LUÂN LÝ ĐẠO ĐỨC

Trao đổi về lĩnh vực văn hóa và các môn cổ học khác
Trả lời bài viết
wwwbinh179
Nhất đẳng
Nhất đẳng
Bài viết: 202
Tham gia: 20:50, 22/01/13

LUÂN LÝ ĐẠO ĐỨC

Gửi bài gửi bởi wwwbinh179 »

BÀN VỀ SỰ DỊ ĐỒNG LUÂN LÝ ĐẠO ĐỨC
Đời xưa đời nay phương đông phương tây

Trời đất mở mang, loài người bẩm cái khí tinh tú mà sinh ra, da vàng, da trắng, da đen, da đỏ, trong thế giới có nhiều chủng loại khác nhau. Nói về nhân đạo, thì đời xưa đường qua lại chưa thông, các nước trên địa cầu này, mỗi nước riêng ở một phương trời, ở đâu yên đó, chưa từng có sự giao thiệp, song xét về căn bản đạo đức luân thường, thì vẫn sẵn có một tâm lý ngầm ngầm giống nhau. Thử xem những xứ rất rỡ mọi ở trong núi sâu rừng rậm, vẫn cũng có cái nhân đạo cha con, vợ chồng, kẻ lớn người nhỏ, và cái lòng thành thực trung chính, đủ thấy luân lý và đạo đức là tính lành tự nhiên sẵn có của loài người, chứ không phải là thói quen như gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, hay ở bầu thì tròn, ở ống thì dài đâu. Kinh thi có câu : “ Trời sinh dân chúng, có sự vật, có quy tắc, dân giữ lòng thành, điều yêu đức tốt “ là thế. Bởi vì trong một thế giới rộng rãi mênh mông, loài người sinh ở trong ấy, tín ngưỡng khác nhau, thì luân lý cũng có một đôi phần bởi đó mà khác nhau, nối theo đó, cái trình độ tiến hoá, triều lưu thường thường thay đổi, tất cả những gì không hợp với thời thế, tự nhiên phải đào thải lần lần, cho nên chế độ quân chủ, dân chủ, không thể không tuỳ theo nghĩa mà đổi mới. Tuy nhiên cái trường hợp ấy, cũng là thuận theo lẽ trời, thích ứng với lòng người, chế độ tuy đổi mà trật tự vẫn còn, tưởng cũng không phải là điểm thiếu sót của nhân luân, và cũng không phải là cái điểm lấy làm bi quan cho thế đạo. Ấy là cái nguyên nhân có sự dị đồng về vấn đề luân lý đời xưa đời nay, Phương Đông Phương Tây vậy.

Còn nói đến đạo đức, thì đời xưa đời nay, phương đông phương tây, cũng đồng một khuôn bánh xe mà thôi. Ta hãy nói về ngũ thường: Đạo nhân là lẽ trời lưu hành, yêu người thì được người yêu; nghĩa thì ta với người cộng lợi, kẻ trên người dưới, không bao giờ có sự tranh giành; lễ thì kính nhường thành một thói quen, trong đời có cái trật tự thái hoà; trí là biện biệt những lẽ phãi trái, gặp việc không đến lỗi lầm; tín thì xã hội nhân quần, lấy thành tín đãi nhau, không có thói mày lừa ta dối. Vậy thì Đạo Đức là cái mà loài người nhật dụng cần phải có, nhân cách nhờ đó mà hoàn toàn, nhân loại nhờ đó mà sống còn trong bầu không khí thân ái hoà bình vậy. Nói tóm lại, xử kỷ thì Đạo Đức là những đồ ăn uống để nuôi sống, ứng thế thì Đạo Đức là cái kim chỉ phương hướng để vượt bể khơi, vô luận đời xưa, đời nay, phương đông, phương tây, bỏ Đạo Đức đi, thì không thể nào sinh tồn được trên quả đất này nữa ấy thế mà đồng bào thân ái chúng ta, ít người biết dung hoà mới cũ , quí tiếc quốc hồn quốc tuý, chỉ bo bo cùng nhau rước đón những cái vật chất phồn hoa mới nhập cảng, mà nở lảng bỏ cái tinh thần Đạo Đức là một vật rất quý báu mà tổ tiên chúng ta đã để lại cho chúng ta trên mấy ngàn năm nay.

NGUYỄN HỮU HIỆT
Hội trưởng cổ học tỉnh hội Quảng Trị

Nguồn: Dẫn theo cuốn cổ học quý san in 1959

- Bài viết mang đậm tư tưởng nho giáo lấy ngũ thường làm tiêu chuẩn Đạo Đức, trong thời kỳ tư tưởng phương tây du nhập mạnh mẽ và đạo khỗng bị thoái trào. Bài viết hoặc nguồn sách, có điều gì không đúng quy tắc, thì kính nhờ quý Admin xoá giúp cho, hiểu biết hạn hẹp đọc thấy hay nên dẫn nguồn để mọi người cùng đọc, xin cám ơn !
Được cảm ơn bởi: 0981324132
Đầu trang

Trả lời bài viết

Quay về “Văn hóa - Cổ học”