Nếu bạn âm thầm hành thiện để muốn được không bị cho là khoa trương, thì bạn hãy cứ tiếp tục như vậy.
Còn nếu như bạn muốn hành thiện để làm dịu đi nỗi khổ của chúng sinh mà bất chấp lời thị phi của thế gian thì bạn hãy làm một cách công khai, sao cho càng nhiều người biết thì càng tốt.
Bởi vì khi làm như vậy, bạn không những đã giúp được người đang được giúp, mà còn giúp cho những người xưa nay chưa biết làm việc thiện có thể bắt chước theo bạn mà hành thiện giúp đời.
Có như vậy thì cái Thiện sẽ lớn dần mà đẩy lùi cái Ác.
Hạnh phúc sẽ sinh trưởng mà giúp người thoát khỏi khổ đau.
Có như vậy, dù chỉ có 1 đồng, nhưng bạn vẫn có thể cho 1 vạn.
Dù chỉ có 1 mình, nhưng bạn vẫn có thể làm ấm lòng muôn vạn chúng sinh.
Nhờ đó mà cuộc sống bớt điêu linh, người ta bớt vô tình, và lòng mình sẽ ngập tràn hạnh phúc.
Xưa nay người ta chỉ hiểu 2 chữ Từ Thiện như là bố thí.
Nên người làm từ thiện là người đem tiền tài, vật chất mà đi bố thí mà thôi.
Làm từ thiện như vậy không khác gì lấy muối bỏ biển.
Chẳng những không giúp cho người mà đôi khi còn hại người. Chẳng những không làm cho ta vui mà đôi khi còn khiến cho ta buồn.
Tại sao nói cho người mà hại người?
Ấy là vì ta chỉ cho họ vật chất.
Mà vật chất thì rất dễ làm mê muội lòng người.
Khiến cho họ phải dối trá để được nhiều hơn, tâm tham của họ tăng trưởng, đố kỵ của họ càng nhiều, rồi thì ỷ lại, ích kỷ, lười biếng ...v...v...
Bạn biết không, chính vì vậy mà trên thế giới nói chung và VN nói riêng đã có không biết bao nhiêu tổ chức nhận nuôi con trẻ, người già, ..v..v...để mong nhận được tài vật do người ta giúp đỡ.
Và khi thấy những cảnh như vậy, làm sao ta có thể vui cho được chứ, phải không bạn?
Giống như khi bạn cho người tàn tật trá hình, khi biết được họ dùng tiền mình để đi ăn nhậu, cờ bạc, bạn có vui được không?
Thường thì người ta trách họ, nhưng thực tế thì nên tự trách mình. Vì chính mình đã vô tình tiếp tay cho họ sinh ra những hành động như vậy.
Từ là hiền, Thiện là lành, người làm từ thiện trước tiên phải ráng làm sao cho mình có được đức tính hiền lành.
Có như vậy, họ mới dịu ngọt như nước cam lộ.
Khiến cho người khát bớt khát, người nóng bớt nóng, người đau bớt đau...
Khi ấy, đi làm từ thiện mới thật sự có thể giúp người bớt khổ, dù không có gì để cho họ cả.
Hãy xem một vị tu sĩ kia, ông ta không có gì cho ta cả, nhưng nhờ có sự xuất hiện của ông ta mà mình biết hướng thiện, làm lành.
Dù ông ta chẳng cần phải thuyết pháp.
Nhờ có sự xuất hiện của ông ta mà lòng ta cảm thấy an tâm, bớt sợ, dù ông ấy không ra tay trừ ma, đuổi quỷ bao giờ.
Khi ta cúng dường vật thực cho ông ấy, tuy là ta bỏ ra của cải, nhưng lòng lại không thấy mất mát chút nào.
Trái lại còn như cảm nhận được rằng mình đã nhận được rất nhiều phước báu từ việc cúng dường đó....
Và như vậy, người ta thường gọi ông ấy là người tu theo hạnh ...Bồ Tát.
Mà bạn cũng biết rằng đã là Bồ Tát thì việc bố thí, giúp đời là việc hàng đầu của họ. Và dù không có bất kỳ 1 vật chất nào, nhưng họ đã có thể cho không biết là bao nhiêu mà kể.
Thân ái
-Thiên Vương-