hysshu đã viết: 00:32, 14/01/22
1. Người ta hay nói các cường cung: Mệnh, Tài, Quan, Di, Phúc còn điền trạch là nhược cung. Thực tế trong cuộc sống ai cũng coi trọng vấn đề đất cát, nhà cửa vì có an cư mới lạc nghiệp. Nhiều nhà diện tích thì rất bé nhưng ở các thành phố lớn, ở vị trí đắc địa thì lại vô cùng đắt đỏ. Theo anh thì tại sao Điền không phải là cường cung?
2. Hóa Lộc hoặc Hóa Quyền ở cung Tật ách, theo anh có chỉ người đó háo danh, háo quyền? Lộc , Quyền trong trường hợp này có lẽ đóng ko đúng chỗ?
3. Người ta hay nói bất kỳ cái gì cũng có 2 mặt của nó. Sao Hóa Kỵ, Đà La thường mang tính xấu nhiều, tốt ít. Theo anh nếu có thể chỉ ra mặt tốt ít ỏi của Hóa kỵ, Đà La thì nó tốt ở điểm gì?
Mong có ý kiến của anh. Cảm ơn anh rất nhiều.
1. Theo mình nghĩ có thể là:
- Trong Tử Vi có 12 cung mà ngoài tam hợp Mệnh (Mệnh Quan Tài) rất trọng yếu ra thì còn có tam hợp Di Thê Phúc, tức có 6 cung được coi là quan trọng rồi. Nếu tính thêm các cung khác nữa thì nhiều cung được gọi là cường cung, thế không còn lại bao nhiêu nhược cung cả (cái gì mà nhiều quá thì mất đi tính trọng yếu). Huống chi, nếu tính Điền là cường cung thì Phụ Mẫu cũng có thể là cường cung vậy, hoặc con cái cũng quan trọng vậy.
- Một khi Di Thê Phúc tốt, đặc biệt là Mệnh Quan Tài tốt thì năng lực, công danh/sự nghiệp, tiền tài tốt thì chuyện nhà cửa đất đai tự nhiên mà có hoặc muốn thì có thôi. Còn điền trạch tốt mà Mệnh Quan Tài xấu thì dù ở trong nhà cao cửa rộng cũng chưa chắc làm chủ cơ ngơi ấy, biết đâu chỉ ở đợ/ở ké thôi.
- Để ý thấy 6 cường cung thuộc 2 tam hợp cung - có vẻ như người ta phân theo tam hợp cung kiểu nói gộp chung với nhau và giữa chúng có sự liên quan với nhau.
Thời xưa tam tứ đại đồng đường, nhiều thế hệ sống cùng với nhau, nên dễ sinh ra nhiều chuyện. Cung Điền khi đấy có thể dùng để xem thêm về những khía cạnh đó, chứ thời nay thì cung Điền chủ yếu dùng để xem nhiều ít, tốt xấu, khó dễ, sớm muộn, may rủi trong chuyện nhà cửa đất đai là chính.
2. Tật Ách = bệnh tật & tai ách. Bệnh thì là bệnh tình đau ốm; Tật là tật/vết, xa hơn thì là cái tính (như thói hư tật xấu); tai ách là tai ương họa hoạn. Theo đó mà suy ra, như sao ái tình ở vào Tật Ách thì có thể bị bệnh liên quan đến hệ sinh dục (tùy sao nào) hoặc dính bệnh tình dục, hoặc tai họa liên quan đến ái tình hoặc đau khổ về tình, hoặc có tính gì đó như ham mê sắc dục, v.v... . Lộc Quyền cũng thế, cứ theo tính chất mà suy ra, như Lộc là tài tinh thì có thể là sao cứu giải (có tiền thì có điều kiện để chữa trị được bệnh), hoặc vì bệnh tật làm hao tán tiền tài (nếu đi với nhiều sao xấu), hoặc vì tiền bạc mà mang họa/họa liên quan về tiền bạc, hoặc có “tật” gì đó với tiền bạc, v.v…
Tùy theo các sao đi cùng và cách cục lá số mà luận (suy luận).
Quyền Lộc vào cung Tật thì các cung khác không thể có được Quyền Lộc, nhất là tam giác Mệnh Quan Tài, nên cơ bản thì Quyền Lộc vào Tật là không đắc cách.
3. Kỵ Đà thuộc âm tính, ngoài tính thị phi, trì trệ ra thì mang tính ám muội, thâm trầm, thầm lặng, và một chút lì/bướng/ngoan cố/cố chấp (Đà). Những gì cần tính chất đó thì có thể tạm coi là phù hợp. Chứ kỳ thực Kỵ Đà khó móc ra điểm tốt. Dù sách cho rằng Kỵ vào cung Điền Tài thì tốt/giữ được của, hoặc Kỵ gặp Nhật Nguyệt tại Sửu Mùi làm cho Nhật Nguyệt được sáng sủa hoặc Kỵ đồng cung với Liêm Tham phản vi kỳ/giải được họa ngục hình, hoặc ngay cả “biến cảnh” của Thái Âm + Kỵ tại Hợi ... thì cũng chưa hẳn là như sách nói hoặc nó tốt không hẳn do Kỵ mang lại mà là do các sao khác đi kèm theo phía sau mà ra, như Thái Âm + Kỵ tại Hợi nếu tuổi Ất (Nguyệt hóa Kỵ) thì có Lộc Tồn + Quyền tại Mão tam hợp và Hóa Lộc xung chiếu, hoặc tuổi Tân tuổi Kỷ (Xương Khúc hóa Kỵ) thì Thái Âm có Xương Khúc trợ lực và Nhật Lương Quyền hoặc Khoa+ Xương Khúc hội, hoặc cách Nhật Nguyệt + Kỵ tại Sửu Mùi cũng thế. Còn Kình Đà sách nói nếu đắc địa thì hóa thành bút thần, đao thần gì đó, hoặc Đà La là âm kim cần âm hỏa của Linh Tinh luyện (Đà Linh) …