Phú quý sinh lễ nghĩa

Trao đổi về các lĩnh vực khoa học và đời sống
Trả lời bài viết
Hình đại diện của thành viên
thanhthanh2013
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1320
Tham gia: 19:01, 05/07/13

Phú quý sinh lễ nghĩa

Gửi bài gửi bởi thanhthanh2013 »

“Phú quý sinh lễ nghĩa” là một câu thành ngữ mang tính triết lý, phản ánh hiện thực khách quan, giúp con người lý giải, cắt nghĩa các hiện tượng diễn ra trong cuộc sống của con người.
Ngày nay tuy có nhiều thay đổi về quan niệm xã hội, phong tục, lối sống, văn hóa nhưng “Lễ nghĩa” vẫn là một thứ công cụ duy trì trật tự xã hội một cách tự giác, vì con người sống trong xã hội văn minh hiện đại vẫn phải gìn giữ truyền thống xưa. “Phú quý sinh lễ nghĩa” là khi giàu có hay đẻ ra các nghi thức không cần thiết. Khi mức sống vật chất đã tạm đủ, người ta quan hệ rộng hơn, thủ tục, nghi thức trong cuộc sống cần thiết hơn.


Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế thì cuộc sống của con người ngày càng được nâng cao. Thu nhập của con người tăng lên kéo theo nhu cầu hưởng thụ ngày càng lớn. Bây giờ chúng ta không chỉ có nhu cầu “ăn no, mặc ấm” mà còn hướng tới nhu cầu “ăn ngon, mặc đẹp”.



Mọi người đã biết hưởng thụ những thú vui của cuộc sống, biết làm phong phú đời sống tinh thần của mình bằng những hoạt động giải trí phi vật chất. Như một quy luật của xã hội, cuộc sống giàu có với những giá trị mới đã làm phát sinh nhiều nghi lễ, nhiều nhu cầu giải trí mới.


Bên cạnh đó, sự giàu có, sung túc cũng gây ra nhiều “phiền toái” cho cuộc sống của con người. Cơ chế thị trường làm cho tính thực dụng tăng lên trong các mối quan hệ, trong mọi hoạt động. Con người chú ý nhiều hơn đến những nghi thức, “lễ nghĩa” mới. Hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo cũng nảy sinh từ cuộc sống vật chất khấm khá của con người.


Tuy nhiên, có lúc, có nơi, lễ nghĩa hình như đã đi “quá đà”. Bây giờ ở nông thôn, nhiều nơi tổ chức đình đám: Đám cưới, đám ma, cúng 50 ngày, 100 ngày, đám bốc mộ, mừng nhà mới, mừng con đi học đại học, mừng trẻ đầy cữ, đầy năm, mừng khánh thành lăng mộ, nhà thờ...



Nhiều đám, trước đây chỉ trà nước thì nay cũng cỗ bàn. Đám cưới có nơi đến hàng trăm mâm, các đám khác cũng hàng chục mâm có lẻ. Nhà này làm được, nhà kia không làm cũng thấy áy náy, nhà sau lại muốn làm to hơn nhà trước, sang hơn. Họ này xây lăng, làm nhà thờ, họ kia cũng phải theo, có khi làm sau lại lớn hơn, “con gà tức nhau tiếng gáy”, cứ thế đua nhau. Tổ chức các việc ấy, nhiều khi thuần túy chỉ là ăn uống, khách đến, được mời vào mâm, ăn rồi tặng phong bì. Đi dự đám cưới mà nhiều người không biết cô dâu, chú rể là ai.



Ngoài ra còn rất nhiều hiện tượng “lễ nghĩa” khác xuất phát từ cuộc sống “phú quý” của con người. Rõ ràng, khi cuộc sống được cải thiện, con người càng chú trọng đến đời sống văn hóa, tinh thần. Nhiều nghi thức, lễ nghĩa được con người đưa ra để làm phong phú đời sống của họ.


Vì vậy, chúng ta nên hướng đến việc tạo ra những giá trị văn hóa, tinh thần mới, có tác dụng xây dựng nếp sống đẹp, giá trị chuẩn mực đạo đức, hạn chế những “lễ nghĩa” rườm rà, đang trực tiếp làm xói mòn truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Nguyễn Văn Thanh (baotintuc.vn)
Đầu trang

Hình đại diện của thành viên
thanhthanh2013
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1320
Tham gia: 19:01, 05/07/13

Re: Phú quý sinh lễ nghĩa

Gửi bài gửi bởi thanhthanh2013 »

Việt Nam ta có câu “phú quý sinh lễ nghĩa”. Hiểu nôm na là khi con người ta trở nên giàu có thì thích bày vẽ mọi thứ cho thịnh soạn, chu đáo, có ý “hơn người”, cốt cho người khác nể mình. Có điều kiện tài chính thì điều đó cũng là quyền của con người, không thể phê phán. Nhưng đáng nói là nhiều khi, sở thích đó lại đi kèm những biểu hiện kém văn hóa, thậm chí phản cảm.
Tổ chức sinh nhật, mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới, “đám cưới vàng”, đầy tháng cho con, cháu, tân gia, cưới xin, ma chay, thăm viếng người khác… Đó là những dịp người ta thể hiện được mọi “lễ nghĩa”. Một phụ nữ nhân sinh nhật 70 tuổi, các con xúm vào tổ chức mừng thọ cho mẹ. Thiệp mời đẹp như mời cưới được gửi đến rất nhiều đối tượng. Tất nhiên có chọn lọc chứ không phải ai quen biết cũng mời. Đối tượng hướng tới tất nhiên là những người danh giá, giàu có. Tiệc mừng được tổ chức ở một khách sạn lớn. Số mâm cỗ lên tới gần… 100. Nếu không có tấm biển treo ngoài cửa phòng ăn “Tiệc mừng sinh nhật bà…”, chắc chắn ai cũng nghĩ đó là một đám cưới.

Một cặp vợ chồng đã ngoài 70 tuổi ở một thành phố cách Hà Nội gần 200km, có các con ăn nên làm ra, tổ chức “đám cưới vàng” sau 50 chung sống. Ngoài khách cùng thành phố, còn mời khách ở Thủ đô, phải thuê hẳn chiếc xe 30 chỗ đón về. Tất nhiên cuộc này cũng diễn ra ở một nhà hàng lớn, chứ không thể ở nhà. Con cháu còn in tờ kể lại quá trình công tác cùng mọi thành tích và các huân, huy chương cha, mẹ mình có. Đương nhiên là in trên giấy trắng loáng, màu sắc đẹp. Chủ nhà phát cho khách đến dự như nhân viên tiếp thị phát tờ rơi. Trong bữa tiệc mừng, đương sự còn mời một tốp ca sĩ, nhạc công đến phục vụ văn nghệ. Chương trình này diễn ra cả tiếng đồng hồ, cho đến khi vãn khách. Họ thỏa sức đàn, hát những bài gọi là “nhạc trẻ”, rồi thì gầm rú, nhảy nhót loạn xạ, có lúc lại nỉ non sướt mướt với những bài “não tình”. Lúc đầu dàn loa mở hết công suất khiến nhiều khách đinh tai, nhức óc, yêu cầu vặn bớt “volum”, nhưng cũng chỉ có thể nhỏ hơn một chút. Nhiều người tuổi cao đành bỏ ra khỏi bàn tiệc giữa chừng dẫu biết như vậy là không chu đáo với chủ nhân.

Còn vô số biểu hiện của “phú quý sinh lễ nghĩa” đang diễn ra ngày càng phổ biến. Ngày trước, thậm chí ngay cả thời phong kiến, người Việt Nam cũng đã có thói này, nhưng không trầm trọng như bây giờ. Cũng bởi nay đời sống người dân được nâng cao. Số người giàu lên mỗi ngày mỗi nhiều hơn. Sẽ không có gì đáng nói nếu mức độ “lễ nghĩa” có thể chấp nhận được, không trở nên lố, kệch cỡm như nhiều trường hợp vừa kể trên. Cũng đáng nói thêm là cái chướng của những cuộc tổ chức quá giới hạn không thể chấp nhận còn đáng phê phán ở khía cạnh: Không phải cuộc tổ chức nào cũng xuất phát từ sự trân trọng cha mẹ hay vì đối tượng chính trong cuộc là nguyên cớ để tổ chức, mà là sự trục lợi. Nhiều khi người ta đã lợi dụng cái gọi là “lễ nghĩa” để thực hiện một việc như là kinh doanh. Rõ là một biểu hiện kém văn hóa, rất cần phê phán, bài trừ.

TS. Nguyễn Đình San
Theo daibieunhandan.vn
Đầu trang

Hình đại diện của thành viên
Queem_MienTrungDu
Nhất đẳng
Nhất đẳng
Bài viết: 186
Tham gia: 10:14, 02/05/16

Re: Phú quý sinh lễ nghĩa

Gửi bài gửi bởi Queem_MienTrungDu »

Bài viết phản ánh đúng cái hiện thực màu mè đã từng và vẫn đang diễn ra, thậm chí còn phát triển thêm nhiều hoa, lá, cành nữa !
Khi vật chất đến mức thừa mứa thì người ta cần phải tìm kiếm sự hài lòng khác ở lĩnh vực tinh thần thôi mà. Cả thèm chóng chán và không có điểm dừng trong nấc thang thoả mãn bản thân là căn bệnh kinh niên của loài người mà không phải ai cũng biết và tìm cách chữa trị được.

Việc tham gia đám cưới, đám ma với tư cách là khách mời hoặc là người nhà và chứng kiến các tiết mục cần phải diễn ra khiến mình rất ớn làm nhân vật chính trong hai thước phim này.

Rõ ràng người đã mất hay người kết hôn mới là nhân vật chính những muốn tổ chức ra sao nhiều khi chẳng phải bản thân muốn mà được. Cứ phải theo lề thói, phong tục tập quán nơi đó, rồi do người đi trước chỉ bảo, bày vẽ mà tiến hành.
Ấy thế mà không ít đám vẫn dính phải phốt “Ma chê Cưới trách”. Bước ra khỏi đám mà không có tiếng xì xà xì xồ dù khen hay chê thì còn gọi gì là đi đám ?!

Ai rồi chẳng phải về với cát bụi, nên dù muốn hay không, đến một ngày, chúng ta sẽ phải là nhân vật chính của một đám ma thôi. Khi đã đi rồi, cái thân xác bị đối xử ra sao, mình đâu có làm gì được ?

Nản nhất là trong nhiều đám cưới, cô dâu – chú rể phải làm đủ các tiết mục và nhận đủ lời chúc trăm năm hạnh phúc từ phía mọi người (dù giả tạo hay thật lòng), để rồi không phải lúc nào cũng sống với nhau đến đầu bạc răng long.
Có nhiều đám cưới rất hoành tráng mà hai nhân vật chính đâu có tình cảm gì với nhau hoặc sau thời gian cưới chưa đủ lâu đã chán nhau quá rồi. Những gì lung linh trong đám tiệc cưới trở thành một vở bi hài kịch không hơn không kém trong mắt những người tham gia.
Đầu trang

Trả lời bài viết

Quay về “Cuộc sống muôn màu”