Tổng hợp các bài viết của thầy NguyenVu

Các bài viết học thuật về môn Phong thủy, địa lý
Trả lời bài viết
Minh Di
Chính thức
Chính thức
Bài viết: 92
Tham gia: 00:02, 21/05/12

Tổng hợp các bài viết của thầy NguyenVu

Gửi bài gửi bởi Minh Di »

Được sự cho phép của thầy NguyenVu, tôi dần tổng hợp và đưa lên các bài viết cũ của thầy.
Thời gian sắp tới, thầy NguyenVu sẽ chia sẻ thêm nhiều bí quyết và kinh nghiệm thực tế của thầy.
Đầu trang

Minh Di
Chính thức
Chính thức
Bài viết: 92
Tham gia: 00:02, 21/05/12

TL: Tổng hợp các bài viết của thầy NguyenVu

Gửi bài gửi bởi Minh Di »

Bài 1. Các vấn đề cơ bản của địa lý Việt nam

Nội dung của bài viết này là đưa ra các đánh giá sơ bộ về địa mạch đất Việt nam, Lý giải các vùng địa linh trên vùng Bắc Việt thông qua địa mạch.Giới thiệu những vấn đề mấu chốt của hai trường phái phong thủy chủ chốt là : Tam hợp, huyền không phong thủy. Bài viết có nhiều chỗ dừng ở mức gợi ý nhất là phần bảo tồn , phục hồi các long mạch lớn. Sở dĩ tôi viết bài này với mong muốn là tìm những ngưòi có sự hiểu biết về các ngành học Phuơng Đông cùng nhau chia sẻ. Hai là tôi thực sự mong muốn có càng nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đến Phong thủy Việt nam ở bình diện phổ quát. Là người có nhiều cơ hội ngắm nhiều vùng đất bắc việt, có may mắn có nhiều tài liệu quý về phong thủy , thuật số, phù lục tôi sẵn sàng chia sẻ cùng các bạn có tâm huyết trong lĩnh vực này. Như chúng ta biết muốn giỏi Phong Thủy không chỉ hiểu địa mạch, lý khí mà còn phải giỏi cả những môn khác để hỗ trợ như lục hào, Phù thủy...vv mà có được kiến thức đầy đủ, đúng đòi hỏi phải là sự hợp sức của nhiều người.

Theo phong thuỷ thường sử dụng các dòng sông tự nhiên để phân chia sơn mạch, dòng sông lớn phân chia sơn mạch lớn, dòng nhỏ phân chia nhỏ.
Nếu chúng ta dùng hai dòng sông lớn Trường giang, và Mê công để phân ranh giới sơn mạch thì toàn bộ sơn mạch Việt Nam, Lào, phần phía nam sông Hoàng Hà có tổ sơn từ Tây tạng.
Như chúng ta biết phần nóc nhà thế giớI gồm có 4 dãy núi có hình dáng giống như một cái dạ dày. Dãy thứ nhất là Côn Luân được coi là tổ sơn của phần lớn Trung quốc, Mông Cổ, Nga. Dãy thứ hai là Tây Tạng phần đuôi chạy rẽ làm hai nhánh tay hổ về phần lớn Trung Quốc ( phía nam sông Trường giang, một phần về phía đông bắc của Việt Nam),nhánh tay long phần lớn là dãy Trường Sơn của Việt nam. Cả hai nhánh sơn mạch có hình dạng của cái đuôi cá, phần tam giác đồng bằng Việt Trì, Nam Định, Hải Phòng nằm ở vị trí giữa hai nhánh của sơn mạch. Trong đó Hà Nội ở vị trí trung tâm của tam giác. Dãy thứ ba Ê vơ ret phần lớn chạy xuống đồng bằng Trung Ấn chạy vào Thái Lan. Dãy thứ tư chạy xuống Ấn Độ. Như vậy nóc nhà thế giới là tổ tông của nhiều sơn mạch chạy vào nhiều nước khác nhau, dãy một và bốn xuất hiện hai nền văn minh cổ rất lớn của nhân dân sinh sống ở lưu vực các con sông lớn: Hằng Hà,Hoàng Hà.
Đầu trang

Minh Di
Chính thức
Chính thức
Bài viết: 92
Tham gia: 00:02, 21/05/12

TL: Tổng hợp các bài viết của thầy NguyenVu

Gửi bài gửi bởi Minh Di »

tiếp bài 1 ...

Như trên tôi đã viết tôi sẽ viết những nét chính về địa mạch Việt nam và các bài luận về hai trường phái địa lý mà theo tôi khó nắm bắt là Tam Hợp và Huyền Không.

Nếu như chúng ta đọc sách của cụ Tả ao thì thấy cụ chỉ đề cập phần Loan Đầu và lý khí tính theo Tam Hợp dưới dạng các câu thơ, cụ chưa hề đề cập đến Huyền Không. Vì Huyền Không mãi về sau này họ Thẩm mới truyền ra ngoài. Gần 10 năm trước cuốn sách Trạch vận Tân Án được dịch sang tiếng Việt, và sau này là Cổ Dịch Huyền Không, Thẩm Thị Huyền Không.
Trong Huyền Không học được chia ra Huyền Không Phi Tinh và Huyền Không Đại Quái. hiện giờ tài liệu về phần này chưa nhiều, nên có cái nhìn tổng quan về Huyền Không cũng khó dễ cho ra đánh giá ngay.
Phái Tam Hợp sử dụng một công cụ đặc biệt đó là La kinh (36 tầng) để hỗ trợ cho phần tính toán, việc nắm bắt được La kinh không đơn giản (về ý nghĩa cách sử dụng), tất nhiên Huyền Không cũng dử dụng La kinh, nhưng La kinh của Huyền Không khác với phái Tam Hợp.
Nhân đây tôi cũng xin bàn về sự lưu ý của anh " ".
Thuật phong thủy dùng đường phân thủy để chia ranh giới một cách "tương đối". Chính lẽ đó mà có hiện tượng một số Long mạch chạy qua sông lớn, một số vùng miền qui ước thuộc dãy núi A nhưng thực chất lại được sinh ra từ dãy B, tất nhiên đây là những trường hợp cá biệt. Cho nên khi phân chia vùng phụ thuộc vào tầm nhìn rất nhiều,nhìn đúng thì lợi cho tính toán và không mất nhiều thời gian điều chỉnh cách nhìn.
Thứ hai trong Phong Thủy thấy-có-thế của thủy thì không nhìn thấy thủy trước mắt vẫn có thể coi là thực thủy, không-thấy-thế của thủy mà có thủy trước mắt vẫn coi là hư thủy. Nên đối với việc biến đổi ở dưới hạ lưu các con sông không cần để ý nhiều, trừ trường hợp có đột biến quá lớn.

Sở dĩ đặt vấn đề địa mạch lên hàng đầu do tầm quan trọng rất lớn của nó, nếu không hiểu Loan Đầu thì không thể hiểu được phần lý khí của hai trường phái trên. Hơn nữa dựa vài sơn mạch chủ từng vùng người ta mới có thể tính được vận của vùng đó và có thể mở rộng ra. Hiểu được rõ lý thuyết thì lo gì về ứng dụng ông bạn TUVIGIA, nếu có duyên với diễn đàn tôi sẽ làm sáng tỏ nhận định trên.
Đầu trang

Minh Di
Chính thức
Chính thức
Bài viết: 92
Tham gia: 00:02, 21/05/12

TL: Tổng hợp các bài viết của thầy NguyenVu

Gửi bài gửi bởi Minh Di »

tiếp bài 1 ...

Tôi xin đính chính lại đối chút thực ra nóc nhà thế giới có thể chia làm 6 dãy:
-Dãy thứ nhất, là dãy Nam Sơn được ngăn với dãy Côn Luân bởi sông Hoàng Hà.
-Dãy thứ hai, là Côn Luân, được hai con sông lớn nhất của Trung Quốc bao bọc, sông Hoàng Hà và Trường Giang. Là tổ sơn của vùng đồng bằng rộng lớn nhất của Trung Quốc.
-Dãy thứ ba, được ngăn bởi hai sông Trường Giang và Mê Kông. Sơn mạch tổ của Việt Nam, Lào và phần phía nam sông Trường Giang của Trung Quốc
-Dãy thứ tư, chính là Bán đảo Trung Ấn ngăn cách bởi hai con sông Mê công và Xaluen.
(chú ý: dãy thứ ba, thứ tư đều từ xuất phát từ Tây Tạng)
-Dãy thứ năm, là dãy E vơ rét, được ngăn bởi hai con sông Xaluen và Bramaput.
-Dãy thứ sau, là dãy Hy Ma Lay A. Tổ của Bán đảo Ấn Độ, được ngăn bởi hai con sông Bramaput và sông Ấn
Đầu trang

Minh Di
Chính thức
Chính thức
Bài viết: 92
Tham gia: 00:02, 21/05/12

TL: Tổng hợp các bài viết của thầy NguyenVu

Gửi bài gửi bởi Minh Di »

tiếp bài 1...


Phần dưới đây tôi xin liệt kê ra các sơn mạch chính bao bọc vùng đồng bằng Bắc Bộ của Việt Nam.

Thứ nhất phải kể đến là dãy Hoàng Liên Sơn, một trong những đại cán long khỏe nhất của Việt Nam, được bao bọc bởi hai dòng sông lớn là sông Đà và sông Hồng.
Như chúng ta thấy sông Đà chảy vào Việt nam đi qua một loạt các tỉnh Lai Châu, Sơn la, Hòa Bình sau đó mới hội với sông Hồng. Sông Hồng chảy từ Trung Quốc qua Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, sau đó hợp với sông Đà ở gần Việt Trì, Tiếp đó hợp với dòng sông Lô ở Việt Trì. Dòng sông này chảy cắt ngang qua đồng bằng Bắc Bộ chảy ra cửa Ba Lạt ở Nam Định.
Sơn mạch thứ hai, là sơn mạch rất quan trọng. Sơn mạch này được ngăn bởi sông Đà và sông Mã, Chạy từ Lai Châu, Sơn La, Mộc Châu. Phần cuối của sơn mạch này có hình rẻ quạt một đầu là núi Tản Viên nơi ngự của thần Tản Viên, một đầu ở Ninh Bình, Tam Điệp, cùng với đường phân thủy của con sông Hồng Chảy từ Việt Trì ra cửa Ba Lạt. Thì đây là đại cán long của các vùng Hà Tây, nột phần đất của Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình.
--
Phần địa mạch chạy từ cao nguyên Vân Quý bên Trung Quốc sang nước ta tên gọi là dãy Con Voi được bao bọc bởi sông Đà và sông Chảy nối liền vớI sông Lô Hội ở Việt Trì là sơn mạch của vùng Phú Thọ vùng đất gắn với truyền thuyết về các vua Hùng, Hai Bà Trưng.
-Từ Trung Quốc cánh cung sông Gâm, và phần sơn mạch chạy qua Bắc Kạn và cuối là dãy Tam Đảo, được bao bọc bởi sông Cầu chảy từ Bắc Kạn, sông Lô, sông Hồng, sông Đuống là chủ sơn của vùng Đông Anh, Cổ Loa (Hà Nội).
Sông Đuống được rẽ nhánh từ sông Hồng ở đoạn gần Nhật Tân (Hà Nội) chảy ra Lục đầu giang. Con sông này dưới thời nhà Lý tên là Thiên Đức. Theo hiểu biết của cá nhân tôi, dòng sông này đã bị nắn dòng dưới thời nhà Nguyễn nhằm triệt hạ các sĩ phu Bắc Hà. Hiện nay dấu tích của dòng Thiên Đức cũ chảy qua một số làng của huyện Gia Lâm như Sủi, Dương Xá… vẫn còn và khá thơ mộng. Dòng sông cũ này bao bọc lấy làng Sủi, một trong số ít những làng quê có nhiều danh sĩ , như Cao Bá Quát, Nguyễn Huy Lượng.. và là làng duy nhất có 4 thượng thư đồng triều dướI thời Lê.

-Bắt Nguồn từ Trung Quốc các cánh cung Ngân Sơn, cánh cung Bắc Sơn, dãy Cai Kinh ngăn bởi sông Cầu ( Nguyệt Đức), Sông Thương ( Nhật Đức) là cán long của vùng đất Kinh Bắc.
-Sơn mạch chạy qua Lạng Sơn bao bọc bởi sông Thương, sông Lục Nam là cán long của vùng Bắc Giang.
-Cánh cung Đông Triều nơi toạ lạc của chùa Yên Tử, nổi tiếng với dòng thiền Trúc Lâm của Việt nam, có hình dáng giống như nam quạt là đại cán long của một vùng rộng lớn đồng bằng Bắc Bộ : Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình.
Ở ranh giới giữa Hải Phòng và Quảng Ninh là vùng đất thuỷ nguyên, nơi sơn xanh, thuỷ tú hiếm thấy cũng đang có nguy cơ bị xoá sổ bởi những nhà máy xi măng chết tiệt.
-Vùng tam giác đồng bằng Bắc Bộ được chia làm hai bởi con sông Hồng, và được hai mặt sơn mạch hội lại, mặt thứ ba là biển Đông, trước mặt là án sơn Hải Nam (Trung Quốc). Như vậy với tổ tông Tây Tạng Long Hổ hùng cường, mặc dù có phần phá cách nhưng vẫn tạo nên một thế đất yên hùng khiến cho bác láng giềng phải đề phòng, kìm hãm.
Các cán long liệt kê ở trên đa số đều là nơi phát sinh của các triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam, cùng rất nhiều nhân tài của đất Việt.

Trong quá trình khảo sát sơn mạch tôi thấy có một vùng đất tương đối đặc biệt, đó là Cao Bằng. Sơn mạch chạy từ Trung Quốc bao bọc bởu sông Bằng chảy từ Việt Nam hội với sông Tả Giang chảy sang Trung Quốc. Sông Bằng là 1 trong số ít dòng sông chảy từ Việt Nam sang Trung Quốc, và vùng đất Cao Bằng chỉ chiếm một phần sơn mạch bao bọc bởi hai con sông nói trên, phần còn lại của Trung Quốc. Điều này có liên hệ gì vớI việc cụ trạng Trình khuyên nhà Mạc không ? "Cao băng tuy thiểu , sổ thế dung thân", và vùng đất này còn gắn với một địa danh cụ thể hang Bắc Bó, cũng đáng để ta suy nghĩ.
-Phần sơn mạch chạy từ cao nguyên Hủa Phan bên nước láng giềng Lào chạy sang Việt Nam, được ngăn cách bởI con sông Mã có thượng nguồn từ Điện Biên và sông Chu là cán long của vùng đất Thanh Hóa. Vùng đất này còn được bao bọc thêm 2 mặt bởi dãy Tam Điệp và núi Nưa.
-Tiếp theo từ đất Hà Tĩnh trở vào đến vùng đồng bằng sông Cửu Long (Mê Kông), đều có chung đại cán long là dãy Trường Sơn.
- Vùng đất bán sơn bán địa của vùng Hà Tĩnh sinh ra từ dãy Hoành Sơn, được các dòng sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, sông Nghèn bao bọc. Đây là một vùng đất sơn thuỷ hữu tình, sơn mạch khoẻ chạy từ dãy giăng màn từ Lào sang, là địa phận của châu Hoan, châu Ái xưa kia, là vùng đất mà cụ trạng Trình khuyên Nguyễn Hoàng vào Trấn thủ “Hoành sơn nhất Đới khả dĩ dung thân”.
- Huế, nơi đặt kinh đô của triều Nguyễn, được bao bọc bỏi sông Hữu Trạch, sông Bổ chảy ra cửa Thuận An, Tư Hiền, phía nam được dãy Bạch Mã ôm lấy. Sơn mạch từ Trường ra chạy ngược chiều.
- Vùng đồng bằng sông Cửu Long, được chia làm hai phần rõ rệt, bởi sông Cửu Long. Vùng phía bắc sông được sinh ra từ sơn mạch của dãy Trường Sơn (Tay long). Vùng phía nam được sinh ra bởi sơn mạch chạy từ Thái Lan, qua Cam Pu Chia chạy sang Việt Nam. Như vậy là hai vùng đất này có hải chủ sơn khác nhau hoàn toàn, nhưng cùng có đặc điểm chung là hai sơn mạch tương đối trường viễn cùng xuất phát từ Tây Tạng. Mặt khác vùng đất đồng bằng sông Cửu Long được thuỷ ở hạ lưu của nhiều con sông bao bọc, tạo ra một vùng địa lợi lớn ở phía nam Việt Nam.
--
- Khi xem xét đến phần địa mạch miền Nam, tôi có một thắc mắc?
Về vị trí chiến lược cho vùng đồng bằng sông Cửu Long là Cao nguyên Lâm Viên, cùng với ba vị trí trọng yếu , núi Derbgi, núi Chư Yang Sin, núi Vọng Phu. Còn vùng cao nguyên Đắc Lắc chỉ là thế giao tranh sao lại có thể nói Ban Mê Thuột là vị trí yếu huyệt được?
Đầu trang

Minh Di
Chính thức
Chính thức
Bài viết: 92
Tham gia: 00:02, 21/05/12

TL: Tổng hợp các bài viết của thầy NguyenVu

Gửi bài gửi bởi Minh Di »

tiếp bài 1...

Phía trên đây là toàn bộ phần mô tả địa mạch Việt Nam khái quát. Dưới đây tôi mô tả thêm vùng đất Hà Nội ( Xin lỗi là tôi không mô tả chi tiết và và bình luận).

Địa mạch Hà Nội: Như phần đã mô tả ở trên theo sự phân nhánh của dòng sông Hồng thì Hà Nội ngày nay bao gồm cả ngoại thành có ba chủ sơn khác nhau. Trong phần viết dưới đây tôi chỉ mô tả lại phần địa mạch của kinh thành Thăng Long xưa.
Trong chiếu dời đô của Lý Công Uẩn mô tả thế đất của kinh thành "Ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông, tây. Tiện nghi núi sông trước sau. Vùng này mặt đất rộng bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ, thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tốt tươi phồn thịnh”
Trước khi là kinh đô của nhà Lý, năm 791 Thứ Sử Tàu là Triệu Xương đặt ra Đại La, năm 867 Cao Biền tu bổ thành và làm rộng ra , chu vi được 8000 bộ, dài hơn 1982 trượng, cao 2 trượng 6 tấc , ngoài lại đắp một con đường bao bọc dài 2125 trượng, cao một trượng rưỡi, rộng 2 trượng.
Mô tả sơ qua địa mạch Thăng Long cổ:
Ta lấy kinh thành làm trung tâm để xét thì có hai phụ mẫu long chạy từ phía tây và tây nam chạy vào giao nhau tại khu vực thành, và khu phố cổ Hà Nội. Hai hồ Tây và Hoàn Kiếm là minh đường cho hai phụ mẫu long này, trước đây 2 hồ này rất rộng, hiện nay bị lấp đị nhiều ( hồ Hoàn Kiếm ra đến tận phố Hàng Chuối). Ở phía ngoài có sông Hồng bao bọc thanh một hình vòng cung, phía trong có 2 dòng sông nhỏ bao bọc, sông Tô Lịch ở vòng trong , sông Nhuệ ở vòng ngoài. Cả hai con sông này đều bắt nguồn từ sông Hồng, một từ đoạn gần Cầu Thăng Long(sông Nhuệ), một từ gần ô Quan Chưởng (sông Tô Lịch), hai con sông nay gặp nhau ở Tả Thanh Oai, rồI song hành vớI sông Hồng chạy xuống Lý Nhân (Hà Nam) rồI lại nhập với sông Hồng, một nhánh khác ra sông Đáy.
Hà Nội xưa có 4 hồ Lớn: Tây Hồ, Trúc Bạch, Bảy Mẫu, Hoàn Kiếm và rất nhiều ao hồ nhỏ. Có 4 đền gọI là tứ trấn: Quán Thánh, Bà Kiệu, Voi Phục, Kim Liên. Xét về hình thế và địa mạch thì quả thực Thăng Long là một thế đất hiếm có.
Được cảm ơn bởi: askme, Quan Nguyen
Đầu trang

Minh Di
Chính thức
Chính thức
Bài viết: 92
Tham gia: 00:02, 21/05/12

TL: Tổng hợp các bài viết của thầy NguyenVu

Gửi bài gửi bởi Minh Di »

tiếp bài 1...

Vấn đề trấn yểm:
Tôi tạm phân ra làm 2 cách thức
Cách thứ nhất là cách của các thầy địa lý thường làm. Cách này dựa trên cơ sở của sự hiểu biết hình thế, lý khí Phong Thủy các thày tương tác vào làm giảm hoặc mất hết đi cái tốt của một vùng , thế đất. Tất nhiên cũng có chiều ngược lại. Họ có thể dùng tác động cơ học, hoặc sử dụng các trận đồ trấn yểm ở qui mô lớn. Dùng lục hào ứng sự ở quy mô nhỏ. Những tác động kiểu này ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài, thâm diệu.
Cách thứ hai là tác động của các thày phù thuỷ, luyện âm binh, phù chú tác động vào đất cát, loại này tác động không thể lớn và lâu dài được, nhưng có hiệu quả nhanh. Xưa kia xem ra Cao Biền có sự hoà hợp của hai thì phải.
Đầu trang

Minh Di
Chính thức
Chính thức
Bài viết: 92
Tham gia: 00:02, 21/05/12

TL: Tổng hợp các bài viết của thầy NguyenVu

Gửi bài gửi bởi Minh Di »

tiếp bài 1...

Tôi xin được tiếp tục bài viết
Phong thuỷ theo nghĩa đen, phong là gió, thuỷ là nước. theo quan niệm của người xưa, an táng người chết là sự thừa thụ khí . Khí theo phong mà tán , gặp thuỷ thì dừng lại. Người ta làm cho khí tụ mà không tán, hành sử làm cho khí dừng lại gọi là phong thuỷ.
Nhìn chung phong thủy là một trong những phân nhánh trong lĩnh vực thuật số, chuyên nghiên cứu phương pháp tìm địa thế, phương hướng làm nhà, đặt mộ để tìm cát tránh hung.
Phong Thuỷ còn có tên khác là "Kham dư", Kham ám chỉ thuận theo thiên đạo, dư ám chỉ theo địa đạo ( theo đạo của thiên và đạo của địa)
Có thể nói thuật ngữ "Khí" trong phong thủy là cấu trúc vật chất vi mô là bản nguyên cấu tạo nên vạn vật trong vũ trụ. Vô cực trong lý học đời Tống hay thái cực trong Kinh Dịch đều cấu tạo từ khí.
Luận thuyết về khí phát triển thành học thuyết "Lục khí", có thể coi là 6 loại hiện tượng cơ bản trong trong sự vận động biến hoá trong tự nhiên.
Khí lại được chia ra sinh khí, và tử khí. Sinh khí còn gọi là hỷ khí, dương khí. Âm khí còn gọi là ác khí, sát khí.

Khí chia ra khí âm, khí dương, tương phản tương thành tạo ra ngũ khí: Kim ,Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Đó là cở sở của lý luận âm trạch trong "Táng kinh"
Cơ sở Lý thuyết của phong thủy cổ đại được cấu thành từ sự kết hợp của Dịch học với luận thuyết về lý khí, cửu tinh thuật, các luận thuyết về Thiên can, Địa chi, nhị thập bát tú, bát môn...vv
Đầu trang

Minh Di
Chính thức
Chính thức
Bài viết: 92
Tham gia: 00:02, 21/05/12

TL: Tổng hợp các bài viết của thầy NguyenVu

Gửi bài gửi bởi Minh Di »

tiếp bài 1...

Tiếp cận phong thủy theo cách thức toàn diện hơn, ta có thể coi phong thủy là một môn kết hợp giữa kiến thức cổ phương Đông và kiến thức hiện đại giúp con người tạo ra một môi trường thích hợp cho người sống, tạo ra môi trường tốt cho người chết sao cho ảnh hưởng với người sống là tích cực.
Hạt nhân cơ bản của môi trường là trường khí. trường vật chất tổng hợp của các loại trường có trong vũ trụ ảnh hưởng, tác động lên con người.Trong thực tế ta chỉ xét đến những trường ảnh hưởng lớn đến con người, tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt ta vẫn phải chú ý đến các trường năng lượng khác, ví như trường điện từ chẳng hạn. Để tiếp tục với những luận điểm của mình tôi xin được nhắc lại một số nguyên lý của triết hòc cổ phương Đông:
- Nhất âm nhất dương chi vị đạo
- Âm dương hỗ căn
- Nhất vật nhất thái cực
- Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên.
Trong quá trình nghiên cứu phong thủy ta thấy công việc tầm long, điểm huyệt rất quan trọng, vì trong công việc này người ta đi tìm khí của địa mạch làm chính. Tam Hợp phái rất mạnh trong việc tính toán long, huyệt, sa, thuỷ. Cơ sở tính toán sử dụng Thiên can, Địa chi, nhị thập bát tú, bát môn...vv
Mặt sự vận động biến hoá của khí trong tự nhiên mang tính chất của thiên khí có tính quy luật. Trường phái tiểu biểu trong phong thủy đi theo xu hướng này là Huyền Không, cơ sở của nó là sự vận động của thiên khí ảnh hưởng trên trái đất theo các phương vị khác nhau ở các thời điểm khác nhau có tính qui luật và họ sử dụng lượng thiên xích bộ vị tổng quan là cơ sở thực hành tính toán.
Con người cũng có trường năng lượng và sử dụng cơ sơ tính toán là mệnh có thể tính theo nạp âm, phi tinh trị niên.
Thiên Địa Nhân được phân ra trong quá trình nhận thức nhưng hoàn toàn cũng có thể sử dụng mang tính ứng dụng. Chẳng hạn khi làm nhà đặt huyệt trên vùng đất có địa mạch tốt dùng cách tính toán của phái Tam Hợp làm chủ. Khi không ở trên vùng đất tốt thì dùng Huyền Không làm chủ cho tính toán.
Thực ra các mô hình mà Tam Hợp, Huyền Không đưa ra cũng vẫn có nhiều hạn chế ví như phương vị tính toán tối đa 72, số mệnh tối đa tính tinh vi 60 qui về đơn giản là 5, hoặc 8 trong huyền không, nếu tính cả phối mệnh nữa thì cũng chỉ có 64. Bản thân trong mỗi môn đều có những hạn chế mạng tính nội tại ví như kiêm hướng quá 5 độ là Huyền Không không tính đuợc ( không luận được cát hung).
Nhìn một cách tổng thể phối của 2 môn ta có những quan hệ chính trong phong thủy như sau:
Long, Huyệt, Sa, Thuỷ, Hướng, Mệnh, Vận
Chúng ta không cần bàn nhiều về quy chuẩn tốt xấu của các yếu tố trên nhưng ta nên chú ý những điểm sau:
Hướng hiểu trong quan hệ với toạ. Theo quan niệm phong thủy toạ tương ứng với phúc đức cung, hướng mang nghĩa tương tác với bên ngoài. Vậy là cả hướng lẫn toạ đều được phong thuỷ coi trọng, tuy nhiên Âm trạch dĩ âm vi chủ, dương trạch dĩ dương vi chủ. Từ nguyên lý " Nhất âm nhất dương chi vị đạo" ta suy ra một điều dương trạch thiên về dương vẫn phải chú ý đến âm. Âm phần thiên về âm vẫn phải chú ý đến dương.
Từ nguyên lý "Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên" ta suy ra con người chịu ảnh hưởng trực tiếp của địa nên phải chú ý đến địa mạch trong phong thủy nhiều hơn mặc dù địa cũng vận động theo quy luật của thiên. Vì vậy khi ứng dụng phong thủy ta phải xác định định nguồn năng lượng chính là nguồn nào để dùng cho thích hợp đối với căn nhà cụ thể. Cách tốt nhất là phối nhiều phương pháp để tìm được nhiều yếu tố cát, tránh hung. Tuy vậy ngay cả trường hợp tốt cũng phải đề phòng trường hợp cực thịnh.
Trong thực tế những khu trung cư nơi đô thị mọc lên thì việc sử dụng Huyền Không phong thuỷ mang vai trò chủ đạo, cần phải chú ý đến địa hình, toạ hướng và thời điểm xây dựng thì mới mang sự phồn thịnh cho đông đảo quần chúng.
Mặt khác cũng phải chú ý đến kiến trúc, trang trí màu sắc, bố trí nội thất theo quy tắc của phong thủy cũng tham dự phần vào tạo nên không gian sinh hoạt dương trạch tốt.
Ở trong nước gần đây người ta đã và đang quan tâm đến việc qui hoạch những công viên nghĩa trang phục vụ nhân dân và cũng đã chú ý đến phong thủy truyền thống cũng là những tín hiệu đáng chú ý, những phải đề phòng làm không đúng quy cách.
Đến đây tôi xin được kết thúc bài viết của mình, hy vọng rằng những hiểu biết nhỏ của tôi sẽ giúp ích cho các bạn.
Đầu trang

bruce-lee
Mới gia nhập
Mới gia nhập
Bài viết: 31
Tham gia: 10:35, 20/12/09

TL: Tổng hợp các bài viết của thầy NguyenVu

Gửi bài gửi bởi bruce-lee »

Một bài viết ý nghĩa, cô đọng chứa đựng nhiều thông tin giá trị, bao trùm gần như toàn bộ Học thuyết về phong thủy. Cám ơn thầy Nguyên Vũ, cảm ơn Minh Di về bài viết!!
Đầu trang

Trả lời bài viết

Quay về “Kiến thức Phong thủy”