Chuyện hoa sim

Trao đổi về kiến thức Hán Nôm và cổ học
Trả lời bài viết
pense
Mới gia nhập
Mới gia nhập
Bài viết: 14
Tham gia: 17:33, 01/03/11

Chuyện hoa sim

Gửi bài gửi bởi pense »

Nhắc đến Hữu Loan, nhiều người nghĩ ngay đến bài thơ 'Màu tím hoa sim' mà thi sĩ đã sáng tác sau khi người vợ mới cưới hơn 3 tháng - Lê Đỗ Thị Ninh - đột tử. Bài thơ 'Màu tím hoa sim' đã được thi đàn trong nước suy tôn là Bài thơ tình hay nhất Thế kỷ XX. Tháng 12 năm 2004, bài thơ này được Công ty cổ phần công nghệ Việt ( VITEK ) mua bản quyền với giá 100 triệu Vnđ, để độc quyền phổ biến kèm theo đầu máy Karaoke kỹ thuật số của công ty này.
Thi sĩ Hữu Loan ( Nguyễn Hữu Loan ) sinh ngày Chủ nhật 02-04-1916 ( 30 tháng 2 Bính Thìn ), tại thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Bài thơ 'Màu tím hoa sim' lâu nay vẫn lưu truyền nhiều dị bản. Đáng ngạc nhiên nếu so sánh một số bản do Hữu Loan đích thân chép tay, vẫn thấy có nhiều chi tiết khác nhau ( về từ ngữ, về kiểu xuống dòng, về quy cách viết hoa và viết thường...). Điều đó khiến đông đảo khách mê thơ phải phân vân.
Lê Đỗ Thị Ninh là ai? Là ái nữ của ông Lê Đỗ Kỳ - Tổng thanh tra nông lâm Đông Dương thời ấy. Biết Hữu Loan học giỏi và hay thơ, bà Đới Thị Ngọc Chất - phu nhân ông Kỳ - mời về nhà dạy kèm cho cô con gái. Bấy giờ, Hữu Loan 24 tuổi còn Ninh mới vừa lên 8. Điều khó ngờ là tình yêu giữa Hữu Loan với Ninh nảy nở.
Mãi 9 năm sau, ngày 06-02-1948 hai người thành hôn. Ngày 29-05-1948, Ninh xuống sông Chuồng giặt giũ và chẳng may bị chết trôi dưới chân núi Nưa. Lúc đó, Hữu Loan làm trưởng ban tuyên huấn của sư đoàn 304 đóng ở huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa. Thương vợ, Hữu Loan viết 'Màu tím hoa sim' vào năm 1949 với những con chữ rơi rơi y hệt dòng lệ thảm.

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh

Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới

Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê...

Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh

Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần

Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa ...

Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí

Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu ...
Những năm 60 ở miền Nam, nhạc sĩ Dzũng Chinh từ chỗ còn là một nhạc sĩ vô danh, lần đầu tiên ra mắt công chúng bằng bản nhạc Những đồi hoa sim, phổ từ bài thơ nổi tiếng Màu tím hoa sim nói trên.
Gần như ngay lập tức, bài hát ấy gây được tiếng vang lớn lao, đi sâu vào lòng người và Dzũng Chinh cũng lập tức trở thành một tên tuổi lớn. Nghệ thuật phổ nhạc của Dzũng Chinh trong bài hát này cho thấy 'tay nghề' của ông rất cao. Ông không đi theo trình tự bài thơ, mà cắt xén, thêm bớt, đảo ngược thứ tự trước sau, hình thành một tác phẩm có bố cục hầu như hoàn toàn khác, nhưng ý và hồn thơ vẫn được triệt để tôn trọng.
Bài hát được nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện: Phương Dung, Hương Lan, Duy Quang, Sơn Tuyền, Như Quỳnh...
Điều đáng tiếc duy nhất là bài hát được viết và chơi ở điệu Bolero - một điệu nhạc rất hay nhưng bị coi như một thể loại nhạc...bình dân (!), khiên cho nhiều 'thức giả' không coi trọng (!)
Sau thành công lớn lao của Những đồi hoa sim, giới nghệ sĩ âm nhạc vẫn cảm thấy có gì đó...ấm ức, có lẽ vì bài thơ tuyệt cú nói trên của Hữu Loan đã được phổ nhạc với ca từ khác quá xa với nguyên bản bài thơ, nên liên tục sau đó có 2 tác phẩm khác lần lượt ra đời với ca từ gần gũi với nguyên bản bài thơ hơn.
'Màu tím hoa sim' của Duy Khánh, do Hoàng Oanh thể hiện dưới dạng Thi nhạc giao duyên. Tác phẩm này rất hay, nhưng có một lỗi nghiêm trọng khó chấp nhận được: trong bài thơ là hình ảnh anh Vệ quốc quân ( Bộ đội ), còn trong bài hát lại bị biến đổi thành anh lính Cộng hòa ( Quân đội )!!! Đây là lỗi nặng, khiến bài hát dù hay đến mấy cũng trở thành vô giá trị. ( Vì phản lại tinh thần của bài thơ ).
'Áo anh sứt chỉ đường tà' của Phạm Duy, một bậc thầy về nhạc và phổ nhạc. Bài này cũng được cộng đồng chấp nhận, xem như có giá trị rất cao với những phần biến tấu đặc sắc, chuyển từ 2/4 sang 3/4...Tuy vậy, theo thiển ý, với những đoạn ' quân hành' ở đầu và đặc biệt là ở cuối bài hát, cái hồn của bài thơ vẫn chưa được diễn tả đúng. Một bài thơ 'thương xót vợ hiền đã mất' mà kết thúc bằng nhịp quân hành thì e rằng có gì đó chưa ổn thật!
Bài hát này được các ca sĩ Thái Thanh và Elvis Phương thể hiện rất thành công, về sau còn có Trần Thái Hoà, Bích Liên, Ý Lan, Đức Minh...
'Chuyện hoa sim' của Anh Bằng ,cũng khá nổi, được Như Quỳnh trình bày rất thành công.
Ngoài ra bài thơ này còn là đề tài gợi hứng cho các nhạc sĩ soạn các bài như: 'Tím cả chiều hoang' ( Nguyễn Đặng Mừng ), 'Tím cả rừng chiều' ( Thu Hồ ), 'Chuyện người con gái hái sim'...Trong số đó bài 'Tình thiên thu'( Trần Thiện Thanh ) mang âm hưởng lạ với ý cảnh của câu chuyện giống như thế nhưng miêu tả tính cảm của đôi trai gái rất đặc sắc, và trong bài không hề có chữ 'tím' nào...
Sưu tầm
Được cảm ơn bởi: | Thiên Thư |
Đầu trang

zizu
Nhị đẳng
Nhị đẳng
Bài viết: 314
Tham gia: 01:32, 25/03/11

TL: Chuyện hoa sim

Gửi bài gửi bởi zizu »

bài này cũng hay nữa. toàn thơ tình thời kháng chiến
Đầu trang

Trả lời bài viết

Quay về “Cầm kỳ thi họa”