Làm sao để biết bạn đã vượt qua được sự dính mắc, ám ảnh với người yêu cũ? Nếu bạn thấy người yêu cũ hẹn hò với người khác, thậm chí ôm hôn người mới... Bạn cảm thấy ra sao? Nếu bạn thực sự không bị khuấy động trong lòng, bình thản và an nhiên thì có lẽ bạn đã vượt qua được mối tình cũ, đã hết dính mắc.
Còn cho đến lúc đạt được sự “tĩnh tâm” đó, trong lòng bạn sẽ luôn có “giọng nói của sự dính mắc”, nói với bạn những điều không đúng sự thật, nuôi dưỡng sự dính mắc trong bạn như một cơn nghiện không buông bỏ... Một trong những câu mà nó sẽ luôn nhắc bạn là: “Người ấy là chân ái của đời mình, là mối tình chân thực và đẹp đẽ nhất mình từng có. Sẽ không bao giờ mình có thể tìm được tình yêu lý tưởng như thế. Mình phải làm mọi thứ để hồi phục lại nó, nếu không mình sẽ không bao giờ có được hạnh phúc...”.
Ý nghĩ đó thường nảy sinh sau mỗi lần ai đó bị “thất tình”. Nó sẽ qua đi ngay sau khi bạn học cách buông bỏ. Bạn cũng nên hết sức cảnh giác với những giọng nói khơi gợi trong bạn suy nghĩ rằng bạn sẽ chết nếu không có người ấy, hoặc hết kiếp này sống trong sự đớn đau vật vã. “Giọng nói của sự dính mắc” luôn luôn mang sắc thái “kịch tính thái quá”, điều quan trọng là bạn đừng tin nó!
Còn một điểm nữa mà những người trong quá trình tập buông bỏ hay mắc lỗi, liên quan đến những thứ đồ mà người kia để lại ở nhà bạn, cho bạn giữ , hoặc là những việc hoặc dự định mà 2 người đang làm dở hoặc chưa triển khai. Những thứ đó bỗng dưng trở nên “thiêng liêng” khó tả, và bạn bám víu vào nó như vào cọng rơm khi chết đuối!
Bạn sẽ tìm mọi cách để liên hệ lại với người cũ, viện cớ trả lại cho họ những đồ vật của họ mà bạn giữ, hoặc để hoàn thành những việc chưa hoàn tất giữa 2 người, v.v. Bạn sẽ cho là bạn có lý do chính đáng để làm như vậy! Nhưng, tẽn tò thay – người cũ của bạn hoàn toàn hiểu và nhìn thấu những hành động và nỗ lực níu kéo của bạn.............

Nếu bạn thực sự cảm thấy cần phải trả lại đồ, hãy chờ đến lúc bạn hết dính mắc, hoặc nhờ người bạn chuyển giúp. Và nhớ là đừng tra hỏi người bạn về việc người kia có hỏi han gì về mình không, hay người đó trông như nào, vui hay buồn, v.v... Về các kế hoạch hoặc dự định khác của bạn và người ấy thì hãy cố gắng tìm cách thực hiện mà không cần đến sự tham gia của người yêu cũ.
“Giọng nói của sự dính mắc” cũng sẽ thì thầm với bạn rằng 2 người vẫn có thể làm bạn. Ngay sau khi mối quan hệ đổ vỡ, không thể có tình bạn được, trừ khi bạn trong số những người thật sự “cao thượng” và “đắc đạo”! Nếu theo kịch bản đó, bạn sẽ vẫn giữ mối quan hệ chụp mũ “tình bạn”, đồng thời thầm nuôi hy vọng nhen nhóm lửa tình đã tắt... Tệ hơn nếu bạn chấp nhận mối quan hệ “trên tình bạn dưới tình yêu” (“friends with benefits”), cho phép đi quá giới hạn về mặt thể xác nhưng lại không được người kia đáp lại tình cảm... Tình huống này sẽ chỉ “xát thêm muối vào vết thương”.. làm cho bạn cảm thấy tồi tệ và mặc cảm hơn mà thôi.
Cách làm tốt nhất là hãy giữ khoảng cách với con người đó, ít nhất cho đến khi sự dính mắc và giọng nói kia tan biến. Sau đó 2 người làm bạn cũng chưa muộn. Khi bạn nhìn lại về người đó và mối quan hệ với họ và tự trách mình: “Không hiểu hồi đó mình nghĩ gì!” thì có nghĩa là bạn đã được trả lại tự do của tâm hồn và sự minh mẫn sáng suốt của trí óc

Dịch và tổng hợp