Chữ tâm

Trao đổi về phong tục, tín ngưỡng
KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1741
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Chữ tâm

Gửi bài gửi bởi KMD »

"CHUYỆN CÔ LÁI ĐÒ CHỞ NHÀ SƯ QUA SÔNG" được trích từ THƯ VIỆN HOA SEN.

CHUYỆN CÔ LÁI ĐÒ CHỞ NHÀ SƯ QUA SÔNG
(Truyện Phật Giáo)


Cô lái đò đưa khách qua sông. Đò cập bến cô lái thu tiền từng người. Sau hết đến nhà sư. Cô lái đò đòi tiền gấp đôi.

Nhà sư ngạc nhiên hỏi vì sao?

Cô lái mỉm cười:

– Vì thầy nhìn em…

Nhà sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.

Một hôm nhà sư lại qua sông. Lần nầy cô lái đòi tiền gấp ba. Nhà sư hỏi vì sao?

Cô lái cười bảo:

– Lần này thầy nhìn em dưới nước.

Nhà sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.

Lần khác nhà sư lại qua sông. Vừa bước lên đò nhà sư nhắm nghiền mắt lại đi vào thiền định.

Đò cập bến cô lái đò thu tiền gấp năm lần. Nhà sư hỏi vì sao?

Cô lái đáp:

– Thầy không nhìn nhưng còn nghĩ đến em.

Nhà sư trả tiền và lên bờ.

Một hôm nhà sư lại qua sông. Lần nầy nhà sư nhìn thẳng vào cô lái đò.

Đò cập bến, nhà sư cười hỏi lần này phải trả bao nhiêu?

Cô lái đáp:

– Em xin đưa thầy qua sông, không thu tiền.

Thiền sư hỏi:

– Vì sao vậy?

Cô lái cười đáp:

– Thầy nhìn mà không còn nghĩ tới em nữa. Do vậy em xin đưa thầy qua sông mà thôi.

Quả thật cái tâm luyến ái bên trong của con người mới là vấn đề cần phải giải quyết chứ không phải là dáng vẻ bên ngoài. Phần lớn chúng ta chỉ chú ý dáng vẻ bên ngoài nhưng ít ai chú ý đến cái tâm sâu thẳm bên trong. Dù thân xa lánh thế tục nhưng tâm còn nhớ nghĩ thì cũng chưa phải là giải thoát. Mắt tuy nhắm nhưng tâm còn nghĩ về, thì sóng ngầm cuộn xoáy tâm can còn dữ dội hơn.

Câu chuyện giữa nhà sư và cô lái đò đối đáp mỗi lần qua sông thể hiện cho một quá trình tu tập và chuyển hóa tư tưởng. Diễn biến đó cũng là quá trình tâm lý chuyển hóa thành tâm linh. Sau cùng là sự đạt đạo cao nhất của nhà sư: nhìn thẳng vào thực tại mà không hề có tư tưởng dính mắc, suy nghĩ, luyến ái. Còn các lần trước hết dính mắc bằng mắt thì đến dính mắc bằng tâm. Ở đời hễ còn dính mắc thì còn phải khổ lụy.

Nhà sư trả tiền cho cô lái đò cũng cho thấy rằng hễ tâm ta còn tạo nghiệp dính mắc thì sẽ có cái giá phải trả cho chính nó. Đó là triết lý sống dành cho tất cả chúng ta.
Được cảm ơn bởi: Trúc Lâm
Đầu trang

KMD
Ngũ đẳng
Ngũ đẳng
Bài viết: 1741
Tham gia: 11:03, 25/04/14

Chữ tâm

Gửi bài gửi bởi KMD »

TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ NGỮ LỤC GIẢNG GIẢI
Hòa Thượng Thích Thanh Từ

Thi Ca 12

Dịch:

TÂM VƯƠNG


Tâm vương không tướng cũng không hình
Mắt tợ ly châu vẫn chẳng minh.
Muốn biết loại này chân diện mục
Ha! ha! giữa ngọ là canh ba.

Giảng:

Tâm vương là Tâm vua, Tâm vương này khác với Tâm vương của Duy thức học. Duy thức học chia tâm làm hai thứ là Tâm vương và Tâm sở. Tâm vương có tám thứ, Tâm sở có năm mươi mốt thứ (muốn hiểu rõ hơn xin xem lại Duy thức học). Tâm vương như chủ, Tâm sở như những thuộc hạ. Ví dụ như con mắt thấy sắc khởi niệm ưa thích gọi là Tham tâm sở, tai nghe tiếng trái ý sanh tâm giận ghét gọi là Hận tâm sở v.v... tùy trường hợp mà có tên riêng. Nhưng Tâm vương này khác với Tâm vương của Duy thức học.

Tâm vương không tướng cũng không hình
Mắt tợ ly châu vẫn chẳng minh.


Tâm vương này là Tâm chúa không tướng không hình. Lục Tổ gọi là “Bản lai vô nhất vật” (xưa nay không một vật) cho nên nói không tướng không hình. Dù cho người có mắt sáng như hạt châu của con rồng vẫn không thể thấy được tâm này. Nhưng:

Muốn biết loại này chân diện mục
Ha! ha! giữa ngọ là canh ba.


Muốn biết mặt thật của Tâm vương thì cười ha! ha! đúng lúc trưa là canh ba. Thật là lạ lùng! Lâu nay chúng ta quen nhìn sự vật trên hình tướng, nên cứ đuổi theo những cảnh sắc bên ngoài không bao giờ dừng. Tâm vương Thượng Sĩ nói đây không có hình tướng mắt không thể thấy, tay không thể sờ mó được. Là Thể chân thật hằng hữu mà không tướng mạo, nên muốn nhận ra thì phải quay ngược trở lại không kẹt nơi hình tướng. Song, muốn xoay trở lại thì đang giữa ngọ là mười hai giờ trưa mà thấy là mười hai giờ đêm, nghĩa là ngay nơi cái sáng mà thấy được cái tối, ngay nơi cái có mà đạt được lý không. Ý Thượng Sĩ nói rằng: chúng ta muốn nhận ra Tâm chân thật thì phải có khả năng nhìn ngược lại, nên nói đang trưa mà thấy là canh ba. Bây giờ chúng ta thấy ngược hay thấy xuôi? Thường thấy xuôi nên không nhận ra Thể chân thật.
Đầu trang

Trả lời bài viết

Quay về “Phong tục - Tín ngưỡng”