Trang 1 trên 3

1. BỐ THÍ

Đã gửi: 05:17, 13/01/23
gửi bởi KMD
PHPT1 K.IV - BÀI THỨ 6: LỤC ÐỘ (BỐ THÍ BA LA MẬT & TRÌ GIỚI BA LA MẬT)
PHẬT HỌC PHỔ THÔNG QUYỂN 1

Sa môn THÍCH THIỆN HOA

KHÓA IV: DUYÊN GIÁC VÀ BỒ TÁT THỪA PHẬT GIÁO

Bài thứ 6: LỤC ÐỘ (BỐ THÍ BA LA MẬT & TRÌ GIỚI BA LA MẬT)

ÐỘ THỨ NHẤT: BỐ THÍ BA LA MẬT


A. MỞ ÐỀ

Đạo Phật thường được gọi là Ðạo Từ bi, vì tình thương trong đạo Phật rất bao la, sâu rộng. Ðức Phật tổ vì từ bi mà xuất gia để tìm đạo cứu khổ cho chúng sinh. Vậy người Phật tử, khi noi theo dấu chân Phật, cũng phải lấy từ bi làm động tác chính cho sự tu hành của mình.

Nhưng làm thế nào để thể hiện được lòng từ bi và làm cho nó tăng trưởng? Phương pháp mầu nhiệm nhất là thực hành pháp môn Bố thí Ba la mật, một trong sáu pháp môn (lục độ) mà đức Phật đã chế ra cho kẻ tu hành có tâm trí rộng lớn thực hành để độ mình và độ người ra khỏi biển sanh tử luân hồi và đến bờ giác ngộ.

B. CHÁNH ÐỀ

I. ÐỊNH NGHĨA


Bố là cùng khắp: thí là cho, là trao tặng. Bố thí là cho cùng khắp, cho tất cả mọi người, mọi vật, mọi nơi.

Ba la mật nguyên âm tiếng Phạn là Paramita. Người Trung Hoa dịch nghĩa là "Bỉ ngạn đáo", nói theo tiếng Việt là "đến bờ bên kia".

Bố thí Ba la mật, tức là một môn tu hành bằng phương pháp bố thí, có công năng như một chiếc thuyền, đưa mình và người từ bờ mê lầm của chúng sinh sang bờ giác ngộ của chư Phật.

II. THÀNH PHẦN CỦA BỐ THÍ BA LA MẬT

Bố thí Ba la mật gồm các loại sau đây: Tài thí, Pháp thí, Vô úy thí. Dưới đây chúng ta lần lượt tìm hiểu ý nghĩa của các loại bố thí ấy.

1. Tài thí. Tài thí tức là đem tiền bạc, của cải, vật thực của mình ra cho. Tài thí có hai loại:

a) Nội tài. Là những vật chí thân quí báu nhất của mình như thân mạng, đời sống của mình. Thí nội tài ở đây tức là hy sinh thân mạng để cứu vớt kẻ khác ra khỏi nguy nan. Trong các chuyện tiền thân của đức Phật Thích-Ca, chúng ta đã thấy nhiều gương thí nội tài, như câu chuyện người lái buôn kia, trong khi đi biển bị thuyền chìm đã tự hy sinh thân mạng bằng cách buông tay khỏi cột buồm mà mình đang bám vào, để nhường chỗ cho những hành khách xấu số khác khỏi chết đuối.

Thí nội tài là một cử chỉ hy sinh cao đẹp nhất mà chỉ những người giàu lòng từ bi, bác ái mới làm được. Nếu còn xem thân mạng mình là quý, là trọng hơn thân mạng kẻ khác thì chắc chắn không bao giờ thực hiện được loại bố thí này.

b) Ngoại tài. Ngoại tài là những vật thường dùng của mình như thức ăn đồ mặc, tiền bạc, xe cộ, ruộng vườn, nhà cửa v.v... Ðem những vật ấy ra cho những người túng thiếu, nghèo khổ thì gọi là thí ngoại tài.

2. Pháp thí. Ðem lời hay, lẽ phải, những chân lý đúng đắn, những lời dạy quí báu của đức Phật để chỉ bày, khuyên bảo người khác; hoặc y theo giới luật của Phật tu hành thành thật để làm khuôn mẫu cho người bắt chước, bỏ dữ theo lành, cải tà quy chánh đều là pháp thí. Pháp thí có một giá trị rất lớn lao hơn cả tài thí, vì tài thí chỉ giúp người khác đỡ túng thiếu về phương diện vật chất trong một thời gian, hay nhiều nhất là cứu giúp một đời người. Nhưng pháp thí giúp đỡ người rất nhiều về phương diện tinh thần, không riêng gì đối với người nghèo khó, mà cả người giàu sang, chức tước; không phải chỉ có ảnh hưởng tốt trong một giai đoạn, mà còn gieo nhân lành cho nhiều đời kiếp về sau. Vì những lẽ đó, nên người Phật tử chân chính, không bao giờ bỏ mất một dịp nào mà không làm pháp thí, cả về phương diện khẩu giáo (dùng lời lẽ đúng Phật pháp để chỉ dạy) lẫn phương diện thân giáo (dùng đời sống chân chính hợp đạo để chỉ dạy).

3. Vô úy thí. Vô úy nghĩa là không sợ. Vô úy thí là làm cho người khác không sợ, hết sợ. Phép thí này mới nghe thì tưởng như là không quan trọng gì cả. Nhưng nếu suy nghĩ một cách chín chắn, chúng ta sẽ thấy đức Phật thật vô cùng thâm thúy khi chế ra pháp thí này.

Chúng ta hãy nghĩ lại mà xem, có phải trong một đời người, cái sợ đã chiếm quá nửa cuộc đời rồi không? Khi nhỏ chúng ta sợ la rầy, sợ đánh đập, sợ ma quỉ...; khi tráng niên sợ thiếu ăn, thiếu mặc, sợ giặc, sợ thiếu công danh, sự nghiệp; khi già sợ đau, sợ ốm, sợ già, sợ chết... Chỉ toàn sợ và sợ. Ðó là chưa nói đến gặp thời buổi loạn lạc, còn phải sợ sưu cao, thuế nặng, sợ quan tham, lại nhũng, sợ trộm cướp, lưu manh, sợ tù, sợ tội, sợ chém, sợ giết... Bao nhiêu thứ sợ chồng chất lên đầu người, làm cho đầu họ không dám ngửng lên, lưng họ còm xuống, đầu gối họ sắp quỵ. Muốn có một hình ảnh tượng trưng cho sự sợ hãi, thì hãy lấy hình ảnh của người dân quê Việt Nam trong thời Pháp thuộc thì rõ: Hai tay họ sẵn sàng để chắp lạy, mắt không dám nhìn lên, lưng còng xuống và hai đầu gối sẵn sàng để quỳ xuống mỗi khi nghe tiếng nạt của ông quan hay ông thực dân hống hách.

Ðời sống đã khổ, lại càng khổ thêm vì sợ. Cho nên làm cho người hết sợ, chính là đã cứu cho họ bớt đi quá nửa khổ đau trong kiếp sống. Lòng từ bi của đức Phật không nỡ thấy chúng sinh khổ sở vì sợ, nên đã chế ra phép thí vô úy.

Muốn thực hành pháp môn này, hành giả trước tiên phải luyện cho mình một đức tính đừng sợ gì cả. Mà kẻ tu hành chân chính, hiểu rõ giáo lý của Phật, thì còn sợ nỗi gì? Tiền của, họ không tham cho nên không sợ mất; danh lợi, họ không màng, nên không sợ thiếu; sanh mạng, họ xem như giả tạm, nên không sợ chết. Do cái tâm lý đó mà cõi lòng họ luôn luôn không xao động, nét mặt họ luôn luôn bình tĩnh trước mọi sự đổi thay, gian nan nguy hiểm. Người tu hạnh thí vô úy sẵn sàng để nhảy xuống nước vớt người sắp chết chìm, nhảy vào lửa để cứu người sắp chết thiêu, xông vào đám cướp để cứu người lương thiện, đến gõ cửa công, để minh oan cho người vô tội...

Tóm lại, người tu hạnh thí vô úy, hễ đi đến đâu thì đem đến đó một nỗi bình tĩnh, an vui cho mọi người và mọi vật.

III. PHẢI BỐ THÍ NHƯ THẾ NÀO MỚI ÐÚNG CHÁNH PHÁP?

Chúng ta đã biết qua các lối bố thí Ba la mật. Ðến đây, chúng ta cũng cần biết rõ thái độ của người tu hành bố thí phải như thế nào.

Sự bố thí như đã nói trên, thật ra không khó và không hiếm. Rất nhiều người có thể làm được. Trong đời, chúng ta thường thấy có nhiều kẻ giàu có đem bạc ngàn bạc vạn ra bố thí, có nhiều người bỏ cả tài sản ra lập nhà thương, ký nhi viện, trường học, có nhiều người dám liều mạng xông vào lửa để cứu kẻ sắp chết thiêu, nhảy xuống nước cứu người sắp chết đuối; có những kẻ anh hùng đem tài năng ra bảo vệ kẻ yếu hèn, hay dám đương đầu với bọn xâm lăng để giữ gìn đất nước.

Về phương diện thí pháp, có nhiều người đi đâu cũng đem đạo lý ra giảng nói, đi đâu cũng tỏ ra ta đây hiểu đạo, chứng quả.

Nếu nhìn bề ngoài, thì những hành động ấy đều là bố thí cả. Nhưng nếu xét về tâm lý và động lực thúc đẩy bên trong, thì có thể có hai trường hợp khác xa nhau.

1. Bố thí chấp tướng. Nghĩa là bố thí với một dụng tâm không trong sạch. Chúng ta đã biết bố thí là do từ tâm mà ra. Bố thí là một pháp môn để tự độ và độ tha. Nhưng nếu bố thí với một dụng tâm khác như cầu danh, cầu tài lợi (cho ít mà cầu được trả lại nhiều), hoặc vì ganh đua, hoặc vì muốn làm nhục người chịu ơn, hoặc vì bị ép buộc, hoặc cho với một tâm lý khinh rẻ, hối tiếc hoặc cho với một tâm lý lừa lọc, bất công, thiên vị; nếu bố thí với một tâm lý, một thái độ như thế, thì tất là bố thí chấp tướng.

Chẳng hạn đem tiền của ra lập nhà thương, trường học để được nêu trên mặt báo, để được nhắc nhở đến luôn; hoặc nhảy xuống sông cứu người chết đuối để được "người đẹp" tán thưởng; hoặc giết giặc để mong được tấm huy chương, hoặc giảng nói đạo lý để tỏ ra mình học rộng biết nhiều. Những hành vi bên ngoài đẹp đẽ ấy, bên trong thật không có giá trị gì.

Bố thí với tâm lý, với động lực như thế, không phải là bố thí Ba la mật; và phước đức của những hành động ấy thuộc về hữu lậu rất mỏng manh, như mây nổi giữa hư không, gặp gió thổi liền tiêu tan.

2. Bố thí không chấp tướng. Nghĩa là bố thí với một dụng ý trong sạch, đúng với ý nghĩa của nó.

Trong khi bố thí, hành giả vì tâm từ bi bình đẳng, xem chúng sinh như con, nên không sinh tâm vị kỷ, không phân biệt bỉ thử, thân sơ. Hành giả vì biết tài sản cũng như thân mạng mình đều giả tạm, vô thường, nên không tham lam, tiếc nuối. Hành giả vì biết cái “ngã” không có thật, nên khi cho không thấy có kẻ cho và người nhận, không tự cao, tự đại.

Bố thí với một tâm địa trong sạch như trên sẽ được phước vô lậu thanh tịnh, mới đúng là bố thí Ba la mật.

IV. CÔNG ÐỨC BỐ THÍ BA LA MẬT

Pháp bố thí là cái nhân lành của quả phúc ở thế gian và xuất thế gian. Trong lục độ vạn hạnh, pháp bố thí đứng đầu, vì nó tương đối dễ làm hơn tất cả các pháp, mà công đức lại lợi lạc được cả đôi bên người nhận và kẻ cho:

1. Ðối với người nhận. Người đời không ai là đầy đủ. Kẻ được phần này thì thiếu phần khác: kẻ được vật chất thì mất tinh thần, kể đầy đủ tinh thần lại thiếu thốn vật chất.

Kẻ đang thiếu thức ăn mà được ăn, kẻ đang thiếu mặc mà được mặc, kẻ đang đau xót mà được vỗ về, an ủi, kẻ đang lo sợ mà được đùm bọc che chở thì thật là may mắn sung sướng vô cùng. Trong một xã hội có được nhiều người giàu lòng từ bi bác ái, luôn luôn tìm cách giúp người, thì xã hội ấy chắc chắn sẽ được an vui thịnh đạt.

2. Ðối với người cho. Sự bố thí đã đành là lợi lạc cho người nhận, nhưng đối với người cho cũng không kém phần quý báu. Ngoài sự sung sướng được thấy mình làm việc phải, được thấy quần sinh sung sướng, vui mừng, hành giả còn nhờ bố thí mà tiến mau, tiến xa trên đường đạo. Mỗi khi đem của cải ra cho, là hành giả có một dịp để chiến thắng lòng tham lam, bỏn sẻn, ích kỷ và nới rộng lòng từ bi; mỗi khi hy sinh tánh mạng để cứu giúp người, là hành giả có dịp để thử thách lòng tham sống, sợ chết, và trau dồi đức tánh lợi tha, bình tĩnh. Mỗi khi cho mà không kể kẻ thân người thù, là hành giả có dịp để chiến đấu với lòng sân hận, và trau dồi thêm đức tính từ bi, bình đẳng. Mỗi khi cho mà không nghĩ đến kẻ cho hơn người nhận, là hành giả có dịp để chiến đấu với ngã chấp, ngã ái, ngã mạn. Nếu hành giả thí pháp, thì đó là những cơ hội để mình tự nhắc nhở, ghi nhớ những lời đức Phật đã dạy, những công đức mà Ngài đã làm để noi theo.

C. KẾT LUẬN

Chúng ta đã thấy rõ giá trị của pháp Bố thí Ba la mật. Công đức của nó không những chỉ riêng cho người nhận, mà lẫn cả người cho nữa. Nó vừa độ người mà vừa độ mình. Có công năng đưa mình và người từ bờ mê lầm đến bờ giác ngộ, từ địa vị phàm phu đến quả vị Bồ tát.

Vậy xin khuyên các Phật tử đều phát tâm Bồ đề, tu hạnh Bố thí Ba la mật, để trên cầu thành quả Phật, dưới hóa độ chúng sinh, đền ơn Tam Bảo.

1. BỐ THÍ

Đã gửi: 05:26, 15/01/23
gửi bởi KMD
LƯỢC TRUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
Hòa thượng Thích Đức Niệm
Phật Học Viện Quốc Tế, California, 1998

Cắt Thịt Nuôi Cha Mẹ


Thuở quá khứ vô lượng kiếp A-tăng-kỳ nhằm vào thời đức Phật Tỳ-Bà-Thi ra đời. Lúc ấy, có vị vua hiệu là Đức-Phạm. Nhà vua thân hình tốt đẹp, tâm tánh nhân từ đức hạnh, công bình chánh trực, dùng chánh pháp trị quốc, được nhân dân kính mộ, nhà nhà sung túc, hạnh phúc hòa vui, thiên thần địa kỳ thảy đều ủng hộ.

Vua Đức-Phạm và hoàng hậu Diệp-Đầu-Đàn sanh được một thái tử tên là Tu-Xà-Đề, thân hình sáng láng, sắc vàng kim. Thái tử tuổi vừa mười bảy, hiển lộ tướng mạo khôi ngô anh tuấn, tánh tình thuần hậu, tâm lượng từ bi cương trực được vua cha yêu quý, hoàng triều dân chúng ai ai cũng mến mộ đức hạnh của thái tử.

Một hôm, vua Đức-Phạm đang ngủ mơ nghe có tiếng gọi rằng: "Nhà vua phải cấp tốc lánh nạn, có nghịch thần La-Hầu làm loạn, muốn sát hại vua. Vậy phải mau chân thì mới thoát nạn". Nhà vua giựt mình thức giấc, bán tín bán nghi, trong lúc bàng hoàng trầm ngâm tâm thần bối rối, thì trên hư không lại có tiếng vang vọng thúc dục: "Nhà vua phải gấp rút ẩn thân, bằng chậm trễ sẽ không hoàn tánh mạng!"

Vua Đức-Phạm kinh hãi, toàn thân toát mồ hôi, dựng cả chân lông, tâm trí giao động cực độ, lòng đầy phiền não bối rối, té xỉu xuống đất bất tỉnh, hoàng hậu và thái tử phải đỡ dậy, đắp khăn nước, hồi lâu vua mới tỉnh.

Thế rồi vua, hoàng hậu và thái tử gấp rút âm thầm rời cung thành đi lánh nạn. Trong lúc tâm trí bấn loạn, đi lầm phải con đường dài xa đầy gập ghềnh chông gai, nên đã hơn nửa tháng trời rồi mà chưa đến nước láng giềng. Lương thực đã cạn, cả ba người đều đói lả, cái chết lảng vảng trước mắt. Nhà vua định giết hoàng hậu để nuôi sống mình và thái tử. Thừa lúc hoàng hậu đói khát mệt lả ngã lăn bất tỉnh ngủ mê, vua Đức-Phạm tay run run nhè nhẹ rút gươm định chém hoàng hậu. Tay cầm thanh gươm vừa đưa lên, thì ngay lúc đó, thái tử Tu-Xà-Đề giựt mình thức giấc, mở mắt thấy vua cha run lập cập thất sắc trong thái độ bất bình thường với cử chỉ khác thường, thái tử kinh hãi chụp lấy tay vua quỳ gối thưa:

- Thưa Phụ-vương! Phụ-vương định làm gì mà có cử chỉ kỳ lạ như thế nầy?

- Con ơi! Việc bất đắc dĩ, không dấu gì, ta định hy sinh mẹ con để lấy thịt nuôi sống cha con ta qua cơn hoạn nạn nầy, để đến nước láng giềng chờ ngày phục quốc.

- Thưa Phụ-vương! Con không muốn thấy việc đó xảy ra. Thưa Phụ-vương! Xưa nay chưa có sách thành hiền nào dạy con ăn thịt cha mẹ để sống bao giờ. Thà chết chứ con không thể nào nhìn thấy làm điều bất hiếu bất nhân như vậy.

- Con ơi! Con là con mắt của ta, là máu huyết ta, là nguồn sống của hoàng tộc ta! Xưa nay có ai ăn con mắt của mình, uống máu huyết của mình, và đoạn diệt giống nòi mình bao giờ?

- Thưa Phụ-vương! Con nguyện ngày ngày tự tay cắt thịt của con để dâng Phụ-vương và Mẫu-hậu dùng cho đến khi nào con tắt thở mà thân con còn thịt thì lúc đó xin Phụ-vương và Mẫu-hậu cứ tiếp tục lóc thịt con dùng để sống cho qua cơn ngặt nghèo, hầu mong đến nước láng giềng chờ ngày thực hiện quang phục tổ quốc.

Nói xong, thái tử liền lấy dao cắt thịt dâng cho cha mẹ. Mỗi ngày cắt thịt dâng cha mẹ như thế cho đến một ngày nọ thịt gần hết thái tử kiệt sức, té sấp xuống đất, vua và hoàng hậu đau lòng nhìn con mà kêu than khóc nức nở. Thái tử cố lấy sức trong hơi thở yếu tàn khuyên vua và hoàng hậu nên bình tĩnh tiếp tục cắt thịt mình dùng để tiếp tục cuộc hành trình lánh nạn, chớ nên quá xúc động mà lụy đến sức khỏe, sẽ hỏng đại cuộc.

Trong lúc vua và hoàng hậu còn đang dùng dằng bịn rịn đi không đành, thái tử cố lấy hết sức tàn, khuyên vua cha và hoàng hậu phải nên đi gấp rút, nếu không thì lại thiếu thức ăn cả ba đều đói chết dọc đường, trước khi đến nước láng giềng. Vua và hoàng hậu đau lòng òa khóc, đành đoạn chân thấp chân cao từng bước nặng nề, dắt nhau đi đã xa mà vẫn còn ngoảnh lại nhìn thái tử với cõi lòng đau thắt. Thái tử nhìn theo bóng mờ của cha mẹ trong hơi thở tàn cho đến khi khuất dạng.

Bấy giờ thái tử Tu-Xà-Đề một mình giữa rừng sâu, chỉ còn hơi thở thoi thóp trong bộ xương đầy máu mủ với mùi hôi tanh xông lên, khiến cho các loài ruồi nhặng kiến dòi bu lại rút tỉa cái thân xương trắng máu đào của thái tử. Thái tử cố lấy hết sức tàn phát hùng tâm thệ nguyện: "Nguyện đời trước đời nầy lỡ làm những điều oán ác vay trả thì xin dứt sạch từ nay. Xương thịt thân nầy còn lại xin bố thí cho các loại chúng sanh thọ dụng. Nguyện đem thân nầy cúng dường cha mẹ mong cha mẹ được mười điều hạnh phúc: 1- Khi ngủ cũng như lúc thức, ngày đêm được an vui. 2- Không thấy ác mộng. 3- Chư thiên thường ủng hộ. 4- Mọi người đều ái kính. 5- Không gặp những sự kiện tụng. 6- Không bị trộm cướp. 7- Không bị giặc dã. 8- Không bị mưu hại. 9- Không bị oán cừu thù nghịch tàn hại tiêu diệt. 10- Gặp việc gì cũng đều được thuận lợi tốt lành".

Khi thái tử Tu-Xà-Đề phát nguyện như thế rồi, trời đất sáu phen rung động, sóng biển nổi dậy, núi Tu-di khuynh đảo, cõi trời Đao-Lợi rung chuyển. Lúc bấy giờ vua trời Đế-Thích thấy điềm lạ, nên dùng thần lực quán sát biết rõ sự việc, liền đem chư Thiên cõi trời Dục-giới xuống thế giới Ta-bà nầy, đến chỗ thái tử Tu-Xà-Đề hóa làm sư-tử hổ lang ra oai hùng hổ muốn nhảy đến vồ bắt ăn tươi nuốt sống, để xem thái tử có khiếp sợ không? Nhưng thái tử Tu-Xà-Đề vẫn thản nhiên hiền hòa bảo các loài sư-tử hổ lang rằng: "Các ngươi muốn ăn thịt ta thì cứ tùy ý, chớ sao lại có thái độ hùng hổ hung tợn như thế làm chi?"

Liền khi đó vua trời Đế-Thích hiện nguyên hình và nói với thái tử rằng: "Ta không phải là loài lang sói sư-tử hổ báo mà là trời Đế-Thích hóa hình đến đây để thử lòng ngươi. Vậy nhà ngươi hy sinh thân mạng để cúng dường cha mẹ, bố thí cho chúng sanh là vì để cầu làm Thiên Ma Vương, Phạm-vương, Thiên-vương, Nhân-vương hay Chuyển-luân Thánh-vương?"

Thái tử Tu-Xà-Đề đáp: "Thưa vua trời Đế-Thích, tôi chỉ có một điều cầu mong duy nhất là đắc đạo quả Vô-thượng Bồ-đề, để độ thoát tất cả chúng sanh".

Vua trời Đế-Thích lại nói: "Ngươi thật là quá ư ngu dại! Đạo quả Vô-thượng Bồ-đề cần phải nhẫn nhục khổ lắm, lại dụng công tu hành rất lâu mới được, làm sao ngươi có thể đủ sức chịu đựng nổi sự cần khổ đó?"

Thái tử đáp: "Giả sử đặt vòng sắt nung đỏ trên đầu để cầu đạo Vô-thượng Bồ-đề, ta cũng chẳng thối tâm".

Vua trời Đế-Thích: "Đó chỉ là lời nói suông, lấy gì làm bằng chứng cho tâm chân thành của nhà ngươi?"

Thái tử Tu-Xà-Đề liền lập nguyện: "Nếu tôi dối lòng với Thiên-Đế-Thích thì thân thể tôi sẽ mãi mãi bị chia lìa đau khổ như thế nầy cho đến ngày mục nát thành cát bụi. Ngược lại, nếu tôi thành tâm thật lòng, thì xin cho thân tôi được bình phục tốt đẹp hơn xưa".

Lời phát nguyện vừa xong, thân thể thái tử Tu-Xà-Đề bình phục như cũ, tướng mạo tốt đẹp hơn trước.

Thấy hiện tượng quá nhiệm mầu như vậy, vua trời Đế-Thích và các thiên thần bay lên hư không đồng cất tiếng ca ngợi:

Cao cả thay! Lòng tinh tiến
Tâm dõng mãnh thần tiên kính phục
Vô-thượng Bồ-đề chẳng còn mấy lúc
Xin đoái thương trước độ chúng tôi.
Ngài sẽ là Đạo sư ba cõi trời người
Đế-thích xin nhờ ngôi Vô-thượng-giác.


Nói về vua Đức-Phạm và hoàng hậu từ ngày đau lòng phải từ biệt thái tử, đã lần lượt đến được nước láng giềng trình bày rõ sự tình, khiến vị Quốc-vương nước nầy vô cùng cảm động lấy lễ quốc khách tiếp đãi vua và hoàng hậu. Quốc-vương vô cùng cảm phục tấm lòng hiều đạo của thái tử Tu-Xà-Đề đã xả thân làm việc khó làm.

Sau nửa tháng nghỉ ngơi dưỡng sức, vị Quốc-vương nước láng giềng giúp bốn đạo binh lính voi ngựa đưa vua Đức-Phạm và hoàng hậu về nước, giết kẻ nghịch thần La-Hầu và khôi phục lại giang sơn tổ quốc.

Cùng đoàn quân trên đường quang phục giang sơn, vua Đức-Phạm và hoàng hậu tìm đến chỗ chia tay và từ biệt thái tử Tu-Xà-Đề để mong tìm gói nắm xương tàn của thái tử đem về đất tổ chôn cất trong hoàng mộ, liệt thờ trong tông miếu. Đến nơi, vua và hoàng hậu vô cùng kinh ngạc trông thấy thái tử mạnh khỏe, thân hình trẻ đẹp khác thường hơn xưa. Vua Đức-Phạm và hoàng hậu vội xuống ngựa ôm chầm lấy thái tử nước mắt chảy ròng ròng mà không nói nên lời.

Nhờ đức hiếu của thái tử Tu-Xà-Đề, nên quang phục đất nước dễ dàng, và ngay sau đó, vua Đức-Phạm lập thái tử lên ngôi Hoàng-đế thay thế cho mình để trị vì thiên hạ.

Nói đến đây, đức Phật nhìn tôn giả A-Nan mà phán rằng: "Nầy A-Nan! Vua Đức-Phạm khi xưa đó chính là tiền thân của vua Tịnh-Phạn phụ vương ta. Hoàng-hậu Duyệt-Đầu-Đàn kiếp xưa đó chính là Ma-Da Phu-nhân mẫu hậu ta ngày nay. Vua trời Đế-Thích lúc đó chính là tiền thân của tôn giả A-Nhã Kiều-Trần-Như ngày nay. Còn thái tử Tu-Xà-Đề chính là tiền thân của Thích-Ca Như-Lai ta đây vậy.

Re: 1. BỐ THÍ

Đã gửi: 09:28, 15/01/23
gửi bởi KMD
Sau đây là trích toàn văn lời tâm nguyện của Hòa thượng Thích Quảng Đức trước lúc tự thiêu:

“Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, Hòa thượng trụ trì Chùa Quán Âm Phú Nhuận (Gia Định).
Nhận thấy Phật giáo nước nhà đương lúc ngửa nghiêng, tôi là một tu sĩ mệnh danh là trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật Pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo.

Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại Đức Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện như sau:
1. Mong ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên ngôn.
2. Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường cửu bất diệt.
3. Mong nhờ hồng ân chư Phật gia hộ cho chư Đại đức Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố bắt bớ giam cầm của kẻ gian ác.
4. Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.

Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thủa.
Tôi tha thiết kêu gọi chư Đại Đức Tăng Ni và Phật tử nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo.

Nam Mô A Di Đà Phật
Làm tại chùa Ấn Quang, ngày mùng 8 tháng 4 nhuần năm Quý Mão
Tỳ kheo Thích Quảng Đức
Kính bạch”

1. BỐ THÍ

Đã gửi: 16:34, 15/01/23
gửi bởi KMD
Ngày xưa có một cô con gái của gia đình nọ đến chùa. “Dục thí nhi vô tài, chỉ hữu tiền nhị văn, quyên nhi dữ chi, chủ tịch giả thân vi sám hối”. Đây là một cô gái nghèo, trên người chỉ có hai đồng bạc, cô ta cúng dường hai đồng bạc này cho chùa. Trụ trì của chùa, “chủ tịch” là hòa thượng trụ trì, đích thân đến tụng kinh sám hối cho cô ta. “Cập hậu nhập cung phú quý, huề số thiên kim, nhập tự xả chi”. Mấy năm sau, cô gái này được tuyển vào cung làm phi tần, hưởng thụ phú quý của nhân gian. Cô ta mang “số thiên kim nhập tự xả chi”, lần này cô ta đến chùa đại khái là để hoàn nguyện. Lúc trẻ thường đến chùa này thắp hương cầu nguyện, đời này quả nhiên được phú quý. Lần này đến chùa thắp hương, đem theo rất nhiều tài vật để bố thí. “Chủ tăng duy linh kỳ đồ, hồi hướng nhi dĩ”, vị hòa thượng trụ trì không đích thân hồi hướng cho cô ta, chỉ bảo đệ tử thay mình hồi hướng cho cô ta mà thôi. “Nhân vấn viết”, cô gái này hỏi. “Ngô tiền thí tiền nhị văn, sư thân vi sám hối”. Cô ta nói, lúc tôi còn trẻ đến đây, tôi bố thí hai đồng bạc, thầy lại đích thân sám hối cho tôi. “Kim thí số thiên kim, nhi sư bất hồi hướng, hà dã”. Hôm nay tôi đến đây, mang theo mấy ngàn lạng bạc để cúng dường, nhưng thầy không hồi hướng cho tôi, như vậy là vì sao?

“Viết”, hòa thượng nói rằng: “Tiền giả vật tuy bạc, nhi thí tâm thậm chân, phi lão tăng thân sám, bất túc báo đức. Kim vật tuy hậu, nhi thí tâm, nhược bất tiền nhật chi thiết”. Trước đây cô đến chùa thắp hương lạy Phật cúng dường hai đồng bạc, nhưng tâm cô chân thành. Tôi không đích thân sám hối, không thể báo đáo đức của cô. Hôm nay tuy cô đem rất nhiều tài vật đến cúng dường, nhưng tâm cô không chân thành khẩn thiết như trước đây. “Linh nhân đại sám túc hỉ”, tôi để đệ tử mình thay tôi sám hối cho cô là được. Chúng ta cần suy nghĩ tường tận điều này. Thử thiên kim vi bán, nhi nhị văn vi mãn dã”. Việc thiện này là chân tâm, bố thí tuy ít nhưng phước thiện mà cô đạt được là viên mãn. Không thành tâm, khi cô ta làm phi tần. Tục ngữ thường nói làm được nương nương, không sao tránh khỏi mang theo tập khí cống cao ngã mạn của người phú quý, đức của cô bị tổn giảm. Lúc này cô đến lễ Phật, tiền hô hậu ủng, không phải một lần. Trên thực tế, phước mà cô tu mới một nửa thiện mà thôi.

Bên dưới Liễu Phàm tiên sinh lại kể một câu chuyện: “Chung ly thọ đan ư Lữ tổ”. Hán Chung Ly là một trong tám vị tiên, ông muốn độ Lữ Động Tân, dạy Lữ Động Tân “điểm thiết vi kim, khả dĩ tế thế”. Nếu muốn cứu người cùng khổ cần phải có tiền, ông có một chiêu pháp thuật có thể “hóa sắt thành vàng”. “Lữ vấn viết, chung biến phủ”, tôi biến sắt thành vàng, có bị hoàn nguyên chăng, vàng có biến thành sắt lại chăng? Hán Chung Ly nói: “Viết, ngũ bách niên hậu, đương phục bản chất”, ông ta nói 500 năm sau sẽ bị hoàn nguyên. “Lữ viết, như thử tắc hại, ngũ bách niên hậu nhân hỉ, ngô bất nguyện vi dã”, tôi không làm việc này, không cần. “Viết”, Hán Chung Ly nói: “Tu tiên yếu tích, tam thiên kiếp hạnh, nhữ thử nhất ngôn, tam thiên kiếp hạnh dĩ mãn hỉ, thử hựu nhất thuyết dã”. Ông nói về “bán” và “mãn” đã đưa ra ba trường hợp để chứng minh, ba cách nói. Chúng ta phải suy nghĩ tường tận, chúng ta tu thiện tích đức, rốt cuộc thiện của mình là mãn thiện hay là bán thiện? Hiện tại chúng ta được quả báo là viên mãn hay là có khiếm khuyết? “Bán” nghĩa là khiếm khuyết, chúng ta không thể không hiểu điều này.

Người học Phật, thông thường bản chất đều tốt, tâm đều thiện, thật đáng tiếc, họ không có trí tuệ này, không có kiến thức này. Cho nên trên phương pháp và lý luận đều có sai lệch, vì thế tu thiện thường đạt được quả báo không viên mãn, đạo lý chính là như vậy. Chúng ta không đọc những cuốn sách này làm sao có thể nghĩ đến được? Hy vọng sau khi chúng ta học xong, kiểm điểm lại xem hành vi tạo tác trong cuộc đời mình, đáng được quả báo như thế nào.

TRÍCH TỪ BÀI GIẢNG, LIỄU PHÀM TỨ HUẤN (TẬP 15)
HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG GIẢNG

1. BỐ THÍ

Đã gửi: 05:27, 16/01/23
gửi bởi KMD
Câu chuyện dưới đây được trích từ 1 tờ báo.

"Mẫu chuyện số 8"

Một người nọ đứng dưới mái hiên trú mưa, nhìn thấy Quan Âm cầm ô đi ngang qua. Người nọ nói: "Quan Âm Bồ Tát, xin hãy phổ độ chúng sinh một chút, cho con đi nhờ một đoạn được không ạ?”.

Quan Âm nói: "Ta ở trong mưa, ngươi ở dưới mái hiên, mà mái hiên lại không mưa, ngươi không cần ta phải cứu độ". Người nọ lập tức chạy vào màn mưa, đứng dưới mưa: "Hiện tại con cũng ở trong mưa rồi, có thể cho con đi nhờ không ạ?".

Quan Âm nói: "Ngươi ở trong mưa, ta cũng ở trong mưa, ta không bị dính mưa, bởi vì có ô; ngươi bị dính mưa, bởi vì không có ô. Bởi vậy, không phải là ta đang cứu độ mình, mà là ô cứu độ ta. Ngươi muốn được cứu độ, không cần tìm ta, hãy đi tìm ô!", dứt lời Quan Âm bèn rời đi.

Ngày hôm sau, người nọ lại gặp phải chuyện nan giải, bèn đến miếu cầu xin Quan Âm. Bước vào trong miếu, mới phát hiện có một người lạy Quan Âm, người đó giống Quan Âm như đúc.

Người nọ hỏi: "Bà là Quan Âm sao ạ?".

Người kia trả lời: "Đúng vậy".

Người nọ lại hỏi: "Vậy tại sao Quan Âm lại vái lạy chính mình?".

Quan Âm cười nói: "Bởi vì ta cũng gặp chuyện khó khăn, nhưng ta biết, cầu xin người khác không bằng cầu xin chính mình".

Bài học rút ra: Phong ba bão táp của cuộc đời, phải dựa vào chính bản thân mình. Cầu xin người khác không bằng cầu xin chính mình.

1. BỐ THÍ

Đã gửi: 19:16, 16/01/23
gửi bởi KMD
LÒNG THƯƠNG YÊU SỰ SỐNG
(THE LOVE of LIFE)
Tác giả: G.B. Talovick - Người dịch: HT. Thích Trí Chơn

CHÚ TIỂU SA DI CỨU SỐNG ĐÀN KIẾN

Ngày xưa có một chú tiểu Sa Di đến học Phật giáo với một vị thầy rất sáng suốt. Chú là một đứa đệ tử rất tốt. Chú rất lễ phép, thành thật và biết vâng lời. Chú học đạo rất nhanh.

Thầy của chú rất sáng suốt có thể đoán biết trước được chuyện tương lai. Lần đầu tiên mới gặp, vị thầy xem tướng biết thọ mạng của chú học trò nhỏ này sẽ kéo dài không lâu. Ngày nọ, ông ta tính ra và nhận thấy rằng chú học trò này chỉ còn sống được bảy ngày nữa thôi. Vị thầy rất buồn.

Ông ta gọi người đệ tử lại và bảo rằng: “Này con, đã lâu lắm con không được gặp mẹ con. Thầy nghĩ con cần nghỉ một thời gian để về nhà thăm mẹ con và sau tám ngày hãy trở lại đây.” Vị thầy dạy như vậy với hy vọng rằng chú này có thể chết tại nhà cha mẹ của chú.

Khi người đệ tử đi rồi, vị Thầy cảm thấy rất buồn cho chú. Ông ta nghĩ rằng ông không bao giờ có thể gặp lại chú nữa.

Tám ngày sau, người đệ tử trở lại. Vị thầy mừng rỡ và rất ngạc nhiên thấy chú vẫn khỏe mạnh. Chú không lộ vẻ gì cho thấy rằng chú giống như người sắp lìa đời.

Cuối cùng, vị thầy muốn tìm hiểu nguyên nhân tại sao. Ông nói với người đệ tử: “Này con, ta đã nhiều lần xem tướng đoán việc tương lai, và chưa bao giờ sai lầm.

Ta bảo con trở về thăm nhà vì ta biết chắc rằng con sẽ chết trong vòng bảy ngày. Nhưng bảy ngày đã trôi qua, không những con vẫn còn sống mà trông con có vẻ khỏe mạnh. Yểu tướng sắp lìa đời nơi con đã biến mất. Vậy con đã làm sao mà được như vậy?”

Nghe nói thế, người đệ tử sửng sốt. Chú không biết phải trả lời với Thầy thế nào. Vị Thầy liền bắt đầu nhập định và biết rõ sự việc.

“Trên đường về nhà có phải con đã cứu sống một đàn kiến?”

“Thưa thầy, dạ có. Trên đường về nhà, con gặp thấy một đàn kiến rơi xuống nước. Nhìn thấy đàn kiến sắp bị chết đuối, con liền đưa một khúc gỗ xuống để cứu chúng.”

“Đúng vậy. Do lòng từ bi cứu đàn kiến mà con được sống lâu. Các thánh nhân đã dạy rằng: ‘Cứu một mạng sống, phước đức lớn hơn xây dựng một ngọn tháp bảy tầng.’ Con nhờ cứu hàng trăm chúng sanh, mà con sẽ được sống trường thọ.

“Nay tương lai của con thật huy hoàng, nhưng con vẫn nên tiếp tục cứu độ cho mọi chúng sanh. Con cần phải truyền bá giáo lý của đức Phật. Hãy dạy cho mọi người nên có lòng từ bi. Và khuyên tất cả đừng nên sát sanh. Hãy để cho mọi thú vật sống an lành.”

Người đệ tử không bao giờ quên lời thầy dạy. Chú đã nỗ lực tinh tấn tu hành và trở thành một đại sư. Chú đã sống rất thọ, và trường thọ.

BỐ THÍ

Đã gửi: 04:47, 17/01/23
gửi bởi KMD
Bố thí không chấp tướng được thể hiện qua câu chuyện dưới đây.

Có hai nhà sư đang trên đường đi khất thực. Đến một dòng suối nước chảy rất xiết hai nhà sư nhìn thấy một cô gái đang định lội qua suối nhưng không dám vì sợ bị nước cuốn đi.

Nhà sư thứ nhất không quan tâm đến lời yêu cầu giúp đỡ của cô gái và tự mình lội qua suối. Nhà sự thứ hai tiến tới ôm cô gái vào lòng và lội qua suối. Cô gái vô cùng cám ơn nhà sư đã giúp mình và hai nhà sư lại tiếp tục trên con đường của mình.

Đi được một đoạn đường như không chịu nổi, nhà sư thứ nhất quay lại trách nhà sư thứ 2:
- Anh đã tu hành mà vẫn còn tà tâm, vẫn còn ham sắc dục. Sao lại ôm ấp đàn bà con gái như thế ?
Nhà sư thứ 2 điềm đạm trả lời:
- Ơ hay, tôi đã bỏ cô ta lại bên bờ suối rồi, còn anh vẫn mang cô ta theo cho đến tận bây giờ sao ?

BỐ THÍ

Đã gửi: 11:56, 17/01/23
gửi bởi KMD
Nhìn Thấu - Buông Bỏ - Bố Thí - Pháp Sư Tịnh Không

https://www.youtube.com/watch?v=ebVbCGJ ... atAmitabha

BỐ THÍ

Đã gửi: 04:45, 18/01/23
gửi bởi KMD
Kinh Ngài Ma Ha Ca Diếp Độ Bà Lão Nghèo
Phật Thuyết Ma Ha Ca Diếp Độ Bần Mẫu Kinh

Lưu Tống Cầu Na Bạt Đà La dịch

Bản Việt dịch của Huệ Đắc – Tâm Nhãn

***

Như vầy tôi nghe:

Một thuở, Phật tại nước Xá-vệ, thuyết pháp cho vua quan dân cùng chúng Tỳ-kheo và những Bồ-tát đại-sĩ, trời, rồng, quỉ thần, nhơn dân ở thế gian, đông vô số kể.

Khi ấy, Ngài Ma-ha Ca-diếp đi một mình đến thành Vương Xá giáo hóa. Ngài thường hành hạnh nguyện từ bi, đem phước điền đến cho chúng sinh. Ngài không khất thực nhà giàu có, chỉ khất thực những nhà nghèo. Thường trước khi đi khất thực Ngài Ma-ha Ca-diếp nhập định xem: “Ta nên gieo phước cho người nghèo nào”.

Sau đó, Ngài đi vào thành Vương Xá, trông thấy một bà lão đơn côi, quá nghèo khổ tá túc tại cái hang phân dơ bẩn bên cạnh đống rác, trong một ngõ hẻm. Thân thể bà gầy gò ốm đau tật bệnh, thường nằm trong cái hang dơ bẩn ấy. Cuộc sống bà lão lẻ loi bấp bênh, bữa đói bữa no, suốt ngày ở trong hang dơ bẩn, che đậy thân thể bằng mảnh cót tre nhỏ. Nhờ nhập-định Ngài biết người này kiếp trước không tạo phước lành nên kiếp này phải chịu nghèo khổ. Và biết dược mạng sống bà lão sắp hết, Ngài nghĩ: “Nếu ta không độ thì bà lão mãi mãi mất phước”. Trong lúc này, bà lão đang đói cồn cào thì có một người đầy tớ gái của trưởng-giả mang nước cơm đi đổ, mùi hôi khó chịu. Bà lão lân la lại xin phần nước cơm ấy, liền lấy cái bát bể làm đôi đựng đầy cả hai. Bước đến chỗ bà lão, Ngài Ma-ha Ca-diếp chú nguyện nói: “Hãy cho tôi một ít thức ăn sẽ được phước lớn”.

Bấy giờ, bà lão nói kệ:

Tôi đang bị bệnh nặng

Nghèo khổ không thể nói

Nghèo nhất trong nước này

Ăn mặc lại không đủ

Ở đời không người thương

Nhìn thấy chẳng thương xót

Sao gọi là từ bi?

Mà không biết nạn này

Bần cùng khắp thế gian

Không ai bằng tôi được

Chẳng thương hại khinh ghét

Thật chẳng phải lòng dân

Ngài Ma-ha Ca-diếp đáp kệ:

Phật tôn quí ba cõi

Ta dự định đến đây

Muốn giúp kẻ đói khổ

Nên khất thực nhà nghèo

Ai giảm được phần ăn

Bố thí vật tốt đẹp

Khi ấy, bà lão nói kệ:

Thật như lời Ngài nói

Ở đời không công đức

Nay trong hang phân này

Dơ bẩn dính đầy thân

Ăn uống không đầy đủ

Mình trần không đồ che

Nay tôi quá nghèo khổ

Muốn thí lấy gì cho?

Ngài Ma-ha Ca-diếp đáp kệ:

Bà nói điều không vui

Nghèo khổ lấy gì cho

Nếu ý bà muốn cho

Tất nhiên không vì nghèo

Nếu bà biết xấu hổ

Thì mặc pháp y này

Việc ăn mặc của bà

Nhờ đó sẽ đầy đủ

Ở đời có người ngu

Tham tiếc chứa tiền của

Xấu thay! Không muốn thí

Đời sau phải nghèo khổ

Lo sợ tích phước đức

Có thể là hy hữu

Phải tin tội và phước

Thật đúng chớ không sai

Bấy giờ, nghe kệ bà lão vui mừng nhưng nghĩ thầm: “Cả ngày nay, ta chỉ xin được một ít nước cơm có mùi, muốn bố thí nhưng nước cơm không thể uống được”. Cho nên mới thưa với Ngài Ca-diếp:

– Ngài vui lòng nhận cho tôi không?

Ngài Ma-ha Ca-diếp đáp:

– Lành thay! Lành thay!

Bà lão liền từ trong hang, lom khom lấy tô nước cơm nhưng thân thể trần truồng không dám ra ngay, bà lấy mảnh cót che lại co ro đưa miếng nước cơm. Ngài Ca-diếp nhận cúng dường rồi chú nguyện cho bà lão được phước báo và an lành. Với suy nghĩ: “Nếu ta mang nước cơm này đi nơi khác uống, chắc bà lão không tin nghi ta đổ nó đi”. Nên ngay trước mặt bà lão, uống xong bát nước cơm, rồi bõ bát vào trong đãy. Lúc ấy, bà lão mới thật lòng tin. Ngài Ca-diếp suy nghĩ: “Phải hiện thần thông làm cho bà lão được đầy đủ sự bình an”. Tức thì độn thổ, biến lên hư không. Thân xuất ra lửa nước, nửa thân trên phun ra nước và thân dưới lửa bùng cháy. Lại biến hóa nhiều cách, bay bổng lên hư không, hiện ra hướng Đông, ẩn về phương Tây, phía Nam phía Bắc cũng vậy.

Khi ấy, bà lão thấy thế vui mừng hớn hở nhất tâm quì gối trong nhìn Ngài Ca-diếp thị hiện.

Ngài Ca-diếp mới bảo:

– Lão bà muốn ước nguyện những gì? Làm người giàu có ở thế gian, làm Chuyển-luân-thánh-vương hay Tứ thiên vương, Đế-thích, các Phạm-thiên. Hoặc muốn đắc quả Tu-đà-hoàn, Từ-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật, hay muốn trở thành A-nậu-đa-la-tam-niệu-tam-bồ-đề, thành tựu Chánh-đẳng-chánh-giác. Tất sẽ được như điều mong muốn.

Bấy giờ, bà lão đã chán ngán cái khổ sở ở đời này, nghe trên cõi trời đầy an vui hạnh phúc. Liền thưa với Ngài Ca-diếp:

– Con nguyện đem một chút phước nhỏ được sanh thiên thôi.

Ngài Ca-diếp bỗng nhiên biến mất. Trong ngày ấy, bà lão cũng lâm chung, được sanh về cõi trời Đao-lợi thứ hai, oai đức rực rõ, chấn động trời đất. Ánh sáng chói rọi như bảy mặt trời cùng một lúc chiếu sáng thiên cung. Thích-đề-hoàn-nhơn giật mình kinh sợ và nghĩ: “Người ấy thế nào mà phước đức đến cảm ứng, lẽ nào nơi này có người hơn ta sao?” mới dùng thiên nhãn xem thiên nữ ấy phước đức như thế nào. Thích-đề-hoàn-nhơn hỏi kệ rằng:

Nữ này từ đâu lại?

Hào quang lớn tỏa sáng

Thí như bảy mặt trời

Một lúc cùng chiếu rọi

Chấn động cung điện ta

Oai đức không thể nói

Khi ấy, trả lời Đế-thích-thiên-nữ nói kệ:

Xưa ở Diêm-phù-đề

Trong hang phân dơ bẩn

Già yếu và tật bệnh

Cơm áo không đầy đủ

Nơi tam-thiên đại-thiên

Đức Phật Thích Ca Văn

Có người Đại đệ-tử

Là Ma-ha Ca-diếp

Thương xót xin lão bà

Nói pháp nên tôi vui

Cúng dường nước cơm hôi

Cho ít được quả nhiều

Nhất tâm gieo ruộng phước

Nguyện được sanh cõi trời

Bỏ thân nơi hang phẩn

Sanh về cung Đao-lợi

Bấy giờ, Thiên-nữ nghĩ rằng: “Phước báo này do duyên tiền kiếp cúng dường Ngài Ca-diếp mà được như vậy. Nếu ta đem trăm ngàn châu báu mỗi loại trên đời để cúng dường cho Ngài Ca-diếp thì cũng chưa đền đáp chút ơn của Ngài”.

Liền cùng thị-nữ đem hương hoa lập tức giáng trần. Trong hư không tung rãi dâng cúng lên người Ngài Ca-diếp. Sau đó, Thiên nữ bay xuống, lạy sát đất, đảnh lễ rồi đứng dậy chắp tay khen ngợi:

Cõi nước Đại-thiên

Phật là chí tôn

Đệ-tử Ca-diếp

Đóng cửa tội lỗi

Con ở Diêm-phù

Trước ở hang phẫn

Làm bà lão nghèo

Ngài dạy chân thật

Bà lão hoan hỷ

Cúng nước vo gạo

Món thí nhỏ mọn

Được phước như núi

Được làm Thiên-nữ

Tự nhiên được vậy

Nên mới giáng hạ

Lễ bái phước điền

Thiên-nữ nói xong liền cùng thị nữ trở về Thiên-giới. Sau đó, Đế-thích nghĩ rằng: “Người nữ ấy ở cõi Diêm-phù-đề , trong chỗ hôi hám, đem nước cơm cúng dường cho Ngài Ca-diếp mà được phước báo như vậy. Ngài Ca-diếp đại từ bi, Ngài chỉ đem phước cho nhà nghèo không đem cho nhà giàu. Ta phải làm kế sách gì xuống cõi Diêm-phù-đề gặp Ngài Ca-diếp, tạo điều kiện cho Ngài gieo phước?”

Thích-đề-hoàn-nhơn cùng Thiên-hậu đem món ăn rất ngon bỏ vào bình nhỏ, giáng hạ xuống thành Vương Xá, làm căn nhà nhỏ tồi tàn bên lề đường, biến hình như lão già thân thể ốm gầy, đi đứng lom khom. Hai vợ chồng cùng làm nghề dệt chiếu, thị hiện làm người nghèo bần cùng. Vật thực cơm gạo, áo quần không có thứ gì để dự trữ. Ngài Ma-ha Ca-diếp trên đường khất thực trở về, thấy người nghèo khổ đứng lại khất thực.

Ông lão nói:

– Tôi quá nghèo không có thứ gì cả, cho như thế nào đây?

Ngài Ca-diếp chú nguyện hồi lâu không đi.

Ông lão lại nói tiếp:

– Vợ chồng chúng tôi quá già mà công việc dệt chiếu lại rất mệt nhọc, vừa rồi mới xin được một ít thức ăn, chuẩn bị ăn. Nghe nói, Ngài là bậc nhân từ đức độ, chỉ khất thực nhà bần cùng muốn gieo phước lành cho người nghèo. Chúng tôi tuy khốn cùng nhưng ý cũng muốn bố thí cho Hiền-giả. Đúng như lời nói làm như vậy thì chúng tôi sẽ được phước.

Mùi hương thức ăn của Thiên-giới chẳng phải thức ăn thế gian, vừa hé nắp bình ra mùi hương tỏa thơm ngát. Ngài Ca-diếp biết thế không chịu nhận.

Ông lão liền nói:

Thưa Hiền-giả, có chút thức ăn dở không nhiều xin Ngài đưa bát nhận cho.

Ngài Ca-diếp đưa bát nhận rồi chú nguyện cho thí chủ. Mùi thơm bay tỏa khắp thành Vương Xá và cả nước. Ngài Ca-diếp nghi ngờ mùi hương vô lượng ấy, liền nhập định tìm lý do. Trong lúc Ngài tọa thiền, vợ chồng ông lão hóa lại thân Đế-thích, lập tức bay thẳng lên hư không vô cùng vui mừng. Ngài Ca-diếp nhập định biết được Đế-thích hóa phép làm ông lão. Ngài nghĩ: “Đế-thích làm phép biến hóa này vì muốn tăng thêm thiên phước. Ta nay đã nhận không lẽ trả lại”.

Ngài Ca-diếp khen rằng: “Lành thay! Đế-thích muốn gieo phước lành mà không chán, nhẫn chịu hình hài xấu xa, giáng hạ gieo phước tất được quả lành”.

Đế-thích và Thiên hậu lại thêm vui mừng hớn hở. Lúc ấy, Thiên giới trỗi nhạc vang lừng nghinh đón. Đế-thích về đến thiên cung hoan hỷ ngập tràn.

Phật bảo A-nan:

Bà lão bần cùng kia, tất cả thế gian không ai sánh bằng, bố thí tuy ít nhưng phước báu được nhiều. Vì khổ nạn cho nên khởi tâm chí thành nên được phước vô lượng như vậy. Như Thích-đề-hoàn-nhơn trên thiên giới, hưởng quả báo phước sung sướng đến như thế mà còn từ bỏ ngôi vị tôn quí, giáng hạ gieo trồng phước lành được phước báo khó lường.

Vì vậy Như Lai nói bố thí là đệ-nhất. Người ngu si ở cõi Diêm-phù-đề rất đáng thương. Người được như vậy hiếm lắm. Ông phải tuyên thuyết rộng rãi lời nói chơn thật này của Như Lai.

Khi Phật giảng: trời, rồng, quỷ thần, Tỳ-kheo Tăng cả 4 chúng đệ tử khi làm đại phước phải chú nguyện. Nguyện cùng tất cả chúng sinh tùy theo chí nguyện mỗi người đều được quả báo.

Phật thuyết kinh xong, tất cả hội chúng đều vui mừng cúi đầu đảnh lễ.

BỐ THÍ

Đã gửi: 21:17, 18/01/23
gửi bởi KMD
"Bố thí máu" được trích tử "Dòng đời vô tận" của thầy Thích Trí Siêu.

Bố thí máu

Trong kinh Hiền Ngu, có kể chuyện tiền thân của Phật là thái tử Ma Ha Tát Đỏa đi vào rừng thấy một con hổ mẹ và hai hổ con đang chết đói, thái tử động lòng thương nên hy sinh thân mạng, tự lấy cây nhọn đâm vào cổ họng cho máu phọt ra để mấy mẹ con hổ liếm và sau đó ăn thịt ngài.

Đạo Phật là đạo từ bi và trí huệ, và trong hai cái này thì từ bi cần trước. Tu hành mà chỉ lo trau dồi kiến thức, bỏ xót lòng từ bi thì không đúng tôn chỉ đạo Phật. Vì nhờ có lòng từ bi thương chúng sinh trôi lăn trong sinh tử với khổ sinh, già, bệnh, chết, mà thái tử Siddharta mới xuất gia tu hành và giác ngộ thành Phật. Động cơ xuất gia của ngài là lòng đại bi và thành tựu của ngài là trí tuệ (giác ngộ).

Một hành giả đại thừa phát tâm theo Bồ tát đạo cần phải tu tập sáu ba la mật là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ. Trong sáu ba la mật, ta có thể gom lại thành ba nhóm: làm lành, lánh dữ, và thanh lọc tâm ý.
Bố thí = làm lành
Trì giới, nhẫn nhục = lánh dữ
Thiền định, trí huệ = thanh lọc tâm ý
Tinh tấn áp dụng cho cả ba phần trên.

Trong các việc lành, bố thí đứng hàng đầu, động cơ của sự bố thí là lòng từ bi, muốn chia xẻ và cứu giúp người khác. Chính đức Phật đã trải qua vô lượng kiếp thực hành bố thí đầu, mắt, tay, chân, vợ con, nhà cửa, thành quách, v.v...

Bố thí có hai loại: ngoại thí và nội thí.

Ngoại thí là bố thí những đồ vật mình có bên ngoài như tiền bạc, nhà cửa, đồ ăn, thức uống, v.v... để cứu kẻ khác qua cơn nghèo đói.

Nội thí là bố thí những thứ bên trong thân thể của mình như đầu, mắt, tay, chân, thận, gan, v.v... để cứu sống mạng người.

Giữa hai sự bố thí thì nội thí khó làm hơn ngoại thí, vì người ta có thể cho tiền bạc, của cải nhưng không ai dám cho đầu, mắt, tay, chân, nội tạng. Chúng ta vẫn thường nghe nói trong kinh đức Phật đã từng bố thí như vậy trong nhiều kiếp, chẳng lẽ chúng ta không bao giờ thực hiện được nội thí hay sao? Có hai cách nội thí mà chúng ta có thể làm được là:

Hiến máu
Làm giấy hiến các bộ phận trong cơ thể sau khi mình chết.

1/ Bố thí máu

Danh từ ngoài đời gọi là hiến máu hay cho máu. Đây là cách nội thí dễ làm nhất, không tốn đồng xu nào mà công đức vô lượng vì nó cứu sống mạng người, 9 và người cho máu cũng không sụt mất ký lô nào, chỉ sau vài giờ là lượng máu trong người được tái thiết trở lại. Ngoài ra ở Âu Mỹ, người cho máu còn được cơ sở y tế báo cáo tự động, miễn phí về sự thử nghiệm máu.

Có nhiều người thích làm việc phóng sinh như thả tôm, cá, chim, giun, dế, v.v... Đây là một việc rất tốt, cứu mạng nhiều chúng sinh nhỏ bé sắp bị giết. Nhưng không bằng so với công đức của sự bố thí máu, bởi vì phóng sinh thuộc về ngoại thí, trong khi cho máu thuộc về nội thí. Cứu mạng 1000 con cá không bằng cứu mạng một người, vì con người là loài tiến hóa và có khả năng tu hành giải thoát nhiều hơn các loài thú khác.

Trong Kinh 42 chương, đức Phật dạy "Đãi 100 người ác ăn không bằng đãi một người thiện ăn. Đãi 1000 người thiện ăn, không bằng đãi một người trì ngũ giới ăn. Đãi 10.000 người trì ngũ giới ăn, không bằng cúng dường cho một vị Tu đà hoàn ăn...". Đoạn kinh này cho ta thấy công đức của sự bố thí nhiều hay ít tùy thuộc vào đối tượng. Nếu đối tượng bố thí là người đạo đức, tu hành, có trình độ tiến hóa cao thì công đức bố thí càng tăng trưởng. Như vậy thì cứu sống 1000 tôm cá không bằng cứu sống một mạng người.

Hàng ngày trên thế giới luôn xảy ra tai nạn, và trong nhà thương có rất nhiều trường hợp cần phải mổ như 10 nghẹt tim, ung thư, xơ gan, tai biến mạch máu, v.v... Khi mổ thì chắc chắn mất nhiều máu, có bác sĩ giỏi mà không có máu tiếp cho bệnh nhân thì họ cũng chết. Do đó hiến máu là cách cứu sống mạng người hay nhất và dễ làm nhất. Nếu muốn cho máu thì bạn nên liên lạc các nhà thương là nơi lúc nào cũng cần máu. Ngoài ra ai dám bảo đảm là trong suốt cuộc đời chúng ta (hoặc người thân của ta) sẽ không bao giờ phải vào nhà thương và nằm trên bàn mổ. Khi lâm vào hoàn cảnh như vậy thì ta mới thấy mình rất cần máu của những người khác hiến tặng. Nếu mình biết thọ nhận của người thì tại sao lại không biết bố thí cho người?

2/ Bố thí bộ phận sau khi chết

Bên trong thân thể con người có những bộ phận như tim, gan, phổi, thận, lá lách, ruột, đởm, bao tử, bàng quang, v.v... chúng hoạt động một cách đều đặn, nhịp nhàng để duy trì sức khỏe và sự sống. Nhưng ngày nào chúng hư hoại thì chúng ta mang bệnh và mạng sống bị đe dọa. Thời xưa thuật giải phẫu chưa tiến bộ như ngày nay nên những ai bị hư tim, gan, phổi, v.v... thì đành chịu chết, nhưng ngày nay khoa học có thể mổ và thay thế chúng, nhưng với điều kiện là phải có bộ phận tốt để thay vào.

Khi vợ chồng hay con cái của ta bị hư thận, một tuần phải đi lọc máu ba lần và đang chờ đợi một trái thận 11 thì chắc chắn chúng ta sẽ cầu nguyện ngày đêm để mong sớm có được một trái thận của ai đó mới chết.

Trong lúc còn đang sống chúng ta không thể tự móc mắt cho kẻ mù, nhưng khi chết thì cặp mắt của ta có thể giúp cho người mù tìm lại ánh sáng. Khi sống chúng ta không thể tự rạch bụng moi tim cho kẻ khác, nhưng sau khi chết, tim của ta có thể cứu sống người khác. Khi sống ai nấy đều phải duy trì bảo vệ lục phủ, ngũ tạng của mình để sống không bệnh tật. Nhưng sau khi chết thì thân thể của ta chỉ là cái xác không hồn, sau vài giờ là nó lạnh cứng, các tế bào, bộ phận sẽ tan hoại và sình thối. Như vậy có gì đáng bám víu luyến tiếc? Trong khi đó nếu biết bố thí bộ phận thì sau khi chết, chúng ta vẫn làm phước, cứu sống được bao nhiêu người khác.

Người có tâm nguyện bồ tát, muốn ban vui cứu khổ thì nên làm giấy hiến bộ phận để cứu sống kẻ khác. Luật hiến bộ phận có thể khác nhau tùy theo quốc gia, thí dụ như ở Pháp thì phải xin một thẻ riêng (carte de donneur d'organes), còn ở Mỹ thì khi lấy bằng lái xe, nếu đồng ý cho bộ phận thì sẽ được ghi ngay trên bằng lái.

Những người còn bám víu, cưng chiều cái thân của mình quá nhiều thì không nên làm giấy hiến bộ phận, vì thân thể là cái mà con người bám víu nặng nhất và cho đó là Ta, là mình. Những người này sau khi chết, nếu thấy ai mổ xẻ lấy bộ phận của mình thì sẽ tức 12 giận, oán hận và khó siêu thoát. Đây cũng là lý do tại sao không nên sờ mó, đụng đậy thân xác người chết trong vòng tám tiếng (để thần thức có thì giờ ra khỏi xác và ý thức được mình đã chết). Nhưng đối với người có tâm nguyện bồ tát, xem thân thể như chiếc áo, chiếc bè, hoặc chiếc xe, dùng tạm trên cõi đời để giúp người thì không cần phải chờ tám tiếng, vì càng chờ lâu thì các bộ phận sẽ hư, không cứu giúp được ai. Bồ tát thấy thân thể, bộ phận của mình cứu giúp được người khác thì tâm càng hoan hỷ.

Làm giấy hiến bộ phận không có nghĩa là các bộ phận của ta sẽ được lấy dùng vì các lý do đã nói trên, nó chỉ là một tâm nguyện từ bi, muốn giúp ích cho người khác. Nếu bạn thấy đúng thì làm và khuyến khích người quen làm theo, nhưng không nên quá khích, ép buộc mọi người phải làm giống mình. Một việc tốt mà cứ quảng cáo, ép buộc người khác thì họ sẽ bực mình và đâm ra ghét việc tốt đó. Vô tình muốn làm tốt mà trở thành xấu. Ngoài ra bạn cũng nên báo cho gia đình biết ý nguyện hiến bộ phận của mình, để khi lâm sự thì họ không phản đối hoặc ngăn cản phiền phức. Hiến bộ phận không có nghĩa là cho luôn thân xác, sau khi lấy được bộ phận nào đó, xác chết sẽ được trả lại cho người nhà để làm lễ mai táng.

Tóm lại trong hai cách nội thí trên thì cho máu là cách tốt nhất, dễ làm và quả báo đương nhiên của sự cứu mạng là trường thọ và khỏe mạnh.