Vũ Hoàng Chương ( báo Văn trước 75 )
Mỗi năm vào khoảng tháng tám âm lịch, tôi hằng mong mỏi cho đêm trường sẽ không mưa để vầng trăng vằng vặc buông xuống trần gian những sợi tơ huyền ảo; biết đâu bầu không khí thường xuyên bị đầu đọc ở nơi nầy chẳng sẽ phút giây lắng xuống, hội đủ các điều kiện, dù khó khăn phức tạp mấy đi nữa, để con người có thể nghe rõ tiếng chày vang dội của ngọc thỏ trên cung Quế đêm đêm giã thuốc trường sinh. Nhưng đồng thời tôi cũng liên tưởng đến một vầng trăng khác ngự trị ở một vũ trụ khác chỉ luôn luôn soi tỏ những đường nét mỹ lệ, những màu sắc thuần túy, những tư thái hồn nhiên. Vầng trăng khác đó là thi hào Nguyễn Du và cái vũ trụ khác đó chính là thế giới của Thơ vậy.Nguyễn tiên sinh đã khép mắt buông tay vào một ngày của tiết trung thu trước đây hơn một trăm bốn chục năm. Sự liên tưởng của tôi vào dịp nầy mỗi năm đâu phải không có nguồn gốc. Vì tất cả những ai đã đọc truyện Kiều và biết đôi chút về cuộc đời tiên sinh đều nhớ ngày kỷ niệm mà thành khẩn đốt nén tâm hương. Cho nên kẻ đang hầu chuyện quý vị đây dẫu chỉ có sở trưởng nơi vần điệu chứ thiếu hẳn tài nghiên cứu sâu rộng, tài giảng thuyết hùng hồn, cũng cả gan nhận lời đề nghị của các bạn trong Ban chấp hành Hội văn bút Quốc tế Việt nam để trình bài trước lượng khoan dung của quý vị một vài điều không dám nói là nhận xét mà chỉ dám nói là thâm cảm về tâm hồn một nhà thơ đã làm vẻ vang cho dân tộc ta - tâm hồn thi sĩ của Tố Như Tử.
Nói đến đây tôi chợt thấy mọi tế bào trong tim óc rung chuyển như chờ hòa điệu, vì tôi biết chắc rằng trong số quý liệt vị họp thành cử tọa đông đảo và trang nhã nầy, ít nhất cũng phải có vài trăm vị đang gật gù nhẩm khẽ hai câu:
Bất tri tam bách dư niên hậu.
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
Và, nếu 'hay hèn chẳng quản nói điêu' thì đây, tôi xin mạn phép diễn nôm mười bốn chữ hoa gấm mà cũng tràn đầy tâm huyết đó:
Ba trăm năm nữa,nào hay.
Còn ai nhỏ giọt lệ này khóc ai?
Thưa quý vị, muốn hiểu tâm hồn Tố Như Tử và quyết đoán rằng đó là một tâm hồn thi sĩ, thiết tưởng không phải tìm đâu xa; mười bốn chữ ấy đủ cung cấp cho ta một chiếc địa bàn màu nhiệm, hai câu thơ thất ngôn ấy đủ là hai đầu của một cây kim chỉ nam. Thật vậy tiên sinh khóc nàng Tiểu Thanh - tác giả Phần dư chi tập, lấy chữ 'dư'làm vần mà đây chỉ là hai câu kết thúc. Tiểu Thanh - một tài nữ đất Hàng Châu, số không may bị gả làm lẽ mọn trong một gia đình hào phú nhưng vợ cả ghen chẳng kém gì Hoạn Thư. Nàng kéo lê kiếp tiểu tinh phai úa giữa khoảng Cô Sơn mai ngàn gốc và Tây Hồ sóng ngất mây, đến u uất thành bệnh mà thác khi tuổi vừa đôi chín. Bao nhiêu bài thơ bài từ sáng tác ra bằng máu và nước mắt, nàng đem hỏa thiêu trước giờ lâm chung; giấy mực đã quá nửa cháy thành tro bụi, mới có người bạn gái ngẫu nhiên đến thăm kinh hãi mà giành giựt lấy đôi chút tàn thiên đoạn giản. Và đời sau mới được thưởng thức những lời châu ngọc đứt nối quằn quại trong thi tập nhan đề Phần dư.
Lúc sinh thời Tiểu Thanh từng đọc truyện Mẫu đơn Đình, xúc động vì kiếp người trong truyện, đã ngâm thành một bài thơ tứ tuyệt:
Lãnh vũ u song bất khả thinh,
Khiêu đăng nhàn khán Mẫu đơn Đình.
Thế gian diệc hữu si ư ngã,
Khởi độc thương tâm thị Tiểu Thanh.
Mà tôi xin tạm dịch là:
Khêu đèn xem Mẫu đơn Đình,
Mưa đầy song vắng cho tình lâm ly.
Thế gian còn lắm người si,
Mối thương tâm há riêng gì Tiểu Thanh?
Hai câu cuối thật chẳng khác những tiếng gào gọi từ thiên cổ vọng về, dội len trong trong mưa gió canh trường vậy. Nhưng cô gái tài hoa, xác vùi sâu đáy huyệt từ mấy trăm năm, may còn có Nguyễn Du bắc nhịp cầu linh cảm qua làn điệu nơi trang giấy đốt thừa mà đem giọt lệ tưới nguôi lửa hận. Chứ đến lần tiên sinh, chắc gì còn có ai xót thương như thế sau hàng trăm năm xót thương với tất cả bản thể của con người, với chính dòng nước mắt của hạng nòi tình cốt nhạc?
Ba trăm năm nữa nào hay,
Còn ai nhỏ giọt lệ nầy khóc ai?
Câu hỏi xiết bao cay đắng. Niềm ngờ vực như hằn lên, như nấc lên, khoắc khoải đến tuyệt vọng. Chắc tiên sinh viết xong hai câu thơ trên đây thì ném bút lắc đầu: 'Khóc ta cho đúng nghĩa với khóc ư? Ba trăm năm sau làm gì có người ấy!'.
Thưa quý vị, dân tộc Việt nam ít lâu nay, đã mặc nhiên đặt tác giả truyện Kiều lên ngai vàng Thi bá; hằng năm các tổ chức văn học làm lễ kỷ niệm nhà thơ lành Tiên Điền; ai nấy giành ra những giờ phút lắng đọng nhất để thành khẩn thương nhớ về Tố Như Tử. Ngay giữa Sài gòn nhiều gió bụi và biển dâu này. Ngay giữa cái khung cảnh:
Ngất trời sát khí mơ màng,
Đầy sông kình ngạc chật đường giáp binh.
Nghĩa là thiên hạ "khấp Tố Như" nhiều lắm chứ! Còn điều chi nữa mà ngờ!
Vậy tiên sinh đã lầm chăng? Đã quá bi quan chăng?
Thưa quý vị, tiên sinh không lầm đâu! Và cũng chỉ bi quan đúng mức thôi đó. Chứng cớ là nhân loại ngày một xa nguồn. Đời sống càng văn minh, con người càng mất ý niệm quay về bản thể, và nếu một tối thiểu số còn ý niệm ấy thì cơ hội quay về cũng hiếm hoi, các ngã đường hầu như đều bịt kín. Quay về sao được, khi bao hệ lụy rào quanh tâm trí, bao nhiêu nhu cầu hối thúc mình phải tiến lên. Mà nhu cầu nào cũng tưởng như chính đáng cả, hệ lụy nào cũng bất khả kháng như nhau. Thậm chí mỗi người chỉ còn nghĩ đến chuyện đảm bảo cho tương lai, nghĩa là làm cách nào cho guồng máy chạy đều, xăng nhớt không được thiếu, chỗ nào trục trặc phải được kiện toàn ngay; xã hội phải chạy đều như máy, gia đình phải chạy đều như má... và từ chỗ đó đến chỗ mỗi cá nhân trở thành một cái máy thiết tưởng không bao xa. Chẳng phải một sự ngẫu nhiên mà nền văn minh ngày nay được gọi là nền văn-minh-cơ-khí!
Vâng, thưa quý vị! Nhà thơ núi Tản sông Đà cách đây trăm bốn chục năm từng đã than rằng:
Giang hà nhật hạ nhân giai trọc,
Thiên địa lô trung thục hữu tình.
Sông ngòi ngày một xuống mãi, hình ảnh của nhân loại xa nguồn. Chỉ mỗi ngày một vẫn đục thêm; trong lò trời đất đúc ra, còn ai 'hữu tình' được nữa!
Tố Như linh cảm điều ấy hơn một thế kỷ trước Tản Đà. Tiên sinh lo rằng rồi đây nòi tình sẽ tuyệt diệt; còn ai người ba trăm năm sau nhỏ lệ khóc tiên sinh như tiên sinh đã khóc nàng Tiểu Thanh bạc phận! Nhỡn lực của tiên sinh thật siêu phàm, quả đúng như câu trong bài đề tựa của Mộng Liên Đường chủ nhân:'Tiên sinh đã có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời'.
Tâm hồn thi sĩ của Nguyễn Du chính ở chỗ 'nhỡn phù lục hợp, tâm quán thiên thu'; mà ném một tiếng thở dài xuống dòng thời gian, đau xót bản lai diện mục của nhân loại.
Một tâm hồn bao la như vậy hẳn không thể khư khư cố chấp như hạng nhà nho hương huyện nào. Cho nên thi sĩ Nguyễn Du đặt giao tình ở một trời trăng sáng, so chánh khí cùng trăm dặm Hồng Sơn. Tôi tưởng con người của tiên sinh với tất cả bản sắc trầm hùng cao khiết, ai cũng có thể nhận thấy qua hai câu:
Nhỡn để phù vân khan thế sự,
Yêu gian trường kiếm quải thu phong.
Mà tôi xin mạn phép dịch là:
Mây nổi việc đời qua đáy mắt,
Gió vàng gươm báu quẩy ngang lưng.
Nếu Lý Bạch đời Đường vào chốn rừng sâu tịch cốc ngay từ lúc thiếu niên, sống kiếp dã nhân, ba năm gác ngoài tay thế sự thì Nguyễn Du của chúng ta cũng mười hai năm tuyệt tích trên khoảng chín mươi chín ngọn, săn bắn để nuôi thân và tự xưng Hồng Sơn Hiệp Lộ, cái hào khí lăng tằng dễ ai có hơn ai!
Tâm hồn thi sĩ của tiên sinh, một phần do yếu tố huyết thống tạo nên, nhưng một phần cũng do thiên bẩm, đã phát hiện ngay từ bài ca lục bát trong đó tiên sinh thác lời một chàng trai phường nón gửi cho một nàng gái phường vải, người yêu thuở xuân xanh đôi chín của tiên sinh, rất có thể là người tình thứ nhất. Cô bé xã Trường Lưu, sau một đêm trao ân đổi ái cùng vị công tử xã Tiên Điền, đã khéo cậy người đem vần điệu lâm ly tả thành một bức thư tình nhờ chim xanh chuyển đến. Thật đúng cái trường hợp:
Phong lưu cậu ấm tình xuân nặng,
Đứt ruột cô em một mảnh tờ.
Lá thư phúc đáp của chàng công tử đa tình là Tố Như kia dẫu chưa điêu luyện tới mức hàng hàng gấm thêu, nhưng thật đã phản ánh một trái tim sôi nổi vì yêu đương, một bản chất phong lưu diễm nhã:
Tiếc thay duyên Tấn phận Tần,
Chưa quen đã lạ, chưa gần đã xa.
Chưa chi đông đã ló ra,
Đến giờ chỉ giận con gà chết toi.
Tim gan cho cái sao Mai,
Thảo nào vác búa chém trời cũng nên.
Si tình biết mấy? Chẳng khác gì Trương Quân Thụy trong kịch bản Tây Sương, lúc vừa nhận được thư hò hẹn của Thôi Oanh Oanh mà nóng lòng sốt ruột, chỉ muốn mặt trời mau lặn gấp để mau tới giờ 'cửa hé theo luồng gió, trăng chờ dưới mái Tây'. Đoạn văn của Vương Thực Phủ diễn tả cái ý bồn chồn nóng nay của cậu Trương lúc đó tôi xin tạm dịch:
Vầng hồng chót vót chon von,
Cây xanh hồ dễ ngã con bóng dài.
Ác vàng kia, đứng, đứng hoài,
Không chịu nhích xuống non Đoài giùm ta.
Cung Hậu Nghệ bắn Hằng Nga,
Ta mượn quách bắn cho sa ác vàng.
Một đằng giận đêm xuân chông cạn giọt đồng, mặt trời ló ra quá vội, sao Mai hiện quá sớm mà muốn vác búa chém bừa thinh không, một đằng giận ngày chờ đợi quá lâu, mặt trời cứ như gắn keo mọc rễ chẳng chịu nhích xuống cho, để chóng tới giờ hội diện, mà muốn vác cung ra trổ tài Hậu Nghệ bắn rơi quách con ác vàng ba chân. Từ anh trai phường nón đến câu giải nguyện họ Trương, kẻ chất phác quê mùa, người thế gia lệnh tộc, hèn sang cách cách hẳn nhau một vục một trời, vậy mà cái sầu tương tư giống hệt. Đủ biết Tố Như Tử dịch là hậu thân của Trương Quân Thụy, còn chàng trai phường nón chỉ là cái thân giả thác mà thôi. Đảo diện tình tứ biết bao! Vì như vậy cô gái phường vải kia đã dược tiên sinh tấn phong làm Thôi Oanh Oanh - người đẹp trong những giấc mơ tình ảo diễm nhất. Thưa quý vị, tấm lòng yêu đương tế nhị đó, nồng thắm mà thanh lịch đó đã là dấu hiệu của nòi tình cốt nhạc, của một thi sĩ hay sao?
Tuy nhiên, cũng phải trải qua một cuộc biển dâu trong đó triều đại sắp đổ, cơ nghiệp của ông cha phút chốc tan tành, lại phải có một phen thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng giong để rồi việc Cần vương thất bại, quay về dãy núi của quê hương, lúc ấy tâm hồn thi sĩ của tiên sinh mới được nảy nở toàn diện. Xa hẳn danh lợi và thế tình, mộng khanh tướng mộng giai nhân chỉ còn là kỷ niệm, tiên sinh trọn mười hai năm gần gũi thân mật với mây tuyết đỉnh cao cỏ hoa rừng thẳm; lòng say mê sôi nổi trước kia được kết tinh lại thành nỗi mến thương rộng lớn, bi tráng mà trầm hùng.
Nếu tài năng có phong sương mới già dặn, nếu thơ văn phải có linh cảm cùng sông núi mới rực rỡ được vẽ kỳ khí lên, thì tâm hồn của Nguyễn Du cũng đã trọn vẹn là tâm hồn thi sĩ trong khoảng bách lý Hồng sơn và nhất thiên minh nguyệt vậy.
Chính vì có tâm hồn thi sĩ nên tiên sinh mới thản nhiên coi việc đời như mây nổi và cảm thấy lưỡi trường kiếm sau lưng chở theo cả trận gió thu sẵn sàng rung lên thành tiếng vàng tiếng sắt.
Hẳn nhiều phen nhớ lại một vài khuôn mặt nào in đậm lên cuộc biển dâu tàn nhẫn khởi đầu từ thời chúa Trịnh chuyên quyền và đang tiếp diễn qua thời Tây sơn loạn lạc, tiên sinh đã bất bình nổi trận đùng đùng sấm vang. Và hẳn lúc ấy tiên sinh có ý định:
Phong trần mài một lưỡi gươm,
Những phường giá áo túi cơm sá gì.
Những phong ảnh hùng vĩ kia lại cũng nhuộm màu siêu thoát giục con người tự giác như giác tha, nên tiên sinh chỉ thấy hiện ra trước mắt cái thảm trạng 'nhất tướng công, thành vạn cốt khô', và càng suy ngẫm càng thấy kẻ chịu phận thiệt thòi chính là đám dân lương vô tội:
Gẫm từ dấy việc binh đao,
Đống xương vô địch đã cao bằng đầu.
Thành ra tiên sinh trải lòng thương xót ra tất cả thập loại chúng sinh. Bầu không khí buổi sơ thu, với mưa dầm sùi sụt trên nẻo đường bạch dương phút chốc đồng hóa với canh trường dạ tối tăm, đổ sập xuống cả muôn vạn hồn đơn phách chiếc:
Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc,
Quỷ không đầu than khóc đêm mưa.
Đã hay thành bại là cơ,
Mà u hồn biết bao giờ cho tan?
Ngay cả phường giá áo túi cơm, lúc đắt thời vận thị hùng dường ấy; ngay cả bọn vẫy vùng ngang dọc mà dãi thây trăm họ làm công một người, tiên sinh cũng xót xa và có lẽ càng xót xa lắm lắm. Vì chẳng sớm thì muộn chúng cũng thất thế sa cơ, lúc ấy thì:
Bỗng phút đâu lò bay ngói lở,
Khôn đem mình làm đứa sất phu.
Giàu sang càng nặng oán thù,
Máu tươi lai láng, xương khô rã rời.
Thật vậy, khi thời thế đã xoay chiều, hạng công thủ tội khôi muốn trụt xuống làm thường dân sao được! Quyền hành cao như núi thì oán thù cũng sâu như biển, nghĩ càng ghê sợ biết bao!
Cho nên Tố Như Tử xúc động can trường van xin đấng Từ Bi mở đường giải thoát:
Tiết đầu thu dựng đàn giải thoát,
Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi.
Muôn nhờ Phật lực từ bi,
Giải oan cứu khổ hồn về Tây phương.
Bài Chiêu hồn ca thật đã có một sức truyền cảm vượt mọi biên giới của nghệ thuật. Trên sáu ngã luân hồi man mác bài thơ của Tố Như Tử hiện ra sùng sững như muốn dùng chữ khắc sâu mặt đá mà ai đọc tới cũng hoảng nhiên tỉnh ngộ, phút giây nhớ lại cả ba kiếp tiền sinh.
Có phải chính mình chăng, những kẻ nọ 'mắc vào khóa lính, bỏ cửa nhà gồng gánh việc quan'? Để rồi:
Nước khe cơm vắt gian nan
Dãi dầu muôn dặm lầm than một đời.
Có phải chính mình chăng, những kẻ kia 'rắp cầu phú quý, dấn mình vào thành thị lân la'?
Để rồi:
Mấy thu lìa cửa lìa nhà,
Văn chương đã chắc đâu mà chí thân.
Lại có phải chính mình chăng, nhũng kẻ ấy 'màn lan huệ trướng, những cậy mình cung Quế Hằng Nga'?.
Để rồi:
Một phen thay đổi sơn hà,
Mảnh thân chiếc lá biết đâu mà về?
Trong chúng ta chẳng biết có ai khóc Tố Như Tử được một tiếng nào do chân cảm chí tình không; chỉ biết rằng Tố Như Tử đã khóc trước chúng ta, giọt lệ nghẹn ngào từ ngót hai thế kỷ.
Đặt vào lời Thúy Kiều khóc Đạm Tiên, đã hẳn tiên sinh phải hạ bút viết:
Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Nhưng trong thâm tâm của tiên sinh, hai câu thơ ấy tất phải là:
Đau đớn thay phận con người,
Lời rằng bạc mệnh cũng lời nói chung.
Và chính vì lòng thương xót bao la kia mà tiên sinh đã kết thúc bài Chiêu hồn ca bằng những câu đi vào đúng cái tinh thần vô ngã của Phật tổ:
Mười loài là những loài nào?
Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh.
Vì đã đến lúc Tố Như Tử không còn cố chấp, không còn phân biệt chúng sinh mà thông cảm với khổ đau của tất cả, xét hiểu cho cái thế 'vạn bất đắc dĩ' của từng hạng người, cái uy lực tối thượng và khắc nghiệt của hoàn cảnh. Lúc ấy tâm hồn thi sĩ của tiên sinh biểu lộ rõ rệt đến chót, mỗi rung cảm của người thơ đều thăng hoa vượt bậc để ngàn thu giấy mực còn chói lọi hào quang.
Cũng chính vì có một tâm hồn thi sĩ như vậy mà tiên sinh viết Đoạn trường tân thanh, gây ra bao luồng độc nhất trái ngược: ai khen, khen đến hết lời; ai chê, cũng chê đến cạn tàu ráo máng. Có người bảo: truyện Kiều gồm đủ cả trung hiếu nhân nghĩa, có người liệt truyện ấy vào hạng 'ai dâm sầu oán đạo dục tăng bi'. Thật ra cô gái đời Gia Tĩnh kia, đâu có đáng treo gương nữ trung hào kiệt mà cũng chẳng đến nỗi đáng căm giận phỉ nhổ hoặc bĩu môi buông lời khinh bỉ:
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm!
Nàng chỉ là một mẫu người do Tố Như Tử mượn làm điển hình cho cái thế 'vạn bất đắc dĩ' của kiếp nhân sinh đó thôi. Ở cuối bài tựa Đoạn trường tân thanh của Phong Tuyết chủ nhân cũng có câu:
'Mạnh Tử nói rằng: Ai khéo đọc Kinh thi không nên nệ câu văn mà làm hại lời, không nệ lời mà làm hại ý, cứ lấy ý đón lấy cái chí của cổ nhân mà hiểu được, thế là được. Ai đọc truyện Thúy Kiều mà hiểu được những lời nói ấy thì cái người mà ta gọi là Thúy Kiều có thể sớm tối lúc nào cũng gặp được vậy'!.
Thưa quý vị, đúng thế. Kiều là con người muôn thuở và muôn nơi chứ chẳng riêng gì đời Gia Tĩnh triều Minh mới có. Vì cái thế 'vạn bất đắc dĩ' là cái thế chung nó làm cho con người bị dằn vặt khắc khoải đau đớn kinh hoàng, càng gỡ ra nó càng trói chặt. Đã mấy ai dám khoe mỗi việc trong đời mình đều do chính mình quyết đoán với tất cả niềm vui thích hả hê? Tôi ngờ rằng chỉ có bậc đại giác mới như vậy được. Còn như lục lục trần ai thì hoặc là theo thói quen hoặc là tự phó mặc buông xuôi, hoặc là có tự do lựa chọn thì khi quyết định thì cũng là trong máu và nước mắt, đòi đoạn tơ vò, cực trăm ngàn nỗi chứ chẳng không.
Kiều lấy làm sung sướng khi quyết định:
'Rẽ ra cho thiếp bán mình chuộc cha' đó chăng? Hẳn là không chứ! Nếu sung sướng việc gì phải:
Một mình nàng ngọn đèn khuya,
Áo đầm giọt lệ tóc se mái sầu?
Để rồi sau lúc dặn em gái chắp mối tơ thừa với chàng Kim Trọng, thì:
Cạn lời hồn ngất máu say,
Một hơi lạnh ngắt đôi tay giá đồng.
Nhưng quyết định đau xé ruột gan này còn được thoa dịu đôi chút bằng cái viễn cảnh:
Hoa dù rã cành lá còn xanh cây.
Đến như sau lúc đã về Lâm Tri và mắc kế đà dao của cặp bài trùng Tú Sở, Kiều phải quyết định việc ra làm gái thanh lâu, ấy mới thực là giờ hành hình ghê gớm:
Thân lươn bao quản lấm đầu,
Chút lòng trinh bạch từ sau cũng chừa.
Mười bốn chữ thắm thía diễn lại tất cả tấn bi kịch ngàn đời của con người đó vậy.
Có người hỏi:'Tại sao Kiều đã biết rút dao đâm cổ ngay khi chạm trán với thần mây trắng và cặp Tú Mã để rơi cái mặt nạ lũ buôn người, sao không biết đập đầu mà chết, cắn lưỡi mà chết khi bị ép uổng làm cái nghề ô nhục kia! Mà lại hèn đớn đến nỗi xin chùa lòng trinh bạch?'.
Thưa rằng:
Chẳng đợi ngàn sau có người sĩ tiếu, chẳng cần nghe dư luận chê bai. Kiều cũng biết việc mình làm là xấu xa hèn mạt. Nhưng thế 'vạn bất đắc dĩ' biết sao chừ? Theo luật đời Gia Tĩnh đứa nô lệ trốn đi mà chủ bắt lại được thì đánh đập cho đến chết cũng vô can. Vậy mà chiếc văn tự Vương Ông bán con gái, mụ Tú còn cầm nơi tay, Kiều trốn theo Sở Khanh ra khỏi lầu Ngưng Bích lại bị chính mụ bắt được tại trận. Cho nên mụ tha hồ mà:
Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra,
Đang tay vùi liễu dập hoa tơi bời.
Nàng có liều chịu đòn cho tới chết hoặc tìm cách tự hủy tấm thân thì cái chết ấy cũng vô ích, chẳng gây được tiếng vang nào hoặc thanh minh được cho danh tiết của nàng chút nào hết. Thôi đành:
Hết lời thù phục khẩn cầu,
Uốn lưng thịt đổ rập đầu máu sa.
Đành 'vạn bất đắc dĩ' làm một cuộc dấn thân nhục nhã vậy.
Thưa quý vị, trong xã hội loài người không thiếu gì những trường hợp vô khả nại hà như vậy, nhất là ở những nơi sự nghèo đói, sự túng thiếu đã trở thành chứng bệnh nan y và bao nhiêu bất bình đẳng còn ngự trị ngất ngưởng. Đành rằng có những quyết định cao đẹp, phù hợp với đạo lý, dẫn người trong cuộc đến những tiếng khen nức nở, những dòng xưng tụng trên bia đá sử xanh, nào là trung, là hiếu, là hy sinh, là bất khuất...nhưng một mặt khác cũng lại có vô vàn những qui định thấp hèn nó dẫn người trong cuộc đến cái cảnh dâng lên mỉa mai, tiếng chì tiếng bấc và quá tệ nữa thì 'ngàn năm bia miệng thế gian cười'. Tuy nhiên, xét riêng khía cạnh 'đau lòng đứt ruột' thì dẫu thấp hèn hay cao cả, quyết định nào cũng đi sau một niềm ray rứt tê tái như nhau. Bậc thánh cũng còn bất đắc dĩ...huống hồ! Thi sĩ Lý Bạch từng có câu:'Nãi tri binh giã thị hung khí, thành nhân bất dĩ nhi dung chi'. Và Mạnh Tử cũng đã tuyên bố:'Ngô khởi hiếu biện tai,Ngô bất đắc dĩ dả'.
Điều cần phải nói ngay là: kiếp sống ở nhân gian không phải chỉ toàn những quyết định tỏ rõ làm dư luận chú ý và đủ tầm quan trọng để nêu gương tốt hay gương xấu cho muôn đời. Trái lại mỗi cá nhân lại thường phải hằng ngày đối phó với những việc xảy ra, bao quyết định ngấm ngầm chẳng ai biết tới, chỉ một mình mình biết chỉ một mình mình hay. Mà trong số những quyết định này, cao đẹp cũng có mà đớn hèn cũng có. Kẻ nào gặp may được thiên hạ chú ý tới một quyết định thuộc loại cao đẹp của hắn chắc cũng chỉ dám nhận lời khen một cách miễn cưỡng và trong thâm tâm chẳng dám tự lấy làm đủ mà hiu hiu tự đắc đâu! Vâng, thưa quý vị quyết định thuộc loại yếu hèn như việc Kiều van xin với mụ Tú xin chừa lòng trinh bạch thì còn có thể bảo là trường hợp đặc biệt của phụ nữ dưới chế độ nô lệ, nhưng đến như những việc sau đây, thiết tưởng lấy xe mà chở lấy đấu mà đong cũng chẳng hết được. Thí dụ: cúi lưng thấp một chút trước mặt ông chủ, biết người trên nói trái mà cũng dạ dạ vâng vâng, mượn chuyện công nghĩa đến trù tính chuyện đôi điều tư lợi sao cho công tư vẹn cả đôi bề, huênh hoang ngôn quá kỳ thực trước một đám đông theo kiểu tốt đẹp bày ra xấu xa đậy lại, thấy việc đích đáng nhưng nguy hiểm đành hối thúc kẻ khác chứ chính mình thì không dám tham gia; gặp câu chuyện bất bình ở giữa đường, có thể tức giận đến chau mày nghiến răng, hưng rốt cuộc suy đi tính lại, muốn yên thân đành cúi đầu chép miệng...
Đau xót thay là cái thế vạn bất đắc dĩ của kiếp người! Cho nên bảo Truyện Thúy Kiều là tấm gương cho thiên hạ soi chung là phải lắm. Người đọc truyện hay nghe đọc truyện đều linh cảm thấy chính mình và vô số bà con hàng xóm trong đó, cả đến những kẻ mình vẫn căm giận ngờ ghét xưa nay: một đoàn thất thểu, kẻ sau người trước trên cầu Nại Hà, mang nặng cái nghiệp lực ghê gớm nó cũng chính là cái thế bất đắc dĩ mà tôi vừa nói trên.
Họ sẽ chợt tỉnh ngộ rằng chưa chắc ai đã muốn làm khổ ai đâu; bộ mặt thực của kẻ thù mình cũng hằn lên bao nhiêu là dấu vết chua xót, chẳng qua những kẻ ấy cũng bị đẩy vào cái chổ 'không làm thế nào khác được' đó thôi. Câu hát nào từ thuở nằm nôi chợt vẳng bên tai họ:
Ai đưa ta đến chốn này?
Bên kia thì núi, bên này thì sông.
Như thế sao lại còn chấp nhất, còn thù oán? Có chống đối là chống đối cái thế vạn năng khủng khiếp kia! Chứ sao lại gây gổ với kẻ một thuyền một hội! Chính cái thế ấy nó buộc ta phải lựa chọn, dù hợp ý hay không hợp ý, phải quyết định, dù theo hướng cao cả hay thấp hèn mà lựa chọn mà quyết định từng giây từng phút. Đằng nào cũng có đau đớn hay tủi nhục kèm theo. Được tiếng khen thì ho hen chẳng còn, đến như được tiếng chê thì lương tâm cắn rứt. Nào ai sung sướng gì đâu!
Thưa quý vị, từ ngàn xưa bậc đại giác bậc chí thánh đã vạch ra đường lối cho thiên hạ noi theo. Các văn gia triết nhân thì gắng sức lập ngôn, làm sáng tỏ thêm những khuôn vàng thước ngọc. Nhưng cũng phải có những tâm hồn thi sĩ thông cảm nỗi khó khăn của họ, phân tích cái tâm trạng của người trong cuộc thì muôn vạn cái gai mặc cảm mới có cơ nhổ lên và họ mới thực sự nhìn thấy vết thương chung để tự kết lấy bàn tay cứu khổ. Cho nên dân tộc nào cũng ưa chuộng thi ca và riêng đối với dân tộc Việt nam thì bài ca Chiêu hồn và truyện Thúy Kiều đã trở thành những người bạn tri kỷ.
Nếu Nguyễn Du không có tâm hồn thi sĩ, thì sao tác phẩm của tiên sinh lại thâm nhập vào huyết mạch xã hội ta đến thế được? Tất cả hững ai từng trong đời có một lần quyết định đau đớn, dù quyết định ấy cao cả hay thấp hèn cũng đều hướng về áng thiên cổ kỳ văn của Tố Như Tử.
Thưa quý vị, những lời cuối đàm phiếm luận trên đây ví như chẳng đến nỗi nhàm tai quý vị thì tôi xin đề cập điểm sau chót về tâm hồn thi sĩ của tác giả Đoạn trường tân thanh.
Đó chính là mối tình đẹp trong tập truyện này, dược thể hiện bằng những vầng thơ trác tuyệt nhất. Tôi muốn nói: mối tình Kim Kiều.
Nhưng nó đẹp chẳng phải hai bên đều là tài tử giai nhân gặp nhau giữa lúc tình xuân vừa chớm dậy. Truyện Nôm của ta thiếu gì những cặp như thế, nào Hạnh Nguyên và Mai Bích, Giao Tiên và Lương Sinh...Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga nữa chứ! Nó đẹp cũng không phải vì cầu Lam chẳng hề lầm bắc trên sông Bộc, cỏ hoa vườn Thúy chẳng hề biến thành sân khấu cho màn kịch trong dâu và khi một bên sóng tình dường đã xiêu xiêu thì bên kia lập tức trấn áp được ngay bằng một lời đoan chính. Về điểm này dẫu các nhân vật trong Yên sơn ngoại sử và Tây sương ký không theo kịp nhưng mấy cặp trai tài gái sắc trong Nhị độ hoa, Hoa tiên và Lục Vân Tiên vừa kể trên đâu phải là không giữ được tiết sạch giá trong để đuốc hoa khỏi thẹn? Vả lại về sau, lúc Kiều thất thân họ Mã, nàng đã có cái ý nghĩ:
Biết thân đến bước lạc loài,
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
Điều hối tiếc thầm kín này đã tố cáo rằng: Kiều hãy còn đặt nặng vấn đề vật chất và trong đêm thề ước nàng cũng chỉ may mắn mà không sa ngã đó thôi.
Tính chất đẹp của mối tình Kim Kiều phải được tìm ở cái lối giải thoát kỳ diệu của người trong cuộc sau mười lăm năm xa cách nghĩa là ở hồi 'tái hợp';trong đó thi hào Nguyễn Du đã viết được hàng trăm câu rực rỡ như gấm vóc, huyền ảo như khói sương. Thí dụ lời Thúy Kiều:
Thiếp từ ngộ biến tới giờ,
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa.
Bấy chầy gió táp mưa sa,
Mây trăng cùng khuyết, mây hoa cũng tàn.
Và lời Kim Trọng:
Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.
Hoa tàn mà lại thêm tươi,
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.
Đành rằng thơ Nguyễn Du có đẹp, có khen chỉ là kiểu khen phò mã tốt áo nhưng lối giải thoát của người trong cuộc sao gọi là đẹp, ấy mới là điều tôi nhắm trình bài.
Thưa quý vị, tôi xin nói ngay rằng nó đẹp vì có hàm chứa một cuộc trở về trong ý niệm bao dung. Cuộc sống chung, hãy nói hẹp là giữa một cặp chồng vợ hay tình nhân, từ ngàn xưa đến nay dễ mấy ai tránh được những cơn sóng gió; nếu không phải trận gió lốc thì cũng là đợt sóng ngầm. Mà sóng ngầm thường khi còn gây đổ vỡ khủng khiếp hơn cả gió lốc. Giáng Kiều và Tú Uyên trong truyện Bích Câu kỳ ngộ, một bên là tiên nữ dịu dàng, một bên là nho sinh phong nhã thế mà chuyện cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt ngay. Còn nói gì đến cảnh 'thế gian được vợ hỏng chồng' của đa số người phàm tục! Quả đúng với câu thơ của Lục Vân Tiên nghĩa là hạnh phúc lứa đôi giống vầng trăng nọ, rất hiếm khi tròn.
Vậy mà Kim Kiều, sau mười lăm năm cách trở đã có thể êm đẹp trùng phùng, một bên trở về với nghĩa cũ tình xưa bằng ngã đường danh dự; một bên thành khẩn xót thương, mỗi lời nói ra là mỗi bàn tay che chở đùm bọc:
Như nàng lấy hiếu làm trinh,
Bụi nào cho đục được mình ấy vay.
Thưa quý vị, hiếu là hiếu còn trinh là trinh chứ, sao có thể lấy cái nọ làm cái kia bao giờ? Điều ấy há rằng Kim Trọng không biết? Há rằng Nguyễn Du cũng lại không biết hay sao? Chẳng qua là:
Thương nhau sinh tử đã nhiều,
Gặp nhau còn chút bấy nhiu là tình.
Lâm Tri, Vô Tích rồi Châu Thai; Kiều đã từng 'duyên càng đượm,lửa càng nồng' với họ Thúc,'tâm đầu ý hợp' với họ Từ vậy mà Kim Trọng không giận hờn, chẳng khinh bỉ lại còn khăng khăng đòi cho dược cái giờ phút:
Cùng nhau giao bái một nhà,
Lễ đà đủ lễ đôi đà đủ đôi.
Há phải chàng định 'vớt hương dưới đất, bẻ hoa cuối mùa' làm chi đâu! Chỉ vì danh dự của người yêu đó vậy! Niềm thương xót bao la đến chừng nào! Không một chút mặc cảm tự ti, lòng quân tử khác lòng người ta ở chỗ gạn đục khơi trong ấy.
Cũng vì thế mà giải được bao nhiêu uất kết để cùng vui vẻ 'đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ'.
Là người, ai chẳng có một dĩ vãng, thứ nhất ở thế kỷ chúng ta. Trường hợp ngộ biến như Kiều lại càng dễ xảy tới lắm. Nếu chẳng lấy lòng thương xót chân thành để tha thứ trọn vẹn, hỏi còn ai sống nổi với ai? Cho nên cuộc trở về trong Đoạn trường Tân Thanh đẹp hơn hết mọi cuộc trở về. Mối tình Kim Kiều qua lời văn trác tuyệt của Nguyễn Du cũng đẹp hơn tất cả những mối tình khác.
Nói rộng ra, cuộc sống luôn luôn mang theo nó ý niệm trở về. Bất cứ ai cũng có lúc tự thấy mình là một thứ nàng Kiều và trong thâm tâm ẩn hiện một chàng Kim Trọng điển hình cho những gì quý báu nhất mà mình trót để thất lạc đâu đó trên bước đường phù sinh. Chỉ những kẻ mê muội cùng cực mới không mong ước cho hình dáng ấy đậm rõ thêm để chính bản thân được giải tỏa trong hào quang độ lượng.
Thưa quý vị 'xem nôm Thúy Kiều' là một nhã thú được cửa miệng thế gian ghép vào với một nhã thú khác là 'uống trà mạn hảo'. Vậy đã có lần nào quý vị ngồi thưởng thức chén trà sen mà tưởng nhớ tới lúc mình hoa ngập trong bùn nơi hồ ao, lúc cánh hoa lầm cát bụi nơi phiên chợ và lúc hạt gạo trắng muốt như châu lệ, ngọc ngà rơi từ ngón tay người thợ ướp xuống những búp trà nâu thẫm hay chăng? Nếu tưởng nhớ tới kiếp hồng liên bạch liên đau xót dường ấy, cuống nó mặc người ngắt, bông nó mặc người hái, nhị nó mặc người bẻ thậm chí đến ong bướm cũng tha hồ dập dìu, gió táp mưa sa cũng mặc sức tàn bạo, nó vẫn cam chịu hết gắng dành lại chút hương càng xa càng thơm của nó cho chén trà ngút khói của quý vị, hẳn quý vị cũng vô vạn cảm hoài! Vâng, cuộc đời của Thúy Kiều cũng thế đấy thôi và biết đâu của nhiều người khác cũng thế, đã thừa xấu xa lại nhiều bùn bụi nhung chữ trinh còn một chút vẫn giữ y nguyên, cố gửi về dĩ vãng cũng như về tương lai một chút gì gọi là 'đẹp'.
Bởi vậy, mối tình Kim Kiều không phải là cao xa thần thánh mà lại rất gần bản thể con người. Tố Như Tử làm sống lại mối tình đẹp ấy và hồi tái hợp trong Đoạn trường tân thanh chứa đựng những vần thơ diễm lệ nhất, thi vị nhất trong số cả ngàn vần diễm lệ thi vị của áng 'thiên thu tuyệt diệu từ'. Có thể bảo tiên sinh đã vớt lại cái đẹp của cõi lòng nhân thế trên dòng sông thời gian mỗi ngày một xuống thấp, đưa nhân loại lìa xa cội nguồn. Cái đẹp ấy, dư hương của loại hoa quân tử sẽ còn phảng phất gây thơ mộng cho kiếp phù du và tiên sinh thật đã có một tâm hồn thi sĩ.
Tóm lại, ở tâm hồn Tố Như Tử đã kết tinh đủ mọi đặc chất của Thơ với cái nghĩa thăng hoa cùng tột của nó. Tiên sinh đã yêu đương thắm thiết để rung động theo những hồi hộp của lứa tuổi thanh xuân. Tiên sinh đã vươn lên cao nhìn cuộc biển dâu đầy trái ngược phi lý để trong một tư thế 'mặc ngọa tòa thiền' vừa sầu thương cho nhân loại ngày mai vừa đau đớn cho bao nhiêu đỗ vỡ điêu tàn phía trước. Một đằng tiên sinh, bằng con mắt thấu triệt cả sáu cõi, nhận chân thấy cái nghiệp ghê gớm của con người; một đằng tiên sinh với tuệ giác bao trùm cả thiên thu, linh cảm thấy cái đẹp xa vời mà riêng chỉ con người mới ý thúc được. Cho nên lòng mở rộng tới vô cực, tỏ rõ hết và tha thứ hết; tiên sinh ngồi chót vót trở nên một thạch tọa ngang vai cùng dải Hồng Lĩnh sương khói u huyền, chẳng khác Đạt Ma Tổ sư trước kia lên chùa Thiếu Lâm ngồi đối diện vách đá của ngọn Tung Sơn vậy. Sau chín năm, bóng Đạt Ma thấm sâu vào vách kia ngàn đời còn rõ nét; bóng tiên sinh cũng thế, sau mười hai năm hàm dưỡng của thi nhân còn in đậm vào núi nọ trăng này. Trong trí tưởng tượng của tôi linh cảm thấy tiên sinh vẫn ngồi đó, cùng với nhất thiên minh nguyệt và bách lý Hồng Sơn; còn những năm tiên sinh ra ứng chiếu Hoàng đế triều Nguyễn thì chỉ như một dòng thời gian vô danh lững lờ chảy qua dưới chân cái bóng ấy. Đó là khoảng thời gian cần thiết để tâm hồn thi sĩ của tiên sinh trút xuống trang giấy thành nét mực hàng chữ vì hơn ba ngàn câu thơ dệt gấm thêu hoa đâu có thể là kết quả của một ngày một tháng. Công 'thôi sao' đòi hỏi hàng chục năm là ít và tiên sinh dẫu có tài thi thánh cũng phải gieo vần lựa tứ, khổ tâm cân nhắc như tất cả những người làm thơ.
Bởi vậy, thưa quý vị Tố Như Tử tác giả Thanh hiên thi tập, Chiêu hồn ca và truyện Thúy Kiều tuy khuất núi từ một trăm bốn mươi năm nay mà bóng tiên sinh vẫn phảng phất đâu đó. Và ngay từ buổi đầu nói chuyện, tôi mới dám mạo muội thưa rằng ánh nguyệt trung thu mỗi năm đã giục tôi liên tưởng đến một vầng trăng khác ngự trị một vũ trụ khác.
Cuồng sĩ Thành nhân, người phê bình kịch Tây sương đã từng đồng ý với bạn là Lý Trác Ngô rằng:
'Giữa mùa vầng nhật đỏ ngang trời...gió cũng không, mây cũng không? Sân trước sân sau nắng chói như lò lửa! Không một con chim nào dám bay. Mồ hôi ra khắp mình, ngang dọc thành rãnh nước. Cơm để trước mặt không sao nuốt được. Gọi chiếc muống nằm xuống đất thì đất ướt như mõ. Ruồi xanh lại xúm đến, leo lên cổ, đậu trên mũi, đuổi chẳng buồn đi. Đương lúc không biết làm thế nào được, bỗng dưng mây đen kéo kín, tiếng rầm rầm rộ rộ nghe như có trăm vạn trống chiêng. Máy tranh chảy như thác...Mồ hôi trên mình biến mất. Đất ráo như lau! Ruồi bay hết! Cơm ăn thấy ngon miệng. Chẳng cũng sướng sao!'.
Kể hầu chuyên quý vị hôm nay, giữa bầu không khí ngột ngạt của thủ đô và có khi là của toàn quốc, toàn thế giới ví phỏng nhờ dư linh của đại thi hào Nguyễn Du và qua những vần thơ phun châu nhả ngọc của người đã có thể giúp quý vị một cơn mưa sảng khoái như trên đây thì điều đó là một vinh hạnh lớn phù hợp với lòng mong mỏi của kẻ mạo muội lên diễn đàn. Bởi vậy, cho dẫu tài hèn chỉ đạt được một phần trong muôn vạn phần thì cũng xin thành thật cảm tạ quý liệt vị.