Trang 1 trên 21

Luật nhân quả và cách cải thiện số mạng

Đã gửi: 20:08, 27/08/11
gửi bởi Tây Đô đạo sĩ
Theo quan điểm của đạo Phật thì luật nhân quả xuyên suốt quá khứ vị lai. Con người sinh ra đời là kết tinh của nghiệp quá khứ, tức là những gì đã tạo tác trong các kiếp trước.

Có câu:
Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thọ giả thị
Dục tri lai thế quả, kim sinh tác giả thị.

Tức là:
Muốn biết đời trước gieo nhân gì, hãy xem sự hưởng thọ đời này sẽ rõ
Muốn biết đời sau thế nào, hãy xem hành động ứng xử hiện tại sẽ rõ.
Như vậy mỗi người chúng ta đều có nghiệp thiện và nghiệp ác trong quá khứ, nghiệp lực sẽ chi phối vào cuộc sống hiện tại và tạo nên một số phận. Vấn đề ở đây là chúng ta trải qua sự tái sinh cách ấm không còn nhớ được các kiếp trước của mình, tất nhiên chẳng biết được nghiệp thiện ác của mình ra sao. Chỉ có các vị tu hành đắc Túc mạng thông mới thấy được nhũng điều ấy. May mắn nhờ có các nhà lý số bằng nhiều cách khác nhau như xem lá số Tử vi, Tứ trụ Tử Bình, Quẻ Dịch, xem tướng mạo...chúng ta có thể biết một phần nào số mạng, cũng là nghiệp của mình.
Sự xem số mạng không chỉ để thỏa mãn sự tò mò hiếu kỳ, chúng tôi cho rằng xem để làm cơ sở cho mỗi người có giải pháp cần thiết cải thiện cuộc sống, tăng phúc giảm họa. Khi biết mình có ưu thế nào, có điểm yếu nào thì giống như đi biển có tấm bản đồ, không sợ bị lạc. Mỗi người sẽ có cuộc sống tự chủ yên vui, không trách trời trách đất trách người, sống có trách nhiệm với hành vi của mình hơn, thương mến nhau hơn.
Theo Kinh nhân quả của đạo Phật, người hiện nay nghèo khó khổ cực vất vả là do đời trước hà tiện không giúp người khó khăn, cản trở công việc người ta, ngầm hại người chiếm đoạt tài sản, trộm cắp...Muốn hóa giải nghiệp xấu thì làm việc từ thiện, giúp đỡ tài vật cho người cơ nhỡ, bố thí cho kẻ nghèo hèn, cúng chùa giúp các vị đệ tử Phật tu hành giải thoát và các vị ấy lại đem giáo pháp đến với mọi người...
Người hay đau ốm, tật nguyền, mắc bệnh nan y... là do tiền kiếp sát sinh hại mạng, giết nhiều mạng sống, làm nghề đồ tể hoặc thợ săn, ngư phủ, hoặc lạm sát trong các cuộc chiến tranh... Muốn hóa giải nghiệp xấu thì tránh sát sinh, phóng sinh thật nhiều, giúp đỡ những người đau ốm thuốc men, thông cảm giúp đỡ người khổ sở tật nguyền, bằng mọi biện pháp phản đối ngăn ngừa chiến tranh...
Người hôn nhân trắc trở, cô đơn là do tiền kiếp ngoại tình, chia rẽ vợ chồng người ta, cản trở hôn nhân, đố kỵ ganh tỵ gièm pha làm gia đính người ta xào xáo bất hòa...Muốn hóa giải thì cần giữ thái độ đàng hoàng nghiêm túc trong quan hệ, hoan hỉ giúp những đôi Uyên Ương được hạnh phúc, giúp những cặp vợ chồng bất hòa đoàn tụ, luôn tìm cách hòa giải mâu thuẫn gia đình người ta...
Người công danh trắc trở, làm gì cũng khó khăn... là do tiền kiếp cản trở đè nén người tài, lạm dụng quyền lực, hoặc đối xử quá khắc nghiệt với cấp dưới, hoặc cố ý cản trở phá hoại sự học hành tiến thân của người ta...muốn hóa giải thì cần giúp cho những học sinh học giỏi có điều kiện học tập thi thố tài năng, vui vẻ hoan hỉ với thành công của người khác, tạo mọi điều kiện giúp họ thành công hơn trên đường đời...
Người hiếm con cái là do tiền kiếp chia rẽ mẹ con người ta, hoặc giết hại con của người hoặc của các con vật làm cho cha mẹ họ đau khổ...muốn hóa giải thì nên phóng sinh thật nhiều, tránh sát sinh, giúp đỡ chăm sóc trẻ em, làm mọi cách để cha con mẹ con người ta được đoàn kết thân ái...

Cuộc sống còn rất nhiều vấn đề nữa, khó mà kể ra được. Sửa đổi số mạng rất khó, không phải một sớm một chiều mà xoay chuyển được nghiệp xấu. Nhất là những người đã đứng tuổi. Cần phải hết sức kiên nhẫn bền chí mới có kết quả. Những người dù không có nhiều nghiệp xấu cũng rất cần làm những việc tích phúc để được hưởng phúc lâu bền.

Đức Phật dạy muốn chuyển nghiệp một cách nhanh chóng mạnh mẽ thì nên học đạo tu hành, tụng kinh trì chú, sám hối nghiệp chướng, lánh dữ làm lành, làm theo những lời Phật dạy trong kinh điển, không tạo thêm nghiệp mới, giải quyết nghiệp cũ. Trong thực tế, những người tu hành lâu năm do nghiệp đã thay đổi, không còn khống chế được cuộc đời họ nữa nên không thể xem được vận số của họ qua lá số hoặc những phương pháp khác. Đây cũng chính là cứu cánh của chúng ta cho đời này và đời sau.

TL: Luật nhân quả và cách cải thiện số mạng

Đã gửi: 21:00, 27/08/11
gửi bởi giakhoa
Nam mô a di đà phật
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật

Sự xem số mạng không chỉ để thỏa mãn sự tò mò hiếu kỳ, chúng tôi cho rằng xem để làm cơ sở cho mỗi người có giải pháp cần thiết cải thiện cuộc sống, tăng phúc giảm họa. Khi biết mình có ưu thế nào, có điểm yếu nào thì giống như đi biển có tấm bản đồ, không sợ bị lạc. Mỗi người sẽ có cuộc sống tự chủ yên vui, không trách trời trách đất trách người, sống có trách nhiệm với hành vi của mình hơn, thương mến nhau hơn.


Người hay đau ốm, tật nguyền, mắc bệnh nan y... là do tiền kiếp sát sinh hại mạng, giết nhiều mạng sống, làm nghề đồ tể hoặc thợ săn, ngư phủ, hoặc lạm sát trong các cuộc chiến tranh... Muốn hóa giải nghiệp xấu thì tránh sát sinh, phóng sinh thật nhiều, giúp đỡ những người đau ốm thuốc men, thông cảm giúp đỡ người khổ sở tật nguyền, bằng mọi biện pháp phản đối ngăn ngừa chiến tranh..
Người công danh trắc trở, làm gì cũng khó khăn... là do tiền kiếp cản trở đè nén người tài, lạm dụng quyền lực, hoặc đối xử quá khắc nghiệt với cấp dưới, hoặc cố ý cản trở phá hoại sự học hành tiến thân của người ta...muốn hóa giải thì cần giúp cho những học sinh học giỏi có điều kiện học tập thi thố tài năng, vui vẻ hoan hỉ với thành công của người khác, tạo mọi điều kiện giúp họ thành công hơn trên đường đời...
con xin ghi nhớ

TL: Luật nhân quả và cách cải thiện số mạng

Đã gửi: 10:55, 28/08/11
gửi bởi Tây Đô đạo sĩ
VÀI SUY NGHĨ
VỀ SỐ MỆNH TRONG PHẬT GIÁO

HT. Thích Trí Quảng
Số mệnh của con người hay con người có số mệnh hay không ; đó là vấn đề được đề cập và tranh luận khá nhiều trong triết học cũng như trong lãnh vực tôn giáo từ nghìn xưa cho đến ngày nay .

Theo như cách hiểu thông thường , số mệnh là cái gì có sẵn do thế lực vô hình hay do Thượng đế áp đặt mà con người phải cúi đầu gánh chịu , không thể hiểu được và cũng không thể thay đổi định mệnh ấy .

Đối với vấn đề định mệnh hay số mệnh của con người , lý giải của Phật giáo không giống như cách nghĩ nói trên ; vì nếu định mệnh không thể thay đổi thì chắc chắn chúng ta không thể nào tu hành , cải thiện cuộc sống của chúng ta thăng hoa cho đến đỉnh cao là bậc toàn giác như Đức Phật .

Trên thực tế , những điều không may xảy đến cho con người ngoài ý muốn của họ , hoặc điều tốt đẹp mà người được hưởng cũng không do họ tính toán được , thì theo Phật giáo , định mệnh ấy vẫn thật có . Nhưng cái định mệnh , số mệnh ấy không nằm trong bàn tay quyết định của vị thần linh nào khác , mà nó tuỳ thuộc ở hành động và ý tưởng của chính người ấy, thường được gọi là nghiệp . Có lẽ khẳng định rằng số mệnh là hình bóng của nghiệp , số mệnh tốt hay xấu tuỳ theo nghiệp tốt hay xấu . Chính vì vậy, đạo Phật thường khuyên chúng ta tu để chuyển nghiệp , tức thay đổi số mệnh .

Thật vậy, nếu hiểu số mệnh là cái tốt hoặc xấu vĩnh viễn dành cho một người thì không ai có khả năng thay đổi . Nhưng lý giải theo căn bản chuyển nghiệp , chúng ta có thể thay đổi được số mệnh của chính mình . Nếu nghiệp nhẹ , chúng ta có thể thay đổi số mệnh ấy ngay trong đời này . Trường hợp túc nghiệp của chúng ta quá nặng, tất yếu phải đời sau hay nhiều đời sau nữa mới đổi được . ví dụ phải mang những dị tật bẩm sinh trong hiện đời , dù có cố gắng mấy , hình tướng bất toàn ấy cũng không thể thay đổi hoàn toàn , trở thành bình thường trong hiện đời .

Đức Phật dạy rằng nhìn số mệnh của chúng ta trong đời này sẽ suy ra được nghiệp nhân đời trước của mình . Nếu nghiệp nhân đời trước hay tiền nghiệp tội lỗi đã tạo , kết quả dẫn đến hiện nghiệp không tốt , chẳng hạn như đời này phải gánh chịu số phận đói khát , nhục nhã của người dân một nước bị nô lệ , lạc hậu hoặc phải sanh vào gia đình thật nghèo khổ , không đủ cơm ăn áo mặc sống lang thang …

Ý thức được khả năng chuyển nghiệp theo lời Phật dạy, chúng ta có thể từng bước cải thiện cuộc sống thành tốt đẹp . Từ nghèo khó, nhưng biết đầu tư kiến thức, công sức vào công việc , cũng có thể đạt được cuộc sống sung túc , từ ốm yếu bệnh hoạn biết điều chỉnh thể xác và tinh thần thành khỏe mạnh , từ không giỏi , nhưng siêng năng học hành cũng có thể đỗ đạt , tăng trưởng hiểu biết , đạt được vị trí cao trong xã hội , hoặc biết sửa đổi tánh tham lam hung dữ , lười biếng thành siêng năng, hiền dịu , ngay thẳng thì chắc chắn sẽ được người khác tin cậy , quý mến , hợp tác và gầy dựng được cuộc sống giàu sang .

Như vậy , với tiền nghiệp hay số mệnh đã có , nhưng biết thay đổi nếp suy nghĩ, lời nói, việc làm của chính chúng ta trong đời này , chúng ta sẽ thay đổi được số mệnh trở thành tốt đẹp trong tương lai gần là hiện đời hoặc xa hơn là đời sau , thậm chí có những nghiệp ác phải nhiều kiếp mới cải thiện được hoàn toàn . Ý này được Đức Phật dạy rằng muốn biết được tương lai đời sau như thế nào thì hãy xem việc làm hiện tại của chúng ta .

Trong việc chuyển hoá nghiệp của tự thân mỗi người muốn được tốt đẹp , dễ dàng , có thể nói sự trợ duyên của thầy hiền bạn tốt đóng một vai trò quan trọng đáng kể .

Đọc lịch sử Phật giáo, chúng ta thấy có những người có phước duyên được gặp Phật hay Thánh tăng khai ngộ , họ liền đắc quả dễ dàng . Thiết nghĩ trên bước đường tu hành , chúng ta đều nhận chân được công ơn tế độ của minh sư và sự trợ lực của thiện hữu tri thức lớn lao như thế nào . Nhờ nương theo thầy hiền bạn tốt , tâm chúng ta trong sáng , có được nhận thức đúng để từng bước chúng ta sửa đổi tư duy và việc làm thăng hoa trên con đường thánh thiện . Trái lại , gặp ác duyên là thầy tà bạn ác xúi dại , dẫn chúng ta đi vào con đường tội lỗi , thì số phận chúng ta càng tệ hại thêm nữa .

Theo Phật giáo trong sáu nẻo luân hồi có hai thế giới vật chất mà chúng ta thấy được là thế giới của loài người và súc sanh . Bốn thế giới tinh thần , chúng ta không thể thấy gồm hai thế giới cực ác là địa ngục và ngạ quỷ , và hai thế giới thiện là chư thiên và chư thần (A tu la) .

Khi tâm hồn lắng yên hay bằng trực giác, chúng ta có thể cảm nhận được lực tác động vô hình của bốn loại hình thế giới : chư thiên , chư thần , địa ngục và ngạ qủy vào sinh hoạt của hai thế giới hữu hình là loài ngươiø và súc sanh .

Thực tế cho thấy những người tự tử được cứu sống , thường nói rằng họ cảm nhận sự thúc đẩy vô hình một cách mãnh liệt , xúi giục họ tự động chui vô gầm xe hay nhảy xuống sông . Họ đã lao vào cái chết một cách vô ý thức và tuân theo áp lực vô hình , không cưỡng lại được . Có thể hiểu đó là thế lực ác của hai thế giới vô hình đã tác động họ . Hoặc trong đời , ít nhất một lần chúng ta đã từng thoát chết trong đường tơ kẽ tóc cũng có cảm giác như được chư thiên , chư thần che chở . Vì vậy , trong thời kinh hằng ngày , chúng ta cũng tụng bài mời thỉnh Trời , A tu la , Dược xoa đến nghe kinh và kết làm quyến thuộc với chúng ta để cùng nhau xây dựng một xã hội , tốt đẹp, an vui , hài hoà .

Trong mối tương quan tương duyên mật thiết của các loài trong sáu nẻo luân hồi theo Phật dạy , tất yếu các loài chịu sự chi phối của nhau theo vòng quay của nhân duyên mà có nhiều sự việc không thể thấy bằng mắt thường , nhưng không phải là không có . Chỉ có tuệ giác vô thượng của Đức Phật mới thấu suốt ngọn ngành của nhân duyên , nhân quả và tuỳ theo đó ứng xử mới đạt kết quả đúng đắn , lợi lạc cho tự thân và mọi loài trong pháp giới một cách trọn vẹn .

Tóm lại , chúng ta nối gót theo Phật , ý thức sâu sắc về sự chuyển đổi cách nghĩ , cách sống theo chiều hướng thánh thiện , tất yếu sẽ mang lại an vui lợi lạc cho chính chúng ta và người thân hay đoàn thể , xã hội trong hiện đời và trong tương lai .

Trên bước đường tu , ngoài việc nỗ lực tự tịnh hoá thân tâm , làm việc thiện, chúng ta cũng cầu thầy hiền bạn tốt trợ lực , chỉ dạy cho ta tiến thân theo hiền thánh . Bên cạnh sự hỗ trợ của minh sư và thiện hữu trong sinh hoạt thực tế , đối với thế lực vô hình , chúng ta hướng tâm cầu nguyện chư Phật , Bồ tát , hiền thánh , chư thiên , chư thần đồng thời gia bị cho chúng ta sáng suốt , thanh tịnh , tăng trưởng lòng từ đối với muôn loài ; vì đó là những điều kiện cần thiết để thăng hoa trên lộ trình giác ngộ , giải thoát .

Kết hợp được hai phần tự lực và tha lực trong nếp sống tu hành , chúng ta sẽ thành tựu được công đức lành , có được thân tướng trang nghiêm , làm được việc lợi ích cho người , được người quý mến . Đó là hình ảnh cao quý của hàng đệ tử Phật trong hiện đời và muôn kiếp về sau .

Source: Nguyệt san Giác Ngộ số 48

TL: Luật nhân quả và cách cải thiện số mạng

Đã gửi: 11:15, 28/08/11
gửi bởi Tây Đô đạo sĩ
Luật Nhân Quả
Viết bởi Tuệ Dũng

Mục đích cuối cùng của những người thực hành theo Phật giáo là đạt đến quả vị hoàn toàn giác ngộ và thấu suốt mọi sự vật của một đức Phật. Phương tiện chúng ta nương vào để tu tập là cái thân người này với một tâm hồn thanh tịnh.
Hầu hết chúng ta sống một cuộc đời tương đối như những con người lành mạnh. Thật vậy, theo lời đức Phật dạy trong các kinh điển có được thân người hôm nay là một phước duyên thù thắng và vô cùng quý báu. Ðó là kết quả của vô lượng công đức trải qua nhiều kiếp tu hành của chúng ta. Mỗi cá nhân đã nỗ lực tinh tấn tu hành mới có được cái thân người này.
Tại sao nó quý báu như vậy? Bởi lẻ thân người giúp chúng ta có nhiều thuận duyên tu tập phát triển đời sống đạo đức hầu mưu tìm hạnh phúc cho chúng ta và những người khác. Loài vật không có khả năng thực hành đạo đức như con người vì chúng đang sống trong cõi vô minh.
Cho nên chúng ta nên biết quý trọng cái thân người nầy và cố gắng bằng mọi cách tinh tấn tu hành để mong được tái sinh làm thân người ở kiếp sau. Mặc dù chúng ta luôn mong ước đạt được sự giác ngộ hoàn toàn, chúng ta nên biết rằng con đường tu hành để thành Phật là rất dài mà chúng ta muốn thành tựu cần phải trải qua các khoảng thời gian ngắn để chuẩn bị tu tập.
Như chúng ta đã biết để bảo đảm được tái sanh làm người với đầy đủ khả năng có thể theo đuổi con đường tu tập, hành giả trước tiên phải áp dụng thực hành đạo đức. Ðiều này, theo giáo lý đức Phật, có nghĩa là con người cần tránh, không làm mười điều ác. Sự khổ gây ra do mỗi việc làm ác này, có nhiều mức độ khác nhau. Ðể đưa ra những lý do cho chính bản thân mình cần tránh các hành động bất thiện đó, chúng ta phải hiểu rỏ về luật Nhân Quả.
“Nghiệp” hay “Karma” có nghĩa là “hành động” nhằm chỉ một việc làm chúng ta tham dự vào cũng như hậu quả của nó. Khi chúng ta nói hành vi sát hại thì chính tác động đó sẽ dẫn đến việc cướp đi mạng sống của một người. Kết quả tai hại hơn của hành động giết người này là gây đau khổ cho nạn nhân cũng như nhiều người thân yêu của họ.
Nghiệp nhân của việc làm ác đó còn gây ảnh hưởng xấu đến kẻ sát nhân. Những quả báo này không chỉ giới hạn trong cuộc đời hiện tại mà thôi. Thực ra kết quả của một hành vi bất thiện sẽ phát triển theo thời gian, cho nên sự thiếu từ tâm nơi kẻ sát nhân tàn bạo hủy diệt mạng sống con người nói trên được khởi đầu từ cuộc đời quá khứ của hắn đã từng xem nhẹ mạng sống mọi người cũng như loài vật và côn trùng.
Một tên sát nhân không chắc sẽ được tái sinh làm người ở kiếp sau. Những hoàn cảnh dẫn đến việc giết người sẽ quyết định quả báo khốc liệt mà kẻ sát nhân sẽ phải gánh chịu. Một tên giết người man rợ, vui sướng khi phạm tội ác, có lẽ sẽ được tái sinh trong một thế giới mà ta gọi là “Ðịa Ngục”. Một trường hợp kém tàn ác hơn – ví dụ giết người vì tự vệ – có thể sẽ được tái sinh nơi “địa ngục” chịu ít đau khổ hơn. Những hành động thiếu đạo đức với hậu quả không nghiêm trọng lắm có thể khiến cho một người bị tái sinh làm con vật, thiếu khả năng tu tập cải thiện tâm hồn.
Khi một người được tái sinh làm người, các hậu quả của những hành vi bất thiện trong kiếp trước sẽ quyết định hoàn cảnh cuộc sống mới của người đó theo nhiều cách. Sát sinh nhiều trong đời trước thì kiếp này thọ mạng kẻ ấy sẽ ngắn ngủi hoặc thường hay bị ốm đau. Nó cũng hướng dẫn người đó có khuynh hướng giết chóc và chắc chắn họ sẽ chịu quả báo gặp nhiều khổ đau trong những kiếp tương lai.
Tương tự, đời trước hay trộm cắp thì kiếp này bị nghèo khổ hoặc bị trộm cướp. Nó cũng hướng dẫn kẻ ấy tiếp tục có ý tưởng trộm cắp trong nhiều đời sau. Hành động tà dâm hay ngoại tình dẫn đến hậu quả vợ chồng trong kiếp sau sẽ không tin cậy lẫn nhau và gặp cảnh khổ vì cuộc sống không chung thủy hay bị phản bội. Ðây là những quả báo của ba việc làm ác gây ra từ nơi thân của chúng ta.
Trong bốn hành động ác xuất phát từ khẩu nghiệp nơi miệng thì người hay nói dối dẫn đến kết quả là sống ở đời thường hay bị người ta nói xấu. Vọng ngữ cũng khiến kẻ đó có khuynh hướng tiếp tục nói dối ở kiếp sau, cũng như bị người ta lừa gạt hoặc mọi người sẽ không tin dù bạn nói sự thật.
Hậu quả ở kiếp sau của người nói lời gây chia rẽ là cuộc sống cô độc và khuynh hướng tạo mối bất hòa với mọi người. Lời nói cộc cằn thô lỗ dẫn đến sự lăng mạ, ngược đãi người khác và khiến họ sanh tâm giận dữ. Người có tật ngồi lê đôi mách đưa tới hậu quả đời sau khi nói sẽ không có ai nghe và thường hay nói những câu chuyện nhảm nhí.
Cuối cùng, quả báo của ba việc làm ác phát xuất từ ý nghiệp là gì? Sau đây là các tánh xấu bất thiện thông thường nhất của chúng ta. Lòng tham khiến chúng ta không bao giờ biết đủ và luôn luôn bất mãn. Ác tâm và sân giận mang lại cho chúng ta sự sợ hãi và dẫn chúng ta đến hành động làm hại những kẻ khác. Si mê là đặt niềm tin vào điều trái với sự thật, dẫn đến kết quả là chúng ta không thể hiểu biết, chấp nhận lẽ phải và ngoan cố bảo thủ, chấp chặt tà kiến.
Trên đây là một vài ví dụ cho thấy kết quả của các hành động bất thiện. Cuộc sống hiện tại của chúng ta là kết quả của cái Nghiệp (Karma), việc làm quá khứ của chúng ta. Hoàn cảnh tương lai, các điều kiện mà trong đó chúng ta sẽ tái sinh vào, những cơ hội mà chúng ta sẽ có hay không thể có được để tạo dựng một cuộc đời hạnh phúc tốt đẹp hơn sẽ tùy thuộc vào những hành động và việc làm hiện nay của chúng ta.
Mặc dù hoàn cảnh hiện tại của chúng ta được quyết định bởi những hành vi trong quá khứ, nhưng chúng ta vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hành động của chúng ta trong hiện tại. Chúng ta có khả năng và trách nhiệm để chọn lựa phương cách nhằm hướng dẫn mọi việc làm của chúng ta đi theo con đường đạo đức.
Khi chúng ta cân nhắc một hành động nào đó xem xét có hợp với đạo lý hay không, chúng ta nên tìm hiểu động cơ thúc đẩy của hành vi ấy. Một người lấy quyết định không trộm cắp, nếu anh ta chỉ vì sợ bị bắt hay trừng phạt bởi luật pháp, vậy thì hành động không trộm cắp của anh ta không phải là một việc làm đạo đức bởi lẽ những ý tưởng đạo đức không tác động lên quyết định của anh ta.
Một ví dụ khác, một người không dám trộm cắp vì sợ dư luận: “Nếu mình trộm cắp thì bạn bè hay hàng xóm sẽ nghĩ sao về mình? Chắc mọi người sẽ khinh bỉ và mình sẽ bị xã hội ruồng bỏ”. Mặc dù đó được xem như một quyết định tích cực nhưng nó vẫn không phải là một hành vi đạo đức.
Bây giờ, một người cũng có quyết định là sẽ không trộm cắp vì anh ta suy nghĩ rằng: “Nếu ta trộm cắp tức là ta đã hành động chống lại luật của trời đất và trái với đạo làm người”. Hoặc là: “Trộm cắp là một việc làm ác, nó gây cho nhiều người khác bị tổn thất và đau khổ”. Với những động cơ suy nghĩ như vậy, quyết định của anh ta được xem như một hành vi đạo đức, hợp luân thường đạo lý. Theo giáo lý đức Phật, khi bạn suy nghĩ cân nhắc tránh không làm các hành động ác thì bạn sẽ khắc phục được những phiền não khổ đau. Sự kiềm chế đó của bạn được xem như một việc làm đạo đức.
Nếu bạn hiểu rõ mọi khía cạnh chi tiết của luật nhân quả thì bạn được gọi là người có trí tuệ thông suốt mọi việc. Kiến thức thông thường của chúng ta không thể thấu triệt đầy đủ về luật nhân quả. Muốn sống đúng theo luật nhân quả mà đức Phật đã dạy, chúng ta cần tin tưởng vào giáo lý của Ngài. Khi Ngài dạy sát sinh dẫn đến chịu sự đoản mệnh, trộm cắp phải gặp cảnh nghèo túng, thực sự không có cách nào để chứng minh được những lời Ngài nói là đúng với thực tại. Tuy nhiên, những điều đó chúng ta cũng không nên tin tưởng một cách mù quáng. Trước tiên chúng ta cần phải có một niềm tin mạnh mẽ nơi đức Phật và giáo lý của Ngài. Chúng ta nên dùng lý trí, tìm hiểu thấu đáo trước khi tin những lời dạy của đức Thế Tôn.
Bằng cách nghiên cứu những đề tài của Phật Pháp được thiết lập bởi những suy luận hợp lý – như những lời dạy của đức Phật về tánh không và vô thường của cuộc đời mà chúng ta sẽ khảo sát ở chương mười ba về “Trí Tuệ” – và nhận thấy rằng chúng thật sự là chính xác thì niềm tin của chúng ta nơi giáo lý về luật nhân quả – sẽ tự nhiên tăng lên.
Khi chúng ta muốn tiếp nhận một lời khuyên, chúng ta đi tìm gặp một người nào đó xứng đáng đề hướng dẫn giúp đỡ chúng ta. Lời khuyên của họ càng rõ ràng hợp lý, chúng ta càng quý trọng tin tưởng vào lời chỉ dẫn ấy. Nhằm phát triển: “đức tin sáng suốt”, đối với những lời dạy của đức Phật chúng ta cũng nên có sự tin tưởng như vậy.
Tôi tin rằng chúng ta cần phải có một ít kinh nghiệm và phấn khởi trong sự thực hành để có được một niềm tin sâu xa và thành khẩn trong lòng. Hình như có hai loại kinh nghiệm khác nhau. Với những người sùng đạo họ có những kinh nghiệm mà chúng ta không thể có được. Và có những kinh nghiệm thế tục mà chúng ta đạt được qua sự tu tập hằng ngày.
Chúng ta có thể phát triển nhận thức, hiểu biết về sự ngắn ngủi, tạm bợ và vô thường của cuộc đời. Chúng ta có thể nhận thấy bản chất tàn phá của những cảm xúc khổ đau. Chúng ta có thể có được lòng từ bi quảng đại đối với mọi người hoặc nhiều kiên nhẫn hơn khi chúng ta đứng xếp hàng chờ đợi.
Những kinh nghiệm thực tế như vậy mang lại cho chúng ta cảm giác của nguồn vui và sự mãn nguyện. Hơn nữa, niềm tin của chúng ta vào những lời giảng dạy mà chúng ta đã được nghe cũng tăng lên. Ðức tin của chúng ta vào bậc thầy của mình, người đã truyền cho chúng ta những kinh nghiệm này cũng được phát triển: Lòng tin vào học thuyết mà vị thầy của chúng ta đang theo đuổi sẽ được củng cố.
Từ những kinh nghiệm xác thực đó, chúng ta có thể tiên đoán rằng việc thường xuyên tu tập của chúng ta sẽ giúp chúng ta thành đạt những kết quả phi thường như các Thánh Nhân đã thực hiện lưu danh ngàn đời trong quá khứ.
Niềm tin sáng suốt như vậy có được do tinh thần tu tập của hành giả, sẽ giúp chúng ta củng cố lòng tin vào giáo lý Nhân Quả của đức Phật. Và điều này còn giúp chúng ta quyết tâm chừa bỏ không làm các việc ác mà chúng sẽ gây đau khổ cho chúng ta.
Niềm tin đó cũng hỗ trợ chúng ta cố gắng tập trung thiền định, thấu triệt đề mục chúng ta nghiên cứu, và sau cùng nhận biết rằng chúng ta có được trí tuệ này cũng như hiểu rõ tuệ giác đó xuất phát từ đâu. Sự phản chiếu ấy được xem như một phần trong quá trình tu tập thiền định của chúng ta. Nó giúp chúng ta củng cố đức tin vào ngôi Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng và tinh tấn trong việc tu tập. Nó cũng giúp chúng ta có thêm nghị lực để tiếp tục dũng tiến trên đường đạo.

Nguyên tác: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Chuyển ngữ: HT Thích Trí Chơn
Trích từ sách: An Open Heart

TL: Luật nhân quả và cách cải thiện số mạng

Đã gửi: 12:42, 28/08/11
gửi bởi baolam
cám ơn thầy đã có 1 topic hay

TL: Luật nhân quả và cách cải thiện số mạng

Đã gửi: 17:32, 28/08/11
gửi bởi Tây Đô đạo sĩ
LÒNG LÀNH ĐỔI TƯỚNG THAY TÊN


Người thọ âm dương của trời đất và khí huyết của cha mẹ mà sanh ra, từ bực vua quan cho đến bực dân giả, cũng đều một cách in nhau cả.
Nhưng trong đó máy tạo có để một cái phân biệt khác nhau là cái tướng, bởi vậy nên người tuy đông, mà không ai giống ai hết.
Tướng ấy để định cho người: sang, hèn, giàu, khó, yểu, thọ, ngay, gian … Hễ hình hài mang lốt tướng nào, thì vận sự thành theo bực ấy, chớ không khi nào sai.
Hồi đời vua Vĩnh Lạc, nhà Minh bên Tàu, có một người tên là Trịnh Hưng Nhi côi cút một mình, không cha mẹ bà con chi hết.
Chàng bèn đến dinh quan Bộ lang là họ Vương, xin ở hầu sai khiến được nửa năm, thì ông thấy chàng mới 17 tuổi mà thật thà, siêng năng và cung kinh nên đem lòng thương, không cho làm việc nặng, để ở trên nhà khách lau dọn bàn ghế, và sai khiến trong khi có khách, hoặc trà nước, hoặc cơm rượu mà thôi.
Một ngày kia Phu nhân bịnh nặng, thuốc thang đã nhiều mà không thấy công hiệu, nên trong khi quan Bộ lang lo buồn, thình lình có khách là ông Viên thượng Bửu đến thăm.Nguyên ông này tên là Trung Triệt, làm chức Thượng bửu tư thừa là con của ông Viên Liễu Trang; cha con tướng thuật như thần, tại xứ Kinh kỳ ai cũng kính phục.
Khi chủ khách ngồi yên, ông Thượng Bửu ngó quan Bộ lang và nói rằng: “Ngài sao mà khí trệ, chắc là bưu quyến có bịnh không yên; nhưng cái tướng này không phải ở trong sanh ra, thật ở ngoài mà đến, hoặc có chỗ tránh được cũng chưa biết chừng!”.
Quan Bộ lang vẫn biết ông Thượng bửu là thần tướng, mà nay xem tướng mình lại đoán trúng việc nữa, nên ông muốn hỏi cho cặn kẽ, nhưng chưa kịp hỏi, kế Trịnh Hưng Nhi bưng khay trà lên cho hai ông uống, rồi trở xuống nhà sau.
Ông Thượng Bửu thấy Trịnh Hưng Nhi, bèn nói nhỏ với quan Bộ lang rằng: “trò nhỏ pha trà đó là người chi trong nhà?”
- Nó là đứa ở của tôi, mà ngài hỏi làm chi?
- Quý hiếm của ngài hay sanh bịnh hoạn, là bởi tại trò đó có cái tướng phòng chủ; nếu nó ở lâu với ngài thì sợ trong nhà phải hao người, vậy ngài cũng liệu mà cho nó ra khỏi nhà, thì tự nhiên bình an.
- Hèn chi từ khi nó đến ở với tôi tới nay ước được năm sáu tháng, mà trong nhà tôi đau ốm luôn luôn, không ngày nào toàn mạnh; nhưng nó tánh nết dễ thương, tôi đâu nỡ đuổi đi!
Khi ông Thượng Bửu ra về, quan Bộ lang đem lời ấy thuật lại, thì phu nhân nghe liền bảo ông mau cho nó đi.
Ông sợ trái ý vợ mà thêm bịnh, bất đắc dĩ ông phải kêu Hưng Nhi vào cho mười quan tiền, rồi bảo đi nơi khác mà ở.
Hưng Nhi khóc lóc mà thưa rằng: “Tôi không có khi nào dám trái ý chủ mà nỡ nào lại đuổi tôi?
Ông Bộ lang bèn đem việc ông Thượng Bửu xem tướng mà thuật lại, thì chàng biết thần tướng đã nói như vậy, không thể nào ở được, liền lạy ông bà rồi ra đi.
Quả nhiên khi chàng ra khỏi nhà, thì phu nhân bắt đầu mạnh dần, rồi từ ấy về sau, trong gia đình không ai bịnh hoạn nữa.
Kẻ trong nhà của quan Bộ lang thấy ông Thượng Bửu nói tướng của Hưng Như như vậy, thì đều giụm năm giụm bảy, luận nọ bàn kia một truyền mười, mười truyền trăm, trăm truyền ngàn, làm cho cả kinh thành, ai cũng hay biết việc ấy cả.
Chàng Hưng Nhi ra ngoài đường, lững đững không biết đi đâu, kế trời vừa tối, chàng vào trong am Quan Âm, nằm trước mái hiên, lăn qua trở lại, ngủ không được.
Chàng bèn than thở một mình rằng: “Người ta có cha mẹ bà con, lại giàu sang tướng tốt; còn mình đã tứ cố vô thân, lại có cái tướng hại chủ. Nay không tội mà bị đuổi thì ai còn chịu làm chủ mình nữa; chi bằng chết cho mát thân còn hơn”.
Chàng suy đi nghĩ lại như vậy rồi mỏn sức ngủ quên, bỗng thấy một người đàn bà, tay cầm nhánh lá, ở trong am bước ra đứng ngay trên đầu chàng.
Chàng bèn lật đật ngồi dậy, thì bà ấy lấy nhành lá chỉ ngay nơi mặt chàng mà nói rằng: “Con chớ nên tự tử vì con tuy có tướng xấu mà lòng con tốt, cũng có ngày kia con được nên thân”.
Bà ấy nói mấy lời như trên đó, liền bước vào trong am, kế Hưng Nhi giựt mình thức dậy, mới biết là điềm chiêm bao.
Sáng ngày, chàng nhớ điềm mộng ấy, không dám tính tới việc chết nữa, có lo tìm đến các dinh quan, hoặc các nhà giàu sang mà xin ở hầu hạ.
Nhưng đáng thương thay! Ai nấy nghe đến cái tên Hưng Nhi cũng đều làm ngơ, không chịu cho chàng ở cả. Chàng đi tối ngày cũng về am Quan Âm mà ngủ trọn nửa tháng trường như vậy.
Lúc ấy mười quan tiền của quan Bộ lang cho, thì chàng đã tiêu xài hết rồi, nên chàng bối rối trong lòng, biết tính làm sao mà độ nhựt cho qua ngày tháng.
Một đêm nọ, chàng nằm thao thức, mà nghĩ rằng: “Nửa tháng nay, mình đi cùng hết châu thành và chẳng có một người dung nạp, vậy mai đây mình phải ra khỏi châu thành mà tìm kiếm, họa may có gặp mối chăng!”.
Sáng ngày chàng thức dậy, vừa ra khỏi cửa thành, thì vừa muốn đi đại tiện; chàng liếc xem bốn phía, thấy nơi bờ hào thành có hai dãy cầu tiêu, dãy bên tả thì đàn ông tới lui không dứt; còn dãy bên hữu thì đàn bà cũng ra vào liên tiếp.
Chàng nhắm dãy bên tả đi vào, lựa một căn trống bước tới, liền ngồi đại tiện vừa xong rồi khi đứng dậy ngó lên nóc cầu tiêu, thấy một gói bằng vải đen móc tòn ten.
Chàng lấy làm lạ, liền với tay xách gói xuống, biết nặng mà chưa hiểu vật chi ở trong, bèn đem ra chỗ vắng vẻ mở lớp vải ở ngoài thì thấy có 300 lượng bạc gói trong 30 gói bằng giấy xanh.
Khi mới thấy bạc ấy, thì chàng mừng rỡ mà nói rằng: “Hay cho ta! Bữa nay hết tiền, may lại được bạc nhiều như thế, thì còn lo chi là nghèo và sợ chi là bị đuổi!”.
Chàng lại nghĩ rằng:
“Của này chắc là kẻ đi đại tiện mà bỏ quên, như người khách thương giàu có mà bỏ quên gói bạc này, dầu có mất đi nữa, thì họ còn bạc khác; ta có lấy luôn cũng không dại chi.
Chớ như người thiếu hụt phải đi vay mượn, hoặc bán đất vườn, để lo việc công danh hay là việc hoạn nạn, mà ta lấy đi thì hại cho gia đình và tánh mạng của người lắm.
Huống chi trời cho mạng ta cùng cực, làm đầy tớ cũng còn chưa yên lại phước đức đâu có mà hưởng của sẵn này?
Duy có đem trả lại cho người là phải; đã chẳng hổ với lương tâm, lại khỏi hại đến công việc của người, mà cũng không trái ý Trời nữa”.
Chàng Hưng Nhi nghĩ vậy, liền xách gói bạc đến gần cầu tiêu, lừa khi người ta không thấy, bèn moi đất vùi lấp gói bạc xuống, rồi ngồi gần một bên, chăm ngó vào cầu tiêu mãi, coi có ai đến kiếm hay không.
Chàng ngồi một chập lâu, bèn thấy một người đàn ông hơ hải chạy đến, vào căn cầu này qua căn cầu khác, luôn hết cả dãy cầu bên tả, rồi ra đứng ngoài, tay thì bứt tóc trên đầu, miệng thì nói rằng: “Thế này thì tôi phải chết, còn sống làm chi!”.
Hưng Nhi thấy người ấy hơ hải và nghe mấy lời than thở như thế, thì biết chắc là người đi kiếm gói bạc. Chàng liền lên tiếng kêu rằng: “Ớ anh kia! Có việc chi cần kíp, thì lại đây tỏ cho tôi rõ, họa may tôi có thể giúp đỡ được!”.
Người ấy nghe kêu liền chạy lại nói rằng:
“Em ôi! Thời vận của tôi thật xui! Nguyên chủ tôi giao bạc cho tôi đem đến Kinh mà lo sự thăng quan; hồi hôm tôi ngụ tại tiệm cơm gần cửa thành này mà vì phòng ngủ không có được chắc chắn nên tôi thức cả đêm, sáng ra tôi đến cầu tiêu này, lại móc gói bạc nơi cái đinh lớn, rồi khi đi tôi bỏ quên lại đó”.
Bây giờ tôi biết lấy chi mà lo việc cho chủ, và khi về biết dùng lời chi nói cho khỏi bị tội, nên tôi muốn liều mình tự vận cho rồi”.
Hưng Nhi hỏi rằng: “Chủ của anh làm quan chi? Còn anh là người chi của chủ, họ tên là gì, xin cho tôi biết, rồi tôi sẽ giúp cho”.
Người ấy nói:
“Chủ của tôi là Trịnh Hùng, làm quan Chỉ huy tại phủ Hoài an, còn tôi đây là họ Trương, chụ cho làm chức Đô Quản, và người ta thường kêu tôi là Trương đô quản, nếu em biết ai lấy gói bạc đó, thì nói giùm cho tôi xin lại, ơn ấy tôi không dám quên”.
Hưng Nhi lại hỏi rằng: “Gói bạc của anh được bao nhiêu và hình tích cái gói ra sao? Anh nói cho tôi nghe thử”.

Người ấy đáp rằng: “Ở ngoài gói bằng vải đen, còn trong gói có 300 lượng bạc gói bằng giấy xanh, mỗi gói là 10 lượng”.
Hưng Nhi cười rằng: “Chính em đây lượm được gói bạc ấy, nên ngồi đợi anh mà trả lại”.
Chàng nói vừa dứt lời, liền moi đất xách gói bạc lên mà đưa cho người ấy.
Đô Quản thấy gói bạc của mình, thì rất mừng rỡ, bèn mở ra đếm lại, y nguyên không thiếu một lượng nào, rồi đứng dậy vòng tay thưa rằng: “Em nhỏ người mà đức lớn, tôi xin kính lại 50 lạng mà đền ơn”.
Hưng Nhi nói rằng: “Nếu tôi muốn lấy gói bạc đó, thì tôi đã đem đi mất rồi, cần gì phải ngồi đây đợi anh làm chi. Xin anh chớ nên làm hư cho cái tâm thuật của em”.
Trương đô Quản hỏi rằng: “Em nhà cửa ở đâu, tên họ là chi, xin cho tôi biết, phòng sau tôi tìm đến mà đáp tình?”.
Em tên là Trịnh Hưng Nhi, 17 tuổi mồ côi từ thuở bé, không cha mẹ, không bà con, không nhà cửa chi hết. Em đương ở đày tớ cho quan Bộ lang, bị thầy tướng nói em có tướng hại chủ, nên bị đuổi đi hơn nửa tháng nay mà không chỗ nương tựa”.
Đô Quản nghe nói, thì động mối thương tâm bèn nói rằng:
“Em đương con cùng cực mà thấy của không tham thật là lòng dạ Thánh Hiền, dẫu người xưa cũng không bì kịp.
Thôi! Em không cần đi đâu làm chi cứ theo tôi vào quán ăn uống và nghỉ ở đó với tôi, đặng sáng ngày mai em giữ giùm hành lý còn tôi thì vào các dinh quan mà lo công việc, đến chừng xong rồi tôi sẽ dẫn em về Hoài An thưa cho chủ tôi biết.
Vả lại chủ tôi cũng đồng họ với em có lẽ em chắc được việc tốt. Dầu chủ tôi không dùng em, còn tôi đây làm chức Đô Quản có thể nuôi em năm ba năm cũng được”.
Hưng Nhi nghe nói rất mừng, kế hai người dắt nhau vào quán ăn uống nghỉ ngơi, sáng ngày Hưng Nhi ở nơi quán mà giữ đồ hành lý, còn Đô Quản thì vào Bộ binh lo việc thăng bổ cho chủ mình là Trịnh Hùng xong, rồi trở lại chỗ nghỉ mà dẫn Hưng Nhi về xứ.
Khi đến Hoài An thì Đô Quản để Hưng Nhi đứng ngoài cửa ngõ; còn chàng thì vào bẩm các việc tại Kinh cho chủ hay.
Quan chỉ huy nghe nói rất mừng, bèn thốt rằng:
“Nay ta được thăng chức Du kích Tướng quân là cũng nhờ người thông thạo mới được việc”.
Đô Quản bẩm rằng: “Không phải nhờ tôi; thiệt là nhờ vị cứu tinh! Nếu không có vị cứu tinh đó, thì chẳng những chủ đã không quan chức mà thôi, lại tánh mạng của tôi cũng không còn!”.
Ông Du kích hỏi rằng: “Vị cứu tinh nào đó?”
Đô Quản bèn đem việc mất bạc nhờ Hưng Nhi lượm được rồi trả lại, như vậy sao không thỉnh về cho ta đền ơn?”
Đô Quản bẩm rằng: “Tôi có dắt người về, nhưng còn đứng ngoài cửa ngõ”.
Ông Du kích lật đật ra ngoài nghinh tiếp, rồi dắt thẳng vào nhà khách mời ngồi, nhưng Hưng Nhi không dám cứ xin để cho chàng đứng hầu mà thôi. Sau chàng bị mời ép đôi ba phen, nên phải kéo lui cái ghế mà ngồi sụt ra sau.
Ông Du kích nhắm xem trạng mạo của Hưng Nhi biết không phải là người hạ tiện, liền nói rằng: “Nhà ngươi họ Trịnh, còn ta đây cũng họ Trịnh, tuổi gần năm mươi mà vợ chồng trơ trọi không con. Ta muốn nhận nhà ngươi làm con phòng ngày sau nối dòng cho họ Trịnh mà không biết nhà ngươi vui lòng chăng?”
Hưng Nhi bẩm rằng: “Phận tôi hèn hạ, nếu quan lớn thương tội cho ở để sai khiến, thì cái ơn ấy đã lớn lắm rồi, có đâu dám mong đến sự làm con!”.
Ông Du kích nói rằng: “Không phải như vậy đâu! Nhà ngươi là một vị ân nhân của ta mà lại là người khinh tài trọng nghĩa nữa; nếu ta lấy tiền của mà đền đáp thì nhà ngươi không chịu; còn mang ơn mà không báo thì ta là người gì?
Hưng Nhi nghe nói cạn lời thì chàng hết phương từ chối, liền cúi lạy ông mà kêu bằng cha.
Ông Du kích bèn cho mời phu nhân ra cho chàng lạy mà kêu bằng mẹ, rồi đặt tên chàng lại là Trịnh Hưng Bang.
Từ ấy về sau ai nấy ở trong xứ đó cũng kêu chàng bằng Công tử cả.
Nói qua Trịnh Hưng Bang thời tốt vận đỏ nên từ khi làm con của quan Du kích tướng quân, thì chàng xem sóc các việc trong ngoài, lại biết quạt nồng ấp lạnh, sớm viếng tối hầu, phải đạo một người con hiếu.
Quan Du kích thấy vậy vui mừng khôn xiết bèn đem hết 18 món võ nghệ chỉ dạy chẳng ít lâu, thì chàng đều tinh thông cả.
Ông lại rước thầy văn thật giỏi về dạy nữa, thì chàng cũng gắng chí học hành, xôi kinh nấu sử được vài năm đã thành ra một người văn võ kiêm toàn, thiên hạ thảy đều kính phục.
Sau nhân quan Du kích làm chức Tiên phong đi đánh giặc Sào hồ, thì Trịnh Hưng Bang cũng theo cha lập được nhiều công trận.
Quan nguyên soái thấy vậy đem lòng yêu mến, bèn phong chàng làm chức Chỉ huy rồi đến lúc yên giặc bang sư về triều, vua Vĩnh Lạc phong quan Du kích làm chức Điện tiền Đại tướng quân và phong cho Trịnh Hưng Bang chức Du kích tướng quân.
Từ ấy cha con đều ở tại Kinh sư mà cung chức.
Một ngày kia, Trịnh Hưng Bang sực nhớ lúc ở hầu hạ quan Bộ lang tuy chàng bị đuổi,
nhưng biết xét rằng, tại chủ nghe lời thầy tướng chớ không phải ở bạc tình với mình. Chàng bèn nghĩ rằng đã về ở gần nhà mà không đến thăm viếng thì sao phải là đạo làm người.
Khi chàng vừa đến dinh quan Bộ lang thì gia nhân chạy vào báo rằng: “Có quan Du kích đến viếng”.
Quan Bộ lang lật đật ra ngoài nghinh tiếp thẳng vào nhà khách rồi mời ngồi nhưng quan Du kích đứng vòng tay mà thưa rằng:
“Ngài là chủ còn tôi là tớ thì đâu dám ngồi đồng bàn, vậy tôi xin đứng hầu mà thôi”.
Quan Bộ lang nghe nói lạ như vậy, bèn hỏi rằng: “Sao quan Du kích lại xưng hô như thế, làm cho tôi xốn xang tấc lòng”.
Du kích thưa rằng: “Vậy chủ không nhớ tôi đây là Hưng Nhi sao?”
Quan Bộ lang nghe nói liền nhìn kỹ lại mới biết là thằng ở của mình đuổi thuở trước, chỉ khác vì mặc áo, mão rực rỡ mà thôi.
“Rỡ mình lạ vẽ cân đai,
Hãy còn hàm én mày ngài như xưa”.
Quan Bộ lang đứng dậy nắm tay quan Du kích mà xin lỗi rằng: “Khi đó tôi nghe lời Viên thượng Bửu, khiến cho tôi đắc tội cùng ngài, nay đã muộn rồi, ăn năn không kịp vậy xin ngài dung thứ cho tôi”.
Quan Du kích bèn thưa rằng: “Trăm việc đều tại Trời, không phải bởi người làm chủ. Nếu lâu nay tôi còn ở đây thì bây giờ tôi đâu có phát đạt; việc ấy là tôi nhờ lời nói của ông Thượng Bửu, nên tôi không phiền chủ chút nào và tôi cũng cám ơn ông Thượng Bửu nữa”.
Lúc ấy vừa có kẻ gia nhân vào báo rằng: “Có ông Thượng Bửu đến viếng thì hai người muốn thử ông, bèn nói nhỏ với nhau rồi dắt vào trong phòng mà sửa soạn.
Khi ông Thượng Bửu vào đến nhà khách, thì quan Bộ lang bước ra chào hỏi mời ngồi và bảo trẻ đem trà ra thết đãi, kế thấy Hưng Bang mặc đồ cũ của kẻ gia nhân tay bưng khay trà bước ra pha, rồi khoanh tay đứng hầu.
Ông Thượng Bửu thấy Hưng Bang bèn ngó xem một hồi rồi hỏi rằng: “Ngài này là người chi trong nhà, xin mời ngồi đây nói chuyện sao lại phải đứng như vậy?”
Quan Bộ lang nói: “Ngài không nhớ Hưng Nhi ở nhà tôi thuở trước mà ngài nói có tướng phòng chủ hay sao?”
Ông Thượng Bửu nghe nói, sực nhớ chuyện cũ năm xưa liền xem lại kỹ lưỡng mà đoán rằng:
“Ngài này thật quả giống Hưng Nhi năm trước, nhưng tướng xấu thuở ấy đã biến đi đâu mất rồi, nay lại hiện ra cái tướng quan võ, giàu sang gồm đủ.
Vả lại tướng ngày nay là bởi nhờ âm đức mà phát ra, tôi dám đoán chắc ngài có làm một việc âm đức chi, hoặc cứu người khỏi chết, hoặc xí được của rồi trả lại cho người, nên mới đổi được cái tướng tốt ấy”.
Trịnh Hưng Bang nghe nói mấy lời bèn khen rằng: “Phép xem tướng của ngài thật là thần diệu”.
Chàng bèn đem việc từ khi bị đuổi tới khi được bạc, rồi đến xứ Hoài An làm con của quan Chỉ huy từ trước đến sau thuật lại không sót một mảy.
Quan Bộ lang hỏi rằng: “Nếu vậy thì hình tướng của người ta cũng có lúc dời đổi hay sao?”
Ông Thượng Bửu nói: “Ngài không nhớ trong sách tướng có câu rằng: “Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sanh. Hữu tướng vô tâm, tướng tùng tâm diệt” đó hay sao? (nghĩa là: lòng tốt tướng xấu, thì tướng theo lòng tốt mà hiện ra; còn tướng tốt lòng xấu, thì tướng theo lòng xấu mà tiêu mất).
Khi ấy quan Bộ lang liền dắt Trịnh Hưng Bang vào trong phòng mà thay áo mão như cũ, rồi đồng ra uống trà nói chuyện với ông Thượng Bửu.
Sau Trịnh Hưng Bang làm đến chức Đại tướng quân, có vợ sanh con đẻ cháu, nối dòng họ Trịnh, làm quan võ luôn luôn.
Đó là một tích người có lòng lành mà Phật trời đổi tướng bần cùng biến ra tướng phú quí. Cái lành ấy là thấy của không tham, cứu người khỏi chết mà được kết quả như vậy.

Theo sách: Gương nhân quả

TL: Luật nhân quả và cách cải thiện số mạng

Đã gửi: 17:39, 28/08/11
gửi bởi cloudstrife
Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác,
Tử tế tư lường thiên địa bất thác.
Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo,
Nhược hoàn bất báo, thời thần vị đáo.
--
Bình sanh hành thiện, Thiên gia phước,
Nhược thị ngu ngoan thụ họa ương.
Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,
Cao phi viễn tẩu dã nan tàng.
--
Hành tàng hư thực tự gia tri,
Họa phúc nhân do cánh vấn thùy?
Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,
Chỉ tranh lai tảo dữ lai trì.





Dịch :


Chứa lành gặp lành, chứa ác gặp ác,
Kỹ càng nghĩ lường, Trời Đất chẳng lầm.
Lành có lành trả, dữ có dữ trả,
Nếu về chẳng trả, ngày giờ chưa đến.
--
Bình sanh làm lành, Trời thêm phước,
Nếu ngu ngang ngạnh, chịu tai ương.
Lành dữ lúc cùng có quả báo,
Cao bay xa chạy, vậy khó trốn.
--
Hở kín hư thật tự nhà mình biết,
Họa phước có nguyên do, còn hỏi ai?
Lành dữ lúc cùng có quả báo,
Chẳng qua tới sớm hay tới muộn.
__________________






Theo phatphapvoluongton - thegioivohinh

TL: Luật nhân quả và cách cải thiện số mạng

Đã gửi: 18:58, 28/08/11
gửi bởi giakhoa
Phước Báo Của Sự Bảo Vệ Sanh Linh (^)



Thuở xưa, có một vị La Hán ở trên núi tuyết đã chứng Lục thông: thấy rõ việc trong ba đời như xem việc trước mắt. Nên danh tiếng vang lừng, người đương thời đều cảm phục.

Vị La hán kia có nuôi thiếu niên Sa Di làm đệ tử.

Một hôm, vị thiếu niên đệ tử đứng hầu bên cạnh thầy. Vị La hán xem qua sắc tướng của vị đệ tử mình, Ngài liền buồn rầu bảo vị thiếu niên đệ tử rằng:

- Con ơi, Thầy xem sắc tướng hôm nay, Thầy rõ biết phước báu của con đến nay đã gần hết, sau bảy ngày nữa mạng con sẽ chết. Thôi Thầy trò ta ngày nay vĩnh biệt. Thầy cho con trở về nhà thăm bà con quyến thuộc và cho con được thấy cha mẹ con trong phút cuối cùng.

Nghe xong, thiếu niên Sa Di chỉ biết đau đớn đảnh lễ thầy rồi gạt lệ từ tạ ra đi.

Trên đường về, gặp phải trận mưa lớn, thiếu niêu Sa Di rẽ qua con đường hẻm thấy một bầy kiến nhỏ đang chơi vơi trên một dòng nước nhỏ chảy ngang đường. Bầy kiến hết sức chống đỡ, nhưng vô hiệu; vì thân nhỏ sức yếu mà dòng nước quá mạnh, nên đành để dòng nước tự do dày xéo, và chờ dòng nước đưa về cõi chết.

Thiếu niên Sa Di thấy vậy, động lòng từ bi, liền cỡi chiếc áo đang mặc trong mình ngăn ngang dòng nước để đàn kiến có chỗ leo vào, những con nào kiệt sức, không thể leo vào áo được, thiếu niên Sa Di nhẹ tay bắt từng con bỏ vào aó, rồi đem bỏ vào chỗ khô ráo. Hai ba phen xem xét thấy bầy kiến chắc chắn thoát chết, mới yên lòng về nhà.

Ðến nhà, trong thời gian bảy ngày, thiếu niên Sa Di lo sợ chờ ngày mạng chung. Nhưng đến ngày thứ tám, thiếu niên vẫn còn sống. Thiếu niên Sa Di mừng rỡ trở về chỗ thầy.

Ðến nơi, vị La hán hết sức ngạc nhiên! Không biết vì sao đệ tử mình đến bây giờ mà vẫn còn sống. Ngài liền nhập định dùng diệu trí quan sát mới biết đệ tử mình do công đức cứu bầy kiến nên bảy ngày không chết mà còn sống lâu được nữa.

Sau khi xuất định, vị La hán giải cho Sa Di rõ lý do thoát chết, và giải nghĩa chữ từ bi.

Từ đấy, thiếu niên Sa Di tinh tấn tu hành không bao lâu chứng đặng đạo quả.
Theo:Truyện cổ Phật giáo

TL: Luật nhân quả và cách cải thiện số mạng

Đã gửi: 19:34, 28/08/11
gửi bởi tuanlm_fpt
đặt gạch :D

TL: Luật nhân quả và cách cải thiện số mạng

Đã gửi: 21:13, 28/08/11
gửi bởi Tây Đô đạo sĩ
Số mệnh thay đổi theo hành vi thiện ác

Đời vua Hán cảnh Đế có người bán dầu tên Bùi Độ nghèo khổ lang thang, được thầy tướng số cho biết sẽ chết đói vì coi tướng mặt có hai đường chỉ chạy xéo từ cằm lên mép miệng.
Ngày kia Bùi Độ gặp một thiếu nữ ngồi khóc bên giếng sâu. Hỏi ra sự tình mới biết thiếu nữ mang vàng đi để chuộc tội oan của cha, chẳng may bị đánh rơi xuống giếng. Ai cũng nói dưới giếng có con trăn to. Thiếu nữ đang tuyệt vọng muốn quyên sinh.
Bùi Độ thương tình, nghĩ mình trước sau cũng chết đói nên liều mạng leo xuống tìm được vàng cho thiếu nữ. Nhờ đó gia đình thiếu nữ được phục hồi danh dự và quyền thế.
Một lần gặp lại, nhà tướng số kia kinh ngạc nói rằng tướng chết đói của Bùi Độ đã biến mất mà thay vào đó là tướng công khanh phú quý rực rỡ!
Đúng vậy, sau này thiếu nữ tên Ngọc Hà đền ơn, đem Bùi Độ về dạy học và giao ước vợ chồng rồi mới thưa với phụ thân. Cha nàng gửi gắm Bùi Độ sang một người bạn khác để nhờ tiến cử. Thời gian xa cách Ngọc hà, Bùi Độ đã lạc lòng với những hình bóng giai nhân khác.
Trên bước đường tiến quan, Bùi Độ ghé vào thăm nhà tướng số cũ để tạ ơn, nhưng ông bảo Bùi Độ đã hiện lại tướng chết đói. Bùi Độ tức giận bỏ đi.
Sau khi được làm quan, Bùi Độ đánh mất nhân cách, chỉ lục lạo, cưỡng bức các cô gái đẹp, bị triều đình hạ lệnh bắt về kinh trị tội. Bùi Độ sợ hãi trốn vào rừng rồi chết đói cạnh một mỏm đá!

Nguồn:http://www.somenh.com/1-20/so-menh-thay ... -thien-ac/

Bình luận:
Người có số chết đói sau khi tạo phúc đã cải thiện được số mệnh của mình. Không may khi đã giàu sang phú quý lại tạo nghiệp xấu ác, cuối cùng nghiệp mới nghiệp cũ chất chồng trả quả thê thảm.

Người có lá số tốt dĩ nhiên là do tiền kiếp đã gây được nhiều thiện nghiệp. Nếu không biết tu nhân tích đức, ỷ lại lá số rồi gây tội ác, làm chuyện xấu xa thất đức thì vẫn bị quả báo xấu như thường. Đây cũng là bài học cho tất cả chúng ta.