Y Đức & người hành y chân chính

Trao đổi về y học, võ thuật cổ truyền, thiền, Yoga
phutan
Mới gia nhập
Mới gia nhập
Bài viết: 16
Tham gia: 22:31, 12/03/09

Y Đức & người hành y chân chính

Gửi bài gửi bởi phutan »

Kinh Dịch là môn triết học cổ của phương Đông, nó được xem là viên ngọc sáng trong kho tàng khoa học, nó không những là kinh sách của bậc đế vương cần đọc để làu thông đạo trị quốc mà nó còn là “pháp bảo” để xây dựng, cấu tạo và định hướng cho tất cả các ngành khoa học phục vụ cho đời sống của con người.Ngành học thuật Đông y của chúng ta cũng không ra ngoài quĩ đạo ấy. Cho nên, nền triết học này đã trở thành Y đạo, là linh hồn cho sự tồn tại và phát triển của nghành họcthuật củachúng ta.

Vì là bản sao của nền triết học, cho nên toàn bộ cấu trúc của Đông y từ tôn chỉ , mục đích cho đến việc phòng và chữa bệnh nơi đâu cũng được lý giải bằng thuyết khí hoá, nơi đâu cũng nhìn thấy từ tổng quát cho đến chuyên khoa từ ngữ của triết học như: Âm dương, ngũ hành, thuỷ hỏa, hư thực, hàn nhiệt, chánh tà.v.v… cùng những qui luật vận động cơ bản của Âm dương, ngũ hành trong vũ trụ luôn tồn tại và chi phối toàn diện đối với đời sống vạn vật ở dưới gầm trời này .
Việt Nam chúng ta là một dân tộc Á Đông, cho nên không riêng gì ngành học thuật Đông y mà hầu như toàn bộ các ngành khoa học phục vụ cho đời sống xã hội, đều có nguồn gốc xuất phát từ sự lý giải của bộ kinh điển này. Do đó nên đời sống của xã hội hầu như ngành nào, đâu đâu cũng dùng nó để xây dựng tôn chỉ ,dùng nó để định hướng cho sự tồn tại và phát triển của ngành mình ,từ cá nhân cho đến toàn thể cộng đồng xã hội .
Từ đó, các ngành khoa học khác cũng như ngành học thuật Đông y trong quá trình ứng dụng, những nhà sáng lập không thể sáng tạo thêm những thuật ngữ đặc thù, toàn diện của ngành mình để diễn đạt ý nghĩa cho thỏa đáng, nên tất cả đều buộc phải đem nguyên văn từ của triết học để đưa vào. Và một khi những từ này được đi vào một phạm trù nào đó, thì nó đòi hỏi mọi người không chỉ hiểu nó bng một ý nghĩa thông thường, mà còn phải hiểu nó một cách toàn diện về triết học, thì danh của nó mới có thể sáng mà vận dụng một cách phù hợp, chính xác vào thực tế được. Bằng không, thì nó rất dể bị ngộ nhận dẫn đến những áp đặt sai lầm không đáng có, vào phạm trù đã được ứng dụng.
Riêng phạm trù y học, cụm từ nghề y chân chính cũng vậy. Nghề y thì ai cũng biết, nó bao gồm tất cả những người đang hành về y học mà trước đó họ đã được đào tạo kỹ lưỡng về y lý y thuật. Do đó tất cả những người này họ đều có đầy đủ năng lực, để xử lý một cách khoa học mọi tình huống bệnh, cũng như lý giải được mọi nguồn gốc và cơ chế phát triển của bệnh.
Hai mặt này, người thầy thuốc có đầy đủ năng lực không thể xem nhẹ hay bỏ đi bất cứ bên nào. Vì nếu chỉ chú trọng đến y thuật thì việc điều trị của họ là: đau đâu chữa đó, bệnh gì thuốc ấy thì rất dễ dẫn đến sai lầm vì đối với những bệnh phức tạp, chứng thường một nơi mà nguyên nhân thì ở vào một nẻo. Còn nếu chỉ chú trọng đến phần y lý thì khả năng phân tích, lý luận của họ giỏi nhưng lại không vận dụng được phương pháp thích hợp để điều trị, thì cũng không thể đẩy lùi được cơ chế bệnh.
Trong thực tế, trường hợp thứ nhất thường thấy rơi vào hướng đào tạo mang tính gia truyền, nghĩa là cha con, anh em, thầy trò truyền lại cho nhau. Hứơng truyền dạy nầy trong quá khứ cũng nhờ đó mà nền YDHDT trải qua bao nhiêu biến cố, bị nhiều nguy cơ mai một nhưng nó vẫn luôn được tồn tại trong lòng của dân tộc. Tuy nhiên, hứơng truyền dạy này có đặc điểm là kinh nghiệm điều trị chỉ dừng lại ở
một số bệnh nào đó, nhưng hầu hết ngừơi được truyền dạy họ đều không thể lý giải được vịệc của mình làm, cũng như gặp bế tắc là họ cũng không hiểu được vì sao? Vì đối với những lọai bệnh này họ chưa từng biết, cũng như không được truyền dạy một cách
đầy đủ về y lý.
Trong xu thế phát triển của các ngành khoa học khác, nghề y chúng ta cũng không thể tiếp tục xem đây là hướng đào tạo tích cực, vì làm được mà không nói được nó đồng nghĩa với việc: tình cờ mà làm được. Đông y là môt ngành khoa học, thầy thuốc Đông y là những người làm công tác khoa học, cho nên việc tình cờ mà làm được thì không có lý nào dùng nó để làm khuôn mẫu, truyền dạy cho lớp kế thừa trong thời đại hiện nay được.
Trường hợp thứ hai, thường rơi vào hướng đào tạo ở trường lớp vì những người này sau khi học ra, phần đông đều biện chứng lý luận rất tốt, nhưng khi ứng dụng các phương pháp điều trị thì chưa thật hợp lý, thường nghiêng về bài bản hơn là thực tế lâm sàng. Nhưng dù sao hướng đào tạo này cũng là xu thế phù hợp nhất, trước mắt tuy họ chưa đủ kinh nghiệm nên cứ ứng dụng các phương pháp cơ bản này. Thế nhưng sau khi ra trường, họ chỉ cần một thời gian để tiếp tục học hỏi, đặc biệt là kinh nghiệm của những người đi trước và vận dụng với kiến thức của trường lớp vào thực tế, thì họ cũng có thể làm tốt đươc công việc của mình.
Cho nên, hễ nói đến nghề y là phải nói đến những người đã được đào tạo, trui rèn về y thuật lẫn y lý và đó mới thật sự là tính chất của một người thầy thuốc có đầy đủ năng lực để trị bệnh cứu người .
Còn đối với từ “chân chính” theo nghĩa đen là hoàn toàn xứng đáng với tên gọi. Có nghĩa: đối với nghề y, danh hiệu thầy thuốc là hoàn toàn xứng đáng. Nhưng nếu chúng ta cứ bám chặt vào đó thì rất dễ tạo nên ngộ nhận rồi đi đến tự nhận vì: như thế nào là xứng đáng ,thế nào là không xứng đáng do nó hoàn toàn không có ranh giới cụ thể nào?
Liên hệ đến phạm trù triết học: Chân có nghĩa là chân thành, chân thật, chân thiện... mà bên trong không còn chỗ để cho sự xấu xa, giả tạo len vào. Vì thế nên nó còn có nghĩa: Đó là chân lý mà bên trong nó bao hàm tất cả tình yêu thương dành cho đời sống của nhân loại. Chân lý này được xuất phát từ lòng bản thể của vũ trụ, nơi chứa đặc tình yêu thương dành cho sự sống của muôn loài ở khắp cả thế gian. Vì chính nơi này, nó đã tự nguyện phân chia bản thể của mình ra, để tạo dựng nên đời sống của muôn loài mà bên trong lúc nào nó cũng tự nhiên và đương nhiên tròn đầy, viên mãn. Cho nên, chữ Chân này nó còn bao hàm luôn cả ý nghĩa đó.
Còn chữ Chánh có nghĩa là điều phải, điều đúng ,điều trong sáng ngay thẳng nhưng nó thiêng về lợi ích chung. Cho nên 2 từ Chân Chính này ghép lại thì có nghĩa: Khi bên trong đã có chân rồi thì bên ngoài mới có chánh được, còn ngược lại bên trong không chân thì mọi hành vi ứng xử bên ngoài đều khó có thể vì công chánh được. Đúng vậy, nếu bên trong con người đã chứa đặc tình yêu dành cho sự sống của thế nhân, thì khi hành xử bên ngoài với mọi người mới thật đúng, thật phải và mới thật sự làm những điều chánh đáng, ngay thẳng vì lợi ích chung được.
Cho nên, vấn đề được nêu ra đối với cụm từ này là: Ngoài năng lực chuyên môn, người thầy thuốc còn phải có trách nhiệm và tình thương yêu, sự cảm thông với nỗi khổ đau của người bệnh thì đó mới thật sự đúng như tên gọi người thầy thuốc chơn chánh được. Còn nếu chỉ có chuyên môn mà thiếu đi yếu tố này thì chưa thật sự xứng đáng với danh gọi này.
Xuất phát từ ý nghĩa trên, cho nên ngành y nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung, luôn chú trọng và kêu gọi việc rèn luyện y đức của người thầy thuốc. Thế nhưng đại bộ phận người thầy thuốc đều không hiểu như thế nào là chân, thế nào là chánh, hay họ bị mập mờ giữa phải, trái, đúng, sai thì làm sao có thể kêu gọi họ dùng y thuật của mình để ra làm phước hay tích đức được? Hơn thế nữa, đối với từ y đức cũng vậy đó là từ của y học và triết học ghép lại, nếu không dùng lý giải từ của triết học thì nó sẽ trở thành trừu tượng, mơ màng. Ngoài ra, nó cũng sẽ bị ảnh hưởng, tác động bởi các từ ngữ của các chủ thuyết tín ngưỡng khác như : đạo đức, nhân đức, đại đức, đức Phât, đức Chúa, đức Mẹ v.v… và mọi người sẽ dễ dàng chấp nhận nó, nhưng tất cả đều thiên về yếu tố thần linh hơn là thực tế khoa học .
Do đó, khi bàn về y đức thì ngòai xã hội hiện nay nó đang trở thành vấn đề thời sự nóng, vì mọi người ai cũng phải bận tâm. Nhưng thật ra, y đức theo cách hiểu của thời đại ngày nay thì đây cũng là môt trong những ngộ nhận thật đáng tiếc, vì nó chưa thật sự mang đầy đủ ý nghĩa theo từ của triết học. Cũng như từ Chân Chính hay tất cả những thuật ngữ trong y học, vì thế nên mới tạo sự bất bình, ta thán về y đức đối với người thầy thuốc của cộng đồng.
Điều này có thể nói, vì đa phần thầy thuốc chúng ta đều tập trung dồn tâm huyết của mình vào việc thừa kế một nền y học, nhưng nó lại được sanh ra từ một nền triết học, cho nên phần đông đều chưa thật chú trọng đến việc trang bị chu đáo, dựa theo những điều căn bản của nền triết học này. Và một khi người thầy thuốc không thấu đáo được căn nguyên này, thì những từ ngữ mà cổ nhân buộc phải đem vào làm sao họ có thể thông suốt và có thể phấn đấu để trở thành một người thầy thuốc đúng như danh gọi được?
Trong khi đó, hầu hết quí thầy hiện nay đều cho rằng: hệ thống y lý, y thuật của Đông y đều đã có đủ vì nó là kết quả của một công trình nghiên cứu tổng hợp, đầy tính khoa học rất cụ thể và rất đầy đủ lắm rồi. Cho nên, những thuật ngữ này trong y học đều được mọi người bằng lòng và dừng lại ở ý nghĩa đó, chứ ít có người nào đòi hỏi gì thêm. Nếu trong quá trình ứng dụng gặp bế tắc thì họ lập tức dừng lại, nhưng cũng có một số thầy không bằng lòng như vậy và đã bỏ công ra tìm tòi, nghiên cứu để đựơc hiểu biết thêm.
Tuy nhiên, kết quả mang lại khi ứng dụng thì vẫn còn tuỳ theo tư duy, sở kiến của mỗi người, nhưng cũng có số người phủ nhận nó và cho rằng những từ này, câu nọ đã quá xưa cũ, lỗi thời không còn phù hợp với thực tế ngày nay nữa? Và khi gặp những bế tắc trong y học thì họ cũng dụng công để nghiên cứu, tìm tòi ra giải pháp khác nhưng thường là mang tính áp đặt. Tỷ như họ dùng các giải pháp của nền YHHĐ... hoặc có người cũng chấp nhận, nhưng lại áp đặt cho nó vào yếu tố thần linh, tà ma quái vị hoặc tìm mọi cứu cánh để giải quyết vấn đề này.
Nhưng nói chung, phần đông đều rơi vào trạng thái ngộ nhận, mỗi người mỗi cách không ai có thể giống ai. Tuy có điều mừng là hầu hết không một ai dám tự ý sửa chữa hay thay đổi những từ ngữ này, kể cả một số nhà hành y có học thức, có học vị khá cao .
Từ những đăc điểm trên, cho nên khi thực hành y đức người thầy thuốc thường rơi vào 3 khuynh hướng :
-Do bị ảnh hưởng, chi phối của tín ngưỡng mà có một số thầy đã thần thánh hoá việc thực hành y đức của minh và nặng về ban bố ơn điển hơn là trọng trách phục vụ đối với bệnh nhân .Thậm chí còn có nhiều người thiện tâm đến độ chữa bệnh không thu bất cứ khoản tiền nào, kể cả thuốc men lẫn công sức mà không cần biết rằng khả năng chuyên môn, hoàn cảnh đời sống của bản thân và gia đình mình có thể duy trì được trong bao nhiêu lâu ?
Ngoài ra, khuynh hướng này còn kéo theo 1 s người chưa đủ tư cách chuyên môn cũng tham gia như một phong trào rất rầm rộ, với nhiều động lực khác nhau. Nhưng cuối cùng, hầu như tất cả đều bị biến tướng đi vì thiếu năng lực, đồng thời cũng vì sự sống mà những người này đã tô vẽ lên khuôn mặt của y đức thông qua những việc làm từ thiện ấy rất nhiều nét chấm phá trông thật đau lòng, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của những người thầy thuốc chân chính.
-Khuynh hướng thứ hai là thực hành không cần hiểu.
Khuynh hướng này thường rơi vào các cơ quan, công sở thuộc khu vực nhà nước. Đối với bộ phận này, việc thực hiện 12 điều y đức của ngành cũng giống như thực hiện những nội qui của cơ quan, nên bắt buộc họ phải làm nếu không muốn bị kỉ luật hay đuổi việc. Còn đối với họ thì cụm từ này quá mơ hồ, không có giá trị đem lại lợi ích thực tế cho cuộc sống, cho nên mọi người không sẵn sàng và cũng không có hứng thú để thực hiện .
-Khuynh hướng thứ ba là không bận tâm gì và cứ bám theo tư lợi. Bộ phận này, hầu hết đều có động cơ vào nghề y với mục đích sau này dùng nó để làm kinh tế. Vì vậy sau khi đã rành nghề là họ bắt đầu thu lợi và cũng không cần biết rằng, những lợi lộc họ đang thâu được chính là sự khổ đau, bệnh tật mà đồng loại của họ đang phải gánh chịu đến kiệt sức từng ngày?
Dù biết rằng qui luật muôn đời của đời sống xã hội là tất cả mọi người đều phải làm việc để tạo ra lợi ích chung, trong đó có lợi ích cho bản thân mình. Cho nên đây cũng là một nhu cầu chính đáng, để cho con người tồn tại và phát triển cuộc sống. Nhưng đối với những người thầy thuốc chân chính, sự tư lợi này không có nghĩa là họ đem nghề trị bệnh cứu người của mình ra để làm kinh tế theo kiểu mua bán, mà bên trong có sử dụng nhiều thủ đoạn để thu về càng nhiều lợi, thì càng tốt.
Vì vậy, đối với cụm từ chân chính khi đặt lên vai người thầy thuốc thì quả là một đòi hỏi rất khắc nghiệt, nó đòi hỏi ngoài chuyên môn người thầy thuốc còn phải ra sức học tập, rèn luyện cho bản thân mình về y đức, y tâm xuất phát từ chân lý của tình yêu và sự sống của tạo hóa(Vũ trụ) dành cho nhân loại .
Riêng đối với nghề y, nếu chúng ta thật sự dùng nó để tư lợi cho bản thân mình thì điều đó cũng quá dễ, mà về phía người bệnh họ cũng phải chấp nhận chớ không thể làm gì . Nhưng trừ số thầy thuốc của Tây y và những người sản xuất, kinh doanh các mặc hàng thuốc ra thì điều chắc chắn là hầu hết thầy thuốc Đông y đang hành nghề chữa bệnh, cho dù họ có chân chính hay không thì cũng không thể làm giàu .
Vì theo lý giải của triết học, phạm vi hành nghề chữa bệnh của người thầy thuốc được qui nạp vào hàm số của hào Tử tôn. Do hào này có mối quan hệ khắc chế hào Quan quỉ , (tử khắc quỉ ) mà Quan quỉ có hàm số là chuyên đi gây ra nạn tai , bệnh tật cho con người... Do đó hào tử tôn mới có vai trò đến để giải trừ tai nạn, bệnh tật để bảo vệ sức khoẻ cho con người mà chính người thầy thuốc đi chữa bệnh là hiện thân cho sự biến hoá này của nó .
Thế nhưng, năng lực của hào tử tôn có hay không, mạnh hay yếu tất cả đều phụ thuộc vào sự nuôi dưỡng hổ trợ của hào huynh đệ (huynh sinh tử) là nguyên thần của nó. Nếu hào này mạnh mẽ thì năng lực của hào tử tôn mới được sung túc và nó mới đủ sức để đi khắc trừ quan quỉ, dẹp tan bệnh tật đem đến niềm vui và hạnh phúc cho con người. Còn trái lại thì hào tử tôn sẽ bị suy yếu thì người thầy thuốc cũng sẽ không đủ bản lãnh để đi trị bệnh cứu người.
Nhưng cũng thật trớ trêu, hào tử tôn được hào huynh đệ nuôi dưỡng, giúp đỡ mà bản chất của nó lại là hào chuyên đi tranh đoạt, phá hao tài lộc, do hàm số của hào huynh đệ là chuyên gia đi phá hao đa đoan. Cho nên, một khi hào này được mạnh mẽ thì năng lực của hào tử tôn cũng sẽ tăng lên, nhưng điều đó cũng có nghĩa là cường độ tranh đoạt, phá hao tài vật của nó đối với người thầy thuốc cũng tăng theo cùng một tỉ lệ.

Còn đối với thầy thuốc Tây y và các nhà sản xuất kinh doanh thuốc thì không như vậy vì: xuất phát của ngành Tây y là đến từ khu vực vùng miền có phong thổ của trời Tây. Dựa theo lý giải của triết học: Trời Tây thuộc âm, âm chủ tư lợi về vật chất. Cho nên ngành học thuật Tây y ra đời là để nhằm thỏa mãn nhu cầu bệnh tật của con người và họ luôn giữ nguyên tắc bình đẵng. Có nghĩa là mối quan hệ giữa người thầy thuốc và bệnh nhân, hay nhà sản xuất các mặt hàng thuốc Đông dược cũng vậy, đó là mối quan hệ mua bán, kinh doanh mà cà 2 đều có lợi. Do đó, hào Tử tôn không còn là hiện thân của họ, mà được thay vào đó là hàm số của hào Tài, cho nên nếu họ đắc thời hào Tài được vượng tướng thì sự phất lên làm giàu bằng nghề của họ là điều không có vấn đề gì.
Còn đối với người thầy thuốc đi trị bệnh cứu người, cho dù họ có được đắc thời, may mắn hay tài giỏi hơn người đi nữa thì cũng không thê nào phất lên từ nghề này mà giàu có được. Đó là do nguyên thần là cái gốc
của
nghề nghiệp mình, cái mà mình có được là của người khác nuôi dưỡng ban cho. Nhưng cũng chính người này lại là kẻ chuyên đi tranh đoạt tài vật với
chính mình để làm nguồn dưỡng mạng, thì có nghĩa là họ giúp ta mặt này nhưng cũng sẽ chiếm hữu của ta về mặt khác và cuối cùng ta cũng không thể nào phât lên làm giàu được.
Hơn nữa, người thầy thuốc chân chính đều là những người luôn thực hành y đức tốt, thì mục tiêu của họ theo đuổi nghề y là để trị bệnh cứu người chớ không phải là trị bệnh để được làm giàu. Cũng chính vì vậy, nên người thầy thuốc đông y đừng bao giờ hy vọng dùng nghề chữa bệnh để phất lên giàu có cho dù mình thật sự tài giỏi, thật sự có bản lĩnh về nghề nghiệp hơn người.
Cho nên, người thầy thuốc chúng ta chỉ mong sao có được một cuộc sống trung bình, đủ ăn, đủ mặc để phục vụ sức khỏe thật tốt cho mọi người, góp phần cùng với đồng nghiệp kế thừa nền YDHDT để cho nó luôn được phát triển. Điều đó mới thật sự là điều may mắn, điều hạnh phúc nhất của người thầy thuốc và cũng chính điều đó mới thật sự bình thường, phù hợp với qui luật của tự nhiên, hợp với nghề y của người thầy thuốc. Còn ngược lại, nếu có ai đó vô tình hay cố ý mà cứ hy vọng dùng nghề chữa bệnh để được làm giàu thì đó mới là điều trái với sự thường, trái với sự thường là sự bất thường và bất thường là hiện tượng giàu có này không thể bền lâu vậy.
Nói tóm lại, giữa hai cụm từ Chân chính và Y đức của người thầy thuốc nó đều có mối quan hệ Mẫu Tử, rất mật thiết với nhau, nhưng Y đức phải được khởi đầu thông qua việc sự học tập, rèn luyện của người thầy thuốc để trở thành người thầy thuốc Chân chính. Và sau khi được xứng tầm với danh gọi này rồi thì Y đức cũng không cần phải bận tâm kêu gọi nhiều, vì tự nó sẽ đương nhiên được tỏa sáng. Hay nói cách khác, người thầy thuốc chân chính là cái nhân còn y đức là cái quả tất nhiên sẽ dành cho họ, người thầy thuốc trị bệnh cứu người, đem lại sức khỏe và niềm vui cho cuộc sống vậy.
phutan
Sửa lần cuối bởi phutan vào lúc 11:18, 23/03/09 với 1 lần sửa.
Được cảm ơn bởi: tuetvnb, xinqing
Đầu trang

tuetvnb
Thượng khách
Thượng khách
Bài viết: 1502
Tham gia: 12:44, 25/12/08

TL: Y Đức & người hành y chân chính

Gửi bài gửi bởi tuetvnb »

Cám ơn bác Phutran về bài luận Y đức của Bác. Đặc biệt trong đó, bác vận dụng tính triết học của các học thuyết để xem xét vấn đề.
Tuy nhiên :
"Trong thực tế, trường hợp thứ nhất thường thấy rơi vào hướng đào tạo mang tính gia truyền, nghĩa là cha con, anh em, thầy trò truyền lại cho nhau. Hứơng truyền dạy nầy trong quá khứ cũng nhờ đó mà nền YDHDT trải qua bao nhiêu biến cố, bị nhiều nguy cơ mai một nhưng nó vẫn luôn được tồn tại trong lòng của dân tộc. Tuy nhiên, hứơng truyền dạy này có đặc điểm là kinh nghiệm điều trị chỉ dừng lại ở một số bệnh nào đó, nhưng hầu hết ngừơi được truyền dạy họ đều không thể lý giải được vịệc của mình làm, cũng như gặp bế tắc là họ cũng không hiểu được vì sao? Vì đối với những lọai bệnh này họ chưa từng biết, cũng như không được truyền dạy một cách đầy đủ về y lý"
Điều này thì chưa hẳn tán thành với quan điểm của Bác. Vì không hẳn cứ Gia truyền là ko có sự nghiên cứu. Bản thân tôi cũng xuất thân từ một gia đính truyền đời làm nghề Y. Tôi tuy không theo nghề, nhưng cũng là một trong những truyền nhân của gia đình. Quê tôi là làng vật La Vân nổi tiếng với môn vật tự do đã có cách đây 700 năm. Để phục vụ chữa trị thương tích, chấn thương trong quá trình tập luyện cho nên đã phát sinh ra nghề Y chuyên trị về Xương - Khớp. Theo như bản thân tôi đc truyền dạy, thì những bài thuốc, những phương pháp chữa trị đều có một sự nghiên cứu rất công phu, mang tính chuyên sâu. Chứ không hẳn chỉ là học thuộc lòng một cách máy móc. Cái thực tế chứng minh rằng gần 700 năm nổi tiếng với một lĩnh vực rộng như Xương-Khớp, nếu không có một sự am hiểu vượt trội, chắc chả tồn tại lâu như thế. Điều cần thiết là làm sao để những thành quả nghiên cứu ấy được phát triển rộng rãi, được nhân rộng và phát huy thành một hệ thống lý thuyết để trường tồn.
Thực tế trong nghề Y, nhất là Đông Y thì Y lý là một hệ thống cực kỳ rộng lớn, là công trình nghiên cứu của nhân loại trong nhiều nghìn năm. Nhưng những kinh nghiệm chữa trị mang tính chuyên sâu thì không hẳn chỉ dựa vào y Lý. Kinh nghiệm và sự nghiên cứu của một con người không thể bằng kinh nghiệm và sự nghiên cứu của nhiều người, trải qua nhiều đời tích luỹ được. Cho nên cũng rất nên chú trọng đến 2 chữ Gia Truyền
Còn việc luận Y Đức từ nguyên lý triết học thì cũng là một ý kiến hay. Nhưng việc chia ra Đông-Tây Y khác nhau thì chưa hẳn, bởi ta quên một lẽ là Y Đức cần phải mang tính cộng đồng. Bên các nước phương Tây, người ta làm tốt hơn chúng ta bây giờ, vì chi phí Phúc lợi xã hội rất cao. Việc coi Tây Y là thuộc Tài, chưa hẳn đã đúng.
Vai dong tan nham, bac dung che cuoi.
Kinh!
Được cảm ơn bởi: xinqing
Đầu trang

phutan
Mới gia nhập
Mới gia nhập
Bài viết: 16
Tham gia: 22:31, 12/03/09

TL: Y Đức & người hành y chân chính

Gửi bài gửi bởi phutan »

Hihi, rất vui, rất đa tạ Ngài sáng lập tuetvnb đã xem và có vài lời đóng góp cho bài viết..Và sau đây phutan cũng xin mạn phép được nói lên vài ý, đôi điều.

Thực ra bài này phutan viết cũng đã khá lâu, đứng trên góc độ của một người làm công tác chuyên môn, yêu nghề và có quan tâm theo dõi một số vấn đề chung, liên quan đến sự nghiệp kế thừa và phát triển nền YDH của dân tôc. Cho nên, các bài viết của phutan về lĩnh vực này cũng đều được đăng trên 1 tờ đặc san của ngành và tất cả nôi dung có liên quan cũng đều chỉ có tính gợi mở thêm những vấn đề thuộc về thực trạng của ngành mà mọi người trong xã hội và trong giới thầy thuốc đang hành nghề ai cũng đều biết, đều thực sự quan tâm
...
Tuy nhiên trong phần đề cập đến những vấn đề hơi rộng lớn, mà phutan không thể nêu lên hết được và cũng có những vấn đề khá tế nhị mà chúng ta cần phải dùng đến tư duy triết học của ngành thì mới có thể lý giải được các tình tiết, nhưng đồng thời điều này cũng có thể sẽ làm cho người đọc rất khó cảm thông và cũng rất dễ dẫn đến sự hiểu lầm về nội dung của bài viết.
Tỷ như vấn đề thứ nhất Ngài sáng lập nêu ra, phutan muốn nói thêm vài câu để được mọi người quan tâm cùng chia sẻ thì quả thật là không phải dễ dàng gì, nhưng đó lại là một thực trạng có thật mà mọi người nhất là trong ngành ai cũng thấy, ai cũng biết và ai cũng thật sự muốn được chia sẻ, cảm thông...
Còn vấn đề thứ hai, do trước đây cũng có vài đồng nghiệp của phutan thường than vãn về câu nói của ông bà ta là: Phú y, bần bốc. Có nghĩa là làm nghề y thì giàu, còn theo nghề bói thì nghèo và thắc mắc rằng tại sao cùng theo nghề thuốc, nhưng những người hành nghề chữa bệnh như mình thì thường không thể làm giàu bằng chính nghề của mình được, cho dù người đó có tài giỏi đi nữa thì may mắn lắm cũng chỉ nuôi sống được cả gia đình, còn lại đều thấy chỉ đủ ăn đủ mặc. Tuy nhiên, đôi khi cũng nghe thấy có người tự nhiên phất lên làm giàu được, nhưng cũng chỉ 5-3 năm thì y như rằng người nào cũng đều vĩnh biệt ra đi, trở thành người thiên cố.

Không như các đồng nghiệp khác là bác sĩ tây y, hay những thầy thuốc đông y nhưng không hành nghề chữa bệnh mà chỉ sản xuất, kinh doanh thuốc thì ai cũng được phất lên phát tài, giàu sang phú quí? Tương tự như vấn đề trên, cùng những vấn đề tương tự khác làm sao chúng ta có thể phân tích và giải thích, nếu không dùng đến tư duy theo quan điểm triết học của ngành đông y nói riêng và của các dân tộc Á đông nói chung để giải tỏa những băn khoăn, thắc mắc này cho thỏa đáng được...
Vài ý mạn đàm nếu có gì thiếu sót, mong Ngài sáng lập chỉ giáo thêm.
Kính.
Sửa lần cuối bởi phutan vào lúc 10:28, 24/03/09 với 1 lần sửa.
Đầu trang

tuetvnb
Thượng khách
Thượng khách
Bài viết: 1502
Tham gia: 12:44, 25/12/08

TL: Y Đức & người hành y chân chính

Gửi bài gửi bởi tuetvnb »

Vâng, thật quý hoá khi được bậc cao nhân tham gia đóng góp cho chuyên mục này. Quả thật, đã biết bác Phutran là bậc cao nhân trong môn YHCT, thật không dám "múa rìu qua mắt thợ". Chỉ mong góp dôi lời bàn thảo để Bác có hứng mà tiếp tục mạch văn.
Những mong Bác gia công đóng góp những kinh nghiệm, học thuật để có thể giúp cho mọi người. Hy vọng với sự đóng góp của Bác, chuyên mục YHCT này sẽ là nơi mang lại hạnh phúc cho mọi người.
Nhân đây, để làm sáng thêm hai chữ Y Đức mà Bác đã nêu, tuetvnb tôi đánh máy lại 9 điều Y Huấn cách ngôn của danh sư Hải Thượng Lãn Ông, để mọi người cùng tham khảo.

ĐIỀU Y HUẤN CÁCH NGÔN của Hải Thượng Lãn Ông
1- Phàm người học thuốc, tất phải hiểu thấu lý luận đạo Nho, có thông lý luận đạo Nho thì học thuốc mới dễ. Khi có thời giờ nhàn rỗi, nên luôn luôn nghiên cứu các sách thuốc xưa nay. Luôn luôn phát huy biến hóa, thu nhập được vào Tâm, thấy rõ được ở mắt thì tự nhiên ứng vào việc làm mà không phạm sai lầm.
2- Được mời đi thăm bệnh : nên tùy bệnh cần kíp hay không mà sắp đặt đi thăm trước hay sau. Chớ nên vì giàu sang hoặc nghèo hèn mà nơi đến trước chỗ tới sau hoặc bốc thuốc lại phân biệt hơn kém khi lòng mình có chỗ không thành thật, thì khó mong thu được kết quả.
3- Khi xem bệnh cho phụ nữ, góa phụ, ni cô... cần phải có người nhà bên cạnh mới bước vào phòng để thăm bệnh để tránh hết sự nghi ngờ. Dù cho đến con hát, nhà thổ cũng vậy, phải đứng đắn coi họ như con nhà tử tế, không nên đùa cợt mà mang tiếng bất chính, sẽ bị hậu quả về tà dâm.
4- Phàm thầy thuốc nên nghĩ đến việc giúp đỡ người, không nên tự ý cầu vui như mang rượu lên núi, chơi bời ngắm cảnh, vắng nhà chốc lát, lỡ có bệnh cấp cứu làm cho người ta sốt ruột mong chờ, nguy hại đến tính mạng con người. Vậy cần biết nhiệm vụ mình là quan trọng như thế nào"
5- Phàm gặp phải chứng bệnh nguy cấp, muốn hết sức mình để cứu chữa, tuy đó là lòng tốt, nhưng phải nói rõ cho gia đình người bệnh biết trước rồi mới cho thuốc. Lại có khi phải cho không cả thuốc, như thế thì người ta sẽ biết cảm phục mình. Nếu không khỏi bệnh cũng không có sự oán trách và tự mình cũng không hổ thẹn.
6- Phàm chuẩn bị thuốc thì nên mua giá cao để được loại tốt. Theo sách Lôi Công để bào chế và bảo quản thuốc cho cẩn Thận. Hoặc theo đúng từng phương mà bào chế, hoặc tùy bệnh mà gia giảm. Khi lập ra phương mới, phải phỏng theo ý nghĩa của người xưa, không nên tự lập ra những phương bừa bãi để thử bệnh. Thuốc sắc và thuốc tán nên có đủ. Thuốc hoàn và thuốc đơn nên chế sẳn. Có như thế mới ứng dụng được kịp thời, khi gặp bệnh khỏi phải bó tay.
7- Khi gặp bạn đồng nghiệp, cần khiêm tốn, hòa nhã, giữ gìn thái độ kính cẩn, không nên khinh nhờn. Người lớn tuổi hơn mình thì kính trọng; người học giỏi thì coi như bậc thầy, người kiêu ngạo thì mình nhân nhượng; người kém mình thì dìu dắt họ. Giữ được lòng đức hậu như thế, sẽ đem lại nhiều hạnh phúc cho mình.
8- Khi đến xem bệnh ở những nhà nghèo túng hoặc những người mồ côi, góa bụa, hiếm hoi, càng nên chăm sóc đặc biệt. Vì những người giàu sang không lo không có người chữa, còn người nghèo hèn thì không đủ sức đón được thầy giỏi, vậy ta để tâm 1 chút họ sẽ được sống 1 đời. Còn như những người con thảo, vợ hiền, nghèo mà mắc bệnh, ngoài việc cho thuốc, lại còn tùy sức mình chu cấp cho họ nữa. Vì có thuốc mà không có ăn thì cũng vẫn đi đến chỗ chết. Cần phải cho họ được sống toàn diện mới đáng gọi là nhân thuật. Còn những kẻ vì chơi bời phóng đãng mà nghèo và mắc bệnh thì không đáng thương tiếc lắm.
9- Khi chữa cho ai khỏi bệnh rồi, chớ có mưu cầu quà cáp vì những người nhận của người khác cho thường hay sinh ra nể nang, huống chi đối với những kẻ giàu sang, tính khí bất thường mà mình cầu cạnh, thường hay bị khinh rẻ. Còn việc tâng bốc cho người ta để cầu lợi thường hay sinh chuyện. Cho nên nghề thuốc là thanh cao, ta càng giữ khí tiết cho trong sạch. Tôi xét lời dạy bảo của các bậc tiên hiền về lòng tử tế và đức hàm dục, rèn luyện cho mình rất chặt chẽ và đầy đủ. Đạo làm thuốc là 1 nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người và vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi, kể công. Tuy không có sự báo ứng ngay nhưng để lại âm đức về sau. Phương ngôn có câu : "Ba đời làm thuốc có đức thì đời sau con cháu tất có người làm nên khanh tướng" đó phải chăng là do có công vun trồng từ trước chăng" Thường thấy người làm thuốc, hoặc nhân bệnh cha mẹ người ta ngặt nghèo hoặc bắt bí người ta lúc đêm tối, trời mưa, có bệnh nguy cấp : bệnh dễ chữa bảo là khó chữa, bệnh khó bảo là không trị được, giở lối quỷ quyệt đó để thỏa mãn yêu cầu, rắp tâm như thế là bất lương. Chữa cho nhà giàu thì tỏ tình sốt sắng, mong được lợi nhiều, chữa cho nhà nghèo thì ra ý lạnh nhạt, sống chết mặc bay. Than ôi! Đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng mua bán, như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn không thể tha thứ được!".
Ta đã dứt chí công danh, thích tình mây nước. Người xưa nói : ”Không làm được tướng giỏi cũng làm được ông thầy lang”. Cho nên tôi tự nghĩ : làm hết những việc đáng làm, giúp đỡ mọi người thật là sâu rộng, để thề với tấm lòng này, họa may không hổ thẹn với trời đất. Nhưng trong lúc lâm sàng nếu bệnh thể không chữa được đó là tự số mệnh đã định, nhưng còn hết sức mình thì lòng không thỏa. Vậy mà chỉ đành thở ngắn than dài biết làm sao được. Tân Việt Nhân đã nói: “coi của trọng hơn người, là điều hư hại không chữa được” song khi gặp những hạng người này họ coi nhẹ mà mình coi trọng, họ thiếu thốn thì mình giúp đỡ, lo gì bệnh không khỏi.
Ôi! Sẵn CỦA-LÒNG, hai điều tựa hồ khó được cả hai. Tài lực không đủ theo ý muốn thì thật làm thuốc còn thiếu quá nửa.
Hải Thượng Lãn Ông
Được cảm ơn bởi: xinqing
Đầu trang

phutan
Mới gia nhập
Mới gia nhập
Bài viết: 16
Tham gia: 22:31, 12/03/09

TL: Y Đức & người hành y chân chính

Gửi bài gửi bởi phutan »

Hii, Ngài sáng lập quá khen, chứ thật ra phutan chỉ là một thầy thuốc quèn thui. Nhưng dù sao cũng xin được cảm ơn hảo ý của Ngài dành cho phutan trong chuyên mục này và cũng tất nhiên, “cung kính không bằng tuân mệnh”, còn chuyên mục này có mang lại hạnh phúc được cho mọi người không thì phải hỏi “ông Trời” mới biết được. Cho nên, về sau quí ngài trong diễn đàn có cần giải phẫu, hay mổ xẻ điều chi trong chuyên mục này thì phutan cũng tranh thủ mà gắng sức. Duy có điều quí ngài đừng gọi phutan là cao nhân nữa, vì nghe đến danh gọi này là phutan phát khiếp lên vì có cảm tưởng là mình sắp bị ai đó đem ra luột, hay quay chín đi vậy! Quí ngài không nghe người ta nói: Cao nhân tắc hữu cao nhân trị đó sau?

Riêng bài Y huấn của vị Tổ ngành y nước ta, Ngài đã có công đánh máy gửi lên cho mọi người cùng xem để mở mang thêm kiến thức về Y Tổ của VN là điều rất tốt, tích được công đức. Thế nhưng trong ngành y của phutan thì bài này được ứng dụng thành tiêu chuẩn y đức của người thầy thuốc Việt nam, cho nên từ cơ quan đến bệnh viện đông tây đi đâu cũng thấy, cũng gặp. Rồi hàng năm đến ngày giổ tổ, bài này được đọc lên như kinh nhật tụng ở khắp nơi, nhất là các cơ sở, cơ quan của ngành đông y học. Cho nên phutan nghe nhiều quá rùi cũng không còn nhớ được điều gì, mà chỉ còn nhớ đến mấy từ: Người hành y chân chính thui. Nay được Ngài chịu khó gởi bài này lên, phutan có dịp xem lại thấy cũng rất là tâm đắc, một lần nữa xin được cảm ơn Ngài và cũng xin chúc Ngài nhiều sức khỏe, vạn sự đều được như ý nguyện.
Kính.
Đầu trang

khachinh
Nhất đẳng
Nhất đẳng
Bài viết: 187
Tham gia: 18:16, 27/05/09

TL: Y Đức & người hành y chân chính

Gửi bài gửi bởi khachinh »

Chào người sáng lập (Tuetvnb)
Tôi có thể xin bạn một bài thuốc xoa bóp bong gân sai khớp được không bạn?
Tôi rất mơ bài thuốc đó của lò vật, vì đấy chắc phải là bài thuốc tốt nhất rồi.
Dù được hay không tôi cũng cảm ơn trước người sáng lập nha!
Tạm biệt hẹn gặp lại.
Đầu trang

Trịnh văn Thông
Đang bị cấm
Đang bị cấm
Bài viết: 1193
Tham gia: 19:33, 29/04/09
Đến từ: Nội Phật _Tam Hợp _ Bình Xuyên _Vĩnh Phúc _VIỆT NAM
Liên hệ:

TL: Y Đức & người hành y chân chính

Gửi bài gửi bởi Trịnh văn Thông »

Tôi thấy trong thuốc Nam có câu : Nam đánh giặc - Bắc lập Công .
Thuốc nam chữa trực tiếp bệnh , Thuốc bắc tăng sức khoẻ áp chế bệnh .

Còn môn như : Tâm năng dưỡng sinh , yoga , đạt ma dịch cân kinh ,.... cũng tốt cần phải rất kiên trì .
Đầu trang

tuetvnb
Thượng khách
Thượng khách
Bài viết: 1502
Tham gia: 12:44, 25/12/08

TL: Y Đức & người hành y chân chính

Gửi bài gửi bởi tuetvnb »

Gửi bạn khachinh:

Bong gân là một dạng tổn thương hệ thống dây chằng bao quanh các khớp xương. Bong gân xảy ra khi hệ thống dây chằng bị kéo dãn quá mức, có thể do các hoạt động mạnh như thể thao, làm việc.. do sang chấn như trượt ngã, va đập. Nếu ở trạng thái nhẹ, hệ thống các dây chằng bị dãn quá mức hoặc rách một phần gây tổn thương, nhưng do không bị đứt nên khớp vẫn nằm tại vị trí bình thường. Nếu nặng, có thể bị đứt, bong khỏi đầu xương, có thể kèm theo trật khớp. Bong gân nặng có thể để lại tổn thương suốt đời.


ĐIỀU TRỊ :

Đối với trường hợp bong gân nặng, các dây chằng bị đứt, hoặc bị bong ra khỏi đầu xương, bị trật khớp, có hai hướng điều trị :
-Nếu ở cấp độ bình thường, cần nắn lại khớp, bó cố định, điều trị hỗ trợ bằng thuốc
-Nếu ở cấp độ cao, có thể phẫu thuật, xử lý ổ khớp, thay thế dây chằng.
Đối với trường hợp bong gân nhẹ, mới chỉ ở mức dãn dây chằng, thì có thể điều trị bằng cách dùng thuốc. Việc đầu tiên sau khi bị bong gân là phải cố định khớp xương, tránh vận động, tránh các tác động đến khu vực khớp đang bị tổn thương. Nắn lại khớp nếu bị trật.


Sau đó có thể dùng 1 trong các phương pháp sau :


1.Dùng bài thuốc dân gian sau (rất hiệu quả) :

+ Vỏ cây Đại
+ Vỏ cây hoa gạo
+ Lá láng

Tất cả lượng bằng nhau để tươi, băm nát, cho một chút rượu nấu sôi lên, sau đó bó quanh khớp. Chú ý, dùng nóng, không nên bóp nhiều vì dễ làm tổn thương khớp. Bài thuốc này rất hiệu quả, giảm đau nhanh, mau phục hồi, lại dễ kiếm.



2.Dùng bài thuốc bóp ngoài :
+ Bán hạ chế 3 chỉ
+ Quế chi 2 chỉ
+ Phòng phong 3 chỉ
+ Đại Hồi 2 chỉ
+ Huyết giác 3 chỉ
+ Địa liền 3 chỉ
+ Thiên niên kiện 3 chỉ
+ Mã tiền chế 2 chỉ
+ Độc hoạt 3 chỉ
+ Đất thó 5 chỉ




Tất cả các vị thuốc trên tán mịn, ngâm trong cồn hoặc rượu mạnh, dùng để bôi bên ngoài vùng bị tổn thương. Đặc biệt tác dụng đối với các sang chấn vùng khớp, giảm đau, hỗ trợ hồi phục hệ thống khớp và dây chằng, trục hết các huyết ứ tại các vết thâm tím.
Chú ý : Cấm không được bôi vào vùng vết thương hở. Thuốc có độc, cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng. Không dùng kéo dài



3.Uống thuốc hỗ trợ:Dùng thang sau



Nhân Sâm 3 chỉ
Phục linh 3 chỉ
Bạch truật 3 chỉ
Cam Thảo 2 chỉ
Đương Quy 3 chỉ
Xuyên Khung 3 chỉ
Thục địa 3 chỉ
Bạch Thược 3 chỉ
Đào nhân 4 chỉ
Hồng hoa 2 chỉ
Cát cánh 2 chỉ
Sài hồ 2 chỉ
Hương phụ 4 chỉ
Cốt toái bổ 5 chỉ
Tục đoạn 5 chỉ
Đỗ trọng 5 chỉ
Đại táo 3 quả



Bài thuốc trên có tác dụng trục phủ, tán huyết, sinh tân dịch, hỗ trợ nối liền gân xương. Nếu bị vết thương hở chảy máu thì không được dùng, hoặc nếu muốn dùng thì phải bỏ Đào Nhân, Hồng Hoa, Cát cánh nếu không sẽ khó cầm máu được.

Trên đây là một vài phương pháp dùng để xử lý bong gân, tuỳ theo mức độ tổn thương mà có các trị liệu khác nhau, nên thận trọng khi dùng thuốc, khi bị bong gân thì cần thiết phải nghỉ ngơi, tránh hoạt động mạnh để dây chằng có cơ hội phục hồi, nên chữa ngay, chữa dứt điểm để tránh để lại di tật về sau.

Chúc mọi người AN LẠC
Kính!


Tuetvnb.
Được cảm ơn bởi: khachinh, xinqing
Đầu trang

khachinh
Nhất đẳng
Nhất đẳng
Bài viết: 187
Tham gia: 18:16, 27/05/09

TL: Y Đức & người hành y chân chính

Gửi bài gửi bởi khachinh »

Chào bạn tuetvnb người lãnh đạo:
Tôi đã nhận được thông tin của bạn, trước hết tôi xin chân thành cảm ơn. Sau nữa tôi không hiểu vị (đất thó) là loại đất gì? và lấy ở đâu?, có phải chế biến gì không? mong bạn chỉ dẫn.
Mong sớm nhận được hồi âm chúc bạn lãnh đạo diễn đàn chúng ta ngày càng đông, càng vững mạnh.
Đầu trang

tuetvnb
Thượng khách
Thượng khách
Bài viết: 1502
Tham gia: 12:44, 25/12/08

TL: Y Đức & người hành y chân chính

Gửi bài gửi bởi tuetvnb »

Đất Thó là 1 loại đất sét, thường dùng để làm đồ gốm, có thể lấy ở tất cả mọi nơi. Thứ tốt có màu vàng nhạt, hoặc màu nâu đỏ, chất đất mịn, không lẫn tạp chất, rể cây. Lấy về phơi khô, nướng qua trên lửa, sau đó tán mịn.
Nếu không có đất Thó, có thể lấy đất vách, là thứ bùn ao mà người ta dùng để trộn với rơm, trát vách nhà tranh, thứ nào càng lâu năm càng tốt. Cách dùng cũng như trên.

Kính !
Đầu trang

Trả lời bài viết

Quay về “Y học - Võ thuật”