung nào thì tính cung đó là cung ngày.
- Từ cung ngày, tính cung tiếp theo là giờ tý, tính lần lượt đến giờ mất, gặp cung nào thì tính cung đó là cung giờ.

Nếu các cung tuổi, tháng, ngày, giờ gặp các cung:
- Dần - Thân - Tị - Hợi thì là gặp cung Trùng Tang
- Tý - Ngọ - Mão - Dậu thì là gặp cung Thiên Di
- Thìn - Tuất - Sửu - Mùi thì là gặp cung Nhập Mộ.

Chỉ cần gặp được một cung nhập mộ là coi như yên lành, không cần phải làm lẽ trấn trùng tang.

Ví dụ: Tính cho cụ ông mất giờ Tý, ngày 3, tháng 3 thọ 83 tuổi.
Cụ ông Khởi từ cung Dần tính chiều thuận: 10 tuổi ở Dần, 20 tuổi ở Mão, 30 tuổi ở Thìn… 80 tuổi ở Dậu, đến tuổi lẻ 81 ở Tuất, 82 ở Hợi, 83 ở Tí. Vậy cung tuổi là cung Tý là cung Thiên Di.
Tính tiếp tháng 1 là Sửu, tháng 2 ở Dần, tháng 3 ở Mão, vậy cung tháng là Mão là cung Thiên Di.
Tính ngày mồng 1 là Thìn, ngày mồng 2 là Tị, mồng 3 là Ngọ, vậy cung ngày là Ngọ gặp Thiên Di.
Tính tiếp cho giờ, giờ tý tại Mùi, vậy cung giờ là cung Mùi được cung nhập mộ.
Như vậy cụ ông có 3 cung thiên di, 1 cung nhập mộ. Vậy là hợp với lẽ trời và đất.

(lược dịch từ Thọ Mai gia lễ)

TL: Cách tính Trùng tang - Nhập mộ cho người mất

Đã gửi: 20:13, 12/10/09
gửi bởi Lão Nông
Tính Trùng tang như nncuong vừa trình bày là cách tính được nhà Phật hay dùng, Chùa Liên Phái (Quận Hai Bà trưng Hà Nội) hoặc chùa Liên phái ở Bắc Ninh là hai chùa chuyên xử lý vấn đề này. Trong đó chùa ở Bắc Ninh thì thấy bảo là chứa hàng trăm ngàn vong bị giữ lại đó do bị chết Trùng.
Thực tế có trùng tang hay không? Bản chất nó là gì? Tác hại đến đâu ... toàn chỉ được nghe kể lại thôi, chưa được trực tiếp chứng kiến bao giờ, và có lẽ hơi khó chứng kiến, vì chẳng nhà nào dám làm ẩu khi thầy phán bị trùng tang.
Đám tang được coi là đẹp khi tất cả được chữ Nhập Mộ, ý nói người chết đã mồ yên mả đẹp, linh hồn được siêu thoát ... nên không có gì phiền não ngưòi còn sống.
Nhập mộ là thế nào: Là cả xác cả hồn đều chui tọt vào Mộ. Đừng có Xác thì trong Mộ mà Hồn lại lang bang ở ngoài không nơi không chốn nương nhờ.
Đã nói đến Nhập Mộ, tức là động chạm đến vòng Tràng Sinh. Vì Tràng Sinh thì gồm 12 giai đoạn là Tràng Sinh (cái mới mới sinh ra trên cơ sở cái cũ vừa chết đi) Mộc Dục (được tắm rửa, còn yếu ớt) Quan đới (được đi học, hoặc khi chết thì bắt đầu tẩm liệm) Lâm Quan (Vào việc/ Vào áo quan) Đế vượng (Lúc cực thịnh trong đời/Khi kèn trống nổi lên) Suy (Khi bước qua bên kia của danh vọng, của tuổi trẻ/ Khi người nhà thuơng nhớ cố nhân) Bệnh (Hết tuổi làm việc về hưu thì ngã bệnh) Tử (Chết, Hồn lìa khỏi Xác) Mộ (Cả hồn cả xác đều nhập vào trong lòng đất) Tuyệt (Mọi thứ tan tành, Xương ra xương, thịt ra thịt) Thai (Hồn đi đầu thai nơi khác) Dưỡng (9 tháng 10 ngày dưỡng dục thai nhi) ... Trong 12 thời nói trên, khi ứng dụng cho tang ma, người ta quan trọng nhất các kỳ: Mộc dục = Tắm rửa cho người chết trước khi tẩm liệm; Quan đới/Lâm Quan: Tẩm liệm, bỏ vào quan tài mà phát tang và cuối cùng là Mộ = đưa người chết về nhà mới của họ.
Dựa vào việc xác định ngày, giờ nào hợp với Kỳ nào của vòng tràng sinh, có thể định giờ tẩm liệm, phát tang, chôn cất cho phù hợp.
Chú ý là Vòng sao Thái Tuế cũng nói đến cái mả của người chết: Thái tuế = lúc chết; Thiếu Dương = Lạnh dần chân tay; Tang Môn = Cái cửa sinh tử/cửa mả mở ra đón nhận người ta; Thiếu Âm: Dương đi đằng dương thì Âm cũng đi đằng âm => Hồn xác tách rời .... Ở đây còn hàm ý: Chết hôm Nay (Thái Tuế hôm nay) thì thường là đến ngày Kia (ngày Tang Môn), việc tang lễ mới hoàn thành, tức là tục lệ mà chay 3 ngày chăng?
Vài dòng liên tưởng, mong các bạn tiếp tục bổ sung.