Điển tích và giai thoại văn học

Trao đổi về lĩnh vực văn hóa và các môn cổ học khác
Mai Hoa
Tam đẳng
Tam đẳng
Bài viết: 636
Tham gia: 20:02, 25/01/09

Điển tích và giai thoại văn học

Gửi bài gửi bởi Mai Hoa »

Hôm nay, nhân viết một bài về Đằng vương các tự bên topic Tao nhân mặc khách mà Mai Hoa nảy ra ý định lập 1 topic về các điển tích và giai thoại văn chương.

Nói về các điển tích văn chương thì... nhiều vô kể. Hồi bé Mai Hoa đọc truyện Kiều chỉ thích đọc phần chú giải điển tích bên dưới. Trong văn thơ cũng hay trích những điển tích mà nếu không hiểu thì giảm đến 1 nửa cái hay. Thực ra bây giờ có internet, việc tìm kiếm các điển tích cũng dễ dang hơn, chỉ 1 lệnh tìm trên google là xong, tuy nhiên bây giờ Mai Hoa có cảm tưởng người đọc dễ tính hơn, hoặc việc đọc E-book mà đã rút gọn phần lớn các giới thiệu, chú giải nên khi đọc sách mất đi cái thú tìm hiểu "là gì ấy nhỉ" khi gặp 1 câu có dẫn điển tích. Không chỉ nói các điển tích Tầu đâu, ngay cả phương Tây cũng có những điển tích hay được trích dẫn (tuy nhiên ít hơn).

Vậy mời các bạn cùng chia sẻ...
Đầu trang

Mai Hoa
Tam đẳng
Tam đẳng
Bài viết: 636
Tham gia: 20:02, 25/01/09

TL: Điển tích và giai thoại văn học

Gửi bài gửi bởi Mai Hoa »

Xin mở đầu bằng hai cụm từ gắn với chữ Duyên

1. Duyên Đằng

Nguyễn Du viết
Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa
Cùng chàng kết tóc xe tơ có ngày


Duyên Đằng là tích Vương Bột còn trẻ tuổi, đi thuyền buồm được gió thuận đến Đằng Vương Các, hội với tao nhân mặc khách mà làm bài Đằng Vương Các tự, trong đó có câu "Lạc hà dữ cô vụ tề phi, Thu Thủy cộng trường thiên nhất sắc" được coi là hay nhất bài. Sau này có người sửa lại thành "Lạc hà cô vụ tề phi, Thu Thủy trường thiên nhất sắc" gọn gàng hơn mà ý có phần sâu sắc hơn.

Thế mới biết ngọc có vết, Duyên Đằng cũng chả phải trọn vẹn mà người đựơc Duyên Đằng có khi còn ôm hận. :)

2. Duyên cầm sắt

Nghe quen thuộc, câu này chỉ cảnh vợ chồng êm ấm. Cầm - sắt là 2 loại đàn đánh chung hòa âm với nhau thì rất hợp. Đàn Cầm đàn Sắt từ thời Trung Hoa cổ đại, giờ chắc thất truyền. chỉ còn vài thông tin Mai Hoa tìm đựoc:
-Lễ nhạc kỳ: Vua Thuấn chế đàn Cầm 5 dây, đến đời Chu thêm 2 dây nữa là 7
-Sách Quang Nhã: Đàn Cầm dài 3 thước 6 tấc, rộng 6 tấc
-Thế Bản: Bào Hy chế ra đàn Sắt 50 dây, đến đời Hoàng đế bỏ đi còn 25 dây. Dàn dài 8 thước 1 tấc, rộng 1 thước 8 tấc

Đại khái là 2 cái đàn song tấu hợp. Giờ nhiều loại đàn, song tấu cũng đủ loại nhưng người ta lại chỉ nhắc đến 2 cái đàn mà... chả biết là nom thế nào. :D

Chàng dù nghĩ đến tình xa
Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ
Được cảm ơn bởi: Thái_Dương(v)
Đầu trang

Labatvi
Nhị đẳng
Nhị đẳng
Bài viết: 365
Tham gia: 09:05, 24/12/08

TL: Điển tích và giai thoại văn học

Gửi bài gửi bởi Labatvi »

Tặng Mai Hoa bài phân tích Phong kiều dạ bạc của Nguyễn Quảng Tuân, bài này có rất nhiều điển tích khác nhau, ai biết xin đóng góp thêm.

Trong chuyến đi Trung Quốc vừa qua, chúng tôi đã có dịp tới thành phố Tô Châu, nơi có ngôi chùa Hàn San nổi tiếng.
Ngôi chùa này được xây dựng từ thời Nam Triều (đầu thế kỷ thứ VI) và đã được đặt tên là Diệu Lợi tự. Về sau chùa được gọi là Phong Kiều tự vì ở gần cầu Phong Kiều. Đến đời nhà Đường vì có hai thiền sư là Hàn San và Thập Đắc đến trụ trì ở đó nên chùa lại được đổi tên là Hàn San tự.
Chùa từ thời đó đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu nên không còn giữ được kiến trúc ban đầu nữa.
Nếu so với các ngôi chùa khác ở Trung Quốc thì chùa Hàn San không có gì đáng kể về mặt kiến trúc nhưng lại rất nổi tiếng nhờ có bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế.
Nguyên văn bài thơ ấy được truyền tụng như sau

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

và đã được khắc vào bia để ở trong chùa.

Bài thơ chỉ có bốn câu với 28 chữ nhưng đã gây ra khá nhiều vấn đề tranh luận.
Câu 1:
Có người cho rằng câu 1 phải đọc như sau:
Nguyệt lạc Ô Đề sương mãn thiên
Và phải hiểu là:
Trăng lặn ở núi Ô Đề (1), trời đầy sương.
"Ô Đề" như vậy không còn là tiếng quạ kêu mà đã trở thành một sơn danh vì người ta cho rằng ban đêm không làm gì có tiếng quạ kêu. Nhưng cách hiểu này đã không được ai theo vì các con quạ vẫn có thể bất thường kêu về ban đêm.
Trong thơ văn Trung Quốc, Lý Bạch đã có bài thơ Ô dạ đề và Kim thị trong bài Tự thuật cũng đã có câu: "Không phòng dạ dạ văn đề ô" (Đêm đêm nghe thấy tiếng quạ kêu ngoài phòng vắng vẻ).

Trong văn thơ Việt Nam, Quách Tấn cũng có bài Đêm thu nghe quạ kêu và ông đã liên tưởng đến bến Phong Kiều trong bài thơ của Trương Kế và đã viết:
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng.
Câu 2:
Câu này cũng bị đặt thành vấn đề.
Nguyên do vào đời Thanh có Mao Tiên Thư cho rằng: "Ở Tô Châu đối diện với chùa Hàn San có núi Sầu Miên nên câu 'Giang phong ngư hỏa đối sầu miên' không thể hiểu là cây phong bên bờ sông và ánh đèn thuyền chài lấp lánh trước mặt khách (tác giả) đã làm cho khách xa nhà nhớ quê không sao ngủ được."
Ý kiến này đã bị Trương Duy Minh, tác giả quyển Hàn San tự (2) bác bỏ vì cho rằng bài thơ chỉ có bốn câu, ba câu đã tả cảnh rồi thì câu "Giang phong ngư hỏa đối sầu miên" phải là câu tả tình mới đúng.
Điều này cũng hợp lý. Chính vì lẽ ấy mà tất cả các quyển Đường thi tam bách thủ chú giải và Thiên gia thi chú giải đều giảng "sầu miên" là "ưu sần bất đắc thành niên". Chỉ có một quyển Hội đồ Thiên gia thi của Chung Bá Kính chú giải đã giảng "sầu miên" là sơn danh như Mao Tiên Thư đã chủ trương.
Chúng tôi cho rằng cả hai nhà chú giải ấy đều chưa có dịp về tới chùa Hàn San cũng như mấy họa sĩ người Trung Quốc đã minh họa bài Phong Kiều dạ bạc mà cứ vẽ cầu Phong Kiều và chùa Hàn San ở bên ngọn núi.
Có thể vì tên chùa Hàn San có chữ "san"là núi nên các vị ấy mới nhầm lẫn như vậy.
Chúng tôi khi về tận chùa Hàn San, đứng ở bến Phong Kiều bên Đại Vận hà, nhìn quanh bốn phía đều không thấy có ngọn núi nào ở gần, chỉ nghe nói ở tận xa, xa không nhìn thấy được, mới có núi Linh Nham sơn, Thiên Bình sơn, Thiên Địa sơn, Sư Tử sơn, Hoành Sơn, Hà Sơn...
Thế thì Trương Kế, nằm trong khoang thuyền mà có nhìn ra ngoài cũng chỉ thấy có những cây phong và những ngọn đèn chài, chứ làm sao có thể đối mặt được với "ngọn núi Sầu Miên", một ngọn núi không có thực ở bên chùa.
Để minh chứng cho điều sai lầm, chúng ta có thể xem bức ảnh chụp bến Phong Kiều với mấy chiếc thuyền đậu ở bên cầu, cửa Thiết Linh quan và ngọn tháp Phổ Minh ở phía sau chùa Hàn San.
Câu 3-4:
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Hai câu này cũng gây thắc mắc cho người đọc vì vào lúc nửa đêm làm gì có tiếng chuông chùa.
Vấn đề này cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
Ấu Dương Tu thì cho rằng: "Thi nhân tham cầu hảo cú nhi lý bất thông giả, diệc ngữ bệnh dã" (Nhà thơ vì muốn đặt câu cho hay nên lý không được thông, đó là một ngữ bệnh vậy).
Sô Nghiêu trong quyển Đường thi tam bách thủ độc bản thì cho rằng: "Hậu nhân dĩ vi dạ bán vô chung thanh tương cấu bệnh, vị miễn xuy mao cầu tì". (Người đời sau lấy cớ nửa đêm không có tiếng chuông và cho là một ngữ bệnh, như thế thì chưa tránh khỏi cái thói bới lông tìm vết.)
Diệp Thiếu Uẩn trong Thạch lâm thi thoại lại cho rằng: "Cái công vị thường chí Ngộ trung(3), kim Ngô trung tự thực bán dạ đả chung." (Vì ông không thường tới Ngô trung chứ hiện nay chùa ở đó vào lúc nửa đêm có đánh chuông thật.)
Chúng tôi cho rằng về ban đêm, ở các chùa thường không có đánh chuông nhưng cũng có những trường hợp cúng lễ bất thường nên "dạ bán chung thanh"cũng không phải là vô lý.
Chính vì lẽ đó mà các nhà thơ từ đời Tống trở về sau mỗi lần qua bến Phong Kiều đều nhớ đến Trương Kế với cảnh "nguyệt lạc", "ô đề" và "dạ bán chung thanh."
Nhà thơ Lục Du đời Tống trong bài Túc Phong Kiều đã viết:
Thất niên bất đáo Phong Kiều tự

Khách chẩm y nhiên bán dạ chung.
(Bảy năm không tới thăm lại chùa Phong Kiều, Nằm gối đầu ngủ lại ở đất khách nghe tiếng chuông chùa đánh lúc nửa đêm thấy vẫn y như cũ).
Nhà thơ Tôn Địch cũng đời Tống trong bài Phong Kiều đã viết:
Ô đề nguyệt lạc kiều biên tự,

Ỷ chẩm do văn bán dạ chung.

(Quạ kêu, trăng lặn, cầu ở bên chùa,

Nằm gối đầu ngủ còn nghe thấy tiếng chuông nửa đêm.)
Nhà thơ Cố Trọng Anh đời Nguyên trong bài Bạc Xương môn đã viết:
Tây phong chỉ tại Hàn San tự,

Trường tống chung thanh giảo khách miên.

(Chỉ tại chùa Hàn San mà gió tây

Đưa xa tiếng chuông tới quấy động giấc ngủ của khách.)
Nhà thơ Cao Khải đời Minh trong bài Phong Kiều đã viết:
Kỷ độ kinh qua ức Trương Kế,

Ô đề nguyệt lạc hựu chung thanh.

(Mấy lần qua Phong Kiều đều nhớ Trương Kế,

Quạ kêu, trăng lặn với tiếng chuông nửa đêm.)
Nhà thơ Văn Trưng Minh đời Minh trong bài Phong Kiều đã viết:
Thủy minh nhân tĩnh Giang thành cô,

Y nhiên lạc nguyệt đề sương ô.

(Nước trong, lòng tĩnh, Giang thành vắng,

Trăng lặn, quạ kêu trong sương vẫn y như cũ.)
Qua các câu thơ ấy, chúng ta thấy các nhà thơ xưa ở Trung Quốc cũng đều nhắc lại cảnh "quạ kêu", "trăng lặn" và "tiếng chuông nửa đêm" như là những sự việc rất bình thường, không có gì đáng thắc mắc cả.

Nguyễn Hàm Ninh xưa, ở nước ta, cũng đã hiểu như vậy nên đã dịch bài thơ của Trương Kế sang thể lục bát như sau:
Quạ kêu, trăng lặn, trời sương,

Lửa chài le lói sầu vương giấc hồ.

Thuyền ai đậu bến Cô Tô,

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Bài thơ dịch này, trước đây người ta đã nhầm là của Tản Đà, được kể là hay, chỉ tiếc là ông đã bỏ mất chữ giang phong và đã nhầm bến Phong Kiều là bến Cô Tô và cũng chưa diễn đạt được vai trò chủ thể của tiếng chuông chùa Hàn San nhưng nó vẫn được kể là bài dịch hay nhất từ trước đến nay.
Vậy để kết luận cho bài viết này, chúng tôi thấy cần phải đến tận chùa Hàn San để tìm hiểu cho được chính xác bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, nếu không sẽ có những nhầm lẫn đáng tiếc trong việc chú thích và minh họa như đã nói ở trên.



Nguyễn Quảng Tuân



Chú thích:

(1) Có người cho là thôn Ô Đề

(2) Hàn San tự: sách do Trương Duy Minh biên soạn, Cổ Ngô Hiên xuất bản xã in năm 1993 ở Tô Châu.

(3) Ngô trung: tên cũ của thành phố Tô Châu.

(4) Hội đồ Thiên gia thi: Nhật Tân thư trang xuất bản, không đề
Đầu trang

Mai Hoa
Tam đẳng
Tam đẳng
Bài viết: 636
Tham gia: 20:02, 25/01/09

TL: Điển tích và giai thoại văn học

Gửi bài gửi bởi Mai Hoa »

Cảm ơn bạn Labatvi đã đưa 1 bài phân tích cặn kẽ về bài thơ Phong Kiều Dạ bạc của Trương Kế.

Về Đường thi, do cách viết chữ Hán không chấm phẩy nên 1 câu người đọc ngắt tại các vị trí khác nhau sẽ hiểu khác nhau; Lại viết đọc nên 1 chữ có thể là 2 chữ do chồng lên nhau.... Còn nhầm tên riêng và ý của từ thì vô kể do không có cách viết hoa tên riêng như mẫu tự Latin

Một chuyện nhầm nữa cũng khá giống bài Phong Kiều Dạ bạc là 2 câu thơ của tể tướng Vương An Thạch

Minh nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm


Hiểu theo ý từ thì là:

Trăng sáng kêu trên đầu núi
Chó vàng nằm giữa nhụy hoa


Nghe... thậm vô lý. Tuy nhiên Minh nguyệt là tên 1 loài chim, Hoàng khuyển là tên 1 loài sâu nên câu trên không có gì sai cả.

Mong bạn Labatvi có nhiều bài viết cho topic.
Đầu trang

Labatvi
Nhị đẳng
Nhị đẳng
Bài viết: 365
Tham gia: 09:05, 24/12/08

TL: Điển tích và giai thoại văn học

Gửi bài gửi bởi Labatvi »

Về bài thơ của Trương Kế, họ Lã lúc nhỏ có được hầu trà các cụ, các cụ có nói 1 giai thoại thế này, xin kể lại với bạn đọc.
Đó là chùa Hàn san lúc đó không thỉnh chuông và ban đêm, khách thuyền Trương Kế đến đó đúng lúc nửa đêm, vào lúc đó minh tăng chủ trì đọc kinh phật, người ngộ ra điều gì đó rất hay, liền sai chú tiểu thỉnh một hồi chuông.
Bai thơ Phong kiều dạ bạc là một tác phẩm vượt thời gian, giai thoại này thật vô lý....nhưng nó dễ tin, vì để có một chữ duyên....sự kết hợp giữa sự giác ngộ của minh tăng, sự hiện hữu tâm hồn của thi nhân và phong cảnh hữu tình, tất cả hội tụ lại trong tiếng chuông chùa mà phát sinh một tác phẩm tuyệt vời như vậy.
Đầu trang

tuetvnb
Thượng khách
Thượng khách
Bài viết: 1502
Tham gia: 12:44, 25/12/08

TL: Điển tích và giai thoại văn học

Gửi bài gửi bởi tuetvnb »

Labatvi đã viết:
....

Nguyễn Hàm Ninh xưa, ở nước ta, cũng đã hiểu như vậy nên đã dịch bài thơ của Trương Kế sang thể lục bát như sau:


Quạ kêu, trăng lặn, trời sương,

Lửa chài le lói sầu vương giấc hồ.

Thuyền ai đậu bến Cô Tô,

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.


Bài thơ dịch này, trước đây người ta đã nhầm là của Tản Đà, được kể là hay, chỉ tiếc là ông đã bỏ mất chữ giang phong và đã nhầm bến Phong Kiều là bến Cô Tô và cũng chưa diễn đạt được vai trò chủ thể của tiếng chuông chùa Hàn San nhưng nó vẫn được kể là bài dịch hay nhất từ trước đến nay.
Vậy để kết luận cho bài viết này, chúng tôi thấy cần phải đến tận chùa Hàn San để tìm hiểu cho được chính xác bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, nếu không sẽ có những nhầm lẫn đáng tiếc trong việc chú thích và minh họa như đã nói ở trên.



Nguyễn Quảng Tuân



Ấy chớ...Lão lái buôn khoan đi vội. Hôm nay nhân có người đến xem bói, được quẻ đại cát nên thoả ý, biếu ta bình trà ngon. Mang ra mời Mai Hoa Nữ Sĩ và Lã đại gia. Cùng thưởng trà đàm văn.


Về cái bài viết ở trên của ông Nguyễn, ta thấy chưa vừa lòng lắm. Tất nhiên là đã có rất nhiều ý kiến xung quanh bài thơ này. Nhưng thực sự, vì bài thơ quá nổi tiếng, cho nên đã làm cho Tao nhân mặc khách bao đời mê đắm, đã có rất nhiều người tìm đến tận Phong Kiều để thưởng thức hồn thơ, chẳng lẽ mấy trăm năm Thi nhân vẫn nhầm lẫn câu từ với mấy địa danh đó ư? Ta chẳng đồng ý đâu.

Dịch nghĩa bài thơ trên :

Phong Kiều Dạ Bạc (đêm trắng ở Phong Kiều)
Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên (trăng lặn, qua kêu, sương đầy trời)
Giang phong ngư hoả đối sầu miên (cây phong bên sông cũng với lửa của người đánh cá gợi nỗi buồn miên man)
Cô tô thành ngoại Hàn San Tự (Chùa Hàn Sơn phía ngoài thành Cô Tô)
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền (Nửa đêm tiếng chuông vọng đến khách trong thuyền)


Về dịch thơ, ông Nguyễn chép chưa hết đã vội chê bai, bài dịch thơ ấy là bài được đánh giá là hay nhất từ trước tới nay. Chỉ tiếc là ô Nguyễn ...chưa thuộc, nên chép nhầm, rồi vội vàng phê phán. Tuy nhiên, nguyên văn của nó như sau:


Trăng tà, chiếc quạ kêu sương
Lửa chài, cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn

Dịch thơ như thế, xưa nay Tao nhân mặc khách vẫn khen là quá đạt, có chăng chỉ có ông Nguyễn chưa vừa lòng.

Mời nhị vị thưởng thức chung trà với Lão phu.
Đầu trang

Uyen Mai
Mới gia nhập
Mới gia nhập
Bài viết: 46
Tham gia: 18:44, 29/12/08

TL: Điển tích và giai thoại văn học

Gửi bài gửi bởi Uyen Mai »

Điển cố hay điển tích là những tích truyện xưa cũ (thường là của Trung Quốc) kể về các tấm gương hiếu thảo, anh hùng liệt nữ và các tấm gương đạo đức khác trong lịch sử (cũng thường là lịch sử Trung Quốc). Những nhà văn Trung Quốc và Việt Nam xưa hoặc theo phong cách cổ điển thường coi việc biện dẫn điển tích điển cố vừa là một cách khẳng định sự hiểu biết của mình vừa được coi là một chuẩn mực cho việc viết văn, làm thơ.

(nguồn: wikipedia).

Điển cố, điển tích được các nhà văn, nhà thơ sử dụng như một biện pháp nghệ thuật. Tính hàm xúc, cô đọng của điển tích không những đáp ứng được lối viết chuẩn mực, chắt lọc về ngôn từ của thơ luật Đường, hào, từ, phú, mà còn diễn đạt được "ý đồ nghệ thuật" của tác giả. Điển cố, điển tích cũng thường xuyên được các nhà thuyết khách cổ đại Trung Hoa viện dẫn trong những lần mang theo sứ mệnh ngoại giao của mình. Như vậy, điển cố, điển tích không chỉ được dùng trong văn học mà còn được áp dụng rộng rãi trong nghệ thuật ngoại giao, chính trị thưở xưa. Ở đây, UM chỉ xin bàn đến điển tích trong văn học.

Nền văn học cổ Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn từ văn học cổ Trung Quốc, nên việc sử dụng điển cố, điển tích của các tác gia Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Khuyến,...không là ngoại lệ. Đặc biệt trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thi pháp "mượn chuyện nguời xưa" để truyền tải dụng ý nghệ thuật được cụ Tố Như sử dụng nhuần nhuyễn trong thể thơ lục bát rất Việt Nam được coi là một hiện tượng vô tiền khoáng hậu. Bởi lẽ, điển cố, điển tích là câu chuyện của con người Trung Hoa, được các tác giả áp dụng trong lối viết cổ thể Trung Hoa, như thơ luật Đường,...; riêng cụ Nguyễn Du đã "Việt hóa" các "khuôn mẫu", "chuẩn mực" đó, làm cho nó trở nên độc đáo, đặc biệt và gần gũi với người Việt hơn. Cá nhân UM cho rằng, muốn biết đất nước Trung Hoa có bao nhiêu điển tích, điển cố hay, hãy đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ở đó có hầu hết và khá đầy đủ những điển tích, điển cố tinh hoa nhất, chắc lọc nhất và đáng quan tâm nhất.

Đơn giản như câu Kiều này:

Thoảng nghe thơm nức hương lân
Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều.


Ở đây, tác giả đã sử dụng điển tích đài Đồng Tước bên bờ sông Chương thời Tam Quốc. Câu chuyện về đài Đồng Tước gắn với 2 chị em Đại Kiều, Nhị Kiều, nhân vật gian hùng số 1 thời Tam quốc và đại chiến Xích Bích, trong chúng ta không ai là không biết. Nó đi vào văn học để thể hiện cho thân phận những người con gái đẹp thưở xưa, chôn vùi tuổi xuân trong lầu son gác tía, quạnh quẽ đợi chờ và mỏi mòn hy vọng. Nó tượng trưng cho một thời xuân sắc bị giam cầm, tù túng. Tuy nhiên, ý của cụ Nguyễn Du trong 2 câu Kiều đó, là "tình trạng hôn nhân" của 2 chị em Thúy Vân Thúy Kiều, họ vẫn đóng cửa buông rèm đợi chờ người quân tử, bởi gia phong nhà họ Vương nền nếp.

Đỗ Mục, một nhà thơ nổi tiếng thời Đường cảm tác mà viết nên "Xích Bích hoài cổ":

Chiết kích trầm sa thiết vị tiêu
Tự tương ma tẩy nhận tiền triều
Đông phong bất dữ Chu Lang tiện
Đồng Tước xuân thâm toả nhị Kiều


2 câu chuyển và hợp của bài thơ luật Đường này cũng lấy ý từ điển tích kể trên vậy!

Vài dòng tản mạn, xin đặt gạch viết tiếp về các điển tích, điển cố trong Truyện Kiều

(còn tiếp)...
Đầu trang

Uyen Mai
Mới gia nhập
Mới gia nhập
Bài viết: 46
Tham gia: 18:44, 29/12/08

TL: Điển tích và giai thoại văn học

Gửi bài gửi bởi Uyen Mai »

MAI CỐT CÁCH, tuyết tinh thần.
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười

MAI CỐT CÁCH là thân hình mảnh mai, yếu đuối như cây mai. Đây là quan niệm của người xưa, người con gái được coi là đẹp phải có thân mình ẻo lả mảnh mai như thế.

Điển hình cho người đẹp "mai cốt cách" là nàng Mai Phi, một người phi sủng ái của vua Đường Huyền Tông khi ông chưa có nàng Dương Quý Phị

Mai Phi tên thận là Giang Thái Tần, chào đời và lớn lên ở Mai Hoa thôn. Nàng được Thái gaím Cao Lực Sĩ tuyển chọn vào cung dâng cho vua Đường Huyền Tông. Nàn có nhan sắc diểm lệ và thân hình mảnh dẻ gió thổi cũng baỵ Hơn nữa, nàng rất yêu thích hoa mai nên được nhà vua đặt là Mai Phị

Va`o cung, Mai Phi đã được vua Đường Huyền Tông sủng ái rất mực một thờị Đến khi nhà vua có được Dương Quý Phi thì Mai Phi bị thất sủng. Nàng sầu khổ lâm bệnh và cuối cùng chết đi như một cành hoa mai héo hắt.

Cùng mẫu người "mai cốt cách" như Mai Phi còn có Đào Hoa Nữ trong bài thơ của Thôi Hộ, nàng Thôi Oanh Oanh trong Tây Sương Ký và nàng Lâm Đại Ngọc trong Hồng Lâu Mộng.

(Nguồn: vietcyber.net)

Lười quá, copy and paste vậy :D

(còn tiếp...)
Đầu trang

tkcuonghn
Chính thức
Chính thức
Bài viết: 96
Tham gia: 17:04, 14/09/10

TL: Điển tích và giai thoại văn học

Gửi bài gửi bởi tkcuonghn »

Hậu học xin đưa thêm 1 bải dịch kính các cụ thưởng lãm!
Quạ kêu sương xuống trăng tà
Đôi bờ cây hắt lơ mơ lửa chài
Nửa đêm chuông vẳng thuyền ai
Hàn San chùa ấy phía ngoài Cô Tô.
Đầu trang

tkcuonghn
Chính thức
Chính thức
Bài viết: 96
Tham gia: 17:04, 14/09/10

TL: Điển tích và giai thoại văn học

Gửi bài gửi bởi tkcuonghn »

Thưa bác Mai hoa cho em hỏi
"Chàng dù nghĩ đến tình xa
Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ"
Hai câu này ý là đem tình yêu đổi ra tinh bạn của Kim Trọng với Thúy kiều không a.
"Cầm sắt " là ý là chồng vợ như đàn cầm với đàn sắt luôn đi với nhau
"Cầm ki" thì lại không phải hai cái đàn mà như bạn bè như kiểu "khi chén rượu khi cuộc cờ khi xem hoa nở khi chờ trăng lên"
Đầu trang

Trả lời bài viết

Quay về “Văn hóa - Cổ học”