Whitebear tham khảo thêm bài soạn này:
Khí âm dương trung hòa
Đổng Trọng Thư 179 - 104 Tr.CN, xuất phát từ quan niệm cơ bản của thiên nhân cảm ứng, mà tổng hợp các hình thái tư tưởng thiên mệnh, tư tưởng âm dương ngũ hành, có từ thời Ân Chu, tư tưởng Khổng Mạnh của Nho gia, và Sấm vĩ học thời Tần Hán. Từ đó, hình thành tư tưởng Khí luận, với nội dung cơ bản là Khí âm dương trung hòa.
Xuân Thu phồn lộ - Vương đạo viết: "Nguyên nghĩa là nguyên thủy, nói cho đúng nghĩa là bản thủy. Đạo nghĩa là vương đạo. Vương nghĩa là bản thủy của con người. Vương chính thường thì nguyên khí hòa thuận, mưa thuận gió hòa, thấy cảnh trời đầy sao, rồng vàng giáng hạ, nếu vương bất chính thì trở trời thất thường".
Ngũ hành tương sinh viết: "Khí trời đất hợp lại thì là một, tách ra thành âm dương, phân chia thành bốn mùa và xếp theo ngũ hành. Theo loài theo nhóm để có những đặc tính khác nhau, đó là sự chi phối của khí âm dương mà xếp thành khí ngũ hành".
Tuần thiên chi đạo viết: "Xuân khí tạo sinh muôn vật xuất hiện. Hạ khí nuôi dưỡng muôn vật trưởng thành. Thu khí sát phạt muôn vật chết chóc. Đông khí co lại muôn vật ẩn tàng. Khí thiên địa là tinh, xuất nhập vô hình, vạn vật theo đó mà thích ứng".
Vương đạo thông tam viết: "Xuân khí ái, Hạ khí lạc, Thu khí nghiêm, Đông khí ai". Khí Xuân thì yêu, khí Hạ thì vui, khí Thu thì nghiêm, khí Đông thì buồn thương. Khí yêu giành cho sinh sôi, khí vui giành cho sự sinh dưỡng, khí nghiêm giành cho sự thành công, khí buồn thương giành cho tang thương. Đó là sắc thái của trời. Bởi vậy, mùa Xuân ấm áp do trời yêu thích mà để sinh sôi, mùa Hạ ấm nóng do trời vui để nuôi dưỡng, mùa Thu trong sáng do trời nghiêm để thành công, mùa Đông rét mướt do trời buồn thương để ẩn giấu. Khí Xuân Hạ tỏa ra dương khí để cho sự sinh. Khí Thu Đông tỏa ra âm khí để cho sự thành".
Hán thư - Đổng Trọng Thư - Âm dương nghĩa: viết: "Cái chính thường của thiên đạo là một âm một dương". Thiên đạo thường nhất bất biến biểu hiện rõ rệt nhất, là sự chuyển động biến đổi thịnh suy của khí âm dương hình thành bốn mùa, trong bốn mùa thì tình trạng của âm dương là khác nhau. Mùa Xuân Hạ dương khí dồi dào, là mùa sinh dưỡng muôn vật, cho nên muôn vật phồn thịnh, bởi vậy Xuân Hạ mang tính "nhân". Mùa Thu Đông khí âm dày đặc, đó là mùa muôn vật thành rồi tàn lụi, thu vào, và cất giấu, bởi vậy Thu Đông mang tính hình sát - phản lại là "nghĩa".
Dương khí thì ấm áp, âm khí thì mát lạnh. Dương khí thì cho đi, âm khí thì nhận về. Dương khí thì khoan dung, âm khí thì nghiêm ngặt. Dương khí thể hiện tính nhân đức, âm khí thể hiện sự quái gở. Dương khí thể hiện sự yêu thích, âm khí biểu hiện sự ghét bỏ. Dương khí mang thuộc tính đạo đức. Dương tôn âm ty viết: "dương vi đức, âm vi hình. Dương, thiên vi đức, Âm, thiên vi hình dã".
Dương tôn Âm ty viết: "Dương khí xuất phát phía ở Đông Bắc, nhập vào ở phía Tây Bắc, khởi lên trong tháng Giêng, đến tháng Mười thì ngừng phát triển. Đâu đâu cũng vậy, khi cái dương khởi phát thì muôn vật bắt đầu sinh, dương khí phồn thịnh thì muôn vật theo mà phồn thịnh, dương khí bắt đầu suy thì mọi vật lụi tàn. Muôn vật đều chuyển động theo cái dương một cách thủy chung, chính khí của Tam vương trời đất người đều theo cái dương mà vươn dậy. Vì thế mà cái dương được tôn quý, cái âm bị coi thường".
Xét, Dương hành theo chiều thuận, Âm hành theo chiều nghịch. Hành theo chiều ngược mà lại là thuận, hành theo chiều thuận mà lại là nghịch, đó là Âm khí. Bởi vậy, trời phú cho khí âm cái "quyền" (lực), phú cho khí dương cái "kinh" (quyền quản lý). Dương khí thiên về hướng Nam, Âm khí thiên về hướng Bắc. "Kinh" (quyền quản lý) có tác dụng cho lúc thịnh vượng, còn "quyền" (lực) thì có tác dụng cho giai đoạn cuối. Từ đó thấy được Trời làm nổi bật cái "kinh" mà ẩn dấu cái "quyền", và trời dùng đức trước dùng hình (hình phạt)".
Khí dương thường ở vị trí "thực", mà vận hành ở thời thịnh vượng. Khí âm thường ở vị trí "hư", mà vận hành ở giai đoạn gần cuối. Điều đó tỏ rõ trời yêu nhân đức mà gần gũi chúng, ghét bỏ ác nghiệt mà xa rời nó. Trời cần cái đức lớn mà ít khi phải sử dụng hình phạt, trước hết phải thực hiện chỉnh đốn quản lý (kinh), sau đó mới thực thi quyền lực, tôn quý cái dương, coi nhẹ cái âm.
Như thiên chi vi viết: "Khí âm dương ở trời cũng có ngay trong con người. Biểu hiện của nó ở con người là cảm xúc: yêu thích, vui sướng, ghét bỏ, tức giận; biểu hiện ở trời là tiết trời: ấm áp, nóng nực, mát mẻ, lạnh lẽo. Đó là bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông".
Nhân phó thiên số viết: "Khí bốn mùa mang đặc tính của khí âm dương theo mùa, con người cũng mang đặc tính âm dương". Đặc tính âm dương ở con người được biểu hiện ở hai mặt: một là, cấu trúc cơ thể con người phân chia theo âm dương; hai là, tình cảm đạo đức con người cũng phân chia theo âm dương. Đặc tính Dương khí của mùa Xuân Hạ biểu hiện ở sự "bác ái mà dung chúng", "thịnh dưỡng mà lạc (vui) sinh". Đặc tính Âm khí của mùa Thu Đông là "Lập nghiêm mà thành công", "Ai tử (buồn chết) mà tang tóc". Khí âm dương chi phối những diễn biến đó, bởi vì thiên nhân hợp làm một, trời và con người cảm ứng nhau.
Thiên biện nhân tại viết: "Nếu con người không có xuân Khí, thì làm gì có bác ái và bao dung ? Nếu con người không có thu Khí, thì làm sao để lập nghiệp mà thành công ? Nếu con người không có hạ Khí, thì lấy gì để thịnh dưỡng mà vui với sự sống ? Nếu con người không có đông Khí thì làm gì có buồn chết và tang tóc ? Nếu trời không có hỷ khí (khí vui tươi) thì lấy đâu ra hơi ấm của mùa Xuân mà sinh dục ? Nếu trời không có nộ khí (khí tức giận) thì làm gì có mùa Thu mát mẻ mà lụi tàn ? Nếu trời không có lạc khí (sướng vui) thì làm gì có ánh dương dồi dào mùa Hạ mà trường dưỡng ? Nếu trời không có ai khí (xót thương) thì lý gì để kích thích cái âm có mùa Đông giấu kín ? Đó là cách nói hợp loại vậy".
Vương đạo thông tam viết: "Hỷ khí ấm áp coi là mùa Xuân (vui). Nộ khí thanh trong được coi là mùa Thu (cáu giận). Lạc khí được coi là thái dương mùa Hạ (sung sướng). Ai khí được coi là thái âm mùa Đông (buồn thương). Trời và con người cùng có bốn thứ khí đó, nhưng con người không thể làm ra nó, chỉ có thể điều tiết nó mà không thể chấm dứt nó".
Xu thế biến hóa của khí âm dương đều hướng tới mức "trung hòa". Âm Dương trung hòa là trạng thái chu chuyển tốt nhất, đó là đạo lý thiên địa nhân. Tuần thiên chi đạo viết: "Trung là thái cực của trời đất, là nơi tận cùng của nhật nguyệt. Sự đổi thay dài ngắn đều không vượt ra ngoài phép tắc, quy chế trung hòa của trời đất. Trung hòa với không trung hòa phản ảnh cái dụng ở mức công. Khí dương biểu hiện sự bao dung của trời. Khí âm biểu hiện sự mau mắn của trời. Dung là dụng của trời. Hòa là công của trời. Theo đạo của trời mà đạt được mức "hòa" một cách chuẩn mực nhất, thì mọi vật sinh sôi, nhờ Khí mà dưỡng dục" (Trung giả, thiên địa chi thái cực dã, nhật nguyệt chi sở chí nhi khước dã. Trường đoản chi long, bất đắc quá trung, thiên địa chi chế dã. Kiêm hòa giữ bất hòa, trung giữ bất trung, nhi thời dụng chi, tận dĩ vi công. Dương giả thiên chi khoan dã, hòa giả thiên chi công dã. Cử thiên địa chi đạo nhi mỹ vu hòa, thị cố vật sinh, giai quý Khí nhi nghênh dưỡng chi).
Trung hòa là cơ chế cố hữu của Khí âm dương, là nội dung căn bản của Đạo âm dương, của trời đất. Tuần thiên chi đạo viết: "Nếu không bắt đầu từ khí trung hòa thì không có sinh và phát triển. Nếu không có khí trung hòa thì không thể dưỡng dục và trưởng thành. Trưởng thành trong hòa Khí, sinh nở cũng cần có hòa Khí. Bắt đầu trong sự trung hòa thì kết thúc cũng trong sự trung hòa. 'Trung' quán xuyến từ đầu đến cuối của sự chuyển động trời đất, 'hòa' làm cho trời đất sinh sôi và trưởng thành. Cái đức không thể lớn hơn cái 'hòa', mà đạo không thể vượt quá sự 'trung' chính. 'Trung' là cái lý của trời đất đạt tới độ chuẩn mực mỹ mãn. Trung chính là điều mà Thánh nhân phải gìn giữ".
Sự biến hóa của thiên địa vạn vật và của xã hội loài người, nếu xuất hiện sự thiên lệch, thì tựu trung phải trở về với trung hòa. Mấu chốt của trung hòa lại là cái "hòa". Tuần thiên chi đạo viết: "Trung để mà đạt tới cái 'hòa', nên mới nói 'hòa' là điều trọng yếu của trung hòa. Hòa là sự chính thường của trời, là sự cân bằng của âm dương, trong đó Khí là thứ lành nhất, để sinh ra mọi vật. Hòa là món quà lớn nhất mà trời đất ban cho".
Mục đích của cái "trung" là phải đạt tới cái "hòa", nếu phá vỡ cái "hòa" thì tai họa ập đến. Tinh hoa viết: "Những nạn hạn hán lớn là do dương diệt âm. Những trận lụt lớn là do âm diệt dương".
Đổng Trọng Thư phân chia Nguyên khí thành ba loại: Khí âm dương, Khí thiên địa, Khí tứ thời. Tất cả ba loại Khí này, theo Đổng Trong Thư đề xuất, chính là vật chất bản thủy cấu tạo nên muôn vật.
Hà Uyên