Ngày xưa bố luôn gọi con là: "Máy khóc ơi, lại đây để bố xem nước mắt ở đâu ra mà nhiều thế nhỉ?" Con phụng phịu trả lời "Nó ở trong này này, nó cứ chui ra từ mắt con ấy", rồi hai tay vạch mắt ra và nín khóc lúc nào không biết.
Giờ này con lại khóc bố ạ, con nhớ bố, nhớ đến thắt lòng! Bây giờ "máy khóc của bố" không còn ai để vạch mắt ra chỉ nước mắt chảy ra từ đâu nữa, máy khóc của bố cũng không còn nhiều nước mắt như xưa nữa, nhưng giọt nước mắt hôm nay như mặn hơn, sâu hơn và thiếu hụt nhiều hơn... Hôm nay con về nhà, nhìn cả nhà quây quần với gần mười đứa trẻ ríu ran xung quanh mà thiếu đi người trụ cột tinh thần, tiếng cười, nói xôn xao bên mâm cơm nhưng sao cứ se sắt trong lòng.... chợt nhớ ngày xưa bố mong ước bao giờ có cháu ngoại để bế nhỉ? Con thấy buồn vô hạn và vào phòng mẹ, không biết có phải con khóc không mà sao nước mắt cứ chảy... Con không thể quên được ngày này của 17 năm về trước, cũng giờ này đây bên phòng cấp cứu bệnh viện Việt Đức khi bác sĩ ra khỏi phòng và nói "chia buồn với gia đình, hãy đưa anh về nhà cho kịp...." Đất như sụp dưới chân, 3 mẹ con ngục xuống bên bàn cấp cứu, khóc không nổi, một bàn tay vô hình bóp nghẹt tim con làm con không thể thở được và rồi khi tỉnh lại thì chỉ biết khóc và khóc, ngất đi rồi lại khóc.... Ngày đó bố ra đi mãi mãi...
Bố bỏ đi với bao điều còn dang dở bố nhớ không? Mọi thứ thay đổi từ đó, "máy khóc" của bố trở nên gai góc và can trường hơn bao giờ hết, nỗi đau không thể diễn đạt bằng lời, nước mắt cũng không thể rơi nhiều nữa, con vụt lớn thành một người "con trai" bên mẹ từ lúc nào con cũng không biết... Gần 20 năm trôi qua, ngày này mỗi năm con đều đau đáu một nỗi niềm, con che đậy tất cả cảm xúc vào trong và chỉ khóc những khi một mình... Con vẫn thèm và nhớ cảm giác cuối cùng của chính ngày hôm đó được ngồi trên lòng bố khi đã là một cô thiếu nữ và khúc khích cười khi bị bố cọ râu vào má... Mọi thứ đã không còn như xưa nữa, ngôi nhà bố xây bây giờ mẹ con cũng không còn ở đó, mỗi khi có dịp đi ngang qua ngôi nhà đó con đều nán lại nhìn xem nó khác gì so với ngày xưa, có lần đánh liều con vào và nói: "Bác cho cháu vào thăm nhà một chút được không, cháu nhớ nhà quá. Cái nhà cũ vẫn còn nhưng đã bị sửa sang cho hiện đại, cái sân bố để cây cảnh cũng thay đổi mất rồi, cái bể nước cũng không còn nữa, cây hoa Trạng nguyên bố trồng bên cửa đã bị chặt mất rồi.... giờ đây chỉ còn vương lai kỷ niệm trong lòng con, nhìn quanh và hình dung ra chỗ bố vẫn ngồi ngày xưa .... Con cảm ơn chủ nhà, để lại số điện thoại và dặn "Bác ơi, nếu bác có ý định bán ngôi nhà này thì bác hãy nhớ đến nhà cháu đầu tiên nhé", rồi vội vã bước đi vì sợ họ thấy nước mắt con rơi, vì tim con lại sắp không thể thở được nữa. Con biết trên trời cao bố cũng rất đau lòng, con biết bố vẫn dõi theo cuộc đời của mẹ con con trong những giấc ngủ mộng mị... Thời gian trôi đi, nỗi đau cũng nguôi ngoai, nó không còn hiện hữu theo con từng ngày từng giờ nhưng nỗi đau đó chỉ bùng lên mỗi khi đến ngày này hàng năm hoặc những lúc con chông chênh với cuộc đời, thèm lắm một cái ôm âu yếm, một ánh mắt động viên, một vỗ về an ủi... thèm lắm được thành một đứa trẻ để được làm máy khóc của bố mãi mãi mà thôi! Điều này bố có biết không??? Con yêu bố vô cùng!
Tình thương yêu của Mẹ dành cho con • Khi 1 tuổi, Mẹ cho ăn và tắm cho bạn, còn bạn thì khóc cả đêm.
• Khi 2 tuổi, Mẹ tập cho bạn đi những bước đầu tiên, khi đi được thì bạn lại bỏ chạy đi mất khi Mẹ gọi.
• Khi 3 tuổi, Mẹ nấu cho bạn những món ăn với tất cả tình yêu thương thì bạn đáp lại bằng cách hất chén đĩa xuống sàn nhà.
• Khi 4 tuổi, Mẹ đưa cho bạn những cấy bút chì màu, bạn lại dùng chúng đi bôi trét và vẽ bậy khắp nơi.
• Khi 5 tuổi, Mẹ mặc áo đẹp cho bạn đi chơi còn bạn lại tìm cách lăn lê trên đất bẩn.
• Khi 6 tuổi, Mẹ dẫn bạn đến trường, còn bạn cứ mãi cằn nhằn: "con không đi học đâu!"
• Khi 7 tuổi, Mẹ mua cho bạn nhiều đồ chơi để rồi bạn lại vứt chúng lăn lóc khắp nơi.
• Khi 8 tuổi, Mẹ mua cho cây kem bạn ăn làm chảy kem ướt hết vạt áo.
• Khi 9 tuổi, Mẹ thuê cô giáo dạy đàn cho bạn còn bạn thì luôn phụng phịu và miễn cưỡng tập đàn.
• Khi 10 tuổi, Mẹ cả ngày lái xe đưa bạn đi hết nơi này đến nơi khác vui chơi cùng bạn bè, mỗi khi tới nơi bạn nhảy ra khỏi xe mà chẳng bao giờ ngoái đầu nhìn lại.
• Khi 11 tuổi, Mẹ đưa bạn và bạn bè của bạn đi xem phim, bạn lại đi chọn chỗ ngồi cách Mẹ mấy dãy ghế để gần bạn mình hơn.
• Khi 12 tuổi, Mẹ dặn bạn đừng xem TVquá nhiều, còn bạn thì đợi cho đến khi Mẹ rời khỏi nhà mới mở TV xem cho thỏa thích.
• Khi 13 tuổi, Mẹ nói: "Để Mẹ cắt tóc cho con," bạn trả lời: "Mẹ không có khiếu thẩm mỹ."
• Khi 14 tuổi, Mẹ trả tiền cho bạn đi trại hè một tháng, còn bạn lại quên chẳng hề viết cho Mẹ một tấm thiệp từ chỗ nghỉ hè.
• Khi 15 tuổi, Mẹ bạn đi làm về và mong bạn ôm hôn Mẹ, còn bạn thì đóng chặt cửa ở trong phòng riêng.
• Khi 16 tuổi, Mẹ khuyên bạn để tâm học hành tạo dựng tương lai, còn bạn thường xuyên đi chơi mỗi khi có cơ hội.
• Khi 17 tuổi, trong khi Mẹ mong chờ một hồi âm điện thoại quan trọng thì bạn ôm điện thoại trò chuyện suốt buổi.
• Khi 18 tuổi, Mẹ đã rơi lệ vui mừng trong ngày lễ tốt nghiệp trung học của bạn, còn bạn thì ở lại vui chơi với bạn bè cho đến sáng hôm sau mới về nhà.
• Khi 19 tuổi, Mẹ đau lòng khi bạn muốn rời khỏi tổ ấm để mướn nhà ở riêng.
• Khi 20 tuổi, Mẹ hỏi bạn về người yêu, bạn trả lời: "Đó không phải là việc của Mẹ!"
• Khi 21 tuổi, Mẹ gợi ý về định hướng sự nghiệp trong tương lai, đáp lại bạn nói: "Con chẳng muốn giống như Mẹ!"
• Khi 22 tuổi, Mẹ dự lễ tốt nghiệp đại học của bạn, sau buổi lễ bạn hỏi ngay: "Liệu Mẹ có thể trả tiền cho chuyến du lịch của con không"
• Khi 23 tuổi, Mẹ đến thăm bạn, còn bạn luôn tìm cách tránh né vì cảm thấy ngượng ngùng trước bạn bè.
• Khi 24 tuổi, Mẹ gặp người yêu chưa cưới của bạn và nhắc nhở hai bạn về chuyện gia đình, bạn nhăn nhó càu nhàu: "Thôi mà Mẹ!"
• Khi 25 tuổi, Mẹ giúp trả tiền đám cưới của bạn rồi Mẹ khóc và nói với bạn rằng: "Mẹ yêu thương con biết bao!"
• Khi 30 tuổi, Mẹ ước ao có cháu để bồng bế, bạn trả lời Mẹ: "Thời nay mọi điều đã khác!"
• Khi 40 tuổi, Mẹ rủ bạn đi mừng sinh nhật bà nôị của bạn, còn bạn trả lời: "Bây giờ con rất bận!"
• Khi 50 tuổi, Mẹ sức khỏe đã yếu dần và muốn bạn thường xuyên đến chăm sóc, trong khi bạn đang phải mải mê tìm đọc cuốn sách: "Những gánh nặng cha mẹ phải chịu đựng khi nuôi con."
. . . Và rồi một ngày kia, Mẹ âm thầm nhắm mắt ra đi. Một cảm giác chưa bao giờ xảy ra với bạn trước đó: bạn như thấy sấm chớp nổ tung trong tim mình.
Bạn đã mất hết cả một bầu trời yêu thương trong đời người...
Bạn ơi! Nếu Mẹ bạn vẫn còn ở bên bạn hôm nay, bạn đừng quên hãy yêu Mẹ hơn bao giờ hết nhé. Hãy tranh thủ về thăm mẹ trong khi có thời gian. Một lời nói yêu thương không thôi cũng chưa đủ để đáp lại tình thương yêu của mẹ dành cho mình đâu. Nếu Mẹ bạn không còn nữa thì hãy luôn tưởng nhớ đến tình yêu vô biên mà Mẹ đã dành cho bạn. Hãy nhớ luôn yêu thương Mẹ vì bạn chỉ có một người Mẹ duy nhất trong suốt cuộc đời mình.
Ai đang làm những điều sai trên hãy sửa lại mình khi chưa muộn.
Ca dao Việt Nam có câu:
Mẹ tôi như nhánh mạ gầy.
Hóa thân làm bát cơm đầy nuôi tôi
Hạnh phúc nhất cho những ai còn mẹ. "Mẹ"- bất chợt tôi nhận ra rằng thiêng liêng nhất cho những người hằng ngày còn được í a sử dụng danh từ đó. Bất chợt tôi cũng hiểu được ý nghĩa màu trắng của bông hoa hồng mà tôi đã thắc mắc không biết bao lần mỗi mùa Vu Lan trước. Kỳ nhỉ, sao có người cài hoa màu đỏ, người khác lại hoa màu trắng? Màu trắng vốn tượng trưng cho những điều thật thanh cao, thật đẹp, giản đơn mà sâu sắc và màu trắng của bông hồng cài áo cũng thế. Vẫn đẹp đến lạ lùng, đến se sắt, đến tê lòng... Vu Lan, ngày những người con hướng suy tư của mình về quá khứ, ngày thể hiện đạo làm con với đấng sinh thành. Bôn ba đường đời xét cho cùng dẫu ai đó có vị trí nào trong xã hội chăng nữa, mùa vu lan về, lại trở nên nhỏ nhoi, bé bỏng chạy đến bên mẹ, hoài niệm về mẹ.Giữa dòng đời đầy toán tính, bon chen, đầy ghen ghét, đố kỵ, ích kỉ, thù hằn, Vu Lan như một khoảnh khắc những người con được trở về, đối điện với lòng mình đúng nghĩa hơn. Không có người mẹ nghèo, không có người mẹ xấu, trong tôi chỉ có mẹ hiền, mẹ nhân từ, mẹ sớm hôm tần tảo, mẹ giàu ắp tình thương.
Và mùa vu lan lặng lẽ đi về... Dẫu âm thầm cài một cành hồng trắng Giữa bao bộn bề giờ dẫu không còn mẹ Con vẫn sẽ mỉm cười, và thầm gọi... mẹ ơi. Bạn ơi! Hãy cài lên áo mình bông hoa đỏ biết ơn, để giữ lòng mình luôn ấm, luôn bên mẹ...
Ý nghĩa lễ Bông hồng cài áo "Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa".
(Theo tản văn Bông hồng cài áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
Bà Mẹ một mắt Suốt thời thơ ấu và cả khi lớn lên, lúc nào tôi cũng ghét mẹ tôi. Lý do chính có lẽ vì bà chỉ có một con mắt. Bà là đầu đề để bạn bè trong lớp chế giễu, châm chọc tôi. Mẹ tôi làm nghề nấu ăn để nuôi tôi ăn học. Một lần bà đến trường để kiếm tôi làm tôi phát ngượng. Sao bà lại có thể làm như thế với tôi? Tôi lơ bà đi, ném cho bà một cái nhìn đầy căm ghét rồi chạy biến. Ngày hôm sau, một trong những đứa bạn học trong lớp la lên: “Ê, tao thấy rồi. Mẹ mày chỉ có một mắt!”.
Tôi xấu hổ chỉ muốn chôn mình xuống đất. Tôi chỉ muốn bà biến mất khỏi cuộc đời tôi. Ngày hôm đó đi học về tôi nói thẳng với bà: “Mẹ chỉ muốn biến con thành trò cười!”. Mẹ tôi không nói gì. Còn tôi, tôi chẳng để ý gì đến những lời nói đó, vì lúc ấy lòng tôi tràn đầy giận dữ. Tôi chẳng để ý gì đến cảm xúc của mẹ. Tôi chỉ muốn thoát ra khỏi nhà, không còn liên hệ gì với mẹ tôi. Vì thế tôi cố gắng học hành thật chăm chỉ, và sau cùng, tôi có được một học bổng để đi học ở Singapore.
Sau đó, tôi lập gia đình, mua nhà và có mấy đứa con. Vợ tôi là con nhà gia thế, tôi giấu nàng về bà mẹ của mình, chỉ nói mình mồ côi từ nhỏ. Tôi hài lòng với cuộc sống, với vợ con và những tiện nghi vật chất tôi có được ở Singapore. Tôi mua cho mẹ một căn nhà nhỏ, thỉnh thoảng lén vợ gởi một ít tiền về biếu bà, tự nhủ thế là đầy đủ bổn phận. Tôi buộc mẹ không được liên hệ gì với tôi. Một ngày kia, mẹ bất chợt đến thăm. Nhiều năm rồi bà không gặp tôi, thậm chí bà cũng chưa bao giờ nhìn thấy các cháu. Khi thấy một bà già trông có vẻ lam lũ đứng trước cửa, mấy đứa con tôi có đứa cười nhạo, có đứa hoảng sợ. Tôi vừa giận vừa lo vợ tôi biết chuyên, hét lên: “Sao bà dám đến đây làm con tôi sợ thế? Đi khỏi đây ngay!”. Mẹ tôi chỉ nhỏ nhẹ trả lời “Ồ, xin lỗi, tôi nhầm địa chỉ!” và lặng lẽ quay đi. Tôi không thèm liên lạc với bà trong suốt một thời gian dài. Hồi nhỏ, mẹ đã làm con bị chúng bạn trêu chọc nhục nhã, bây giờ mẹ còn định phá hỏng cuộc sống đang có của con hay sao? Một hôm, nhận được một lá thư mời họp mặt của trường cũ gởi đến tận nhà, tôi nói dối vợ là phải đi công tác. Sau buổi họp mặt, tôi ghé qua căn nhà của mẹ, vì tò mò hơn là muốn thăm mẹ. Mấy người hàng xóm nói rằng mẹ tôi đã mất vài ngày trước đó và do không có thân nhân, sở an sinh xã hội đã lo mai táng chu đáo. Tôi không nhỏ được lấy một giọt nước mắt. Họ trao lại cho tôi một lá thư mẹ để lại cho tôi: “Con yêu quý,
Lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con. Mẹ xin lỗi về việc đã dám qua Singapore bất ngờ và làm cho các cháu phải sợ hãi. Mẹ rất vui khi nghe nói con sắp về trường tham dự buổi họp mặt, nhưng mẹ sợ mẹ không bước nổi ra khỏi giường để đến đó nhìn con. Mẹ ân hận vì đã làm con xấu hổ với bạn bè trong suốt thời gian con đi học ở đây.
Con biết không, hồi con còn nhỏ xíu, con bị tai nạn và hỏng mất một bên mắt. Mẹ không thể ngồi yên nhìn con lớn lên mà chỉ có một mắt, nên mẹ đã cho con con mắt của mẹ. Mẹ đã bán tất cả những gì mẹ có để bác sĩ có thể thay mắt cho con, nhưng chưa bao giờ mẹ hối hận về việc đó. Mẹ rất hãnh diện vì con đã nên người, và mẹ kiêu hãnh vì những gì mẹ đã làm được cho con. Con đã nhìn thấy cả một thế giới mới, bằng con mắt của mẹ, thay cho mẹ..
Mẹ yêu con lắm,
Mẹ..