Review Sách Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ xanh

Các lĩnh vực khác có liên quan đến lý số.
Nội qui chuyên mục
Không vi phạm bản quyền
Trả lời bài viết
s2dungnguyen
Tam đẳng
Tam đẳng
Bài viết: 537
Tham gia: 20:22, 30/05/13
Liên hệ:

Review Sách Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ xanh

Gửi bài gửi bởi s2dungnguyen »

Nhiều kí ức và nhiều hoài niệm

Làm sao để có một đời người tĩnh lặng?

Dường như câu nói mới lạ này đã trở thành một suy nghĩ, một trăn trở thầm lặng của nhiều người trẻ ngày nay. Đặc biệt là những doanh nhân thành đạt hay những người có địa vị trong xã hội lại càng khát khao hơn một ngày được trở về thời thơ ấu .
Hình ảnh

“Bóng trăng, trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già ôm một mối mơ…”

Có lẽ, nỗi vất vả của kiếp đời mưu sinh đã quá nhọc lòng trên đôi vai bé nhỏ nên những hình ảnh mộc mạc, thân thuộc thế này đã gợi không ít nỗi nhớ, niềm thương. Và bằng những dòng suy nghĩ chân thành, ngôn từ giản dị Nguyễn Nhật Ánh đã vẽ một chuyến đi đưa người đọc trở về thời thơ ấu. Không cần quá phô trương nhưng đủ sâu sắc, không cần quá thâm thúy nhưng đủ để chúng ta có thể nhìn thấy mình ở trong đó - Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Cuốn sách nói về tuổi thơ nghèo khó ở một làng quê Việt Nam thân thuộc. Là nơi đã chứng kiến những rung động đầu đời của cả hai anh em Thiều và Tường, tình cảm gia đình, tình anh em yêu thương chân thành, cũng như những đố kỵ ghen tuông và những nỗi đau trong quá trình trưởng thành. Đặc biệt hơn đây là lần đầu tiên Nguyễn Nhật Ánh đưa vào trong tác phẩm của mình những nhân vật gần như phản diện ngầm nhắc nhở về những vấn đề đạo đức – Cái thiện và cái ác.

81 chương ngắn của một câu chuyện dài là 81 câu chuyện nhỏ của những đứa trẻ sống trong ngôi làng nghèo. Sau mỗi chương là một khía cạnh khác có thể xoay quanh nhân vật chính nhưng cũng có thể đề cập đến những nhân vật khác và theo từng chương đã gợi mở những cảm xúc, những rung động trong chính trái tim của hai anh em Thiều nói riêng và của mọi người nói chung. Những luân lý, đạo nghĩa không ngừng trở đi trở lại trong nỗi niềm day dứt và tiếc nuối của người đọc.

Chúng ta hẳn ai cũng đã từng có những rung động đầu đời. Đó không chỉ duy là tình yêu mà đến với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ta còn nhìn thấy được cảm giác rung động của một đứa trẻ lần đầu tiên biết đến “hoa tay”. Lần đầu tiên biết đến hoa tay thì thằng Thiều - một đứa trẻ hay tò mò và ham vui đã đi khắp làng để đếm và coi hoa tay. Ngoài ra, chúng ta còn được trở về thời xa xưa, thời điểm mà những người yêu nhau thường ngày ngóng, đêm mong nhận được những bức thư tay. Lần đầu tiên viết thư tình Thiều đã lấy cắp hai câu thơ của chú Đàn và chị Vinh, bức thư tình trở nên dí dỏm và đáng yêu hơn bao giờ hết khi bị thầy giáo bắt được:

Nắng mưa là bệnh của trời

Tương tư là chuyện của tôi yêu nàng


Những cảm xúc dần hình thành trong lòng Thiều, là sự đồng cảm với hoàn cảnh của Mận, xót xa khi biết sự đau khổ mà Mận trải qua và hối hận những khi mình bảo Tường ngu ngốc, lúc Tường vì mình mà chịu đòn hay lúc trêu đùa người khác. Quan trọng nhất chính là lần đầu biết cảm giác thích là như thế nào, lần đầu thấy lúng túng và ngại ngùng khi đối diện với Mận. Hay là khi nghe kể chuyện ma thì hai anh em rùng mình sợ đến nổi bị nhát là chạy toán loạn, đến khi về nhà lại bị đánh vì tội là con trai mà sợ ma. Hơn thế, khi nghe bạn kể về xóm Miễu-nơi có ma cọp thì hai anh em lại tò mò và muốn đi khám phá, dù sợ ma nhưng cứ ra vẻ. Còn về Tường, một trải nghiệm đầu đời có thể nói là không thể quên của Tường chính là trở thành “chim xanh” của chú Đàn và chị Vinh nhưng không may lại bị cha của chị Vinh phát hiện thì coi như xong đời.

Đọc Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tôi đã mấy lần rơm rớm xúc động rồi lại bẻn lẻn cười một mình trước tình cảm ngây ngô mà chân thành của hai anh em Thiều, tuy là em nhưng Tường rất lo nghĩ cho Thiều. Dù cho có lần Tường và Thiều đi chơi về bị ba đánh, Thiều chẳng mấy chốc đã bỏ Tường lại rồi vắt chân lên cổ mà chạy thì Tường vẫn chịu đòn giùm anh Hai. Hay là lúc chơi trò ném đá, khi Tường ném trúng Thiều thì cảm thấy đau lòng. Rồi có lúc Tường vì lời mẹ bảo: “Để cho anh Hai học bài.” Mà phụ hết các công việc còn lại để cho anh Hai có thời gian để học bài, đến tối lại kể cho anh Hai nghe những câu chuyện ngày xưa. Cảm động nhất là khi Thiều bị người ta đánh thì Tường lại tìm cách trả thù giùm anh Hai, không để anh Hai bị oan, thế rồi lại tự mình chịu đòn giùm anh Hai. Nhưng vào cái độ tuổi trưởng thành, Thiều khó mà kiểm soát được những cơn nóng giận ghen tuông vô cớ của mình nên đã vô tình tổn thương thằng Tường hết lần này đến lần khác:

Lúc Thiều về từ nhà bà đến nhà lại nghe thấy tiếng trò chuyện rì rầm của Tường và Mận trong nhà liền nhón chân lại gần, áp tai vào vách tò mò nghe thấy Tường nói:

- Miếng thịt gà này là của chị nè.

- Còn miếng này là phần em nè. – Con Mận vui vẻ nối lời

Tiếp theo là tiếng lịch kịch trên bàn ăn rồi tiếng nhai chóp chép. Sau đó là một tràng suy nghĩ của Thiều về hai đứa nó là không những cặp kè suốt ngày mà còn cùng nhau lén lút chén thịt gà sau lưng Thiều.

Tiếng mời nhau vồn vã và thân thiết lại văng ra như khiêu khích:

- Chị ăn thêm một miếng nữa đi. Cái đùi gà này, em dành cho chị đó.

- Cảm ơn em. Để chị gắp cho em miếng gan gà.

Tới đây thì Thiều như bốc cháy, hung hăng cầm cây gậy đánh chó hung hăng phang tới tấp vào lưng thằng Tường và gầm gừ:

- Thịt gà nè! Giấu tao nè! Cho bỏ cái tật ăn lén nè!

Mọi thứ bất chợt dừng lại khi Thiều thấy rằng trên bàn chẳng có một tí nào gọi là thịt gà, Thiều như điếng người trước con mắt sửng sốt của con Mận. Nhìn mọi thứ xung quanh đã nhắc nhở thằng Thiều về trò chơi bày hàng mà Thiều cũng từng thích chơi.

Mọi thứ chợt hiện ra trong đầu Thiều và cả nỗi ân hận như dao khắc vào tim Thiều, làm Thiều đứng sững như người mất hồn mà không hay rằng thằng Tường vẫn còn nằm ngửa dưới nền nhà. Thời gian như tiếp tục trôi qua khi thằng Thiều nghe tiếng thằng Tường kêu “Giúp em với, anh Hai!”. Khi Thiều xốc nách nó thì đã rên lên “Đau em!” và thấy nước mắt nó úa ra. Sau khi thấu hiểu sự tình, Thiều liền đi tìm ông Xung cứu Tường nhưng trước đi tường lại kêu anh hai bảo là: “Anh đừng nói với ông Xung là anh đánh em nhé, hãy bảo là em trèo cây bị tuột tay rơi xuống đất.

Đọc đến đây mới thấy thổ thẹn làm sao khi bấy lâu nay chúng ta chẳng mảy may quan tâm những người anh hay những người chị cùng mình chảy chung một dòng máu, mà chỉ lo cuống quýt chia sẻ niềm vui với bạn bè, xoa dịu nỗi buồn thâu đêm suốt sáng với bà chị học khóa trên.Nhưng có khi chính những thứ nhỏ nhặt như thế khiến chúng ta mắc phải những sai lầm đáng tiếc.

Những ghen tuông, đố kỵ của tuổi trẻ là những thứ hết sức bình dị nhưng lại gợi cho ta cảm giác vui thích vì quay lại thời trẻ con hay giận dỗi. Là sự ghen tuông của Thiều khi không được nhờ giao thư trong khi đó người được nhờ lại là em mình, là sự đố kị khi em của mình lại được nuông chiều hơn. Là cảm giác ghen ăn tức ở khi đứa con gái mình thích cứ quấn quýt với thằng em của mình. Hình ảnh nhân vật Thiều khiến cho tôi nhớ lại mình của những ngày xưa. Khi còn bé tôi cứ một mực đinh ninh, khảng khái tuyên bố rằng” tôi chắc chắn sẽ trở thành một đứa bạn tốt,người trò giỏi, một đứa con ngoan, và là một con người tử tế của xã hội”. Khi lớn thêm chút nữa, tôi đã tự giới hạn bản thân và bắt đầu nghi ngờ về lời tuyên bố lúc nhỏ. Rồi đến lúc trưởng thành, mọi thứ đã trở nên rất khác. Tôi ngờ vực với mọi thứ, nhiều nhất là ở bản thân mình và thứ tôi sợ hơn hết chính là lỡ như có một ngày tôi trở thành một con người xấu xa bất đắc dĩ như cái cách mà thằng Thiều đã đối với em mình thì sao?

Có những lúc tâm trạng Thiều trở nên xấu đi và bí bách vì thấy được cảnh Tường và Mận chơi chung với nhau, suốt ngày cứ dính lấy nhau. Trong ánh nhìn nóng ran có chút đau đớn của Thiều rõ thấy Thiều có nhận thức nhưng vẫn không thể chế ngự được lòng đố kỵ của một đứa con trai lần đầu rung động.



Tuổi thơ hành trang đắt giá nhất mà bạn có là gì?

Với tôi”gia đình” chính là hành trang ấm áp nhất trong suốt quãng đời tấm bé của tôi, cho đến tận bây giờ vẫn thế nhưng cảm giác lại rất khác. Tôi sống xa nhà cứ mỗi lần về quê tôi lại xao xuyến cất lên vài câu hát :

“Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già ôm một mối mơ….”

Tự dưng khóe mắt cay xòe, tôi thấy yêu cái nhà của mình làm sao!

Đọc đến nửa phần của quyển sách tôi mới chợt nhận ra dường như mình bỏ quên một điều gì đó. Nhìn những vết chân chim trên gương mặt của bà, nhìn bàn tay chai sạn của người cha, và búi tóc dần dà ngả màu của má, tôi xót xa khôn xiết.







Thoáng trong đầu cứ vẩn vơ một dòng suy nghĩ” Nếu một ngày tôi cũng mất đi một trong số họ như con Mận mất cha thì sao?”

Nguyễn Nhật Ánh không chỉ cho ta trở về thời thơ ấu với bao nhiêu cảm xúc ngổn ngang mà còn gieo rắc vào tâm hồn ta thứ tình cảm nhân văn và cao quý hơn hết đó chính là tình thân. Người cha chấp nhận chịu cảnh tù túng, thậm chí là trốn chui trong cái căn gác xập xệ cùng với căn bệnh quái lạ mà người ta hay gọi là bệnh phong. Đứa con gái ngây ngô và giàu tình cảm như Mận cũng không tiếc bỏ cả những lúc học bài để chăm sóc cho cha.






Và rồi một trận hỏa hoạn ập xuống

Trong khi tôi và con Mận đang ngước mắt moãi mê dõi theo những cánh diều sặc sỡ đang uốn lượn trên không, thằng ghế con ông năm ve không biết từ đâu chạy tới, thắng xe đạp ngay cạnh hàng rào, chõ miệng vào trong sân kêu lớn:

Chị Mận ơi nhà chị cháy, chị về ngay đi!

Con Mận mặt cắt không còn một hột máu, ba chân bốn cẳng tuôn ra cổng. Trông nó như đang bay trên mặt đất

Tôi cũng tức tốc chạy theo, mặt mày nhớn nhác, ruột gan đau thắt từng chập.

Rồi một cơn lũ lớn tạc qua:

Chiều chiều ngồi trong nhà ngó ra, thấy mây tụ lại từng bầy. Như độ quân đang điểm binh, mây kéo về tập hợp mỗi ngày một dày, chậm rãi nhưng quyết liệt, và khi đã giăng kín bầu trời với lượng nước ước chừng có thể làm trôi cả ngôi làng, mưa bắt đầu rơi..

Nửa khuya, lũ từ trên nguồn tràn về, mực nước từ từ dâng lên mấp mé mặt giường trong ánh mắt lo lắng của mẹ tôi. Cả nhà tôi leo hết lên giường, xách theo mấy chiếc đòn kê để ngồi cho khỏi ướt mông, co ro chờ trời sáng.

Cuộc sống làng quê thanh bình cũng có lúc bị dọa đến chết khiếp, những cánh đồng bát ngát, những lũy tre xanh, cây đa đầu làng,…tất cả sẽ bị thiêu rụi trong biển lửa hay nhấn chìm trong biển nước các bạn hãy mau chóng tìm và đọc nhé.

Lướt qua từng chương của quyển sách, tôi bật cười trong vô thức khi nhìn thấy mình của ngày xưa. Ngôn từ không quá chau chuốt, cảm xúc nhẹ nhàng như rót vào giấc ngủ của tôi và một giấc mơ thần tiên hiện ra trong phút chốc. Tất cả là vì có được cơ hội để trở lại thành một đứa trẻ, có được khoảng thời gian vô tư không lo lắng, trở về khoảng thời gian mà cứ vui thì cười, cứ buồn thì khóc.



Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh sẽ là một “tấm vé” đưa mọi người trở về thời tuổi thơ lắm đỗi ngọt ngào lẫn day dứt mà mỗi người đã từng trải qua. Đối với các độc giả, tôi nghĩ rằng quyển sách này sẽ không làm cho bạn cảm thấy chán nản hay vô vị, mà nó sẽ cho chúng ta được tự do bộc lộ tâm sự, cảm xúc thời ấu thơ. Thời gian trôi qua đi vốn không thể nào quay trở lại, nhất là thời thơ ấu, sẽ không thể nào có được những cảm xúc chân thật như thế. Trong xã hội tuy phát triển nhưng những cảm xúc đó quá mờ nhạt. Nếu không phải nơi đây - Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - tôi tin chắc rằng bạn sẽ không thể tìm thấy bình yên ở một nơi nào khác.
Xem thêm : https://docs.google.com/document/d/1Ef ... Pp2s-HS8U0
Đầu trang

Trả lời bài viết

Quay về “Các lĩnh vực ngoài lý số”