Những giai thoại về lý số, phong thủy.

Các bài viết học thuật về môn Phong thủy, địa lý
mapbe
Nhất đẳng
Nhất đẳng
Bài viết: 121
Tham gia: 11:00, 09/02/09

Phong thủy của ngôi mộ của Danh Tướng Phạm Nhữ Tăng

Gửi bài gửi bởi mapbe »

Nếu ai có dịp đi về Quảng Nam đến ngã ba Hương An (huyện Quế Sơn), theo Quốc Lộ 1A từ Nam đi ra Bắc qua khỏi ngã ba Hương An chừng 700 m có con đường làng rẽ về phía tay trái, di băng qua 1 cái làng, rồi qua 1 cánh đồng sẽ đến khu vực có lăng mộ của Danh Tướng Phạm Nhữ Tăng.

Ngôi mộ tọa lạc trên một cái gò nhỏ, cao khoảng 2 m so với mặt ruộng, phía sau là một gò cao khoảng 20 m, phía sau nữa là căn cứ quân sự núi Quế. Phía trước ngôi mộ thuở xưa là 1 bàu nước nằm cách mộ chừng 10m gọi là Bàu Xanh.

Tương truyền rằng Phạm Nhữ Tăng là cháu 4-5 đời của Phạm Ngũ Lão vốn là danh tướng của Triều nhà Lê trên đường vào Nam chinh phạt Chiêm Thành thắng lợi đã qua đời trên đường trở về, được vua Lê cho mai táng ở Núi Quế, Hương An.

Không biết vô tình hay hữu ý mà ngôi mộ đã vào vị trí đắc địa. Có một thầy địa lý sau khi đến xem mộ đã phán rằng:

"Bao giờ núi Quế hết cây,
Bàu Xanh hết nước mộ này hết quan"

Trong gia phả họ Phạm tại Hương An ghi rằng:
"Mộ tổ Phạm Nhữ Tăng, huyệt Đơn Phụng Hàm Thư"

Vài nét về phong thủy của huyệt Mộ: Long mạch núi Quế phát nguyên từ dãy núi Hòn Tàu cao 1200m, chạy qua địa phận xã Quế Hiệp, xuống xã Quế Mỹ đến khu vực Hương An xã Quế Phú thì gặp một con sông lớn là sông Rù Rì (dân địa phương còn gọi là sông Hương An) long đình khí chỉ kết nên huyệt Đơn Phụng Hàm Thư. Thế long mạch đi rất dài, qua nhiều ngọn đồi nhỏ, đến khi kết huyệt thì quay đầu nhìn về sông Hương An (sông Hương An ngày xưa khác với sông Hương An bây giờ đã đổi dòng), phía trước huyệt là một bàu nước (bàu Xanh)có nước đầy quanh năm trong vắt.

Huyệt táng trên một gò đất nhỏ hình vuông, mỗi cạnh chừng 5-6m. Gò núi phía sau như con chim phượng chìa mỏ ra ngậm lấy gò đất hình vuông này nên gọi là huyệt Đơn Phụng Hàm Thư

Mộ huyệt tọa Khôn hướng Cấn (kiêm Dần 3 phân), bàu Xanh cũng nằm phía hướng Cấn, nước sông Hương An chảy ôm vòng cách huyệt chừng hơn 100 m từ phải sang trái.

Sự kết phát của huyệt mộ:

từ lúc mộ táng đến nay cũng đã hơn 400 năm, dòng họ Phạm liên tục phát quan, tính ra được khoảng 20 đời có cả võ quan lẫn văn quan đều là quan lớn qua nhiều triều đại (người viết lúc được đọc qua gia phả họ Phạm thì còn nhỏ nên không thể nhớ hết để kể chi tiết được).

Đến đầu thế kỷ 20, có Tiến sĩ Phạm Nhữ Thuật(*) làm quan trong triều đình nhà Nguyễn sinh được 2 trai 1 gái. Cô con gái về làm Dâu ở vùng Bình Đào, huyện Thăng Bình. Do vùng Bình Đào đất cát khô cằn, cô con gái về xin cha cho khơi một dòng nước từ sông Hương An dẫn về hướng Thăng Bình để làm thủy lợi. Ông Phạm Nhữ Thuật đồng ý. Sau khi khơi kênh nước mới, đến mùa nước lũ, nước khoét sâu lòng kênh tạo thành dòng nước chính làm nước sông Hương An đổi dòng, dòng sông không còn chảy ôm vòng qua trước mộ nước mà thay vào đó là nước bắt đầu chảy ngược từ trái sang phải cùng với dòng chính chảy về huyện Thăng Bình. Về phương diện thủy pháp đã không còn phù hợp với hướng huyệt nữa.

Sau sự cố này, nước Bàu Xanh trở nên cạn khô sau đó bị bồi lấp dần.

Tiến sĩ Phạm nhữ Thuật trở thành vị quan cuối cùng của dòng họ Phạm ở Hương An.

Hai con trai của Phạm Nhữ Thuật, 1 người tham gia quân đội Khố xanh của Pháp lên đến cấp Đại úy thì bị chết trận, người còn lại chơi bời bán dần gia sản, cuối cùng về quê làm nghề cày cấy.
Từ cầu Hương An đi ngược sông Rù rì lên chừng 2 KM đến địa phận xã Quế Cường có 1 ngọn núi nhỏ gọi là núi Chùa . Long mạch của núi Chùa xuất phát từ hướng Tây (1 chi long của Trường Sơn), chạy qua nhiều vùng của Quế Sơn, đến Núi Nhím, (phía Tây của núi Chùa độ chừng 1 KM) Sơn mạch chạy đến núi Chùa thì long ngoi lên ngoảnh đầu ra uống nước sông Rù rì (hay sông Ly Ly). Sông rù rì chảy đến đoạn núi Chùa thì dòng chảy uốn lượn rất hữu tình . Ngay miệng long nơi núi Chùa ngoảnh ra, dòng sông có 1 vực sâu gọi là vực Cơm . Vực cơm nước tụ , sâu thăm thẳm, trong xanh rất đẹp, ngày trước khi bị tàn phá những loại cá quí của sông Rù rì hay tụ về sống ở vực cơm (có lẽ cũng vì vây mà bị tàn phá). Vực Cơm nước tụ nhưng không dơ dáy, vì dòng nước sông nơi đây chảy ôm lấy vực Cơm bên bờ nam .
Ngày trước trên núi Chùa có 1 ngôi chùa (vì vậy mà gọi núi chùa), cây cối xanh tươi, phong cảnh đẹp lắm . Sau chiến tranh, người ta làm đường kinh thủy lợi (kinh số 1) từ đập Cao Ngạn (Thăng Bình) chạy cắt ngang giữa núi Chùa và núi Nhím - Cắt ngang cổ rồng . Nơi núi Chùa ngỏanh ra sông cũng bị 1 đường kinh nhỏ hơn (kinh số 3) cắt ngang giữa núi Chùa và vực Cơm ( cắt ngang miệng rồng) .
Long mạch bị băm nát, vùng này trở nên cằn cỗi, trên núi Chùa chỉ có những cây nhỏ khô cằn sống .ngôi chùa bị phá , không ai trông coi . Phía tay trái của miệng long , sông Rù rì sụt lỡ, chính quyền cho trồng cây để ngăn đất lỡ nhưng vẫn bị . Bờ sông đất lỡ ăn sâu vào đất liền . Người địa phương bây giờ gọi nơi này là Hố Lỡ . Những tảng đá lớn bằng phẳng bên vực Cơm bây giờ hầu như biến mất , những mỏm đá nhọn hoắt tua tủa mọc lên làm khúc sông này giống như 1 bãi chông . Sông rù rì bây giờ cạn nước , không còn như xưa nữa .

Xã Quế Cường nằm giữa hai hộ long ,núi Chùa và núi Quế (anh ThiênViệt đã nói ở trên về núi quế) , hướng ra sông Rù rì . Tuy không phải là nơi phát lớn nhưng cũng đã từng là xóm làng trù phú (nên xưa gọi là Phú Cường) .

Xã Bình Đào thuộc huyện Thăng Bình nằm ở sát biển có con sông Trường Giang chảy ngang, con sông này là sông tự nhiên. Phía trên Bình Đào về hướng Tây Bắc giáp với Quế Sơn có lẽ là Bình Sa hoặc Bình Minh, đây là vùng mà Thiên Việt muốn nói ở trên.

Con sông Rù Rì rộng lớn ngay cầu Hương An xưa chính là con kênh thủy lợi nhỏ được cô con gái họ Phạm cho khơi, sau vì nước lũ mà chảy phá thành sông Hương An bây giờ.
Còn sông Hương An (sông tự nhiên)thuở xưa: nếu đi từ huyện lỵ Quế Sơn đi xuống Hương An, gần đến Hương An (cách Hương An chừng chưa đến 1 km) thì có một cái cầu bắt qua 1 con rạch nước chảy từ bên trái chảy qua, đây chính là sông Rù rì ngày xưa nước chảy từ phải sang trái vòng xuống Mộc Bài rồi mới ôm vòng về Thăng Bình, nay nước đã đổi dòng nên chảy tuột xuống cầu Hương An, còn dòng sông sông cũ lâu ngày cạn và thu hẹp dần thành một con rạch nhỏ.

Ngôi mộ của Danh tướng Phạm Nhữ Tăng thì có từ thời vua Lê Thánh Tông đi vào Nam chinh phục Chiêm Thành (Thiên Việt sẽ đi tìm các tài liệu lịch sữ như Việt Nam Sử Lược, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư để tra cứu lại niên hiệu. Trên mộ cũng có ghi thời gian táng tuy nhiên TV không ghi chép lại), kết phát được hơn 20 đời chỉ tàn cuộc vào thời nhà Nguyễn.

(st)
Đầu trang

mapbe
Nhất đẳng
Nhất đẳng
Bài viết: 121
Tham gia: 11:00, 09/02/09

BÀ CHÚA TẦM TANG

Gửi bài gửi bởi mapbe »

Cuộc đời của cô gái trồng dâu nuôi tằm dệt lụa ở làng Chiêm Sơn, huyện Diên Phước thuộc dinh Quảng Nam bên bờ sông Thu Bồn có một giai thoại đẹp đẽ đi vào sử sách và truyền thuyết dân gian địa phương. “Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên” đã viết rằng: “Năm mười lăm tuổi (Bà) hái dâu bên bãi trông trăng mà hát. Bấy giờ Hy Tông Hoàng Đế ta (tức Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) đi chơi Quảng Nam, Thần Tông Hoàng Đế ta (tức Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan) theo đi hộ giá. Đêm đáp thuyền trăng đi chơi. Đỗ thuyền ở Điện Châu (bây giờ là An Phú Tây) câu cá, nghe tiếng hát lấy làm lạ, sai người đến hỏi biết là con gái họ Đoàn, cho tiến vào hầu Chúa ở tiềm để, được yêu chiều lắm”.

Theo truyền thuyết dân gian, vào một đêm trăng đẹp (1615), Thụy Quốc Công Nguyễn Phúc Nguyên lúc đó đang trấn giữ Quảng Nam dinh và con trai là Công Tử Nguyễn Phúc Lan dạo thuyền trên sông Thu Bồn. Khi thuyền rồng ngược dòng sông từ Thanh Chiêm đến địa phận làng Chiêm Sơn, thuộc huyện Diên Phước, nổi tiếng trồng dâu nuôi tằm dệt lụa thì một giọng hát trong ngần và quyến rũ của một thôn nữ từ một nương dâu bên bờ sông vọng tới theo làn gió mát. Cô gái hát rằng:

Thiếp nghe chúa ngự thuyền rồng
Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa...

Một lát sau cũng giọng hát đó lại cất lên uyển chuyển, mượt mà nghe da diết làm sao:

Thuyền rồng Chúa ngự nơi đâu
Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình...!

Giọng hát và lời ca của cô thôn nữ trong đêm trăng thanh vắng đã làm rung động tâm hồn và xao xuyến trái tim của chàng công tử đa cảm Nguyễn Phúc Lan. Được phép thân phụ, công tử cho thuyền rồng men theo triền sông đi tìm tiếng hát. Khi lên bờ, bên bóng dâu xanh thắm nhuộm ánh trăng vàng, chàng trai vương bá đem lòng say mê vẻ đẹp yêu kiều của một thục nữ vừa độ trăng tròn rất mực đôn hậu là Đoàn Thị Ngọc Phi, con gái út của một hào trưởng nổi tiếng, chuyên làm nghề tầm tang, quê ở làng Chiêm Sơn, huyện Diên Phước là Đoàn Công Nhạn. Hình như cuộc kỳ ngộ này đã được sắp xếp từ trước bởi bàn tay của Ông Tơ Bà Nguyệt se duyên. (l)

"Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên" đã viết về người thục nữ đó rằng “Bà là con gái thứ ba của Thạch Quận Công Đoàn Nhạn. Mẹ là phu nhân Võ Thị. Bà là người minh mẫn thông

sáng… sáng thơm, tý mỵ, phép tốt trinh thuần”.

Công Tử Nguyễn Phúc Lan và cô thôn nữ Đoàn Thị Ngọc Phi đã bén duyên vào tuổi mười lăm (1615) và sau đó hai năm, họ cùng nhau kết duyên trăm năm vào tuổi mười bảy (1617) và đã sống với nhau ở dinh trấn Thanh Chiêm cùng với thân phụ là Thụy Quốc Công Nguyễn Phúc Nguyên và thân mẫu là phu nhân Nguyễn Thị Giai (tức là Mạc Thị Giai được mang họ Chúa Nguyễn).

Sau khi Nhân Lộc Hầu Nguyễn Phúc Lan trở thành Quận Công trấn giữ Quảng Nam Dinh, Bà Đoàn Thị Ngọc Phi đã hết lòng ủng hộ, khuyến khích nhân dân các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, nhờ vậy mà nghề tầm tang ở Đàng Trong được mở mang, đã mở mang vào thời kỳ đó và đã sản xuất được nhiều mặt hàng tơ lụa nổi tiếng như đoạn, lãnh, gấm, vóc, trườu, sa để bán trong nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài qua thương cảng Hội An. Bởi vậy, Lê Quý Đôn đã viết trong "Phủ Biên Tạp Lục" rằng “Người Phủ Thăng, Phủ Điện dệt được các loại the, đoạn, lụa, là hoa hòe chẳng kém gì Quảng Đông”.

Cũng từ đó, cảng thị Hội An dưới thời Chúa Nguyễn đã trở thành một trung tâm trung chuyển của con đường tơ lụa quốc tế xuyên đại dương trong thế kỷ XVI - XVII nối liền Tây Âu và Viễn Đông. Và Bà Đoàn Thị Ngọc Phi trở thành "Bà Chúa Tầm Tang" ở Đàng Trong. Các cô gái trồng dâu nuôi tằm dệt lụa ở quê hương Bà đã từng hát:

Chiêm Sơn là, lụa mỹ miều
Mai vang tiếng cửi, chiều chiều tơ giăng...



Nương dâu xanh thắm quê mình
Nắng lên Gò Nổi đượm tình thiết tha
Con tằm kéo kén cho ta
Tháng ngày cần mẫn làm ra lụa đời...

Đến năm 1635, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên qua đời, Nhân Lộc Hầu Nguyễn Phúc Lan trở thành Chúa Thượng và sống ở Thuận Hóa. Chúa thượng đã dời Phủ Chúa từ làng Phước Yên ở huyện Quảng Điền về làng Kim Long thuộc Phú Xuân. Bà Đoàn Thị Ngọc Phi được Chúa Thượng phong tước là Đoàn Quý Phi và thân phụ Đoàn Công Nhạn của bà được phong tước là Thạch Quận Công. Đoàn Quý Phi trong thời kỳ này cũng khuyến khích nghề tầm tang ở Phú Xuân phát triển.

Đoàn Quý Phi sinh hạ được ba hoàng tử, trong đó các hoàng tử Nguyễn Phúc Võ và Nguyễn Phúc Quỳnh đều mất sớm, hoàng tử Nguyễn Phúc Tần là con trai thứ hai, trở thành thế tử. Công chúa út là Nguyễn Phúc Ngọc Dung.

Thế tử Nguyễn Phúc Tần ngay thời còn là Lễ Dũng Hầu, quan quản lảnh Quảng Nam dinh, đã tỏ ra là một con người am hiểu binh pháp, vũ dũng và giỏi chiến trận, đã có công lớn trong việc đánh tan hạm đội Hà Lan dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Peter Back âm mưu đánh phá cảng thị Hội An vào năm 1644. Về sau Thế Tử Nguyễn Phúc Tần trở thành Chúa Hiền năm...

Đoàn Quý Phi mất ngày 17 tháng 5 năm Tân Sửu, tức ngày 12 tháng 7 năm 1661, hưởng thọ 60 tuổi (3,4). Sau khi Bà qua đời, Chúa Hiền đã đưa mẫu hậu về an táng tại quê hương Bà. Lăng mộ của Bà đặt bên cạnh lăng mộ của nhạc mẫu là Hoàng hậu Nguyễn Thị Giai.

Theo "Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên" Đoàn Quý Phi mất năm Tân Sửu (1661 Lê Vĩnh Thọ thứ tư) mùa hạ tháng 5, táng Vĩnh Diện (ở Thượng Cốc, Hùng Cương thuộc xã Chiêm Sơn, tỉnh Quảng Nam).

Trong "Đại Nam Nhất Thống Chí" quyển 5 viết về Quảng Nam, đã ghi lại vị trí tọa lạc của các Lăng mộ của hai Hoàng Hậu Nguyễn Thị Giai và Đoàn Thị Ngọc Phi như sau: “Lăng Vĩnh Diễn phía Nam núi Hàm Long, xã Chiêm Sơn, huyện Duy Xuyên. Đây là Lăng của Hiếu Văn Hoàng Hậu Nguyễn Thị. Lăng Vĩnh Diện ở phía Tây Gò Hùng, thôn Thượng Cốc, xã Chiêm Sơn. Đây là Lăng của Hiếu Chiêu Hoàng Hậu Đoàn Thị Ngọc Phi”.

Ngược dòng lịch sử, chúng tôi đi tìm dấu tích cổ xưa của nơi an nghỉ cuối cùng của hai Hoàng Hậu đó. Đến nay, tại làng Chiêm Sơn thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam vẫn còn di tích của hai lăng mộ đó với mức độ hư hại khác nhau.

Lăng Vĩnh Diện, mộ phần của Hiếu Chiêu Hoàng Hậu Đoàn Thị Ngọc Phi (1601-1661) mà nhân dân địa phương quen gọi là Lăng Trên, tọa lạc trên một khu đất cao, gọi là Gò Hùng thuộc làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, tỉnh Quảng Nam ngày nay. Lăng được xây dựng vào năm 1661 và toàn bộ khu vực Lăng rộng 4 sào 2 thước 7 tấc, ứng với lô đất số hiệu 2583 theo địa bộ xã Duy Trinh (2). Lăng này được đặt tên là Vĩnh Diện vào năm Gia Long thứ 5 (1806) và được tu bổ vào năm Gia Long thứ 13 (1814).

Trong địa phận Lăng Trên còn có mộ của công chúa út của Hiếu Chiêu Hoàng Hậu. Theo hồi cố của bà con tộc Đoàn xã Duy Trinh, công chúa này có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng thường được gọi là công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Dung, có dị tật bẩm sinh. Lúc sinh thời, công chúa đã hạ giá với Chưởng Cơ của triều đình tên là Minh và đã mất sớm(2).

Phần mộ của công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Dung không rộng lắm và ứng với lô đất số hiệu 698 của địa bộ xã Duy Trinh (2).

Lăng Vịnh Diện được bao bọc bởi hai lớp thành bảo vệ cao khoảng 1 mét, dày khoảng 0,8 mét: bên ngoài là bảo thành ngoại và bên trong là bảo hành nội, phía sau ở chính giữa các thành này đều có bia tẩm. Trên các bia tẩm này không thấy ghi một chữ Hán nào mà chỉ có phù điêu hình mây cuộn, kỳ lân trông rất ngoạn mục. Các thành bảo vệ đều bị hư hại nặng, chỉ còn vài đoạn ngắn nhưng cái bia tẩm vẫn còn. Ở giữa Lăng là mộ chí của Hiếu Chiêu Hoàng Hậu mà đến nay vẫn còn nguyên vẹn theo kiểu kiến trúc cổ xưa.

Còn Lăng Vĩnh Diễn là mộ phần của Hiếu Văn Hoàng Hậu Nguyễn Thị Giai (1578-1630) được nhân dân địa phương gọi là Lăng Dưới, cũng tọa lạc trên một khu đất cao gọi là Gò Hàm Rồng cũng thuộc làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, cách Lăng Vĩnh Diện, Lăng Trên hơn nửa cây số. Khu vực Lăng này, ngày xưa rộng gấp đôi Lăng Trên, có diện tích 8 mẫu 4 sào 5 tấc, ứng với lô đất số hiệu 1220 theo địa bộ xã Duy Trinh (2). Niên đại xây dựng Lăng này có lẽ vào cuối năm 1630, vì Hoàng Hậu mất vào ngày mồng 9 tháng 11 năm Canh Ngọ, tức ngày 12-12-1630 tại dinh trấn Thanh Chiêm(5).

Theo "Đại Nam Nhất Thống Chí" thì Lăng Vĩnh Diễn cũng được đặt tên vào năm 1806 và tu bổ vào năm 1814 cùng một lúc với Lăng Vinh Diện.

Trước đây, bên ngoài khu vực của hai Lăng, Chúa Nguyễn còn xây dựng một công trình kiến trúc gọi là Chùa Vua là nơi thờ phụng hai Hoàng Hậu nói trên có vườn cây bao quanh gọi là Vườn Chùa mà nay không còn nữa. Ở đây, trước kia luôn luôn có Đội Cận Vệ

Hoàng Gia, gồm khoảng hai mươi người, thường là con cháu họ Đoàn, có nhiệm vụ bảo vệ các khu Lăng và lo việc thờ cúng.

Diện tích Vườn Chùa khá rộng, đất bên trong thành bao bọc chùa rộng 3 sào 0 thước 9 tấc, đất bên ngoài thành là vườn trồng hoa cảnh, cây ăn trái rộng 5 sào 4 thước 4 tấc ứng với lô đất số hiệu 2281 theo địa bộ xã Duy Trinh.

Ngoài ra, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan còn cấp thêm tư điền làm hương hỏa cho hai Hoàng Hậu họ Mạc và họ Đoàn ở địa phương để con cháu chăm lo hương khói cho hai bà Tư Điền mà Chúa Nguyễn đã cấp trước đây cho Hoàng Hậu Nguyễn Thị Giai là 4 mẫu 8 sào 12 thước thuộc làng Kiệu Đông và làng Kiệu Tây, huyện Duy Xuyên và 2 mẫu thuộc làng Hương Quế huyện Quế Sơn. Tư Điền mà Chúa

Nguyễn đã cấp trước đây cho Hoàng Hậu Đoàn Thị Ngọc Phi là 4 mẫu 3 sào 12 thước thuộc làng Phú Trang, huyện Quế Sơn(2).

Theo “Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên", đến năm 1744, Thế Tôn Hiên Võ Hoàng Đế, tức Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã truy dâng Bà Đoàn Quý Phi là Trinh Thục Từ Tỉnh Huệ Phi và sau đó thêm hai chữ Mẫu Duệ. Vua Gia Long, sau khi thống nhất đất nước và lên ngôi, năm 1806 lại truy tôn Bà Là Trinh Thục Từ Tỉnh Mẫu Duệ Kính Hiếu Chiêu Hoàng Hậu và khắc tên lên Kim Sách của Hoàng Tộc và tôn hiệu này được thờ chung với Hiếu Chiêu Hoàng Đế (tức Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan) vào gian thứ nhất bên phải của Thái Miếu ở Huế.

Để tỏ lòng tường niệm công đức của bà Chúa Tầm Tang, vua Thành Thái (1888-1907) năm thứ 18 (1905) đã ban cho tộc Đoàn 1.000 lạng bạc để dựng Nhà Thờ Hiếu Chiêu Hoàng Hậu tại thôn Đông Khuông, xã Điện Châu, tức Đông Yên Châu, huyện Điện Bàn. Về sau, sông Thu Bồn chuyển di cắt Đông Yến Châu làm đôi thành Đông Yên Đông thuộc huyện Điện Bàn và Đông Yên Tây thuộc huyện Duy Xuyên.

Hiện nay, nhà thờ Hiếu Chiêu Hoàng Hậu nằm trên đất Đông Yên Đông, nay là xã Điện Phương, cách Cầu Mống về phía Bắc bên phải chừng 100 mét. Hàng năm vào ngày 17-5 Âm lịch tộc Đoàn kết hợp với tộc Nguyễn Phước tổ chức kỵ giỗ bà tại đây và tại nhà thờ xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên.

Sau tháng 8, 1945, các khu Lăng Mộ Vĩnh Diện và Vinh Diễn vẫn còn nguyên vẹn, nhưng không còn được bảo vệ như trước nữa và bị lãng quên. Trải qua ba mươi năm chiến tranh, nhân dân đã đào mộ tìm vàng, phá thành lăng để lấy gạch đá làm vật liệu xây dựng, biến khu Lăng thành nơi trồng cây lấy gỗ... làm biến dạng môi trường ở đây.

Vào tháng 2-3 năm 1992, bà con tộc Đoàn xã Duy Trinh đã kết hợp với bà con Nguyễn Phước tộc Quảng Nam - Đà Nẵng đốn hạ cây cối trồng bừa bãi, thu dọn vệ sinh khu Lăng Vĩnh Diện và Lăng Vĩnh Diện, đồng thời bỏ ra kinh phí trùng tu lại mộ chí của Hoàng Hậu Đoàn Thị Ngọc Phi, nhưng do thiếu tài chính, các thành bảo vệ xung quanh cũng chưa phục chế lại được như cũ.

Có lẽ công đức đối với nghề trồng dâu dệt lụa trên quê hương cũng như thiên diễm tình một thời vang dội của Bà Chúa Tầm Tang còn lưu lại cho mãi đến tận nay mà các cô gái trên quê hương bà vẫn hát:

Thuyền rồng mái đẩy đi đâu
Để cho em đứng hái dâu một mình...!

Chúng tôi cho rằng các Lăng Vĩnh Diện và Lăng Vĩnh Diễn là những di tích văn hóa, lịch sử cổ xưa nhất của thời Chúa Nguyễn còn tồn tại cho đến nay, có giá trị nhiều mặt về lịch sử, văn hóa, khảo cổ, kiến trúc... có tầm cỡ quốc gia với chiều dày lịch sử 400 năm cần được phục chế, trùng tu, tôn tạo toàn bộ.

* Tài liệu dẫn và chú giải:

1- Có tác giả nêu lên một giả thuyết trong đó nói rằng Đoàn Quý Phi là một cô gái tài hoa nhưng xấu xí “rỗ chằng rỗ chịt, rỗ chín mười tầng” là không đúng sự thật và lẫn lộn với chuyện “Chung Vô Diệm” của Trung Hoa nên cần loại bỏ.

2- Gia phả tộc đoàn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

3- Có tác gia ở huyện Duy Xuyên đã viết không đúng rằng Đoàn Quý Phi chỉ hưởng thọ được 29 tuổi.

4- Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phước Tộc. Nguyễn Phước Tộc Thế Phả 1995.

5- Tộc Mạc hậu duệ của Hoàng Hậu Mạc Thị Giai dưới thời Tây Sơn đã đổi thành tộc Nguyễn Tường và hiện nay sống tại xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Đầu trang

mapbe
Nhất đẳng
Nhất đẳng
Bài viết: 121
Tham gia: 11:00, 09/02/09

TL: Những giai thoại về lý số, phong thủy.

Gửi bài gửi bởi mapbe »

Phong thủy của lăng mộ bà Đoàn Quý Phi (bà chúa tầm tang)

Từ ngã ba Nam Phước (trên Quốc lộ 1 thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đi về hướng Trà Kiệu, qua cầu Chìm đi lên chừng 1-2 km, có con đường rẽ trái vào chừng 1 km nữa là tới khu lăng mộ của Bà Đoàn Quý Phi nay là Di tích văn hóa của tỉnh Quảng Nam.

Khu lăng mộ rộng chừng 1500 m vuông, xây dựng cầu kỳ nhưng không quy mô, ở giữa là ngôi mộ bằng đá, xung quanh mộ là một la thành, giữa la thành và mộ được tráng vôi rất cứng.

Phong thủy của huyệt mộ:

Phụ mẫu sơn của huyệt mộ là một dãy núi lớn chạy song song với núi Hàm Rồng (Duy Xuyên), nằm sâu vào bên trong một chút, đỉnh cao nhất của núi ước chừng 300 m, khi lực vô cùng hùng hậu, hình thế núi nhấp nhô như rồng cuộn. Hướng núi chạy thẳng về hướng huyệt, trước khi kết huyệt khởi phục chừng 4-5 lần, trong quá trình khởi phục có hộ sơn đưa đón lúc thì quay qua trái, lúc quay qua phải trông rất đẹp.
Đến vị trí kết huyệt, trước khi vào huyệt là một tiểu khởi nhỏ cao chừng 4-5 m triển kiên khai diện thành 1 cái oa có chiều rộng khoảng 1500m vuông, lăng mộ được xây trong cái oa này.
Bên trái của huyệt mộ là một đồi cao chừng hơn 4 m nhưng không dài che chắn bên tay trái làm thanh long, bên phải của huyệt mộ là một đồi thấp cao chừng dưới 1 m nhưng kéo dài ra phía trước chừng 300m, hình thế cuộn khúc thò ra nhiều chân nhỏ ôm về phía huyệt.
Nước sông Trà Kiệu chảy vòng từ bên trái sang phải, huyệt tọa Canh hướng Giáp kiêm Mão.
Về tầm vóc phong thủy của huyệt mộ thì tuy không có long hổ chia làm nhiều tầng bao bọc nhưng khí lực của long gia cực kỳ hùng hậu, điểm huyệt lập hướng theo phương pháp Ngũ Quỹ vận Tài cục (Khôn thủy, Tân Long tọa Canh hướng Giáp) nên nếu phát có thể giàu sang tột bực, mà Đế vương chẳng qua là người giàu nhất thiên hạ mà thôi.

Hiện nay lăng mộ đã được tu chỉnh lại, được công nhận di tích văn hoá của Tỉnh và được bảo vệ.
Trên con đường Quốc lộ 1 từ Vĩnh Điện-Điện Bàn đi về Nam nhìn về phía Tây Nam có một ngọn núi nhọn vểu cao chừng 1200m có hình dáng như mỏ của một con chim, đó là núi Chúa, nơi phát nguyên của long mạch Hàm Rồng, gọi là núi Hàm Rồng, một kỳ quan của huyện Duy Xuyên.

Núi Hàm Rồng là một dãy núi toàn bằng đá dài chừng mười mấy km, cao chừng vài trăm mét, nhìn xa trông như một con rồng bò từ Núi Chúa ra. Ngôi mộ của bà Hậu vợ chúa Nguyễn Phúc Nguyên tọa lạc ở chân núi cách núi khoảng vài trăm mét.

Đường đi lên mộ bà Hậu vợ chúa Nguyễn Phúc Nguyên cũng từ Nam Phước đi lên khoảng 4 km, rẽ trái, băng qua một cánh đồng. Ngôi mộ xây tương đối lớn, với quy cách xây cũng giống như ngôi mộ của bà Đoàn Quý Phi, tuy nhiên ngôi mộ có vẽ cũ nát, đến cách đây mấy năm vẫn chưa được tu tạo lại. Bà hậu chúa Nguyễn Phúc Nguyên trước bà Đoàn Quý Phi khoảng 2 đời.

Phong thủy của huyệt mộ:

Gần cuối của núi Hàm Rồng xuất ra một long mạch là một doi đá tách ra bò về hướng Bắc, doi đá này cúi thấp bò xuống đất bằng, chuyển khí thành một gò đất thấp thắt lại và phình ra là một ngôi làng có chừng vài ba chục hộ dân, giữa làng là ngôi mộ của Bà Hậu của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên.

Phía trước ngôi mộ có vài ba bàu sen, minh đường khoảng khoát, có khoảng 4,5 tầng long hổ ôm chầu về, phía trước có thủy lượn khuất khúc.

Thiên Việt ghé tham quan ngôi mộ này chỉ một lần vào buổi chiều, không đem theo la bàn, chỉ xác định mộ nhìn về hướng Bắc. Long chơn huyệt đích thì đã rõ, tuy nhiên phần điểm huyệt của ngôi mộ đúng sai như thế nào thì địa hình đã qua nhiều thay đổi, lăng mộ lại khá rộng nên không còn nguyên trạng tự nhiên, khó xác định được.

Có một điều lạ là khu vực này rất heo hút hẻo lánh, đi đến một vài lần chưa chắc đã nhớ đường để lần sau quay trở lại. Thế mà thời xưa chúa Nguyễn cất công đưa từ Huế về an táng tận nơi đây, quả là một kỳ công của cả thầy địa lý lẫn nhà Chúa.

(st)
Đầu trang

Hình đại diện của thành viên
Ngư Hóa Long
Tứ đẳng
Tứ đẳng
Bài viết: 944
Tham gia: 19:07, 01/06/09
Đến từ: Thái Bình Dương

TL: Những giai thoại về lý số, phong thủy.

Gửi bài gửi bởi Ngư Hóa Long »

Ải Chi Lăng - vùng đất rực rỡ chiến công

Nằm trên Đường số 1, cách thủ đô Hà Nội 120km là thị trấn Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh địa đầu phía Bắc Tổ quốc.

Thị trấn Chi Lăng như một trận đồ, một bên là những dãy núi đá trầm mặc uy nghiêm và một bên là núi đất cao với rừng đại ngàn xào xạc cây lá. Ở phía bắc thị trấn, mặt đường quốc lộ vồng lên chạy xẻ qua một tường thành có gắn biển mang tên Ải Chi Lăng. Cái tên như gọi tâm thức chúng ta ngược về thời gian với những trang lịch sử lẫm liệt và oai hùng.


Ải Chi Lăng hiện nay
Với địa thế hiểm yếu, ải Chi Lăng được coi là bức tường thành của kinh thành Thăng Long trong việc chặn đứng các cuộc viễn chinh khét tiếng từ phương Bắc tràn sang.

Là ải có quy mô hoành tráng và đồ sộ chạy dài gần 20km, rộng 3km nối liền hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng của tỉnh Lạng Sơn. Ải Chi Lăng là thắng cảnh được bao bọc bởi dãy núi đá Kai Kinh ở phía tây và dãy núi Bảo Ðài ở phía đông. Hai đầu ải có những ngọn núi đá độc lập, cao chót vót tạo thành thế hiểm.

Lịch sử oai hùng của Chi Lăng gắn liền với những hoạt động của các nhà quân sự thiên tài như Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn và những thủ lĩnh tài năng của xứ Lạng: Phò mã Thân Cảnh Phúc, Thế Lộc, Hoàng Ðại Huề...

Ngược dòng lịch sử xa xăm, con người còn để lại ở Chi Lăng những vết tích của nền văn hóa Bắc Sơn - Mai Pha nổi tiếng với những hang động đẹp như trong huyền thoại và những rìu đá, mảnh gốm... minh chứng cho những giai đoạn sơ sử, tiền sử của con người sinh sống ở nước ta.
Vào những năm trước và sau công nguyên, ải Chi Lăng đã gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, đấu tranh chống các triều đại phong kiến Trung Quốc xâm lược.

Từ năm 981, ngay sau khi lên ngôi vua, Lê Hoàn đi kinh lý vùng biên giới để thị sát nhằm tìm cách chống trả quân xâm lược nhà Tống. Khi về đến Chi Lăng, nhà vua dừng lại và đặc biệt chú ý địa hình ở đây. Người nhận định ngay về Ải Chi Lăng: “Giặc vào như bè xuôi thác, giặc ra như cá mắc hom” và có thể “cản giặc lúc mạnh, diệt giặc lúc suy”… và nhà vua đã chuẩn bị quyết chiến tại đây.

Một trận đánh của những người chiến binh Kinh - Tầy - Nùng khai thác các bẫy đá, cây lao, tên tẩm độc, đã chém chết tại trận được tướng giặc Hầu Nhân Bảo và hàng vạn lính bỏ mạng, chặn đứng cuộc xâm lược lần thứ nhất của nhà Tống, giữ vững nền độc lập non trẻ của đất nước.

Năm 1076, Thái úy Lý Thường Kiệt chỉ huy quân và dân Đại Việt lập phòng tuyến đánh địch dọc sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay). Tại Ải Chi Lăng, Thái úy cũng bố trí quân mai phục do thủ lĩnh Thân Cảnh Phúc chỉ huy đã triệt để sử dụng vách đá, lùm cây, bờ sông, ngọn suối thành một trận đồ bát quái của chiến tranh toàn dân. Đánh một trận, khi giặc rút lui đã làm cho chánh tướng Quách Quỳ và phó tướng Triệu Tiết nổi danh tài ba “xuất quỷ nhập thần” của nhà Tống phải “vỡ mật”, “giập gan” chạy thoát thân về quê cha đất tổ vẫn không tin mình còn sống.

Năm 1285, quân Nguyên hùng hổ kéo sang nước ta lần thứ hai như muốn nuốt chửng một nước bé nhỏ. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thân chinh đến Ải Chi Lăng khảo sát và lập trận đồ để đánh phủ đầu quân giặc. Ông nhận định: Quân Nguyên mạnh nhất là kỵ binh, kỵ binh mạnh nhất là ngựa chiến. Ông đã cho đào vô vàn hố bẫy ngựa từ Ải Chi Lăng vào sâu mấy chục dặm. Hố bẫy ngựa trên có lắp ngụy trang, bên trong có một “hàm ếch” và có lính mai phục, cầm sẵn mã tấu cực sắc để chặt chân ngựa và “độn thổ” chiến đấu.

Ở Ải Chi Lăng, khi quân Nguyên vào và ra lại bị những bẫy đá ụp xuống đầu, lao phóng ngang sườn, tên từ vách núi, lùm cây bắn ra rào rào, nhất là những cái “hố bẫy ngựa” đã làm cho những vó ngựa từng tung hoành khắp châu Âu và gần hết châu Á ngã quỵ, loang máu. Cũng ở đây, Trần Nam Vương Thoát Hoan phải chui vào ống đồng chạy trốn, bỏ mặc hai tướng Lý Hằng, Lý Quán và hàng vạn binh lính bỏ xác nơi Cửa Tử này.

Từ thế kỷ 14, tể tướng nhà Trần là Phạm Sư Mạnh, dừng chân trước Ải Chi Lăng trên bước đường tuần thú xứ Lạng đã cảm thán trong bài Chi Lăng động khi Lâu phong bạt mã cao hồi thủ (trước gió ghì cương ngựa, lên cao ngoảnh đầu nhìn) với câu thơ:

Chi Lăng quan hiểm dữ thiên tề

(Chi Lăng ải hiểm tựa lên trời).

Thế kỷ 15, ải Chi Lăng lại ghi vào lịch sử Việt Nam một trang chói lọi, đó là chiến thắng 1427, giết chết Nguyên soái An Viễn hầu Liễu Thăng - chủ tướng của giặc cùng 1 vạn quân Minh, góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Minh, giải phóng đất nước.

Năm 1427, Lê Lợi, Nguyễn Trãi lại chọn Chi Lăng làm trận chiến khi nhà Thanh cử nguyên soái lừng danh An viễn hầu Liễu Thăng cùng hàng chục vạn hùng binh kéo vào nước ta giải nguy cho đồng bọn.


Liễu Thăng Thạch, tương truyền sau khi Liễu Thăng

bị Lê Sát chém cụt đầu đã hóa đá nơi đây

Ngay cửa ngõ phía bắc Ải Chi Lăng, trên thượng nguồn con sông Thương, nơi dòng sông uốn khúc tạo thành cảnh hùng vĩ có thác cao, vực sâu. Tướng Lê Lựu của ta giao chiến, vừa đánh vừa lui để nhử Liễu Thăng lọt vào trận địa mai phục. Khi địch ào ạt tiến qua Ải Chi Lăng, tổng chỉ huy Lê Sát phát lệnh, các tướng Lê Vấn, Lê Nhân Chú, Đại Huề… và quân mai phục từ tứ phía tràn ra chém đầu nguyên soái Liễu Thăng ngay trên Ải Chi Lăng, kết thúc trận đánh thần kỳ và gần như chớp nhoáng, khiến đạo quân cứu viện hùng hậu bị hoang mang, suy sụp, mất sức chiến đấu và tới đầu tháng 11 năm 1427 thì bị vây đánh, tiêu diệt bắt sống toàn bộ ở Xương Giang.

Thế kỷ 18, dưới thời Hoàng đế Quang Trung - một nhà quân sự thiên tài, Chi Lăng lại một lần nữa cùng quân dân cả nước đánh tan tành quân xâm lược nhà Thanh... Vào các thế kỷ 19 và 20, ải Chi Lăng lại chứng kiến những chiến công đánh Pháp, đuổi Nhật của quân dân ta.


Ải Chi Lăng đã được nhiều quan khách quốc tế, các nguyên thủ quốc gia, các tướng lĩnh, nhà sử học, khách du lịch... đến thăm với một sự trân trọng đặc biệt.

Slôvắcxốc - nhà dân tộc học nổi tiếng Tiệp Khắc trước đây trong chuyến đi thăm ải Chi Lăng đã từng đánh giá: "Có lẽ đây là chiến luỹ hình thang độc nhất trên thế giới, nó thể hiện đầu óc thông minh và tài trí quân sự tuyệt vời của một dân tộc luôn phải chống trả với một đội quân xâm lược mạnh hơn mình gấp trăm lần trong quá trình lâu dài dựng nước và giữ nước. Thể hiện một tầm nhìn chiến lược nổi tiếng: "Lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh".

Ải Chi Lăng và hàng chục địa danh khác đã đi vào lịch sử của Lạng Sơn, của đất nước trong các cuộc chống giặc ngoại xâm phương Bắc: núi Phượng Hoàng, Mã Yên Sơn, hang Thái Đức, núi Vua Ngự, Lũng Ngàn, hố Bẫy Ngựa, ngõ Thề, thành cổ Chi Lăng, Liễu Thăng thạch, Quỷ Môn Quan, Vọng Tiền Tiêu, Bảo Đài Sơn, Bầu Quán…

Quỷ Môn Quan.

Sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn dẫn sách Hoàn Vũ Ký của Trung Quốc cho biết Quỷ Môn Quan nằm ở phía Nam huyện Bắc Lưu (Bắc Lưu thuộc châu Uất Lâm tỉnh Quảng Tây Trung Quốc), cách huyện lỵ Bắc Lưu khoảng 30 dặm. Tại cửa quan này có hai khối núi đối nhau và ở giữa có độ rộng 30 bước, tục gọi Quỷ Môn Quan. Mã Viện đánh Việt Nam qua đấy dựng bia và tạc rùa đá. Đời nhà Tấn (265-420) binh lính Trung Hoa qua đó bị giết nhiều nên có câu:

Quỷ Môn Quan, Quỷ Môn Quan! Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn.


Dãy núi với Quỷ Môn Quan

Theo Phương Đình dư địa chí, xã Chi Lăng có quan lộ hẹp, núi đá hiểm trở, sông sâu nước độc được gọi là Quỷ Môn Quan.

Thời Lê Trung Hưng sứ Trung Hoa sang Việt Nam sách phong, ghét tên Quỷ Môn Quan nên đổi gọi bằng tên Úy Thiên Quan. Theo Việt Hoa thông sứ sử lược của Bế Lãng Ngoạn và Lê Văn Hòe, sứ bộ Việt Nam trên bước đường thiên lý sang Trung Hoa đều dừng tại Quỷ Môn Quan trước khi tiến đến Ải Nam Quan. Như vậy, Quỷ Môn Quan chính là một phần không thể tách rời của Ải Chi Lăng.


Ngày nay, Lạng Sơn là một địa chỉ du lịch hấp dẫn.


Các khu thương mại như các chợ: Kỳ Lừa, Đông Kinh, Tam Thanh sát biên giới ngập tràn hàng hóa của Trung Quốc.

Dân ở đây thường truyền tụng câu ca:

Nhất vua Bầu Quán, Chi Lăng
Nhì vua Tô Thị, Đồng Đăng, Kỳ Lừa



Thanh An (Theo wikipedia& baoanhdatmui)
Đầu trang

Hình đại diện của thành viên
Ngư Hóa Long
Tứ đẳng
Tứ đẳng
Bài viết: 944
Tham gia: 19:07, 01/06/09
Đến từ: Thái Bình Dương

TL: Những giai thoại về lý số, phong thủy.

Gửi bài gửi bởi Ngư Hóa Long »

Sự thật về vòng bát quái ở ải Chi Lăng

Ải Chi Lăng trên quốc lộ 1A cũ, thuộc thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn được công nhận di tích quốc gia từ năm 1962.

Chiến thắng Chi Lăng trở thành kỳ tích với ba lần đánh thắng giặc Tống - Nguyên - Mông oanh liệt. Nơi đây, nhiều quan khách quốc tế, các nguyên thủ quốc gia, các tướng lĩnh, nhà sử học, khách du lịch đến thăm với sự trân trọng đặc biệt.

Chính vì vậy, vòng bát quái bỗng nhiên xuất hiện ngay trước núi Mặt Quỷ trên dãy núi Kai Kinh mới gây xôn xao. Nhiều người đến tận nơi chiêm ngưỡng, chụp ảnh, bàn tán.

Giữa trưa 16/8, phóng viên chứng kiến có trên 20 bạn trẻ đi xe máy, ô tô xuống lòng ải ngắm vòng bát quái. Hình bát quái màu đen, trắng choán đường đi, cân đối và khá chuẩn. Mỗi bên có năm chữ: kim- mộc - thủy - hỏa - thổ bằng chữ Trung Quốc.

Dân xung quanh đi hái na trên núi trở về, thấy phóng viên hỏi về hình bát quái, nói: “Hai thằng bé trong xóm chơi đùa thôi mà. Nó bị các anh trên huyện bắt lấy giẻ xóa hình vẽ đi rồi”.

Rồi họ chỉ cho tôi đến nhà Hoàng Thái Ngọc, 18 tuổi, ở thôn Quán Thanh. Ngọc mỉm cười: “Cách đây chừng nửa tháng, thấy bọn trẻ trong làng nói rằng, nếu có hình bát quái thì ma quỷ không hiện về được, thế là rủ em con ông chú ra vườn tìm những cục pin thối làm màu đen, lấy vôi làm màu trắng, tìm chính giữa ải để thể hiện”.

Ngọc cho biết, bản thân không có năng khiếu về hội họa nhưng thích mày mò, tự học nên vẽ được hình bát quái này. Ngọc vẽ và hoàn thiện vòng bát quái vào các buổi chiều tối, vắng người qua lại.

Ông Hoàng Văn Thu (42 tuổi), cán bộ MTTQ xã Chi Lăng, là cha của Ngọc phân trần: “Cháu nhà tôi nó ngoan, học giỏi. Ba năm học trường PTTH đều đạt học sinh giỏi, tiên tiến. Năm nay thi hai trường đại học đều đỗ. Song tính nó hiếu động. Tôi không hay biết gì về việc nó làm. Chỉ đến khi mấy anh công an trên huyện xuống nhà, thì mới té ngửa”.

Ngay sau đó, hai tác giả của hình bát quái phải dùng nước, giẻ để lau xóa, song những nét vẽ còn lằn trên mặt đường nhựa.

Khi đề cập đến sự việc trên, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng, ông Lăng Văn Thạch ngạc nhiên vì không được ai báo cáo.

Cùng tâm trạng, ông Trần Hữu Tính, Trưởng Ban Quản lý Di tích, Bảo tàng Tổng hợp Tỉnh Lạng Sơn cho biết, mọi hành vi xâm hại, làm thay đổi môi trường, cảnh quan di tích đều bị nghiêm cấm.

Điều cũng cần nói thêm, ải Chi Lăng hiện vẫn chưa có hệ thống biển, bia hoàn chỉnh về di tích. Thay vào đó, ở góc ải lại xuất hiện một gian thờ. “Tôi vừa điện thoại tới ban quản lý di tích huyện Chi Lăng đề nghị làm rõ và xử lý những vấn đề tồn tại này”, ông Tính nói.
(Nguồn: Báo Tiền Phong)
Đầu trang

mapbe
Nhất đẳng
Nhất đẳng
Bài viết: 121
Tham gia: 11:00, 09/02/09

TL: Những giai thoại về lý số, phong thủy.

Gửi bài gửi bởi mapbe »

Tả Ao và địa mạch núi Tản Viên.

Từ thưở bé, ông nội tôi thường kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ của địa phương. Ông cũng thường đọc cho tôi nghe những câu ca dao, tục ngữ, những câu sấm, câu vè được lưu truyền ở xứ Đoài. Một trong những câu chuyện mà tôi rất ấn tượng đó là chuyện về ông thầy địa lý Tả Ao.
Chuyện rằng: Ngày xửa ngày xưa, làng La ở xứ Đoài (cách làng tôi 4 km) có đón được thầy địa lý Tả Ao về để xem đất. Thầy ở trong làng hàng năm trời. Dân làng thay nhau cung phụng ông. Hàng ngày dâng lên ông toàn những món ăn ngon. Sáng sớm, khi ông thức dậy là có một chiếc chậu đồng sẵn nước nóng để ông rửa mặt. Đêm thì đệ lên một chậu để ông ngâm chân. Rồi ông tìm được cho làng một cuộc đất tốt để làm đình, phát 18 quận công. Khi ông dời chân đi, dân làng nói chuyện tạ ơn ông. Ông nói: Dân làng với tôi đã rất thịnh tình, tôi không nhận gì nữa, chỉ xin một khóm tre non để tôi trồng ở góc ao đình. Sau này, làng phát văn võ quận công, tôi quay lại, xin ngả bụi tre đó, chẻ lạt để xâu tiền. Xâu được bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Thế rồi ông xách tay nải lên đường.
Đình làng để ở nơi đất đẹp, trước đình có ao làm minh đường. Làng vượng lắm, có đến 18 quận công, nổi danh trong triều ngoài trấn. Sau, bụi tre lên xanh um. Dân làng mới họp bàn rằng, nếu cứ để bụi tre thế này, sau ông thầy Tả Ao về thì biết bao nhiêu tiền cho đủ để ông xâu tiền, mới lại bàn triệt búi tre đi.
Bẵng đi một thời gian, ông Tả Ao lại thăm làng. Chuyện trò hồi lâu ông mới hỏi đến bụi tre thì dân làng nói nó đã chết lụi rồi. Ông buồn lòng nhưng cũng làm như không có chuyện gì xảy ra. Ông mới bảo làng có muốn phát nữa không, thì dân làng còn muốn phát nữa, cả văn lẫn võ, cả đinh lẫn tài. Ông bảo vậy thì hãy xẻ núi Tản Viên, dẫn nước về ao đình để thủy tụ nữa. Dân làng tưởng thật, xẻ núi dẫn nước về ao. Núi Tản Viên bị xẻ, động vào chân voi chân ngựa, toàn long mạch cả, khiến cho đất đào lên cứ đỏ như thịt trâu thịt ngựa, nước thì đỏ như máu.
Chỉ trong một thời gian ngắn, làng La lụn bại. Làng mắc dịch và chết gần hết, số còn sống sót thì phiêu bạt khắp nơi. Làng La thành ra một làng không còn một bóng người. Ngày nay, địa phận làng La chính là làng Nhân Lý, xã Yên Mỹ, ngoại thị Sơn Tây.Dân làng Nhân Lý chính là người dân trong vùng, sau một thời gian kéo đến ở, ăn thừa tự trên đất làng La xưa.
Ca dao cổ Xứ Đoài có câu rằng:
Bây giờ có “Thủy nhập điền”
Gặt mùa vừa đoạn thì liền cấy chiêm
Đằng trong có một làng La
Bởi một nhời nói ấy mà tiệt tông
Tả Ao đóng hướng bảo lại lấy công
Rằng làng mới cãi rằng không kia mà
Tả Ao mới bảo bạc bội kia mà
Tả Ao mới bảo làng là đào sông
Tả Ao mới bảo đào sông
Nó đứt mạch đất tiệt tông kia mà.
(st )
Đầu trang

mapbe
Nhất đẳng
Nhất đẳng
Bài viết: 121
Tham gia: 11:00, 09/02/09

TL: Những giai thoại về lý số, phong thủy.

Gửi bài gửi bởi mapbe »

Góp thêm những giai thoại về Tả Ao - người được mệnh danh là ông tổ của phong thuỷ tại VN.

Chùm bài viết này Mập tìm thấy bên blog của anh Thiên Việt. Xin phép Anh cho Mập được copy về đây. Các bác có vào đây copy lại chùm bài viết của anh Thiên Việt, cũng nên ghi rõ nguồn, nếu copy cả topic này của Mập cũng nên làm thế, như thế vừa là tôn trọng tác giả, vừa là tôn trọng chính mình. Hì hì, cũng chùm bài này, đã có rất nhiều diễn đàn trích đăng nhưng khổ, cái tên của Mập bị sửa lại thành tên của các bác trong khi ... đến chính cái giới thiệu và bố cục của chùm bài là của Mập.

Những giai thoại về Tả Ao.

TẢ AO người Việt Nam học được khoa địa lý chính thống ở Trung Quốc vào thế kỷ 16 (có nhiều tư liệu viết về điều này đều không nhất quán, có sách nói là vào thế kỷ 17 hay 18). Còn tên thật của ông là Nguyễn Đức Huyên, người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tỉnh. Và Tả Ao sinh vào năm nào không ai rõ, chỉ được biết ông sinh vào thời vua Lê chúa Trịnh (1545 – 1788), qua các câu chuyện truyền khẩu.
Nhà Tả Ao nghèo, cha mất sớm còn mẹ bị bệnh lòa mắt, vì thế nên ông đến giúp việc cho một ông thầy thuốc người Tầu ở trong huyện, trước lấy tiền trị mắt cho mẹ sau học thêm được nghề bốc thuốc chữa bệnh. Chính vì thế mà ông chữa được bệnh mắt lòa cho mẹ.
Ông thầy Tầu thấy Tả Ao có chí lớn, nên khi về lại bên Trung Hoa đã dẫn ông theo để dạy thêm nghề thuốc. Trên đất khách, gần nhà ông thầy thuốc, có một thầy địa lý rất giỏi, cũng đang bị bệnh về mắt, Tả Ao liền được thầy phái sang chữa trị thay ông ta.
Thầy địa lý nói rằng, nếu Tả Ao chữa khỏi bệnh mắt cho mình thì ông sẽ thưởng 50 lượng vàng. Tả Ao nhờ kinh nghiệm chữa khỏi bệnh mắt cho mẹ, nên đã chữa khỏi bệnh cho thầy địa lý, nhưng ông không nhận vàng mà chỉ xin ông ta truyền cho nghề xem phong thủy.
Vì ơn nghĩa, nên thầy địa lý bằng lòng, truyền dạy hết tinh hoa địa lý phong thủy cho Tả Ao, đến khi thành tài học và hành viên mãn, ông xin cả 2 ông thầy cho về nước.
Trước khi cho Tả Ao về Việt Nam, ông thầy địa lý muốn thử lần cuối sự hiểu biết của Tả Ao, ông ta làm ra 100 mô hình đất kết trên bãi cát, dưới mỏi huyệt có yểm một đồng tiền, rồi đưa Tả Ao 100 cây kim ra đấy tìm huyệt để điểm.
Tả Ao điểm đúng 99 lổ của đồng tiền, còn một cây điểm ở mép, mà huyệt này lại là huyệt thứ 100. Đây là huyệt ảo, vì mô hình tạo dáng rất huyền bí ẩn hiện dưới những mô đất nhấp nhô, những thầy địa lý giỏi cũng khó phát hiện ra đúng huyệt đạo. Cho nên thầy địa lý biết rằng người Việt Nam đã học hết bí kíp phong thủy của người Trung Hoa.
Khi Tả Ao về đến quê hương, ông chỉ lo hành nghề bốc thuốc, ít khi sử dụng đến khoa địa lý, chỉ khi nào cần thiết ông mới ra tay xem thế đất dùm mọi người, tuy vậy danh tiếng xem địa lý, phong thủy của Tả Ao lại nổi hơn nghề thầy thuốc.
Cũng chính vì ông không hành nghề xem phong thủy cho ai, nên không có hậu bối. Khi Tả Ao mất người nhà chỉ tìm thấy 2 bộ sách viết về địa lý phong thủy, là Địa đạo diễn ca và Dã đàm Tả Ao. Nhưng trong dân chúng có nhiều sách được in ra nói là sách do chính Tả Ao viết. Còn các nhà địa lý phong thủy, khi đọc xong 2 quyển sách trên, đều cho đây là sách quý.
(còn tiếp)
Đầu trang

mapbe
Nhất đẳng
Nhất đẳng
Bài viết: 121
Tham gia: 11:00, 09/02/09

TL: Những giai thoại về lý số, phong thủy.

Gửi bài gửi bởi mapbe »

NHỮNG TRUYỀN THUYẾT VỀ TẢ AO

Tuy Tả Ao không hành nghề xem phong thủy, ông chỉ chuyên chữa bệnh cho người nghèo, nhưng trong dân gian có những truyền thuyết truyền khẩu nói về nghề xem phong thủy của ông.

Có lẽ vì điều này mà ông được người đời xưng tụng “vua địa lý” của nước Việt chăng ?!

Sau đây là một vài truyền thuyết về tài xem địa lý phong thủy của Tả Ao :

CỨU VUA NHỜ MỘ KẾT PHÁT

Một ngày nọ Tả Ao đi ngao du sơn thủy, tuổi tuy đã già nhưng dáng người vẫn quắc thước khoẻ mạnh, khi ông đi đến một làng quê nọ, trời nắng nóng nên ghé vào ngồi nghỉ mát dưới gốc cây đa bên làng, ông nhìn thấy một anh nông dân đang miệt mài cày ruộng, đến khi mặt trời đứng bóng mới chịu tháo cày cũng vào gốc đa ngồi mở cơm nắm ra ăn.

Thấy một ông lão cùng ngồi ở đó nhưng không ăn uống gì cả, anh ta mới lên tiếng hỏi :

- Xế trưa rồi ông không dùng cơm sao, hay là ông không sẵn mang theo, thôi cùng nắm cơm này ăn với cháu cho vui.

Anh nông dân vừa giở cơm, vừa mau mắn mời ông lão :

- Cháu mời ông dùng cơm…

Thấy thái độ anh nông dân dễ mến, Tả Ao không khách khí, bèn vui vẻ ngồi lại cùng ăn. Bốn năm ngày như vậy, anh nông dân vẫn một lòng kính trọng Tả Ao, mời cơm và ông cũng không lần nào từ chối. Đến bữa cuối cùng, bỗng ông nói với anh nông dân :

- Chắc anh vẫn không biết ta là ai? Ta chẳng giấu gì anh, ta chính là thầy địa lý Tả Ao đây !

Anh nông dân nghe danh Tả Ao đã lâu, nay có dịp diện kiến nên vừa mừng vừa hốt hoảng, liền quì lạy xin ông tha lỗi. Tả Ao đỡ anh nông dân đứng dậy nói tiếp :

- Ta xem anh là người có đức nên có ý giúp anh đặt một ngôi mộ sau này sẽ phát phúc, phát tài, cho anh nở mặt với thiên hạ…

- Ông dạy quá lời, nhà cháu mấy đời nay đều là nông dân chân lấm tay bùn, bần hàn, đi cày thuê cuốc mướn kiếm cơm qua ngày, mong gì nở mày nở mặt với ai ?

- Anh cứ yên tâm. Ta nói sẽ giúp anh được giàu sang phú quí trong vòng 100 ngày thôi. Nào anh hãy dẫn ta ra nơi mộ của cha mẹ của anh đi, ta xem thế nào sẽ sửa cho.

Anh nông dân mừng rỡ bèn nghe theo lời Tả Ao, dẫn ông đi ra mộ của cha anh ta. Tả Ao xem xong mới truyền :

- Mộ đặt nơi thế đất không tốt, suốt đời sẽ bần hàn cơ cực. Phải đào lên cải táng, di dời qua nơi đất khác mà thôi.

Nói rồi bảo anh nông dân đào mộ lên, xếp xương cốt vào một chiếc hủ đất đem đi chôn ở một huyệt đất mà Tả Ao đã chọn sẵn. Xong đâu đấy, Tả Ao căn dặn :

- Anh nhớ không cho ai biết chuyện này ! Một trăm ngày nữa, vào ngày mùi tháng ngọ, đúng giờ tý anh phải có mặt ở kinh đô, đứng ở hướng Đông. Hễ gặp một người đàn ông mặc áo trắng, đi hài xanh, từ trong thành chạy ra với bộ mặt hốt hoảng, thì anh cứ chạy lại bảo: “Con xin cứu ngài!”, rồi cõng thẳng về giấu trong nhà, ngày ngày lo cơm nước cho tử tế. Anh cứ thế mà làm, đừng suy nghĩ gì hết !

Nói xong, Tả Ao từ biệt anh nông dân mà đi thẳng, về sau anh ta có đi tìm nhưng chẳng biết ông đi về đâu.

Đúng như lời dặn của Tả Ao, đúng ngày giờ anh nông dân ra kinh đô đứng đợi ở cửa Đông. Bỗng nghe có náo động từ trong thành vọng ra nào tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng quân reo hò, tiếng người gào thét, rồi lửa bốc cháy đỏ rực một góc trời. Và quả nhiên, một người đàn ông dáng thư sinh mặc áo trắng, đi hài xanh, hớt hải một mình chạy qua gần chỗ anh nông dân đang đứng. Anh ta chỉ đợi có thế bèn chạy đến bên nói to:

- Thưa ngài, con xin cứu ngài!

Nói đoạn ghé vai cõng người ấy chạy một mạch về giấu trong nhà. Người ấy dáng chừng sợ hãi, suốt ngày im lặng nghe ngóng động tĩnh. Anh nông dân cũng chẳng hỏi thân thế của người đàn ông ấy đang lo sợ đến quên ăn mất ngũ.

Vài ngày sau bỗng có loa truyền rằng, ai đang giữ vua ở đâu thì báo cho quan quân kịp đưa vua về kinh. Lúc ấy ông khách mới nói cho anh nông dân biết mình chính là vua, mấy ngày trước đây bị bọn gian thần định soán ngôi. Rồi nhà vua sai anh ta đi báo cho quan quân biết nơi vua đang ở ẩn. Khi quan quân đến rước vua, vua cho phép cả anh nông dân cùng đi theo mình về kinh thành.

Tại kinh đô vua thiết triều, trấn an trăm họ và phong cho vị ân nhân là anh nông dân được làm quan đến chức nhị phẩm, cùng vàng bạc lụa là nhiều vô số kể.

Thì ra ngôi mộ mà Tả Ao đặt cho người cha anh nông dân, kết phát y như lời ông nói khi trước, chỉ trong vòng 100 ngày.

(còn tiếp)
Đầu trang

mapbe
Nhất đẳng
Nhất đẳng
Bài viết: 121
Tham gia: 11:00, 09/02/09

TL: Những giai thoại về lý số, phong thủy.

Gửi bài gửi bởi mapbe »

Thầy Tử Vi Bói Dịch BA LA

Cụ Ba La

Nói tới thầy Tử Vi ở miền Nam thì phải nhận cụ Ba La là bậc thầy của các thầy. Sở dĩ nói bậc thầy vì tuổi tác -cụ mất năm 1973 lúc đó đã thọ 103 tuổi- và cũng vì sở học uyên bác của một bậc túc nho đã lặn lội bao năm ở Tầu, và có lẽ ở Côn Ðảo nữa. Cụ Ba La lấy tên làng Ba La ( Hà Ðông ) làm tên hiệu, không ai biết được tên tuổi thật của cụ, cụ cũng không chịu nói rõ cho ai biết, cụ chỉ kể những chuyện từ hồi Tây mới sang, lúc ấy dân ta còn chưa biết lính Tây thế nào nên khi thấy quân lính Pháp mặc đồng phục quần thẳng nếp thì tưởng là người Tây dương không có đầu gối dễ bị ngã nên dân ta trải ổi xanh ra đường hoặc lấy ổi xanh bắn… nghe cụ kể lại chuyện đánh Tây đời Tự Ðức và hồi chạy sang Tầu… người nghe tinh ý đoán rằng cụ thuộc thế hệ Cần Vương, Duy Tân, Ðông Kinh Nghĩa Thục… bôn ba ra hải ngoại từ đầu thế kỷ 20.

Mỗi lần đến thăm thầy, người xem có cảm tưởng như vào một động tiên nơi thâm sơn cùng cốc để gặp một người hiền ở ẩn, râu tóc bạc phơ như trong truyện Tầu. Thật vậy, cụ ở đường Nguyễn Phi Khanh, Ðakao, tóc bạc phơ búi củ hành, ngồi trên sập gỗ, khi có khách vào cụ trịnh trọng đứng dậy thay áo dài ta trắng, ngồi trên sập tiếp khách. Phong thái nhà Nho trọng Lễ đó làm người xem cảm phục và thoáng tiếc thuở ” vang bóng một thời ” của nhà Nho Lễ trị năm xưa. Cái thời nghiêm túc trọng người trọng vật, lấy thành tín lễ nghĩa mà cư xử với nhau. Cụ Ba La là bậc sư phụ tiêu biểu cho thời văn minh đó.

Giữa tiếng súng lẻ tẻ của tết Mậu Thân 1968, lần đầu tới gặp cụ, người viết lấy làm hối tiếc đã không được gặp Cụ sớm hơn để học hỏi.Với phong cách siêu phàm thoát tục, cụ từ tốn gieo quẻ Dịch sau khi cầu khấn nào ” Khổng Minh Gia Cát, nào Quỷ Cốc tiên sinh…xin ứng quẻ ” v.v… Có lẽ việc cầu khấn đó được dùng như một nghi lễ hình thức để tạo không khí tập trung tư tưởng hơn là thực sự trực tiếp cầu xin Gia Cát, Quỷ Cốc…Ðặt quẻ xong cụ dùng mấy đồng trinh đã mòn cả mặt chữ gieo quẻ Dịch rồi bấm quẻ, đồng thời cụ bấm số Tử Vi,sau đó mới nói tới số mệnh. Mắt cụ đã lòa và ngón tay thịt đã dẹt hẳn xuống với thời gian gần một thế kỷ, khuôn mặt trí thức siêu phàm, một hình dáng ông Nghè, ông Trạng năm xưa, bắt đầu nói vắn tắt: ” Số ông làm tới…, ông đứng hàng thứ… trong thiên hạ”. Cụ xem cho ai là xác quyết được ngay người ấy thuộc loại người nào trong xã hội, loại tiểu nhân hay quân tử, loại lãnh tụ hay thừa hành, quân nhân hay văn nhân v.v… đứng vai vế gì trên nấc thang công danh v.v… đấy là điều hết sức khó, gần như không thầy nào đoán được.

Người viết từng theo dõi một vị viết về Tử Vi rất hay, rất thâm cứu, trên một tờ báo xuất bản ở Mỹ khoảng 1976 – 77, tới lúc gửi lá số cho vị này xem thì lại đoán một ông giáo sư đại học là một thương phế binh, đoán một ông dược sĩ làm thủ công nghệ v.v…So với cụ Ba La mù mắt mà biết được người xem thuộc thành phần gì trong xã hội thì Cụ quả là người siêu phàm, độc đáo và khoa lý số chân truyền chắc hẳn phải có những bí quyết riêng.

Có nhiều người tới học Tử Vi cụ Ba La, kể gồm cả cụ Thiên Lương, trong cuốn Tử Vi Nghiệm Lý cụ Thiên Lương gọi cụ Ba La là ông Vua Tử Vi bất đắc chí và dành cả chương bàn về Tuần, Triệt, Không, Kiếp, để trả lại cho ân sư là cụ Ba La đã có công giải thích. Nhiều tướng tá định đảo chính, nhất là thời ông Diệm, đều tới vấn kế cụ. Hình như ông tướng Ðỗ Mậu cũng tới học cụ Ba La ít nhiều. Năm 1968, lúc ấy thế các ông Thiệu, Kỳ còn mạnh mà cụ đã nói ngay ” mấy thằng ấy thằng đổ trước thằng đổ sau, có ra gì “.

Vì phân biệt được kẻ tiểu nhân, người quân tử nên cụ Ba La rất thận trọng, dặn dò người tri kỷ chớ nên tiết lộ những gì cụ nói để tránh hậu họa. Cụ học số Tử Vi bên Tàu, sở học của cụ rất thâm sâu, từng ngồi xem số ở chợ Hà Ðông trước 1954, các ông Nguyễn và Vũ thời 1940 đã có tới nhà cụ để xem số, cụ nói ” nhà tôi có vườn rộng, các ông ấy vẫn tới chơi xem số “, người viết cố hỏi thêm, cụ không nói. Cụ chỉ nói tổng quát : ” các ông ấy xuất thân ở miền đất xấu, gặp nhiều tai ương, chẳng được lâu “, cụ nói thêm ” đất Việt ta thời xưa từ Thanh Hóa trở ra đất rộng sông dài, dựng nghiệp lâu dài được, miền Nghệ Tĩnh đất hẹp, bốc lên rồi tắt rất nhanh, chẳng quá hai ba giáp”. Lời cụ nói nay đã ứng nghiệm. Số ông Nguyễn tuổi Tân Mão, Thân Mệnh Tử Phá Thìn Tuất, giống số Mạc Ðăng Dung, Mộc mệnh, Thủy cục nên ứng vào sao Phá quân âm thủy, phú đoán “ Trai bất nhân Phá quân Thìn Tuất, gái bạc tình Tham Sát nhàn cung “, Mệnh ở Thìn, thuộc Ðông Nam, nên ảnh hưởng cả vùng Ðông Nam Á, Thiên không đóng Mệnh cung : cả đời không vừa ý, tất cả những gì vất vả để có rút cục vẫn là không !

Lối xem của cụ Ba La thường lấy sao ứng với bản mệnh làm sao chính. Thí dụ Kim mệnh thì lấy sao Kim trong cung Mệnh làm chính, còn các sao khác, dù là chính tinh cũng là phụ, là sao “của người ta” chứ không phải của mình, bởi vậy cho nên khi thấy có Tử Phủ Vũ Tướng hoặc Sát Phá Liêm Tham chớ vội mừng vì phải xem sao ấy có thuộc bản mệnh mình không. Khi tìm được sao chính ứng với mình rồi thì sẽ xem các cách của sao ấy hoặc khi tới đại hạn nào phù hợp với nhau để đoán đại vận bộc phát. Thí dụ người Kim mệnh có Sát Phá Tham Tử Tướng ở cung Thân Mệnh không ăn vì 5 sao đó mà lại ăn vào sao Kình Dương (Kim) thủ mệnh, đó là hung tinh độc thủ đại phát, cách của Kình Dương, Kim Mệnh, cư Tuất cung là ” hào kiệt dương danh hội Cơ Lương, thả mạn đàm binh, văn chương nhi quán thế “ Mỗi lần tới các câu phú đoán chữ Nho cụ Ba La lại giải thích ” chữ Văn Chương thời xưa không có nghĩa như Văn Chương thời nay đâu, thời đặt ra phú Tử Vi này đã cả nghìn năm rồi, chữ Văn Chương có nghĩa là văn võ toàn tài, kinh lược, các ông bây giờ Tây học không biết được ! ” Nhưng Kình Dương có Thiên Cơ nhị hợp còn Thiên Lương lại lạc đâu mất, thành ra phải chờ tới đại hạn có Thiên Lương thì Kình Dương mới bộc phát lên đúng cách như phú Tử Vi Trần Ðoàn đã viết.

Vì cụ Ba La đã nghiên cứu sách vở Tử Vi từ bên Tầu nên mọi ngọn ngành của Tử Vi cụ đều tinh thông. Cụ thường dặn Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ khắc chế của người sau đặt thêm vào, không quá quan trọng như nhiều người tưởng. Thí dụ như Kim mệnh ăn sao Kim (Kình Dương), đứng cạnh có sao Phá Quân (Thủy) thì chất Thủy “bòn” chất Kim đi làm cho Kim chậm phát chứ không phải là không phát nổi. Sao nào rồi cũng có thể phát khi tới vận hội của nó.

Khi hỏi về Âm Nam, Dương Nam là nghĩa gì thì cụ nói Âm Nam là ” Tâm vô ẩn địa “ chỉ người đầu óc không định hướng. Cụ kể thêm chuyện ông Lý Thường Kiệt sao Thái Dương bị triệt nên làm hoạn quan. Cụ coi các cách như Ðào Hồng, Hỉ, Khoa Quyền…là phụ, biết qua để đoán chứ không quan trọng như tìm đâu ra là sao của chính mình. Giáp mệnh có Lộc, nhị hợp với Thân; Giáp Thân có Lộc, nhị hợp với Mệnh, đó là ” Minh Lộc ám Lộc “, cụ Ba La mỉm cười nói ” các ông bây giờ theo Tây học, học Tử Vi nhưng đâu có biết như thế “.

Năm 1972 – 73, tới xem cụ đột nhiên nói ” Tới năm Mão (1975) không biết ai gánh vác vũ trụ cho “, cụ mơ tưởng một ngày kia sẽ trở về quê quán làng Ba La và chết già ở đấy, nào ngờ cuối năm 1973, cụ mất, hưởng thọ 103 tuổi. Chiều hôm ấy tới đường Nguyễn Phi Khanh, bảng hiệu Ba La Tử Vi Bói Dịch vẫn còn treo mà Thầy thì đã phiêu du cõi Tiên, tôi ngậm ngùi biết từ đây, trên thành phố tân tiến Sài Gòn này, vết tích dư âm một thời cổ xưa đã tuyệt, mà lòng kẻ hậu sinh đang mắc bệnh Duy Ma bỗng lồng lộng cô đơn như đi vào núi tìm thầy mà thầy đã đi hái thuốc khuất bóng đâu đâu !

Một môn đệ của cụ Ba La, thầy bói Cầu Kiệu, ông này mù, còn trẻ, không được thông minh lắm, học không hết bậc thầy quá cao siêu, nên chỉ đoán được tới mức khá mà chưa đạt được mức siêu. Thầy bói Cầu Kiệu, cũng dùng sao hợp với bản mệnh để giải số. Nghe nói sau này, thầy bói Cầu Kiệu rất đông khách tới xem hung cát trên đường vượt biên !

Cụ Ba La không hẳn là một thầy bói. Cụ là nhà Nho với sở học thông Thiên-Ðịa-Nhân, lúc mắt lòa, chữ Nho hết thời, nên mới ra hành nghề Tử Vi Bói Dịch như người xưa thường làm Nho Y Lý Số. Về Ðịa lý Phong thủy cụ cũng rất tinh thông, nhìn cung Phúc Ðức có thể biết mộ nào phát, long mạch ở đâu. Như cung Phúc Ðức có Tử Phủ Vũ Tướng, Long Ðức, Âm Dương là được ngôi mộ đại phát, gần đình chùa, đại địa.

Riêng về sấm ký, cụ tinh thông Sấm Trạng Trình và biết nguyên ủy của sự tam sao thất bản của tập Sấm Quốc Bảo này. Vì cụ đã đọc Sấm Trạng Trình từ thời còn Triều Nguyễn thế kỷ 19 nên cụ biết câu nào vua Tự Ðức sửa đổi, câu nào các nhà Nho sau này như Phó Bảng Nguyễn Can Mộng đặt ra để thúc dục lòng yêu nước của dân ta v.v… Cụ đã giải thích cặn kẽ và chiết tự để tìm hiểu các ẩn ngữ trong Sấm Trạng Trình. Nghe lời Cụ mới thấy Sấm Trạng Trình đã bị bóp méo thêm bớt rất nhiều !

Trí óc cụ Ba La vận hành trên một kích thước dài rộng của lịch sử và siêu sử, nên khi coi số cụ biết nhân vật nào là hiện thân của con Tinh thời Hùng Vương, hóa thân gây hoạn nạn cho dân ta, muốn trừ con Tinh này phải chờ ngày Thánh Nhân ra đời, hậu thân của Thánh Tản Viên, để trừ khử con tinh đó. Theo cụ Ba La, ông Nguyễn từ khi đổi họ (khoảng 1942 – 43) mới bắt đầu thành công vì lúc đó ông mang lấy cái chướng nghiệp của con Tinh hiện thân của ác sát lực (evil force) trên đất Việt.

*

Ðiểm qua các trường phái Tử Vi trên miền Nam cũng thấy khoa bói toán rất phồn thịnh, đó là một sinh hoạt xã hội quen thuộc chẳng khác gì món ăn tinh thần,liều thuốc tâm lý cho những ai đang có khúc mắc, lo âu, do dự…Au Mỹ hiện tại đầy dẫy những tâm lý gia, chuyên gia tâm thần, xã hội (counselors), tuy có học nhưng chưa chắc đã hiệu quả bằng Thầy Tử Vi và có thể lại tiền mất tật mang hơn ! Sau này cụ Thiên Lương đã có công viết sách Tử Vi Nghiệm Lý để giải thích chi tiết các cách đoán Tử Vi cho chính xác. Tuy nhiên, lối đoán của cụ Thiên Lương cũng làø phương pháp của các thầy Tử Vi dùng từ lâu nhưng không nói ra và không viết ra. Thầy Ích khi viết số Tử Vi, đoán ngay lá số khi an vòng sao Thái Tuế, Lộc Tồn, Thiên Mã mà chưa cần biết tới 14 chính tinh và các bàng tinh khác. Vậy tầm quan trọng của Thái Tuế mà cụ Thiên Lương nhấn mạnh cũng là sao chuẩn mà các thầy bói chân truyền dùng để đoán số. Một vài điểm đặc biệt khác mà cụ Thiên Lương đề cập tới như Mệnh nằm trong tam hợp Dần Ngọ Tuất thì kể như Hỏa (vì Ngọ là Hỏa), thế yếu hơn Thân Tý Thìn (vì Tý là Thủy khắc Hỏa), cung Mệnh là mình, cung Thiên Di mạnh hơn Mệnh thì đương số thua thiệt đối với người… Như đã nói, theo cụ Ba La ngũ hành khắc chế, sinh xuất sinh nhập… là của đời sau thêm vào, không quá quan trọng, sao nào cũng tới chu kỳ bốc và suy hủy trong diễn trình sinh diệt của vũ trụ, cụ Ba La còn nói Hỏa khắc Kim nhưng không có Hỏa làm sao luyện Kim được. Bởi vậy phải hết sức linh động khi đoán về ngũ hành khắc chế.

Sách Tử Vi của Nguyễn Mạnh Bảo có lẽ là cuốn sách đầu tiên muốn khoa học hóa Tử Vi bằng các biểu đồ, các hàm số, sau này, tới thời điện tử khoa Tử Vi được đưa vào điện toán để lập lá số và giải đại cương vận hạn. Tác giả Nguyễn Mạnh Bảo (một vị kiến trúc sư) đã có công giải thích nhiều khúc mắc có tính cách vũ trụ học của các tinh đẩu, theo ông Tử là tím, Vi là vi diệu tức là Tia Tử Ngoại Tuyến vậy. Khoa học Vật Lý sinh học hiện tại đều đồng ý tia tử ngoại bao quanh trái đất có ảnh hưởng rất lớn đối với sinh vật. Tuy nhiên, đứng về phương diện giải đoán lá số, trường phái Tử Vi khoa học cũng không mang thêm ánh sáng gì mới lạ, chỉ làm thỏa mãn sự tìm hiểu mà thôi. Ta thấy nhiều môn học Ðông Phương như Tử Vi, Phong Thủy… là các môn cổ học xây dựng trên một thứ siêu khoa học, nếu mang khoa học vật lý hiện tại ra mà giải thích, e rằng lấy lưỡi cầy để giải thích con trâu, cổ học xây dựng trên nguyên lý tổng quát như Âm Dương ngũ hành, còn khoa học vật lý hiện tại tuy cũng nằm trong nguyên lý đó nhưng không chắc gì đã lấy con người làm cứu cánh đích điểm.

Cuốn Tử Vi Aó Bí của Hà Lạc Dã Phu Việt Viêm Tử là một cuốn sách giá trị khảo cứu các lối giải số của các thầy số mắt mù, trình bày rõ ràng, dễ hiểu, nhưng không có gì đặc biệt nếu so với các thầy số ở Việt Nam thời trước.

Trước 1954 ở miền Bắc còn lại một số các nhà cựu học tinh thông Nho Y Lý Số, nổi bật là các thầy Tử Vi như thầy bói Kế, thầy Tử Vi Hàng Lọng, Thầy Tử Vi Ô Cầu Dền (nghe nói một truyền nhân của thầy hiện ở Hà Nội rất nổi tiếng, cả Duy tâm lẫn Duy vật đều tới xem)… tới nay còn được nhiều người nhắc nhở, lớp Thầy đó là sư phụ của các thầy Canh, Kim, Minh Lộc vào Nam sau này. Còn phải kể thầy bói Lư ở hàng Trống, thầy bói Ất rất uyên bác… và nhiều thầy bói khác, chắc là các ông Cống, ông Ðồ lỡ thời, ngồi xem số ở cầu Thê Húc, quanh Hồ Gươm dọc theo con đường lên tận trường trung học Nguyễn Trãi… bây giờ trở về Thăng Long ” mỗi năm hoa đào nở ” các thầy lý số năm xưa nay đã tuyệt bóng mà con cháu của các thầy thì lại lưu lạc bốn phương, thành thử không còn biết tìm ai để học hỏi, cho đến sang bên Tầu, vào khu chợ đêm Kowloon vẫn còn thầy tướng thầy số ngồi xem bói chim, bói bài, bói Tử Vi… nhưng toàn là phường biết một nói mười cả !

Trích từ BLLNTản -LVV xb 2000.
Được cảm ơn bởi: Quan Nguyen
Đầu trang

Trả lời bài viết

Quay về “Kiến thức Phong thủy”