Truyện ngắn : Vợ chồng chú sáu Tắng

Trao đổi về lĩnh vực văn hóa và các môn cổ học khác
Trả lời bài viết
crystal83
Chính thức
Chính thức
Bài viết: 54
Tham gia: 06:32, 27/03/13

Truyện ngắn : Vợ chồng chú sáu Tắng

Gửi bài gửi bởi crystal83 »

TRUYỆN NGẮN: VỢ CHỒNG CHÚ SÁU TẮNG
TÁC GIẢ : TRẦM TƯ MẶC.
Vợ chồng chú Sáu Tắng sống ở làng quê Tân Thành Tỉnh Gò Công khi xưa. Người dân làng Tân Thành, từ già lão đến trẻ con, đều biết đến vợ chồng chú Sáu Tắng.

Sự đời rủi ro, cả hai chú thiếm đều tàn tật, dị tướng dị hình, không được bình thường. Ông Trời chẳng bất công, nên đã ghép đôi cho hai người thành vợ chồng “xứng lứa vừa đôi”, “nồi nào vung nấy”! Chú thì dị tật đôi chân, cẳng lớn cẳng nhỏ, đi đứng cà thọt, cần cổ cà niễng, rút ra rút vô, ngó qua ngó lại, như “ông rùa” vừa bò lên khỏi nước. Thiếm Sáu nhỏ người hơn chồng, bàn tay bên dài bên ngắn, cái đầu cứ luôn “lắc lắc lư lư”, như không vừa lòng một điều gì! Dân làng thường cười vui khôi hài dí dỏm nói rằng “Có phải vợ chồng Sáu Tắng là tiên mắc đọa, bị ông Trời đày xuống trần gian, chịu nạn chịu khổ cho đến hết đời, rồi mới trở lại về Trời?!

Chú Sáu thiếm Sáu làm nghề ăn xin độ nhật. Vậy mà đi đâu vợ chồng vẫn có đôi bên nhau. Hằng ngày đi xin ăn ở chợ “đồng xu đồng cắc đồng hào”, túi áo bỏ vào cũng rủng rỉnh. Ði vòng quanh hết chợ, đầu dưới đầu trên, xem chừng như ai ai cũng cho tiền rồi, “ông bà” dìu nhau đến nhà máy xay lúa xin gạo. Sáu Tắng cầm cái rổ nhỏ, hai tay runrun, chìa qua đưa lại, trước mặt mọi người đang xay lúa. Thiếm Sáu đeo cái bị nhỏ bằng lác, hai quai tròng qua cổ để đựng gạo mỗi lần có người cho. Chồng đi “cà chọt” đằng trước, vợ đi “cà chẹt” sau lưng, tay quơ cái rổ đổ gạo vào bị…rồi di chuyển tiếp tục nhận “chiến lợi phẩm”. Mấy dì mấy cô xay lúa, xay gạo, không ai nở nào làm ngơ. Mỗi người một nhúm tay, hoặc có khi một lon sữa bò, bố thí cho vợ chồng Sáu Tắng, để có cơm ăn qua ngày.

Hai vợ chồng không có con. “Thiếp và chàng” yêu nhau trong tình “cháo rau”, có một lần ông Trời cũng cho thiếm có bầu, rồi bị hư mất. Một bữa Trời mưa lớn rồi thưa hột. Mưa tạnh, nhưng đường đất còn trơn trợt. Vợ chồng đi đâu vô xóm trong trở về “cà khêu cà kheo”, té lên té xuống, làm thiếm Sáu bị hư thai. “Thằng nhỏ” chắc cũng chẳng muốn ra đời, trong hoàn cảnh cha mẹ tật nguyền nghèo khổ…! Lúc đó, khi vừa xuống giữa chừng dốc nhỏ, để qua “cầu ván đóng đinh” bắt ngang sông làng, chú Sáu trợt chân ngã toàn thân xuống vũng nước. Thiếm Sáu “cà khêu cà khọt”, cố đỡ chồng đứng lên, lại trợt chân lôi hai vợ chồng té nhào, làm thiếm bị đau bụng bầu. Sáu Tắng lòng thương vợ xốn xang, tại lo đỡ cho mình mà “nàng” mới té, nên miệng cứ ngọng nghệu hết lời an ủi :

-“Nghìn (mình) “khương”(thương) tui hông “nghìn”? “Tui” “khương” “nghìn” nhiều nhiều “hắm hắm” (lắm lắm)! Rồi chú tưởng tượng vò vò đầu thằng nhỏ còn nằm trong bụng vợ, thỏ thẻ với con :

-Con có “au” (đau) hông ? Ðể tui “khức”(xức) dầu cù lòa (cù là) cho mi hén!...

Về nhà, đêm đó vợ Sáu Tắng hư thai, báo hại cả xóm thức dậy, vì bà vợ đau bụng “cầm canh”, la làng bải hải!... Xe “Lam” chở thiếm Sáu đi nhà thương. Các bác sỹ cứu được mẹ, mà đứa con không cứu được. Vợ chồng khóc kể “ngọng nghệu ngòm ngoàm”, làm cả làng ai cũng thương xót.

Mỗi ngày đi xin về, chú thiếm cũng biết cuốc đất trồng cải trồng rau, nuôi vài ba con gà con vịt. Như sáng nay đây, chú Sáu đang cuốc đất lên giồng khoai. Tay chân “cà quẹt cà quèo”, mà cũng vun được mấy giồng khoai lang. Thiếm Sáu lựa mấy củ khoai nào làm giống tốt, vừa xin được ở chợ, moi lỗ xuống giống trên giồng. Hễ thấy chồng vun xong một bờ mô, bà vợ xuống giống liền chỗ đó…làm chú Sáu cười vui thỏa lòng. Chú lại hỏi thiếm :

-“Nghìn” (mình) “khương” (thương) tui hông “nghìn”?

Thiếm Sáu bực mình xẵng giọng :

-É! Ta nói “khương”(thương) mà cứ hỏi hoài! “Dô diên” (vô duyên) hè!

Chừng lên được hai giồng lang, chú Sáu Tắng nghe mệt, nên buông cuốc ngồi nghỉ xả hơi. Chú mò tay vô túi áo lấy thuốc rê ra dấn, rồi rề qua châm lửa nơi “con cúi” rơm đốt ung muổi còn cháy đỏ. Miệng chú bập bập điếu thuốc phì phò, mắt cứ ngó quanh tìm vợ coi ở đâu? Thiếm Sáu đang cho con gà con vịt ăn. Tay thiếm nhúm nắm thóc, miệng gọi gà gọi vịt “kía kía kía, kia kia kia,cúc cúc cúc…” mau đến nhận mồi!

Kể lại thời niên thiếu, hồi chú thiếm Sáu Tắng còn nhỏ, hằng ngày cũng được cắp sách đến trường, học từ lớp vỡ lòng. Cha mẹ là dân làng nghèo khó, quanh quẩn làm ruộng cuốc rẫy, sống lâu đời qua nhiều năm tại làng Tân Thành. Dân tình nghèo khó thiếu ăn, nhưng ai ai cũng cho con đi học, theo lời của chính quyền khuyến khích. Ông “Cả làng” thời đó, giao trách nhiệm cho thầy “Hương Giáo” lo chuyện học hành cho trẻ con trong làng. Thằng “Tắng” con “Tằng” học chung một lớp mẫu giáo, được thầy giáo phân chia ngồi hai bên dãy bàn học trò, bên gái bên trai. Bất hạnh là hai đứa đều bị dị tật. Tội nghiệp trẻ con còn hỉ mũi chưa sạch, mà phải chịu tật nguyền. Hằng ngày đi học đến trường thật là khó khăn, ăn nói ngọng nghệu, nên bạn học lúc nào cũng trêu chọc : “Lêu lêu thằng Tắng con Tằng…! Một bữa, trong lớp học tới giờ tập đọc. Thầy giáo dạy từng chữ từng vần vỡ lòng: “A,bờ,cờ,dờ,đờ,gờ,hờ…(abcdđgh), rồi học trò đọc lại đồng âm, theo nhịp gõ cây thước thầy đang cầm trong tay. Trò Tắng được thầy gọi đọc lại “ngọng nghệu đớt đát”, mà đầu cứ “cà niễng” qua lại hai bên, “a,ờ,ờ,ờ,ờ,ờ,ờ…chữ nào cũng “ờ”, làm bạn học tí hon cũng cười ra nước mắt. Tới phiên con Tằng đứng dạy đọc cũng “cà đớt cà đát”, cả lớp cười ré, té ngửa té ngang. Vậy mà hai đứa cũng học tới lớp Ba, rồi cha mẹ cho nghỉ học ở nhà đi mót lúa. “Cà ngọng cà nghệu” học hoài có biết gì đâu?

Hồi đang học lớp Ba, các bạn học đứa nào nay cũng “lớn lớn”, nên biết cắp đôi cho hai đứa.

Thằng lớp trưởng nói :

-Trò Tắng trò Tằng “hầm bà lằng sắn cấu”…đi qua cầu sấu cắn! (Nó bắt chước mấy người lớn trong làng hay nói giởn chơi).

Bọn học trò nhỏ cười vui rồi hỏi :

-Cái gì mà hầm bà lằng…lại đi qua cầu sấu cắn…?

Lớp trưởng giải thích :

-Thì hai đứa nó… vậy vậy đó…đó đó…!

Trò Tắng đổ quạu :

-“Kao” không có “ẹo” (ghẹo) tụi bây há!

Trò Tằng binh bạn hùa theo :

-“Kao” (tao) “ét”(ghét) “kụi” (tụi) bây như “cá hấu”(cá sấu), cứ hay ăn “khịt” (thịt) người ta. “Kao” (tao) “dìa”(về) “mét má mét ba” “ánh”(đánh) đòn tụi bây đó!..., làm cả bọn lại cười như nắc nẻ.

Lần lần qua thời gian hai đứa lớn lên, sống trong làng được bình yên. Ông bà cô bác xóm làng, cũng để ý chăm lo cho hai đứa nhỏ ngọng nghệu tật nguyền. Nhà ba má thằng Tắng ở đầu thôn. Nhà ba má con Tằng ở giữa thôn, phía sau nhà con Tằng lợp nóc lá dừa, có cái mương nhỏ, nước rẽ vào từ ngoài sông. Con Tằng hễ sáng thức dậy ra mương mò cá, bữa nào cũng réo bạn thân của mình: - Anh “Ắng” ơi! Quớ anh “Ắng”! Mau ra mương mò “á” (cá) cho “á” (má) kho tiêu! Rồi nó cằn nhằn:

-“Hủ” (ngủ) gì “hưa” (trưa) quá cha nội!

Sáu Tắng nghe bạn gọi, chạy nhanh “cà xiêng cà xẹo” ra mương mò cá. Hai đứa quậy tan nát cái mương nước đục ngầu, bắt được vài con cá lóc cào cững. (cá nhỏ) rồi chia hai. Con Tằng khôn quá trời, đề nghị với thằng Tắng :

-“Ầy”(mầy) “ớn” (lớn) hơn “kao”(tao) thì làm anh. Anh thì phải “hường”(nhường) cho em. “Kao” (tao) 4 con, còn “ầy” 2 con…hông chịu “khì” (thì) “khôi”(thôi)!

Anh Tắng sợ em giận, nên nói mau liền :

-“iệu,iệu,iệu(chịu chịu chịu) mà! Hai con cá “ngóc”(lóc), má anh “ấu” canh với lá “ốc”(cốc) “on” (ngon) lắm!

Ông bà cô bác thương tình, thấy hai đứa bây giờ là thanh niên thanh nữ. Tuy nhà nghèo “ngọng nghệu”, mà thân tình với nhau, nên đề nghị “Ông Cả” làng cho hai đứa “se duyên cầm sắt”. Cha mẹ được gọi lên “nhà việc”(nhà họp trong làng), để “ban hội tề” (chức sắc trong làng” chỉ bảo.

Nhà việc họp dân. Ai ai cũng được gọi đến để góp ý kiến. Bác “Hương Kiểm” mở đầu . Bác nói :

-Tôi để ý thấy thằng Tắng con Tằng nay đã đến tuổi “cặp kê”, nên muốn dựng vợ gả chồng cho hai đứa nó, dân làng tính coi ra sao?

Thầy “Hương Thân” góp thêm ý :

-Ý tôi cũng muốn “cáp” cho hai đứa cho rồi! Bà con nghĩ sao?

Bác “Hương Hào” góp lời dè dặt :

-Trời mẹ ơi! Hai đứa nó có tật nguyền làm sao sanh đẻ? Không khéo đây rồi mình hại tụi nó chớ chẳng chơi đâu à!

Bác “Hương Giáo” nãy giờ ngồi làm thinh, giờ lên tiếng :

-Trai gái trong làng lớn lên phải có vợ có chồng. Tôi thấy tụi nó thương thương nhau lắm, từ lúc còn nhỏ đi học. Có tật có tài không sao đâu!

Bà con dân làng rộ lên đồng ý, rồi đề nghị “lo đám” cho trẻ, phụ giúp ba má của tụi nó.

Bà Bảy ông Bảy nói :

-Vợ chồng tôi lo đãi cơm cho khách!

Vợ chồng “Mười Méo” nói theo :

-Chúng tôi lo mai mối, trà quả, cau trầu, cho đủ lễ!

Mấy cô cậu thanh niên trai tráng trong làng hứa xung phong:

-Mấy đứa “tụi tui” làm cổng, treo đèn kết hoa bông Bụp!

Tía má thằng Tắng con Tằng cám ơn “Cả làng”, ban hội tề và tất cả dân làng.

Ðám cưới vợ chồng Sáu Tắng cũng “rình rang xôm tụ”. Có đãi ăn thịt gà thịt vịt, dưa giá cá kho, có canh khổ qua dồn cá thác lác, bắt ở dưới đìa nhà Năm Tửng. Bà con dân làng được mời, người ngồi bên trong, kẻ đứng chật cứng bên ngoài, đồng vui cười khôi hài chúc mừng cho hai trẻ : “Tắng Tằng lên mây! Hai đứa bây đi xây tổ ấm!...Nhớ tắm phải…bận quần…!

XxX

Làng quê thanh bình. Dân chúng đồng bào vui sống an nhàn miền thôn dã. Trăng thanh gió mát. Nhịp chày giã gạo cúp cùm cum, kéo dài từ ngày tới đêm khuya, dường như cũng chưa thấy mọi người ai ai than mệt mỏi! Ðời sống nông thôn vất vả, nhưng tất cả an lành vui sướng. Bầu trời đêm nay trăng sáng có nhiều “Ông Sao”. Xin các “Ông Sao” chứng tri phù hộ cho nông dân làm lúa được mùa! Qua thời gian cấy trồng công phu cực khổ, hôm nay đến ngày gặt hái. Khắp cánh đồng chạy dài từ trong đất liền ra tới bờ sông, những đám ruộng lúa chín như trải thảm vàng bao phủ. Hạt lúa no tròn nặng trĩu, cơm gió thổi qua lay động hạt vàng, chạm nhau qua lại nghe xào xạc. Từng toán công gặt, mỗi toán mười người, gò lưng cắt lúa đám ruộng của mình. Toán cắt lúa và toán đập lúa thay đổi với nhau. Qua nhiều ngày, hết đám nầy đến đám khác. Hôm cấy mạ vần công, thì hôm nay cắt lúa cũng vần công. Vợ chồng Sáu Tắng “khều khào” đi sau công gặt để mót lúa. Vậy mà hết mùa cũng có lúa mót được phơi ngoài sân, vợ chồng ngồi hai đầu sân, cầm roi đuổi gà đuổi chim mổ thóc lúa.

Qua thời gian ba bốn năm sau, cá tôm đầy ao, gà vịt từng bầy chạy đầy sân nhà vợ chồng Sáu Tắng. Phía sau nhà, có lợp chuồng heo gần bên cái đìa nuôi cá. Phân heo quét rửa xuống đìa cho cá ăn. Vợ chồng hằng ngày vẫn đi xin lon thóc, lon cám về nuôi lợn, nuôi gà vịt. Ông trời thương kẻ tật nguyền nghèo khó, mới đó mà vợ chồng Sáu Tắng có “của ăn của để”. Bây giờ trong làng, hễ ai cần tiền thì đến vay nhà Sáu Tắng. Hôm qua, vợ chồng Năm Tửng đến nhà Sáu Tắng mượn nợ, vì làm ăn nuôi cá thác lác lỗ lã hết vốn. Trước đó, dì Năm đến nhà ông Mười Méo nài nỉ. Bà Mười chỉ qua nhà Sáu Tắng :

-Sao chị Năm không qua bên thằng Tắng mà mượn? Vợ chồng nó nay khá lắm đó!

Năm Tửng không tin : - Thằng Tắng còn đi xin ăn, mà tiền ở đâu có?

-Ậy! Vậy là chị Năm lầm rồi! Hôm trước, nó còn cho Hai Bưởi “thầy chích” mượn nữa đó! Nghe đâu thầy Bưởi rượu chè ăn chơi, mê vợ bé ở Saigon, nên lần lần tiêu tan sự nghiệp!

-Cơ khổ hôn! Thầy Hai Bưởi mà phải cậy nhờ Sáu Tắng à? Thầy Hai nhà giàu có nhất trong làng, nhà ngói hai chái ba gian đỏ chói, nhà dưới nhà trên… Rồi vợ Năm Tửng hỏi thêm :

-Mà nó có cho mượn không vậy?

-Có chớ sao không! Thầy Hai mượn tiền nhiều lần đi Saigon ở miết với vợ nhỏ, bỏ bê công việc làm ăn, làm bà vợ lớn khóc kể suốt ngày.

Dì Năm Tửng phân vân rồi quyết định :

-Thôi để “tui” qua vợ chồng nó thử coi!

Sáu Tắng cũng cho vợ chồng Năm Tửng mượn tiền để tạo lại cái đìa nuôi cá thác lác. Vợ chồng “ngọng nghệu” nói ơn nói nghĩa với dì Năm. Chồng nói : - “Ôm”(hôm) “ám”(đám) cưới “ụi”(tụi) con, dì dượng Năm cho cá “ác ác”(thác lác) đãi khách. Nay “ụi”(tụi) con cho “ượn”(mượn) tiền, “ừng ào”(chừng nào) “ả” (trả) cũng “ược”(được).

Vợ nói : - Nếu không “ó ả” (có trả) khì (thì) thôi. Con không “òi”(đòi).

Vợ chồng Năm Tửng mừng rỡ, hết lời cám ơn hai cháu có nghĩa có nhân. Vợ chồng tật nguyền đi xin ăn, mà lòng dạ như sông dài biển rộng, khó ai sánh bằng!

Thét rồi tiếng đồn trong làng vang xa. Ai không có tiền thì đến nhà vợ chồng chú Sáu Tắng mà mượn. Mấy “ông làng” khôi hài gọi đùa Sáu Tắng là “Hoàng Tắng”! Hoàng Tắng bây giờ có tiền có của, nhà cửa khang trang, ba gian hai chái, nóc nhà đỏ chói, lợp ngói âm dương…Vợ chồng Hoàng Tắng còn có ruộng đất cho dân làng thuê mướn…

Chuyện là, thầy Hai Bưởi y tá phải bán nhà bán cửa ruộng vườn cho Sáu Tắng để trừ nợ! Nhiều lần mượn tiền vô số kể của Sáu Tắng, nhiều lắm không biết đâu mà tính. Vợ chồng chú Sáu Tắng cho mượn không lấy lời, vì lòng nhân từ. Hai Bưởi ăn quen, hễ mỗi lần lên Saigon thăm vợ nhỏ thì đến mượn. Nhiều lần thiếm Sáu Tắng cũng phật lòng, thỏ thẻ với thầy Hai :

-Thầy Hai ượn(mượn) nhiều quá trời, vợ chồng “ui”(tui) không biết đâu mà tính? Hai Bưởi nói cho tụi nó an lòng :

-Tụi bây đừng lo! Tao trả không nổi sẽ thế nhà cửa ruộng vườn cho bây mà! Bây giờ tụi bây cho tao mượn thêm nhiều nữa đi, mắc chi phải lo phải sợ…

Rồi thầy Hai cứ đi Saigon, cùng cô vợ nhỏ ăn chơi, đánh bài đánh bạc qua hết một năm nữa, phải giao nhà và ruộng cho vợ chồng chú Sáu Tắng. Ban hội tề trong làng tổ chức họp dân tại “nhà việc”, để xử công việc cho công bằng. Ông “Cả làng” chủ trì cuộc họp, đã phán rằng :

-Thầy hai Bưởi mượn tiền của vợ chồng Sáu Tắng nhiều lần qua nhiều năm, mà không trả được nợ, xin bằng lòng thế nhà thế ruộng cho chủ nợ. Ông Cả đằng hắng rồi nói tiếp :

-Hai Bưởi bằng lòng thế của. Còn vợ chồng Sáu Tắng có chịu hay không?

-“Ạ”(dạ) “ụi”(tụi) con thì “ao”(sao) cũng “ược”(được)!

Dân làng rộ lên góp ý kiến: “Mượn thì phải trả! Không có tiền thì trả của là phải rồi”!

Thiếm năm Xàng(tục gọi là năm xàng xê), vì hồi thiếm còn trẻ, đi đứng thiếm “xàng xàng” cái đít thấy mê! Thiếm lên tiếng :

-Vợ chồng Sáu Tắng nhơn đức đó! Chớ tôi đó hả, thì tôi cho trẻ cào nhà Hai Bưởi từ lâu rồi.

Bà con bàn qua tán lại, cuối cùng “Cả làng” cùng ban hội tề phán quyết : - Làng đồng ý cho Hai Bưởi thế nợ nhà cửa ruộng đất, cho vợ chồng Sáu Tắng. Thời hạn ba năm, nếu không trả được, thì vợ chồng Sáu Tắng làm chủ vĩnh viễn nhà và ruộng. Rồi “Cả” nói thêm :

-Bây giờ mời thầy Hai Bưởi ký vào biên bản buổi họp, làm tờ giao nhà và tất cả giấy tờ chứng minh, bằng khoán ruộng đất, lại cho vợ chồng Sáu Tắng tạm đứng tên. “Cả” chỉ thị cho “tham biện” (thơ ký làng) viết ra giấy tờ lỹ lưỡng, có chữ ký của đôi bên.

Ba năm qua, Hai Bưởi bỏ làng đi biệt tích. Vợ thầy còn ở lại trong nhà, do vợ chồng chú Sáu Tắng nhân từ, để cô Hai sống với hai người và coi như thân nhân của mình. Cô Hai Bưởi sống vài tháng sau, thì bệnh nặng qua đời, vì đau buồn thầy Hai tệ bạc, bỏ theo vợ bé từ đó. Nghe đâu cô vợ nhỏ cũng bỏ thày Hai, vì hết tiền hết của cung phụng cho cô ăn chơi mỗi ngày. Tiền hết tình cũng hết theo! Trăng treo đã xế qua mành, tình ta cũng tan tành!

Vợ chồng chú Sáu Tắng từ đó trở nên giàu có, nhờ ruộng vườn nhà cửa của Hai Bưởi thế nợ. Vợ chồng ăn ở nhân từ nhân đức, thường giúp đỡ dân làng nghèo khó túng cùng. Ai mượn tiền không có trả lại, thì chú Sáu Tắng “xù” luôn không đòi. Các người tá điền hồi trước, thuê mướn ruộng của thầy Hai Bưởi, nay vẫn còn giữ ruộng đất để làm lúa. Tời mùa thu hoạch, bà con đóng cho chủ bao nhiêu cũng được. Thầy “Hương Thân” cùng tráng đinh trong làng, năm nào cũng giúp chủ ruộng, thu thuế vụ mùa và đóng tô cho làng. Nhờ trời cho “có phần không cần gì lo”, nên lúa vàng năm nào cũng phơi đầy sân nhà vợ chồng Sáu Tắng. Chú Sáu có thêm họ “Hoàng”, nhờ trong nhà có nhiều bồ thóc vàng!

Vợ chồng nhớ lại, thời thơ ấu sống trong làng cho đến tuổi thanh niên. Mẹ cha mất sớm, hai người lại dị hình dị tật, ngọng nghệu nghèo nàn. Gần trọn cuộc đời đi xin ăn, sống nhờ của bố thí của bà con thương yêu giúp đỡ. Nhờ trời cho có của có tiền, nên lòng cũng biết tu nhơn tích đức, làm lành lánh dữ, thường ngày đi lễ chùa trong làng, trên quận, thắp nhang niệm phật từ bi chứng tri cho tấm lòng thành.

Có lần bà con trong làng khuyến khích :

-Vợ chồng rán kiếm mụn con ẵm bồng, cho vui cửa vui nhà!

Chú Sáu nghe qua cũng ham. Thiếm Sáu nghe qua cũng muốn. Ngặt vì vợ chồng nay đã có tuổi, sanh đẻ khó khăn, lại tật nguyền chậm chạp làm sao đẻ chửa được? Tuy vậy, rồi trời lại cho vợ chú Sáu Tắng lại có bầu. Bây giờ hằng đêm ngủ trên giường gõ, trải chiếu hoa, vợ chồng cũng biết yêu thương, cho bỏ những ngày xưa nghèo khó “cà quẹt cà quèo”! Chú Sáu Tắng thương thiếm Sáu lắm, không biết làm sao, miệng lại cứ hỏi :

-“Nghìn”(mình) “khương”(thương) “kui” (tui) hông “nghìn”(mình)? Thiếm Sáu lấy tay “nhéo” qua mặt chú. Chú Sáu kề tay “nhéo” qua bắp vế thiếm…Nhéo qua nhéo lại vài đêm ấm êm, thì thiếm có chửa! Chín tháng mười ngày, thiếm Sáu sanh thằng con tròn trĩnh ngộ nghĩnh như “Tiên đồng”! Bà con thường xuyên đến giúp đỡ để nuôi thằng nhỏ. Bác năm Tửng gái, xung phong đến ở thường xuyên, giúp cho cháu sơ sinh và người mẹ tật nguyền, để trả ơn vợ chồng Sáu Tắng. Thời gian thằng con lớn lên trời cho lành lạnh, dân làng đặt tên là “Hai Mằn”! “Hai Mằn” cai quản nhà cửa ruộng vườn cha mẹ già yếu để lại.

Vợ chồng chú Sáu Tắng sau nầy chết lành, mồ yên mả đẹp. Dân làng Tân Thành còn nhắc nhở không quên. “Hai Mằn” làm chủ ruộng vườn giàu có, lại có vợ giàu sang là con của gia đình Ðốc Phủ bên Bến Tre. “Hai Mằn hưởng ân đức của cha mẹ, trả ơn trả nghĩa hồi đó dân làng giúp đỡ, đùm bọc cho cha mẹ mình. Ở đời, có nhân có nghĩa thì có thâm tình! Người vô nhân vô nghĩa suốt đời cô độc một mình oán than! (Hết).
[/size]
Đầu trang

Trả lời bài viết

Quay về “Văn hóa - Cổ học”