Điển tích bốc dịch!

Hỏi đáp, luận giải về các môn gieo quẻ: Lục nhâm, Thái Ất, Lục hào, Mai hoa ...
Nội qui chuyên mục
Đây là chuyên mục dành cho việc xem quẻ: Lục nhâm, Thái ất, Lục hào, Mai hoa... Các bài mang tính trao đổi học thuật xin vui lòng đăng trong mục Kiến thức Dịch lý.
Các bài không liên quan sẽ bị chuyển khỏi chuyên mục này.
Hình đại diện của thành viên
Ngư Hóa Long
Tứ đẳng
Tứ đẳng
Bài viết: 944
Tham gia: 19:07, 01/06/09
Đến từ: Thái Bình Dương

TL: Điển tích bốc dịch!

Gửi bài gửi bởi Ngư Hóa Long »

5-- Đợi đò sang ngang: (quẻ Thủy thiên nhu).
Có thực lực rồi, nhưng phải chờ đúng lúc để phát huy thực lực. Muốn qua sông thì hoặc phải tìm chỗ nông, hoặc phải đến nơi nước đóng thành băng, hoặc phải đợi sóng bớt dữ, hoặc phải chờ đò ngang. César chỉ có thể vượt Rubicon đúng ngày hôm ấy nghĩa là giữa lúc Rome cần có César. Đảng Bôn-sê-vích chắc chắn không thành công nếu không có khoảng thời gian đêm của chính phủ Kérensky. Cũng bởi lẽ này nên Khổng Minh mới thu xếp kế họach chờ mùa gió đông để thắng trận Xích Bích. Không đúng lúc là không xong. Năm 1960 Tổng thống Eisenhower quyết định sang thăm Nhật, hai chính phủ chính thức thông báo đi và đón. Chẳng còn cái gì ngăn trở cuộc viếng thăm này nữa. Rút cục vì cái thế "Thủy thiên nhu" mà không thực hiện được, lý do dân Nhật rầm rộ biểu tình phản đối.
Đầu trang

Hình đại diện của thành viên
Ngư Hóa Long
Tứ đẳng
Tứ đẳng
Bài viết: 944
Tham gia: 19:07, 01/06/09
Đến từ: Thái Bình Dương

TL: Điển tích bốc dịch!

Gửi bài gửi bởi Ngư Hóa Long »

6-- Gặp kẻ ưa tranh kiện: (quẻ Thiên thủy tụng).
Va chạm vô ích là điều tối kỵ của chính trị. Lạn Tương Như mỗi lần trông thấy Liêm Pha liền bảo mã phu lùi xe vào ngõ hẻm, tự ẩn mình cho khuất mắt Liêm Pha, bởi Liêm Pha là võ tướng hiếu thắng, chạm vào cái hiếu thắng ấy chỉ có hại cho nước là mang đến sự chia rẽ nội bộ. Phải giảm bớt chủ trương cứng rắn để đạt thắng lợi. Thái độ chính trị cần chuyển biến luôn cho hợp với tình thế thực tiễn. Đại úy Rohm với lực lượng SS (SA?) quá trớn hoành hành nên đụng độ với phe quân nhân, thiếu sự ủng hộ của phe quân nhân thì đảng Quốc xã không thể nắm chính quyền đuợc. Do đó Hitler phải giết Rohm. Vua Charles đệ nhị của Anh quốc đã tạo thanh thế cho Cromwell chặt cổ mình vì lập trường ngoan cố hẹp hòi.

7-- Nỗi tân khổ của kẻ lãnh đạo: (quẻ Địa thủy sư).
Cái thế không thể lùi được nữa, phải phát động chiến tranh, phải quyết liệt chỉ có một con đường duy nhất là chiến thắng. Đó là lúc cần bộ tham mưu sáng suốt, cần quân đội thiện chiến, cần những cán bộ tinh thông. Thiếu những điều kiện này làm cơ sở khai vận tất phải thất bại. Sở Bá Vương sức muôn người khôn địch đánh đâu thắng đấy, một sớm bỏ mất Phạm Tăng là sự nghiệp kể như sụp đổ. Lưu Bang, bác đình trưởng nhỏ bé, với bộ tham mưu Trương Lương, Tiêu Hà, với tài nguyên súy của Hàn Tín chỉ một trận Cai Hạ là cướp toàn thiên hạ. Napoléon chập chững bước vào chính trị, nếu không nhờ những vận dụng chính trị quỷ quyệt của Talleyrand và Fouché chắc hẳn Napoléon đã rơi đầu.
8-- Nước tràn ngập ruộng đồng: (quẻ Thủy điạ tỉ).
Khi nước tràn ngập vào ruộng thì lúa thi nhau mọc. Hoàn cảnh của xã hội sau thời gian xơ xác vì chiến tranh, mọi người vui vẻ thuận hòa để mừng rỡ vận hội mới. Nhưng coi chừng bên trong vẫn có những mầm mống đấu tranh gay gắt. Người chính trị đừng quên cuộc giải phóng nước Pháp chẳng đuợc mấy ngày hoan lạc liền đấy là những cuộc tranh giành. De Gaulle người anh hùng giải phóng phải rút về nhà viết hồi ký với lời hứa hai mươi năm sau. Nước Việt sau 80 năm đô hộ thực dân Pháp, bình minh độc lập vừa ló rạng thì cũng khởi sự cuộc bắn giết quốc cộng. Làm thế nào để không thương tổn đại thế quốc gia dân tộc cũng không bị đứng sau người, đấy là điều tuyệt khó trong cái thế Thủy đại tỉ vậy.
Đầu trang

am_duongM
Nhị đẳng
Nhị đẳng
Bài viết: 416
Tham gia: 10:17, 15/09/08

TL: Điển tích bốc dịch!

Gửi bài gửi bởi am_duongM »

Ngư Hóa Long đã viết:5-- Đợi đò sang ngang: (quẻ Thủy thiên nhu).
Có thực lực rồi, nhưng phải chờ đúng lúc để phát huy thực lực. Muốn qua sông thì hoặc phải tìm chỗ nông, hoặc phải đến nơi nước đóng thành băng, hoặc phải đợi sóng bớt dữ, hoặc phải chờ đò ngang. César chỉ có thể vượt Rubicon đúng ngày hôm ấy nghĩa là giữa lúc Rome cần có César. Đảng Bôn-sê-vích chắc chắn không thành công nếu không có khoảng thời gian đêm của chính phủ Kérensky. Cũng bởi lẽ này nên Khổng Minh mới thu xếp kế họach chờ mùa gió đông để thắng trận Xích Bích. Không đúng lúc là không xong. Năm 1960 Tổng thống Eisenhower quyết định sang thăm Nhật, hai chính phủ chính thức thông báo đi và đón. Chẳng còn cái gì ngăn trở cuộc viếng thăm này nữa. Rút cục vì cái thế "Thủy thiên nhu" mà không thực hiện được, lý do dân Nhật rầm rộ biểu tình phản đối.

..........
Góp vui 1 chút với bạn Cá nhé:
Thủy thiên nhu, có nghĩa là "đợi ở chỗ bùn" vì khảm ở quẻ thượng, khảm mang tính hãm. Tuy nhiên nếu hào chủ sự đã lên tới hào 5 (là vị trí của bậc quân vương) thì sự việc lại trở lên rất tốt.
trong quẻ Nhu,khi hào chủ sự là hào 4 thì đáng lo ngại, vì khi này đã bắt đầu tới quẻ thế hãm của khảm. Chỉ sợ lội ra xa quá, ko bơi đc vào bờ nữa.

-/+ Kính
Được cảm ơn bởi: Ngư Hóa Long
Đầu trang

Hình đại diện của thành viên
Ngư Hóa Long
Tứ đẳng
Tứ đẳng
Bài viết: 944
Tham gia: 19:07, 01/06/09
Đến từ: Thái Bình Dương

TL: Điển tích bốc dịch!

Gửi bài gửi bởi Ngư Hóa Long »

9-- Mây u ám mà không mưa: (quẻ Phong thiên tiểu súc).
Chưa có gì rõ rệt, lòng người muốn lắm mong lắm nhưng vẫn còn giữ thái độ trông và chờ ví như kẻ lữ hành trú vào quán bên đường, nếu vắng thì tiếp tục đi, mưa thì dừng chân hẳn. Người chính trị ở trường hợp này dù có thực lực chăng nữa mà hành động chưa chắc đã thành. Quyết định lúc mây u ám chưa mưa là quyết định "dậy non", cho nên cuộc khởi nghĩa 1923 của Hitler mới thất bại. Đảng Cộng sản Pháp lâm vào ngõ bí chẳng biết động thủ thế nào cho phải suốt thời kỳ hiệp ước Đức Nga thân thiện. Phật giáo đã ném ra vài chính sách hòa bình khi mới chỉ được trông thấy vài đám mây hòa bình do C.I.A chiếu lên nên bị đại bại. Mật vân bất (vũ?) là chuyện thường hiện ra trên chính trị, bởi thế thái độ chính trị truyền thống của người Anh là "wait and see" thường là thái độ chính xác.

10-- Giẫm lên đuôi hổ: (quẻ Thiên trạch lý).
Lúc cực nguy nan sống chết treo bằng sợi tóc. Tài trí quyền biến được thử thách đến mức tối đa. Quyết định chậm là thua, quyết định sai là chết.
Gia Cát Lượng sực bị đại quân Tư Mã Ý đến, biết có chạy ngay cũng chẳng thóat, liền mở toang cánh cửa thành ngồi ung dung gẩy đàn lừa quân Tư Mã Ý sợ có quân mai phục rút lui ra xa rồi Gia Cát mới chạy.
Tào Tháo hết lương trong trận chiến Quan độ, nẩy ra ý táo bạo cướp đốt kho lương của Viên Thiệu ở Ô sào để giải nguy cho mình.
Ra lấy được Bắc hà rồ, Chúa Tây sơn cũng nhận thấy cái người đáng quan tâm hơn hết ở đất Bắc là Nguyễn Hữu Chỉnh. Bởi Chỉnh là người trong bọn lại hay giảo quyệt nên Chúa Tây sơn vẫn phải giá ngự bằng đủ mọi cách. Trong lòng Chúa Tây Sơn nẩy ra ý, bỏ rơi Chỉnh để cho người Bắc hà giết để trừ sạch hậu họa. Chúa Tây Sơn mới mật sai các quan đều phải sắp sửa nai nịt để chờ hiệu lệnh. Nhưng ngòai mặt, Chúa Tây Sơn vẫn làm ra vẻ ung dung nhàn hạ cho Chỉnh khỏi ngờ vực. Canh hai đêm ấy, Chúa Tây Sơn sai người vào cáo biệt vua Lê rồi thần tốc rút đi. Gần sáng quân mật báo của Chỉnh về cho Chỉnh hay là Chúa Tây Sơn rút đi rồi. Chỉnh nghe tin đó trong lòng cực kỳ phân vân, tự biết mình thất thế, không dám ở lại, nhưng mà đi cũng khó, đường thuỷ không có thuyền, đường bộ không có quân, muốn trốn không có chỗ trốn, không biết nên đi đường nào. Trong lúc sống chết kinh khủng như vậy, Chỉnh còn nói đùa rằng: Ta đã đi chín châu bốn biển, đến lúc trở về xó bếp lại bị chuột chù cắn chân. Không sợ, không sợ, ta cứ ở đây xem sao.
Bấy giờ thuộc hạ của Chỉnh mới hơi vững dạ. Chỉnh bèn mật sai mấy tên thủ túc ra bến Cơ Xá tìm thuyền. Sáng ra, kiếm được một chiếc thuyền buồm, họ liền về báo với Chỉnh. Chỉnh bèn đem cả mấy chục tên thuộc hạ cùng ra cửa Ô Tây long. Người ở kinh đô tứ phía kéo về đuổi bắt Chỉnh. Chỉnh tự vác gươm chống đánh và (mở?) đường xuống đò chạy theo quân của Nguyễn Huệ. Khi nghe tin Chỉnh theo kịp mình, Nguyễn Huệ giật mình nói: Thằng chết lại khéo tìm đường sống. Thật giống con quỷ dạ xoa rều rệu ám ảnh, cắt không thể đứt.
Phần Chỉnh ở dưới thuyền, thủ hạ chỉ còn vỏn vẹn ba chục người không dám bỏ thuyền lên cạn. Người xứ Nghệ an thấy Chỉnh cùng đường, họ bàn nhau định ngày khởi công bắt Chỉnh. Chỉnh biết thế mới tính nước bài táo bạo là mưu cướp trận Nghệ an vì nếu không đánh trước thì cũng chết. Chỉnh bèn liều lên bờ thảo hịch mộ quân, và ra lệnh chậm một khắc thì chém. Ở làng ấy có vài người bướng bỉnh, nửa đêm Chỉnh đem toàn lực đến chém sạch những kẻ chống lại lệnh của mình. Những người khác sợ phải theo Chỉnh, chỉ nội trong mấy ngày Chỉnh đã mộ được ngàn quân. Cướp được Nghệ an rồi, Chỉnh sai người ra bắc xin vua Lê phong cho mình làm Trấn thủ Nghệ an để tạo danh nghĩa. Gặp lúc Bắc hà kiêu binh lại nổi loạn, Chỉnh liền đem quân ra bắc giúp vua Lê dẹp loạn. Từ đó quyền Chỉnh ngang với vua.
Ngày 1 tháng 11-1963, ông Ngô Đình Diệm bị xô vào cái thế giẫm lên đuôi hổ. Hồi chuông điện thoại của người Mỹ yêu cầu ông từ chức và lên máy bay đi khỏi nước. Ông từ chối và bị giết chết vì quyết định sai đó. Trong khi những Trujillo, Péron cũng ở trong cái thế tương tự đã quyết định trái ngược hẳn với ông Ngô Đình Diệm đều thóat chết.
Đầu trang

Hình đại diện của thành viên
Ngư Hóa Long
Tứ đẳng
Tứ đẳng
Bài viết: 944
Tham gia: 19:07, 01/06/09
Đến từ: Thái Bình Dương

TL: Điển tích bốc dịch!

Gửi bài gửi bởi Ngư Hóa Long »

Để thay đổi không khí, Ngư Hóa Long xin post một số bài viết của bác Simon bên tuvilyso, cũng khá hay:

Bàn về cách cải sửa số mệnh

Hầu như những người xem số nghiệp dư đều đến với bói toán từ mong muốn biết được số mệnh của mình. Thế mà “thế thượng ác nhân đa”, người có số tốt thì ít mà trắc trở, khó khăn thì nhiều. Do vậy mà ước muốn cải sửa số mệnh luôn là nỗi băn khoăn, khắc khoải của những người tự xem số cho mình.
Ở đây tôi nhấn mạnh là tự xem cho mình vì sửa số cho chính mình đã là quá khó, đừng nói chi đến sửa cho người khác. Bài viết này cũng chỉ mong đề ra một vài ý hướng để được nghe các bậc cao nhân chỉ giáo thêm.
Điểm lại trong các sách vở về lý số, bài viết về sửa đổi số mệnh của Nguyễn Phát Lộc trong quyển Tử vi tổng hợp là sát và có lý luận chặt chẽ nhất. Thế nên những gì bậc đại tiền bối đã nói tôi chỉ xin nhắc qua và thêm thắt vào chút ít, mục đích của bài viết này là bàn đến phần thực nghiệm, nghĩa là trả lời câu hỏi “lý thuyết đã là như thế, còn thực hành thì sao?”

Cách đặt vấn đề của NPL phải nói là đã cực kỳ hoàn hảo (tử vi tổng hợp, trang 55):
- Số mệnh là gì? Nên hiểu số mệnh như thế nào?
- Hạnh phúc là gì? Nên đặt tiêu chuẩn hạnh phúc ra sao?
- Làm thế nào để cải sửa số mệnh và mưu cầu hạnh phúc.
- Biết được số mệnh như thế, con người cần có lập trường gì trước số mệnh.

Có thể hiểu cách đặt vấn đề này đại khái như sau:
Mục đích rốt ráo là hạnh phúc hơn, chứ không thể cụ thể là giàu hơn, quyền cao chức trọng hơn …. Nên cái đoạn hạnh phúc là gì là hết sức quan trọng. Trên 2 nền tảng “số mệnh” và “hạnh phúc” đó mà tìm cách để có hạnh phúc nhiều hơn. Và cuối cùng, nếu không sửa nỗi thì cần có thái độ như thế nào để có thể có đủ dũng khí tiếp tục sống và đón nhận.

Nếu đi được con đường do Nguyễn Phát Lộc chỉ ra thì không còn gì để bàn cãi nữa, dưới đây tôi chỉ mạo muội tìm một cách tiếp cận khác mà hy vọng là dễ thực hiện hơn.

I. Có thể sửa số không và sửa được đến mức nào.
Tôi tránh không lao đầu vào khái niệm vốn hay gây tranh cãi “Số mệnh là gì” mà chỉ xét xem có cải sửa số mệnh được không và từ đó may ra cũng gợi mở cho chúng ta con đường để tìm tòi cách sửa số.

Thuyết nhân quả và nghiệp báo của phật giáo cho chúng ta những gợi ý gần nhất về số mệnh. Khi nói về tính chất của nghiệp quả, đức phật hỏi “Tỷ như có người cho một muỗng muối vào bát nước. Hỡi này các tỳ khưu, các người nghĩ thế nào? Bát nước có trở nên mặn và khó uống không?” Các đệ tử phật trả lời là có. Đức phật lại hỏi “Bây giờ, tỷ như người ta đổ muỗng muối ấy xuống sông Hằng. Này hỡi các tỳ khưu, các người nghĩ sao, nước sông có vì muối ấy mà trở nên mặn và khó uống không?” Các đệ tử phật trả lời là không. (theo “Đức phật và phật pháp” – Chương “Tính chất của nghiệp”)
Theo đó, thì nếu như số mệnh được tạo ra là từ nghiệp báo, thì việc cải đổi là rất “khả dĩ”, có thể từ mức rất “mặn” thành ra hầu như không có gì.

Có nhiều lý thuyết cho rằng số mệnh hàm chứa trong tâm trí con người. Kinh phật cũng có câu “Này hỡi các tỳ khưu, Như Lai xác nhận rằng chính Tác Ý là nghiệp”. Nhiều trường phái tâm lý cũng cho rằng, có gì đó trong tâm con người như là thiên hướng, dẫn dắt người ta hành động theo chiều hướng nào đó. Đáng chú ý nhất là học thuyết của Sigmond Freud về vô thức. Nếu quả như vậy, việc cải sửa số mệnh là nằm ở chỗ hiểu được chính mình.

II. Tìm cách thay đổi vận số trong tương lai nhìn thấy được bằng xem số
Nguyễn Phát Lộc cho rằng hạnh phúc là sự cân bằng giữa ý muốn và năng lực thực hiện. Hai thứ này càng gần thì người ta càng hành phúc và cuối cùng rốt ráo là người ta phải tiết chế ham muốn, tự rèn luyện tâm trí để việc tự chế dễ dàng và thoải mái hơn đồng thời nuôi dưỡng một lối sống đạo đức. Khi làm được những điều trên, nói chung là người ta sẽ hạnh phúc hơn.
Nguyên tắc trên là cực kỳ đúng đắn chỉ có điều đó là nguyên tắc chung trong toàn cục. Còn cụ thể thì sao? Ví dụ, nếu tôi thấy trước trong vài năm tới tôi sẽ gặp đại nạn và vấn đề đặt ra là làm sao tránh hay chí ít là giảm nhẹ, thì có cách nào hay con đường nào cho tôi chút hy vọng không?
Gốc rễ vấn đề việc hạn chế ham muốn và sống cuộc đời đạo đức. Nhưng bàn về đề tài này thì khó quá mà NPL cũng đã nói rồi. Ở đây, tôi chỉ xin nói phần trên một chút thôi, nghĩa là từ phần “thân cây” trở lên.

Theo tôi có mấy con đường sau khả dĩ có thể cải sửa chút ít số mệnh nếu như chúng ta đã nhìn thấy nó mờ mờ trong tương lai:
- Lời nhắc nằm ngay trong kỹ thuật xem số, bát tự hà lạc là kỹ thuật có được những lời nhắc có ích nhất
- Chu kỳ sinh học, nhịp sinh học.
- Nhìn kỹ vào lòng mình để tìm giải pháp.

III. Bát tự và tử vi trong việc sửa số:
Muốn sửa được số bằng cách xem bát tự thì phải hiểu rõ thuyết “thời và vị” trong kinh dịch. Như trong sách “Kinh dịch - Đạo của người quân tử” học giả Nguyễn Hiến Lê đã giảng giải rất rõ về chuyện này. Ví dụ rõ nhất là quẻ Sư. Thời của quẻ Sư là chinh chiến, các vị (hào) có đủ cả các hình thái có thể có của một cuộc chiến, từ thắng trận được ban khen (hào 2) đến “xe chở xác quy về” (hào 3), kể cả thành công nhờ rút lui chiến thuật (hào 4) … Cái cần là xem mình ở vị nào, thời nào và tại sao. Vì vậy mà việc nghiên cứu dịch một cách thấu đáo là hết sức cần thiết. Ít nhất là hiểu rõ tượng của từng quẻ, tránh tính trạng quá chú ý tiểu tượng (ý hào).
Như quẻ Đại quá là chỉ thời của cây cột chống đỡ 1 vật nặng trong thế chênh vênh. Nghĩa là ít nhiều gì cũng có gian nan. Có hào chỉ ra vị là cây cột yếu có thể đổ (hào 3), có hào chỉ ra là chống đỡ được nhưng vất vả mà nhân việc này có tiềm ẩn sai lầm, nguy hiểm (Hào 4).
Quẻ Hằng cũng vậy, nam nhân mà gặp quẻ này thì thường là không tốt. Vì Hằng là lâu bền, chỉ trong cái thế bề tôi trung với vua, vợ chung thủy với chồng thì mới tốt thôi còn lại chỉ ra là tình thế kẹt, không nên ở lâu mà cứ nấn ná, trì trệ.
Quẻ Đỉnh là tượng chỉ sự hưởng lộc vị, nhưng lên đến hào 6 thì là lúc tàn cuộc, phải ngưng thôi.


Xin lấy một vài ví dụ có thật trong xem bát tự.
VD1: Một quan chức có các tuế vận như sau:
Đại vận là Thuần khảm - hào 3.
2000: Trạch phong đại quá - hào 4
2001: Lôi phòng hằng – hào 5.
2002: Hỏa phong đỉnh – hào 6.
2003: Hỏa thiên đại hữu – Hào 1.

Năm 2000, vì thấy đại vận xấu và ý hào rõ ràng là phải chống đỡ vất vả tôi khuyên nên vừa phải, thận trọng, không nghe tiểu nhân (Hào 4 quẻ Đại quá khuyên không quá nghe bọn tiểu nhân) nhưng ông này đang đắc thời không hề chú ý lời khuyên này. Đúng như ý hào, ông cũng chống đỡ thành công. Đến năm sau, tôi bắt đầu khuyên ông nên thuyên chuyển, rút lui ra khỏi vị trí hiện tại nhưng ông cũng không nghe để đến cuối năm vướng vào một chuyện bê bối, ầm ĩ. Tuy nhiên, ông cũng qua được. Đầu năm 2002, ông gọi tôi đến mà nói rằng tôi đã nói đúng những nạn của ông nhưng nay ông thoát hết rồi, bây giờ ông muốn tôi xem tiếp. Tôi thấy hay tuế vận 2002 và 2003 đều nói rằng không được ham lộc vị nên thoái nhàn. Tôi nói thẳng là nếu ông không tự lui thì sẽ bị mất chức. Tôi nói nếu rút lui thì đến 2005 ông có cơ phục chức và như vậy sẽ tốt hơn nhiều so với để bị cách chức. Ông không tin và nói rằng sóng gió như thế mà ông còn chống chọi được, qua được thì không việc gì phải sợ.
Đến cuối năm, trong cuộc họp cấp cao nhất, thượng cấp của ông bị chất vấn dữ dội về chuyện của ông đến nỗi giờ giải lao, vị thượng cấp gọi điện về bảo soạn ngay lệnh cách chức ông.
Ông bạn tôi nhận lệnh thật bất ngờ, ra đi cũng hết sức bất ngờ và đến nơi mới trong tư thế kẻ vừa bị cách chức, bơ vơ, ngơ ngác (hào 1 quẻ Đồng nhân). Không chuẩn bị trước, lại ở trong thế khó khăn như vậy nên khi ra khỏi đại vận hào 3 quẻ khảm, ông này có được bổ nhiệm lại nhưng không mấy gì hay.

Qua câu chuyện trên, ta thấy nếu ông này tin tưởng hơn, dũng cảm ra đi từ khi đang quẻ Hằng – hào 5 thì hay hơn nhiều. Đến quẻ Đỉnh hào 6 mà ra đi thì chí ít cũng không bị cách chức, có nhiều thời gian hơn để vận động một vị trí khác, không bị bất ngờ và bị động như đã nói ở trên.
Dù sao thì ví dụ trên cũng cho ta thấy Bát tự đã cho ra hàng loạt lời nhắc chỉ có điều ta có dám nghe hay không thôi.

VD2: Khi tôi gặp người này thì ông đang ở đại vận hào 3 quẻ Khôn (cũng là nguyên đường biến quẻ), tiểu vận Thiên sơn độn hào 3. Ông đang trong thế phải ẩn nhẫn đợi thời, lại có nhiều chuyện buồn phiền trong gia đình. Nhìn thế quẻ Khôn lại là hào 3, vị cương nhưng hào nhu không hợp, ông lại quá nóng tính, cương liệt nhưng lại quá ủy mị trong cư xử nên không phát tác được cái hay của quẻ Khôn. Trước mặt là đại vận kế hào 4 quẻ Khôn, không lấy gì làm hay. Vì thế, nếu không có những sửa đổi cho hợp với vị của nguyên đường và biến quẻ thì đến hào 4 quẻ Khôn sẽ rất khó khăn. Tôi bèn khuyên ông đại khái có 2 ý: đã không gặp thời mà phải trốn thì cứ ung dung bực tức làm gì, sắp hết thời độn rồi. Thứ 2 là ở quẻ Khôn là nhờ đức âm, vậy nên làm hòa với vợ con, làm tròn vai trò người chồng người cha. Nếu làm được như vậy thì đến đại vận hào 4 quẻ Khôn, tiểu vận Lôi địa Dự hào 4 sẽ có thành đạt mà sau còn nhờ vợ nhiều.
Ông nghe theo, ung dung tu thân, tề gia, mấy năm sau được giải thưởng lớn và thành danh. Sau bị ốm nặng trong đại vận hào 4 quẻ khôn, nếu không nhờ vợ tận tình chăm sóc thì chắc khó qua khỏi.

Ví dụ này cho ta thấy không những phải xem tiểu vận, đại vận mà còn phải xem rất kỹ chính quẻ và biến quẻ, hiểu rỏ lẽ cương nhu. Từ đó mà “Thuận thủy thôi xa” (theo chiều nước mà đẩy thuyền) thì mới phát huy hết cái tốt, cản bớt cái xấu.

VD3: Một người có tiểu vận là Thiên hỏa đồng nhân – hào 2. Đồng nhân vốn là tượng tốt nhưng hào 2 thì không hay vì thời đồng nhân mà cứ khư khư với người nhà là không hợp. Tôi khuyên người này là nên mở rộng quan hệ, không phân biệt thân sơ. Người này quả là trong thế rất khó làm như vậy vì vốn bị người ta nghĩ là được ưu đãi, lập dị. Nhưng anh này đã phá bỏ được cái thế đó bằng cách cố gắng lui tới, vui vẻ với tất cả mọi người. Sau này, khi người thân không còn làm to nữa, gặp tiểu vận là thiên phong cấu – hào 6 (gặp nhau trên cái sừng, tức là đấu đá nhau) anh ta mới có đồng minh và thành công, tránh được tình thế xấu vốn có của hào 6 quẻ cấu (cô độc, không người giúp, tranh đấu vất vả).

Qua ví dụ này ta thấy phải nhìn cả quá trình và suy đoán. Hào 2 quẻ Đồng nhân là không đi lại với người ngoài, rồi tiếp tới sau vài năm là quẻ cấu hào 6, cô đơn không người giúp, nó cho ta thấy sự diễn biến tất nhiên và tất nhiên cũng chỉ cho ta thấy cách giảm nhẹ cái xấu đi.

*Vài dòng về tử vi: Vì đây là forum dành cho Bát tự nên chỉ xin nói ngắn gọn về tử vi thôi. Hy vọng có lúc sẽ bàn chi tiết hơn tại forum tử vi.
Trong tử vi có hệ thống ảnh hưởng qua lại giữa các cung là tam hợp và xung chiếu. Tam hợp là bổ trợ cùng lên cùng xuống.
Xung chiếu là hoặc hổ trợ, hoặc bù trừ. Tôi thấy nên đặt biệt chú ý cái quan hệ này nếu muốn cải thiện vận số:
Cung phối và cung quan xung chiếu, “vợ khôn chồng ắt có ngày làm quan” nhưng nếu quá ham công việc, chuyện gia đình nhiều khi hỏng bét.
Tài và phúc xung chiếu: Muốn có tiền thì phải bớt tình, bớt nhân hậu đi, tuy nhiên phải có phúc mới làm giàu lâu bền
….
Có thể nói nhiều nữa về các mối quan hệ này. Ta có thể lợi dụng các mối tương quan đó mà lựa chọn trong vòng hẹp những kịch bản khác nhau cho cuộc đời mình.

Còn một kiểu quan hệ nữa cũng có ích cho việc sửa số. Đó là các chòm tinh đẩu. Ví dụ kinh điển mà tôi từng được dạy như sau:
Giả sử hạn có Đà la + Thiên mả + Song hao thì rõ ràng là chỉ tay nạn tay chân. Nhưng mả + hao cũng có nghĩa là đi xa và tốn kém. Nếu người có lá số có cung thiên di đẹp (có hóa khoa càng hay), mả tốt thì có thể tránh né được bằng cách đi xa và chủ động chi nhiều tiền cho chuyến đi. Người ta vẫn hay nói “của đi thay người”, có khả năng Đà la sẽ giảm nhẹ chỉ còn là điều tiếng qua lại hay bực bội qua loa thôi. Cách này cũng có cái nguy là nếu chủ động đi xa thì cũng là tạo cái duyên để bị tai nạn xe cộ. Biết sao được, cái gì cũng có hệ số rủi ro của nó vả lại nếu không đi thì liệu có tránh được không.


* Như ta biết, có những tai nạn bất ngờ như đang đi bị vật nặng rơi trúng đầu, phạm sai lầm gì đó khi thao tác như sai lầm khi lái xe, sử dụng thiết bị điện … hoặc nói lỡ một câu làm cho người khác thù ghét … vv. Nếu vẫn duy trì niềm tin rằng không có gì là ngẫu nhiên thì có thể nói những sự cố này là có thể tránh được. 2 phần tiếp theo bàn về cách cải đổi số mệnh liên quan đến những sự cố nêu trên.
IV. Chu kỳ sinh học:
Nhiều chuyên gia cho rằng vào những giai đoạn chuyển tiếp nhất định, con người hay gặp tai nạn. Các bác sĩ tâm thần cho rằng vào những đêm trăng, dù bị giam trong những căn phòng kín mít, các bệnh nhân tâm thần vẫn gào thét dữ dội hơn do thần kinh con người vào thời kỳ này mẫn cảm hơn. Ngược lại, binh pháp Tôn tử cũng dạy rằng không nên hành quân vào những ngày cuối tháng vì lúc đó tâm trạng binh lính âm u, kém hưng phấn và kém nhạy bén.
Nếu muốn dụ địch để phục kích thì tốt nhất là làm vào sáng sớm vì “Sáng hứng khởi, trưa mệt mỏi, chiều u buồn, tối suy tư”. Lúc đang hứng khởi mà thắng thì tất nhiên kẻ thù sẽ hăng hái truy kích và trúng kế.

Qua những ví dụ trên thì ta thấy người xưa đã hiểu rất rõ chu kỳ sinh học của con người. Có nhiều software tính toán chu kỳ sinh học và cảnh báo những ngày nguy hiểm, tuy nhiên, cách tính đó quá thô sơ so với những chu kỳ có trong lá số tử vi và cách tính của phương đông.
Nếu nhìn tử vi như là sự chồng chất lên nhau của nhiều chu kỳ và điểm trùng phùng của nhiều điểm nguy hiểm của các chu kỳ khác nhau là một hạn nguy hiểm thì chúng ta thấy có thể tránh được nếu hiểu rõ các chu kỳ đó.
Ví dụ có sách cho rằng vào thời điểm tuần triệt (tiểu hạn tuần triệt hay đại hạn tuần triệt) tuyến tụy của con người hoạt động mạnh lên và làm cho con người trở nên bạo dạn hơn. Đối với người tính tình bất cẩn thì những lúc này thường dễ gây tai nạn. Như vậy, nếu ta tập trung hơn, ăn uống đúng cách để điều hòa nội tiết trong cơ thể (ngày nay việc này thật dễ dàng) thì có thể tránh được trục trặc này.

Như chúng ta đã biết, tinh đẩu không chỉ vượng tướng hưu tù trên lá số mà nó cũng vượng tướng hưu tù theo thời gian. Ví dụ mùa hè hay năm có nạp giáp hành hỏa thì sao Vũ khúc thuộc kim sẽ yếu, những ai Vũ khúc thủ mạng thì dễ dàng mắc sai lầm vào mùa này. Vậy nên thận trọng vào những lúc này và tìm cách bồi bổ hành kim.
Những thầy tướng, tử vi mà xuất thân từ đông y rất mạnh kỹ thuật này.Trong khuôn khổ bài này tôi không dám bàn rộng vì sợ múa rìu qua mắt các vị này.

V. Tâm lý học:
Trong lời tựa quyển “Freud thật sự đã nói gì” có đoạn đại khái như sau: giả sử bạn bước chân ra khỏi nhà để làm một chuyện quan trọng mà bị vấp chân, suýt ngã và bạn quay vào quyết định không đi nữa. Một số người sẽ cho là bạn mê tính và chê cười bạn. Nhưng Freud sẽ cho là bạn có lý. Nguyên nhân là vì Freud cho rằng có gì đó không ổn trong tiềm thức của bạn và sâu thẳm trong vô thức, bạn biết rằng bạn khó mà thành công được.

Như phần mở đầu đã nói, Phật từng xác nhận ý là nghiệp. Nếu ta có thể nhìn thẳng vào lòng mình, hiểu rõ chính mình và đối chiếu với những gì thấy được bằng xem số, có thể ta sẽ mò được cái gì trong tâm tưởng ta có thể là nguyên nhân gần của những thời vận không tốt của mình. Cách này rất tốt và dễ làm đối với người biết Thiền. Nhưng với những người khác thì quả là khó.
Thế nên tôi đề nghị một cách nữa là nghiên cứu kỹ và tự hiểu chính mình. Phân tâm học cho rằng có những bản năng cơ bản chi phối hành động con người từ trong tiềm thức. Cơ bản nhất là tính dục, bản năng sống và bản năng chết. Trong quyển tử vi tổng hợp, Nguyễn Phát Lộc cho rằng đến hơn 60% các sao trong tử vi có liên quan dục tính. Xem ra thì điều này quả thật không có gì là đáng ngạc nhiên. Nếu như hiểu được tâm lý của mình và giải phóng năng lượng tâm lý một cách phù hợp thì ta sẽ làm chủ được một phần đáng kể số mệnh của mình.


VI. Kết luận:
Để sửa đổi số mệnh hay phần nào tránh được những cái xấu trong tương lai thì có thể theo những gợi ý trong kinh Dịch mà chúng ta có được qua quẻ Hà lạc.
Những người rành về chu kỳ sinh học và đông y có thể tìm thấy sự liên quan giữa tử vi và những chu kỳ của đời người. Ngày nay với những thông tin đầy đủ và y học hiện đại, người ta có khả năng thay đổi đáng kể những ảnh hưởng của các chu kỳ này.
Những người có khả năng thiền định có thể chỉ ra được nhân duyên của những nghiệp chướng mà mình phải gánh và có thể có cách tu thân phù họp. Trường hợp hiểu biết sâu xa về tâm lý thì đây cũng là một gợi ý hay để biết phải làm gì để tránh những rủi ro trong tương lai.
Những điều nêu ra ở trên thật sự không dễ làm và cũng chưa đâu vào đâu. Người viết chỉ mong nêu được vấn đề để mọi người cùng nghiên cứu và những cao nhân đã từng nghiên cứu sâu xa hơn chỉ giáo thêm cho ở những chỗ đúng, vạch cho thấy những chỗ sai lầm, người viết sẽ vô cùng cảm kích.

(bài của bác simon)
Đầu trang

Hình đại diện của thành viên
Ngư Hóa Long
Tứ đẳng
Tứ đẳng
Bài viết: 944
Tham gia: 19:07, 01/06/09
Đến từ: Thái Bình Dương

TL: Điển tích bốc dịch!

Gửi bài gửi bởi Ngư Hóa Long »

11-- Thuận buồm xuôi gió: (quẻ Địa thiên thái)
Khoảng giáp thế kỷ thứ 20, Âu châu đã có hơn 30 năm cực thịnh, các nhà làm sử đặt tên thời kỳ này là belle époque. Xã hội yên bình, buôn bán phát đạt, chinh phục dễ dàng, như vậy kinh Dịch gọi là cảnh địa thiên thái.
Thuận buồm xuôi gió nói lên cái lợi thế của người làm chính trị trong quãng thời gian nào đó, như Napoléon kể từ 1812 là bắt đầu hết thời kỳ địa thiên thái.

12.-- Bước vào ngõ bí: (quẻ Thiên địa bĩ) Ý kiến dân chúng ngược với chính phủ, việc làm của chính phủ không được dân chúng ủng hộ, như vị Tsar cuối cùng của dòng họ Romano vào những năm 1916, 1917. Mussolini lúc quân Đức Quốc xã tràn vào đất Ý, tổng thống Hoover (Hoa kỳ) trước khủng hoảng kinh tế trầm trọng năm 1929, như Trotsky trước vụ án Mạc tư khoa (Procès de Moscou). Soekarno sau vụ đảo chính của Cộng sản. Chính trị chỉ ra thóat ngõ bí với thái độ và hành động của tập đoàn Phạm Lãi, Văn Chủng và Việt Vương Câu Tiễn sau nhục nhã Cối kê là đoàn kết, nhịn nhục và cố gắng lấy lại sức mạnh.
Nếu hành động giống Tôn thất Thuyết, Nguyễn văn Tường và vua Hàm Nghi thì chỉ càng đi sâu vào ngõ bí.
Đầu trang

Hình đại diện của thành viên
Ngư Hóa Long
Tứ đẳng
Tứ đẳng
Bài viết: 944
Tham gia: 19:07, 01/06/09
Đến từ: Thái Bình Dương

TL: Điển tích bốc dịch!

Gửi bài gửi bởi Ngư Hóa Long »

13.-- Lúa chiêm gặp sấm: (quẻ Thiên hỏa đồng nhân)
Lúa chiêm phải có sấm động mới vuợt tốt lên. Khi Franco tiến quân về Madrid, nói với các báo rằng: "Tôi hiện có bốn đạo quân tiến đánh thủ đô, ấy là chưa kể đạo quân thứ năm đã nằm sẵn tại đó." Đạo quân thứ năm của Franco là hệ thống tăng lữ Thiên Chúa giáo, Giáo hòang Pie 12 chống lại chế độ Cộng sản. Ngòai ra Franco còn được phe Đức Quốc xã tận tình giúp đỡ.
Hitler thả sức một mình không thể đủ khả năng lật đổ cộng hòa Weimar, nhưng quyết định của Von Hindenburg, Tổng thống Đức đã như chất đạm do sấm làm tỏa xuống bón cho lúa chiêm quốc xã.
Kinh Dịch viết: Quân tử hòa nhi bất đồng. Thế thiên hỏa đồng nhân là thế mặc dầu có lực sẵn nhưng phải cần sự giúp đỡ bên ngòai, tuy nhiên đấy chỉ là chuyện mượn sức thôi, không thể bị hóa.

14.-- Mặt trời giữa đỉnh trời: (quẻ Hỏa thiên đại hữu)
Thời cơ cực thuận tiện, lòng người, sức mạnh đều dư dụ như Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ hai lần đem quân ra Bắc. Hãy tập trung vào mục đích và làm tới không để lỡ thời cơ. Nhưng hãy cẩn trọng vì mặt trời lên đỉnh trời là tới tuần đi xuống. Nếu không tiếp tục duy trì thì cán bộ sinh kiêu sa, lười biếng trong khi kẻ thù đang quyết chí tổ chức phá họai.

15.-- Trong kho lúa đầy thóc tốt (quẻ Địa sơn khiêm)
Lực thiệt mạnh mà thái độ rất khiêm hư để tranh thắng. Lấy bề cao của núi lớn mà đối với mức thấp của thung lũng. Ở địa vị lớn mà sử dụng kẻ dưới thì thái độ khiêm hư lúc nào cũng là thủ đọan đáng áp dụng nhất. Lối gào thét của Đức Quốc xã dọa nạt chỉ ăn được thời gian đầu, về sau bị thù ghét. Lối xâm nhập bằng chủ nghĩa, bằng mê hoặc, bằng ảo tưởng xã hội anh em nguy hiểm hơn. Tính kiêu hãnh khinh bạc của Trotsky nhổ nước bọt vào tay Staline khi Staline chìa tay ra chào Trotsky, tất nhiên phải thua tính tình nhẫn nhục, trầm lặng gan dạ của Staline.
Đầu trang

Hình đại diện của thành viên
Ngư Hóa Long
Tứ đẳng
Tứ đẳng
Bài viết: 944
Tham gia: 19:07, 01/06/09
Đến từ: Thái Bình Dương

TL: Điển tích bốc dịch!

Gửi bài gửi bởi Ngư Hóa Long »

16.-- Đắp lũy đào hào: (quẻ Lôi địa dư)
Mùa xuân tuy sấm chưa động lớn nhưng lộc cây cỏ đã nẩy ra trong lòng đất, giấc ngủ triền miên của mùa đông sắp hết, đó là lúc đòi hỏi sự chuẩn bị trên mọi mặt, những điều dự đóan, dự ngôn suy tính rất cần thiết. Lúc vừa thắng giặc, mải vui với chiến thắng người ta thường tự cho mình là tài giỏi hơn người nên quên mọi nguy hiểm có thể đưa dẫn đến đại bại. Napoléon đánh dấn tới Moscou mà quên mất mùa đông của nước Nga. Lúc vừa thất trận, bàng hòang với thua thiệt, người ta thường không dám nghĩ đến khả năng thắng trong tương lai. Cả hai tình trạng thiếu chuẩn bị, thiếu dự tri đều nguy hại như nhau.

17.-- Sấm dậy lỗi thời: (quẻ Trạch lôi tùy)
Đang ở thế chủ động, bị dồn vào thế bị động, muốn tự điều khiển cũng không được nữa, chẳng khác gì tiếng sấm giữa mùa thu, sấm vẫn lớn, nhưng cây lúa không cần nó nữa. Đấy là hòan cảnh của các lực lượng chính trị tại các nước nhỏ yếu trước những biến chuyển chính trị do các nước đại cường thao túng. Tất cả mọi họat động đều phải tùy thuộc một thế khác. Thỏa thuận Nga- Mỹ can thiệp quân sự của Mỹ tới Việt Nam đã biến Mặt trận Giải phóng miền Nam thành một lọai sấm dậy lỗi thời đang mạnh trở nên yếu.

18.-- Con ròi nằm trong ruột: (quẻ Sơn phong cổ)
Bên ngòai được che đậy bằng nước sơn tốt đẹp, bên trong đã bị mối ăn ruỗng. Tưởng Giới Thạch sau Thế chiến thứ Hai, đưa Trung quốc vào hàng tứ cường, kháng chiến thắng lợi, hội hoa đăng khắp nơi tưng bừng. Kỳ thực đồng quan kim mất giá nhanh như tên bay, nội bộ Quốc Dân đảng lục tục chia rẽ, khắp mọi cơ quan bị Cộng sản tiềm nhập phá họai. Chỉ một năm chiến tranh Quốc Cộng cái thế đại cường của Tưởng sụp đổ tan tành.
Con ròi nằm trong ruột là một điều rất đáng sợ đối với chính trị. Với cá nhân Tần Cối, cá nhân Thái Tể Bĩ đã làm cho Tống và Ngô mất nước dễ dàng. Bởi với vấn đề chấn chỉnh, tổ chức nội bộ bao giờ cũng là vấn đề hàng đầu của đấu tranh chính trị. Nhiệm vụ của người lãnh đạo là sớm phát hiện những mâu thuẫn, mâu thuẫn giữa ta và địch và mâu thuẫn nội bộ.

19.-- Lâm cơ ứng biến: (quẻ Địa trạch lâm)
Đường lối mượn gió bẻ măng. Có một chủ trương nhất định nhưng cũng có một sách lược khôn khéo lựa theo thực tiễn trước. Talleyrand đi hội nghị Vienne sau khi Napoléon bị lưu đầy. Nhiệm vụ của Talleyrand là làm sao cho nước Pháp vẫn giữ địa vị cường quốc mặc dầu Pháp bại trận. Muốn thế Talleyrand phải áp dụng thái độ tuyệt đối mềm dẻo có thể biến ra nhiều hình thù khác nhau.

20.-- Nhìn cơn gió lớn: (quẻ Phong địa quan)
Cơn gió lớn thổi mạnh làm mù trời mù đất, đó là lúc vạn sự nan hành, dấn thân họat động sẽ đem đến nhầm lẫn bước hụt. Tốt hơn hãy bình tâm tĩnh khí, kiên thủ cương vị cho qua cơn mù bụi. Nhìn tức là quan, ý nói chẳng những phải yên lặng còn phải kiểm thảo toàn bộ chính sách. De Gaulle thời kỳ đệ Tứ Cộng hòa bị hất ra ngòai, ông lui về ẩn một nơi để viết hồi ký, bồi dưỡng lực lượng, suy tưởng chính sách tương lai. Sau 14 năm ông xuất quân và thành lập đệ Ngũ Cộng hòa Pháp. Sắp thua ở Hoa lục, Tưởng Giới Thạch đẩy Lý Tôn Nhân ra làm Tổng thống để thân mình được rảnh gánh vác việc đảng, thu xếp căn cứ địa Đài loan.
Đầu trang

Hình đại diện của thành viên
Ngư Hóa Long
Tứ đẳng
Tứ đẳng
Bài viết: 944
Tham gia: 19:07, 01/06/09
Đến từ: Thái Bình Dương

TL: Điển tích bốc dịch!

Gửi bài gửi bởi Ngư Hóa Long »

21.-- Có một vật cần đập vỡ: (quẻ Hỏa lôi phê hạp)
Đây là một thế chính trị gặp chướng ngại vật len vào giữa và cần phải đập vỡ thì mới tiến đến mục tiêu. Tỷ dụ minh ước hợp tung của sáu nước khiến Tần không thôn tính được lục quốc, phải phá vỡ minh ước hợp tung mới mong xâm lấn thống nhất. Việt Câu Tiễn mê hoặc vua Ngô, vua Ngô có Ngũ Tử Tư can gián nên còn tỉnh táo, vì vậy phe Việt Câu Tiễn phải lập mưu giết Ngũ Tử Tư trước. Năm 1945 quân đội Trung hoa đóng ở Bắc vĩ tuyến là một chướng ngại vật ngáng giữa họng Việt Minh không cho nắm trọn chính quyền, quân đội Trung hoa cũng đồng thời là một chướng ngại vật trung gian không cho Pháp tiến vào miền Bắc. Việt Minh và Pháp đã thỏa thuận đập vỡ chướng ngại vật ấy bằng hiệp ước 9-3-1946.

22.-- Huy hòang của ngọn đèn tàn: (quẻ Hỏa sơn bí)
Thu sơn hồng diệp ánh tà dương, buổi chiều nắng xế rực rỡ nơi chân trời và sau đấy là đêm tối. Chính trị thấy hiện ra màu sắc giả dối này, cuộc cách mạng Pháp đã được báo hiệu bằng kim cương vàng ngọc hội hè tưng bừng của cuối triều vua Louis 16. Paris vào năm 1939 thật hoa lệ, các nhà lãnh đạo tin tưởng vào chiến lũy Maginot thừa sức ngăn chặn xâm lược Đức, nước Pháp mạnh hơn bao giờ hết. Nhiều chính trị gia trong cũng như ngòai nước bị lừa vì vẻ huy hòang ảo ảnh đó.

23.-- Núi sập: (quẻ Sơn địa bác)
Tình thế hết đường cứu vãn, trên thân hình con sư tử đầy những vết thương ròi bọ nhung nhúc, như chế độ Tsar hòang năm 1917 và Tuởng Giới Thạch năm 1949. Hitler sau khi thất trận tại Léningrad. An Dương Vương bị Trọng Thủy đánh cắp mất nỏ thần.

24.-- Đợi mùa xuân đến: (quẻ Địa lôi phục)
Do không khí tiêu trầm của 1905 tiến lên nhiệt náo hăng say của 1917. Lénine nhìn sự thất bại của cuộc nổi dậy 1905 để rút ra bao kinh nghiệm đấu tranh, ông hy vọng sự khôi phục, ông chờ đợi một mùa xuân nếu biết sửa đổi lối làm việc. Lénine coi cuộc đấu tranh 1905 như là việc phải học tập của những người muốn làm sử, ông căn cứ vào ưu khuyết điểm từ đấy mà suy nghĩ cho kế họach mới. Phải có 1905 Lénine mới nhận thấy rằng: vô sản công nghiệp đã đại bại vì không có quần chúng nông dân hưởng ứng cách mạng.
25.-- Trầm tĩnh mà nhận xét biến hóa: (quẻ Thiên lôi vô vọng)
Nữ văn sỹ Pearl Buck trong cuốn Good Earth có tả thảm cảnh của bác nông dân Vương Long đang tràn ngập hy vọng với lúa chín đầy đồng thì bỗng đâu bão táp đổ xuống, sau đến châu chấu kéo đến phá họai đồng ruộng. Có những lúc sự nghiệp chính trị cũng chịu chung một hòan cảnh với Vương Long, bị những thế lớn ở đâu sập đến làm bao xây dựng đổ vỡ. Trốn cũng chẳng được nào, vậy hãy bình tĩnh tiếp thụ hòan cảnh mới như bác Vương Long nhẫn nại tiếp tục chiến đấu.

26.--Tích thóc lúa vào trong vựa: (quẻ Sơn địa đại súc)
Trong Việt Nam sử lược, ông Trần Trọng Kim viết:
"May lúc ấy có một đấng anh hùng nổi lên, kéo cờ nghĩa để chống với giặc Minh, trong 10 năm ấy lại được giang sơn cũ, và xây đắp lại nền độc lập cho nước Nam. Đấng anh hùng ấy, người ở làng Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, họ Lê, tên là Lợi. Đã mấy đời làm nghề canh nông, nhà vẫn giàu có, lại hay giúp đỡ cho kẻ nghèo khó, cho nên mọi người đều phục, và những tôi tớ ước có hàng nghìn người... Ông giấu tiếng ở chốn sơn lâm, đón mời những kẻ hào kiệt, chiêu tập những kẻ lưu vong".
Bất cứ nghiệp lớn nào trước khi nó thành tựu cũng đều phải qua một thời gian dưỡng trí tích lực. Trước khi mở một chiến dịch tất cần điều nghiên và chuẩn bị.
Đầu trang

Trả lời bài viết