Trang 1 trên 1

Thể dụng - Tinh Thần - Tam Thừa (Kỉ niệm 7 năm)

Đã gửi: 00:21, 04/04/20
gửi bởi NeBoTat
Kỷ niệm 7 năm nghiên cứu Tứ Trụ, tôi có món quà nhỏ tặng quí vị đồng đạo. Phía dưới tôi giải thích ba khái niệm: Thể Dụng, Tinh Thần, Tam Thừa có đề cập trong Trích Thiên Tuỷ.

Tài liệu tôi dùng dưới đây là bộ Trịch Thiên Tuỷ gồm 2 quyển của NXB Hồng Đức (2014). Nguyên tác: Kinh Đồ. Chú Giải: Nhậm Thiết Tiều. Giải thích (biên soạn): Đường Kiến Quân. Dịch giả: Phạm Hồng.

Về Thể - Dụng

Nguyên văn: "Đạo hữu thể dụng, bất khả dĩ nhất đoan luận dã, yếu tại phù chi ức chi đắc kỳ nghi."

Nguyên chú: "Có cái lấy nhật chủ là thể, đề cương là dụng. Nhật chủ vượng, tức đề cương, Thực Thần, Thương Quan đều là cái ta dụng. Nhật chủ nhược, tức đề cương có vật giúp thân để chế thần đó, cũng là cái ta dụng. Đề cương là thể, hỷ thần là dụng, nhật chủ không thể dụng ở đề cương. Đề cương, Thực Thương Tài Quan quá vượng, tức là chọn Ấn Tỷ ở năm tháng giờ là hỷ thần. Đề cương, Ấn Tỷ quá vượng, tức chọn Thực Thương Tài Quan ở năm tháng giờ là hỷ thần mà dụng. Hai cái này đều lá chính pháp của Thể Dụng.

Có cái lấy tứ trụ là thể, ám thần là dụng; tất tứ trụ đều không có gì có thể dụng, mới chọn thần ám xung ám hợp. Có cái lấy tứ trụ là thể, hoá thần là dụng. Tứ trụ có hợp thần, không có dụng thần, tức là lấy tứ trụ là thể, mà lấy thần hoá hợp có thể dụng làm dụng. Có cái lấy hoá thần làm thể, tứ trụ là dụng, là chân hoá. Tức là lấy hoá thần là thể, lấy cái tương sinh tương khắc với hoá thần trong tứ trụ làm dụng. Có cái lấy tứ trụ làm thể, tuế, vận làm dụng. Tứ trụ thái quá, bất cập, dụng tuế, vận cân nhắc,, hỗ trợ cho. Có cái lấy hỷ thần là thể, thần phụ cho hỷ thần là dụng, nhưng thần mà nó hỷ thì lại không thể tự dụng, tức là lấy làm thể, mà dụng thần phụ hỷ. Có cái lấy cách tượng làm thể, nhật chủ làm dụng, cần cách cục, khí tượng, cùng ám thần, hoá thần, kỵ thần, khắc thần, đều thành một thể để đoán.
" (...)

Nhâm Thiết Tiều: "Thể, là hình tượng khí cục. Nếu không có hình tượng khí cục, tức lấåy nhật chủ là thể. Dụng, là dụng thần, không phải là ngoài thể dụng không còn có dụng thần. Nguyên chú nói thể dụng và dụng thần có sự khác biệt, lại không ghi rõ, nên vẫn chỉ là mơ hồ, có thể biết ngoại trừ thể dụng ra, không thể cầu dụng thần. Phần nguyên văn có câu "chần phù, ức, đắc sao cho hợp", có thể thấy rõ là dụng của thể dụng, tức là dụng thần không còn nghi ngờ gì." (...)

Thiên Khánh: Có thể thấy nguyên văn, nguyên chú và Nhậm Thiết Tiều đều giải thích lấy bát tự / nguyên cục / hình tượng cách cục làm Thể, Dụng thần làm Dụng. Tuy nhiên, Thể Dụng không chỉ dừng lại ở đó.

Cần hiểu, phép Thể - Dụng là một phép, một kĩ thuật nền tảng của thuật dự đoán phương Đông. Thể chính là cái chủ thể cần đánh giá cát hung, còn Dụng chính là công cụ để đánh giá, hoặc tạo ra cát hung của Thể. Ví như môn Mai Hoa lấy quẻ Thể làm Thể, làm đối tượng hoặc sự việc cần dự đoán; lại lấy quẻ Dụng làm Dụng. Chính mối quan hệ giữa quẻ Thể và quẻ Dụng, hay nói đúng hơn là những tác động của quẻ Dụng lên quẻ Thể mà tạo ra cát hung. Hoặc như môn Tử Vi, lấy cung chức làm Thể; tức là muốn xem bệnh tật, trước lấy cung Tật Ách làm Thể. Sau đó lấy Thần Sát từ bản cung và các cung phụ khác làm Dụng. Chính các Thần Sát này tạo ra cát hung của sự việc cần xem. Hoặc như môn Lục Hào lấy Dụng thần làm Thể, lại lấy các hào khác và các thần sát làm Dụng để dự đoán cát hung của Dụng thần / Thể. Trường hợp Lục Hào vì sao Dụng thần là Thể mà không phải là Dụng, tôi sẽ giải thích sau.

Về môn Tử Bình, có nhiều thao tác định Thể - Dụng liên tiếp nhau để xem cát hung vận hạn. Cứ mỗi một thao tác định Thể - Dụng lại gọi là một lần định Thái Cực Điểm. Tức Thái Cực Điểm cũng chính là Thể. Lấy Vượng Suy Phái làm ví dụ. Đầu tiên lấy nguyên cục làm Thể để đại diện cho đời người, lại lấy Nhật chủ làm Dụng, từ cát hung của Nhật chủ mà biết cát hung đời người. Bước thứ hai, dùng Nhật chủ làm Thể, các chữ khác trong nguyên cục làm Dụng để tìm vượng nhược của Nhật chủ. Bước thứ ba, lấy Dụng thần làm Thể, các chữ khác trong nguyên cục làm Dụng để đoán xuất thân, cát hung hoạ phúc trọn đời. Bước thứ tư, lấy Dụng thần làm Thể, các chữ khác trong nguyên cục và đại vận làm Dụng để đoán cát hung đại vận. Bước thứ năm, lấy Dụng thần làm Thể, các chữ khác trong nguyên cục, đại vận, và lưu niên làm Dụng để đoán cát hung lưu niên.

Tức là ở bước một, Thái Cực Điểm là nguyên cục. Bước hai có Thái Cực Điểm là Nhật chủ. Từ bước ba trở đi, có Thái Cực Điểm là Dụng thần.

Như vậy, phép Thể - Dụng ứng dụng linh hoạt, tuỳ từng môn mà cần một lần định Thể - Dụng (như Mai Hoa) hay nhiều thao tác định Thể - Dụng khác nhau. Quay lại môn Lục Hào. Đầu tiên lấy toàn quẻ là Thể, lấy Dụng thần là Dụng để đại diện cho cát hung toàn quẻ. Sau đó lại lấy Dụng thần làm Thể, các hào khác và các thần sát làm Dụng để đoán cát hung của Dụng thần. Do đó gọi Dụng thần là Thể hay là Dụng là tuỳ vào phạm vi định Thể - Dụng.

Nội dung sách diễn đạt rườm rà, chẳng qua là khi lấy Dụng thần làm Thể, thì giải thích nhiều loại Dụng thần khác nhau mà thôi.

Về Tam Thừa

Tiếp theo, phần giải nghĩa sách có ghi về Tam Thừa: "Nhưng mà chúng ta biết trong lý luận mệnh lý học, mệnh có năm cấp, đạo có tam thừa. Trong đó tam thừa đạo đức, chính là thượng thừa, trung thừa, hạ thừa. Đạo hạ thừa, coi trọng sinh khắc chế hoá của khí thiên can địa chi trong mệnh cục. Đạo trung thừa, coi trọng hình tượng của thiên can địa chi trong mệnh cục. Đạo thượng thừa, coi trọng được mất của khí thế. Mà tinh thần trong phần này cũng như thể dụng được nhắc tới trong phần trước, đều là thể hiện của đạo thượng thừa trong mệnh cục. Đối lập với "hình nhi hạ" của khí ngũ hành trong hạ thừa thì thể dụng và tinh thần lại càng thêm "hình như thượng". So sánh giữa tinh thần và thể dụng, tinh thần lại càng cần "hình nhi thượng" so với thể dụng. Rốt cuộc, thể dụng chỉ biểu hiện là cách cục của bát tự mệnh cục hoặc kết cấu của thiên can địa chi. Còn tinh thần phần nhiều là nội tượng về cách cục của bát tự mệnh cục hoặc kết cấu của thiên can địa chi. Có thể nói, tinh thần càng đi xa hơn trên cơ sở của thể dụng, cũng vì thế mà khi sắp xếp theo thứ tự thuận, "tinh thần" xếp sau phần "thể dụng". Tinh thần, là khí chất nội tại của mệnh cục, không có dấu vế đề tìm, mà chủ yếu là về cảm giác hoặc sự lĩnh ngộ."

Thật ra sự khác biệt về tam thừa - hạ thừa, trung thừa và thượng thừa - là do sự khác nhau về qui mô khi định Thể Dụng. Như can chi của Dụng Thần làm Thể, lấy các chữ khác làm Dụng, mà cụ thể là tác động (sinh khắc chế hoá) của chúng lên Thể để định cát hung là hạ thừa. Như lấy ngũ hành của Dụng Thần làm Thể, lại lấy ngũ hành của can chi lưu niên làm Dụng, xem Dụng sinh phù ức chế Thể để luận cát hung là hạ thừa (Ví dụ: Dụng hoả, gặp năm Ngọ là cát). Như lấy hình tượng của Nhật chủ làm thể, lại lấy các chữ khác làm Dụng là trung thừa. Đây là hình thức dùng thập can khí số để xem Tử Bình. Như lấy Giáp mộc làm lương đống, cổ thụ; lấy Ất mộc làm hoa thảo, dây leo là trung thừa. Như Nhật chủ Giáp mộc tháng Giêng, thấy Quý Bính phú quý là phép xem trung thừa. Phép giải Tứ Trụ này phổ biến ở Cùng Thông Bảo Giám và Tam Mệnh Thông Hội. Còn như lấy Dụng thần làm thể, lấy khí thế nguyên cục làm Dụng để xem xuất thân được mất, cát hung đời người; hoặc lấy khí thế nguyên cục và tác động của đại vận vào khí thế nguyên cục là Dụng để xem cát hung đại vận; hoặc lấy khí thế nguyên cục và tác động của đại vận và lưu niên vào khí thế nguyên cục là Dụng để xem cát hung lưu niên; là thượng thừa.

Hạ thừa, trung thừa, thượng thừa khác nhau ở phạm vi định Dụng để tính toán cát hung. Phạm vi nhỏ thì việc tính toán đơn giản nhưng độ chính xác không cao. Phạm vi lớn thì việc tính toán phức tạp nhưng độ chính xác lại cao hơn. Có được, cũng có mất.

Về Tinh Thần

Nguyên văn: "Nhân hữu tinh thần, bất khả dĩ nhất thiên cầu dã, yếu tại tổn chi ích chi thích kỳ trung."

Nguyên chú: "Tinh khí, thần khí, đều là nguyên khí; ngũ hành phần lớn lấy kim, thuỷ là tinh khí; mộc, hoả là thần khí; còn thổ là thực. Có cái thần thì đủ mà không thấy tinh, nhưng tinh tự đủ; có cái thì tinh đủ mà không thấy thần, mà thần tự đủ; có cái tinh khuyết thần cô độc, mà nhật chủ hư vượng; có cái tinh khuyết thần cô độc, mà nhật chủ cô nhược; có cái thần không đủ mà tinh có thừa; có cái tinh không đủ mà thần có thừa; có cái tinh thần đều khuyết mà khí vượng; có cái tinh thần đều vượng mà khí suy; có cái tinh khuyết mà thần trợ; có cái thần khuyết mà tinh sinh cho;" (...)

Nhậm Thiết Tiều: "Tinh, là thần sinh ra ta; thần, là vật khắc ta; khí, là bản khí thông suốt đầy đủ. Tinh và thần, lấy tinh làm chủ, tinh đủ tức khí vượng, khí vượng thì thần vượng, không phải chuyên lấy kim, thuỷ là tinh khí; mộc, hoả làm thần khí. Cuối phần nguyên văn có câu "yếu tại tổn chi ích chi thích kỳ trung", rõ ràng không phải kim, thuỷ là tinh; mộc, hoả là thần. Tất được lưu thông sinh hoá, tổn ích thích hợp, là tinh khí thần đều đủ. Nghiên cứu kỹ càng, không chỉ nhật chủ, dụng thần, thể tượng có tinh thần, mà ngũ hành đều có. (...) Nên lấy thuỷ tràn lan mà mộc trôi nổi, mộc không có tinh thần. Mộc quá nhiều mà hoả hừng hực, hoả không có tinh thần. Hoả quá nóng mà kim không có tinh thần. Kim nhiều thuỷ nhược, thuỷ không có tinh thần. Nguyên chú lấy kim, thuỷ là tinh khí; mộc, hoả là thần khí, đều là tự tạng mà luận. Lấy phối thuộc kim, lấy thận thuộc thuỷ. Kim, thuỷ tương sinh, tàng trong đó, nên là tinh khí. Lấy gan thuộc mộc, lấy tâm thuộc hoả. Mộc hoả tương sinh, phát ở biểu đó, nên là thần khí. Lấy tì thuộc thổ, thông suốt toàn thân nên là thực." (...)

Từ Lạc Ngô: "Hai chữ tinh thần, thuộc vô hình. Phàm ưu thế của bát tự, đều ở tinh thần. Tinh thần xuất mà phối hợp như phần can chi đã nói "thiên địa thuận toại, mà tinh tuý xương". "Thuận toại", "tinh tuý" tức là tinh thần. Dụng thần có tình, vô tình, hữu lực, vô lực, cùng với can chi sắp xếp trước sau, sự thích họp của nóng, lạnh, khô, ẩm, đều là nơi tinh thần tá túc, nên không thể phân đâu là tinh, đầu là thần. Như phần tiếp theo có nguyên lưu, thanh trọc, chân giả...đều là tinh thần có hay không."

Thiên Khánh: Tóm lại, nguyên chú cho tinh thần là ngũ hành: kim thuỷ là tinh, mộc hoả là thần. Nhậm Thiết Tiều cho nguyên thần (Ấn thụ) là tinh, Quan Sát là thần. Từ Lạc Ngô cho tinh thần chính là hữu tình hay vô tình; hữu tình / nghi là có tinh thần, vô tình / bất nghi là không có tính thần.

Thực chất, Tinh Thần cũng chỉ là một cách lập Thái Cực. Lấy Tinh Thần làm Thể, lấy nguyên cục làm Dụng để đoán cát hung. Có điều Tinh Thần (tinh khí và thần khí) tuỳ theo người mà có lối định nghĩa và giải thích khác nhau.

Đối với Tinh Thần, tôi có một cái nhìn khác, không phân thành tinh khí và thần khí, mà phân làm Tinh - Khí - Thần. Tinh chính là độ vượng suy tiên thiên của ngũ hành nguyên cục; Thần chính là Dụng thần nguyên cục; Khí chính là kết cấu, bài bố của nguyên cục, ví dụ như lưỡng thần thành tượng, tam giả vi toàn, nguyên lưu, tình hoà khí hiệp, thiên phúc địa tái, sinh khắc chế hoá, thăng giáng, tụ tán đều là Khí. Khí, tức là sự vận động của luồng khí trong nguyên cục bát tự. Luồng khí hay sự vận đồng này có ích cho Thần (dụng thần) thì cát, ngược lại thì hung. Dùng Tinh Khí Thần có thể đánh giá mức độ cát hung bát tự. Ví dụ, cùng là thân nhược (Tinh bất túc - Tinh không đủ) dụng Ấn (Thần), nhưng nếu Ấn tinh đắc nguyệt lệnh (Khí - khiến cho Thần đủ) thì cách cục vẫn cao hơn không đắc nguyệt lệnh (Thần khô). Như cùng là thân nhược (Tinh không đủ) dụng Ấn (Thần), cùng là Ấn tinh đắc nguyệt lệnh (Khí), nhưng nếu Ấn tinh toạ Quan Sát (Khí - địa tái) thì cách cục vẫn cao hơn là không toạ Quan Sát.

Như thân nhược (Tinh bất túc - Tinh không đủ) dụng Ấn (Thần) mà Ấn tinh đắc nguyệt lệnh lại được Quan Sát đến sinh là Tinh Thần no đủ, nhật chủ có nguyên lưu sâu rộng (Khí) thì cát. Như tinh mặc dù vượng, tức thân vượng dụng Sát (Thần) mà Sát bị Thương phá (Khí trệ) thì Thần khô, không cát.

Như thân nhược (Tinh bất túc - Tinh không đủ) dụng Ấn (Thần) mà Ấn tinh đắc nguyệt lệnh lại được Quan Sát đến sinh là Tinh Thần no đủ, nhật chủ có nguyên lưu sâu dài (Khí) thì cát. Tuy nhiên đến niên vận trói/xung/phá/hợp mất Ấn tinh thì thành ra Khí trệ, dẫn đến Thần khô, Quan Sát khắc Thân, Tinh vốn không đủ lại càng khô cạn, lại là hung.

Phía trên tôi đã tóm tắt, cũng như chú thích thêm về Tam Thừa, Thể Dụng, Tinh Thần theo quan điểm cá nhân. Chúc qui vị đồng đạo nghiên cứu tinh tiến.

Re: Thể dụng - Tinh Thần - Tam Thừa (Kỉ niệm 7 năm)

Đã gửi: 09:24, 12/05/21
gửi bởi NguyenDuongBaoMinh
Hay quá ạ!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!