Mùa Xuân nhớ Bác!!!Bài thơ gây tiếng vang lớn thời bao cấp!!

Trao đổi về lĩnh vực văn hóa và các môn cổ học khác
Trả lời bài viết
Hình đại diện của thành viên
Chém Gió
Nhất đẳng
Nhất đẳng
Bài viết: 147
Tham gia: 00:21, 22/09/10

Mùa Xuân nhớ Bác!!!Bài thơ gây tiếng vang lớn thời bao cấp!!

Gửi bài gửi bởi Chém Gió »

Các đồng nghiệp, nhất là các đồng nghiệp lớn tuổi chắc vẫn còn nhớ bài thơ này. Trong triển lãm Hà Nội thời bao cấp, người xem còn tìm thấy trong gian trưng bày bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” của nhà thơ Phạm Thị Xuân Khải đăng trên báo Tiền Phong năm 1986 – một dấu ấn nghệ thuật nữa thời kỳ bao cấp, một câu chuyện xúc động khác về những người cầm bút đã phải trả giá cả cuộc đời mình cho những tác phẩm dám nói lên sự thật. Bài thơ này có gì đặc biệt, và đã có những kỳ tích gì xoay quanh nó, xin cùng các bạn tìm hiểu.

Nhà thơ Xuân Khải, lúc đó là nữ sinh viên khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, kể lại hoàn cảnh ra đời của bài “Mùa xuân nhớ Bác” xuân Bính Dần năm 1986, thời điểm ngay trước đại hội Đảng khóa VI. Cái “thời xa vắng” gian khó đã qua hơn 20 năm, lúc mà ta ca hát quá nhiều về tiềm lực mà tiềm lực đang còn ngủ yên, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn đến mức nâng con lợn lên tầm thời đại, trong muôn vàn thiếu thốn vật chất và tình cảnh ngặt nghèo chung của đất nước lại có một bộ phận cán bộ tha hóa biến chất … Đau đáu với thế sự nước nhà, Xuân Khải đã thức đến sáng viết bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” gửi đồng chí Lê Đức Thọ – ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng lúc đó. Bài thơ được in trang trọng trên số báo đặc biệt ngày 25/3/1986 kỷ niệm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3. Ngay sau đó, số báo ấy được bạn đọc cả nước “săn lùng” để mua cho bằng được, để đọc cho bằng được, người ta còn lùng kiếm, sao chép, gửi cho bạn bè ở nước ngoài, kể cả những lãnh đạo cao cấp như đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Nguyễn Văn Linh – Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt – Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội họp cũng tìm đọc. Bài thơ tạo được tiếng vang lớn bởi những sự thật mà nó nhắc đến, dám đánh mạnh vào bức tường bảo thủ trì trệ đang kìm hãm đất nước đi lên, cũng là một tiếng lòng sáng tác gửi đến những người đứng đầu đất nước trong đêm trước đổi mới khi đại hội Đảng 1986 sắp diễn ra.

Toàn văn bài “Mùa Xuân nhớ Bác”:
Kính tặng đồng chí Lê Đức Thọ, tác giả bài thơ “Lẽ sống” và đồng chí Hồ Thiện Ngôn, tác giả bài thơ “Đọc thơ anh”.
Mùa xuân về nhớ Bác khôn nguôi
Tiếng pháo giao thừa nhớ ngày xuân Bác còn chúc Tết
Vần thơ thân thiết
Ấm áp lòng người
Bác đã đi xa rồi
Để lại chúng con bao nỗi nhớ
Người cha đã đi xa.
Các anh ơi, Mùa xuân về đọc thơ xuân các anh trên báo Đảng
Lòng càng nhớ Bác nhiều hơn
Làm sao có thể quên
Mỗi lần gặp Bác
Bác bắt nhịp bài ca đoàn kết
Người thường nhắc nhở:
Yêu nước, thương dân
Dẫu thân mình có phải hy sinh
Cũng chỉ vì trường xuân cho đất Việt.
Mùa xuân về đọc thơ xuân các anh
Tuổi trẻ chúng tôi thấy lòng mình day dứt
Day dứt vì mình chưa làm được
Những điều hằng ước mơ
Những điều chúng tôi thề
Dưới cờ Đoàn trong giờ kết nạp,
Tuổi trẻ chúng tôi tha thiết
Được Đảng chăm lo
Được cống hiến cho quê hương nhiều nhất
Nhưng tuổi trẻ chúng tôi
Không ít người đang lỡ thì, mai một.
Theo năm tháng cuộc đời
Ngoảnh lại nhìn, mình chưa làm được bao nhiêu
Bởi một lẽ chịu hẹp hòi, ích kỷ
Thanh niên chúng tôi thường nghĩ:
Bỏ công gieo cấy, ai quên gặt mùa màng
Mỗi vụ gieo trồng
Có phải đâu là lép cả?
Tuổi trẻ chúng tôi vẫn tự hào
Những trang sử vẻ vang dân tộc
Chúng tôi được học
Được thử thách nhiều trong chiến tranh
Chúng tôi nghĩ: Nguyễn Huệ – Quang Trung
Lứa tuổi hai mươi lập nên nhiều chiến công hiển hách.
Lẽ nào tuổi trẻ hôm nay thua thiệt
Có học hành, lại phải sống cầu an
Phải thu mình, xin hai chữ “bình yên”
Bởi lẽ đấu tranh – tránh đâu cho được?
Đồng chí không bằng đồng tiền
Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp
Có ai thấu chăng
Và ai phải sửa?
Mỗi xuân về con càng thêm nhớ Bác
Lòng vẫn thầm mơ ước
Bác Hồ được sống đến hôm nay
Làm nắng mặt trời xua tan hết mây
Trừ những thói đời làm dân oán trách
Có mắt giả mù, có tai giả điếc
Thích nghe nịnh hót, ghét bỏ lời trung
Trấn áp đấu tranh, dập vùi khốn khổ
Cùng chí hướng sao bầy mưu chia rẽ?
Tham quyền cố vị
Sợ trẻ hơn già
Quên mất lời người xưa:
“Con hơn cha là nhà có phúc”
Thời buổi này,
Không thiếu người xông pha thuở trước
Nay say sưa trong cảnh giàu sang
Thoái hóa, bê tha khi dân nước gian nan?
Mùa xuân đất nước
Nhớ mãi Bác Hồ
Ta vẫn hằng mong lý tưởng của Người
Cho đất nước khải hoàn, mùa xuân mãi mãi.

Khi bài thơ ra đời, Xuân Khải nhận được sự ái mộ của dư luận khắp cả nước mọi lứa tuổi hay ngành nghề, người ta gửi đến cho cô nghìn lá thứ với hàng triệu tấm lòng, có người còn lặn lội từ xa đến chỉ mong được gặp cô để bày tỏ sự cảm ơn bởi cô đã thay họ viết lên những điều trăn trở suy nghĩ trước bối cảnh đất nước lúc khó khăn. Nếu cho rằng bài thơ “Mùa Xuân nhớ Bác” đã thay đổi cục diện đất nước thì hoàn toàn không phải, nói cho đúng hơn rằng nó là một chấn động trong sáng tác thời kỳ đó, châm ngòi cho những sáng tác mang tính thời sự đột phá khác để góp phần phá vỡ cái bảo thủ trì trệ, thêm một tiền đề cho công cuộc Đổi mới do nhân dân và Đảng khởi xướng. Tuy nhiên không phải ai cũng chia sẻ quan điểm tiến bộ đó, vẫn có những người công tác trong ngành văn hóa hay cơ quan lãnh đạo tỉnh Nghĩa Bình (quê của nhà thơ) khi đó phê phán bài thơ, phê phán ban lãnh đạo Báo Tiền Phong vĩ đã cho đăng; họ cho rằng nội dung bài thơ là phản động, thiếu tính xây dựng, ám chỉ và gây mất đoàn kết! Có những giai đoạn căng thẳng khi tác giả bài thơ có thể bị bắt, sau khi tốt nghiệp Xuân Khải không thể về quê Bình Định mà ở lại thành phố sống “du mục”, chịu đựng khó khăn và tìm con đường phù hợp cho mình. Ra trường bị cắt học bổng, không việc, không nhà, chị nhọc nhằn với nỗi mưu sinh ở Hà Nội hơn 10 năm trời, chưa kể đến việc phải cưu mang gia đình và các cháu làm cuộc đời chị thêm phần lận đận …
Năm 2006, NXB Thông tấn ấn hành cuốn “Mùa xuân nhớ Bác – tự sự của tác giả”, cung cấp thêm thông tin giúp bạn đọc hiểu hơn về bối cảnh ra đời bài thơ và tâm tư, suy nghĩ của một thế hệ thanh niên trong giai đoạn đầy khó khăn của đất nước, với nhiều tư liệu liên quan đến bài thơ lần đầu tiên được công khai đến bạn đọc. Song song với sự kiện đó, báo Tiền Phong đã cho đăng một loạt bài xung quanh tác giả tác phẩm “Mùa Xuân nhớ Bác”, đồng thời gặp gỡ lại nhà thơ Xuân Khải, giờ đã đến tuổi ngũ tuần, con cái bà đã trưởng thành và thành đạt trong sự nghiệp, để được bà trực tiếp chia sẻ những kỷ niệm về “trái bom” thơ đó. Được biết trong dịp này, nhà thơ Xuân Khải đã có cuộc gặp mặt với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, hiểu được những điều còn bất cập của cơ chế cũ, nguyên Tổng Bí thư chia sẻ với nhà thơ: “Nhìn lại mười năm trước đổi mới, cả một dân tộc đang khí thế hừng hực lại lâm vào khủng hoảng. Lỗi này không thể nói là của dân được mà phần quan trọng là ở sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước. Sau đó, nhờ tổng kết thực tiễn đúng đắn đã thấy không đổi mới là nguy hiểm và công cuộc đổi mới đã đem lại sự vươn mình lớn lao cho dân tộc …“.
Bà còn được gia đình đại tướng Võ Nguyên Giáp đón tiếp thân tình tại nhà riêng; nhớ lại thời kỳ đó, đại tướng nói: “… đó là thời kỳ của tư tưởng bảo thủ, tả khuynh, thời kỳ ngăn sông cấm chợ. Tư tưởng đổi mới ra đời thực sự khó khăn. Đấu tranh khi gay gắt …
Đổi mới của ta thành công rất lớn, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của nhà thơ, nhà văn. Nhưng tôi mong có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Cả thế giới công nhận Việt Nam là đất nước anh hùng và người ta tôn trọng điều đó.”
Có thể nói, giá trị của một tác phẩm ngoài tính nghệ thuật còn luôn cần có tính thời sự, phải đại diện cho một cách nhìn một lối nghĩ xuyên suốt, không chỉ đơn giản là ca tụng hay chê bai mà còn cần phải gợi mở cho những gì hiện thực hơn, hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn. Trong thời bao cấp, bất chấp những khó khăn về đời sống vật chất và bất cập cơ chế đã kìm hãm sáng tác, vẫn và đã có những tác phẩm như thế ra đời. Hoàn toàn khách quan và tôn trọng lịch sử, người đọc thông qua những tác phẩm đó sẽ có điều kiện gần gũi hơn với cuộc sống tinh thần của lớp người đi trước, hiểu hơn về những năm tháng trì trệ trong công tác quản lý văn hóa văn nghệ, hiểu hơn về những cuộc đấu tranh âm thầm của ngòi bút và sáng tạo nghệ thuật, càng thấm thía hơn câu nói của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng trong Đại hội Điện ảnh toàn quốc lần thứ II về cách thức quản lý lãnh đạo văn nghệ: “Đừng bắt anh em văn nghệ sĩ phải chui qua một cái lỗ kim, theo một khuôn mẫu có sẵn!”. Hơn 20 đã qua, thời kỳ mà “tiền lẻ hơn thẻ thương binh“, thời kỳ của một cơn mê sảng tập thể (Nguyễn Khải) đã lùi xa vào dĩ vãng, những tác phẩm giá trị của một thời và kể cả những kỳ tích xoay quanh chúng sẽ giúp thế hệ hôm nay ý thức được thông điệp cuộc sống mà cha anh đã để lại, để thấy tự hào, trân trọng và giữ gìn những thành quả Đổi mới được đánh đổi bằng công lao của hàng triệu con tim khối óc, càng không ngừng nỗ lực phấn đấu học tập, lao động, và xây dựng đất nước giàu mạnh hơn, xứng đáng với thế hệ đi trước.


(nguồn http://diendanykhoa.com/showthread.php?p=43159" target="_blank)
Được cảm ơn bởi: nguyen quoc, viethien, con_cua, PMK
Đầu trang

viethien
Nhất đẳng
Nhất đẳng
Bài viết: 137
Tham gia: 15:12, 29/04/10

TL: Mùa Xuân nhớ Bác!!!Bài thơ gây tiếng vang lớn thời bao c

Gửi bài gửi bởi viethien »

Bai tho kha y nghia ban ah
Đầu trang

Hình đại diện của thành viên
Chém Gió
Nhất đẳng
Nhất đẳng
Bài viết: 147
Tham gia: 00:21, 22/09/10

TL: Mùa Xuân nhớ Bác!!!Bài thơ gây tiếng vang lớn thời bao c

Gửi bài gửi bởi Chém Gió »

viethien đã viết:Bai tho kha y nghia ban ah
Nhưng tác giả của nó thì liêu xiêu đến tận lúc ra đi theo tiếng gọi của tổ tiên đấy bạn à, làm cách mạng quả là khó , tốt nhất vào lý số chém gió là ổn, bác Xuân Khải ui, bác đừng trách cháu nghen, có trách thì bác trách tại sao trang lý số nỏ ra đời từ vài chục năm về trước í, hì hì :">
Đầu trang

Hình đại diện của thành viên
con_cua
Lục đẳng
Lục đẳng
Bài viết: 3584
Tham gia: 16:17, 02/10/10
Đến từ: Đồng ruộng

TL: Mùa Xuân nhớ Bác!!!Bài thơ gây tiếng vang lớn thời bao c

Gửi bài gửi bởi con_cua »

"...Đồng chí không bằng đồng tiền
Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp..."

COCC, đầu tiên= tiền đâu, đồng tiền đi trc là đồng tiền khôn...
sợ thật :( phải kiếm tiền thôi...
Đầu trang

Trả lời bài viết

Quay về “Văn hóa - Cổ học”