Trong thời đại ngày nay, tầng lớp nghề nghiệp nào trong xã hội cũng có thể, đã và đang tạo ra nghiệp chướng cho chính bản thân mình, chứ chưa nói gì tới kiếp sau.
1.Sĩ
Sĩ là tầng lớp trí thức, có học trong xã hội, thường là các giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân... tham gia vào công tác giảng dạy tại các bậc học. Rồi các nhà văn, nhà thơ... Nghiệp chướng mà họ tạo ra là gì, ví như các thầy cô tham gia giảng dạy, trên lớp không truyền đạt hết kiến thức cho học trò, chỉ dạy 80% kiến thức, 20% bớt lại để các trò phải đi học thêm. Trò nào đi học thêm nhà thầy cô chủ nhiệm thì tổng kết cao, trò nào không học thêm thì tổng kết thấp. Rồi các giảng viên bậc đại học, cứ mỗi mùa tốt nghiệp khóa luận, lại "làm giá" với sinh viên. Làm một bài khóa luận phải gặp thầy nhiều lần, mỗi lần có khi chỉ sửa một dấu phẩy, con chữ cũng phải quà cáp, phong bì. Chứ chả lẽ "đi không"?....Tất nhiên, đó chỉ là thiểu số.

2.Nông
Nông là nông dân, là những người lao động sản xuất trong nông nghiệp. Những người đánh bắt thủy sản, trồng cây công nghiệp như: điều, cà phê,...cũng được xếp vào tầng lớp này. Vì lợi nhuận, họ sẵn sàng làm những điều gần như không tưởng: xay hột đu đủ trộn vào hồ tiêu, chế biến chè uống trộn thêm bùn, bán gạo thì vẩy thêm tí nước vào cho tăng cân,..rồi đem bán. Thủy sản xuất khẩu làm ẩu, không đúng quy trình an toàn thực phẩm, bị nhiễm độc...Như thế xuất khẩu ra nước ngoài thì hậu quả ra sao? Kết quả đã rõ. Nghiệp chướng là như vậy.

3.Công
Công là công nhân, là những người lao động chân tay làm việc ăn lương, trong các nhà máy, xí nghiệp, công trường. Vì một chút lợi lộc cá nhân, sẵn sàng gây rối nội bộ, gây khó khăn cho nhà quản lý, đưa ra yêu sách khó có thể chấp nhận. Lạm phát tăng cao, giá cả các mặt hàng tăng lên gấp đôi, đơn cử gói mì tôm năm trước có giá 1.200 VNĐ, năm nay tăng lên 2.500 VNĐ, họ đình công, yêu cầu phải tăng lương gấp đôi thì mới làm tiếp. Làm công trường thì lấy cắp vật liệu đem bán...Làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm, không nhiệt tình...Đó cũng là nghiệp chướng. [-O<
4.Thương
Thương là những người buôn bán, kinh doanh, kể từ người bán hàng nước, quần áo ven đường tới các thương nhân tầm cỡ hơn nữa. Tầng lớp này có lẽ họ tự tạo ra nghiệp chướng nhiều nhất. Bắt đầu từ người bán hàng quần áo, giả sử một chiếc áo sơ mi chỉ có giá trị bán ra 50.000 VNĐ, họ nói thách tới 200.000VNĐ, người mua chê đắt và đưa ra giá giảm một nửa là 100.000VNĐ, họ đồng ý ngay: "Vâng, em bán mở hàng chiếc đầu tiên", "Hàng của em rẻ và tốt nhất chợ này đấy ạ",...Đó là trường hợp đồng ý mua, không đồng ý mua và đi ra hàng khác, sẽ bị ăn chửi và đốt vía. Trường hợp người không am hiểu giá cả, như các em học sinh chẳng hạn, sẽ chẳng mặc cả gì mà mua chiếc áo với giá đắt gấp...4 lần! Đã vậy, nhiều bà còn lên chùa khấn Phật, dùng tiền đó bỏ hòm công đức, mong cầu một vốn bốn lời, xin nhà đất, xin tài lộc, xin cả công danh cho chồng con...Nếu Phật đồng ý thì chiếc áo đó sẽ được bán với giá 800.000VNĐ!
Các thương nhân tầm cỡ hơn nữa, không ngại ngần dùng thủ đoạn hạ bệ các đối thủ kinh doanh, mưu lợi cá nhân sẵn sàng kê khai hóa đơn giả, trốn thuế, rửa tiền, vì lợi ích nhóm, kinh doanh thua lỗ làm thất thu ngân sách, luôn nói thua lỗ nhưng nhà cửa đất đai cứ phình to như núi, chỉ có người dân và nhà nước là chịu thiệt.
