
Kính!
...
CÂU ĐỐI CỦA QUAN THÁI PHÓ
Giải Ưu Sơn Đăng
-Có rồi, có rồi!
Tất cả mọi ánh mắt của thực khách trên Tây hiên lầu lập tức đều đổ dồn vào người vừa cất tiếng.
-Thật không ?
-Là gì?
Mọi người nhao nhao hỏi. Có kẻ còn khua chân định lao ra cửa. Ngồi phịch xuống ghế, với tay cầm hồ rượu của ai đó trên bàn ngửa cổ làm một tợp chả cần khách khí rồi khà một tiếng rõ to người mới vào buông một câu:
-Đùa đấy!
Cả đám người lại chưng hửng ngồi xuống, những người đã ra đến cửa lại chậm chạp quay vào. Một thoáng trôi qua cả căn lầu im phăng phắc. Rồi tiếng ai đó gọi thêm rượu cất lên từ cuối phòng. Cái giọng cũng đã khê khê. Ông chủ quán mang thêm hồ rượu cho khách rồi lại đứng hơ tay bên chiếc chậu sành đầy tro than sắp lụi.
Lạ thật! Hôm nay là mười bốn tháng giêng rồi! Thông thường Tây hiên lầu nghỉ tết phải hết tháng giêng vì ngày xuân nhà nào chả rượu chả thịt. Ngày mai là Nguyên tiêu mà sao đám người này vẫn cứ ngồi lỳ ở quán không chịu về nhà!? Từ ngày mùng ba tết đã có người đập cửa xin mua rượu uống . Năm mới chưa muốn mở hàng nhưng cảm thông ngoài trời lạnh giá ông chủ nổi lửa quạt chậu than mời khách vào ngồi trong quán. Rồi thêm dăm ba người nữa cũng ghé vào xin mua rượu uống tránh lạnh. Họ ngồi uống chậm chậm, thỉnh thoảng chỉ nhìn thoáng qua những cỗ xe, cỗ kiệu đi về phía phủ Thái phó Bình chương quân phía gần cuối đường. Xẩm tối họ ra về, giờ Thìn hôm sau đã lại thấy đến. Từ hôm đó đến giờ có thêm rất nhiều người đến ngồi uống rượu như họ. Hình như tất cả họ là gia nhân của các quan viên đương triều. Vài người quen mặt nhau đã ngồi túm lại thành bàn nói chuyện trên trời dưới bể để giết thời gian. Nghe lõm bõm tiếng được tiếng mất, ông chủ quán lờ mờ đoán rằng hình như tất cả những người ngồi đây đều có mối quan tâm chung tới quan Phụ chính Đại thần Thái phó Bình chương quân Quốc trọng sự Tô hiến Thành. Việc quan Phụ chính ngã bệnh thì cả thành đều biết rồi! Bốn năm lĩnh chiếu Tiên hoàng làm Phụ chính phò tiểu Hoàng đế Cao Tông lên ngôi khi mới vừa hai tuổi. Ngài bình Nam, an Bắc, danh tiếng đến cả con trẻ cũng còn biết nhưng phủ Thái phó tước Bình chương quân Quốc trọng sự vẫn chỉ như cái trang viên của bậc trung lưu! Mà còn không được như thế ấy chứ! Gia nô dăm người, tiểu đồng hai đứa. Đi lại cũng chỉ có cỗ xe một ngựa tuềnh toàng. Lúc biết tin ngài ốm, cả thành xôn xao nhưng cổng phủ Thái phó họa hoằn lắm mới thấy có người gõ cửa
-Kìa! Quan Tham tri chính sự đã ra về kìa! Ai đó chợt nói to.
Bên ngoài, Tham tri chính sự Vũ tán Đường bệ vệ trên lưng con ô mã thả bước kiệu nhỏ có bốn chú tùy tùng nào khay, nào tráp lũn cũn chạy theo đang rời cổng phủ Thái phó.
-Vậy là hôm nay cũng công toi rồi! Lại tiếng ai đó.
-Chỉ là cái câu đối không ra chữ, chẳng ra nghĩa thôi mà sao lắm chuyện thế!
Rượu suông cả chục ngày rồi! Đầu xuân mà bao nhiêu cái thú phải bỏ! Tức thật! Một kẻ tướng tá võ biền đấm bàn cau có.
-Kìa huynh, huynh bớt nóng. Việc bề trên sai bảo anh em mình làm sao dám không vâng! Mà huynh có uống bằng tiền túi đâu! Người bên cạnh lên tiếng xoa dịu.
-Chắc đêm qua lão huynh cúng sạch tiền ở sòng tài xỉu chú Coóng nên hôm nay bực bội quá đấy thôi! Đệ kính lão huynh một chén giải sầu đây!
Ực hết chén rượu kẻ kia thẫn thờ ngồi xuống:
-Sao mà đen như chó!
Lại có tiếng ai đó:
-Còn cái lão Tham tri thì có được nước non gì đâu mà cứ suốt ngày luẩn quẩn bên giường quan Phụ chính thế không biết !
-Sao lại không được gì? Chỉ cần một lời của ngài có khi quyền thế chẳng nghiêng trời lệch đất ấy chứ!
-Ô hô! Cứ chờ mà xem! Quan Phụ chính tiến cử người khác rồi!
-Ai thế! Ai thế! Cả quán lại quay nhìn hết về người vừa nói.
-Lão huynh có biết thật không? Chứ đệ đây thấy người ta cung cúc hầu hạ như thế kia chắc cũng được vài lời nói tốt!
-Thì vẫn tốt đấy! Anh em mình đều biết ngày mùng mười vừa rồi Đàm Thái hậu có ghé phủ Thái phó?
-Đúng rồi! Đúng rồi!
-Thái hậu qua thăm sức khỏe quan Phụ chính, tiện lời có hỏi ngài tiến cử ai nếu chẳng may ngài theo hầu Tiên hoàng?
-Thế ngài nói sao?
-Ngài nói: Đó là người viết nốt được vế đối treo bên ngoài cổng phủ…
-Ố! Ồ! Lão huynh khéo gạt, chuyện đó ai không biết! Chính vì nó mà anh em mình mất cả chục ngày chầu chực nơi đây rồi!
-Mọi người nghe cho hết đã! Thái hậu có hỏi: Sao ngài không tiến cử Vũ Tham tri? Người ấy hầu hạ ngài tốt thế cơ mà? Mọi người biết quan Phụ chính trả lời sao không?
-Nói đi! Nói đi!
-Ai trả tiền rượu cho đệ thì đệ mới nói!
-Á à! Lại định câu tiền rượu đây mà! Lão huynh khôn lỏi lắm!
-Không trả thì thôi không nói có sao đâu! Người kia tưng tửng.
-Để tôi trả hộ! Một người trông luống tuổi đứng lên nhận lời.-Bây giờ thì huynh nói đi!
-Lão huynh được lắm! Vậy thì để đệ nói riêng cho lão huynh nghe thôi!
-Không cần đâu! Huynh cứ nói cho mọi người cùng nghe!
-Được! Để đệ nói! Quan phụ chính đã trả lời thế này! -Bẩm Thái hậu! Nếu người cần kẻ hầu hạ thì có thể dùng Vũ Tham tri! Còn nếu người muốn có người trợ giúp Hoàng đế phải dùng Trần Gián nghị đại phu!
-Là Trần trung Tá á!
-Trần trung Tá!
-Ông ta đã vác mặt đến phủ Thái phó lần nào đâu?
-Sao lại Trần trung Tá!
Nhiều tiếng kêu ngạc nhiên bật ra!
-Chỉ là một quan Gián nghị thôi mà!
-Kia chẳng phải Trần trung Tá sao?
Một người chỉ ra ngoài của sổ. Đúng là quan Gián nghị đại phu họ Trần không xe, không kiệu đang sải những bước chân dài mạnh mẽ đi về phía phủ Thái phó .
Mọi người lại nhìn nhau im lặng. Rồi có tiếng ai đó cất lên ngao ngán:
-Vậy là toi tiền rồi!
Chẳng chờ ai hỏi, người đó tiếp luôn:
-Lão gia nhà tôi thấy cơ sự như vậy, cứ nghĩ quan Thái phó tiến cử Vũ Tham tri, lại thấy Vũ Tham tri suốt ngày bên giường quan Thái phó nên đã biện lễ đến nhà lão trước rồi! Cứ nghĩ tiền trước là tiền khôn! Ai dè…
-Thì lão gia nhà tôi..
-Nhà tôi..
-Nhà tôi cũng thế!
-Chẳng thế mà cái mặt lão Tham tri cứ vênh ngược lên! Vụ này lão vớ bẫm quá!
-Thế còn cái câu đối? Tiếng ai đó chợt chen ngang.
Ừ nhỉ! Vẫn còn đó cái vế đối hóc hiểm của quan Thái phó. Chỉ có bốn mươi hai cái vạch làm đau đầu bá quan văn võ suốt mấy ngày đầu năm nữa chứ! Lại còn lời khuyến dụ ai đối được người đó có thể thay làm vị trí của ngài! Vậy mà hơn mười ngày nay tấm lụa điều treo bên tả cánh cổng phủ Thái phó vẫn trống nguyên trong khi phía bên hữu bốn mươi hai nét bút sắc như dao chém nét liền, nét đứt thẳng băng trên nền lụa đỏ.
Chừng nguội một ấm trà đã thấy bóng quan Gián nghị đại phu họ Trần sải những bước dài bên phía ngoài đường. Mọi người nhìn nhau chẳng thấy ai cất tiếng. Chắc cũng sắp qua giờ Thân.
Chợt bên phủ Thái phó vang lên tiếng pháo. Bánh pháo treo ngoài cửa đã có người đốt. Câu đố đã có lời giải! Tây hiên lầu như chao đảo, chẳng ai kêu tính tiền, những xâu tiền, đĩnh bạc được ném xủng xoảng lên bàn, không ai bảo ai, mạnh ai nấy lao ra cửa. Cầu thang vụt kẹt cứng, vài người nhảy vèo qua cửa sổ cắm đầu chạy về phía cuối đường. Thấy thế dăm người cũng vội vàng lao qua lan can cầu thang cho nhanh. Tây hiên lầu phút chốc chẳng còn ai. Ông chủ quán chỉ vơ tiền, chẳng buồn dọn bàn lật đật chạy theo đám người mà mặt vẫn ngác ngơ chưa hiểu chuyện gì xảy ra.
Cổng phủ Thái phó rộng mở. Trong khoảng sân rộng trước nhà chính gia nô đã kịp bày một chiếc bàn lớn với lư hương và chiếc đỉnh đồng nhỏ tỏa khói trầm quện vào khói pháo thơm lừng. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy người chen chân chật ních phía ngoài cổng, chả hiểu từ đâu ra mà nhiều thế! Hóa ra không chỉ quan mà cả dân trong thành đều có mối quan tâm tới quan Phụ chính . Từ sảnh đường quan Thái phó Bình chương quân Quốc trọng sự Phụ chính đại thần Tô hiến Thành một tay vịn vào vai người quản gia, một tay cầm cuộn giấy nhỏ bước ra sân. Chiếc khăn nhiễu hồng chit khéo trên đầu như ngọn lửa nhỏ làm giảm bớt phần nào sắc xanh xao trên khuôn mặt ngài. Hai tiểu đồng bê nghiên mực và đồ văn phòng tứ bảo xếp ngay ngắn trên bàn. Người quản gia châm ba nén nhang kính cẩn trao cho ngài. Cung tay dâng hương ngang mày, quan Thái phó hướng lên trời xuân lồng lộng xá một xá dài rồi cắm nhang vào lư. Hướng ra cửa ngài chắp tay xá thêm một xá về phía mọi người. Cả đám đông luống cuống. Những người hàng đầu chắp tay vái lại ngài. Những người sau cũng vái đè lên lưng người trước làm có kẻ suýt khuỵu chân. Quan Thái phó mở cuộn giấy ra xem. Nét mặt ngài chợt bừng lên nét sảng khoái. Ngài quay sang nói nhỏ vài tiếng với những người đứng bên cạnh. Quản gia vội vàng đi ra cổng, một chú tiểu đồng tiến đến bên bàn đưa tay giữ nghiên, mài mực còn một chú quay lưng đi vào nhà sau. Đám đông dạt ra một khoảng đủ nhường chỗ cho người quản gia tháo tấm lụa điều chưa có chữ mang vào rồi lại len nhau xít lại nghển cổ ngóng. Quan Thái phó vén tay áo rộng chọn cây bút cỡ trung rồi từ tốn xoe nhẹ trong nghiên mực. Hít một hơi thật sâu định thần, ngài vận bút đưa những nét nhanh, mạnh nhưng vẫn khoáng hoạt trên nền lụa. Viết liền một mạch không dừng, ngọn bút như lướt đi trên lụa. Bảy lần chấm mực, bảy lần bút đi như nhau không nhanh, không chậm. Dừng bút rồi ngài nhìn lại những gì đã viết trên tấm lụa, khẽ mỉm cười rồi trao bút cho tiểu đồng. Vừa đưa mắt ra hiệu người quản gia hiểu ý chủ đã nâng tấm lụa chưa ráo mực đi ra cổng. Đám đông lần này giãn ra xa hơn để người quản gia treo tấm lụa lên bên cổng. Tấm lụa được treo lên. Một tiếng ồ đồng thanh cất lên từ đám đông rồi lan ra như sóng nước. Vẫn bốn mươi hai nét mực đen nhánh sắc như dao chem.. Vẫn nét liền, nét đứt thẳng băng.
Tiếng xì xào ngày càng lan rộng.
-Vậy là sao?
-Đó là chữ gì?
-Sao quan Phụ chính phải tự viết?
-Hay không ai đối được?
….
Trong lúc mọi người còn săm soi, bàn tán thì quan Thái phó đã viết xong lần nữa trên tấm giấy chú tiểu đồng thứ hai mang ra. Chờ cho se nét mực trên mặt chữ ngài sai hai tiểu đồng mang hai tấm giấy ra dán hai bên ngoài tường cạnh hai tấm lụa. Lần này thì có chữ. Một bên là nét chữ chân phương mà sắc sảo của quan Thái phó:
Chấn Cách Mông Truân Vô Vọng Đồng Nhân Ký Tế.
Một bên là nét chữ kiểu thảo thư khoáng hoạt mà vẫn nghiêm cẩn:
Ích Thái Lý Khốn Đại Hữu Vị Tế Trung Phù.
Thêm hàng lạc khoản bên cạnh:
Tiểu Trần cẩn bút.
Trong sân, quan Thái phó đã vịn vào vai người quản gia trở bước vào nhà. Lúc bấy giờ mới thấy những nét khắc khổ hằn sâu trên khuôn mặt cương nghị. Dừng lại bên bậc thềm, nhìn cội lão mai đang độ mãn khai , vuốt nhẹ chòm râu bạc, ngài nói nhỏ như tự nói với mình:
-Con người này Tâm, Đức, Tài đều đủ chỉ có cái Dũng vẫn còn thiếu! E rằng…
Một tràng ho đã chặn ngang những tiếng cuối của ngài.
Bên ngoài, lần này thì cả đám đông ồn ào như vỡ chợ. Người ta nhao vào nhìn cho rõ, người ta luận, người ta đoán, người ta tranh cãi. Đối đăng gì mà trúc trắc, câu chữ gì mà tối nghĩa ! Càng luận càng rối! Mà sao cả hai tờ giấy có chữ lại viết trên giấy bản thường xé vội thoang thoảng mùi thuốc?
Bóng chiều đã xâm xẩm mặt người hình như chẳng ai để ý. Đám gia nhân nhà quan đi nghe ngóng tình hình đã về hết nhưng vẫn chẳng thấy bớt người, Ai cũng có ý ngóng chờ ai đó giải thích giùm cho ai để hóng, để nghe mà quên cả thời gian. Người quản gia đã quay trở ra với hai cây đèn lồng cháy sáng trên tay. Có người lanh chanh giúp quản gia treo đèn lên cửa rồi tranh thủ dò hỏi:
-Lão huynh ơi! Lão huynh có hiểu đôi câu đối này không?
-Hiểu!
-Lão huynh có thể giải thích giúp tiểu đệ được chăng?
-Đó là những quẻ trong kinh Dịch!
Người quản gia trả lời vắn tắt rồi quay lưng, khép cổng. Những quẻ Dịch.
Thì ra là thế! Những quẻ Dịch. Bốn mươi hai nét bút viết nét liền, nét đứt tạo thành bảy quẻ Dịch trên mỗi vế đối. Những chữ viết trên giấy là tên của các quẻ trong vế đó.
Quan Thái phó đã ra một vế đối tột bậc tài hoa:
Chấn, Cách, Mông, Truân, Vô vọng, Đồng Nhân, Ký Tế.
Nếu theo lẽ Dịch và cả cách dùng từ đồng âm dị nghĩa thì có thể hiểu rằng ngài đã đặt trọn vẹn nỗi niềm chung và riêng vào trong vế đối:
Công cuộc chấn hưng, cải cách lúc ban đầu thật gian nan, tìm đâu người cùng chí hướng để ta ủy thác.
Trần Gián nghị quả thật đã hiểu rõ tâm can của người đứng đầu bá quan để có được vế đối thật xuất thần nhưng chắc còn e ngại nên ngài đã viết lên tờ giấy bọc ngoài thang thuốc của quan Thái phó thay vì đề lên tấm lụa điều bên cổng!
Ích, Thái, Lý, Khốn, Đại Hữu, Vị Tế, Trung Phù.
Vì quốc thái dân an, sẵn sàng đạp đầu đám tiểu nhân mà đi, vẫn còn đó những bậc trung thần.
Quả thật mắt xanh quan Thái phó đã không nhìn lầm người.
Quả thật cái Tâm quan Gián nghị đã không cảm lầm người.
Vẫn còn đó những những bậc trung thần sẵn sàng quên mình vì việc nước.
Trời đã tối hẳn, đâu đó tiếng pháo nổ rộn ràng. Làn gió xuân nồm hây hẩy ấm. Mai là tết Nguyên tiêu rồi! Ngày mai trời sẽ đẹp lắm!
Hà nội, Đông chí năm Kỷ Sửu