Thiên Văn Cổ Phương Đông,

Các bài viết học thuật về môn thiên văn, lịch pháp
Trả lời bài viết
Mai Hoa
Tam đẳng
Tam đẳng
Bài viết: 636
Tham gia: 20:02, 25/01/09

Thiên Văn Cổ Phương Đông,

Gửi bài gửi bởi Mai Hoa »

Lâu lắm không mở đến thư mục tài liệu nhặt trên mạng, hôm nay mở ra tự nhiên đọc lại một tài liệu đã tìm được liên quan đến Thiên văn Trung Quốc. Đây là tập hợp các bài viết của anh chitto bên TVVNonline, tập hợp nhiều kiến thức liên quan đến thiên văn cổ phương đông và mối liên hệ với các môn khác, tập hợp này do Trương Văn Thanh (?) sưu tầm lại. MH sẽ dần post lên đây để góp chút phần kiến thức cho các bạn muốn tìm hiểu.

------------------------------

Tựa
Tôi viết loạt bài này, trước hết để gửi các bạn ở Câu lạc bộ Thiên Văn Học Trẻ Việt Nam, phần nào thể hiện cho những gì tôi mong muốn mà chưa làm được. Sau nữa là vì những người bạn của tôi trên Diễn đàn Trí tuệ Việt Nam online, mà sau này gọi là Trái Tim Việt Nam online, những người mà tôi luôn yêu quý.
Những điều viết trong bài này là những kiến thức từ nhiều nguồn, được tập hợp lại và viết theo cách hiểu của tôi, dưới góc độ của một người không chuyên, tự nhận thức tìm hiểu hơn là được học và nghiên cứu. Vì vậy rất có thể có những chố không đúng gốc như nguyên bản, hay không giống với suy nghĩ của một số người. Rất mong nhân được sự đóng góp để hoàn thiện hơn.

Bùi Dương Hải
Khoa Toán Kinh tế - Đại học Kinh tế Quốc dân.
Tháng 3 – 2005
Nickname: Chitto – Email: Chitto7x@yahoo.com

MỞ ĐẦU

Thiên Văn không phải là một môn khoa học mới mẻ. Từ thuở bình minh nhân loại, khi biết tìm ra lửa, chắc hẳn loài người cũng đã nhìn ngắm bầu trời đêm với các vì sao, dù là để gửi gắm tâm linh, tìm tòi tri thức hay đơn giản là mơ mộng.
Cho đến ngày nay, nhờ những kiến thức Vật lý, Toán học hiện đại, con người đã tiến những bước rất dài trong việc tìm hiểu khoảng không bao la bên ngoài cái trái đất hỗn độn và nhỏ bé này. Trong những thành tựu đó, có không ít công sức của những những người đi trước từ thời thượng cổ, cả phương Tây cũng như phương Đông. Những kiến thức của khoa học hiện đại mang nhiều dấu ấn phương Tây, và toàn bộ thuật ngữ đều là các từ Latin, nhưng không phải vì thế mà người phương Đông không có những thành tựu của riêng mình, thậm chí những thành tựu đó – trong những thời kì nhất định – còn vượt xa tri thức phương Tây.
Những cái tên quen thuộc: dải Ngân Hà, chòm sao Thần Nông, sao Thương, Tua Rua,…, rất gần gũi với cuộc sống người dân Việt, một quốc gia cư dân lúa nước phương Đông. Việc tìm hiểu thành quả quan sát thiên văn cũng như tư tưởng về Vũ trụ của tiền nhân là điều không thể thiếu với những người yêu thiên văn.
Văn minh phương Đông đại diện bởi Trung Hoa và Ấn Độ, mà trong đó nền văn minh Trung Hoa đã tiếp nhận khá nhiều tư tưởng của Ấn Độ để tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh. Vì vậy trong bài này chủ yếu đề cập đến thành quả của người Trung Hoa
Trong bài viết này, tôi phân chia thành 2 phần lớn, là Quan sát thiên văn và Vũ trụ quan. Phần đầu là những quan sát của các nhà thiên văn cổ, sự phân chia bầu trời và các thiên thể, những hiện tượng quan sát được. Phần hai là sự khái quát tư tưởng, hình thành những yếu tố triết học, tìm hiều quy luật của Vũ trụ, mà trong đó con người là một bộ phận quan trọng.

Bài viết được chia như sau


Phần I. Quan sát Thiên Văn

1. Các tài liệu vô giá
2. Những nhà thiên văn cổ đại
3. Ngũ hành - Can Chi
4. Cửu Diệu
5. Tam Viên
6. Nhị thập bát Tú
7. Các chòm sao khác

Phần II. Vũ trụ quan Phương Đông


8. Những truyền thuyết
9. Âm Dương Bát quái
10. Lão giáo
11. Ấn Độ
12. Phật giáo
13. So sánh với phương Tây

Phần III. Những Ứng dụng

14. Lịch pháp
15. Y học
16. Bói toán
17. Tử Vi
18. Phong Thủy
19. Thiết chế xã hội
20. Các lĩnh vực văn hóa khác
Được cảm ơn bởi: Memphisto79, huonglun
Đầu trang

Mai Hoa
Tam đẳng
Tam đẳng
Bài viết: 636
Tham gia: 20:02, 25/01/09

TL: Thiên văn phương Đông

Gửi bài gửi bởi Mai Hoa »

1. NHỮNG TÀI LIỆU VÔ GIÁ
Năm 2004, Bảo tàng Anh quốc công bố tấm bản đồ sao cổ hoàn chỉnh nhất thế giới, tìm thấy ở Đôn Hoàng, Trung Quốc năm 1907, được làm vào đời Đường, khoảng năm 600(1). Tấm bản đồ là một cuộn giấy rộng 25cm, dài 2,1m vẽ và chú thích tên chi tiết bằng tiếng Hán 1345 ngôi sao, phân thành 257 chòm. Cho đến tận thời Phục Hưng ở châu Âu, trước khi có kính thiên văn, chưa bao giờ có một bản đồ sao chính xác và chi tiết đến thế. Trong đó có nhiều ngôi sao gần như không thể thấy được bằng mắt thường.

Hình ảnh

Hình ảnh

Một phần Bản đồ sao thời Đôn Hoàng - đời Đường , thế kỷ VII


Đây là sự kiện thú vị với những nhà khảo cổ, nhưng thực ra không lạ đối với các nhà thiên văn học, bởi từ thời thượng cổ, những người phương Đông, mà cụ thể là người Trung Hoa đã hình thành và phát triển khoa học thiên văn với trình độ rất cao mà những thành tựu đã được ghi nhận cho đến ngày nay.
Với đặc trưng nền nông nghiệp lúa nước, có thể nói mọi người nông dân đồng bằng Hoàng Hà đều đã là những người quan sát tự nguyện để phục vụ việc canh tác. Khi các hình thức nhà nước được thiết lập, vì mê tín và muốn củng cố địa vị “con trời”, nên một trong những việc đầu tiên của các vị Thiên tử là tập hợp những người có kiến thức thiên văn phù trợ cho mình trong việc mong muốn tìm hiểu ý trời. Ngay từ khoảng năm 2000 trước Công nguyên (TCN), các đài quan sát thiên tượng đã được dựng ở kinh đô các quốc gia sơ khai. Lúc Tần Thủy Hoàng lên ngôi (221 TCN), đã ra lệnh đốt sách Nho giáo và các tư tưởng. Tuy sách thiên văn thuộc về bói toán, nằm ngòai danh sách phải hủy, nhưng cũng rất nhiều quyển đã chịu chung số phận, nên những gì còn lại về thời trước đời Tần chỉ rất rời rạc và hạn chế. Sau đó chính Tần Thủy Hoàng cũng trọng dụng ngay 300 người làm nghề xem sao. Dù lúc đầu chỉ là xem sao, tính lịch và bói toán, nhưng dần dần với thiên hướng ghi chép lại mọi sự vật hiện tượng diễn ra, các chiêm tinh gia đã chuyển thành nhà thiên văn học, đứng đầu là các quan Thái sử, đảm nhiệm chép sử, xem thiên tượng, làm lịch, tính ngày, xem địa lý và cả khí tượng.
Các ý kiến về quan sát thiên văn sớm nhất ở Trung Hoa không thống nhất. Có người đẩy về tận năm 6000 TCN, mà dấu tích còn lại trên một vài vách đá, hoặc một số bài thơ truyền miệng. Đa số cho rằng nó vào khoảng thế kỷ 24 TCN, với dấu tích là các giáp cốt văn (ghi trên xương thú, mai rùa). Các ghi chép bắt đầu rõ ràng vào khoảng đời nhà Thương - 1500 TCN. Thời điểm này có có ý kiến là do có sự giao lưu với văn hóa Babylon, tuy nhiên trong khi nền văn hóa Babylon gần như không còn để lại dấu tích nào về thiên văn, thì người Trung Hoa lại gìn giữ những ghi chép liên tục cho đến tận ngày nay.
Trước sự hốn độn, không thống nhất, không đối xứng của các vì sao, người Trung Hoa gọi bầu trời nói chung là Hỗn Thiên. Từ Thiên Văn mà ta dùng ngày nay, mang nghĩa “Hình tượng trên bầu trời”.
Trước khi có phát hiện về bản đồ sao Đôn Hoàng, bản đồ sao hoàn chỉnh sớm nhất của loài người được ghi nhận là bản đồ sao đời Bắc Tống, vẽ vào thời Nguyên Phong (1078 - 85), được khắc lên bia đá năm 1247, đặt trong khu đền Khổng Tử, đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Trên tấm bia Thiên Văn đồ đó chia rõ phương vị, cung độ, gồm 1434 vì sao được chia thành các chòm, có đủ Hoàng đạo, Thiên xích đạo, Ngân hà. Bên dưới là bài văn bia 209 chữ chép rõ về các kiến thức thiên văn.


Hình: Bản dập Thiên Văn đồ - 1247 - Thời Bắc Tống

Cho đến triều Thanh, người Trung Hoa đã quan sát và ghi lại khoảng 3000 ngôi sao có cấp độ sáng từ 6 trở lên, phân thành 283 chòm sao. Khác với các chòm sao của Hy Lạp đặt tên theo các vị thần hoặc anh hùng thần thoại, các chòm sao ở phương Đông mang tên tất cả những gì thuộc về cuộc sống; từ tên các chức tước trong triều đình, tên các vùng đất, các nghề nghiệp, cho đến con vật như trâu bò, đồ vật như cái cày, cái đấu. Họ không giải thích các hiện tượng, mà chỉ đơn giản là quan sát và ghi nhận chúng, coi đó là khách quan của “Trời”.
Trong khoảng thời gian từ 12 tháng 12 năm 146 TCN cho đến 3 tháng 2 năm 1761 các quan sát thiên văn liên tục của Trung Hoa đã ghi lại thời gian, đặc điểm 173 hiện tượng rất đặc biệt trên bầu trời, gồm 66 lần Nhật thực, 83 hiện tượng bùng nổ của các ngôi sao, 24 hiện tượng khác. Tất cả các quan sát đó đã được thiên văn học hiện đại kiểm chứng, và không có trường hợp nào sai lệch.
Hiện tượng Nhật thực lần đầu tiên được ghi lại là vào năm 2136 TCN:
“Năm thứ 5 đời Trọng Khang nhà Hạ, mùa thu, hạ tuần tháng 9, ngày Canh Tuất, có hiện tượng Nhật thực” (2)
Khi có Nhật thực, người Trung Hoa tin rằng đó là do mặt trời bị ăn mất (thực - ăn), nên làm lễ cầu nguyện, cúng bái, dùng âm thanh để “xua đuổi quái vật ăn mặt trời”. Hiện tượng Nguyệt thực thường xảy ra hơn, nên cũng ít được chú ý hơn. Lần ghi chép về nguyệt thực đầu tiên là năm 1065 TCN. Sau đó họ ghi lại khoảng 1000 lần nguyệt thực nữa cho đến cuối triều Thanh.
Một tài liệu đời Tây Hán (TK 2 TCN) tìm được năm 1973 ghi rõ chu kỳ của Sao Kim là 584,4 ngày, Sao Mộc là 377 ngày, Sao Thổ là 594,4 ngày, chỉ sai lệch so với kết quả tính toán hiện đại chưa đến 0,3 ngày. Đời Hán Cao Tổ, hiện tượng 5 hành tinh của Hệ mặt trời ở vị trí thẳng hàng đã được gọi là “Chuỗi ngọc 5 sao”. Vào khoảng năm 484 TCN, các tính toán cũng xác định độ dài chính xác của một năm là 365,25 ngày, là cơ sở cho việc đặt hệ thống Âm-dương lịch khá hoàn chỉnh. Hệ thống lịch này được điều chỉnh một số lần, càng về sau càng chính xác.


Tuệ tinh (Sao chổi) được quan sát sớm nhất thế giới, từ năm 613 TCN. Trong một lăng mộ cổ từ thế kỷ 5 TCN được khai quật năm 1973 có cuộn lụa vẽ lại 29 ngôi sao chổi, thành quả quan sát hơn 300 năm. Trong đó có ngôi có 2 đuôi, ngôi có đuôi thẳng và dài, có ngôi lại có đuôi móc câu. Họ cũng nhận xét là hầu hết các sao chổi có đuôi bay ngược chiều mặt trời, và cho rằng đó là Thiên khí từ mặt trời thổi ra.

Hình ảnh

Sao chổi


Ngôi sao chổi Halley xuất hiện năm 240 TCN (năm thứ 7 đời Tần Thủy Hoàng) đã quay lại vào năm 164 TCN, rồi lại được nhìn thấy vào những năm sau đó, đã giúp các nhà thiên văn Trung Hoa tìm ra chu kỳ 76 năm của nó. Thực ra quan sát thấy sao chổi đầu tiên năm 613 TCN (ghi trong Kinh Xuân thu) chính là Halley, nhưng bị gián đoạn. Quĩ đạo của hơn 40 sao chổi đã từng xuất hiện cũng được ghi lại cẩn thận trong các bản đồ cổ, đặc biệt năm 600, một sao chổi được ghi lại là “sáng như mặt trăng”. Trong toàn bộ thời phong kiến, từ thời Ân đến 1911, có 360 văn bản ghi lại sự xuất hiện của sao chổi, trong đó sao chổi Halley là 31 lần.
Một quan sát đặc biệt quan trọng của người Trung Hoa đó là sao Khách – những vì sao sáng rực lên trong một thời gian ngắn rồi tối đi, giống như người khách qua đường. Ngày nay ta gọi đó là các Siêu tân tinh. Quan sát đầu tiên trên thế giới của họ được ghi lại là năm 14 TCN.
Hiện tượng nổi tiếng nhất là vào đời nhà Tống. Ngày 4 tháng 6 năm 1054, một ngôi sao bống rực sáng trên bầu trời phía đông, thậm chí thấy rõ trong ánh sáng ban ngày suốt 23 ngày khiến người Trung Hoa kinh hoàng. Các quan khâm thiên quan sát suốt ngày đêm không nghỉ, cho đến khi nó tối hẳn vào cuối tháng 4 năm 1056, sau 643 ngày bùng nổ. Vị trí của nó ở gần Hoàng đạo và sao Tất (Zeta Taurius), ngày nay Siêu tân tinh đó được biết đến dưới cái tên Crab Nebula, và đến năm 1968 vẫn còn tiếp tục phun vật chất vào vũ trụ.
Năm 2001, các nhà thiên văn NASA đã có bằng chứng về một sao pulsar trong chòm Sagittaurius, tại đúng vị trí mà năm 386 người Trung Quốc đã ghi nhận là có hiện tượng bùng nổ của một siêu tân tinh rất lớn. Đây là ngôi sao pulsar thứ hai được tính chính xác tuổi là 1615 năm cho đến thời điểm được phát hiện.
Ngoài ra, Trung Hoa cũng là nơi đầu tiên phát hiện về Vết mặt trời và ghi chép mưa thiên thạch. Quan sát đầu tiên là vào thế kỷ 4 TCN, tiếp theo là vào năm 165 TCN, vết đen được ghi lại là có hình chữ Vương, và cho đến năm 1638, họ ghi lại 112 lần hiện tượng này. Khi đó họ đoán là có ngôi sao nào đó xuất hiện trên mặt trời. Những quan sát tương tự ở châu Âu đến năm 807 mới có. Hiện tượng quầng lửa trên mặt trời cũng được quan sát thấy, họ mô tả mặt trời căng phồng lên, những đốm lửa bùng lên.
Tuy vậy, trong các văn bản cổ, cũng có những sai lệch. Đặc biệt là có khoảng 10 chỗ phi lý đến đáng ngờ. Cuối cùng các nhà khoa học cũng tìm ra được nguyên nhân. Đó là sự sai lệch có chủ ý của các quan thiên văn. Khi biết vua chúa thường tin vào các điềm báo của bầu trời, họ đã cố tình sửa các quan sát của mình để trục lợi. Chẳng hạn, đời Hán Thành đế, quan khâm thiên được đút lót đã thay sao Thương vào vị trí Hỏa Tinh, và tuyên bố sắp có kẻ mưu sát vua, khiến ông vua mê tín đã xuống tay hạ sát mấy vị đại thần. Tương tự như vậy, sao Thiên Lang – vốn được coi là nơi thể hiện điềm báo – thường được gán cho các màu sắc đặc biệt để báo trước tai họa hay phúc lành, dù rằng ngôi sao sáng nhất bầu trời này không bao giờ thay đổi màu sắc. Những sai lệch này có nguyên nhân chính trị và mê tín hơn là do quan sát.


Hình ảnh

Hỗn Thiên Nhất thống Tinh tượng Toàn đồ - 1500



Việc sử dụng Thiên tượng như là điềm báo trước rất phổ biến, đặc biệt cho triều đình phong kiến, nên nó được lợi dụng không ít lần. Các hiện tượng sao Chổi, Nhật thực, sao Khách đều gây xáo trộn nhất định. Nhưng cũng vì thế mà nó được ghi chép lại rất tỉ mỉ, để lại cho đời sau những tài liệu vô giá.
Cùng với các quan sát tỉ mỉ, các hệ thống công trình cũng được triều đình cho xây dựng. Đầu công nguyên, nhà Hán đã xây dựng một loạt đài thiên văn dọc theo Trường thành để đo thời gian và chuyển động của các thiên thể. Theo một số học giả thì hệ thống các đài định vị này còn mở rộng khắp đất Trung quốc, xuống tận miền nam đến Việt Nam, thậm chí cột đồng Mã Viện cũng chỉ là cột định vị của hệ thống này (Trần Đai Sĩ, 2001). Thậm chí có tài liệu viết rằng vào khoảng năm 721-725, dưới thời Đường, một hệ thống cột định vị (gnomon) được dựng theo hướng Bắc - Nam, cận nam từ tận miền Trung Việt Nam, cực bắc lên đến sát Trường Thành. Cột đồng lớn nhất được dựng năm 1276 đời Tống, cao đến 12 m.
Do nhận ra chu kỳ quay tròn của bầu trời, người Trung Hoa cũng chia vòng tròn thiên cầu thành các độ, tuy nhiên độ này ứng với các ngày trong năm, nên một vòng tròn có 365 và ¼ độ. Vào đầu công nguyên họ cũng tính ra độ dài của 1 cung kinh độ là khoảng 155 km, đến đời Đường (TK 7) họ tính lại là 123.7 km (thực tế khoảng 111 km)
Cũng như nhiều kiến thức khoa học, Thiên văn học cũng chịu sự tác động qua lại của các nền văn minh khác. Sự tác động sớm nhất là thiên văn Babylon, thông qua con đường tơ lụa (khoảng thế kỷ 1, 2 TCN), sau đó chịu ảnh hưởng rất mạnh của Ấn Độ, thông qua Phật giáo (đầu CN). Đến cuối TK 13 thì tư tưởng thiên văn Hồi giáo truyền vào cùng với sự bành trướng của đế quốc Nguyên Mông, và thế kỷ 16 là thiên văn phương Tây, theo chân các nhà truyền giáo. Những công trình thiên văn cổ của Trung Quốc tại Bắc Kinh còn lại ngày nay được xây dựng trong triều Minh và Thanh. Đến triều Thanh thì lịch pháp đã dựa rất nhiều vào kiến thức phương Tây, và các đài thiên văn đều có bàn tay của giáo sĩ nước ngoài.


Những công trình cổ còn lại
Công trình cổ sớm nhất còn lại hiện nay là đài thiên văn ở Nam Kinh, được thiết kế và xây dựng vào những năm 1231-1314 đời Tống. Cùng thời đó nhà Tống còn cho xây thêm 4 đài thiên văn nữa rải rác khắp đất nước. Thiên Văn đồ cũng được vẽ và khắc vào giai đoạn này. Sau này một số thiết bị quan trắc được dựng tại đài Nam Kinh theo bản vẽ cổ.

Hình ảnh
Đài thiên văn Nam Kinh


Năm 1442, triều đình nhà Minh cho xây tại Bắc Kinh đài thiên văn bằng đá cao 14 m, trên đó có các thiết bị bằng đồng dành cho quan sát thiên tượng, gồm các vòng tròn dựng trên giá gồm những con rồng, một cột đồng đo bóng mặt trời để tính thời gian, và một thiên cầu. Trong những năm sau đó, các thiết bị dùng để vẽ lại vị trí các thiên thể được thêm vào.

Hình ảnh
Hình: Đài thiên văn Bắc Kinh
Được cảm ơn bởi: huonglun
Đầu trang

Mai Hoa
Tam đẳng
Tam đẳng
Bài viết: 636
Tham gia: 20:02, 25/01/09

TL: Thiên văn phương Đông

Gửi bài gửi bởi Mai Hoa »

2. NHỮNG NHÀ THIÊN VĂN CỔ ĐẠI

“Mỗi người nông dân đều là một nhà thiên văn nghiệp dư” – nhận xét đó không hẳn là quá đáng đối với những kiến thức thiên văn của cư dân Hoàng Hà. Tuy nhiên, để đạt đến trình độ mà thế giới phải ghi nhận, không thể không nhắc đến công lao của những nhà thiên văn chuyên nghiệp thực thụ, mà tác phẩm của họ còn đến ngày nay. Dưới đây giới thiệu một số người có nhiều thành quả nhất.

Thạch Thị (350 TCN)

Những nhà thiên văn học chuyên sâu đầu tiên được thực sự ghi nhận trong lịch sử Trung Hoa là từ thời Chiến quốc (400 - 200 TCN), trong đó nổi tiếng nhất là Thạch Thân. Trong Sử Ký rằng: Thạch Thân (khoảng 350 TCN) là nhà thiên văn lịch pháp của nước Vệ, đã viết các tác phẩm gồm: Thiên văn (8 chương), Thiên Văn Chiêm (8 quyển), Thạch thị Hỗn Thiên đồ (1 quyển), Thạch thị Kinh bạc Tinh chiêm (thường gọi là Thạch thị Tinh kinh bạc chiêm - 1 quyển). Tập bản đồ vẽ khoảng 800 ngôi sao chia theo 122 chòm, theo truyền thuyết thì 28 chòm đã được Vu Hàm đời nhà Thương phân định.

Tuy nhiên, theo một số thuyết về sau, Thạch Thị là tên gọi chung cho một nhóm học giả thời đó chứ không phải chỉ 1 người. Thạch thị Tinh kinh bạc chiêm bị thất lạc trong những thế kỷ sau, chỉ còn một số đồ hình các vì sao của nó được sao chép lại trong các thư tịch khác, mà còn giữ đến nay là Khai nguyên Chiêm kinh (thời đại Khai Nguyên nhà Đường – 729). Một bản sao khác của cuốn sách hiện được dòng họ Wakasugi ở Tokyo – Nhật Bản gìn giữ.

Cách giải thích các hiện tượng của Thạch thị không tránh khỏi những hạn chế, do chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, chẳng hạn như đoạn sau: “Khi thiên tử sáng suốt, mặt trăng sẽ đi theo đúng hướng, khi thiên tử không minh, đại thần chiếm quyền, mặt trăng sẽ đi chệch đường”.

Cùng thời với Thạch Thân là Cam Đức cũng là nhà thiên văn học, đã quan sát rất kỹ về các hiện tượng trên mặt trời, từ vết đen, vết trắng. Ông mô tả vết đen như đồng xu trên mặt trời, và giải thích Nhật thực chính là do vết đen ăn từ một phía ra, chiếm hết mặt trời.


Tư Mã Thiên (145 – 87 TCN)


Hình ảnh

Tư Mã Thiên

Trong tác phẩm Sử Ký đồ sộ, Tư Mã Thiên - sử gia vĩ đại, đồng thời là một nhà thiên văn, địa lý kì tài thời thời Hán Vũ đế - đã dành hẳn một quyển là Thiên Quan thư để ghi chép về thiên văn, tập hợp kiến thức từ tiền nhân cũng như của bản thân ông. Tư Mã Thiên đã liệt kê hơn 1000 ngôi sao, cũng như ghi lại các hiện tượng đặc biệt của bầu trời. Thiên quan thư của ông là tác phẩm hoàn chỉnh sớm nhất còn đến nay, hầu như kết quả thiên văn trước đó đều được hệ thống lại, thêm vào đó là các kiến thức của bản thân ông. Những quan sát đó cho thấy những gì đã xảy ra hơn 2000 năm trước. Có thể ông đã tham khảo các bản của Thạch thị, nhưng những nhận xét đánh giá riêng của ông về Thiên tượng cũng có giá trị rất lớn, chẳng hạn trong việc phân chia màu sắc các sao .


Kế tục Tư Mã Thiên, thái sử Ban Cố, tác giả bộ Hán Sử, cũng là một nhà thiên văn. Chính ông là người đã tìm ra chu kỳ 76 năm của sao chổi Halley, cũng như viết về quĩ đạo của các hành tinh. Tiếp theo ông, Đổng Trọng Thư cũng để lại dấu ấn của mình qua việc đoán được hiện tượng Nguyệt thực, thông qua việc tính toán từ các văn bản giáp cốt. Cho đến cuối thời Tam Quốc (200), các nhà thiên văn đã hệ thống lại các tài liệu, ghi lại tổng cộng 1464 sao trong 283 chòm.


Trương Hoành (78 – 139)

Hình ảnh

Đỉnh cao nhân loại về Thiên văn học cổ đại là Trương Hoành, đồng thời cũng là nhà địa lý, toán học, làm việc tại kinh đô Lạc Dương của nhà Hán. Sau nhiều năm dành cho nghiên cứu thiên văn, ông đã tìm ra quĩ đạo chính xác của 5 hành tinh trong Hệ mặt trời, ghi lại vị trí các sao được nhìn thấy bằng mắt thường. Những nhận định chính xác của ông về Hệ mặt trời khiến người thời đó không thể hiểu được. Ông cho rằng trái đất phải có hình tròn chứ không phải phẳng dẹt, bầu trời bao bọc bên ngoài, ánh trăng là phản chiếu của mặt trời, Nguyệt thực là do mặt trăng đi vào bóng của trái đất, và hình dáng tròn khuyết của mặt trăng là do góc độ nhìn khác nhau từ mặt đất.
.
Trương Hoành viết hơn 20 tác phẩm, trong quyển Hỗn Thiên chú ông viết:

“Trời tròn giống như quả trứng, mà Đất giống như lòng đỏ, nằm lơ lửng ở chính giữa, bầu trời lớn hơn bao bọc xung quanh”

Còn trong tác phẩm thiên văn Linh Hiến, ông đã vẽ vị trí các chòm sao và viết:

“Trong bầu trời từ Bắc đến Nam có 124 chòm sao, gồm 2500 ngôi sao tỏa sáng, trong đó 320 ngôi đã được đặt tên; đó là chưa kể những sao mà những người đi biển nhìn thấy. Kể cả những sao rất bé thì tổng số là 11.520 ngôi”.

Đặc biệt nhất là ông đã chế tạo một dụng cụ quan trắc thiên văn là Hỗn Thiên Nghi. Theo Hán Sử, Hỗn thiên nghi gồm những vòng đồng có chia khoảng, một Thiên cầu bằng đồng. Đường Hoàng đạo của Thiên cầu lệch với xích đạo một góc 24 độ ( chỉ sai 0,5 độ so với thực tế). Một chiếc ống thẳng để nhìn giúp ông xác định vị trí các sao theo hướng không sai lệch và không bị ánh sáng khác ảnh hưởng. Nhờ đó, các ngôi sao được đo đạc vị trí chính xác, điều mà chưa ai làm được trước đó. Sau đó, ông còn dùng sức nước đẩy quả cầu quay, mô tả chuyển động các sao, hiện tượng tròn khuyết của mặt trăng và Nguyệt thực được giải thích chính xác.

Hình ảnh

Hỗn Thiên Nghi

Một phần ra ngoài đề một chút, là các phát minh của Trương Hoành. Cũng giống như các nhà Thiên Văn học phương Tây thông thường là nhà Vật lý – Toán học, Trương Hoành còn có các phát minh trong nhiều lĩnh vực khác.
Một sáng chế đáng chú ý của ông là thiết bị đo động đất. Nó gồm một bình đồng, có những cơ cấu nhậy với độ rung ở trong, bên ngoài là 8 con rồng ngậm hờ một quả cầu ở miệng, bên dưới là 8 con cóc quay về 8 hướng. Nếu có chấn động, quả cầu sẽ rơi xuống, và tùy tiếng động to hay nhỏ mà đoán động đất mạnh hay yếu.
Hậu Hán thư viết lại rằng: năm 138, khi thấy quả cầu ở phía tây rơi xuống, Trương Hoành đã vội yến kiến và trình với vua rằng có động đất ở phía tây Lạc Dương. Vào ngày hôm đó không có gì xảy ra ở kinh đô, khiến ông bị những quan lại khác chỉ trích. Nhưng 2 ngày sau thì có tin báo là có động đất mạnh ở 1000 dặm phía tây Lạc Dương. Sự kiện này gây xôn xao triều đình.

Ông cũng là người đã nêu ra cách tính tỉ số pi (p) bằng căn bậc 2 của 10, sai số với thực tế là khoảng 0.02. Đáng tiếc là do nhiều nguyên nhân, chỉ còn rất ít trong số các công trình của ông còn lại đến nay.


Tổ Xung Chi (429 – 501)

Hình ảnh

Tổ Xung Chi là nhà toán học và Thiên văn – Lịch pháp thời Nam Bắc triều.

Ông là người đã tính toán chính xác các ngày Hạ chí, Đông chí hàng năm thông qua việc đo độ dài bóng của một cây gậy cắm thẳng đứng trên mặt đất. Từ đó hình thành cơ sở cho việc tính một loại lịch mới chính xác hơn Âm-dương lịch mà các vị vua đang dùng. Năm 462, ông đưa ra loại lịch mới, tính được độ dài năm giữa hai lần Xuân phân kế tiếp là 365,24281481 ngày (sai lệch 50 giây so với tính toán hiện đại), và độ dài của tháng mặt trăng là 27,21233 ngày (lệch 9 giây). Ông phát hiện thấy sự tiến động của ngày Xuân phân khiến cho năm nhiệt đới ngắn hơn so với năm mặt trời thực 21 phút, cũng như thấy rằng sau 7 chu kỳ 12 năm, Sao Mộc lại dôi ra khoảng 1/20 quỹ đạo của nó.

Phát hiện đặc biệt quan trọng của ông trong Toán học là cách tính p bằng phân số 355/113, chính xác đến 6 số thập phân, và khá giản tiện. Sau một đo đạc chính xác khác, ông tuyên bố một vòng tròn có đường kính 10 triệu trượng thì có chu vi lớn hơn 31.415.926 và nhỏ hơn 31.415.927 trượng (tức là 3,1412516 < p < 3,1415927). Tên của ông được đặt cho một ngọn núi trên Mặt trăng.

Trong thời Đường, Nhất Hành là một hòa thượng, cũng được ghi nhận với kết quả tính toán độ dài một cung 1 độ trên kinh tuyến là 351,27 dặm (tương đương 123,7 km) Ông cũng dựng một thiên cầu ở Trường An, mô tả chuyển động các sao, và vẽ đường biểu kiến chuyển động các hành tinh và các ngôi sao rất xa một cách chính xác.


Tô Tống

Một nhà lịch pháp và thiên văn đời Tống là Tô Tống đã quan sát mặt trời, mặt trăng và các vì sao, tạo ra một chiếc đồng hồ thiên văn chạy bằng nước rất tinh xảo. Trong Tống sử, sau khi đi sứ sang phía Tây và nhận ra sự khác biệt giữa cách tính ngày rằm giữa Trung hoa và một nước khác, ông về kinh năm 1090 và chế tạo chiếc đồng hồ thiên văn ở kinh đô Biện Lương. Chiếc đồng hồ thiên văn này cao gần 10m, ở tầng trên cùng có khung Hỗn thiên nghi và thiên cầu chạy bằng sức nước, dựa trên một hệ thống cơ khí rất phức tạp bên trong, cứ mỗi giờ lại có các tượng đồng gõ chuông, thiên cầu quay theo sự vận động của mặt trời mặt trăng. Theo ghi chép thì có đến hàng chục tượng đồng, vận hành hoàn toàn bằng sức nước.

Hình ảnh

Tiếc rằng khi triều đại sau nối tiếp, ông vua mới đã không hiểu được ý nghĩa của phát minh trên, chiếc đồng hồ bị phá dỡ để lấy đồng.

Ngày nay, ở Đài Loan vẫn còn trưng bày một phiên bản nhỏ hơn của chiếc đồng hồ Tô Tống.

Nhất Hành (683 – 722)


Nhất Hành là pháp hiệu của một hòa thượng đời Đường. Tại kinh đô Trường An khi đó ông cùng các đồ đệ đã dựng lên một Thiên cầu lớn được vận hành và chuyển động cùng với các thiên thể ban đêm trên bầu trời. Ông đã vẽ đường chuyển động của các hành tinh so với các vì sao khác một cách chính xác. Cho đến trước công trình của Halley năm 1718, đây là quỹ đạo chính xác nhất mà con người tìm ra



Còn nhiều nhà Thiên văn – Lịch pháp nữa trong các triều đại sau, mà mỗi người đều để lại dấu ấn nhất định cho nền công việc nghiên cứu Vũ trụ, thiên nhiên. Những đóng góp của họ trong thời gian dài đã đem lại những kết quả lớn, đặc biệt trong việc tính lịch pháp.

Phiên âm tên các nhà Thiên văn:

Thạch Thân: Shi Shen
Thạch thị: Shi shi
Tư Mã Thiên: Sima Qian
Trương Hoành: Zhang Heng
Tổ Xung Chi: Zu Chongzhi
Tô Tống: Su Song
Được cảm ơn bởi: huonglun
Đầu trang

Mai Hoa
Tam đẳng
Tam đẳng
Bài viết: 636
Tham gia: 20:02, 25/01/09

TL: Thiên văn phương Đông

Gửi bài gửi bởi Mai Hoa »

3. NGŨ HÀNH VÀ CAN CHI

Thiên văn thời cổ thường gắn liền với thần thánh. Tuy nhiên người Trung Hoa đã khái quát cao hơn, khi gắn thiên văn với những tư tưởng mang tính triết học, mà Ngũ hành là một minh chứng.

Tư tưởng cấu tạo vật chất của thế giới từ 5 yếu tố không phải là chỉ của riêng người Trung Hoa. Thần thoại Hy Lạp kể rằng thế giới được sinh ra từ Vực thẳm Khaox (Chaos - Hỗn mang) thể hiện thành 5 nguyên lý: Đất Gaia, Tối tăm Vĩnh cửu Erèbe, Đêm tối Nix, Địa ngục Tartar, và Tình yêu Erox. Triêt gia Aristole cho rằng 5 nguyên tố cơ bản của thế giới là Nước, Lửa, Đất, Không khí, Ánh sáng,... Nhưng có lẽ không bộ 5 yếu tố nào lại có tính triết lý cao như Ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ của Trung Hoa. Bộ 5 này được hình thành có lẽ từ 5 ngón tay của con người, cũng tựa như cơ số 10 trong hệ đếm.

Thuyết này xuất hiện từ đời nhà Tần (200 TCN), được củng cố phát triển trong thời Tây Hán. Lúc đầu 5 yếu tố là cấu tạo cụ thể, với các tính chất cụ thể:

Kim: kim loại, cứng rắn, lạnh, cương mãnh, bền chắc
Mộc: gỗ, cây, sống, tăng trưởng, dẻo dai, chịu đựng
Thủy: nước, mềm mại, nhu thuận, sâu hiểm
Hỏa: lửa, nóng, sáng, linh hoạt, sáng tạo
Thổ: đất, đầy đặn, chịu đựng, nguồn của sinh sôi

Nhưng rồi chúng được Triết lý hóa, trở thành Ngũ hành – 5 nguyên lý cơ bản của vật chất, gắn kết với mọi trạng thái triết lý từ Vật chất đến tinh thần

Hành Kim: màu Trắng phương Tây mùa thu Mũi Phế (phổi)
Hành Mộc: màu Xanh phương Đông mùa xuân Mắt Can (gan)
Hành Thủy: màu Đen phương Bắc mùa đông Tai Thận
Hành Hỏa: màu Đỏ phương Nam mùa hạ Lưỡi Tâm (tim)
Hành Thổ: màu Vàng phương Trung ương (không) Miệng Tỳ

Việc gắn phương hướng với các mùa và với Ngũ hành liên quan nhiều đến Thiên Văn. Người Trung hoa nhận thấy vào mùa Xuân thì đuôi của chòm sao Bắc Đẩu chỉ về phía Đông, mùa Thu chỉ về phía Tây, nên tương ứng mùa và phương. Như vậy chòm Bắc Đẩu thất tinh không phải chỉ là xác định phía Bắc, mà còn là sao chỉ phương và mùa trong văn hóa Trung Hoa.

Hai quy luật tương tác biến dịch quan trọng là tương sinh và tương khắc trở thành nền tư duy cho nhiều học thuyết (tuy nhiên sẽ không xét kỹ ở đây, mà chỉ đi vào khía cạnh Thiên văn)

Tương Sinh: Mộc sinh Hỏa - Hỏa sinh Thổ - Thổ sinh Kim - Kim sinh Thủy - Thủy sinh Mộc.
Tương Khắc: Mộc khắc Thổ - Thổ khắc Thủy - Thủy khắc Hỏa - Hỏa khắc Kim - Kim khắc Mộc

Về sau tư tưởng Ngũ hành được gán cho rất nhiều ý nghĩa, đi rất xa với tư tưởng gốc ban đầu. Cứ bộ 5 nào cũng thành Ngũ hành hết, chẳng hạn lý thuyết: Cái sinh Ta, cái Khắc Ta, Ta, cái Ta sinh, cái Ta khắc,…

Dựa trên tư tưởng Ngũ hành, năm sắc độ sáng của các ngôi sao được phân chia (từ nguội đến nóng) là Đen – Đỏ - Vàng – Trắng – Xanh.

Trên thực tế, các ngôi sao có màu sắc gần đúng như cách phân chia này:
Nhiệt độ bề mặt dưới 2000 độ C, sao màu đỏ tối, chỉ phát bức xạ, gần như không nhìn thấy
Nhiệt độ bề mặt 2000-5000 độ C, sao màu đỏ
Nhiệt độ bề mặt 6000-9000 độ C, sao màu vàng
Nhiệt độ bề mặt 10,000-15,000 độ C, sao màu trắng
Nhiệt độ cao hơn nữa, hơn 20,000 độ C, màu xanh
Mặt trời của chúng ta là ngôi sao trung bình màu vàng, nhiệt độ bề mặt khoảng 6500 độ, ứng với màu của hành Thổ

Trong Thiên Quan thư, Tư Mã Thiên viết:

Muốn xem sắc trắng của tinh tú, hãy nhìn sao Thiên Lang; muốn xem sắc đỏ, hãy nhìn sao Tâm, muốn xem sắc vàng, hãy nhìn sao Sâm Tả, xem sắc xanh hãy nhìn sao Sâm Hữu, sắc đen thì nhìn sao Khuê

Cách phân chia đó khá đúng về màu sắc:
Sao Thiên Lang (sao Sirius - chòm Canis Major), là ngôi sao đôi sáng chói nhất bầu trời
Sao Tâm hay sao Thương (sao Antares – chòm Scorpius) có quang phổ M0, màu đỏ rất rõ
Sao bên phải sao sao Sâm (sao Rigel - b chòm Orion), ngôi sao sáng thứ 7 bầu trời, quang phổ B2 màu xanh.
Sao Khuê (sao d - chòm Andromeda) quang phổ M0 đỏ tối, trong con mắt Tư Mã Thiên là đen.

Hình ảnh

Sao Thiên Lang - (sao Sirius - chòm Canis Major). Là Ngôi sao sáng nhât bầu trời

Hình ảnh

Sao Tâm hay sao Thương (sao Antares – chòm Scorpius) có quang phổ M0, màu đỏ

Hình ảnh

Sao Sâm (sao Rigel - b chòm Orion), ngôi sao sáng thứ 7 bầu trời, quang phổ B2 màu xanh


Chỉ có Sao bên trái sao Sâm (sao Betelgeuse – a chòm Orion), ngôi sao sáng thứ 10 trên bầu trời, và là một trong thiên thể lớn nhất bầu trời quan sát thấy, mà dưới thời Tư Mã Thiên là màu vàng, thì ngày nay là ngôi sao rất lớn màu đỏ. Nghĩa là sau 2000 năm, ngôi sao đó đã nguội đi. Đó là hiện tượng nguội sao duy nhất mà loài người quan sát được trong lịch sử.

Hình ảnh

Chòm Orion

Và người Trung Hoa dùng Ngũ hành để đặt tên cho các hành tinh mà họ quan sát được, theo thứ tự từ mặt trời ra ngoài là Thủy tinh, Kim tinh, Hỏa tinh, Mộc tinh, Thổ tinh. Chính các hành tinh này và chu kì chuyển động của chúng là cơ sở tạo nên hệ đếm Can Chi.


Thiên Can Địa Chi

Can Chi chủ yếu dùng trong Lịch pháp, nhưng cũng có cơ sở từ quan sát Thiên Văn. Có lẽ do nằm ở vĩ độ cao, ngày Hạ chí mặt trời không thẳng đứng trên đỉnh đầu, cùng với việc canh tác nông nghiệp ít liên quan đến mặt trời hơn, nên Lịch pháp Trung hoa dựa vào Mặt trăng là chính. Việc dùng Can Chi tính ngày tháng đã xuất hiện vào cuối đời Thương (TK 12 TCN), việc gán tên con vật vào thì phải đến đầu công nguyên mới thực hiện.

Khi quan sát quĩ đạo các hành tinh, họ lấy Bắc thiên cực làm gốc, rồi dựa theo 8 cung Bát quái (1) để xác định tọa độ. Sau rất nhiều năm quan sát và ghi chép lại, họ đưa ra các nhận xét của mình. Một số nhận xét về chu kỳ (trở về vị trí cũ trên bầu trời) của các Hành tinh như sau:

Sao Thủy: khoảng ¼ năm
Sao Kim khoảng 0,6 năm
Sao Hỏa khoảng 2 năm
Sao Mộc khoảng 12 năm
Sao Thổ khoảng 30 năm.

Các nhà làm lịch đã dùng 3 hành tinh là Hỏa, Mộc, Thổ làm chuẩn, bội số chung nhỏ nhất là 60, hay phải sau khoảng 60 năm, các hành tinh trên mới có được vị trí (tương đối với nhau) gần giống như cũ. Sao Hỏa sau 1 năm lại chuyển sang vị trí đối diện, rồi 1 năm sau lại về vị trí cũ, trở thành sao làm chuẩn cho chu kì 1 năm Âm 1 năm Dương. Sao Mộc có chu kỳ 12 năm được lấy làm chuẩn để tính năm, nên gọi là Tuế Tinh. Sao Thổ lâu nhất, gọi là Thiên Can.

Sau khi kết hợp cả thuyết Ngũ hành và Âm Dương, thì con số 5 được chia 2, thành 10 Can, ứng với Ngũ hành, mỗi hành 1 Âm 1 Dương, còn 12 năm của Tuế Tinh thành Chi. Can Chi ra đời còn muộn hơn Ngũ hành, và càng muộn hơn thuyết Âm Dương, mãi khoảng đầu công nguyên mới có.

Can (cán – thân cây) gồm: Giáp – Ất – Bính – Đinh – Mậu – Kỷ - Canh – Tân – Nhâm – Quý
Chi (cành cây), gồm: Tí – Sửu – Dần – Mão – Thìn – Tỵ – Ngọ - Mùi – Thân – Dậu – Tuất – Hợi

Trong đó: Giáp + Ất là là hành Mộc, Bính + Đinh là Hỏa, Mậu + Kỷ là Thổ, Canh + Tân là Kim, Nhâm + Quý là Thủy, cứ 1 âm 1 dương đổi nhau.

Bản thân các từ của Can và Chi đều là quá trình sinh trưởng và phát triển của Cây cối:


(I). Giáp : nẩy mầm
(II). Ất : nhú lên mặt đất
(III). Bính : đón ánh mặt trời
(IV).Đinh : trưởng thành khỏe mạnh
(V). Mậu : rậm rạp
(VI). Kỉ : dấu hiệu hoa trái
(VII). Canh : thay đổi
(VIII). Tân : hoa quả mới
(IX). Nhâm : thai nghén cho mùa sau
(X). Quý : mầm đang chuyển hóa

(1). Tý : mầm hút nước
(2). Sửu : nẩy mầm trong đất
(3). Dần : đội đất lên
(4). Mão : rậm tốt
(5). Thìn : tăng trưởng
(6). Tỵ : phát triển
(7). Ngọ : sung mãn hoàn toàn
(8). Mùi : có quả chín
(9). Thân : thân thể bắt đầu suy
(10). Dậu : co lại
(11).Tuất : khô úa héo tàn
(12). Hợi : chết đi.

Như vậy nguyên thủy các chi không phải là các con vật như mọi người vẫn nghĩ.

Đến khoảng đầu Công nguyên, người Trung Hoa gán các chi với các con vật. Nguồn gốc của việc gán con vật không hoàn toàn rõ ràng. Có thuyết cho rằng nó gắn với truyền thuyết Phật giáo, thứ tự của 12 con vật là những loài đã đến từ biệt khi Phật Thích ca nhập Niết Bàn, và mới gọi là các con giáp, lần lượt là:

Tí: Thử: Chuột
Sửu: Ngưu: Trâu
Dần: Hổ: Cọp
Mão: Thố: Thỏ*
Thìn: Long: Rồng
Tỵ: Xà: Rắn
Ngọ: Mã: Ngựa
Mùi: Dương Dê
Thân: Hầu Khỉ
Dậu: Kê Gà
Tuất: Khuyển Chó
Hợi: Trư Lợn
*Riêng chi Mão thì ở Việt Nam là mèo chứ không phải thỏ

Chi Ngọ đứng ở vị trí giữa, trong lịch pháp ứng với thời điểm giữa trưa. Ngọ môn mang hàm nghĩa là Sung mãn, trọn vẹn. Tại sao lại là 12 con vật này với 12 cung giờ trong ngày, có thuyết gắn với thời điểm loài vật hoạt động mạnh nhất. Có nhận xét cũng thú vị dựa vào số móng của các con vật, cứ một chắn đi kèm với một lẻ.

Khi đó Can gọi là Hoa, Chi gọi là Giáp, nên Can Chi còn gọi là Hoa Giáp. Từ điểm bắt đầu là Giáp Tí (I.1) cho đến hết vòng là Quý Hợi (X.12), chỉ có số chẵn đi với chẵn, lẻ đi với lẻ, nên không thể có Giáp Sửu hay Quý Tuất.

Trong thiên văn, khu vực của 12 cung còn ứng với 12 nước thời Xuân thu chiến quốc:
Tí : Tề - Sửu: Ngô Việt - Dần: Yên – Mão: Tống – Thìn: Trịnh – Tỵ: Sở - Ngọ: Chu – Mùi: Tần – Thân: Vệ - Dậu: Triệu – Tuất: Tấn – Hợi

12 Chi có ý nghĩa rất quan trọng trong tính Lịch pháp (thực chất là Âm-dương lịch) và thời tiết. Trong 1 năm chia ra 12 tháng, có 24 ngày tiết khí, cứ 1 tháng 2 ngày.

Cùng với Ngũ hành, Can chi hay Hoa Giáp đã tạo thành một tư tưởng khép kín về chu kỳ vận động của Vũ trụ, với chu kỳ 60. Các thước đo thời gian đều được gắn với Can chi. Một ngày chia làm 12 giờ, một năm 12 tháng; 12 năm là một chu kỳ ngắn, 60 năm là một vòng “Lục thập Hoa giáp”, 3600 năm là một chu kỳ lớn của Vũ trụ. Khi viết năm, họ chỉ dùng can chi, nên phải thêm triều đại cai trị tương ứng mới đủ. Không chỉ thế, phương vị trên bầu trời cũng được chia ra 12 cung, khi xác định vị trí ngôi sao thì nói nó nằm trong cung nào.

Sau khi hoàn chỉnh hệ Can Chi với chu kỳ 60 năm, người Trung Hoa gán cách tính lịch pháp này cho Hoàng Đế - vị vua thái cổ huyền thoại, người đặt ra các quy tắc cho con người, và lấy năm 2636 TCN làm năm đầu của chu kỳ này, gọi là Đại Nguyên niên, cho đến nay đã được 78 chu kỳ, hơn một Chu kỳ lớn (60 chu kỳ nhỏ).


(1) Thuyết Âm Dương Bát quái là thuyết chủ đạo cổ nhất, trước Ngũ hành và Can Chi đến hàng nghìn năm, là thuyết chủ đạo quan trọng nhất, sẽ được trình bày ở phần sau. Cung Bát quái chia làm 8 cung, mỗi cung 45 độ.
Đầu trang

Mai Hoa
Tam đẳng
Tam đẳng
Bài viết: 636
Tham gia: 20:02, 25/01/09

TL: Thiên văn phương Đông

Gửi bài gửi bởi Mai Hoa »

4. CỬU DIỆU

Trên bầu trời, bầu trời hầu hết là những vì sao luôn đứng yên tương đối với nhau – gọi là Định tinh hay Hằng tinh (sao - viết thường- star), và một số thiên thể chuyển động trong khoảng trời ấy – gọi là hành tinh (Sao – viết hoa - planet), rõ ràng nhất là mặt trăng và mặt trời. Trong Hệ mặt trời, cho đến nay các nhà thiên văn đã phát hiện có 9 hành tinh bao gồm cả trái đất. Tuy nhiên, bằng mắt thường chỉ có thể thấy 5 hành tinh mà thôi. Người Trung Hoa cũng đã nghiên cứu riêng những thiên thể chuyển động, và gọi chúng là Cửu Diệu.

Cửu Diệu bao gồm: Thái Dương tinh, Thái Âm tinh, Kim tinh, Mộc tinh, Thủy tinh, Hỏa tinh, Thổ tinh, La Hầu tinh, Kế Đô tinh; trong đó 7 thiên thể đầu tỏa sáng, được gọi là Thất Chính.


I. Thái Dương (Nhật Tinh - Sun). Thái Dương tinh quân

Mặt trời, vầng Chân hỏa Thái dương ngày ngày soi sáng cũng gọi là Thái Dương Tinh. Theo quẻ của Dịch thì Thái Dương là một trong Tứ tượng, ứng vào hỏa nhiệt cực thịnh. Từ Nhật là mặt trời còn có nghĩa là Ngày. Quỹ đạo của Thái Dương trên bầu trời mà ta nhìn thấy gọi là Hoàng đạo. Lịch dựa trên mặt trời do đó gọi là Dương lịch.

Thái Dương còn được gọi là vầng Kim Ô – con quạ vàng. Theo truyện cổ, xưa ở giữa Đông Hải có cây Phù Tang (1), trên có bầy 10 con quạ vàng, mỗi ngày 1 con bay từ phương Đông sang phương Tây, soi sáng thế giới. Ngày kia Đông hải bão tố, cây Phù tang bị đổ, bầy quạ bay đậu khắp trời gây nên thảm cảnh. Hậu Nghệ là thần tiễn đã bắn rơi 9 con, chỉ để lại một, chính là vầng Thái Dương ngày nay.

Thái Dương tượng trưng cho sức mạnh, nam giới, luôn tràn đầy, cương mãnh, cho nóng, sáng, cực thịnh. Trên Thái Dương có cung Quang Minh, Tinh chủ là Thái Dương Tinh quân Thiên vương Đế quân, một trong những vị thần tối cao trên trời.


II. Thái Âm (Nguyệt Tinh – Moon) -
Thái Âm tinh quân

Mặt trăng, tòa Quảng Hàn Thái Âm soi sáng ban đêm là Thái Âm Tinh, cũng là một trong tứ tượng. Trên Thái Âm có cung Quảng Hàn, Tinh chủ là Thái Âm Tinh quân Thiên vương, là một người đàn bà (tuy vậy vẫn có trường hợp là đàn ông). Lịch dựa trên mặt trăng do đó gọi là Âm lịch

Mặt trăng còn gọi là Ngọc Thố - con thỏ ngọc, do những bóng đen trên đó trông giống con thỏ. Xưa kia, Hậu Nghệ sau khi bắn rơi mặt trời, đã lên làm vua và lấy Hằng Nga. Sau ông tìm được thuốc trường sinh, nhưng Hằng Nga đã lén uống hết, nên biến thành Tiên bay lên cung Quảng Hàn. Thái Âm tượng trưng cho nhu thuận, nữ giới, lúc tròn lúc khuyết, biết tiến thoái.

Ngày trăng non gọi là Sóc, nghĩa là mới, khởi đầu; ngày trăng tròn gọi là Vọng, nghĩa là nhìn. Hai ngày này là thời điểm quan trọng trong lịch mặt trăng. Đường mô tả quỹ đạo Mặt trăng trên bầu trời đêm gọi là Bạch đạo.


III. Thủy Tinh (Mercury) - Thủy Đức tinh quân

Sao Thuỷ gần Mặt trời nhất, có sắc xanh tối nhưng rất khó nhìn thấy đặc biệt trong điều kiện thành phố hiện nay. Sao Thuỷ được gọi là Thuỷ Diệu, trông coi bởi Thuỷ Đức tinh quân và cho rằng Thuỷ hội tụ bởi 5 khí. Trong truyện cổ tích, Thủy đức Tinh quân là Cung Công, người đã đập đầu vào núi Bất Chu làm sụt vòm trời, khíên Nữ Oa phải đội đá vá lại. Vì Thủy ứng với phương Bắc nên gọi đầy đủ là Bắc thần Ngũ khí Thủy Diệu.


IV. Kim Tinh (Venus) - Thái Bạch Tinh quân

Sao Kim là hành tinh sáng nhất bầu trời vào lúc sáng sớm và trước khi trời tối. Sao Kim mang sắc Trắng được gọi là Thái Bạch. Sắc trắng của Kim ứng với phương Tây, phương của quẻ Đoài trong Bát quái, nên gọi là Tây Đoài Thất khí Thái Bạch, còn gọi là Hàm Trì Kim tinh, trông coi bởi Thái Bạch Kim Tinh là ông già họ Lý. Sao Kim còn được gọi bằng hai tên khác là Khởi Minh tinh (Sao báo trời sáng) và Trường Canh tinh (Sao báo đêm dài tới - vì vậy Thái Bạch Kim Tinh còn được gọi là Lý Trường Canh). Thái Bạch kim tinh được coi là sứ giả của trời, vì luôn xuất hiện sớm nhất, trước tất cả các tinh tú cũng như trước cả Mặt trời.


V. Hỏa Tinh (Mars) - Hỏa đức tinh quân

Sao Hoả mang màu đỏ, là hành tinh mà thiên văn hiện đại quan tâm nhiều nhất. Màu đỏ là của phương Nam, phương của quẻ Ly là lửa trong Bát quái, và được coi là hội tụ từ ba khí, nên có tên gọi là Nam Ly Tam khí Vân Hán. Lửa Tam muội thì không gì dập nổi. Sao Hỏa chuyển động với chu kỳ chỉ gần 2 năm, chênh lệch so với trái đất không nhiều, gây nên hiện tượng là khi nhìn từ trái đất, nó lúc thì đi sang đông, lúc lại sang tây chứ không theo một chiều nhất định. Vì sự đổi thay đổi huyễn hoặc không thống nhất và khó hiểu đó, nên còn được gọi là sao Huỳnh Hoặc.

Tinh chủ của Hỏa Tinh là Nam phương Tam khí Hỏa đức tinh quân chính thần, trong truyện cổ tích là Chúc Dung, người đã từng đánh bại Cung Công, lại cũng có thuyết gán La Tuyên.

Trong việc xem tượng trời đoán vận mệnh, Sao Hỏa thường gắn liền với tai ương, vận hạn, có lẽ do màu đỏ của nó trên màu trời đen. Trong lịch sử Trung Hoa, việc “Sao Hỏa lâm vào địa phận sao Tâm” để mô tả điềm tai họa, đặc biệt cho vua, bởi sao Tâm tú cũng có màu đỏ. Sự kiện thời Hán Thành đế (đã viết) tin vào điềm báo Sao Hỏa lâm vào Tâm tú đã lấy đi mạng sống của một số người.


VI. Mộc Tinh (Jupiter)
- Mộc đức tinh quân

Sao Mộc, to nhất hệ Mặt trời, mang màu xanh, ứng với phương Đông, phương Chấn theo Hậu thiên Bát quái, nên được gọi là Đông Chấn Cửu khí Mộc Đức, vì được cho rằng Mộc do 9 khí hợp lại mà thành. Sao Mộc được dùng làm chuẩn cho việc tính lịch, thông qua chu kỳ quay xấp xỉ 12 năm , vì thế còn được gọi là Tuế Tinh hay Sao Thái Tuế.

Trong tiếng Hán, Nhật có nghĩa là ngày, Nguyệt có nghĩa tháng, còn Tinh có nghĩa là năm.


VII. Thổ Tinh (Saturn) - Thổ Đức tinh quân

Sao Thổ có màu hơi vàng, được gọi là Trung Ương Nhất khí Thổ Tú. Trên thực tế, Sao Thổ cách trái đất khá xa, nên việc quan sát nó rất khó khăn. Cũng theo quan niệm ngũ hành, Thổ thuộc về trung ương, mang tính bền vững, nền tảng. Chu kỳ của Sao Thổ lại rất dài, vì thế nó được coi là chỉ được tạo nên từ 1 khí, không nhiều biến đổi. Thổ Tinh cũng còn gọi là Thiên Can tinh, với ngụ ý nắm giữ quy luật vận động của bầu trời.


VIII & IX. La Hầu Tinh & Kế Đô Tinh

Đây là hai thiên thể không có thực. Trước kia, khi thấy mặt trời, mặt trăng bị che lấp tối đen, người Trung Hoa cho rằng do một giống quái vật khổng lồ ăn mất, tạo ra Nhật thực và Nguyệt thực (quái vật gấu ăn mặt trời, quái vật chó sói ăn trăng – có lẽ do hiện tượng chó sói tru đêm trăng tròn, mà nguyệt thực chỉ xảy ra vào đêm trăng tròn).

Thế kỷ I, Phật giáo từ Ấn Độ vào Trung Hoa, cùng với Phạn lịch, trong đó hai thiên thể che lấp mặt trời, mặt trăng được gọi là Rahu và Kethu. Người Trung Hoa phiên âm là La Hầu và Kế Đô. Hai “Sao” này tối đen, rất lớn và chỉ che lấp mặt trời mặt trăng chứ không che bất cứ thiên thể nào khác. Dù giả thuyết của Trương Hoành (78 – 139) về trái đất hình tròn và bóng của trái đất che lấp mặt trăng đã tíến đến chân lý, nhưng đã không được chấp nhận ngay khi đó.

Các tên tiếng Phạn tương ứng: Sao Thủy - Bhuda ; Sao Kim - Sukra ; Sao Hỏa - Angaraka ; Sao Mộc - Brhaspati ; Sao Thổ - Sanaiscara (hay Sani).
Được cảm ơn bởi: thachtranlxag
Đầu trang

Trả lời bài viết

Quay về “Kiến thức Thiên văn”