Lưu đại hạn, lưu cung và lá số đặng tiểu bình
Như trên, tôi có đặt ra câu hỏi, trong ba cung niên vận. Cung nào là Mệnh vận lưu niên ?.
Thực ra câu trả lời này rất dễ, và cũng rất tự nhiên. Đó chính là cung Đại vận lưu niên. Cái lý rất đơn giản, bởi vì nó được khởi từ đại vận 10 năm tính đi. Khi cung đại vận lưu niên xuất hiện, bây giờ ta gọi là mệnh vận lưu niên cũng được. Đương nhiên, các cung lưu niên cũng sẽ xuất hiện theo đó.
Có người nói rằng, xem như vậy thì dường như mỗi hạn ta đều có một lá số mới chồng lên lá số cũ. Mà muốn xem tới vận lưu niên, tức là ta đã có ba lá số chồng lên nhau. Đó là các lá số: Lá số đầu tiên là lá số tổng quát, lá số thứ hai là lá số lưu đại vận 10 năm, lá số thứ ba là lá số đại vận lưu niên. Cùng với nó có tiểu vận lưu niên và cung có thái tuế nhập. Thêm bao nhiêu sao lưu nữa thì … chúng ta sẽ tá hỏa bởi chỉ mới đoán đến vận lưu niên thôi mà đã quá ư là phức tạp. Làm sao xử lý được tới ba lá số chồng đống lên nhau. Rồi các sao sẽ được an vị thế nào ?. Tại sao khi lá số lưu xoay chuyển như thế mà các sao lại “đứng ỳ ra đó”, chỉ có một số sao là dịch chuyển, đó là các sao lưu mà thôi ?.
Chúng ta đã thấy sự phức tạp, và đưa tới ngày càng mơ hồ, khiến cho những ai muốn học và nghiên cứu tử vi cũng phải phát nản lòng ?.
Thực ra không phải như vậy. Đó là bởi vì, chúng ta đã có ý niệm sai ngay từ đầu rằng kết quả giải đoán đến vận lưu niên là đã có ba lá số chồng lên nhau. Cũng như bài toán lưu cung. Việc chứng minh hoàn toàn không đơn giản. Nhưng chúng ta có thể tạm đồng ý với nhau bởi vì những lý do sau:
-Lý, mệnh và vận phân ly. Cái lý này, như tôi đã có nghe, ngày trước ông VDTT đã có đề cập tới đó là ý kiến của một số tử vi gia Đài cảng. (tôi tôn trọng trình tự thời gian vì nó đã được công bố trước, chứ thực ra cái lý này tôi đã biết từ khi mới bắt đầu học tử vi, rất lâu trước khi sự kiện này được ông VDTT nhắc đến)Theo ý kiến này, sự thiết lập ba lá số chồng lên nhau là tự nhiên, từ đó đương nhiên, người ta có thể xét chỉ một lá số lưu cuối cùng mà thôi. Nhưng sẽ khiên cưỡng, bởi vì từ đó phải tuyệt đối an sao lưu toàn bộ. Nhưng với những sao an theo năm thì còn có thể. Những sao an theo tháng, ngày giờ thì lấy cái gì để an đây ?. Chả nhẽ lại suy từ ngũ hành của cung an mệnh vận ?. Đây là điều bất khả do tính đa trị cuả nó, cũng như về lý rất khiên cưỡng.
-Lý, mệnh vận liên kết. Sẽ đưa tới sự lược bỏ rất lớn đối với các lá số lưu, khiến chúng ta, suy cho cùng kỳ lý – bởi sự không nắm được bản chất cấu trúc của tử vi – thì sẽ lược bỏ vô tội vạ, cuối cùng thì chẳng có một lá số lưu nào cả, hay chỉ là những cung lưu về mặt hình thức mà thôi.
Nhưng thực tế thì, cả hai lý trên đều đúng. Có điều, nghiêng hẳn bất cứ về cái lý nào, cũng đều cực đoan cả. Trong tử vi luận, khác với lý luận hay lô gíc thông thường của khoa học là khi suy luận giải các bài toán khoa học, người ta thường “làm quá” các giả thiết, hay các chứng cứ, cũng như điều kiện của bài toán để tìm ra lời giải của bài toán, thì tử vi luôn không được phép làm như vậy. Tại sao vậy. Giải thích nôm na rằng làm như vậy là vi phạm cái lý âm dương. Nhưng để hiểu được thì không đơn giản tý nào.
Đây là một điều rất khó cho người viết khoa học về tử vi, bởi mỗi bước đi phải có chứng minh chặt chẽ. Muốn làm được việc đó, cần phải trình bày hệ thống lý thuyết từ “a đến z”. Trong một bài như thế này là không thể, chỉ còn có cách là chúng ta cứ phải thừa nhận những điều, ít nhất là có thể xem như rất hiển nhiên mà thôi.
Quay trở lại hai lý trên, chúng ta đương nhiên phải chọn giải pháp “trung dung”. Nhưng trung dung tới mức độ nào, lại còn phụ thuộc vào trình độ của tử vi gia. Ở trình độ này, người giải sẽ phải vận dụng thêm nhiều phép phối hợp khác. Một trong các phép đó, chính là bên cạnh lưu cung còn có lưu sao ?. Nên nhớ, cung tiểu hạn lưu niên và lưu thái tuế là do tự thân nó có, chứ không phải là sự phối hợp thêm do yêu cầu của bài toán lưu cung.
Theo lý đó, tử vi gia phải thiết lập một sự phối hợp sao cho việc giải đoán các biến cố sao cho biến cố được giải đoán phải có những biến cố không được phép xảy ra nhiều lần trong đời. Chẳng hạn như trong lá số của họ Đặng. Biến cố cha chết bị chặt đầu không thể được xuất hiện từ hai lần trở lên. Đến đây, chứng ta thấy ngay, với lối giải đoán mà tôi trích dẫn trên, chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra và thời điểm mà cha ông ta bị chặt đầu, có nghĩa là phải chết vài lần, thậm chí theo kiểu chết không toàn thây.
Thật vậy. Xét ngay trong đại vận ở Hợi cung, lấy năm mậu dần để thể hiện sao lưu chúng ta thấy lý luận của anh ta thế này:
-Năm 1938 mậu dần Đặng 35 tuổi, đại vận đương nhiên nhập cung Hợi, phụ mẫu lưu sẽ ở cung Tý – đúng.
-Năm mậu lưu Kình trực xạ vào cung phụ mẫu lưu tại Tý, gia lưu Đà cùng tang hổ cố định. Lưu Tang hợp chiếu từ thìn cung, gia hội lưu khốc lưu hư từ tam hợp chiếu về Tý cung lưu phụ mẫu. Nên nhớ, Lưu tang ở tam hợp !.
Chúng ta xét 8 năm sau, đó là vào năm Bính Tuất. Lưu Kình Lưu Đà như lưu năm có can Mậu, vì thế ta cũng sẽ nói được, lưu kình trực xạ vào cung Tý nơi phụ mẫu họ Đặng lưu trú 10 năm. Tang Hổ cố định thì đương nhiên 10 năm cha họ Đặng lưu trú ở đó, tất gặp luôn luôn. Năm bính tuất, lưu khốc lưu hư cũng nằm ở thìn và thân cung, chỉ khác chiều là năm mậu dần thì lưu khốc ở thìn, lưu hư ở thân, năm bính tuất thì lưu hư ở thìn còn lưu khốc ở thân. Nhưng lưu Tang lưu hổ thì mới khiếp, nhè ngay cung Tý, nơi cha Đặng ở mà phạm, chứ không tam hợp chiếu mỗi Tang lưu như năm Dần.
-Còn Tiểu hạn, năm Dần rơi vào Mệnh tại cung thân, kêu rằng lưu phụ mẫu theo tiểu hạn là cung Dậu – học không đến nơi đến chốn, lại còn bịa ra chi tiết này – rồi luận ép rằng: Hứng kình đà kỵ kiếp sát thái dương là cách chết cha. Xin hỏi, thái dương đồng cung thái âm, thái dương ở sửu vượng hơn thái âm, sao chết cha mà không chết mẹ ?.
Nay xét năm bính tuất, cứ theo cái lý luận đó thì lưu phụ mẫu theo tiểu hạn lưu niên sẽ là cung Tị, xơi luôn Đà Kỵ Thái dương Kiếp sát Kiếp Không (điạ) cùng thiên không hội thêm nhị hao bại địa. (địa kiếp địa không vỗ mặt)
Chúng ta hãy so sánh:
Năm mậu dần và năm bính tuất, những tiêu chí như nhau là lưu kình trực xạ. Nhưng lưu đà cùng tang hổ cố định, tang lưu và khóc hư lưu thì năm bính tuất nặng hơn nhiều, cũng là lưu đà, nhưng tang hổ hội cả lưu tang lưu hổ nhập cung phụ mẫu lưu, đây mới là cách tang tóc (nhưng nếu chỉ như vậy cũng chưa đủ tang tóc xảy ra, huống chi là nhẹ hơn thì càng khó xảy ra). Còn lưu khốc lưu hư thì như nhau. Vậy xét lưu can chi năm thì năm bính tuất nặng hơn năm mậu dần.
Tiểu hạn năm Dần, rơi vào thân cung, thì năm tuất ở thìn cung. Xét về vị trí thì như nhau – nếu không để ý đến triệt. Thực ra triệt ở đây sẽ làm giảm cái xấu đi, còn năm tuất thì không có triệt, nên cái xấu y nguyên. Nhưng thôi, không xét đến triệt nữa. Nếu năm dần, lưu phụ mẫu cung tại dậu hứng kình đà kỵ kiếp sát, thì năm bính tuất lưu phụ mẫu cung sẽ chịu đà kỵ kiếp sát cùng địa không địa kiếp nhị hao, phối hợp với cách tang tóc lưu tang gặp tang, lưu hổ gặp hổ thì dễ quyết đoán tang cha hơn nhiều so với năm mậu dần. Cùng cách thái dương đà kỵ mà không bị triệt ngăn trở. Như thế theo cùng cách xét như nhau, để khỏi ngụy biện vì nó thế này, còn cái kia thì thế khác, chúng ta cũng thấy tiểu hạn lưu phụ mẫu năm bính tuất cũng nặng hơn năm mậu dần. Chúng ta hãy nhớ, năm bính tuất họ Đặng 43 tuổi là năm cuối của cùng đại vận ở Hợi cung, chung đại vận với năm 35 tuổi.
Như thế, theo cái kiểu xem số như trên,trong một đại vận, cha họ Đặng bị chặt đầu ít nhất là hai lần ?. Rõ ràng là vô lý.
Chúng ta cứ theo cái kiểu lý luận lưu cung ấy, dù muốn biện bạch kiểu gì thì cũng thấy năm bính tuất nặng hơn năm mậu dần. Nhưng cha họ Đặng chết năm 1938 là thực tế, chúng ta không thể dịch nó sang năm bính tuất để mà nói năm mậu dần nhẹ hơn năm bính tuất, nên cha họ Đặng suýt chết năm mậu dần, mà đến năm bính tuất mới chết.
Bây giờ chúng ta quan tâm tới lưu niên tiểu vận.
Có câu hỏi, tại sao xem vận lưu niên lại có lưu niên tiểu vận, mà xem vận 10 năm – ít nhất là như vậy – thì lại không có lưu niên kiểu như tiểu vận vậy ?. Tức là xem đại vận 10 năm, chỉ có hai cung, mệnh vận và thái tuế lưu chứ không có ba cung như xem lưu niên vận.
Trả lời câu hỏi này không dễ, nhưng có thể nói đại lược đó là do tính ước lệ của thời gian. Từ cái điểm khác nhau này chúng ta có thể trả lời tiểu vận lưu niên không phải là mệnh vận lưu niên, mà chỉ có đại vận lưu niên mới là mệnh vận lưu niên mà thôi. Đã không là mệnh vận thì làm sao lấy đó để mà xuất hiện thêm lưu cung phụ mẫu được chứ ?!.
Cũng có thể có người ngụy biện rằng, năm mậu dần cha Đặng đã chết, thì dù năm bính tuất có nặng hơn thì lấy đâu ra người cha nữa để mà chết. Chẳng có gì đảm bảo là những năm sau năm mậu dần họ Đặng không bị nhiều tai ách nặng hơn ?.
Xin thưa rằng, đó là xem mệnh, biến cố tại mệnh, chứ không phải là xem biến cố cho phụ mẫu. Chả thế mà Thái thứ Lang đã nói. Xem hạn chết là phải tìm đến đại vận xấu nhất, rồi tìm đến năm xấu nhất, tiếp tìm đến tháng, rồi ngày, rồi giờ xấu nhất. Tìm đủ như vậy, khi đó mới dám quyết là hạn chết. Bởi vì, cái chết chỉ có một lần thôi. Còn như tìm không được, chỉ trách đó là vì mình tìm không được cái Xấu Nhất mà thôi.
Thân ái.